24.3.21

Ranh Con (1)

        A20 Nguyễn-Đại-Thuật.

       Tôi được lớn lên tại làng Phước-Ninh, thành phố Đà-nẵng. Tên làng Phước-Ninh là nơi chôn nhau cắt rốn của bên ngoại. Khi tôi được sinh ra thì làng cũng đã được đổi tên thành khu phố. Nhà cha mẹ tôi ở trong một kiệt mà sau nầy người ta đổi tên gọi là hẻm. Từ nhỏ, tôi sống gần gũi với cha nhiều hơn với mẹ.

Cha tôi chỉ có một tay và một chân. Chân phải cha tôi, từ gối trở xuống không còn. Tay phải bàn tay cũng không còn. Những buổi trưa nằm ngủ trên ngực cha và cha đưa võng bằng cây nạng gỗ chống xuống đất và khe khẻ hát ru tôi vào giấc ngủ:

 “...  Nhưng than ôi, có một chiều thu lá thu rơi... có một chiều thu lá thu rơi...ôm súng nhìn quê tôi... mơ trong bóng ngày về..... mơ trong bóng  ngày về...”

Thỉnh thoảng mấy dì và cậu của tôi nói chuyện với nhau, tôi nghe được: “Ba con Hóa lúc nào dỗ nó ngủ cũng hát bài nầy, buồn muốn chết.... mà đúng rồi, anh ấy bỏ làng bỏ xứ ngoài Bắc xa xôi trôi giạt vào đây... nhớ về làng cũ quê xưa cũng nên thương cảm anh ấy”.

Cha tôi ở nhà suốt ngày, đọc sách, học thêm tiếng Mỹ và đưa đón tôi đi học một trường mẫu giáo gần đấy và lo cơm nước trong nhà.

Mấy cậu tôi rất yêu quý cha tôi, vì ông hay chỉ thêm toán, mà mấy cậu tôi nói cha tôi giảng hay hơn ông thầy dạy toán ở trường. Cũng qua những câu chuyện của dì và cậu tôi được biết cha tôi là một người lính dưới thời ông tổng-thống Ngô-Đình-Diệm. Lúc đánh nhau với quân-đội ly khai Bình-Xuyên để giải vây thành-phố Sài-Gòn, cha bị thương... và cha được hưởng trợ cấp  suốt đời theo quy chế thương phê-binh. Cha được giải ngũ về sống với gia-đình người thân tại khu định-cư của người Bắc di-cư khu xóm đạo Tam-Tòa thành-phố Đà-Nẵng. Năm đó cha vừa mới 23 tuổi.

Lúc đó mẹ tôi là nữ trợ tá dân-sự đang làm việc trong một quân-y viện nhỏ, mỗi một tuần hai buổi đến nhà cha tôi để theo dõi vết thương tích cũ của ông. Rồi cha mẹ tôi yêu nhau.

Ông bà ngoại không chấp nhận cho hai bên cưới nhau với lý do không cùng tôn giáo và nhất là cha tôi bị thương tật, cưới nhau mẹ tôi sẽ khổ, chưa kể gia-đình cha tôi đang còn ở ngoài Bắc nên không biết được gốc gác đạo đức nền tảng gia-đình. Chính thức cha mẹ tôi không làm đám cưới, nhưng bên ngoại tôi vẫn đối xử không khe khắt khi cha mẹ tôi sống chung với nhau. Cha mua nhà ở khu phố Phước-Ninh nhờ tiền trợ cấp của chính quyền sau khi bị thương. Cha mở lớp dạy thêm cho những ai muốn học toán và ngôn ngữ Anh Pháp. Nghe nói thời còn đi học ngoài Hà-Nội, cha học trường Pháp nên tiếng Pháp cha rất giỏi. Lớp học tại nhà của cha có nhiều người trẻ theo học. Nghe nói mẹ tôi cũng học lớp dậy thêm của cha tôi vào buổi tối. Nhờ vậy, một năm sau ngày sống chung, mẹ tôi thi đỗ tú tài 2. Hai người đều cùng muốn có con sớm, nhưng ba năm sau vẫn chưa có đứa con nào chào đời. Mẹ tôi buồn tình, xin đi học khóa nữ sĩ quan trợ y. Ra trường mẹ về phục vụ trong Tổng-y-viện Duy-Tân Đà-Nẵng.

Năm thứ tám, kể từ ngày cha mẹ tôi sống chung, tôi được sinh ra. Sau một thời gian ngắn theo quy-định, mẹ tôi ở nhà săn sóc tôi được sáu thàng thì tiếp tục đi làm trở lại. Cha tôi gánh lấy trách nhiệm săn sóc tôi.

Chiến tranh trở nên khốc liệt, mẹ tôi ít khi có mặt thường xuyên ở nhà, đôi khi phải rời đơn vị phục vụ chính đến làm việc một nơi xa xôi nào đó, có khi cả tháng chưa thấy về nhà. Tôi lớn lên trong vòng tay yêu thương của cha nhiều hơn của mẹ.

Tôi còn nhớ có một hôm mẹ về nhà sau thời gian vắng nhà khá lâu, bất thình lình mẹ về nhà trên một chiếc xe jeep quân-đội. Xe đậu trước nhà và mẹ chạy nhanh vào nhà, lúc tôi đang ngồi nơi ngưỡng cứa, cha nấu ăn dưới bếp. Mẹ ôm tôi và hôn mặt, đầu, cổ, gáy và nâng tôi lên, mặt mẹ rạng rỡ, nói cười nhưng hai mắt đầy những giọt nước long lanh. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy cha và mẹ ôm nhau thật lâu. Dường như không ai nói lời nào với nhau, tôi như nghe thấy tiếng đập tim của hai người, cảm nhận thoát ra bao nhiêu là hơi nóng giữa hai cơ thể, giống như lúc mẹ tôi và tôi vừa ôm nhau. Tôi nhìn thấy có vài vết máu khô lỗ chỗ trên áo quần mẹ, bộ áo quần tôi nhớ mãi có màu lá gói bánh ú tro thường có trong ngày lễ mồng năm tháng năm âm-lịch hàng năm.

Mẹ dìu cha đi một vòng quanh nhà, chắc mẹ tìm lại những dấu vết yêu thương đã mất đi trong những ngày tháng vắng mặt. Chỉ chúng ba mươi phút sau, tiếng còi xe vang lên, cha mẹ lại ôm nhau, khi me quay lưng lại, mặt mẹ chừng như mếu. Mẹ ngồi xuống ôm tôi, lúc mẹ hôn, tôi đưa tay sờ lên cầu vai áo của mẹ, có hai cái nút màu vàng. Tôi hỏi:

        - Cái gì đây mẹ” ?

Mẹ không trả lời câu hỏi của tôi, có lẽ mẹ không nghe. Mẹ vội chạy ra xe. Cha tôi tiến ra cửa, nắm tay tôi, cả hai cùng vẩy tay chào mẹ. Khi xe của mẹ rời khuất tầm nhìn, cha cúi xuống nói với tôi:

        - Hai cái nút màu vàng trên hai vai của mẹ con là hai bông mai, chỉ danh cấp bậc trong quân-đội.

Năm sinh trong giấy khai sinh của tôi là năm 1968. Bốn tuổi tôi được đi học ở trường Bồ-Đề. Trường nằm trong khuôn viên một ngôi chùa và hàng ngày cha tôi chống nạng đưa đón tôi tại đây. Ở chùa nầy, thường xuyên tôi thấy dân chúng tập họp, đưa tay lên trời la to “Đả đảo Thiệu-Kỳ”. Có lẽ vì vậy mà cha tôi hay giữ tôi ở nhà. Ông thường nói với cô giáo là một ni-sư tôi bị bịnh. Ở nhà cha tôi dạy tôi học tiếng Pháp và ông hay nói tiếng Pháp với tôi. Thời đó, có lẽ tôi là đứa bé duy nhất trong khu phố Phước-Ninh biết đọc và nói tiếng Pháp so với bạn cùng tuổi ! Lúc đó, trong thành phố có trường Pháp, nhưng trường ở xa nhà, cha tôi không thể nào đưa tôi đến đó để học.

Hàng ngày, sáng chiều cha tôi đều có học trò đến học thêm. Những lúc cha tôi bận dạy học, tôi luẩn quẩn chơi một mình quanh nhà. Đôi khi theo mấy đứa nhỏ cùng xóm ra chơi ngoài đình Phước-Ninh. Đình bao phủ bởi một cây đa rất lớn, che mát cả sân đình .

Trước sân đình là một bình phong có hình tượng một con cọp trườn mình về phía

trước, miệng hả, có cái lưỡi đỏ hoét, hai chân trước đưa cao như đang muốn chụp ai để ăn thịt. Tôi hay chơi lò cò, nhảy giây, ném lon hay bắn bi với lũ bạn ngay trước sân đình. Tôi là đứa nhỏ nhất trong nhóm, nên thường hay bị bắt nạt xử thua hay xử phạt.

Có hôm, đang chơi trước sân đình, hai đứa bạn đánh nhau, con Út, bạn thân nhất của tôi, lớn hơn tôi mấy tuổi, can đám đánh nhau, nó la lớn:

        - Nhìn xem, ông cọp xuất ra khỏi tường để về rừng, chạy mau.. ông ấy sẽ ăn thịt. Nó kéo tay tôi cùng chạy. Về tới nhà, tôi ngồi tựa lưng vào bực thềm thở dốc. Khi hết mệt, tôi đứng lên đi vào nhà, quần tôi ướt bệt nước tiểu. Từ đó tôi không còn dám ra đình chơi nữa.

Cũng do con Út, buổi chiều sau khi chơi đánh nẻ ở nhà tôi, ró rủ tôi chiều hôm sau, ở trường về nó sẽ qua chơi lò cò với tôi. Chiều hôm sau tôi chờ mãi không thấy con Út qua. Tôi ngồi chờ con Út nơi cửa ra vào. Tôi ngủ gục nhiều lần. Cha tôi ngừng dạy, đưa tôi đi rửa mặt cho tỉnh ngủ, ông bảo hãy vào giường ngủ tiếp, tôi làm thinh đi ra sân.

Tôi lửng thửng đi qua nhà con Út. Sân nhà vắng hoe, cửa ra vào không đóng. Tôi đi vô nhà. Cửa phòng con Út mở, tôi nhìn vào không thấy nó. Tôi đi xuống bếp cũng không thấy nó. Có một cửa phòng đóng không kín, tôi mở cửa nhìn vào. một tiếng hỏi:

        - Ai đó ?

Phát ra từ giường. Chị hai con Út, ngực không có áo, ngồi dậy, nhìn thấy tôi, chị hét lên:

        - Ranh con, mi vô đây làm chi, ra khỏi đây ngay.

Rồi chị vẩy tay đuổi tôi. Chị lại nói tiếp:

        - Ranh con, đi ngay, còn đứng đó hả?

Cùng lúc ấy, đang nằm cùng chị là một người thanh-niên, mình trần chống tay ngồi dậy. Kinh hồn, tôi ù chạy về nhà. Mấy ngày sau tôi không dám ra ngoài sân, cứ sợ gặp chị hai con Út. Tôi cảm thấy như có một chút xấu hổ len lỏi nơi tôi.

Khi con Út trở qua chơi với tôi, tôi trách nó thất hẹn với tôi ngày hôm đó. Nó kể:  “Hôm đó nó và hai em nó vừa tan học thì chị hai nó chờ sẵn trước cống trường, chi nói có phim hay Việt-nam chiếu ở rạp Lido, chị đã mua sẵn vé cho ba chị em nó đi xem xuất cuối. Chị thuê bao xe xích-lô đưa đón chị em nó, chị bận, không đi xem chung được”.

Từ đó, mỗi khi gặp tôi, chị hai con Út mặt lạnh lùng gọi tôi là "con ranh" thay vì chị đã gọi trước đó "bé Hòa có nhớ mẹ nhiều không ?”. Trong xóm cũng có người bắt đầu gọi tôi là “con ranh con”, ngay cả con Út cũng có lúc gọi tôi như vậy. Có lẽ cha tôi nghe người ta gọi tôi “ranh con” nên hỏi tôi đã làm gì để người ta gọi như vậy. Tôi im lặng.

Trong một chuyến về phép, mẹ tôi mua cho tôi một con búp bê biết nhắm mắt mở mắt, biết khóc khi được vỗ vào lưng. Tôi đang ngồi chơi với con búp-bê ngoài cửa, có mấy đứa nhỏ trong xóm đi ngang qua, tôi khoe con búp bê, rồi chúng chạy tản mác khắp nơi, miệng la lên: “con ranh con” có con búp bê biết khóc. Mẹ tôi nghe được, gặng hỏi, tôi đã làm gì bọn con nit gọi tôi như vậy. Tôi chỉ mếu rồi khóc. Mẹ kéo tay tôi vào nhà, hỏi cha, cha chỉ lắc đầu. Mẹ tôi có vẻ tức giận, cắn môi. Mấy ngày sau, tôi mặc chiếc áo đầm mới, đang đứng ngoài sân chờ cha mẹ cùng đi ăn nhà hàng. Có tiếng chị hai con Út từ bên ngoài hàng rào dâm bụt hỏi vào:

- Con ranh con, đi đâu mà mặc đồ đẹp rứa ? "

Cùng lúc mẹ tôi trong nhà bước ra, đi nhanh ra ngõ chạy theo chị hai con Út.

Mẹ gọi to:

- Chị kia, con tôi đã làm gì chị mà chị rủa nó là ranh con ? Nó còn nhỏ, có

gì sai trái chị nói vợ chồng tôi dạy nó....

Chị hai con Út trả lời:

- Tôi gọi vậy, có sao không ? Chị muốn biết thì hỏi con gái của chị !

Mẹ chạy theo kéo giật tay chị hai con Út:

- Chị đùng có ngang ngược, hãy trả lời câu hỏi của tôi.

-  Buông tay tôi ra, chị đừng ỷ thế là nữ quân nhân, ức hiếp người khác.

Chị hai con Út vừa nói lớn tiếng, vừa vung tay ra khỏi tay mẹ. Đám đông trong xóm bắt đầu tụ tập lại xem. Cha tôi từ trong nhà chống nạng bước ra, đến bên mẹ, nắm tay mẹ kéo về hướng tôi đang đứng nước mắt đang chảy:

        -  Hãy dẫn con mình đi ăn, trễ rồi, thường ngày giờ nầy nó đã ăn tối rồi.

Trên đường đi đến quán ăn, mẹ lầm lì không nói lời nào. Bất đầu từ ngày hôm ấy, tôi không còn ham muốn ra chơi cùng bạn trong xóm. Những giờ dạy thêm tiếng

Pháp của cha, cha sắp tôi cùng ngồi chung bàn với mấy anh chị đến học. Hai cha con tôi nói tiếng Tây với nhau, các anh chị trong buổi học cũng cùng nói tiếng Tây với cha con tôi. Và lớp học tiếng Pháp, ngày càng có nhiều người đến học. Nhưng chỉ vài tháng tiếp theo, lớp dạy thêm của cha bắt đầu váng người. Tôi nghe được từ cha và những người bạn của cha, chiến tranh lan tràn khắp nơi và khốc liệt. Vài người bỏ học để vào lính. Vài người bỏ học vì gia-đình có thân nhân chết vì bom đạn hay bị giặc bắt đi. Tôi lại bắt đầu rong chơi trong xóm vì lớp tiếng Pháp của cha không còn ai học, họ chỉ học môn toán.

Con Út lại rủ tôi qua nhà nó chơi, tôi lắc đầu. Nó biết tôi sợ chị hai của nó. Nó nói:

     - Ranh con đừng sợ, chị hai nó đi xa rồi. Tôi cũng lắc đầu.

Mẹ tôi lại được thuyên chuyển về làm việc tại Tổng-y-viện Duy-Tân vào mùa hè năm 1972.  Mẹ có điều kiện về nhà thường xuyên hơn vào những ngày không có phiên trực.

Mẹ và cha thường nói chuyện với nhau về chiến tranh đang lan rộng, binh lính hai bên đánh nhau bị thương đều đưa về chữa trị nơi mẹ làm việc. Bệnh-viện dân sự cũng đầy người. Người chết không đủ hòm để chôn. Trong xóm tôi bắt đầu có nhiều gia-đình lạ đến ở. Họ là những người chạy trốn chiến tranh. Con nít trong xóm đông hơn.  Cha tình nguyện đi dạy cho những trẻ em trốn chiến tranh sống trong khu phố. Nhà vắng, tôi ra đường, bắt đầu chơi lại với lũ bạn cũ trong xóm. Bây giờ có thêm những người bạn nhỏ trốn chiến tranh mới đến, và "con ranh con" được nhiều người bạn mới đến gọi tên. Tôi lại có dịp lang thang theo những bạn mới, cũ xuống chơi tận sông Hàn.

Những bạn cũ của tôi không ai biết bơi, nhưng những bạn mới của tôi bơi rất giỏi.

Chúng tôi thường tụ tập trên cầu tàu trước Tòa-Thị-Chính nhảy xuống sông để tắm.

Lúc đầu tôi sợ; chỉ đứng rửa chân trong bờ, nhìn mấy bạn mới bơi ra xa tôi rất thích, kêu la khuyến khích khi chúng bơi đua. Con Út nghe lời mấy bạn mới đi bắt chuồn chuồn cho cắn rốn đẻ biết bơi. Nó và tôi để chuồn chuồn cắn rốn. Mấy ngày sau rốn tôi bị làm độc. Mẹ tôi xức thuốc và biết được nguyên nhân rốn sưng, mẹ đánh mấy phát vào mông đau điếng. Mẹ cấm đi tắm sông. Cấm đi xuống sông Hàn. Ông ngoại có lần nói chuyện với cha:

        - Nước sông Hàn bên ni sông chảy chậm, nhưng qua bên kia sông, Hà-Thân nước cháy siết, rất nguy hiểm.

Thời tuổi của tôi lúc đó, người ta gọi bên kia sông Hàn là Đông-Giang. Tôi quên lời ngăn cấm của mẹ và những cái phát đau điếng vào mông, tôi lại theo con Út đi tắm sông Hàn. Không biết có phải nhờ chuồn chuồn cắn rốn mà tôi và con Út biết bơi rất nhanh. Có những ngày lũ trẻ chúng tôi bơi ra giữa sông, dọc theo cạnh sườn những chiếc phà chở khách qua lại trên sông. Tôi và con Út hay xuống bến Mía, lên phà đi lậu qua Đông-giang rồi đi lậu trở về.

Đôi khi hai đứa tôi lượm được những khúc mía rất ngon người ta bỏ lại nơi bến Mía. Ăn không hết, hai chúng tôi ôm về cho mấy đứa bạn trong xóm.

Một hôm, tôi và con Út tắm sông xong, hai đứa lên ngồi nơi ghế đá trên bờ, cạnh cầu tàu. Có một căp vợ chồng người Pháp dẫn theo một đứa con trai đi dọc bờ sông, tiến ra cầu tàu. Thằng Tây con vung vẩy trên tay một cái túi xách vải. Bỗng tôi nghe mẹ nó la lên bằng tiếng Pháp:

        - Trời ơi, cái túi xách của tôi !

Tôi nhìn thấy cái túi xách vải trôi nhanh xa bờ. Hai vợ chồng người Pháp quay quắc một cách thất vọng nhìn theo cái túi xách đang trôi. Tự nhiên tôi đứng lên chạy ra cầu tàu nhảy xuống sông, bơi nhanh theo cái túi xách đang trôi. Tiếng hai vợ chồng người Pháp gọi theo:

        - Đừng… đừng... em bé... hãy quay vào ! ".

Tôi không quan tâm đến lời của vợ chồng người Pháp. Tôi gắng bơi nhanh như khi bơi đua với con Út, và tôi chụp được cái túi xách.

Tôi bơi trở vô cầu tàu. Người đàn ông Pháp cúi xuống nắm tay tôi kéo lên. Bà vợ ông ấy nhận cái túi xách từ tay tôi, cám ơn rối rít. Bà nói:

        - Tất cả giấy tờ cá-nhân của tôi đều trong túi xách nầy, may quá nhờ em. Người đàn ông Pháp nhắc thằng con cám ơn tôi. Tự nhiên tôi nói tiếng Tây với nó:

        - Tên của mình là Hòa, bạn có biết bơi không?

Nó lắc đầu và nói:

        -  Tên của mình là Cédric.

Người đàn ông Pháp hỏi tôi:

        - Em học lớp mấy trường Pháp vậy. Tôi dạy ở đó nhưng chưa hề thấy em ?

Tôi trả lời:

        - Tôi không có học trường Pháp, tôi học ở nhà với cha tôi.

Người đàn bà Pháp mở to hai mắt nhìn ông chồng có vẻ ngạc nhiên. Ông chồng chỉ gật gật đầu. Ông chỉ tay qua bên kia đường, ông nói:

        - Sau lưng khách sạn là nhà của chúng tôi, em đến nhà chúng tôi lấy áo quần khô để thay.

Ngay lúc đó, thằng Cédric nắm tay tôi và con Út kéo qua đường.

  Những tháng ngày sau đó, tôi và con Út thường đến nhà thằng Cédric chơi, tôi phải làm thông dịch cho con Út. Khoảng bốn giò chiều, cha mẹ Cédric thường cho ba chúng tôi ăn bữa ăn nhẹ mà người Pháp gọi là gouter. Bánh qui, sô-cô-la hay bánh mì với pho-ma đầu bò. Những thứ ăn lạ mà lần đầu tiên tôi được ăn. 

Nhiều lần sau đó, cha của Cédric hay ghé nhà thăm cha tôi và tặng cha tôi rất nhiều sách tiếng Pháp. Tôi nhận thấy cha tôi và cha của Cédric như hợp ý nhau, lúc nào gặp nhau cũng nói cười vui vẻ bên tách cà-phê, không muốn rời nhau.

                                            ************

Sau tết dương-lịch năm 1975, những bữa cơm tối có mẹ ở nhà, cha mẹ tôi không vui, hai người hay nói về tình-hình cuộc chiến đang diễn tiến không có lợi nhiều cho chính phủ VNCH. Cha mẹ tôi rất lo âu. Trong ngày cha hay ngồi yên lặng hút thuốc và hút liên tục, mùi thuốc lá làm tôi khó chịu. Tôi đem dấu đĩa gạt tàn, cha không nói gì ra ngồi ngoài bực thềm cửa tiếp tục hút. Tiếng súng nổ càng ngày càng nghe rõ hơn, gần hơn. Âm thanh sinh hoạt trong xóm dường như cũng chạy trốn đâu mất. Rồi mấy ngày liên tiếp đạn pháo kích nổ vang trong thành phố. Người dân báo cho nhau biết nơi nầy có người chết, nơi kia có nhà cháy. Rồi người ta ùn ún đóng cửa bỏ nhà đi. Người ta nói quân giải phóng đã tiến gần đến thành phố. Cha đóng cửa ngồi ôm đầu, quên cả nấu cơm. Thỉnh thoảng cha nói trong hơi thở dài buồn nản: “Không biết mẹ con có sao không ?”

Rồi mẹ trở về nhà trong đêm, ngồi gục đầu xuống bàn khóc. Mẹ nghẹn ngào:

        - Họ đã chiếm thành phố rồi !

Cha nắm hai tay mẹ, nước mắt cha chảy dài xuống má.

Trưa ngày hôm sau, có tiếng loa kêu gọi mọi người đều ở yên trong nhà, không được ra khỏi nhà, không tuân lệnh quân Giải phóng sẽ bắn. Tôi hé cửa nhìn ra ngoài, người cầm loa kêu gọi là chị hai con Út, đầu đội nón tai bèo, vai mang súng AK, tay cầm loa cùng đi với vài người khác cầm gậy và cờ hai màu xanh đỏ có ngôi sao vàng.

Vài ngày sau, chị hai con Út vào nhà tôi rất sớm, lúc tôi còn đang nguủ. Tiếng xôn xao ngoài cửa làm tôi tỉnh dậy chạy ra xem. Chị hai con Út nay đeo súng gắn, có hai thanh niên mang súng AK hộ-tống. Cha mẹ tôi đang đứng trước cửa. Chị hai con Út đọc một tờ giấy nhỏ: “Ủy ban cách mạng mặt trận phường mời bà Cao-thị-Vân đến văn phòng làm việc”. Mẹ tôi nhận tờ giấy trên tay chị hai con Út, rồi im lặng đi theo. Không biết vô tình hay cố ý, khi bước ra khỏi cửa, mẹ vứt tờ giấy xuống đất. Cha ngồi bệt xuống thềm cửa, dường như cha không còn đủ sức chịu đứng trên một chân còn lại và cây nạng.

Tôi nhặt tờ giấy lên xem. Người ký tên bên dưới: “Trưởng ban an-ninh phường Lưu thị Yến ". Yến là tên của chị hai con Út.

Chiều tối, không thấy mẹ về, cả ngày cha nằm liệt trên giường. Tôi đi ra ủy-ban phường tìm mẹ. Vừa thấy tôi, chị hai con Út nói ngay:

        - Ranh con về đi, muốn tìm mẹ hãy ra ủy ban cách-mạng thành phố mà hỏi.

Lầm lũi trở về, tôi gặp con Út, tự nhiên tôi òa khóc tức tưởi. Con Út cũng rơm rớm nước mắt. Dường như nó hiểu chuyện, nó nói nhỏ vừa đủ nghe:

        - Mẹ mi là trung-úy, chiến sĩ gái Ngụy nên bị đưa cải tạo rồi.

Chừng hơn một tháng sau, cũng chị hai con Út đến nhà tôi với hai thanh-niên hộ tống cũng đọc giấy mời cha tôi lên ủy ban phường làm việc. Cha tôi lặng lẽ đi theo họ, vừa chống nạng đi vừa quay lại nhìn tôi. Tôi khóc chạy theo cha tới ngõ thì chị hai con Út ra lệnh cho hai thanh niên hộ tống kéo tay tôi lôi ngược vào sân. Tôi nghe tiếng chị hai con Út nói:

        - Ranh con, câm cái miệng lại.

Buổi chiều, không thấy cha về, tôi lững thững ra ủy-ban phường tìm cha. Thoáng thấy tôi, chị hai con Út nói:

        - Ranh con về đi, cha mi giao tiếp làm tình báo cho Tây, muốn tìm cha thì lên ủy ban cách mạng thành phố mà hỏi.

Tôi ở trong nhà mấy ngày, không ăn uống gì hết. Mọi người xung quanh nhìn tôi với thái độ dè dặt và xa lánh. Ông bà ngoại và cô dì chú bác của tôi nghe nói đã di tản vào Sài-gòn. Tôi lần mò ra Tam-Tòa tìm người thân của cha. Cả khu không còn thấy ai, nhà cửa bị đập phá và bị đốt cháy. Tôi không tìm đâu ra được người thân quen, tôi nhớ đền thằng Cédric và cha mẹ nó. Tôi leo lên mấy bậc thềm đá khá cao, nhà nó có tường bao quanh, trong thành có nhiều gia-đình người Pháp sống tập trung. Tôi thấy trước cổng vào có mấy người thanh-niên trên tay quấn khăn đỏ đứng gác. Tôi do-dự không biết những người nầy có cho vào không thì đúng lúc cha của thằng Cédric đi đâu về, trên tay xách mấy túi nhỏ, tôi nhìn có mấy nhánh rau tươi, chắc ông đi chợ về.

Nhìn thấy tôi, ông đưa một túi nhỏ bảo tôi xách đi theo ông . Những thanh niên đứng gác không hỏi gì khi hai chúng tôi đi vào.

Thằng Cédric không có ở nhà. Cha mẹ nó cho nó về Pháp thăm ông bà nội ngoại trước ngày Giáng-sinh, dự định sau tết dương-lịch sẽ trở lại Việt-nam đi học tiếp, nhưng người thân của nó tạm thời giữ lại vì thấy tình-hình chiến sự Việt-nam quá căng thẳng.

Mấy ngày sau cha mẹ Cédric nhờ một bà Việt-nam có chồng Pháp đưa tôi về nhà. Nhà tôi đã bị chiếm, nhiều thanh-niên thiếu-nữ trên cánh tay có đeo băng đỏ, có người mang súng ra vào tấp-nập. Một băng vải màu đỏ treo ngay trước cổng: “Trụ-sở thanh-niên phường".

Người đàn bà nắm tay tôi kéo đi khi tôi dự tính đi vào nhà. Bà nói:

        - Nhà con đã bị họ chiếm rồi, không vào được đâu.

Một sự uất nghẹn chận nơi cổ tôi và nước mắt tôi trào ra. Tôi lầm lũi đi theo bà . Đang là buổi trưa, tôi cảm nhận như đang đi giữa chốn không người.

Cha mẹ Cédric giữ tôi luôn tại nhà. Không có hai ông bà, tôi chẳng biết về đâu .

Một buổi sáng, mẹ của Cédric đi đâu trở về nhà thật sớm. Bà gọi tôi vào phòng riêng, bà nói:

        - Tình trạng của con hiện nay rất khó khăn. Cha mẹ con bị người ta bắt giữ rồi.

Thân nhân của con không biết đang ở đâu, con không thể sống một mình như thế nầy được. Chúng tôi không còn được phép lưu trú tại đây nữa, trong một hai tuần tới chúng tôi sẽ bị chính quyền mới trục xuất về nước. Giờ nầy con hãy trả lời câu hỏi của tôi:

        - Con muốn theo chúng tôi về Pháp không?

Tôi gật đầu đồng ý. Tôi không biết nước Pháp ở đâu, tôi chỉ biết thằng Cédric đang ở đó, nó là thằng bạn còn lại của tôi. Những người bạn nhỏ trong khu xóm của tôi trước đây, giờ nhìn tôi không còn thân-thiện. Tôi không đi, tôi ở lại thì tôi ở với ai? Mấy tháng nay cha mẹ Cédric đã nuôi và cư xử với tôi như cha mẹ tôi. Tôi bật ra tiếng khóc và cổ tôi nghẹn lại. Mẹ Cédric dắt tôi vào bàn trang sức của bà. Bà cắt tóc tôi thành tóc con trai. Bà lấy từ túi xách của bà, cái túi xách mà thằng Cédric đánh rôi xuống sông Hàn ngày nào mà tôi đã nhảy xuống nước bơi theo vớt lên, một chai thuốc nhuộm tóc. Bà xịt thuốc lên tóc tôi. Tóc tôi trong chốc lác từ đen

biến thành vàng hoe, giống màu tóc thằng Cédric. Mái tóc của một đứa con trai. Mẹ của Cédric bảo tôi:

        - Từ nay đến ngày rời nhà, tôi không được ra ngoải tiếp xúc với người chung quanh.

 Tôi lại được mặc áo quần của thằng Cédric, nhìn vào gương, tôi không nhận ra tôi, một người rất xa lạ mà lần đầu tiên tôi mới gặp được. Tự nhiên tôi nhớ đến bức bình phong có hình con cọp trước đình Phước-Ninh, tôi sợ hãi và tôi thấy tôi trong gương lạ như lần đầu tiên thấy hình con cọp.

Rồi ngày đi cũng đến. Buổi sáng sớm có hai chiếc xe ca chở khách dừng dưới đường bên phía bờ sông. Vài gia-đình đã lên xe và nhiều gia-đình còn sắp hàng chờ đến phiên mình. Có vài thanh niên và thiếu nữ đeo băng đỏ và tay cầm súng AK lăng-xăng tới lui.

Toán kiểm soát không gọi tên từng người trong gia-đình để lên xe, họ chỉ đếm số người trong mỗi gia-đình. Gia-đình cha mẹ Cédric đủ ba người để lên xe. Lòng tôi thật bồi hồi xúc động, tôi nhớ đến cha mẹ, tôi tủi thân nhưng cố ngăn nước mắt và tiếng uất nghẹn trào ra cổ họng. Tôi sợ người ta chú ý đến mình. Trên xe mọi người yên lặng, tôi có thể nghe được tiếng đập của tim mọi người hòa cùng tiếng sóng vọng lên từ bờ của con sông. Xe lăn bánh, tôi cúi đầu nhìn xuống sàn xe, tôi sợ nhìn thấy Đà-Nẵng trong tôi lần lượt mất dần đi trên suốt đoạn đường xe đi qua.

************ 

Ba mươi lăm năm sau, tôi và chồng tôi Cédric trở lại Việt-Nam. Nơi chúng tôi đến là Đà-Nẵng. Hai chúng tôi làm việc trong phái bộ y-tế Pháp về chương trình trao đổi giữa hai chính phủ Việt-Pháp ngăn ngừa, chữa trị phòng chống ung-thư. Hai chúng tôi chọn Đà-Nẵng vì nơi đó hai chúng tôi được sinh ra và lớn lên, đã sống một phần tuổi thơ ở đó.

Thành phố thay đổi rất nhiều, những chứng tích ngày xưa của thành phố trong tôi có nhiều nơi đã biến mất. Tôi trở thành một du khách vừa đặt chân đến một vùng đất mới.

Tôi rời nơi cư ngụ, lần về nơi nhà cũ của cha mẹ ngày xưa. Một căn biệt thự được thay thế, có tường gạch bao quanh. Tôi cố mường tượng ra hình ảnh ngôi nhà cũ và tôi thấy lại hình ảnh cha tôi ru võng cho tôi ngủ, đưa võng bằng cây nạng gỗ chống xuống nền đất... và mẹ tôi xức thuốc vào rốn rồi đánh mấy phát vào mông khi biết tôi cho chuồn chuồn cắn rốn để chóng biết bơi. Tôi ứa nước mắt. Tôi đi một vòng trong xóm, tất cả đều thay đổi. Tôi không nhìn thấy một ai quen biết và chỉ cầu mong có một ai đó nhận ra tôi. Chỉ có ngôi đình Phước-Ninh là không thay đổi. Vẫn tịch mịch như xưa. Con cọp vẫn còn trườn mình trên bình phong. Tôi không còn sợ hải, tôi thấy nó thân yêu và gần gủi vô cùng. Tôi đưa tay xoa nhẹ đầu cọp, tôi lại nhớ đến con Út, nước mắt tôi lại trào ra.

Một tối chúa nhật, vợ chồng tôi đang ngồi ăn trong một nhà hàng thì có một đôi vợ chồng trẻ đi vào thẳng bàn của chúng tôi. Họ không ngồi vào bàn ăn và do dự như muốn gặp chúng tôi. Tôi cười và chào họ. Người đàn bà chào lại và nói ngay:

        - Tôi biết bác sĩ là người Việt học bên Pháp, mới qua làm việc cho chính phủ chúng tôi ở khoa chống ung-thư. Hơn mười ngày nay, tôi có thằng con trai bốn tuổi được bác-sĩ ở bệnh-viện bác sĩ hiện đang làm việc cho biết cháu bị ung-thư não, hiện con tôi đang được điều trị ở đó. Nhưng bác sĩ nầy họ đòi hỏi chúng tôi đóng nhiều chi phí cho bịnh viện quá nhiều, những phí khoản mà bịnh viện không đòi hỏi. Vợ chồng tôi đă cầm cố căn nhà đang ở cộng với sự đóng góp của bà con trong gia-đình cũng không đủ.

Vợ chồng tôi chỉ có đứa con duy nhất nầy, tương lai sẽ không có đứa thứ hai vì buồng trứng của tôi đã bị cắt bỏ vì chứng ung thư. Biết bác-sĩ là người nước ngoài, đến giúp nước chúng tôi trong tinh thần thiện nguyện, không như bác sĩ của nước chúng tôi, họ chỉ chữa trị cho bịnh nhân khi bịnh nhân đóng tiền riêng cho họ, không những thế, họ viện ra nhiều nguyên nhân khác để bịnh nhân đóng thêm tiền.... tôi van xin bác sĩ, cứu con tôi và gia-đình tôi. Chúng tôi mang ơn bác-sĩ nhiều lắm.

Nói xong, người đàn bà chấp tay vái tôi, người đàn ông cũng làm theo. Người đàn bà đưa tay chùi nước mắt, rồi áp hai tay vào ngực như đè nén cảm xúc của mình. Tôi ngỡ ngàng và bối rối trước hành động của người đàn bà. Tôi vắn tắt dịch lại câu chuyện cho Cédric biết. Cédric chỉ tay vào hai ghế trống cùng bàn mời hai người nầy ngồi, họ từ chối quay đi ra cửa, tôi nhìn theo thấy họ có vẻ sợ sệt một cái gì đó. Tôi không kịp nói với họ một lời nào theo cầu xin của họ.

Sáng hôm sau tôi vào bịnh viện sớm hơn thường lệ. Người đàn bà tối hôm trước ở nhà hàng ăn đã ngồi sẵn ngay cổng vào. Phá thông lệ, tôi đi thăm tất cả những bịnh nhân đang được điều trị trong khu ung-thư, và tôi đã gặp được bịnh nhân bốn tuổi tên Hội, con của đôi vợ chồng hôm trước. Sau khi đọc hồ-sơ bệnh án của Hội, tôi thảo luận với Cédric và đồng nghiệp Viêt-nam về ca của Hội, ung thư não mới vừa phát triển, chưa cần thiết phải nằm điều trị tại bịnh viện.... cho điều trị tại nhà và đến bịnh viện tái khám theo định kỳ.

Nửa năm sau, khối u ung-thư não của bé Hội biến mất, cha mẹ của bé vui mừng đến thăm vợ chồng tôi tỏ lòng cám ơn. Cha của bé Hội đòi thưa vị bác-sĩ đầu tiên ở bịnh viện đã nhận tiền để chữa trị cho bé. Đúng ra, trong thời gian nầy, bộ y-tế Pháp đã tài trợ cho y-tế Việt-nam chữa trị ung thư trong năm năm, bịnh nhân không phải trả tiền.

Vị bác sĩ nầy buộc lòng phải hoàn trả lại tiền cho cha mẹ bé Hội và hai người đã chuộc căn nhà.

Cha mẹ bé Hội mời vợ chồng tôi đến nhà dùng cơm, tỏ lòng biết ơn. Nhà của đôi vợ chồng nầy trong khu phố Tam-tòa. Trở lại nơi xưa cha mình đã từng sống, tôi bồi hồi xúc động. Thời xa xưa ấy, với tuổi thơ của mình, tôi không nhớ lại gì nhiều, chỉ nhớ lần sau cùng lầm lũi về đây sau khi cha bị bắt, nơi nầy bị phá sập và bị cháy, không còn ai ở đây. Ngày nay khu phố được xây lại khang trang. Nhà cha mẹ bé Hội không xa ngôi nhà thờ. Tượng Đức Mẹ vẫn còn. Tôi cảm thấy mặt Mẹ không được vui !

Sau bữa ăn tối, đang là mùa hè, vợ chồng tôi đi bộ về nhà, mặt trời vẫn còn le lói sau những hàng cây. Khi đi qua khỏi dốc Cầu Vồng, tự nhiên Cédric dừng lại nhìn vào một người đần bà đang đứng nói chuyện với một người đàn ông ngồi trên xe hai bánh, máy đang chạy, có thể người đàn bà đang nói chuyện với người xe ôm. Cédric nắm tay tôi hỏi:

        - Em có nhìn thấy người đàn bà kia mình đã gặp ở đâu rồi không ?

Vừa nói vừa hướng mặt về người đàn bà và người xe ôm. Tôi khựng lại và gọi lớn: 

        - Út, Út, có phải Út đó không ? 

Người đàn bà nhìn về hai đứa tôi, đôi mắt mở to như suy nghĩ một chút rồi vội nhảy lên ngồi sau yên xe ôm... chiếc xe chạy ngược chiều hai chúng tôi một khoảng cách ngắn, người đàn bà còn quay mặt lại nhìn. Cédric nói đã nhận ra Út, không có lầm lẫn chút nào. Tôi cũng xác nhận, tôi đã nhận ra Út, không lầm lẫn chút nào.

Trên đoạn đường còn lại về nhà, hai đứa tôi tự hỏi  không biết lý do nào Út đã lẫn tránh.

Phân khoa ung-thư của bệnh viện tổ chức kỷ niệm hai năm ngày thành lập. Thời gian đi qua thật nhanh. Chỉ còn hơn một tháng vợ chồng tôi trở về Pháp và sẽ có bác sĩ Pháp khác qua thay thế. Tại buổi lễ, có nhiều cán-bộ trong chính quyền thành-phố tham-dự. Sau phần giám-đốc bịnh-viện sơ lược lịch-sử phân khoa ung-thư được thành lập với phần tài trợ của bộ y-tế Pháp, người điều khiển chương-trình giới thiệu thành-phần cán-bộ và nhân viên y-tế tham dự... và tôi đã nghe và tôi không tin vào tai tôi... tôi đã nhìn thấy và tôi cũng không dám tin sự thật cái nhìn thấy của tôi... Một người đàn bà đứng lên, tay chống gậy quay mặt về những người tham dự với dáng điệu không bình thường, cây gậy rơi khỏi tay bà, một người ngồi cạnh nhặt cây gậy rồi nắm lấy cánh tay của bà để đầu gậy vào lòng tay bà. Bà run run cầm lấy đầu gậy, đưa một bàn tay xòe ra vẩy qua vẩy lại chào... trong khi âm thanh vang lên:

    - "Bà cựu cán bộ an-ninh phường Phước-Ninh, cựu ủy viên an-ninh thành-ủy thành phố Đà-Nẵng...  Lưu thị Yến”

 Có tiếng vỗ tay... nước mắt tôi trào ra, cổ tôi nghe như có cái gì chận hơi thở của tôi. Người đã bắt mẹ tôi, người đã bắt cha tôi hơn ba mươi năm trước, đang đứng trước mặt tôi. Tôi ..phải làm gì đây ? Tôi khoanh tay ôm lấy ngực để cố ngăn một lời nguyền rủa trào ra.

Tôi lấy lại bình-tĩnh, tránh không cho Cédric nhìn thấy. Cô y-tá phụ trách thông dịch của phân khoa ung-thư ngồi giữa tôi và Cédric nói nhỏ vào tai tôi:

        - Vài năm trước đây, bà nầy giữ chức ủy viên an-ninh thành ủy bị một thanh-niên tấn công xịt hơi cay làm mù hai mắt trước sân nhà... thanh-niên nầy khộng bị bắt. Sau nầy anh ta từ Mỹ gởi thơ về cho bà ta, buộc tội bà trước đây đã vu cáo cha và chị của người nầy làm tình báo cho Mỹ, sự thật hai người nầy chỉ làm thông dịch trong bộ phận cơ quan viện trợ Mỹ, Usaid.

Bà đã bắt hai người nầy... rồi mất tích luôn.... để bảo vệ cho bà, sau nầy chính-quyền thành phố đã cho xây tường quanh nhà... trong thư người thanh-niên này còn viết, rất tiếc là ngày hôm đó anh không có súng và hẹn một ngày khác anh sẽ trở về với cây súng.

 Người thông-dịch còn nói:

        - Tin-tức nầy nghe được từ đài nước ngoài. Nhưng họ không nói đến căn nhà bà đang ở là do chiếm đoạt của cặp vợ chồng, vợ là một nữ sĩ quan trợ tá quân-y, chồng là thương phế binh chính quyền cũ, mất một chân, mất một tay... Bà ấy đã bắt họ đi tù, nghe nói bỏ lại đứa con gái và sau đó con bé nầy cũng mất tích.

Tôi muốn hét to lên cho vỡ tan lồng ngực, cho thoát ra, cho bay cao lên thấu trời xanh nỗi hận, nỗi đau tột cùng tàng trữ trong máu trong da thịt tôi, cho tan biến, tôi không muốn còn là tôi nữa. Tôi muốn rời bỏ hội trường. Hai chân tôi nặng trĩu như dính chặt vào ghế, vào nền nhà. Tôi cố lấy lại bình-tĩnh. Tôi lấy kính đeo mắt từ túi xách ấn vào hai mắt để che một phần nước mắt ràn-rụa trên mặt. Tôi nhìn người đàn bà Lưu-thị Yến. Tôi nhìn chị hai con Út ngồi quay lưng lại tôi. Tôi nắm những ngón tay của tôi, tôi co cứng lại như đang có một khẩu súng trong tay. Dòng tư tưởng của tôi đang  hướng nòng súng về người đàn bà nầy...

Có những tiếng vỗ tay. Cédric đứng lên, người thông-dịch cũng đứng lên. Cả hai tiến lên phía trước. Tôi lại co bóp những ngón tay. Tôi không nghe những gì Cédric phát biểu. Tôi không nghe những gì người thông-dịch chuyển đạt cho người nghe. Tôi tự thầm trách người thanh-niên từ Mỹ trở về sao lại không có súng.

Sao người đàn bà tàn độc nầy không bị giết chết. Bà đã hãm hại ly tan bao nhiêu gia-đình sau cuộc chiến ? Tôi lại mường tượng đến những đứa bạn đồng tuổi của tôi trong trong buổi giao thời đó...  Ai là người đã tấn công người đàn bà nầy ?

Buổi tiệc trà nhỏ được tiếp-tục sau đó. Mọi người nói chuyện với nhau. Cédric đang nói chuyện với bà Yến bên cạnh người thông-dịch. Cédric ra dấu gọi tôi. Tôi vờ như không thấy, tránh nơi khác.

Một chặp sau, Cédric đến kéo tay tôi vừa đi vừa nói:

        - Anh vừa nói chuyện với bà Yến, bà đúng là một nữ anh hùng trong chiến tranh Việt-Nam đánh Mỹ.

Bà kể bà thoát ly gia-đình lúc mười bốn tuổi, gia nhập du kích... sống trong rừng núi, đánh nhau với Mỹ-Ngụy ròng rã mười năm... sau chiến tranh bà bị tai nạn nên mù hai mắt…

Một sự láo khoét trắng trợn, một sự nói đối đốn mạc, chỉ những ai nhẹ lòng mới tin. Tôi cười khì bằng mũi. Tôi gỡ bàn tay Cédric ra khỏi tay. Tôi nói với Cedric:

        - Anh đi nói chuyện với người khác đi, để tôi nói chuyện với bà nầy...

 Tôi đến trước mặt bà Yến và nói ngay:

        - Chào bà, không may cho hai mắt của bà, không biết bà còn nhìn thấy rõ không và chuyện gì đã xẩy ra, thưa bà ?

Bà trả lời câu hỏi như một bài học thuộc lòng:

        - Sau hơn mười năm đánh nhau với Mỹ-ngụy, thành phố được giải phóng, tôi làm việc tại đây. Cách đây vài năm, có một vụ cháy nhà, tôi cố gắng vào cứu một người già, không may nhà sập, lửa đã làm hư hai mắt của tôi.

Tôi cười thầm và khinh bỉ cho lời dối trá của bà. Tôi nhìn mặt bà, tuy có vẻ dịu dàng hơn lúc bà đến bắt cha và mẹ tôi dẫn đi, nhưng nét độc ác vẫn còn ẩn hiện. Bà hỏi tôi:

        - Tôi nghe nói cô là bác sĩ ở bên Pháp qua đây giúp chính-phủ chúng tôi phòng chống ung-thư.... cô là người Việt, không biết trước đây cô quê quán chỗ mô rứa, và cô tên gì để được biết ?

Tôi muốn đập vào mặt bà thật mạnh cho hai mắt bà sáng trở lại, để nhìn thấy con Hòa, đứa con gái cùng xóm với bà, bạn với con Út em ruột của bà, đứa con gái của ông phế binh mất một chân và một bàn tay, đứa con gái của bà trung-úy  nữ trợ tá quân-y VNCH mà bà đã thân hành dẫn người đến bắt đem đi mất tích. Tôi hận bà.Tôi im lặng chưa trả lời câu hỏi của bà.

Tôi nhìn hai mí mắt bà chớp chớp như muốn mở ra nhìn tôi, chờ đợi. Một chút trắc ẩn chợt đến trong tôi. Tôi cảm thấy thương cho cái mù lòa của bà là vĩnh viễn, u tối như cái u-tối bà đã làm. Tôi nói rất nhỏ như thì thầm vào tai bà:

        -  Bà không nhận ra tôi nhưng tôi biết bà rất rõ... tôi là con ranh con, cái tên mà bà đã đặt đo tôi.

Tôi đi nhanh ra cửa, tai tôi nghe có tiếng âm thanh của một khúc cây khô khan rơi trên nền nhà và tiếng xôn xao của nhiều người phía sau lưng.

Ngày hai chúng tôi lên đường trở về Pháp, bé Hội và cha mẹ cùng đến để chia tay. Tôi nghe bé Hội khoe có bà ngoại cùng đến nhưng không chịu vào. Tôi cùng Cédric bước ra ngoài, thấy khuất sau một gốc cây loáng thoáng bóng người. Bé Hội nhanh chân chạy đến nắm tay người nầy kéo về chúng tôi. Tôi và Cédric cùng thốt lên Út, Út. Hai chúng tôi chạy đến. Út đi nhanh về chúng tôi trong sức kéo tay của bé Hội. Hai đứa tôi ôm Út và Út ôm hai đứa tôi. Tôi và Út cùng khóc .Tôi nghe tiếng bé Hội hỏi:

        - Mấy người nầy quen nhau ?

Tôi hỏi Út lý do ngày gặp lại nhau ở dốc cầu Vồng sao bỏ chạy ? Út do-dự trong câu trả lời:

        - Mình xấu hổ với những sự độc ác mà chị hai mình đối xử với gia đình bạn trước đây nên không muốn gặp bạn.

Tôi hỏi tiếp:

        - Nhưng nay thì...?

Út trả lời ngập ngừng:

        - Bạn biết rồi, mình là bà ngoại của bé Hội.

Cuộc hội ngộ quá ngắn, chưa nói được gì thì giờ khởi hành đã đến. Tôi hứa với Út sẽ thường xuyên liên lạc qua thư từ.

Trên đường lên sân bay, tôi bình thản nhìn hai bên đường, không còn cúi gầm mặt nhìn xuống sàn xe như ngày ra đi. Cảnh hai bên thành phố lùi dần về phía sau, tất cả đều mới lạ, tôi không có một chút kỷ-niệm nào để ghi nhớ. Quê hương như đã mất.

Và năm năm sau, trong một lá thư con Út viết cho tôi:


“Mình đã thăm dò, tìm hiểu, mất nhiều công-sức, thời gian và tài chánh. Mình đã thân hành giúp bạn đến hai nơi mà mình hỏi thăm được đã giam-giữ cha mẹ bạn. Cha mẹ bạn đã chết tại đó. Nghĩa địa chôn những người tù qua thời gian không một ai quan tâm gìn giữ, bão lụt đã làm mất dấu tích, nay đã trở thành vùng đầy cỏ cây...”

Tôi phải làm gì đây ngoài nỗi ngậm ngùi ?

A20 Nguyễn-Đại-Thuật

Fort de Stains; Garges-lès-Gonesse
Ile de France.
Le 08/02/2021




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét