27.3.21

Ranh Con (2)

A20 Nguyễn-Đại-Thuật

    Mùa hè năm 2017, trong một bữa cơm tối, Thiery, con trai đầu của tôi mở đài truyền hình ARTe, một đài hợp-tác Pháp-Đức để xem một chương-trình phóng-sự ghi lại về câu chuyện của một gia-đình sắc tộc thiểu-số sống ở Nam Lào mà đài đã báo cho khán thính giả biết từ mấy ngày trước.  Tôi cũng tò mò nhìn xem, vì sau kỳ nghỉ hè, tôi cùng hai bác sĩ đồng nghiệp sẽ được bộ Y-Tế Pháp gởi qua Lào hợp-tác trao đổi về việc phòng chống ung-thư trong một năm. Lời người dẫn câu chuyện cho biết: Chuyện bắt đầu sau khi cuộc chiến tranh Việt-Nam chấm dứt năm 1975. Chương-trình được phát không ngoài mục-đích tiếp nối vòng tay yêu thương giữa người và người !

    Trên màn hình, một gia-đình có một người đàn bà trẻ, hai thanh niên, một thiếu nữ, một bà lão tóc bạc cùng một đàn ông trung-niên, và người đàn ông bắt đầu câu chuyện:

“Tôi là Hiêng Nen, người sắc-tộc Katu, hiện đang sống ở Sékong, nước Lào, nơi đây là vùng đất nghèo nhất đất nước,  người dân sống về canh tác bắp, khoai, sắn, làm rừng và săn bắn. Ngày trước đây, gia-đình tôi gốc sắc-tộc Katu sống ở Bến-Giàng Việt-Nam. Thời còn chiến tranh, cha tôi lấy mật ong rừng, săn gấu lấy mật, hái nấm phơi khô đem về bán các vùng lân-cận như Trà-My, Đại-Lộc, Thường-Đúc.... Rồi cha tôi bị mấy ông Bộ-đội Trường-Sơn bắt trong một chuyến săn mật ong, mấy ông ấy nói cha tôi làm gián-điệp cho chính-quyền Thiệu Kỳ. Cha tôi bị đưa qua biên giới, giam-giữ vùng lãnh-thổ Saravan, vùng đất quân-đội cọng-sản Pathèk Lào kiểm-soát. Không chịu được gian khổ trong những lần đi dân công tải đạn dược và thực phẩm dưới bom đạn của chính-phủ quốc-gia Lào và Việt-Nam, cha tôi trốn về lại Bến-Giàng.


Cuối năm 1974, mấy ông Bộ-đội Trường-Sơn chiếm đóng Trà-My, Thường-đúc, Đại-Lộc.... cha tôi bị bắt lại và bị giam tại Thường-đức. Năm đó tôi mười tuổi. Mùa xuân năm 1975, mấy ông Bộ-đội Trường-Sơn đánh chiếm Sài-Gòn. Quân Pathèk Lào được nhờ giúp kiểm soát Bến-Giàng, Trà-my, Đại-lộc, Thường-Đức. Nhờ biết nói tiếng Khmer Môn, ngôn ngữ Katu Đông thuộc Việt-Nam và Katu Tây thuộc Lào, nên mấy ông bộ-đội Pathèk Lào giúp tôi đi thăm cha.


Tôi đi thăm cha bằng xe đạp. Từ nhà ở Bến-Giàng đến nơi cha bị giam mất hơn nửa ngày. Thức ăn tiếp tế nuôi cha chỉ có bột bắp, đường muối và mật ong. Mỗi tháng tôi đi thăm cha một lần. Sau hơn một năm thì bộ-đội Pathék Lào rút về bên kia biên giới Saravan, bộ đội Trường-Sơn trở lại quản-lý chính quyền.


Giữa tháng chín năm đó, cha nhắn tin về ngày cuối tháng cha sẽ được cho về địa phương vì cha biết cải tạo tốt. Ngày hôm đó, tôi dùng xe đạp đi thật sớm đến trại giam đón cha về. Người ta cho cha ra khỏi trại giam khi trời đã gần tối. Tôi chở cha sau xe đạp được một đoạn đường ngắn thì trời đổ mưa. Cha bảo tôi tìm một nơi nào tránh mưa và ở lại đêm, vì chính-quyền mới cấm người dân ra đường từ sáu giờ tối đến bảy giờ sáng. Dường như cha rành đường đi ở đây, cha chỉ đường cho tôi đi. Cách trại giam chừng hai cây số, cha bảo tôi ngừng xe lại.


Xung quanh toàn là núi rừng, không một thôn bản hay quán ven đường. Cha trầm ngâm một lúc như gợi nhớ điều gì, rồi cha tiến vào sâu bên sau những hàng cây cao, to. Một khoảng trống hiện ra lác đác có những bụi cây nhỏ.Trong một góc, có một túp lều tranh vách đất. Cha vào trước rồi gọi tôi vào sau. Căn lều không có cửa nhưng sạch sẽ,chứa vài cái xẻng và vài cái cuốc. Cha không nói gì. Tôi nghĩ chắc đây là nơi cất dấu dụng cụ của dân làm rẩy. Quần áo của hai cha con ướt hết, phải vắt ráo rồi mặc lại. Hai cha con ăn khoai mì luộc với đường tôi đã mang theo rồi tựa lưng vào nhau cho ấm.


Cha hỏi tôi về chuyện nhà, tôi kể lại công việc nương rẫy mà tôi đã làm để có cái ăn với tuổi đời đang có. Khi nghe tôi kể đến chuyện dân trong buôn làng lần lượt bỏ đi về bên kia biên giới lập buôn làng mới vì không chịu được sự khắc nghiệt đối xử của chính quyền mới, tôi phải ở lại một mình chờ ngày ra tù của cha. Cha ôm tôi khóc. Tôi ôm cha khóc. Lâu lắm tôi mới có dịp ôm lại cha. Tìm lại được cái mùi quen thuộc bị đánh mất từ lâu. Cha nói giọng buồn thảm:


- Tội cho con tôi quá ! Chiến tranh ác nghiệt đem mẹ con đi quá sớm.


Tôi nhớ lại một ngày theo cha mẹ lên rẫy, đang cuốc đất tỉa bắp thì có tiếng  súng, mấy ông bộ đội Trường-Sơn xuất hiện, tiếng súng nổ nhiều hơn và mẹ tôi đã chết vì đạn, cha cũng bị thương không nặng lắm... năm đó tôi vừa lên sáu.


Không lâu lắm, trời bắt đầu tạnh mưa nhưng còn gió mạnh. Cha bảo chờ gió yếu bớt sẽ về nhà. Tôi đang đi vào giấc ngủ thì có tiếng khò khò bên ngoài... như tiếng của một con vật bị thương. Tiếng khò khò càng lúc càng gần, nghe như quá mệt mỏi và kiệt sức. Cha bước ra ngoài và tiếng cha:


- Con ra giúp cha một tay "


Tôi vùng dậy chạy ra ngoài. Một người nằm bất động trong vũng nước mưa còn đọng lại. Hai cha con tôi kéo người nầy vào lều.. tôi kêu lên:


- Một người đàn bà !


Bà thở khò khò, hai mắt nhắm, toàn thân run rẩy. Cha lấy trong túi xách từ nhà tù mang ra một cái áo còn ẩm nước thấm hết nước trên cơ thể của bà rồi bóp tay chân của bà. Cha bảo tôi lấy đường cho bà uống. Tôi hái lá cây làm thành cái phểu pha đường vào đó rồi cạy miệng bà ra cho nước đường vào. Bà uông được năm phểu thì hết đường. Cha bảo tôi phụ bóp hai chân của bà. Tiếng khò khò giảm dần và bà mở mắt. Từ hai mắt của bà những giọt nước trào ra. Cha thở phào, đứng lên đi đi, lại lại như suy nghĩ điều gì. Cha tựa lưng vào tường đất, nhìn người đàn bà rồi gục gục đầu. Người đàn bà bắt đầu ngồi dậy, rảo mắt nhìn hai cha con tôi rồi khóc.

Cha lại bảo tôi nếu còn gì ăn được thì cho bà ăn. Tôi lấy khoai lang đưa cho bà.


Trời mờ sáng. Cha nói chuẩn bị lên đường về nhà. Tôi nhìn cha rồi nhìn người đàn bà. Như hiểu ý, cha nói:


- Bà nầy đang đói, hãy cứu bà, bà ở lại đây sẽ chết.

Cha hỏi bà:

- Có cùng muốn đi với tôi không ?

Bà chỉ gật đầu, không nói lời nào. Tôi nghĩ chắc bà nầy câm !


Tôi cầm tay lái xe đạp. Cha dìu người đàn bà ngồi sau xe. Cha đi theo sau hai tay đỡ hai vai của bà. Cha chỉ cho tôi theo những con đường lạ, tránh qua những trạm kiểm soát vì còn đang trong giờ giới nghiêm.


Người trong buôn di dời hết qua biên giới vào nội địa Lào, nhà tôi chỉ còn lại chơ vơ một mình. Cha tôi cũng hơi hụt hẫng một thời gian vì xóm làng không còn ai. Người đàn bà ở trong nhà được vài ngày thì cha tôi đi đâu đó mang về cho bà mấy bộ quần áo của sắc tộc Katu, và ông căn dặn tôi ai hỏi người đàn bà nầy là ai thì nói là cô Hieng Ly, em gái họ của cha từ bên Saravan qua chơi.


Cô Hieng Ly đã khỏe lại và ở nhà lo cơm nước tới giờ đem ra rẫy cho hai cha con tôi. Tánh tò mò, có lần tôi hỏi cha:


- Cô Hieng Ly là ai mà cha cứu về nhà.


Cha nghiêm sắc mặt:


- Con còn nhỏ, biết cũng không ích-lợi gì, không nên biết.


Sau đó cha còn căn dặn tôi không kể cho một ai việc xẩy ra trong căn lều tranh trước đây.


Mấy tháng sau, cha tôi xa nhà mấy ngày rồi lúc trở về tôi thấy cô Hieng Ly khóc sướt mướt. Cô không ăn uống mấy ngày liên tiếp. Rồi mùa thu hoạch bắp xong, cha săn được mấy tổ ong mật, cha chuẩn bị đem ong mật và ít bắp đem qua Saravan tìm thăm và làm quà tặng cho những người thân và quen biết đã bỏ buôn làng từ Bến-Giàng qua lập nghiệp bên đó. Cha đi cùng cô Hieng Ly. Cha nói cô Hieng Ly giúp cha chia bớt quà tặng mang theo vì phải mang nhiều, nhiều người để tặng.


Hơn nửa tháng sau ngày cha đi, công-an xã đến tìm cha. Họ hỏi tôi:


- Người đàn bà đang ở trong nhà là ai ?


Tôi trả lời như cha bảo:


- Cô ấy là em họ của cha đến chơi.


Trước khi ra về  người công-an căn dặn tôi:


- Khi cha về phải bảo ông trình diện công-an ngay.


Mấy ngày sau, buổi trưa cha về gặp tôi ngoài rẫy. Tôi nhắc lại lời công-an xã, cha trầm-ngâm lúc lâu rồi thở ra, rồi cha bỏ đi. Đến tối, cha bước vô nhà, mặt cha rất buồn. Cha đi quanh nhà, nhìn khắp nơi trong nhà, tưởng như cha đang tìm kiếm cái gì đă mất. Cha gom hết áo quần cho vào gùi. Vài lít mật ong còn lại cha cũng cho vào gùi, thêm ít bắp cho đầy. Cơm tối xong, trăng đã lên. Cha khoanh tay đi lại trước sân, miệng rì rầm như nói chuyện với ai, rồi cha mang gùi mật ong và bắp, bảo tôi mang gùi áo quần theo cha.


Đến bìa rừng, cha dừng lại bảo tôi chờ. Cha đi trở lại nhà... và tôi thấy ánh sáng bùng lên từ căn nhà sàn của tôi… Cha  chạy nhanh về nơi tôi chờ... nắm tay tôi kéo đi. Cha nói trong hơi thở dồn dập:


- Chạy nhanh, chạy nhanh đi con ".


Tôi vừa chạy vừa quay nhìn lại nơi ánh sáng phát ra, tôi hỏi cha trong nước mắt:


- Tại sao cha đốt nhà ? Tại sao cha đốt nhà ?


Trong nhiều ngày liên tiếp, hai cha con tôi ngày đi đêm ngủ nhờ những bản làng của người sắc tộc Co, Giê, Triêng, M'nông, trên lãnh thổ Lào và về đến bản làng mới của sắc-tộc Katu.

 

Nhờ cha là con cháu của tộc trưởng nên được mọi người chào đón và kính trọng. Không biết cha tôi đã có nói gì với dân bảng làng về cô Hieng Ly mà cô cũng được kính trọng. Lúc nầy tôi mới biết cha đưa cô Hiêng Ly đi trước là cha đã chuẩn bị từ trước cho chuyện từ bỏ Bến-Giàng để qua định-cư hẳn nơi mới nầy. Bản được hình thành trong huyện Dakleung, nằm dọc dòng sông Sékong. Dân bản xứ, ngoài việc canh-tác lúa nếp, khoai, bắp, họ còn trồng cà-phê và đánh cá ven sông.


Lần lượt cô Hieng Ly đem đến cho cha ba đứa con, hai trai, một gái. Tôi theo ba đứa em gọi cô Hieng Ly là mẹ Hieng. Những lần mẹ Hieng sinh con, mẹ sinh một mình với sự phụ giúp của một bà trong buôn. Trong buôn không có một nhà y-tế nào và cũng không một ai biết làm cô mụ đỡ đẻ. Có nhà y-tế nhưng rất xa, ngoài huyện, những bà muốn sinh con, đi đến đó thì đã sinh con trên đường đi.


Chuyện mẹ Hieng tự sinh con tự lo, mẹ con an-toàn được mấy bà truyền tai nhau, chẳng bao lâu mẹ Hieng nổi tiếng là cô mụ giỏi. Buôn gần, buôn xa có ai sinh nở đều gọi mẹ. Có ai đau đầu sổ mũi cũng đến hỏi mẹ. Có người đánh nhau bể đầu, vẹo tay cũng chạy đến nhờ mẹ. Nhiều lần tôi hỏi mẹ có học y-tế ở đâu không mà mẹ làm giỏi như vậy, mẹ chỉ cười rồi nói do đọc sách mà biết. Những người được mẹ giúp thường hay cho tiền mẹ, mẹ từ chối không nhận. Mẹ chỉ yêu cầu họ nếu có dịp đi ra huyện thì mua thuốc nầy thuốc nọ và mẹ mở một tủ thuốc tại nhà, lưu giữ, có ai cần thì mẹ phát để dùng.


Công việc mẹ Hiêng làm có tiếng lên đến huyện, đến tỉnh Sékong. Hai nơi nầy gởi cán bộ y-tế đến thăm mẹ và trao bằng khen.Từ đó, một vài tháng, huyện hay tỉnh đều gởi thuốc thông dụng cho mẹ để mẹ phát cho dân trong các buôn khi họ có nhu cầu. Một hình-thức như công nhận mẹ có trình độ về y-học. Năm người em thứ ba được tám tuổi thì cha qua đời, bị rơi từ một cây cao khi bắt tổ ong. Cha được điều trị ở trạm y-tế huyện. Trước khi cha chết, tôi đang ngồi săn-sóc cha. Cha nắm tay tôi nói trong lúc những giọt nước mắt từ từ lăn xuống má. Cha nói:


- Nếu cha không còn sống nữa, con hãy kính trọng mẹ Hieng Ly, săn sóc mẹ Hieng và các em. Con đã nhìn thấy, mẹ Hiêng thương con, lo cho con không khác gì ba đứa em của con. Gia-đình cha mẹ của mẹ Hieng là ân-nhân của đại gia-đình mình. Từ bao lâu nay cha chưa bao giờ kể cho con biết, tuổi của con chưa cần phải biết. Nay con là một thanh niên, con trưởng thành, con biết cũng không quá trễ và cũng để cho con biết trách-nhiệm của mình ở đâu !


Cha là đứa con duy nhất trong gia-đình. Ông nội con ngày ấy thường đem mật ong, mật gấu và những thổ sản khác trong buông ở Bến-Giàng đem về Đà-Nẵng bán hoặc trao đổi với người dân ở đó. Những tháng nghỉ học, cha thường phụ mang hàng giúp ông nội trong những chuyến đi như vậy. Lúc ấy cha còn nhỏ, chỉ mời mười hai tuổi. Nơi bỏ mối hàng duy nhất của ông con là nhà ông Tư Xuân, ông có một sạp bán hàng tạp-hóa trong chợ Mới, cách nhà ông không xa. Nhà ông Tư Xuân rộng rãi, khang-trang. Thường cho ông con ở lại nhiều ngày để mua những thứ cần thiết cho chuyến về lại buôn. Quan hệ buôn bán và trao-đổi trở nên thân tình. Thời buổi đó rất an-bình. Ông con cho cha xuống học ở thành phố, ông Tư-Xuân cho cha ở trọ, học trường trung-học bán-công. Con gái ông Tư-Xuân học đệ-thất, cùng lớp với cha. Năm cha chuẩn bị lên lớp đệ ngũ thì ông con bị tai nạn trong một chuyến đi xem núi Ngũ-Hành-Sơn do ông Tư Xuân mời. Ông con bị một khối thạch-nhũ trong một hang động rơi làm nứt sọ. Việc chữa trị tại bịnh-viện nhiều ngày nhưng ông con không qua khỏi. Việc đám tang đưa ông con về chôn cất theo tập quán sắc tộc Katu được ông Tư Xuân lo hết. Gia-đình ta không làm sao có tiền để hoàn lại chi phí của ông. Cha nghĩ học, về lại buôn làm tiếp công việc của ông con. Cha gùi hàng đem xuống trao đổi với ông Tư Xuân. Cha nói hàng trao đổi cha chỉ tính một nửa, phần còn lại tính vào chi phí của đám tang ông con cho đến khi nào hết nợ. Ông Tư Xuân đồng ý, chỉ nhận hai chuyến và sau đó từ chối nhận tiếp. Chừng hơn một năm sau, ông Tư Xuân đổi nghề qua làm nhà thầu xây dựng nhà cửa. Từ đó, cha không còn trao đổi hàng hóa với một ai trong thành-phố Đà-Nẵng.


Con còn nhớ ngày con đón cha ra tù ? Khi hai cha con mình kéo người đàn bà rên rĩ ngoài mưa giữa rừng sâu với thân hình rũ rượi, đói khát vào trong lều tranh ? Sau khi làm những động-tác giúp bà ấy hồi tỉnh, cha đã nhận ra bà, đứa con gái ông Tư Xuân của ngày nào ! Cha không biết bà có nhận ra cha không, đứa con trai của một sắc tộc miền núí ăn ở trọ nhà bà, cùng học chung lớp chung trường với bà ngày trước ? Và cha cũng đã suy-đoán được tại sao bà ở đấy, trong lúc nầy ! Bên cạnh trại giam tù cha, đàn ông, có một trại giam tù đàn bà. Cha không biết lý do bà bị giam ở đó . Những người tù bị bịnh, bị đói sắp chết, người ta cho khiêng ra để ngoài nghĩa địa đợi đến khi không còn hơi thở mới chôn. Đêm đến thú hoang đánh hơi người chết thường tìm đến ăn thịt, có khi tha xác đi nơi khác. Có lẽ bà sắp chết nên bị đưa ra bỏ ngoài nghĩa-địa ! Căn lều mà cha con mình trú mưa đêm hôm đó là căn lều cạnh nghĩa địa được dựng lên cất giữ dụng cụ chôn người chết. Có thể cơn mưa làm bà tỉnh lại, bò vào lều. Cha không biết bà có nhận ra cha không... cha nghĩ đến mối thâm tình của ông Tư Xuân đối với ông con, cha nghĩ tình như anh em của cha với con gái ông Tư Xuân khi ở trọ, học chung trường, cha phải cứu bà, nếu không bà sẽ bị bắt đưa lại vào tù. Bà phải được ra khỏi nơi đó. Nếu ngày hôm sau người ta không thấy xác bà ngoài nghĩa địa, người ta tưởng bà đã chết và thú rừng đã mang xác đi .


Về đến nhà, bà đã nhận ra cha. Bà kể bà đang bị tù,  bà còn sống, bà vẫn còn là người tù. Bà không biết về đâu trong đất nước đã đổi chủ khi trong người không có giấy tờ tùy thân... và đề nghị của cha đưa bà rời khỏi nơi đó, bà không thể chối từ, nếu không, người ta phát hiện ra bà còn sống, bà bị bắt giam trở lại. Cha đã trở lại thành-phố Đà-Nẵng trong nhiều ngày theo yêu cầu của bà, đến nhà ông Tư Xuân, cha của bà, nhà chồng con của bà để hỏi, tìm tin-tức, không một ai biết. Câu trả lời là người ta đã di tản vào Nam trong thời kỳ hai bên còn đánh nhau. Người ta đi kinh-tế mới sau khi hòa bình trở lại. Cha đã chia sẻ nỗi đau buồn của bà, thông cảm đã đến với nhau, rồi cha và bà đồng ý sống đời vợ chồng.


Mãn tang cha, mẹ Hieng cưới vợ cho tôi. Vợ chồng tôi vẫn sống chung với mẹ Hieng, mẹ bảo, khi nào mẹ chưa chết, vợ chồng con không được rời mẹ. Người trong buôn, bản các tộc xung quanh nhờ mẹ giúp sinh đẻ ngày càng nhiều, người ta biếu nông phẩm theo mùa nên nhà không thiếu cái ăn. Các em đều được đi học, đứa nào cũng đọc và viết được tiếng Lào. Mẹ dạy tiếng Việt nhưng không đứa em nào chịu học, vì ở đây người ta chỉ còn nói tiếng Khmer Mom trong các bộ tộc và tiếng Lào, tiếng chính thức của dân-tộc Lào. Các em đã khôn lớn, chúng rời bản làng đi làm xa. lâu lâu mới về nhà.


Một ngày nọ, lễ khánh thành thác nước Tat May Hear trên dòng sông Sékong, mở cửa cho ngành du-lịch. Nghe nói  dòng chảy của sông Sékong, một phần có được từ dòng chảy phát xuất từ sông Thanh thượng nguồn sông Vu-Gia Bến-Giàng. Vì có chút liên hệ địa lý nầy, báo chí và những người làm du lịch Việt-Nam cũng như sứ quán Việt-Nam  cũng được mời tham dự. Mẹ Hieng được chủ tịch huyện Dakleung mời tham dự lễ. Ông chủ tịch nói với mẹ dây là dip ông giới thiệu mẹ với báo chí Việt-Nam, trong huyện có một người Việt-Nam như mẹ là ân-nhân của nhiều thai nhi và sản phụ của nhiều tộc trong huyện. Mẹ từ chối. Mẹ có nói với tôi lý do từ chối là vì mẹ sợ,  báo chí Việt sẽ phỏng vấn mẹ và họ sẽ phát hiện mẹ là người tù chưa chết, trốn khỏi nơi giam giữ, đối với nhà nước Việt-Nam, và sự dẫn độ mẹ về nước có thể diễn ra khi nhà nước Lào như là một thuộc địa của Việt-Nam. Từ chối lời mời của Huyện là mẹ có nhiều sản phụ cần mẹ trong ngày hôm đó.


Một buổi trưa, đang giờ cóm, người ta khiêng võng đến nhà một người thân thể to lớn, râu nhiều, mặt mày tái nhợt, hơi thở yếu... theo sau còn có một vài người khác đeo nhiều máy chụp hình, người giống như người đàn ông đang nằm trên võng. Họ là người Tây phương. Một người khiêng võng gọi mẹ Hieng một cách vội vã trong hơi thở. Người ta nói người đàn ông nầy là phóng viên báo chí Pháp-Đức đến Sékong dự lễ khai trương thác nước Tat may Hear, thời gian còn lại họ đi khám phá rừng núi địa phương. Không may một người bị rắn cắn nên cần cấp cứu, không biết bà Hieng có cách nào giúp không, trong khi chờ phương tiện tỉnh đến đón về bịnh-viện. Mẹ rất bình tĩnh. Mẹ rút chiếc yếm của mẹ, sắc phục của đàn bà Katu đang phơi trước sân nhà, mẹ bứt ra thật mạnh, lấy sợi dây yếm cột lại phần đùi trên gối của bệnh nhân, chân bị rắn cắn. Mẹ bảo tôi lấy con dao đi rừng đốt vào bếp than lửa đỏ, chờ mẹ. Mẹ dùng kéo cắt một phần ống quần chân bịnh nhân. Hai chấm đen, dấu răng của rắn hiện ra bầm tím, rỉ máu. Với con dao nhỏ dùng cắt nhau rốn cho thai nhi, mẹ rạch hai dường rất ngọt trên hai dấu răng của rắn, máu chảy ra và mẹ dùng hai tay bóp và nặn mạnh phần bên trên vết cắt cho đến khi không còn thấy máu chảy ra. Mẹ lấy  cái yếm vừa bứt lấy giây xếp lại đắp lên vết thương rồi lấy con dao đi rừng vừa lấy ra khỏi lủa áp lên trên... người bị rắn cắn kêu lên một tiếng... mẹ lấy một tép sả rửa sạch bảo ông nhai và nuốt nước. Mẹ nói bằng tiếng Pháp:


- Ông uống nhiều nước vào để lọc hết nọc độc trong máu chỉ sau vài lần đi tiểu.


Người Tây phương chỉ uống có một ngụm nhỏ nước. Có lẽ ông không hiểu. Mẹ lặp lại bằng tiêng Anh. Ông nhận bát nước từ tay mẹ uống cạn. Một người trong bản đưa cho mẹ một nhúm lá cây giã nhuyễn để đắp vào vết rắn cắn. Không lâu sau đó, ông ta muốn đi tiểu. Sau lần tiểu, mặt mày ông tươi tỉnh trở lại. Người bị rắn cắn là phóng-viên người Đức của đài truyền-hình ARTe một đài hợp tác Pháp-Đức. Khoảng hơn một giờ sau, xe đến chở đoàn phóng-viên rời bản.


Ngày hôm sau, đoàn phóng viên trở lại, họ đến từ bịnh-viện ở Sékong, sau khi được tiếp tục chữa thương rắn cắn. Người ta tặng quà cám ơn mẹ. Hôm đó mẹ nói chuyện với họ bằng tiếng Pháp chen lẫn tiếng Anh. Mẹ từ chối để họ chụp hình, quay phim hoặc ghi âm. Khi người ta rời đi, tôi hỏi mẹ lý do từ chối, mẹ nói:


- Mẹ là người Việt-Nam nhưng không có giấy tờ xác thực là người Việt-Nam, mẹ còn đang là người tù của Việt-Nam, mẹ vẫn trên con đường trốn chạy nhà tù hà khắc ấy. Ở đây, chính quyền địa phương đã bao dung cho sự sống của mẹ, của cha con, của con, của các em con. Chưa có một công nhận hợp pháp nơi mảnh đất mình đang cư-trú. Gia-đình chúng ta, gia-đình của toàn buôn, bản, những sắc tộc thiểu số quanh đây đều là những thân phận vô tổ-quốc ! Con có nghĩ, một ngày nào, nhà nước nhân-dân Lào với một lý-do nào đó trục-xuất chúng ta trở về lại bên kia biên-giới... và mẹ sẽ bị bắt giam lại trong cái nhà tù khốn-khổ trước đây và tất cả chúng ta sẽ ra sao ? Mẹ hứa với những nhà báo, mẹ sẽ nói những gì về mẹ nếu họ muốn, khi mẹ không còn là người vô tổ quốc. Hiện tại, giữ im lặng về thân phận của mẹ là bảo-vệ an-toàn cho các con và cho mẹ.


Quốc-hội nhà nước nhân-dân Lào thông qua đạo-luật quốc-tịch dành cho những dân-tộc ít người đang định cư không  hợp pháp trên lãnh-thổ Lào. Mới đầu là tin đồn đãi, nhưng không lâu sau huyện Dakcheung ra thông-tư kêu gọi người dân trong huyện đến khai báo làm hồ-sơ nhập quốc-tịch Lào. Lần đầu tiên trong đời, tôi nhận thấy mẹ Hieng rất vui, mẹ nói gia-đình chúng ta không còn người vô tổ-quốc, mẹ nói, mẹ cười trong nước mắt. Nhưng đến ngày mẹ và gia-đình nhận được chứng nhận công-dân Lào, mẹ gục đầu xuống bàn khóc nức nở, tờ giấy công-nhận là công-dân Lào run rẩy trong tay mẹ, tôi phải cầm lấy vì sợ nó rơi xuống đất. Rồi mẹ đột nhiên hỏi vợ chồng tôi cùng ba đứa em:


- Các con còn thấy nơi mẹ còn sót lại những gì là người Việt-Nam không ?


 Đứa em gái út của tôi trả lời:


- Còn chứ mẹ, mẹ còn nói tiếng Việt với anh hai Hieng Nen, mẹ dạy dỗ, nuôi dưỡng chúng con không là cách của người Lào, mẹ còn hát: “chiều chiều ra đứng ngõ sau, trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”...và các con của mẹ không quên được chuyện bà Trưng, bà Triệu mẹ đã kể cho nghe trong những tháng ngày chúng con còn bé nhỏ, nằm ngủ yên lành bên mẹ. Và nhất là món Mì Quảng thơm ngon, sợi mì vàng ánh, trên đất Lào nầy con không tìm thấy được và trong những ngày chung vui cùng bạn bè ở đây, món mì Quảng các con học được của mẹ là phần chính trên bàn ăn.”

                                                   ******************

 Người dẫn giải chương trình giới thiệu người đàn bà tóc bạc đang xuất hiện trong chương trình:

"Đây là bà Hieng Ly, người di-dân bất hợp pháp, đã trốn khỏi đất nước của bà, trở thành người vô tổ-quốc. Người tưởng như đã chết nhưng đã sống lại sau khi nhà tù ném thân xác ra nghĩa-địa chờ chết. Trong cuộc sống lẫn trốn, một phần con trai Hieng Nen của bà đã kể. Trước đây, khi bà giúp cứu một thành viên của chúng tôi thoát chết vì bị rắn cắn, chúng tôi muốn làm một phóng sự về bà, bà từ chối vì bà lo sợ người ta biết gốc tích của bà, người của đất nước bà sẽ vượt biên giới bắt bà trở lại.

Đất nước nơi bà được sinh ra và đất nước của bà đang sống làm người vô tổ quốc là hai nước xã-hội chủ nghĩa anh em ( ! ) có cùng chung một biên giới và an-ninh giữa hai bên biên giới không được kiểm soát hoàn-hảo. Nay bà không còn là người vô tổ quốc, bà là công-dân nước dân chủ nhân-dân Lào, bà chấp nhận gặp chúng tôi để  nói về bà trong niềm hy-vọng tìm lại được thân nhân của bà không thấy nhau qua bốn mươi hai năm. Với đôi mắt sáng, nụ cười hóm hỉnh, bà Hieng Ly từ-tốn kể, mỗi khi bà nói, vết sẹo trên mặt bà lay động, căng ra, khép lại, tạo cho mặt bà thiếu tự nhiên:


- Thời kỳ chiến-tranh ở Việt-nam, tôi là trung-úy, sĩ-quan quan trợ y trong quân-đội Miền-Nam. Khi Miền-Nam Việt-Nam bị người cộng-sản xâm-chiếm, thống nhất đất nước, tôi bị chính-quyền địa  phương bắt tôi từ nhà ở thành-phố Đà-Nẵng đưa lên giam giữ ở trại giam Thường-Đức.


Người ta kết tội tôi là chiến-sĩ gái sĩ-quan Ngụy. Một hôm, những người tù nữ chúng tôi đang lao-động cuốc đất trồng khoai mì thì tên lính gác yêu cầu tôi theo nó đi xuống suối lấy nước cho mọi người uống. Tôi gánh theo đôi thùng, theo nó ra bờ suối. Khi tôi cuối xuống lấy nước thì tên nầy ôm vật tôi muốn cưỡng hiếp. Tôi la cầu cứu, có lẽ những bạn tù không ai nghe vì nước từ trên thác cao chảy xuống, âm thanh của nước át hẳn tiếng kêu cứu của tôi. Nó vật tôi xuống, tôi vùng vẫy chống cự. Nó dí đầu lưởi lê súng vào mặt tôi, nó nói nó sẽ bóp cò súng nếu tôi chống cự. Trong bản năng tự vệ, tôi nhớ đến những thế võ phòng thân khi còn học ở quân trường, tôi dùng chân đạp vào bụng nó, nó ngã xuống, cây súng rời ra khỏi tay, không may cho tôi, đầu lưỡi lê đã cắt vào mặt tôi quá sâu, và đây là chứng tích của ngày hôm đó. Bà Hieng Ly chỉ tay vào vết sẹo trên mặt của mình. Bà có vẻ xúc động... im lặng một chút rồi tiếp-tục. Tôi bị đưa về trại giam. Tên bộ đội toan tính hiếp dâm tôi chỉ vết thương trên mặt tôi nói với đồng bọn đó là kết quả sự chạy trốn của tôi và nó đã đánh nhau với tôi trước khi tôi bị bắt lại. Tôi bị biệt giam dưới hầm sâu ba tháng, rồi được giải ra xử trước tòa án nhân dân Thường-Đức, tôi bị buộc tội cướp chính quyền để trốn trại, bị tuyên án mười năm tù. Người ta lại biệt giam tôi đợi ngày chuyển đi trại dành cho những người có án. Tôi bị bỏ đói vì cho tôi ngoan cố vu khống cho cho cán bộ trại giam và không nhận tội. Mỗi ngày đều có người của trại giam đến cửa hầm yêu cầu tôi nhận tội thì sẽ được cho ăn uống. Lời yêu cầu được tôi trả lời bằng im lặng....và cái đói, cái khát đã hành hạ thân xác tôi đau đớn, rã rượi, chỉ có những cơn mơ đưa tôi về với ngày thơ ấu, với đầm ấm của gia-đình cha mẹ anh chị em, với hạnh phúc bên chồng con... Cái đói khát  dường như đi lạc một nơi nào đó trong vài giây phút ngắn ngủi....rồi giấc mơ không còn đến nữa...thay vào bằng những khoảng không gian sâu thẳm hun hút toàn một màu đen....và trong cái đen tối ấy, thân thể tôi bị trôi đi trong những va chạm đau đớn... có âm thanh gì như tiếng gió rít thổi vào cơ thể tôi.

- “Ném nó ra ngoài đó, chờ cho nó không còn thở nửa , chôn sẽ không muộn!”


Dường như có ai ném cát, sỏi vào cơ thể tôi tê buốt. Dường như tôi đang trôi trong một dòng nước.  Dường như có ai đang đổ nước vào miệng tôi... và tôi nhìn thấy ánh sáng mờ ảo. Tôi đang nằm ngoài trời mênh mông dưới cơn mưa. Tôi không biết tôi đang ở đâu và tại sao tôi đang ở nơi nầy. Tôi như là con cá luồn lách trong đám bùn đầy cỏ. Tôi nhìn thấy một khối đen từ xa, có thể là một tàng cây, tôi lách tới. Sự hoang vắng làm tôi sợ hãi. Tôi muốn nghe một tiếng động của con người. Tiếng kêu cứu của tôi là lời rên mỏi mệt. Rồi tôi cảm thấy người tôi ấm lại. Tôi bắt đầu nhớ lại... người ta đã bỏ tôi ngoài nghĩa địa ...Tôi đã nhiều lần khiêng những người tù sắp chết bỏ ra nghĩa địa chờ cho chết rồi mới chôn. Tôi là người tù bị bỏ đói sắp chết... Hai mắt của tôi quen dần với đêm tối.


Cứu tôi là hai người đàn ông. Khi người đàn ông lớn tuổi hỏi tôi muốn theo ông để rời khỏi nơi đó không, bản năng của sự sống, tôi chỉ biết gật đầu, muốn không còn bị bắt lại vào tù.


Tôi nhận ra được người cứu tôi là Hieng Thi, đã có hai năm học trung học cùng lớp với tôi và đã từng được gia-đình cha mẹ tôi cho ở trọ để đi học. Thời đó cha của Hieng Thi hay đem sản phẩm có được từ rừng bỏ mối cho cha tôi bán. Sau đó cha của Hieng Thi bị tai nạn chết, Hieng Thi nghĩ học về lại bản làng Katu ở miền núi tiếp tục công việc của cha mình. Một thời gian sau đó cha tôi đổi nghề, không còn buôn bán, và tôi không có cơ hội gặp lại Hieng Thi cho đến ngày tôi được cứu khỏi chết đói, chết lạnh và có thể chết trở lại trong tù.


Hieng Thi đã đi Đà-Nẵng tìm kiếm gia-đình tôi. Không có một tin-tức nào. Cha mẹ tôi, anh chị em tôi, chồng tôi, con gái tôi đã biến mất. Tôi đã đau đớn biết bao, đất nước người, sau cuộc chiến người ta sum họp, đoàn tụ. Đất nước tôi thì ngược lại, phân ly, tù tội và lưu đày. Trước mắt tôi là một vực thẳm chứa đầy những người tù của chế độ. Tôi sợ, đêm nằm nghe tiếng chó sủa trăng cũng tưởng có người đến bắt tôi đi. Thương nhớ chồng con, chỉ ước mơ có đôi cánh bay thật cao, vượt qua những rào ngăn cách tìm về với chồng con, dù chỉ một lần để rồi được chết trong ngôi nhà của mình, trong nắm tay của chồng, trong vòng tay ôm đứa con thân yêu trên ngực mình. Nhưng thực-tế, an-toàn cho bản thân đang bị tai mắt rình rập khắp nơi... Sự cô-đơn trong sợ hãi tưởng chừng như cơ-thể đang lơ-lửng rơi xuống dòng sông cuồn cuộn sóng trôi về nơi vô định. Chia sẻ nỗi lóng của người đàn bà hoạn-nạn, cùng lúc bản làng bị dời đuổi về đất nước anh em Lào để chính quyền chiếm lại đất đai mà họ cho rằng xâm nhập trái phép thời còn chiến tranh, sự thật không phải là vậy, lịch sử đã chứng minh người Katu đã tạo dựng vùng đất đó từ khi còn thuộc vương quốc Chiêm-Thành, nhưng dưới sức mạnh của nòng súng, người ta dành được phần thắng bằng những lời ngược ngạo, Hieng Thi lần lượt đưa tôi, con trai Hieng Nen rời bỏ Bến-Giàng.


Đời của con người vô tổ-quốc như tôi, như của gia đình tôi nói riêng và của bản làng các sắc tộc nói chung ở nơi chốn nầy, Hiêng Nen đã nói đến. Có một mãnh đời của tôi mà Hieng Nen chưa biết là tôi đã có gia-đình. Chồng tôi là một thương binh. Khi cưới nhau, anh ấy đã là một thương binh. Chúng tôi có một con gái, năm tôi bị bắt đi tù cháu mời có tám tuổi. Tính cho đến giờ phút nầy, con gái tôi bốn mươi chín tuổi. Tôi đã xa chồng con tôi bốn mươi hai năm. Tôi vẫn nghĩ chồng và con tôi còn sống một nơi nào đó. Anh ấy đã làm tất cả công việc của một người mẹ, là tôi để chăm lo cho con tôi từ lúc nó mới lọt lòng, trong thời chiến, công việc của tôi buộc lòng phải vắng nhà. Tôi đã cầu mong ơn trên che chở cho chồng con tôi được mọi an-toàn trong từng hơi thở của tôi.


Bà Hieng Ly bật khóc, nước mắt chảy dài trên mặt, giọng bà nghẹn lại:


- Nếu anh nhận ra em ở đây, anh hãy liên lạc với em... Nếu con gái của mẹ... Hòa, nhận ra mẹ... Hãy liên lạc với mẹ. 

Bà Hieng Ly tiếp tục khóc như không còn gì để nói ....

Trên màn hình, người ta thấy Hieng Nen nắm tay vợ, người đàn bà trẻ, cùng ba người em đến vây quanh mẹ Hieng, trên mắt mọi người đều cùng có những giọt nước mắt lăn dài hai bên má.

Kết thúc, người hướng dẫn chương trình nói:

- Tên ngày trước của bà Hieng Ly là Cao-thị-Vân... Thân nhân của bà nếu có những ai còn hiện-hữu thì hãy liên lạc với đài truyền hình ARTe của chúng tôi....

Thiery đang chăm-chú theo giỏi chương trình đến đây thì nghe mẹ mình hét lên rồi chạy đến xử dụng máy điện thoại  một cách vội vã. Hai tay mẹ rung rung, mất bình tỉnh lúc bấm số liên hợp. Rồi giọng mẹ nói như reo vui:

- Tôi vừa xem xong chương trình “Tiếp nối vòng tay yêu thương giữa người và người” của quý đài. Tôi là con gái của bà Hieng Ly Cao thị Vân.... Tôi xin được đến gặp phóng viên quý đài của chương trình vừa mới phát xong...”

 Rồi mẹ khóc.  Thiery nhìn thấy mẹ khóc trong đôi mắt reo vui và nụ cười rạng rỡ. Thiery đến ngồi cạnh mẹ và cha. Cha nói:

- Mẹ con đã tìm lại được bà ngoại của con.

 Mẹ quàng tay lên cổ cha và Thiery rồi tự nhiên buông thả. Mẹ thẩn thờ nói, như nói với ai trong cõi xa xăm:

- Không biết có phải con ranh con đã làm hại, tang thương cuộc đời mẹ ? Nghiệt ngã nào đã đưa đứa con bé bỏng của mẹ lạc bước vào bên kia cánh  cửa mở của phòng chị con Út... bà cán bộ an ninh phường nằm vùng. Lưu thị Yến, người đã đưa cha và mẹ vào tù tội khi một trang sử của đất nước vừa mới sang trang ?

A20 Nguyễn-Đại-Thuật
Fort de Stains; Garges-lès-Gonesse
Ile de France.
Le 03 Mars 2021


*Ranh con phần 2 ghi lại để nhớ đến Mai-Ngọc,
người em nhỏ tuổi, một thời làm thông dịch cho
quân-đội Mỹ, có thân phụ là bác Mai-Đề, sống
ở chợ Túy-Loan quận Hiếu-Đúc/Quảng-Nam.
Bác Mai-Đề thời đó có quan-hệ với nhiều sắc tộc
thiểu-số miền núi.
Ng-đ-Th.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét