22.4.10

Gương Bất Khuất Trong Tù


Thời còn đi học, chúng tôi bị ảnh hưởng bởi những truyện lịch sử truyền thống Việt Nam, chỉ quan niệm các vị anh hùng phải là thuộc giai tầng ưu tú xã hội như những vị vua Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Lê Lợi, Quang Trung, hay các vị tướng lãnh thống soái như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi… Nhờ chế độ Cộng Hoà và nền văn minh dân chủ khai sáng, người Việt Nam đã nhìn đến những người anh hùng ở các tầng lớp thấp hơn như các thiếu úy, trung úy, các hạ sĩ, binh nhì, thậm chí đến những chị Ba Hàng Xanh, em học sinh Quách Thị Trang. Mỗi lần Bộ Tổng Tham Mưu tưởng thưởng chiến sĩ anh hùng, đều có đủ mặt các cấp từ tướng tá trở xuống đến binh nhì, có đủ quân binh chủng từ Dù, TQLC, BDQ cho đến ĐPQ và Nghĩa quân. Nói đến anh hùng thời chiến là nói đến nhưng chiến sĩ quả cảm, lập nên chiến công hiển hách trong phạm vi khả năng của họ. Thời bình hay nơi hậu phương là nói đến những nhân vật có những hành vi hơn người, vượt thắng khó khăn sợ hãi để bảo toàn danh dự, hay lý tưởng; hoặc có hành vi hy sinh bản thân để cứu người. Sự phong tặng danh vị Anh Hùng của chúng ta không quá lạm dụng như trong chế độ Cộng Sản. Họ phong anh hùng cho ngay những tên ngu muội, điên rồ bị lừa gạt chết oan nghiệt cho cái lý tưởng sai lầm; hay những kẻ vai u thịt bắp, đem sức mình ra làm hùng hục để kiếm tiếng khen. Kiểu anh hùng gánh phân, anh hùng thủy lợi làm cho hai chữ cao quý này trở thành mỉa mai, lố bịch.



Cuộc rượu tay tư


năm ấy ra trường về phố biển
trời Tuy Hòa màu áo trận buồn hiu
bờ cát vắng dấu giày saut sóng xóa
quán bên đường nhìn xuống biển mù khơi
với Lý đui
Cường dakao
Phong quá tải
bọn chúng về từ chiến địa Kontum
trong quán nhậu một ngày mưa rả rích
chuyện trời ơi
chuyện gái giếc râm rang
những cái chết như mây
những kiểu chết nhẹ hều
quên tuốt luốt những nhọc nhằn lính trận
vui một đêm say mai rồi hãy tính
quên đi hết nếu ngày mai chết đứng
bên góc rừng bóng quạ ngửi mùi tanh
khí trời đậm khét mùi thịt cháy
mùi khói nồng thuốc súng buổi hoàng hôn
kệ chó đời uống thêm Phong cận thị
ông làm sao trông nản thấy mồ
quên mẹ giảng đường xưa đi
người tình đại học
giờ ta học đại chuyện giết nhau
tráng sĩ qua sông
sao còn bịn rịn chuyện ruồi bu
sông Dịch mấy ai đi trở lại
trên sông một chiếc lá vào thu
cạn hết ly này thằng cà chớn
ê Lý đui quái dị
uống đi mày
sao ngồi đực ra đây
ôm hồ rượu đắng
vùi một đêm say rượu đậm sắc màu
nghe trong mưa gió mùi cố quận
tưởng tiếc làm chi
biết sống được đến mai không
tháng chín vào đông
Cường đi biền biệt
Phong về nhà xác hồn theo gió
trên nắp hòm buồn
cờ phủ nến rưng rưng
kính cận chỏng chơ mày bỏ lại
nhìn cứ mủi lòng
tau ngồi đợi trông ai
thân như con thú tìm thương tích
liếm vết thương khô
tưởng niệm chúng mày
những thằng chết trẻ hồn phiêu dạt
đứa khác đu bay
thế sự hà rầm
soi mình một bóng trên đồi đá
ngọn nến võ vàng áo trận phai
màu nắng chiều vàng màu thuở đó
quán nhậu ngày mưa tìm ở đâu
ta về như nắng về xa lạ
thấy cả chiều xưa chén rượu tàn.


Cái Trọng Ty
2009

Duy Trác - Tuổi già của tôi







Năm ngoái, khi sang Houston tôi mới biết gia đình anh chị Duy Trác mất tất cả mười mấy người thân trên biển cả.Nhìn và nghe anh chị và hai cháu trình bầy, yêucầu đại chúng trong pháp hội góp lời cầu nguyện vãng sinh cho hương linh, vì chị Duy Trác và gia đình vẫn còn mơ thấy thân nhân, khó ai cầm được nước mắt. Đây là tâm sự của anh Duy Trác từ dạo ấy, xin mời đọc.- Nhân-Yến.


Năm 1992 gia đình tôi tới Mỹ, một quốc gia tự do và nhân đạo, với 13 nhân khẩu. Không ngờ, vốn chỉ là một ca sĩ tài tử và đã bị chính quyền Cộng Sản giam cầm và cấm hát suốt 17 năm, tôi vẫn được một trung tâm ca nhạc tiếng tăm mời sang Paris tổ chức một buổi hội ngộ với thính giả và thu những băng nhạc nghệ thuật.

Các thính giả đã vào cả hậu trường chào mừng tôi, buồn vui, mừng tủi. Tôi chỉ còn nhớ, và nhớ mãi một câu chào, như mâu thuẫn và thật lòng: 'Bác (hay chú) chẳng thay đổi gì cả,chỉ già đi nhiều thôi.'

Bảy Tay Súng Oai Hùng



Một vụ cướp súng công an đào thoát thật ly kỳ xảy ra tại trại tù A.20 Xuân Phước.

Trại tù A.20 Xuân Phước của Việt Cộng toạ lạc tại một địa điểm cách ga xe lửa Lahaye khoảng 15 cây số thuộc tỉnh Phú Yên (Trung phần). Đây chính là nơi mà trong thời chiến tranh trước 1975 VC dùng làm Mật Khu an dưỡng cho các cán binh CS của chúng. Sau khi chiếm được miền Nam tháng Tư 1975, chúng biến nơi này thành trại tù lớn, chia làm hai khu, Khu A và Khu B. Và mỗi Khu còn chia ra thành nhiều Phân trại. Phân trại E giam giữ các anh em Sĩ quan QLVNCH. Bọn VC đã đưa toàn bộ số đàn ông di tản qua Mỹ trở về từ con tàu Việt Nam Thương Tín nhốt tại đây, rồi sau biến các tù nhân này thành những phu hồ để xây dựng những ngôi nhà ở và nhà giam bằng xi măng cốt sắt. Đồng thời chúng áp dụng một quy chế đối xử với tù nhân vô cùng khắt khe. Bọn cai tù tuyên bố rằng, nơi đây chúng sẽ "biến sắt thành bùn", bất cứ tù nhân nào dù ngoan cố tới đâu cũng phải bị khuất phục. Nhưng ngược lại, chúng đã luyện cho các tù nhân trở thành Gang Thép !

Các anh em tù gọi đây là "Trại Kiên Giam".

Bầy chim gãy cánh


Những tiếng súng vang trong chiều rờn rợn
bảy cánh chim đã hút giữa rừng cây
Phú khánh mùa nầy gió thổi mưa bay
tiếng báo động vẫn rền vang vách núi
những cánh chim đầu đàn của quân binh thuở trước
vùng vẫy đi vào huyền sử trại giam
lần đầu tiên giặc thảng thốt, kinh hoàng
từ dựng trại chưa con kiến nào qua lọt
bảy con chim, vượt qua từng giới hạn
một cánh dù làm mũi nhọn chuyến bay
và mưa rơi, mưa trút xuống tơi bời
xoá vết chân của bầy chim đang tìm chỗ đậu

Liên trại bị hành trong cơn cuồng nộ
súng gờm gờm, giặc lùng sục khắp trại giam
bảy cánh chim bay cả đàn như bị bẫy
mặc trời mưa lệnh xét trại tốc hành
giặc không chừa một ngóc ngách, một vết đinh
bới tung toàn trại cố tìm dấu vết
cả đàn như đang buổi cầu kinh
im lặng nguyện cầu cho những cánh chim vừa bay hút
mưa vẫn rơi, đường rừng muôn gai góc
có an toàn cho những cánh thiên di
mưa che không, gió bảo vệ được gì?
Núi trùng trùng, miền trung ma thiêng nước độc
Trường Sơn xưa những ngày tang tóc
hãy rộng vòng tay đón chiến sĩ về nguồn
mẹ Việt-Nam ơi bảy đứa con ngoan
vừa thoát gông cùm trở về bên gối mẹ

Ngày qua đi, ngày nín thở lắng nghe
im lặng mà nghe tóc tang gần lại
ôi Phú Bổn! trên bản đồ chỉ cách một gang tay
trên thực địa đường rừng đi là mấy
tang thương chưa bên bờ suối chảy
súng đạn kẻ vô thần làm gãy sáu cánh bay
con chim cuối một tiền sát quen tay
đã thoát chết khi rời đàn qua biên giới

Tin đau sau cùng đã về tới trại
tất cả nghẹn ngào hét tiếng bi ai
như bị đốn ngả không làm sao vươn dậy
tang thương chưa, nơi nầy không đất sống
bay đi xa tưởng trở lại quê nhà
rồi bây giờ đâu đó giữa rừng xa
nắm xác bỏ lạnh lùng không hương khói
tang thương chưa núi rừng ơi hỡi
hiển linh gì sao giúp giặc bỏ tình xưa
xót xa chưa mẹ Việt-Nam, mẹ Việt-Nam ơi
những con của mẹ với căm thù nầy làm sao trả


nguyễn thanh-khiết
Để tưởng nhớ 7 anh hùng ở A 20
Và cuộc vượt trại ngày…13-11-1980…


Đến Trại Xuân Phước


A20 Nguyễn Liệu

(Trích tặng nhà văn Nguyễn Quang và thi sĩ Nguyễn Thanh Khiết hai người tù lâu năm ở trại tù Xuân Phước ….) 

Nguyễn Liệu

Như thường lệ, khoảng một giờ tập họp đi lao động buổi chiều. Tôi có tên trong danh sách không đi lao động, ở lại để chuyển trại. Tôi vừa buồn vừa mừng. Buồn vì xa anh em đã ở chung từ lâu. Mừng vì may ra gặp nhà tù mới khá hơn, nhất là tránh được các bộ mặt hắc ám dễ ghét của cán bộ Quảng Ngãi. Người buồn như muốn khóc là anh Hoàng Ngọc Uẩn, một công chức người Huế làm việc ở Quảng Ngãi trên hai mươi năm nên tôi quen biết anh từ lâu. Vào tù ở chung lò gạch, sang trại Nghĩa Điền, tôi nằm bên cạnh anh. Anh tuổi đàn anh của tôi, rất hiền lành, tôi chưa bao giờ thấy anh giận ai. Phòng tôi ở khoảng năm chục người. Tất cả đều xúc động khi biết tôi phải đi trại khác. Trong tù, nhất là tù cộng sản, mỗi lần chia tay chúng tôi có cảm tưởng không còn bao giờ gặp nhau nữa, mỗi lần ra đi là vĩnh biệt, nên ai nấy đều bùi ngùi. Anh em góp tiền cho tôi tới một trăm năm chục đồng — lúc ấy một đồng mua được hai nải chuối. Anh em bày cách giấu nhưng cuối cùng tôi vẫn bọc trong túi và hi vọng đến trại mới dễ dãi hơn may ra mang theo được, nhưng khi đến nơi, tôi tuân hành nội qui, nộp cho cán bộ ở trại. Tôi nhớ có anh Trần Ngọc Ảnh người Quảng Ngãi, tuy ở khác phòng nhưng mến tôi nên cho tôi đến hai mươi đồng, nhiều hơn những anh em khác. Lúc ấy, nhất là trong tù, số tiền rất lớn đối với tôi và đã nói lên tình cảm của anh em dành cho tôi.

21.4.10

Đêm Noel trong xà lim số 6

-->

Ngày 29-4-1984, tôi được chuyển sang xà lim số 6 trại A-20 ở chung với Linh Mục Nguyễn Văn Vàng, linh hồn của một vụ nổi dậy do ngài và người em chủ trương năm 1976. Tôi hoàn toàn không hiểu lý do của việc chuyển xà lim cá nhân này. Ðây cũng là ngày mà tôi đánh dấu 3 năm bị cùm hai chân và có giai đoạn cả hai tay trong xà lim số 5. Phải nói là tôi bị gông thì đúng hơn. Nếu quý vị được nhìn thấy những tội phạm của thời phong kiến bị gông như thế nào thì chúng tôi bị gông như thế nấy. Chỉ có khác là nhà tù Cộng sản không gông cổ mà thôi.

Linh Mục Vàng, một nhà giảng đạo lỗi lạc của dòng Chúa Cứu Thế, sau khi bị lên án chung thân khổ sai sau vụ và em ruột ngài là Linh Mục Hiệu bị xử tử, đã bị đưa lưu đầy tại trại A-20 Xuân Phước. Khi tôi đã nằm cùm trong biệt giam trong phòng số 5 được 2 năm thì một hôm Linh Mục Nguyễn Văn Vàng lúc ấy từ trại lao động bị đưa vào xà lim số 6, bên cạnh xà lim tôi bị giam.