28.9.10

Võ Sư Lê Sáng đã qua đời







***************






Môn phái Vovinam - Việt Võ Đạo             Việt Nam, ngày 27  tháng 9 năm 2010
        Văn phòng Môn phái
 
           
Môn phái Vovinam - Việt Võ Đạo
vô cùng thương tiếc báo tin đến môn đồ Vovinam –
Việt Võ Đạo trên toàn thế giới:

Võ sư LÊ SÁNG
Chưởng môn Môn phái Vovinam - Việt Võ Đạo

Sinh năm 1920 đã quá vãng lúc 3 giờ ngày 27-9-2010, nhằm ngày 20 tháng 8 năm Canh Dần tại TPHCM, Việt Nam. Hưởng thọ 91 tuổi.

Lễ nhập quan lúc 10 giờ ngày 27-9-2010, linh cữu quàng tại Tổ đường Vovinam - Việt Võ Đạo, số 31 đường Sư Vạn Hạnh, phường 3, quận 10, TPHCM, Việt Nam.

Lễ viếng bắt đầu lúc 15 giờ ngày 27-9-2010.

Lễ động quan lúc 4 giờ ngày 01-10-2010, nhằm ngày 24 tháng 8 năm Canh Dần. Sau đó, linh cữu được đưa đi hỏa táng tại Nghĩa trang Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM.
 
Văn phòng Môn phái



 ***********


CHƯỞNG MÔN LÊ SÁNG 

NGƯỜI KẾ NGHIỆP XUẤT SẮC CỦA SÁNG TỔ NGUYỄN LỘC
 
Nguyên quán ở tỉnh Thanh Hóa, võ sư Lê Sáng chào đời vào mùa thu năm 1920 tại căn nhà bên bờ hồ Trúc Bạch (Hà Nội). Ông là trưởng nam của cụ ông Lê Văn Hiển tự Đức Quang (1887-1959) và cụ bà Nguyễn Thị Mùi (1887-1993). Hai người em gái của võ sư là Lê Thị Xuất và Lê Thị Hương.
Năm 1939, sau một cơn bệnh nên đôi chân đi đứng khó khăn, nghe lời khuyên của mẹ, võ sư Lê Sáng đã tìm thầy học võ với mục đích rèn luyện cho đôi chân cứng cáp và thân thể khỏe mạnh. Duyên may đưa ông đến với lớp Vovinam tại trường Sư phạm (Ecole Normale) Hà Nội do võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc trực tiếp giảng dạy vào mùa xuân năm 1940. Có tố chất, thông minh, chịu khó học hỏi và chuyên cần luyện tập, ông sớm cải thiện tình trạng sức khỏe và tiến bộ nhanh trên bước đường võ nghệ. Chỉ vài năm sau, ông được võ sư Sáng tổ cử tham gia huấn luyện Vovinam tại Hà Nội. Từ đó, ông luôn gắn bó với võ sư Sáng tổ như anh em ruột thịt, cùng đồng lao cộng khổ và từng theo chân võ sư Sáng tổ đi dạy Vovinam ở nhiều nơi…
 Năm 1954, ông theo võ sư Sáng tổ vào Sài Gòn. Tại đây, ông được phân công mở các lớp Vovinam ở đường Avigateur Garros (nay là đường Thủ Khoa Huân) và môt số võ đường khác …. Đến năm Đinh Dậu (1957), võ sư Sáng tổ lâm bệnh, ông thay người tiếp tục huấn luyện cho các môn sinh cao đẳng, đồng thời mở thêm võ đường ở đường Trần Khánh Dư (Tân Định), Sư Vạn Hạnh (sát chùa Ấn Quang), Moulin Rouge (đường Trần Hưng Đạo)… Tháng 4 năm 1960, trước lúc qua đời, võ sư Sáng tổ đã giao nhiệm vụ lãnh đạo môn phái lại cho ông.
Do tình hình thời cuộc, những năm đầu thập niên 60, võ sư Lê Sáng lên tận Buôn Mê Thuột làm ăn, đến cuối năm 1963, khi các võ phái ở Sài Gòn được phép hoạt động trở lại, ông mới quay về, bắt tay cùng đội ngũ cốt cán, khôi phục và phát triển môn phái.
Là môn đệ trưởng tràng, sát cánh cùng Sáng tổ Nguyễn Lộc trong gần 20 năm, võ sư Lê Sáng đã tiếp thu được những tư tưởng võ đạo và võ thuật cũng như nhân cách sống của Sáng tổ một cách sâu sắt nhất. Bằng tài năng và tâm huyết của mình cùng với sự đóng góp công sức của nhiều thế hệ võ sư, HLV, môn sinh và đông đảo người hâm mộ, Chưởng môn Lê Sáng đã phát triển những ý tưởng của sáng tổ Nguyễn Lộc để xây dựng cho Vovinam-Việt Võ Đạo một hệ thống triết lý võ đạo cùng hệ thống kỹ thuật luyện tập mang tính khoa học và thiết thực như hiện nay. Còn nhớ hồi giữa thập niên 1960, dù cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, nhưng song song với việc tổ chức phát triển môn phái, mỗi ngày trực tiếp huấn luyện hàng chục giờ; vậy mà biết bao đêm chưởng môn Lê Sáng vẫn chong đèn viết sách để hệ thống và phát triển những tư tưởng võ đạo của sáng tổ Nguyễn Lộc. Đó là hệ thống tư tưởng hướng người môn sinh Vovinam-Việt Võ Đạo đến một triết lý sống tốt đẹp: “Sống cho mình, giúp cho người khác sống và sống cho mọi người”. Theo đó, người môn sinh Vovinam-Việt Võ Đạo không chỉ rèn luyện, vượt thắng sự hèn yếu của tâm hồn và thể xác, tổ chức cho bản thân mình một cuộc sống tốt đẹp mà còn có trách nhiệm giúp người khác sống tốt đẹp và sẵn sàng hy sinh những quyền lợi tinh thần hay vật chất để phục vụ lợi ích chung của môn phái, của xã hội… Không chỉ thế, ông còn dày công vun đắp hệ thống kỹ thuật của Vovinam-Việt Võ Đạo ngày thêm đa dạng và phong phú, phù hợp với nhiều đối tượng. Ngay cả khi ở tuổi ngoại “thất thập cổ lai hy”, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hệ thống kỹ thuật cho phù hợp với giai đoạn mới - giai đoạn Vovinam-Việt Võ Đạo phát triển mạnh mẽ ở nước ngoài sau cột mốc đặt nền tảng ban đầu trên đất Pháp hồi năm 1973.
Những đóng góp hết sức quan trọng đó của Chưởng môn Lê Sáng chính là tiền để để phong trào Vovinam-Việt Võ Đạo ngày càng phát triển, thăng hoa và dần lan rộng ra hơn 40 nước trên thế giới như là một sự khẳng định mạnh mẽ của truyền thống thượng võ và bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Ngoài việc lo cho môn phái, ông còn tham gia các công việc khác, được bầu làm Tổng thư ký Tổng cuộc Quyền thuật miền Nam Việt Nam và Tổng Thủ quỹ Ủy hội Olympic miền Nam Việt Nam trong nhiều năm.
Chẳng những giỏi võ, có khả năng kinh doanh và năng lực lãnh đạo tốt, Chưởng môn Lê Sáng còn là một con người tài hoa. Bằng những nét chữ bay bướm, ông thường sáng tác nhiều bài thơ tràn đầy cảm xúc sâu lắng và tinh thần thượng võ. Một số bài thơ của ông đã được phổ nhạc. Trong đời thường, ông sống ung dung, giản dị, thường giúp đỡ bạn bè và cư xử chân tình với những người chung quanh. Đối với môn đệ, ông chí tình dạy bảo, thương yêu và dung thứ. Những lúc cha mẹ ốm đau, ông luôn cận kề và chăm lo chu đáo.
Gần một năm nay, dù sức khỏe giảm sút, nhưng Chưởng môn Lê Sáng vẫn minh mẫn và sáng suốt. Ngay trong những ngày cuối đời phải chống chọi với bệnh tật, Chưởng môn vẫn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với sự nghiệp phát triển môn phái khi chuẩn bị nhân sự và chuyển giao trách nhiệm lãnh đạo môn phái Vovinam-Việt Võ Đạo lại cho Hội đồng võ sư Chưởng quản.
Sống đơn thân, không nặng gánh gia đình, thích đọc sách báo, thấm nhuần triết lý phương Đông, và cũng là người kế nghiệp xuất sắc nhất Sáng tổ Nguyễn Lộc; bằng tài năng và đạo đức của mình, Chưởng môn Lê Sáng đã hy sinh và cống hiến trọn cuộc đời mình cho công cuộc xây dựng và phát triển môn phái Vovinam-Việt Võ Đạo.
Sau một thời gian lâm trọng bệnh, Chưởng môn Lê Sáng đã ra đi vĩnh viễn vào lúc 3 giờ ngày 27-9-2010, nhằm ngày 20 tháng 8 năm Canh Dần, hưởng thọ 91 tuổi. Sự ra đi của Chưởng Lê Sáng là một tổn thất đối với nền võ thuật và võ đạo và là sự mất mát lớn không gì bù đắp được đối với toàn thể môn đồ Vovinam-Việt Võ Đạo trên khắp thế giới. 
 
NGUYỄN HỒNG TÂM
(Môn sinh Vovinam-Việt Võ Đạo)


6 nhận xét:

  1. VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC

    Quán Lá đau đớn nhận hung tin A20 Lê Sáng, một đàn anh bất khuất đã ra đi.
    Xin thắp nén hương tâm cầu nguyện anh linh người được an yên miền cực lạc.

    Quán Lá A20

    Trả lờiXóa
  2. Nguyễn Trọng Nghị:

    Chúng tôi Thành kính chia buồn đến Quí Môn sinh VoViNam -Việt Võ Đạo và Võ Sư Thái Nhật Lĩnh tại T/P Seattle Tiểu Bang Washington.
    Quán Lá A 20 Seattle/WA


    Hoàng Lập Chí:

    Trân trọng và thành kính chia buồn cùng tang quyến và quí môn sinh quốc nội và hải ngoại, nguyện cầu anh linh cố võ sư sớm siêu thoát lạc cảnh.

    HNT (Hoàng Lập Chí, Sydney),
    Người cùng biệt giam với cố võ sư năm xưa


    Phạm Kim Minh:

    Thành kính chia buồn cùng tang quyến và toàn thể môn sinh VOVINAM.


    Nguyễn Ngọc Tiên:

    PHÂN ƯU

    Vừa nhận hung tin Cựu tù A 20 Xuân Phước là:

    Võ sư LÊ SÁNG
    Chưởng Môn Môn phái Vovinam - Việt Võ Đạo


    Vừa Mãn phần lúc 3 giờ sáng ngày 27 tháng 9 năm 2010 (giờ VN)
    Nhằm ngày 20 tháng 8 năm Canh Dần
    tại Sài Gòn Việt Nam

    Hưởng Thọ 91 Tuổi

    Xin thành kính chia buồn cùng toàn thể Môn Sinh
    Vovinam - Việt Võ Đạo và quý vị Võ sư thuộc các Võ đường
    Môn phái Vovinam - Việt Võ Đạo tại Miền Bắc California.

    Nguyện cầu hương linh Võ Sư Chưởng Môn sớm về cõi Vĩnh Hằng

    THÀNH KÍNH PHÂN ƯU
    Toàn thể Anh em cựu tù A 20 Xuân Phước
    Ban Đại diện Cộng đồng VN/ Bắc California
    Ban Tổ chức Hội Tết Trung Thu


    Bùi Đạt Trung:

    THÀNH KÍNH PHÂN ƯU cùng GIA ĐÌNH VÕ SƯ LÊ SÁNG và Các MÔN SINH,
    NGUYỆN CẦU HƯƠNG HỒN "BỐ" được sớm TIÊU DIÊU nơi cõi VĨNH HẮNG.
    Bùi Đạt Trung và Gia Đình

    Trả lờiXóa
  3. Nguyễn Văn Lưu9/28/2010

    Thành Kính chia buồn cùng gia đình và các môn sinh Vovinam-Viêt Võ Đạo

    Trả lờiXóa
  4. Nặc danh9/29/2010

    Thành Kính phân ưu đến gia đình và các anh em môn sinh Vovinam
    Khánh (Môn sinh Vovinam)

    Trả lờiXóa
  5. Lê Hoàng Ân:

    Toàn thể đại gia đình chúng tôi xin thành thật chia buồn cùng gia quyến “Bố” Lê Sáng, trưởng môn môn phái Vovinam, nằm cách tôi mấy người tại trại tù trừng giới A.20 Xuân Phước trong gần 3 năm, cùng tất cả các môn sinh Vovinam, về sự mất mát lớn lao này.
    “Bố” Lê Sáng là một con người toàn thiện, và trong tù đã chứng tỏ cho anh em A.20 rõ sự bất khuất trước bạo lực Cộng Sản.
    Xin cầu nguyện cho “Bố” Lê Sáng sớm tiêu diêu miền Cực Lạc.

    A.20 Lê Hoàng Ân và gia đình



    Trương Văn Tám:

    Nhận được Tin buồn Võ Sư Lê Sáng, một cựu tù A20 đả về miền Miên Viển ....Támchùa và gia đình thành kính phân ưu cùng toàn thể Gia Đình Võ Sư nói riêng và toàn thể các Môn Sinh VOVINAM nói chung ...cầu nguyện Linh hồn Võ Sư tiêu diêu, an nhàn nơi miền Cực Lạc .....Kính Bái ....

    TamvTruong

    Trả lờiXóa
  6. Lê văn Sanh

    PHÂN ƯU

    Vô cùng thương tiếc VÕ SƯ CHƯỞNG MÔN VIỆT VÕ ĐẠO LÊ SÁNG
    Đã từ trần ngày 27 tháng 09 năm 2010 nhằm ngày 20 tháng 08 Canh Dần
    tại Sài gòn Việt nam
    Sự ra đi của Chưởng Môn LÊ SÁNG là sự mất mát vô cùng lớn lao cho
    nền VÕ Thuật và VÕ ĐẠO cùng toàn thể môn đồ VOVINAM.
    Gia đình trại kiên giam A20 đã mất đi "người tù kiên cường bất khuất"
    Chúng tôi mất người thầy "KHIÊM CUNG, ĐÔN HẬU"
    Mặc dầu suốt 13 năm bị Cộng Sản áp bức, giam cầm, đày ải đói rét vô cùng nghiệt ngã,
    ở trại kiên giam, nhưng CHƯỞNG MÔN luôn luôn cắn chặt môi để chịu thiệt
    đứng vững gót để làm người, với lòng sắt son "uy vũ bất năng khuất, bần tiện
    bất năng di"
    Tuy Chưởng Môn đã vĩnh viễn ra đi, nhưng sự kính trọng và
    sẽ bất tận niềm thương tiếc của môn đồ VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO.

    Lê văn Sanh
    và Gia đình tại Houston,TX
    Thành Kính Phân ưu

    Trả lờiXóa