2.9.10

Những người tù bất khuất



Nguyễn Chí Thiệp

Thời gian ở tù, tôi cũng có nhiều dịp để khâm phục những người tù bất khuất, tôi đã có dịp nêu tên tuổi ở những phần đầu khi tôi gặp họ ở trại tạm giam. Ở phân trại C này, tôi tiếp tục khâm phục một người khác. Linh mục Phan Thanh Luân; cha Luân sinh quán Phan Rang, cha còn trẻ, khoảng 37 tuổi, bị kết án chung thân vì tổ chức phong trào chống Cộng ở địa phương, vào trong tù cha vẫn tiếp tục chống đối, bao nhiêu lần viết kiểm điểm, cha đều viết vỏn vẹn có mấy chữ “Chế độ Cộng sản độc tài tàn bạo, nặng trừng phạt trả thù, không có khoan hồng”, cha Luân đã bị nhốt xà lim nhiều lần, các cha khác khuyên cha nên nhẫn nhục hơn, nhưng cha đã dứt khoát trả lời cha muốn làm một viên gạch lót đường cho người yêu nước bước lên đi tới. Trong đợt kiểm điểm cuối năm 1982, cha Luân lại chỉ viết như cũ. Cha Luân bị nhốt từ tháng 12-1982 đến khi tôi rời Xuân Phước tháng 10 năm 1986, nhiều người khác đã chết nhưng cha vẫn còn sống, cha đã yếu lắm, lần cuối cùng khoảng giữa tháng năm 1986, an ninh gọi cha ra để viết kiểm điểm. Cha Luân trả lời cha không biết viết. Cha Luân đã quyết chết. Ý nguyện của cha là làm viên gạch lót đường, nhưng không biết có người nào bước lên viên gạch tên Luân để đi được bước vững chắc trong sứ mạng chống Cộng hay không?





Có lẽ giờ đây cha Luân đã chết, cha sống được cho tới ngày tôi rời trại tháng 10-1986 đã lạ lùng – đã từng nhiều lần ở xà lim, tôi biết sức chịu đựng của con người cũng giới hạn, trước đây Trần Văn San, Vũ Văn Ánh chịu hơn hai năm, chúng tôi khâm phục lắm. Chế độ kỷ luật chỉ ăn 9kg lương thực mỗi tháng trên lý thuyết, trên thực tế có thể ít hơn, có nhiều người như Lê Quang Minh rất khỏe đã chết sau 3 tháng, thiếu tá Bùi Nguyên Nghĩa chỉ chịu được có 2 tháng là chết. Xà lim trại cải tạo nơi chứng nghiệm sức mạnh của tinh thần và niềm tin, nếu bình tâm, thoải mái, tự tin có thể kéo dài được sự sống hàng nhiều năm, nếu lo âu bứt rứt, tiếc nuối, ân hận thì sẽ chết trong thời gian ngắn.

Tháng 3 năm 1983, chúng tôi được chuyển trại ra khi B, những anh bị kỷ luật vẫn tiếp tục bị giam giữ. Bọn chỉ huy đã xon cả một đại đội địa phương từ trên xuống bảo vệ trại sau khi đã bắt giam và cô lập một số người bị nghi ngờ. Bọn chúng tim là tù có thể nổi loạn thì ít, mà muốn làm lớn chuyện, dựng chuyện để báo công, lập công nhiều. Vì chúng hy vọng giam một số người đông đảo trong tù sẽ có người chịu không nổi sẽ nhận tội, và đối với pháp chế Cộng sản chỉ cần một số ít nhận tội thì chúng có thể đưa một đám đông ra tòa, tạo thành một vụ án to lớn để báo cáo lên bộ Nội Vụ, lúc đó trại Xuân Phước lại được thưởng lẳng hoa, bọn chỉ huy và an ninh sẽ được thăng cấp. May mắn là không ai chịu nhận những cáo buộc tày trời mà tội danh đó trong trại có thể bị xử tử hình. Không kể các anh Vũ Văn Ánh, Khúc Thừa Văn, Bùi Lượng bị giam đã gần 2 năm, nhân vụ Ngô Văn Ly rải truyền đơn, những người khác bị giam hơn 5 tháng mà ai nấy chỉ còn da bọc xương. Những lúc tù trong xà lim được dẫn đi tắm, nhìn thân thể tàn tạ của họ, không ai khỏi xúc động. Thất thểu dắt díu nhau để đi, người còn khỏe dìu người yếu hơn. Được đi tắm là một đặc ân với người bị kỷ luật, có khi mỗi tháng một lần, có khi ba tháng chưa được nhắc tới. Tắm đối người ở xà lim là một hạnh phúc lớn lắm, được rút chân ra khỏi phòng một lúc, được đi ra ngoài trời, được nhìn và sưởi trong nắng, được nghe và hưởng gió mát, được hít không khí trong lành, được tạm quên mùi hôi thối do nước tiểu và phân của chính mình bài tiết ra trong thùng đạn đại liên đầy đến tận miệng mà trật tự cũng không đổ đi, được ngâm mình trong nước một lúc. Do đó, dù có gần chết đến nơi, được tắm cũng ráng mà dìu nhau đi. Tắm đối với với phân trại B không những quí đối với tù giam ở xà lim, mà còn quan trọng đối với ngay cả tù được đi lao động. Đó là một chính sách của trại đối với những người tù cải tạo không tiến bộ, hệ thống bơm nước vào những hố chứa nước trong trại bị cắt, trại không có giếng vì nằm trên đồi đầy đá, Nước lấy từ con suối Trà Bương. Suối nước ở rừng núi miền Trung mùa mưa nước lũ tràn bờ chảy như thác, nước suối mùa mưa rất độc, vì nước cuốn theo bao nhiêu rác rến lá cây độc, nhất là lá cây sơn, thân cây sơn mục, mùa mưa nào đem về lòng suối càng nhiều lá cây mục thì năm đó có nhiều người chết vì những chứng bệnh lạ, sốt lên rồi chết nhanh chóng, kể cả ngoài khi dân cư bên kia suối.

Mùa nắng suối dần dần cạn, khô lại, chỉ còn nước ở những nơi trũng không thông được. Khoảng nước ao tù đó dùng nhiều công việc, tưới rau cho đội rau xanh, đội vệ sinh, đội rửa thùng phân và thùng nước tiểu, đội chăn nuôi cho bò uống nước, cán bộ giặt áo quần và tắm, giặt, nấu, ăn, uống. Nhưng được lặn hụp trong khoảng nước đục ngầu, chứa đựng đủ thứ rác rến, phân người, phân súc vật, băng vệ sinh phụ nữ, không phải là dễ, vì phải lao động tốt. Qui chết mới được ban hành, tù chỉ được tắm mỗi tuần hai lần trong tiêu chuẩn. Còn những lần tắm khác nếu có là do sự thông cảm của cán bộ nhận xét qua thành tích lao động của mỗi buổi. Lịnh ban ra thật nhẹ nhàng và gọn gàng. Không lao động tốt không được tắm và lấy nước về nấu rửa. Tới gần cuối giờ lao động mỗi buổi, tất cả tù trong đội đều hồi hộp chờ một lịnh ban ra thu dụng cụ đi tắm, hay là thu dụng về trại, kèm theo chỉ thị kiểm điểm anh A, anh B vì lao động lề mề, vì cải thiện linh tinh. Một người làm sai cả đội chịu trách nhiệm lây, do đó tập thể phải thúc đẩy, xây dựng lẫn nhau, nghĩa là phải đấu tranh tố cái nhau kịch liệt. Người tù ngây thơ nào cũng biết đó là mưu kế của Việt Cộng gây ra để gây mâu thuẫn và hiềm khích. Tình đồng cảnh cũng mạnh nên thảo luận qua quít, phê bình đại khái rồi cười thông cảm. Nhưng chuyện không xảy ra một ngày, một buổi, mà xảy ra đều đều mỗi ngày trong nhiều năm, mùa hạ nắng chang chang như đổ lửa, mồ hôi quyện với tro than vì cuốc gốc mía mới đốt, mặt mày lấm tèm lem như mọi, thì một phút nhảy ùm xuống nước cũng rất cần, đừng nói khẩn trương trong năm phút tắm. Trường hợp đó mà phải vác cuốc về trại vì anh A, B nào đó làm lao động lề mề, dựa dẫm. Dù có biết đó là âm mưu của Cộng sản gây nên hiềm khích vẫn cứ tố nhau, phê bình nhau, đấu tranh thực tình, đề nghị biện pháp xử phạt lên cán bộ quản giáo. Cán bộ quản giáo có cùm một người tù, có hạn chế thức ăn, cấm viết thư thăm gặp, cũng do đề nghị của đội, của tập thể, không phải là ý riêng của cán bộ. Nhờ những biện pháp như tù phải đi chân đất đi làm, ăn uống theo tiêu chuẩn bình bầu, chế độ tắm rửa, chế độ giam cầm kỹ luật, trại Xuân Phước (tức là trại A-20) nổi tiếng toàn quốc là trại trừng giới ác liệt, là địa ngục trần gian.

Đối với anh em kỷ luật, chúng tôi nghĩ phải làm cái gì cho họ. Một viên thuốc, một cục đường trong xà lim giá trị gấp trăm ngàn lần ở ngoài.

Móc nối được hai trật tự Dũng và Cảnh, anh Phạm Văn Đồng đã tổ chức được hai hình sự SơnThuận sẵn sàng “bay” tức là nhảy tường đem đồ tiếp tế vào khu xà lim. Giờ bay là những giờ trưa phiên trực của Dũng và Cảnh. Đường dây tiếp tế kéo dài được ba tháng, đến ngày 9 tháng 6 thì bể. Nguyên do trong một phòng giam anh Trần Quí Phong và ông Bùi Ngọc Phương – anh Phong nhận tiếp tế, chia không đều, ông Phương đòi thêm, anh Phong nặng lời, ông Phương tức giận tố cáo, tai hại là khi bị xét anh Trần Quí Phong còn giữ số quà chưa ăn hết. Sơn, Thuận, ĐồngNgô Ly bị bắt, vài ngày sau các anh Nguyễn Chí Hiền, Nguyễn Hữu Giao và tôi bị bắt – chúng tôi nhận là có cho Đồng và Ly quà, các anh Giao, Hiền được thả ra sau một tuần kỷ luật và tôi tiếp tục bị giam. Nguyễn Minh Lý tức Lý lé, trưởng ban an ninh tổng trại làm việc với tôi. Hắn nói đáng lẽ giam tôi cùng đợt đưa vào trong C năm ngoái vì tôi đã tổ chức một đảng chính trị trong trại, tên là Lực Lượng Dân Tộc Việt và chính tôi đã tổ chức vụ tiếp tế cho đồng bọn ở trong xà lim. Tôi nghĩ hắn nói dóc, chắc là hắn mới nhận được báo cáo của một tên đặt điều nào đó vì nếu tôi bị báo cáo từ trước làm sao hắn chừa tôi ra không nhốt. Tôi nhất định khai là tôi chỉ cho quà do em Đồng xin, chúng tôi đã thỏa thuận với nhau về những lời khai từ khi mới bắt đầu làm công việc nguy hiểm. Còn tổ chức đảng chính trị là một điều không thể có, vả lại cái tên “Lực Lượng Dân Tộc Việt” là một tên của tổ chức chính trị đã có từ trước năm 1975, nếu tôi có tổ chức đảng chính trị tôi không đặt trùng hợp như vậy. Lý cho bắt nhốt thêm những người bạn thân của tôi như Khổng Hữu Diệu, Trịnh Đình Lâm, Koksorl Biên, Nguyễn Tú Cường.

Hai chân tôi bị còng chéo để bức cung. Còng chéo hai chân bị đóng cứng chặt giữa hai cái còng hình chữ U và thanh sát xuyên. Vì độ cao của thanh sắt dở hổng hai chân lên thành ra không thể nằm thẳng lưng, vì nằm thân mình căng ra hai chân bị siết chặt vào sắt đau buốt tận tủy óc, đau đớn liên tục. Người bị còng phại dùng hai khuỷu tay để chống hoặc cởi tất cả áo quần ra chêm ngang thắt lưng mới chịu được một thời gian, chờ vào ngày hai cổ chân gầy đi xoay được lật úp lại thì hai chân sẽ thẳng ra nhưng phải nằm sấp. Nhưng chỉ trong vài ngày chân đã bị sưng húp vì ban đêm bị lắc còng điểm danh. Cách bức cung này không ai có thể chịu được phải khai và nhận. Đoán hắn dựa vào báo cáo mù mờ và không có sự thật nên phải khai như thế nào để hắn có thể chấp nhận được. Sau một tuần bị cùm chéo, tôi khai rằng tôi được chỉ định đọc báo cho toàn nhà nghe. Thỉnh thoảng thì giờ rảnh rỗi ngồi với nhau cùng bàn với những bạn hữu những điều đăng trong báo, đó là bài tham luận của Nguyễn Lam trong đại hội kỳ 5, xác nhận những sai lầm kinh tế. Trong khi nói chuyện với bạn bè tôi có đưa ý kiến riêng là khi đã nhận là sai lầm kinh tế tất phải có những biện pháp đổi thay, mà đã thay đổi kinh tế thì phải thay đổi chính trị ở mức độ nào đó. Phải đến lúc chính phủ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam cần đến sự trợ giúp của người Mỹ và phải có những thay đổi cần thiết, những điều tôi nói đó không xa sự thật, không mới mẻ gì vì từ đầu khi tôi bị bắt, tên trưởng ban chấp pháp, Đại tá Nam Thành ở Sở Công An Thành Phố nói với tôi là hắn và thượng cấp của hắn biết là chỉ có Mỹ mới giúp cho Việt Cộng thoát khỏi những khó khăn kinh tế, nhưng theo hắn, Mỹ sẽ đến Việt Nam với những điều kiện do Việt Cộng đặt ra. Tôi cũng nghĩ Mỹ sẽ trở lại Việt Nam nhưng với điều kiện của Mỹ đặt ra sau khi đã cô lập đến độ làm Việt Cộng phải ngã quỵ, tôi giả nghe Nam Thành nói như nghe một điều mới lạ. Bây giờ tôi cũng lý luận đó để nói với tên Lý, một cán bộ cấp thấp, để nó thấy điều tôi nói hợp lý, không buộc tội tôi càng tốt, còn nếu làm hồ sơ tôi sẽ viện dẫn những điều tôi nói là tài liệu tôi đọc được của Nguyễn Lam. Tôi đã đối phó đúng, các người bạn tôi được thả ra trong thời gian ngắn và tôi được thả ra sau ba tháng bị giam xà lim.

Không thể tiếp tế được cho các bạn bè còn bị nhốt và hậu quả trầm trọng đã đến, tháng 11 năm đó, ông Bùi Ngọc Phương chết, tội nghiệp một con người được tiếng là tỉ phú, mà đến lúc chết thèm một ít hơi béo, một hơi ngọt mà không có. Rồi lần lượt linh mục Nguyễn Huy Chương, ông Bùi Lượng, anh Đức, Khúc Thừa Văn và Linh mục Nguyễn Văn Vàng chết trước, sau, tùy sức chịu đựng của mỗi người. Khúc Thừa Văn thì quá kiệt lực được đưa ra trạm xá, gặp lúc gia đình có thân nhân là Việt Cộng xin phép Bộ Nội Vụ đến thăm, nhưng quà đến quá trễ không đủ phục hồi được một thân thể đã kiệt sức hơn ba năm bị giam kỷ luật. Trước khi chết, anh Văn còn đủ tỉnh táo để mời những người bịnh nằm chung mỗi người một điếu thuốc và gửi cho anh em hình sự hai điếu để ngày hôm sau chuyển lại cho Mai Văn Hoàng và tôi, là hai người mà anh Văn cho rằng đã hiểu anh không phải là người hèn nhát.

Những người khác như anh Lê Văn Sanh, Trần Danh San, Đoàn Phan Trí, Vũ Văn Ánh, Nguyễn Minh Hoàng, Châu Sáng Thế, Nguyễn Hữu Nghĩa, Cụ Lê Sáng nhờ lệnh chuyển trại của Bộ Nội Vụ cuối năm 1984 đến trại mới họ được ra khỏi kỷ luật nên thoát chết thảm vì đói và kiệt lực trong xà lim.

Đây là những người tù bất khuất, nếu không công khai chống đối thì cũng là người luôn luôn giữ tư cách đứng đắn, để lại trong lòng anh em sống chung những tình cảm tốt đẹp.

Ra khỏi kỷ luật, tôi ở trong một đội mà hầu hết mà hầu hết những người đều là viên chức cao cấp từ hàng Tổng trưởng đến Tổng giám đốc, hoặc cấp bực từ Trung tá trở lên, tôi trở thành người nhỏ tuổi nhất và có chức vụ tầm thường. Nhưng ở đội này nhiều khi không được thoải mái bằng những đội toàn nhũng anh em sĩ quan trẻ tuổi.

Nhớ lại những anh Ngô Khắc Tỉnh bị tên cán bộ Ninh tuổi chưa đáng con của anh mắng mỏ, anh không hề vi phạm một điều gì lớn, chỉ một sơ xuất lao động nhỏ cũng là cái cớ. Đại tá Trần Thanh Bền, Trung Tá Hồ Văn Nho và anh Hồ Văn Châm thường xuyên báo cáo. Anh Tỉnh là người luôn luôn giữ danh dự và tư cách của một con người từng nắm giữ nhiệm vụ quan trọng. Tôi cũng nhiều lần bị mắng chửi vì tình nguyện gánh nước tưới rau thay cho anh Ngô Khắc Tịnh, anh Tịnh bị bại hai chân. Tên quản giáo Ninh muốn tìm cớ chửi mắng anh nên giao cho anh canh tác một miếng đất nhỏ ở trong trại. Tôi giúp anh Tịnh săn sóc miếng đất mỗi khi đi làm về. Họ báo cáo anh Tịnh mua chuộc và điều khiển tôi. Tên Ninh buộc tôi không được giúp anh Tịnh, tôi cứ lờ đi tiếp tục giúp anh Tịnh ngoài giờ làm, tôi không ăn gian giờ lao động của trại, vả lại giúp một người một người tàn tật thì không có nền luân lý và luật pháp nào cấm. Kết quả là anh Tịnh bị đổi đi đội khác, để rồi anh phải chống gậy đi lếch thếch, theo đội xuất trại rất khổ. Tôi không biết nhiều về anh Ngô Khắc TỉnhNgô Khắc Tịnh, nhưng tôi biết hai anh xuất thân từ một gia đình có đạo đức tại tỉnh Phan Rang. Giáo dục gia đình là căn bản quan trọng để đào tạo tính tình và đạo đức, tác phong của con người. Giáo dục học đường có thể đào tạo con người giỏi, nhưng nếu thiếu đạo đức, ở trong hoàn cảnh khó, học có thể dễ dàng trở thành con người tồi tệ. Nhà trường cũng có dạy đức dục, nhưng nhiều khi không có căn bản của gia đình, học sinh không hấp thụ được điều tốt thầy dạy. Có lần anh Nguyễn Tú, ký giả báo Chính Luận, chỉ phê bình qua loa về một bài thơ của anh Cao Văn Khanh ca tụng chế độ, sẵn ghét anh Tú không chịu viết báo tường; tên cán bộ Hùng, phụ trách giáo dục bắt anh viết một bài kiểm điểm rất cay đắng để đọc trước toàn trại trước khi nhốt anh Tú vào kỷ luật. Các anh Hồ Văn Châm, Trần Thanh Bền, Hồ Văn Nho đổi sự thoải mái trong chức đội phó, đứng thúc đẩy lao động và công tác riêng rẽ phục vụ cán bộ bằng mồ hôi và danh dự của người đồng cảnh.

................

(Trích “Trại Kiên Giam”. Trang 414.)


Nguyễn Chí Thiệp
(Trại Kiên Giam, xuất bản tại Hoa Kỳ 1992)





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét