5.9.10

Linh mục Đa Minh Trần Văn Nguyện



Một vì sao sáng mãi mãi sẽ là niềm hãnh diện
của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam vừa từ trần.

Nguyễn Quang

Vị Linh mục khả kính là một trong những người đầu tiên đứng lên đòi quyền bình đẳng cho con người tại miền Nam VN dưới sự thống trị của Cộng sản. Trong tập họp này có Linh mục Trần Học Hiệu, nguyên Hiệu Trưởng Trường Nguyễn Bá Tòng, Sài Gòn bị tử hình và nhiều anh em khác án từ mười năm đến chung thân.

Hình ảnh của người còn lại như luôn mang theo hình bóng bất khuất của người đã ra đi. Linh mục Đa Minh Trần Văn Nguyện, án mười bốn năm, từ trại giam Chí Hòa đến Xuân Phước còn gọi là trại Thung Lũng Tử Thần, thụ án tại đây đến ngày về.



Các dấu chân của vị Linh mục này một cách trung thực được ghi lại như sau:
Không có Linh mục, Tu sĩ nào khi thăm nuôi mang ra ban phát hết cho kẻ nghèo rồi ăn bánh xe lịch sử - một loại bánh bột khoai mì đen.

Không có vị Linh mục nào kể cả các nhân vật danh tiếng khi nhận giấy tha ra khỏi trại giam đi chân không, đôi dép kia nhường cho anh em còn ở lại vì nơi trại Thung Lũng Tử Thần các tù nhân phải đi chân trần dù lên rừng đốn củi, chân người nào cũng nứt nẻ ra.

Khi có tin phái đoàn nhân quyền của LHQ đến thăm, Ngài không như các nhà sư, tu sĩ khác chạy lăng xăng soạn diễn văn, mong gặp Amor*… Trong sự bình thản Ngài còn khuyên anh em: nhân quyền chính là hạt cơm, cọng rau, chút nước chấm cùng chia sẻ với nhau ngay ở đây và bây giờ. Hãy coi chừng những ‘hòn núi mà đẻ ra con chuột nhắt’.  Không có ai cứu chúng ta bằng chính mình với nhau trước. Và nếu có gặp Cao Ủy Nhân quyền cũng đừng nói xấu chúng, chúng ta gọi Cộng sản là ma quỷ nhưng thật sự chúng cũng đều là con người, hãy tìm phương cách mà cứu vớt con người.

Ngài là một trong số rất ít các Linh mục dâng lễ trong tù có cộng đoàn tham dự, phần lớn đều âm thầm dâng lễ kín đáo trong mùng vào ban đêm. Và cái tội trong tù mà còn giữ Mình Thánh Chúa, suýt nữa bị kiên giam đến chết như Linh Mục Nguyễn Quang Minh, vụ Nhà thờ Vinh Sơn giữ Mình Thánh và bị đánh đến trào máu chết ngay trong trại giam.

Không, không… với Vị Linh mục này chỉ viết bằng chữ KHÔNG. Thật vậy khi ai đó hỏi nước trời như thế nào Ngài cũng chỉ trả lời như Chị Thánh Têrêxa Hài Đồng: Nada, Nada. Trong cái không của đức khiêm nhường, Người đã giúp không biết bao người khốn khổ trong trại giam vượt qua đói khát cho dù sẽ không biết bao nhiêu là đủ, nhưng thật con người trong lúc quá thiếu thốn khi nhận được chút quà mọn, họ đều cảm nhận thế nào là hương vị thật ngon mà trước đó có khi con người quên hẳn hay không nhận ra trong cuộc đời thường. Từ cái ăn cái mặc đến triết lý cao xa chỉ là gang tấc, rất nhiều người trong tù theo sự tự nguyện từ tấm gương đạo đức của Người mà xin theo cùng đạo với Ngài hay trở nên có cuộc sống đạo tốt hơn – vive philosophie một lần nữa lại đúng trong trường hợp này.

Hơn bốn mươi tù nhân Xuân Phước dù cùng tôn giáo hay không đã tập họp về đây để tiễn đưa Ngài lần cuối. Mỗi người một chiếc khăn tang như toàn thể con chiên gần xa vài ngàn người đều khăn trắng để tang cho Ngài tại Gáo xứ Thiên Ân thuộc giáo phận Xuân Lộc. Những người dự lễ tiễn biệt chỉ tiếc rằng Giám Mục sở tại qua bài giảng đã không rõ về người mục tử của mình, Ngài chỉ nói chuyện chung chung ở đâu bên Do Thái, về chuyện Lazarô nhờ đức tin mà sống lại… như có Linh mục giảng về Phục sinh trong bữa tiệc Lễ Vượt qua chỉ nói toàn về nước sốt và cả rau diếp… Nhũng nét chấm phá từ đời thường thật gây ấn tựơng của Ngài không được nói lên. Có thể các Giám Mục đều biết nhưng vì văn minh được định nghĩa là biết kiềm chế, nên quý Ngài không nói. Kiềm chế vì tôi tránh đụng chạm hay sợ hãi đến các bạo chúa.

Những ai từng gần gũi Ngài đều rõ Ông không phải là nhà thông thái uyên thâm tri thức nhân loại như các Linh mục Dòng Tên, nhưng ‘chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài’. Từ cuộc sống đời thường Người đã làm nên bao điều lạ từ sự yêu mến con người nên nhiều anh em từng sống với Ngài tin rằng Ngài cũng sẽ có bao điều mang lại đầy ân sủng cho những ai sẽ gõ cửa nhờ sự cầu bầu của Ngài lên Thiên Chúa.

Anh em cựu tù nhân Xuân Phước, những người từng sống chung và ở gần Ngài có đề nghị Tòa Thánh La Mã hãy lập ngay hồ sơ phong Thánh cho Linh Mục Đa Minh Trần Văn Nguyện: mỗi bước chân của Ngài là dấu ấn của Đức KiTô chết đi và Phục Sinh. Hiện thân của Ngài là dấu chỉ của niềm tin và hy vọng: Chúa là đường đi, là sự thật.

Xin cảm ơn tất cả bao tùy thể để làm nên yếu tính của Con Người này, trong đó có một yếu tố của con người sống bên Ngài trong những năm tháng tù đày cũng là một Linh mục, chính những lúc Ngài phân phát hết lương thực thì Ông này cựu mang Ngài nếu không cứ bánh xe lịch sử và rau trời chắc Người đã ‘tử đạo thương người quên mình’ từ lâu. Linh mục Ngọc Đăng, các tù nhân hay gọi Ông này là ‘ông ác’, thật ra Ông rất hiền từ và chỉ Ông Nguyện là ‘ông Thiện’. Đặc biệt ‘ông ác’ cũng thích làm bác ái nhưng chỉ cho khi những đồ của ông gần như không xài được nữa… có lẽ trong lúc khó khăn Ông giữ đồ thăm nuôi quá kỹ lưỡng nên các tù nhân mới nhắc về Ông như thế. Quả là triết Á Đông ở đây nơi tận cùng đáy của địa ngục, triết lý ấy lại thể hiện một cách thâm thúy ‘âm trung hữu dương, dương trung hữu âm’, trong cái Thiện có cái ác, trong ác có Thiện.

Triết lý vốn định nghĩa là sự đi đường và trong cuộc hành trình này gợi lên cho chúng ta nhiều nghĩ ngợi trên đường đến Chân Thiện Mỹ.

Nguyễn Quang


* Tang lễ Linh mục Đa Minh Trần Văn Nguyện tổ chức tại Nhà Thờ Thiên Ân, thuộc Giáo phận Xuân Lộc. Tỉnh Đồng Nai. Ngày 09/12/08.
*Amor là tên của một trong các đại diện Cao ủy Nhân quyền LHQ đến thăm các trại giam.
*vive philosophie: sống trước triết lý sau.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét