5.9.12

Trại Kiên Giam – Nguyễn Chí Thiệp: Chương 14





Chương mười bốn

Lần nói chuyện với Tích thấy sự rạn nứt trong nội bộ các lãnh tụ đảng Cộng sản là có thực, và trong hàng ngũ đảng viên không còn tình trạng bưng bít và nói theo một chiều như những năm đầu nữa; bây giờ cán bộ có thể phát biểu những ý nghĩ riêng tư của họ, tôi nghĩ đó là một sự tiến bộ nếu nhìn chung trên quyền lợi đất nước, đối với đảng Cộng sản đó là một sự suy thoái đến độ trầm trọng. Một lời nói của một cán bộ cấp thấp chưa phải có giá trị hoàn toàn đúng nhưng nó phản ảnh một hiện tượng, về sự đồn đãi bàn bạc giữa cán bộ với nhau về các sự tranh chấp nội bộ, điều này trước kia không hề có trong nội bộ của một đảng Cộng sản. Tính chất của những đảng độc tài, cán bộ được huấn luyện có niềm tin tuyệt đối vào lãnh tụ và những điều lãnh tụ nói ra, đảng độc tài dùng động lực căm thù làm phương tiện đấu tranh và củng cố nội bộ nếu còn đối tượng tranh đấu, còn đối tượng căm thù tức là còn kẻ địch thì tất cả họ hướng về kẻ địch để tiêu diệt. Nhưng khi không còn địch thủ thì sự tranh đấu đó không thể nào hết đi được nên nó hướng vào bên trong tức là hướng vào sự tranh chấp nội bộ. Tôi hiểu thêm được một khía cạnh của vấn đề, những nhà lãnh tụ độc tài họ luôn luôn tìm ra đối tượng căm thù một phần để giữ vững tổ chức. Trường hợp Trung Hoa sau khi tiêu diệt hết kẻ thù giai cấp, không còn đối tượng cho đám đảng viên và đoàn viên trẻ tuổi đã được dạy tư tưởng Mao Trạch Đông, ông ta phải tạo ra cuộc Cách mạng Văn hóa để hướng tuổi trẻ Trung Hoa đấu tranh tiêu diệt những đồng chí thân thiết của ông đã trở thành những đối thủ, đó là những nguyên soái Tư lệnh các Quân khu và những người đang nắm giữ các chức vụ có thể tranh chấp quyền hành với Mao. Như vậy có thể tin tưởng được rằng sau khi Cộng sản hết kẻ thù trong nước và mối đe dọa từ bên ngoài, thì những cuộc đấu tranh nội bộ sẽ xảy ra và có thể làm đổ vỡ tổ chức Đảng. Một điều ghi nhận nữa là dù cho Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản cố tiêu diệt tính người trong cán bộ của họ, muốn đào tạo nên “con người xã hội chủ nghĩa để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội”, họ dùng lối tuyên truyền bịp bợm để đánh lừa đảng viên, biến đảng viên thành ra cái máy chỉ biết căm thù. Họ đã thành công khi bưng bít tất cả sự thật, nhưng khi sự thật bị phơi bày, thì tính người của đảng viên Cộng sản lâu nay bị che khuất sẽ trỗi dậy và trong trường hợp có điều kiện nó sẽ gây nên những phản ứng có thể làm đổ vỡ tổ chức Đảng.


Như vậy chúng tôi có thể nói chuyện được với những cán bộ đó để tìm hiểu thêm tâm trạng của họ và qua họ biết thêm được những tin tức cần thiết dù là họ nói không hoàn toàn chính xác, những lời nói của họ có thể tìm thấy được những sự việc qua sự suy diễn hợp lý và khách quan. Những năm đầu trong tù, cán bộ chưa chịu nhìn ra sự thật, còn nhìn tù nhân như những kẻ thù nguy hiểm nên tù nhân cũng giữ thái độ đối nghịch, nhưng một khi họ thay đổi, chúng tôi cũng có thể trao đổi nói chuyện với họ và cuối cùng để xem “ai cải tạo ai”.

Kết quả đại hội kỳ 5 nhiều Ủy viên Bộ Chính trị bị loại trong đó có Võ Nguyên Giáp, Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Linh, Chu Huy Mân. Trường Chinh được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Lê Thanh Nghị làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng, Phạm Văn Đồng làm chủ tịch Hội Đồng Bộ trưởng tức Thủ tướng. Tố Hữu được lên hàng thứ 8 Ủy viên Bộ Chính trị và được chỉ định đệ nhất Phó chủ tịch Hội đồng Bộ Trưởng. Chức Đệ nhất Phó chủ tịch Hội đồng Bộ Trưởng mới được quy định, trước kia Việt Cộng có nhiều Phó Thủ tướng (khoảng từ 8 đến 10) ngang hàng nhau, bây giờ rập theo Liên Sô quy định trong số Phó chủ tịch Hội đồng Bộ Trưởng chỉ có một người thay Chủ tịch Hội đồng Bộ Trưởng khi vắng mặt. Tố Hữu tên thật là Nguyễn Văn Lành là người tỉnh Thừa Thiên, thuộc cánh Lê Duẩn, một lá bài đang lên, Lê Duẩn chuẩn bị cho Tố Hữu thay thế Phạm Văn Đồng. Sự tranh chấp nội bộ của lãnh đạo Cộng sản Việt Nam càng ngày càng rõ rệt. Nguyễn Văn Linh trở lại làm Bí thư Thành ủy Sàigon, lúc từ Hà Nội vào Sàigon báo Tuổi Trẻ, tiếng nói của Đoàn Thanh niên đã phỏng vấn Linh rằng đại hội có thành công hay không, Linh cười trả lời “thành công, thành công lắm” và câu hỏi tiếp, cuộc bầu cử có công bình hay không thì Linh trả lời là rất công bình. Tại sao có những câu hỏi như vậy của những người ủng hộ Nguyễn Văn Linh khi Linh bị loại khỏi Chính Trị Bộ. Rõ ràng là mức xào xáo nội bộ đến độ công khai.

Dịp Tết 1982, trại cho bắc loa vào trong trại để đêm Giao thừa nghe các lãnh tụ chúc Tết, chúng tôi bị bắt ngồi chờ đến gần sáng cũng không có chương trình chúc Tết thường lệ. Sau biết được là Hà Nội không sắp xếp được giữa Trường Chinh Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Lê Duẩn Tổng Bí thư ai đọc trước. Sự mâu thuẫn đến độ chi tiết.

Nhìn ra sự mâu thuẫn về tranh chấp quyền hạn trong nội bộ của Đảng Cộng Sản Việt Nam, bơm lại chút phấn khởi và tin tưởng trong tù nhân. Lòng háo hức về biến động ở Ba Lan vừa mới tắt sau vụ Liên Sô dùng các tướng lãnh Ba Lan tay sai để đảo chánh loại trừ chính phủ và những người lãnh đạo Đảng Cộng sản đã ủng hộ Cộng đoàn Đoàn kết.

Tâm lý chung của đám đông mau chán nản, muốn có kết quả ngay. Thành kiến về một chế độ Cộng sản không thể bị lật đổ rất khó xóa đi được. Do đó nếu muốn vận động được một phong trào chống Cộng trước tiên phải chứng minh cho quần chúng là chế độ Cộng sản cũng như mọi chế độ chính trị khác cũng sẽ bị đánh đổ loại trừ khi nó không còn được nhân dân ủng hộ. Dĩ nhiên chế độ Cộng sản có cả một đảng tổ chức làm hậu thuẫn, một hệ thống bạo lực sẵn sàng đàn áp và có tương quan chặt chẽ giữa các đảng và các quốc gia Cộng sản với nhau. Chống lại một chế độ Cộng sản là một điều khó khăn, nhưng không phải chế độ Cộng sản là vô địch. Trước kia chiến đấu với Cộng sản nhưng đa số người Quốc gia nghĩ về Cộng sản là một cái gì bí hiểm, tàn bạo, đáng sợ nhưng cũng đáng nể. Chế độ Cộng sản buông bức màn sắt cô lập với thế giới bên ngoài, không giao thương và không tôn trọng quy luật quốc tế. ít người kể cả những chính trị gia hiểu rõ về lý thuyết Cộng sản một cách đầy đủ, chỉ biết nó qua những khẩu hiệu tuyên truyền của cơ quan tâm lý chiến đơn điệu và hời hợt, ít người đọc Tư Bản Luận vì nó vừa dày vừa khó hiểu. Không ai đọc nhiều về Lénine và Staline để nắm vững qui luật đấu tranh của họ. Người có thể đọc là những viên chức cao cấp vừa có đủ trình độ ngoại ngữ, kiến thức và có thể giữ tài liệu mà không bị cảnh sát bắt thì bận làm quan và hưởng thụ. Những người muốn đọc thì bị cấm đoán. Người có thẩm quyền và trách nhiệm vạch đường lối chống Cộng thì không có kinh nghiệm sống thực tế vì trước khi “làm quan” họ chỉ sống và học ở ngoại quốc hay ít ra là ở các thành phố nên đối với Cộng sản thì chỉ sợ mà không gần. Trái lại những người có kinh nghiệm sống với Cộng sản, có thể nhìn rõ những khuyết điểm của nó thì hoặc là không có cơ hội hoặc không đủ trình độ để trình bày và thuyết phục người khác. Những cán bộ Cộng sản miền Bắc dù với nhu cầu phải tô hồng tâng bốc lãnh tụ, đưa Hồ Chí Minh lên hàng lãnh tụ lớn nhưng có lẽ trong tận cùng của họ, họ cũng biết Hồ Chí Minh không “vĩ đại” như họ phải hô hào nên họ phải viết “học tập lý thuyết Marx Lénine tư tưởng Mao trạch Đông và tác phong Hồ chí Minh”. Rõ ràng lãnh tụ có thuyết, có tư tưởng thì đầu óc to lớn, lãnh tụ chỉ có tác phong thì đúng là người bình thường, chưa kể tác phong của Hồ chí Minh chỉ là một người giả dối, lừa bịp rẻ tiền, đắc thời làm nên sự nghiệp. Khi đã tìm hiểu từ lý thuyết đến thực tế thì trong xã hội Cộng sản còn dễ suy đoán những gì xảy ra trong tương lai vì Cộng sản là một tổ chức thì phải có quy luật, một bộ máy phải có cơ hành vận chuyển, tổ chức càng lớn, bộ máy càng to thì quy luật phải rõ ràng. Chìa khóa để tìm đường lối của Cộng sản trong thời gian sắp tới là đại hội Đảng. Bản phúc trình của Tổng bí thư, các khẩu hiệu chiến lược được thông qua tại Đại Hội Đảng, là những điều hướng cho chính sách áp dụng sau Đại Hội Đảng, nếu có thay đổi hay bổ túc thì qua các hội nghị Trung Ương Đảng và hướng dẫn thi hành chính sách là nghị quyết của Chính trị Bộ và Ban bí Thư.

Khuynh hướng của người lãnh đạo cao cấp phải thống nhất rập khuôn theo Tổng bí Thư khi họ trình bày tham luận của họ, nếu có người đọc tham luận khác thì đó là những sự kiện đáng kể. Trong đại hội kỳ IV, Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc là Kim Ngọc đã chỉ trích chính sách bình công chấm điểm và đề nghị khoán sản phẩm đã bị phê phán, cách chức và bị cầm tù. Đại hội kỳ V, Nguyễn Lam, bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ban Kế Hoạch Nhà Nước, xác nhận quản lý sai lầm kinh tế, Lê Duẩn và Phạm văn Đồng cũng tuyên bố nhận lãnh trách nhiệm. Chế độ bình công chấm điểm được thay thế bằng khoán sản phẩm. Trong đại hội kỳ V, Nguyễn văn Linh bị ra khỏi Chính trị Bộ vì tham luận của Linh đưa ra những điểm cởi mở về kinh tế không được đại hội chấp nhận. Đó là điểm đáng lưu ý.

Các quy luật điều hành chế độ Cộng sản đã được Lénine đề cập trong các tác phẩm của ông, và các đảng Cộng sản từ Liên Sô đến Việt Nam coi đó là cẩm nang hướng dẫn cho nên họ luôn luôn bị cứng nhắc và lỗi thời. Lénine có bộ óc lớn vẫn bị giới hạn, vì thời đại ngày nay khoa học kỹ thuật tiến bộ quá nhanh, điện tử được áp dụng trong mọi địa hạt, nhất là địa hạt quản lý xã hội thì trí óc của con người không lường trước hết được. Đây là một điều thất bại của chế độ cộng sản nói chung.

Phong trào Cộng sản quốc tế và khối Xã hội chủ nghĩa do Liên Sô lãnh đạo là một trào lưu tư tưởng, một định chế và một thực tế chính trị thời đại, được hình thành từ một lý thuyết đến tổ chức rất chặt chẽ nhằm chinh phục và thống nhất cả toàn thế giới.

Từ sự phê phán đúng các khuyết điểm các chế độ chính trị trong lịch sử loài người nhất là chế độ tư bản và phong trào đế quốc chiếm thuộc địa và thị trường tiêu thụ của các quốc gia Tây phương. Ý niệm giải phóng con người khỏi áp bức bất công và giải phóng các dân tộc khỏi nô lệ là lý tưởng của con người có lương tâm. Từ đó lý thuyết Cộng sản trở thành một hấp dẫn. Dùng bạo lực để đoạt và củng cố chính quyền vô sản, tập trung quyền hành và tài nguyên trong tay. Khởi đầu các nước Cộng sản giải quyết những khó khăn đưa xã hội đến ổn định và phát triển, dù giai đoạn này đòi hỏi phải hy sinh cả chục triệu người dân. Nhưng sau khi qua giai đoạn cần thiết để ổn định lúc ban đầu, đưa một nước ra khỏi sự trì trệ của một nước bị lệ thuộc hay còn ở trong chế độ phong kiến, đến giai đoạn các quốc gia ổn định. Cộng sản phải chứng tỏ sự hữu hiệu trong việc thực thi lời hứa đem lại công bình xã hội và hạnh phúc cho con người thì chế độ Cộng sản hoàn toàn thất bại, chỉ sau 70 năm nắm chính quyền, chế độ Cộng sản đi vào bế tắc vì giữa tổ chức chính quyền Cộng sản và những ước mơ đầu tiên của Karl Marx trở thành mâu thuẫn.

1-    Ước mơ giải phóng con người công nhân khỏi các bất công, áp bức và bóc lột, chế độ Cộng sản câu thúc con người áp bức và bất công nhất. Người công nhân là đối tượng để giải phóng cũng thành một thành phần bị bóc lột bởi tư bản nhà nước, bởi hệ thống cán bộ quản lý và bởi các khuyết điểm trong tổ chức quản lý.

2-    Ước mơ một xã hội không có giai cấp, chế độ Cộng sản tổ chức thành một xã hội nặng nề nhất, đảng viên Cộng sản thành một giai cấp bóc lột mới và chính trong nội bộ Đảng hệ thống đẳng trật cũng rất nặng nề mà con đường thăng tiến của đảng viên cũng chỉ dựa trên tính xu phụ, tâng bốc, bợ đỡ và kéo bè kết cánh tiêu diệt loại trừ nhau. Biến xã hội Cộng sản thành một môi trường đào tạo những con người đê tiện, nơi mà con người phải che dấu nhân tính để được sống bình an.

3-    Ước mơ giải phóng cho các dân tộc bị áp bức nhưng kết quả lại hình thành một đế quốc nô lệ nhiều dân tộc.

4-    Ước mơ hình thức nhà nước quản lý xã hội tự thủ tiêu, con người tự quản lý đời sống, nhưng lại thành lập một chính quyền mà bộ máy nhà nước quá nặng nề, buộc nhân dân đóng góp để bọn quan lại tiêu xài xa xỉ, nhũng lạm, và uổng phí; một hệ thống chính quyền dùng vũ lực để can thiệp thô bạo vào đời sống cá nhân của mọi người.

5-    Ước mơ một nền sản xuất vững mạnh, mọi người đều tự giác bảo vệ của công nên hàng hóa sản xuất như nước để con người “làm việc theo năng suất và hưởng theo nhu cầu”, nhưng lại tổ chức một nền kinh tế què quặt, không đáp ứng được nhu cầu. Chế độ kiểm soát và phân phối nặng nề, trì trệ nên dân chúng phải làm quá sức mà phải xếp hàng cả ngày mua hàng hóa phẩm chất kém mà số lượng không đủ nhu cầu.

Lý thuyết không tưởng nên áp dụng vào thực tế lộ rõ ra những sai lầm. Chủ nghĩa Cộng sản không còn giá trị, nó hiện còn tồn tại nhờ tổ chức và bạo lực.

Một khi bạo lực không thể áp dụng thì chế độ Cộng sản đương nhiên tan rã, sự tan rã từ chính nó. Nhưng đã nhiều lần đề cập ở trên, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã thắng lợi vì nhờ vào chiêu bài giải phóng dân tộc, chống ngoại xâm giành độc lập. Đảng không thắng nhờ chiêu bài xây dựng xã hội chủ nghĩa trong đó đấu tranh giai cấp là điều kiện cốt yếu. Sau khi thống nhất cả nước; lá cờ giải phóng dân tộc chấm dứt sứ mệnh. Đảng lộ rõ bản chất là một thành phần của đệ tam quốc tế theo con đường Liên Sô tổ chức lại xã hội Việt Nam theo đúng khuôn mẫu Sô Viết. Đảng Cộng Sản Việt Nam đi dần vào thất bại. Nguyên do:

1-    Việt Cộng đã phá bỏ mọi giá trị tư tưởng của dân tộc Việt để áp đặt tư tưởng Marx Lénine trên toàn dân. Điều 4 hiến pháp (1980) Việt Cộng ghi rõ: “Đảng Cộng Sản Việt Nam, đội tiên phong và bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân Việt Nam, được vũ trang bằng học thuyết Marx Lénine, là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo xã hội, là nhân tố chủ yếu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam”.

Trên phương diện thế giới, Cộng Sản Việt Nam đã đi một bước quá chậm chạp, trong khi tư tưởng Marx Lénine đã lỗi thời bị phê phán ngay cả trong hàng ngũ các nước Cộng sản. Liên Sô đang bế tắc vì dùng độc tôn một hệ tư tưởng Xã hội không tiến bộ và không lối thoát - thì Việt Cộng sau khi chiến thắng quân sự vội vã xem việc áp đặt hệ tư tưởng độc tôn đó như là con đường không thể khác.

Về phương diện quốc nội: Việt Nam có truyền thống văn hóa hội nhập sâu sắc các tư tưởng Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo và Ki Tô giáo, hình thành tinh thần dân tộc, lòng nhân ái và tình yêu nước.

Trong căn bản tư tưởng đó, người Việt Nam không thể nào chấp nhận một hệ tư tưởng xây dựng trên hận thù đấu tranh. Việt Cộng nhờ vào tổ chức Đảng và hệ thống bạo lực xây dựng một định chế và tổ chức chính trị, nhưng không thể đi sâu vào tư tưởng dân chúng. Khi không còn yếu tố hướng dẫn của nhu cầu giành độc lập, chính quyền Cộng sản trở nên đơn độc và đối nghịch với toàn dân.

Đảng Cộng sản kể công bằng hai cuộc chiến thắng chống Pháp và chống Mỹ để biện minh cho quyền lãnh đạo đất nước. Điều này thật vô lý và lạc hậu, chế độ quân chủ dùng thuyết thiên mệnh để biện minh cho quyền lãnh đạo chính thống. Nhưng chế độ quân chủ cũng chỉ biện minh cho sự tồn tại của triều đại với điều kiện triều đại đó hợp với thiên mệnh - tức là hợp với lòng dân và phục vụ cho hạnh phúc của nhân dân.

Đảng Cộng sản dùng công lao (cướp công) để biện minh không những cho sự cầm quyền mà còn đòi hỏi quyền bất khả thay thế và quyền tiêu diệt thành phần dân chúng khác. Hiến pháp Cộng sản viết: “Đảng là người lãnh đạo duy nhất... Đảng lãnh đạo là thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và của dân tộc... đó là con đường tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hội...” Chủ nghĩa chỉ là một định chế chính trị do con người đặt ra tùy hoàn cảnh xã hội. Xã hội loài người luôn luôn tiến bộ thì chủ nghĩa chính trị cũng phải thay đổi. Không thể nào như Cộng sản nói chủ nghĩa Cộng sản là định chế xã hội cuối cùng tốt đẹp nhất của loài người.

2-    Lénine nói chế độ Cộng sản dân chủ triệu lần hơn dân chủ kiểu tư sản. Nhưng Cộng sản chủ trương tập trung dân chủ, đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Đây là một lối chơi chữ. Đảng tự nhận mình là người lãnh đạo, là bản thân của quần chúng dù Đảng không được dân chúng bầu lên, không đại diện cho nhân dân. Nghị quyết Đại Hội kỳ 4 năm 1976 của Việt Nam viết: “Thông qua nhà nước, đường lối chính sách của Đảng biến thành quyết định của bản thân quần chúng. Đảng bắt buộc tất cả các tổ chức, các cán bộ, đảng viên của Đảng tôn trọng quyền lực của cơ quan nhà nước, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật và quyết định chỉ thị của cơ quan nhà nước, coi đó là kỷ luật của Đảng.”

Rõ ràng quyền làm chủ của nhân dân chỉ là một điều mơ hồ và nhân dân chỉ là một điều nhân danh. Bao nhiêu quyền hành đều nằm trong tay Đảng, dĩ nhiên quyền lợi cũng do Đảng nắm giữ hết. Như vậy thì làm sao có dân chủ được. “Đảng phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động. Đảng chủ trương dân chủ với nhân dân và chuyên chính với kẻ thù của nhân dân.

Hai chữ nhân dân đã mơ hồ, mà những kẻ thù của nhân dân lại càng hồ đồ hơn. Không có luật pháp nào bảo vệ cho quyền cụ thể của nhân dân, và bất cứ người nào bị công an hỏi đến cũng sẽ mất quyền công dân và tức khắc trở thành kẻ thù của nhân dân và kẻ đó sẽ bị chuyên chính. Công an là tổ chức để phán quyết “tính nhân dân và kẻ thù của nhân dân”, lại là tổ chức bạo lực chuyên quyền, dốt nát và được dạy tinh thần hận thù.

3-    Ba cuộc cách mạng chủ yếu của cách mạng Cộng sản đem ra thi hành đều bế tắc. Cuộc cách mạng tư tưởng không thể thành công. Cuộc cách mạng về quan hệ sản xuất, thực tế không đem lại đầy đủ sản phẩm và công bằng cho con người trong xã hội. Trong quan hệ sản xuất tư bản, không kể tương quan chủ và thợ ngày nay đã được cải tiến giảm bớt tình trạng bóc lột mà trở thành tương quan lưỡng lợi. Quan hệ sản xuất mới tập trung tư bản vào nhà nước, gọi mỹ miều là sản xuất toàn dân, trở thành vừa là một hệ thống bóc lột nặng nề, vừa là một tổ chức thư lại, trì trệ. Thất bại trong việc quản lý sản xuất là một trong những nguyên do chính làm cho hệ thống Cộng Sản Quốc Tế sụp đổ.

Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, được Đảng Cộng Sản Việt Nam xem là then chốt nhất trong ba cuộc cách mạng trở thành không tưởng vì hệ thống giáo dục kém cỏi, sự độc tài tư tưởng, sự chuyên quyền của hệ thống Đảng, làm cho động lực chính của cách mạng khoa học kỹ thuật tức là đội ngũ trí thức xã hội chủ nghĩa trở thành dốt nát, lý luận một chiều, không sáng kiến. Riêng khẩu hiệu “hồng trước chuyên sau” và chủ trương khinh miệt trí thức cũng là một nghịch lý đối với chủ trương cách mạng khoa học kỹ thuật

4-    Khẩu hiệu chiến lược của Đảng Cộng Sản Việt Nam là “xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa không qua con đường phát triển Tư Bản Chủ Nghĩa.” Theo lý thuyết Marx, Cộng sản chủ nghĩa là sự phát triển tất yếu của con người sau Tư bản chủ nghĩa. Người công nhân làm cuộc cách mạng thay đổi quan hệ sản xuất, thủ tiêu mâu thuẫn giữa chủ thợ, xóa bỏ được tình trạng người bóc lột người, cải biến phương thức sản xuất. Cộng sản chủ nghĩa đến thời Lénin, ông ta thấy không thể tiến lên Cộng sản chủ nghĩa nên đã khai sinh ra thuật ngữ “Xã Hội Chủ Nghĩa” để chỉ một giai đoạn phát triển trong lịch trình cách mạng vô sản. Sau đó các lý thuyết gia Cộng sản khai sinh thêm hai giai đoạn là “bước quá độ từ Tư bản chủ nghĩa qua Xã hội chủ nghĩa” và “bước quá độ từ Chủ nghĩa xã hội sang Cộng sản chủ nghĩa.” Liên Sô tuyên bố đã thành công trong giai đoạn xây dựng Xã hội chủ nghĩa và Hiến pháp năm 1977 là chuẩn bị bước quá độ tiến từ Chủ nghĩa xã hội lên Chủ nghĩa cộng sản. Các nước Cộng sản Đông Âu còn trong giai đoạn quá độ tiến qua Chủ nghĩa xã hội. Việt Nam là một nước cựu thuộc địa, nông nghiệp là sản xuất chính yếu của nền kinh tế. Các hệ thống ít ỏi của kỹ nghệ nhẹ gồm các ngành chế biến hàng tiêu dùng.

Trước tình hình thực tế đó, những người lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam thường nói là họ áp dụng nhuần nhuyễn lý thuyết Marxism vào thực tế Việt Nam; họ sẽ tiến thẳng từ tình trạng nông nghiệp lên Chủ nghĩa xã hội. Với một tham vọng tạo ra một mô thức phát triển mới làm đàn anh các nước thứ ba như là họ tự hào là một cường quốc chính trị, một mẫu mực để các nước chiến đấu giành độc lập noi theo. Họ thường nói nước Việt Nam là nước nhỏ người không đông đã đánh thắng liên tiếp ba đế quốc lớn, “điều mà trước khi Việt Nam thành công không ai tin được.”

Nhưng tham vọng của Việt Cộng vượt quá khả năng thực tế của họ, thành phần chủ lực của đảng viên không phải là công nhân mà là quân đội và công an, lực lượng bạo lực, đoàn thanh niên và nông dân, nên họ vội vàng quốc hữu hóa tất cả nhà máy đưa vào quản lý nhà nước, cải tạo công thương nghiệp, tiêu diệt thành phần sản xuất. Phát triển kỹ nghệ trong điều kiện thiếu vốn, thiếu kỹ thuật, thiếu kiến thức và mù tịt về quản lý.Học đòi theo Staline, vội vàng công nghiệp hóa đất nước trong khi chưa đủ các điều kiện về vốn, người và kỹ thuật làm cho họ thất bại nặng nề, giết chết cả nền tảng công nghiệp non nớt, làm cho nền kinh tế càng tồi tệ hơn.

Do đó tham vọng tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Xã Hội Chủ Nghĩa thành ra “xuống hố cả nước”, và kế hoạch phát triển 5 năm từ 1976-1981 thành ra một sư phá hoại tất cả vốn liếng của đất nước. Giấc mơ công bằng xã hội thành “cào bằng xã hội”, biến Việt Nam thành một trong những nước nghèo nhất thế giới. Đại hội kỳ 5, Đảng chưa nhìn thấy rõ. Đại hội kỳ 6, Cộng sản đã nhìn thấy những bế tắc. Trước mắt muốn theo chân Liên Sô đổi mới nhưng lại tham vọng và mơ tưởng chỉ cải cách kinh tế, áp dụng cơ chế kinh tế thị trường có kiểm soát mà không thay đổi chính trị. Một điều rõ ràng nhất trong lịch sử tư tưởng chính trị thế giới hiện nay là Chủ nghĩa tư bản không giẫy chết như Karl Marx tiên đoán, mà trái lại Chủ nghĩa cộng sản đang diệt vong.

Nằm cạnh tôi là Khổng Hữu Diệu, Chủ tịch Mặt Trận Dân Quyền và Đoàn Phan Trí thuộc Đảng Tân Quốc Xã, chúng tôi trao đổi với nhau nhiều điều suy nghĩ. Những người bạn này cho biết sau 1975 họ quá nóng lòng trước cảnh nước mất nhà tan, trước sự bóc lột trắng trợn của chính quyền và cán bộ Cộng sản đối với dân miền Nam, nên cùng số bạn bè lập nên những Mặt Trận để kêu gọi nhân dân nổi lên chống Cộng; nhưng thiếu lãnh đạo, thiếu chuẩn bị và phương tiện nên họ thất bại. Không ai có đủ khả năng tập hợp được lực lượng mạnh để hành động đáng kể. Nhiều người cho là chúng ta thiếu một lý thuyết chống lại thuyết Marxism nên đã thua trận, nên họ đã nghiên cứu để lập thuyết. Có người phổ biến thuyết Dân Tộc Nhân Bản và Kinh Tế Bình Sản của Lý Đông A, Đảng Trưởng Đảng Duy Dân. Thiển nghĩ Karl Marx là con người đọc sách nhiều, suy nghĩ nhiều, đầu óc được xem như hơn người bình thường nhưng một khi sai lầm thì tai hại cũng thật lớn. Lénine một đời người viết 5000 cuốn sách lớn nhỏ đề cập thảo luận giải thích đến hầu hết những vấn đề xã hội, nhưng một khi sai lầm cũng làm khổ biết bao thế hệ, câu thúc hàng tỉ và làm chết hàng trăm triệu con người trên quả đất. Chỉ có các giáo chủ và các tôn giáo có lòng bác ái đem tình thương và sự xả thân để phục vụ con người. Khi con người chung sống đã hình thành xã hội, khi đã có xã hội, phải có quản lý xã hội đó, xã hội vì con người mà thành lập, con người phải tự chế bớt quyền lợi cá nhân vì quyền lợi của người khác thì xã hội mới ổn định. Vậy con người phải bảo vệ xã hội nhưng xã hội tồn tại trên căn bản vì hạnh phúc của con người. Hệ thống quản lý xã hội do nhu cầu tồn tại và phát triển của xã hội mà có. Do đó không thể nhân danh bất cứ điều gì để tiêu diệt và nô lệ con người.

Con người là chủ thể của xã hội nên tổ chức các định chế xã hội như thế nào cũng phải vì hạnh phúc con người, nếu đi trái với qui luật đó là ngược lại với thiên nhiên không thể tồn tại được. Chế độ Cộng sản nhân danh xã hội mà chối bỏ hạnh phúc con người, chế độ đó không có lý do tồn tại, thì sau chế độ Cộng sản, một chế độ mới phải đặt trên căn bản vì hạnh phúc của con người. Quốc gia cũng có một định chế xã hội hình thành do tập hợp của quyền lợi của một số con người có cùng truyền thống lịch sử và cùng hướng về một tương lai, hình thức một quốc gia thay đổi qua các diễn biến của lịch sử nhưng định chế quốc gia không thể thay đổi được. Khi đã công nhận con người là chủ thể của xã hội thì chế độ dân chủ không thể nào thay thế bằng một thứ “dân chủ tập trung” vì đã tập trung là độc tài không thể dân chủ được. Lénine chỉ trích dân chủ Tây Phương là dân chủ của người giàu, vì người giầu mới có khả năng ứng cử. Điều này không sai, nhưng những người giầu muốn đắc cử họ phải có điều kiện để cử tri lựa chọn, tức là không nhiều thì ít họ phải có chương trình phục vụ công ích. Không thể có dân chủ hoàn toàn cho mọi người, nhưng có tự do ứng cử và tự do lựa người đại diện là tương đối tốt. Lénine nói dân chủ tập trung kiểu Cộng sản, dân chủ triệu lần hơn dân chủ tư sản là ngụy biện hàm hồ.

Ở miền Nam Việt Nam trước 30-4-75 những người nắm chính quyền thường viện lý do dân trí còn thấp, các điều kiện dân chủ chưa chín mùi, để từ khước áp dụng dân chủ, điều đó cũng không đúng. Mở mang dân trí, phát triển kinh tế là trách nhiệm của chính quyền. Dù lúc đầu có khó khăn trở ngại để một nước từ thuộc địa qua độc lập, từ nông nghiệp lạc hậu qua phát triển, từ tư tưởng quân chủ, tác phong cường hào qua dân chủ, nhưng chính quyền phải đặt cứu cánh xây dựng dân chủ, từ pháp chế tổ chức giáo dục và tuyển chọn nhân sự phải hướng vào mục đích đó. Âm mưu thủ tiêu dân chủ hay từ khước thực hiện dân chủ là đi ngược lại xu thế tiến hóa chung.

Người Mỹ đến Việt Nam không lâu, nhưng ảnh hưởng của Mỹ về phương diện chính trị khá sâu. Trước kia ở miền Nam, Mỹ trực tiếp ảnh hưởng đến quyết định chính trị bằng cách sử dụng các quân nhân và chính trị gia theo kiểu nuôi gà đá, nghĩa là, bên ngoài thì Mỹ giúp đỡ quân sự để chống nhau với Cộng sản, còn nội bộ, mỗi chính trị gia hay một viên chức Mỹ ủng hộ cho một con gà, nội bộ mặc tình tranh đấu chọi nhau, ai thắng thì người nuôi gà thắng. Ngược lại trên cuộc chạy đua chính trị ở nước Mỹ thì người nuôi gà nào thắng, thì con gà của họ nuôi trở thành vô địch ở trường đấu đá. Thành ra các chính trị gia Việt Nam làm chánh trị với Mỹ để được cai trị dân Việt Nam như tác phong một ông vua quan, họ trở thành những kẻ đấu thầu chính trị. Trương một bảng hiệu lên, có vài hoạt động tối thiểu, để khi nào được trúng thầu mới đi tìm sản phẩm. Do đó, một công việc rất tầm thường là một nước trải qua nhiều chính biến, mà các tổ chức chính trị khi nắm được chính quyền không tổ chức nào đủ nhân lực để nắm toàn bộ chính quyền.

Đành rằng thế giới ngày nay các nước đều quan hệ chặt chẽ với nhau, nhất là các nước nhược tiểu, và cũng là một thực tế là trong sự nghiệp chính trị chống Cộng của người quốc gia nếu không có Mỹ ủng hộ cũng khó tiếp tục được. Nhưng từ chỗ cần thiết đến sự lệ thuộc hoàn toàn là chuyện khác, từ chỗ cần thiết phải có Mỹ ủng hộ đến sự chờ đợi cũng là một chuyện khác. Người ta chưa rút tỉa kinh nghiệm tại sao, cũng cùng trường hợp những nước chia đôi, tại sao Mỹ không bỏ rơi Đức quốc, không bỏ rơi Nam Hàn, thậm chí Đài Loan cũng không bị bỏ rơi khi Mỹ công nhận Trung Cộng. Đó là một vấn đề chính trị quan trọng, nó có nhiều lý do, nhưng một lý do chính là Tây Đức mạnh hơn Đông Đức, Nam Hàn mạnh hơn Bắc Hàn hoặc ít ra như Đài Loan cũng tự đứng vững được với một chính quyền và một nền kinh tế vững mạnh và những nước này có những hoạt động ảnh hưởng lại chính trường nước Mỹ. Người ta tin vào Mỹ là nước tư bản chống Cộng sản nên không thể bỏ rơi một vị trí chiến lược quan trọng như Việt Nam, nhưng người ta không nghĩ là Mỹ vẫn chống Cộng nhưng chiến lược thay đổi, học thuyết Domino đã bị bỏ qua để theo học thuyết 4 thế giới của Brezinski không vây chặn Cộng sản mà chia rẽ khối Cộng sản, và Mỹ cần đẩy mạnh sự chia rẽ đó. Sự hiện diện của Đảng Cộng Sản Việt Nam là một động lực để đẩy mạnh sự chia rẽ giữa Trung Quốc và Liên Sô đến độ không hàn gắn được. Người ta không nghĩ rằng dù nâng đỡ Trung Quốc trong chương trình cải cách của Đặng Tiểu Bình, nhưng Mỹ vẫn muốn có sự cản trở về sự phát triển của Trung Quốc mà trong cuộc chiến biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam, Mỹ đã nhìn thấy Cộng Sản Việt Nam có đủ sức ngăn cản sự bành trướng của Trung Quốc về phương Nam. Người ta quá tin tưởng vào Mỹ, trước kia tin vào Mỹ sẽ không bỏ miền Nam nên không chuẩn bị sức mạnh cho riêng mình, nên khi Mỹ bỏ rơi miền Nam, từ chính quyền đến các lực lượng chính trị không ai dám đương đầu với Cộng sản. Ngày nay người ta thấy Mỹ còn bao vây Việt Cộng, còn cấm vận, không có quan hệ ngoại giao, người ta tin là Mỹ sẽ trở lại bằng một hình thức nào đó loại bỏ Việt Cộng nên không ai chuẩn bị lâu dài để đấu tranh với Cộng sản, không ai chịu nhìn thấy Cộng sản sẽ sụp đổ ví lý thuyết lỗi thời và nội bộ suy thoái, thất bại trong việc quản trị xã hội, cho dù Mỹ có bang giao thì người Việt chống Cộng cũng còn lý tưởng để chống Cộng sản. Người chống Cộng Việt Nam hiện tại ở trong tình trạng không nhìn cái yếu căn bản của Cộng sản, nên vừa chống vừa sợ, chống vì căm thù, và vừa trông chừng người Mỹ. Nếu một lúc nào đó Mỹ đạt đến sự tương nhượng của Cộng sản, nhìn nhận và bang giao với Việt Cộng thì người Việt Nam quốc gia chống Cộng sẽ mất đi một số người. Căm thù là một động lực để chống Cộng, nhưng căm thù thực sự mạnh mẽ nơi chiến trường của một người lính chiến. Phải chống Cộng vì lòng yêu nước và niềm tin - chống Cộng và hiểu rõ rằng còn Cộng sản là đất nước không tiến bộ, con người Việt Nam không thể yên thân và hạnh phúc được, chống sự tồn tại của lý thuyết và tổ chức Cộng sản, không phải chống vì tên Việt Cộng A, tên Việt Cộng B tàn ác dã man. Phải chống Cộng cho dù Cộng sản “tỏ ra dễ thương” cũng cần đòi hỏi họ phải từ bỏ lý thuyết và phương thức xây dựng xã hội theo kiểu Cộng sản. Khi người cộng sản đã từ bỏ những điều căn bản đó thì họ không phải là kẻ thù nữa - hận thù là động lực đấu tranh, nhưng hận thù không giải quyết được những vấn đề thuộc con người mà chỉ có tình thương mới làm cho đời sống con người có ý nghĩa.
(còn tiếp)


*Mời đọc những phần trước:

 Tựa;  Phần mở đầu;  Chương 1;  Chương 2;  Chương 3; Chương 4; Chương 5; Chương 6; Chương 7; Chương 8; Chương 9; Chương 10; Chương 11; Chương 12 - Xuân Phước; Chương 13



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét