29.8.10

Nguyễn Chí Thiệp: Việt-Nam Khát Vọng Dân Chủ Tự Do






*Sách “Việt-Nam Khát Vọng Dân Chủ Tự Do”
 do tác giả xuất bản tháng 2, 2001
dầy 871 trang, khổ 5 3/8 x 8 1/4 inches, bìa mỏng.

Xin liên lạc:

Nguyễn Chí Thiệp
10735 Fallsbridge Dr.
Houston, TX 77065
(281) 749-5332

************** 



Nguyễn Chí­ Thiệp: Việt-Nam Khát Vọng Dân Chủ Tự Do


Nguyễn Quốc Khải

Khoảng mười năm trước đây tôi được một người bạn gửi tặng cuốn sách “Trại Kiên Giam”, một trong nhiều cuốn hồi ký viết về đời sống trong các trại tù “cải tạo” của CSVN trong hai thập niên 70 và 80. Tác giả là Nguyễn Chí­ Thiệp. Ông chưa hề viết sách bao giờ, nhưng tác phẩm đầu tay của ông dầy gần 650 trang đã làm ông nhanh chóng trở thành một văn sĩ nổi tiếng. Tôi chưa thấy cuốn hồi ký nào mà tả cảnh tù đày trong các trại giam của CSVN một cách chân thực nhưng hết sức sống động như vậy. Mặc dầu không quen biết tác giả. Tôi cũng đã gọi điện thoại cảm ơn ông đã cho ra đời cuốn hồi ký giá trị, và đề nghị ông kiếm người dịch qua tiếng Anh để thế giới có một tài liệu quý giá.

Mười năm sau, nhân dịp ra mắt cuốn sách thứ hai của ông với tựa đề là  “Việt-Nam Khát Vọng Dân Chủ Tự Do” tại thủ đô Hoa-Thịnh-Đốn, tôi mới có dịp gặp tác giả Nguyễn Chí­ Thiệp. Tôi đã mua cuốn sách này vài tháng trước nhưng vẫn còn nằm nguyên vẹn trong tủ sách, vẫn chưa có thì giờ thuận tiện. Đọc thì phải đọc một hơi, mà cuốn sách dầy gần 900 trang. Buổi ra mắt sách này do Hội Cựu Sinh Viên QGHC miền Đông Hoa Kỳ và Hoa-Thịnh- Đốn Việt Báo tổ chức tại nhà  hàng Saigon House, Falls Church, Virginia, ngoại ô của thủ đô vào trưa Chủ Nhật 15.9.2002 và đã thu hút được trên một trăm người. Tham dự các buổi ra mắt sách có lợi là được nghe người khác đã đọc sách tóm tắt và phân tích cuốn sách giùm cho mình.

Ông Lê Hữu Em, một người đồng hương Quảng Nam, một người bạn đồng môn QGHC, một đồng nghiệp với tác giả khi còn ở Việt-Nam đà vắn tắt giới thiệu ông Nguyễn Chí­ Thiệp là một người muốn làm những chuyện khó khăn và đã gặp những chuyện khó khăn. Tốt nghiệp QGHC, Ông được bổ đi làm ở Vĩnh Long một thời gian, nhưng đã xin về phục vụ tại quê quán với chức vụ phó quận rồi phó tỉnh trưởng Quảng Nam. Khi CSVN chiếm được miền Nam, ông đã không trình diện nhưng sau đã bị bắt trên đường vượt biên vào năm 1976 và bị tù 12 năm trong đó có 5 năm biệt giam. Hai tháng sau khi ra tù, ông vượt biên ngay thay vì đợi đi định cư dưới dạng HO. ông đến Hoa-Kỳ vào năm 1990. Ông Lê Hữu Em nhận xét rằng ông quen biết tác giả khá lâu, nhưng sau này mới khám phá ra tài viết văn của Nguyễn Chí Thiệp.

Trong phần phê bình về cuốn sách “Việt-Nam Khát Vọng Dân Chủ Tự Do”, ông Phạm Trần, một nhà báo kỳ cựu, đã nhận xét rằng cuốn sách thứ hai của Nguyễn Chí Thiệp là một tài liệu quý giá, và nó đã nghiên cứu và tóm tắt ý nghĩ và thái độ của 12 nhà trí­ thức và cựu cán bộ được đào tạo dưới chế độ Cộng Sản từ thập niên 1940. Trong đó có Nguyễn Huy Thiệp, Trần Mạnh Hảo, Tiêu Dao Bảo Cự, Dương Thu Hương, Nguyễn Minh Cần, Nguyễn Hộ, Lưu Quang Vũ, Vũ Thư Hiên, Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc, Trần Độ, và Phan Đình Diệu.

Một điều khá ngạc nhiên là  tác giả không đề cập đến TS Nguyễn Thanh Giang, một trong những nhà  dân chủ ở trong nước phản kháng chế độ Cộng Sản mạnh mẽ nhất. Tác giả sau này giải thích rằng khi khởi sự viết cuốn «Việt-Nam Khát Vọng Dân Chủ Tự Do» vào năm 2000, tài liệu về Ông Nguyễn Thanh Giang rất í­t. Cuốn sách cho độc giả biết những người ở trong nước muốn nói gì với những người ở bên ngoài và những gì những người bên ngoài có thể làm được để tiếp tay với những người ở trong nước để đẩy mạnh tiến trình dân chủ. Tác giả Nguyễn Chí­ Thiệp phân tách những băn khoăn và tức tối của những nhân vật này trước sự tráo trở và phản bội của Đảng CSVN và ban lãnh đạo.

Theo ông Phạm Trần, tác giả Nguyễn Chí­ Thiệp trình bày rất thẳng thắn và công bình những ưu khuyết điểm của 12 nhà  trí­ thức và cựu cán bộ CSVN. Một trong những sai trái của những người này là  họ vẫn cho rằng cuộc kháng chiến dành độc lập hoàn toàn là công lao của Đảng CSVN trong khi đó thực sự là của toàn dân.

Họ chống đối Đảng CSVN và bị khai trừ ra khỏi đảng chứ họ không tự ly khai đảng, kể cả trường hợp cố Trung Tướng Trần Độ vừa mới qua đời. Ông Nguyễn Chí­ Thiệp viết:

Các tác giả này bị chi phối nhiều bởi quá khứ của họ. Họ chưa nhìn ra cái thời hào hùng của kháng chiến chống Pháp dành độc lập, hay chống Mỹ cứu nước cũng chỉ là  phục vụ cho chiêu bài chiến lược của Đảng Cộng Sản”.

Tất cả nhóm người này đều có một thái độ và phản ứng tương tự như nhau. Theo ông Nguyễn Chí­ Thiệp, họ “đổi mới nhưng không đổi mầu”, “hòa nhập nhưng không hòa tan”. Mặc dù rõ ràng là  Đảng CSVN đã phản dân hại nước. Đã phản bội kháng chiến, đã gây ra cuộc chém giết tàn khốc suốt 20 năm, xí­ch hóa 80 triệu dân và hậu quả là một nước Việt-Nam nghèo đói, lạc hậu, không có tự do dân chủ như ngày nay.

Tuy vậy, Nguyễn Chí­ Thiệp cũng tự bào chữa cho những nhà dân chủ trong nước khi ông viết:

Phê bình đảng để cứu đảng, tôn xưng Hồ Chí­ Minh làm cái mộc che chắn, có thể thật lòng, có thể là  một chiến thuật của những người phản kháng.. .. Nhưng chúng ta nhận được một điều là  họ phê phán đảng, chính quyền cộng sản một cách sâu sắc.. ..Khi chế độ cộng sản còn tồn tại ở trong nước, thì tài liệu phê bình đảng vẫn hữu í­ch”.

Ở chương cuối cùng ông Nguyễn Chí Thiệp viết:

Tất cả những tác giả tôi giới thiệu trên đây, tùy hoàn cảnh, tùy nhận thức và  tùy quá khứ mà  họ có những ý kiến chá­nh trị khác nhau, nhưng có một điểm chung nhất là họ đều công nhận rằng Việt-Nam hiện nay không có dân chủ. Họ đấu tranh đòi hỏi Đảng Cộng Sản phải thực thi dân chủ, dân chủ thực sự chứ không phải là thứ dân chủ giả hiệu do Đảng rêu rao.”

Họ chỉ mong đất nước có một sự tự do tối thiểu như dưới thời Pháp thuộc. Ý kiến này trước tiên của Nguyễn Văn Trấn. Sau đó Nguyễn Hộ và  Trần Độ đã lập lại. Cần gì mỉa mai và đau đớn hơn cho những người cộng sản còn chút lương tri
”. Ông Nguyễn Chí­ Thiệp thốt lên như vậy.

Theo ông Nguyễn Chí­ Thiệp Đảng CSVN còn tồn tại cho đến ngày nay vì lực lượng dân chủ còn yếu và tản mát, mặc dù đại đa số quần chúng không thích chế độ cộng sản. Những người dân miền Bắc là những người đóng góp vào việc xây dựng chế độ, đã bị uốn nắn trong «tận cùng của sự đói khổ», đã bị kỹ thuật cai trị của cộng sản tiêu diệt sức đề kháng, không còn sức để đấu tranh. Ông Thiệp đưa ra một số dẫn chứng chí­nh từ một số văn nghệ sĩ trí­ thức miền Bắc như sau. Nhà văn Vũ Thư Hiên nhận xét rằng không có giới trí­ thức văn nghệ sĩ ở đâu lại ngoan ngoãn bằng trí­ thức văn nghệ sĩ ở miền Bắc. Bà Dương Thu Hương cho rằng dân Việt-Nam anh hùng trong thời chiến nhưng lại hèn nhát trong thời bình. Thi sĩ Nguyễn Chí­ Thiện cũng công nhận trí­ thức miền Bắc rất hèn. Với chá­nh sách cởi mở nửa vời giả hiệu, sau một thời gian nửa thế kỷ bị đói khát kềm kẹp, dân miền Bắc lo kiếm sống trước tiên.

Sau 30.4.1975, dân miền Nam nhiều nơi nổi dậy, nhưng đã bị đàn áp. Chánh sách khu kinh tế mới và tù cải tạo, tuy tác giả không trực tiếp nói ra, đã hủy diệt sự đối kháng ở miền Nam. Những đợt vượt biên đã đưa hàng chục ngàn người đến Mã Lai, Nam Dương, Thái Lan, Hồng Kông và Phi Luật Tân hoặc mất tí­ch trong biển cả. Tiếp theo là những chương trình định cư ở Hoa-Kỳ cho những cựu tù nhân chá­nh trị đã giúp Cộng Sản đưa ra khỏi nước một số đông những người căm thù họ, có tiềm năng chống đối CSVN.

Theo Nguyễn Chí­ Thiệp, chúng ta không thể lạc quan về khả năng tranh đấu cho tự do dân chủ của giới trẻ trong nước. Thành phần này dưới 30 tuổi, chiếm trên 50% dân số, đã bị hấp thụ “một nền giáo dục nặng tuyên truyền và kém thực chất của chế độ Cộng Sản”. Con người trở nên rất thực tế chỉ lo giành giựt kiếm sống, hưởng thụ và bon chen trong xã hội không còn tôn trọng giá trị đạo đức. Tuy nhiên, tác giả cho thấy có những điểm đáng cho chúng ta lạc quan. Kỹ thuật thông tin ngày nay sẽ phá vỡ bức màn sắt của Cộng Sản. Nhu cầu tự do cá nhân gia tăng và trào lưu dân chủ đang du nhập vào Việt-Nam qua những giao dịch thương mại quốc tế. Những thanh niên sinh viên từ miền Bắc từng đi du học hoặc lao động ở Nga và Đông Âu đã phát động một phong trào tranh đấu cho dân chủ ở trong nước. Những lớp thanh niên sinh viên xuất ngoại sau này qua những những nước Tây phương cũng sẽ tạo thành một lực lượng dân chủ đáng kể .

Tác giả Nguyễn Chí­ Thiệp cũng thẳng thắn chỉ trí­ch một số tổ chức chánh trị cuội ở hải ngoại, tuy nhiên ông không nêu đích danh. Ông tố cáo những chuyện mua danh bán tước trong những tổ chức này và những chiến công do những lãnh tụ bịa đặt ra nhưng không còn lừa bịp được ai. Ông Thiệp viết: “Hình như dân Việt-Nam thì đã trưởng thành về chánh trị nhưng các người làm chá­nh trị thì chưa”, một sự nhận xét sắc bén nhưng chua chát.

Ngày nay ở thế chính quyền CSVN đã phơi bầy tất cả những khuyết điểm của họ. Chính nghĩa ở trong tay những người đấu tranh để xây dựng một thể chế tự do dân chủ. Ông Nguyễn Chí­ Thiệp nhận định rằng đấu tranh cho tự do tôn giáo là một mặt trận chính yếu của phong trào đấu tranh cho tự do dân chủ của nhân dân Việt-Nam. Mặt trận thứ hai mà Đảng CSVN cũng sẽ không thể thắng được là tự do báo chí­. Ông Thiệp kết luận rằng tình hình Việt-Nam có nhiều thay đổi không phải do Đảng CSVN và chính quyền muốn, mà vì hòan cảnh chính trị và kinh tế thế giới đòi hỏi. Thời cơ trở nên thuận lợi hơn cho cuộc tranh đấu cho tự do dân chủ tại Việt-Nam.

Nguyễn Quốc Khải
20.09.2002





 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét