6.4.11

Đoàn Văn Xường



A20 Kiều Công Cự



Chân Dung Tác Giả





Sinh năm 1942 tại Quảng Nam. Gia nhập Khóa 22 (1965-1967), Trường Võ Bị Quốc gia Việt Nam. Chọn Binh chủng Thủy Quân Lục Chiến khi ra Trường và ở Tiểu đoàn 2, và Tiểu Đoàn 9 từ 22/12/67 đến 30/4/75. Đi tù VC từ 24/6/75 đến 1/4/85. Cùng Gia đình định cư tại Mỹ theo Chương trình HO 22 (22/11/1993). Đã qua tuổi về hưu nhưng vẫn còn đi làm. Rất mong ước có đủ sức khỏe, và đam mê để tiếp tục viết, và dịch những sách Quân sử VNCH.

* * *





Trong Tập san BĐQ số 29, phát hành tháng 5/2010, ở trang 64, có bài thơ “Em, Anh và Cuộc chiến” của Tịnh Nhiên, đã làm tôi xúc động. Bởi vì Đoàn văn Xường là người bạn cùng Khóa cuả tôi mà người con gái này đã quen, đã biết và nhớ rất rõ về cấp bực, chức vụ, đơn vị, và KBC của bạn tôi:

...Gặp được Em, cô bé mới lên mười
Đôi mắt thơ ngây má phúng duyên cười
Trong nhung lụa, em như công chúa nhỏ
Nào ai biết cuộc đời sẽ thay đổi
Rồi một hôm, cao nguyên kéo cờ rũ
Cha cô bé đã nằm xuống cho Cao nguyên
Thương cô bé vành khăn tang khi tuổi vẫn còn thơ...


Gia đình tang thương, đất nước cũng bi thảm:

...Ngày cuối tháng tư
Lệnh ban ra, bỏ súng, đầu hàng
Nước mắt tuôn rơi tim như đã nghẹn lời..
Và như thế anh lên đường cải tạo.

Để rồi cuối cùng:

“Em bặt tin Anh mãi đến giờ
Rời quê hương qua được xứ Tự Do
Vẫn luôn ngóng tin Anh từ đó
Nhiều nguồn tin nghe nói Anh đã
Thân xác gởi nơi núi rừng Nghệ Tĩnh
Cô bé ngày xưa vẫn,
Luôn nhớ mãi về Anh...

Đó cũng là niềm cảm xúc để tôi được viết những dòng này như “những thông báo” một đôi điều mà tôi biết về Bạn tôi, Đoàn văn Xường.




Xường sinh ngày 12/5/1945 tại Long Đức, Trà Vinh trong gia đình gồm có 2 anh trai và một chị gái. Xường là con Út trong nên được các Anh chị cưng chiều và thương yêu. Ba mẹ đã mất sau cái chết đau thương của Xường trong ngục tù CS. Một người anh của Xường hiện còn sống tại Long Đức, Trà Vinh. Người chị gái rất thân thiết với Xường đang định cư tại Thụy Điển. Hồi nhỏ theo học Trường Trung học bán công Trần Trung Tiên, thị xã Trà Vinh. Sau khi đậu Tú tài 2, lên Sài gòn theo học Đại học Khoa học Sài gòn. Năm 73, khi đơn vị ở gần Sài gòn còn ghi danh Trường Luật. Là một học sinh xuất sắc, một người lúc nào cũng vui vẻ lạc quan và tánh hay giúp đỡ mọi người
 

Đến 30/4/1975, vẫn còn độc thân mặc dầu gia đình thúc giục, Xường chỉ nói: “Thân lính tráng sống nay chết mai, sợ làm khổ vợ con...” Tánh tình khá kín đáo, nhưng hình như có một lần Xường có nói về một người con gái mà Xường đã quen khi cô bé... còn là công chúa nhỏ... và thương cô bé vành khăn tang khi tuổi còn thơ... Cô gái đó vẫn còn giữ liên lạc khi Xường đã vào tù từ những lá thư viết về từ HT 7590, L16, K1.., một thư nữa, rồi sau đó bặt luôn.

Trên đường ra Bắc:

Tôi không nhớ chính xác cái ngày chúng tôi bị đưa xuống tàu chuyển ra bắc, chỉ nhớ vào khoảng tháng 5/77, ba tháng sau tết Đinh Tỵ (2/77), cái ngày vợ tôi đưa hai con lên thăm gặp tại trại Tân Hiệp, Biên Hòa (tức là Trại giam tù binh phiến cộng cũ). Địa điểm tập trung thì rất quen thuộc, từ trại đoàn xe chạy về hướng Biên Hòa, thẳng ra xa lộ rồi đổ về hướng nam, đến cầu Sài gòn quẹo trái đi vào bến Tân cảng (New Port), một địa điểm bốc dỡ tiếp liệu, đạn dược của quân đội Mỹ trước khi được chuyển về căn cứ Long Bình. Phương tiện chuyên chở là những chiếc tàu chở gạo hay chở hàng mà chúng chiếm được ở bên kho 5 Khánh Hội. Lòng tàu dài khoảng 25m, rộng 10m và cao 5m. Thời gian xuống tàu vào sau nửa đêm. Chúng dùng một cái thang để đưa người xuống bên dưới. Đến người cuối cùng thì chúng kéo thang lên. Chỉ có một cái lổ thông hơi duy nhất ở ngay phía trên được đậy lại bằng một cái lưới mắt cáo. Tôi không biết bao nhiêu người bị nhét vào đây nhưng dứt khoát là không thể nằm hoặc ngồi thoải mái được. Không khí ngột ngạt, khó thở. Cũng may vào ban đêm khí trời còn lành lạnh.

Rồi cái bửng mắt cáo lại được mở lên, cái thang được thòng xuống để chúng nhét thêm hai người. Hai người này hành lý nhẹ tơn. Chỉ có cái ba lô lép xẹp mang phía sau lưng. Thế nhưng anh chàng đi đầu vừa đi vừa nhún nhảy làm cho vài người la lên sợ cái thang gỗ sẽ gảy đến nơi. Nhưng anh chàng lại nở một nụ cười “bất cần”. Chính cái nụ cười này làm tôi thấy ngờ ngợ, hình như mình có gặp anh chàng này ở đâu rồi. Rồi tôi buột miệng kêu lên: “Ê Xường, Đoàn văn Xường!” Anh chàng hướng về nơi có người vừa gọi tên mình. Dĩ nhiên không nhận ra trong cái ánh sáng lờ mờ này. Tôi đứng thẳng người dậy, gọi tiếp: “Kiều công Cự nè, lại đây!” Tôi đang ở trong cái xó trong cùng của khoang tàu, nơi để thùng cho tù đi tiểu và đại tiện. Có lẽ nhờ thế mà còn trống vài chỗ. Nhiều người bạn đang đứng dạt ra cho Xường và người bạn đồng hành đi tới chỗ của tôi. Tôi hơi ngạc nhiên chuyến này ra bắc mà hai anh chàng không mang theo cái gì hết trơn. Xường nói ngay:

- Hôm chuyển lên Long Giao được vài ngày thì tao với thằng Thắng, Bùi quang Thắng -Đại úy BĐQ, dọt liền. Ra khỏi trại ngon ơ. Định dọt lẹ ra đường đón xe lam về Sài gòn không ngờ gặp mấy thằng du kích... Tụi nó dữ quá, chúng nó trói lại và đem trả lại cho trại. Mấy thằng bộ đội đập cho một trận tưỡng tiêu rồi... Tao bị chúng đem nhốt vào trong conex cho đến bây giờ. Ra ngoài bắc coi bộ yên yên là tao dông. Nhất định không ở với tụi này. Chết thì bỏ. Cứ coi như mình đã... “anh dũng đền nợ nước” rồi...

Cả hai người bị nhốt, bị đánh đập hằng ngày, bị còng tay xích chân hơn một năm, bằng cái thời gian mà chúng tôi từ trại Long Giao về Tân Hiệp, thân thể chỉ còn da bọc xương, nhưng tinh thần vẫn còn cứng cõi, nụ cười vẫn chưa tắt. Xường hỏi tôi:

- Mày có gì cho hai đứa tau ăn đi! Đói quá...

- Dĩ nhiên là có rồi. Nhìn hai người bạn ngồi ăn mà ứa nước mắt. Có bao giờ con người bị đẩy vào tình trạng đói khổ cùng cực như thế này đâu. Đúng là thời đại của “ ma vương quỉ dữ” mà. Hồi ở trong Trường những ngày đi học chung ỡ bãi tập, sân bắn có biết nhau nhưng không thân lắm vì Xường ở Đại đội F (Tiểu đoàn 2), còn tôi ở Đại đội D (Tiểu đoàn 1).

Tháng 12/1967 ra Trường, Xường là một trong 10 người được ưu tiên chọn về Lực lượng đặc biệt cùng với Trương văn Út, Đặng thiện Chẩn, Huỳnh văn Tiểng, Huỳnh trung Chân, Quách cơ Bình, Đặng văn Lợi, Trần văn Ni, Nguyễn phúc Sinh, Nguyễn xã Tắc, trong đó có một nửa (5 thằng) đã chết... còn tôi thì về TQLC, một binh chủng “sống hùng, sống mạnh nhưng sống không lâu..” Thế nhưng hai đứa vẫn sống nhăn... răng để đến ngày 30/4 để cùng nhau “tình nguyện” vào tù CS ở cái tuổi 30 sung sức nhất “tam thập nhi lập”... Thật là dzô diêng (vô duyên), nói theo cái giọng điệu của người miền Nam.

Đoàn tàu bắt đầu rời bến vào khoảng 3, 4 giờ sáng. Chúng tôi ngồi trò chuyện cho đến sáng. Những tia sáng đầu tiên chiếu xuống mờ nhạt, nghiêng nghiêng theo hướng tây bắc -đông nam. Chắc tàu còn đang chạy trên sông Lòng Tảo, Sài gòn. Không ai có ảo tưởng là con tàu sẽ xuôi về hướng nam khi ra biển nhưng cũng có tiếng nói đùa:

- Chúng đem mình ra nhốt ở chuồng cọp Côn đảo đây...

Rồi chúng mở cái bửng. Ánh nắng ban mai ùa vào chan hòa cùng với làn khí lạnh buổi sáng. Chúng thòng dây đưa thùng nước lạnh, và mì gói xuống để anh em chia nhau. Nhưng cái thùng phân, và nước tiểu ở góc phòng chúng không chịu kéo lên mặc dù đã gần đầy. Chúng tôi yêu cầu nhiều lần nhưng chúng lờ đi. (Ít nhất đó cũng là một sự trả thù trong cái đầu óc bé nhỏ của bọn chúng). Nắng càng lên cao càng nóng hầm hập. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Đã có người ngất xỉu. Đến ngày thứ hai đã có người chết. Chúng tôi yêu cầu đưa lên nhưng chúng bảo chờ lịnh.

Hình như chẳng ai biết một cách rõ ràng lý lịch của người chết, hay cũng chẳng ai muốn nhắc lại về người bạn xấu số. Như thế này cũng yên rồi. Anh ấy sẽ được nằm lại ở miền Nam, hay thủy táng tại một vùng biển mà anh đã chiến đấu với một tấm lòng không hận thù, và sắt máu như những người CS. Chúng tôi ngồi bó gối. Chỉ có cái xác chết là được nằm thoải mái, được anh em quấn gọn trong những bộ quần áo mang theo. Trong Kinh thánh có nói, địa ngục là nơi có nghiến răng, và khóc lóc. Còn ở đây thì có khốn nạn, và căm hận khôn cùng. Tôi cố nhủ lòng mình hãy bình yên, và lắng xuống... nhưng quả thật điều này không phải dễ dàng. Cũng chẳng dám ăn uống. Chỉ sợ khi thức ăn vào thì cái cái ruột già tống ra. Lại phải làm cái công việc hôi hám dễ bị chúng chửi nhất. Chỉ có Xường và Thắng cứ ăn uống tỉnh bơ, lại còn nói:

- Tụi tao bị nhốt trong conex rồi dưới hầm, ỉa đái tại chỗ. Hửi cứt cả năm quen rồi. Mọi việc cứ... tùy cơ ứng biến. Phải biết sáng tạo cách mạng chứ. Hôm nó kêu ra còng tay dẫn đi, tao tưởng nó đem đi bắn. Không ngờ nó đưa lên xe bít bùng rồi chở lên đây... Ít nhất trong cái địa ngục này cũng còn ngọ nguậy được. Chứ còn ở dưới cái hầm a tỳ đó thì ngồi cũng không được, nằm cũng không được, thậm chí muốn đập đầu tự tử cũng không được...

Bùi quang Thắng, anh chàng có nước da bờn bợt như con thằn lằn, cũng thêm vào:

- Chúng nó xài cái cùm, cái gông như còn sót lại từ thời trung cổ...

- Thế mày ớn chưa? Tôi hỏi Xường.

Xường trả lời ngay, không suy nghĩ một giây:

- Ớn mẹ gì. Có dịp là tau tung cánh đại bàng.

“Tung cánh Đại bàng”, tôi cười lớn khi nghe Xường nói 4 tiếng đó. Cái mặt nó còn vênh vênh đáng ghét. Tôi không có cái hào hứng như Xường nhưng tôi hoàn toàn đồng tình với nó.

Xường đã giữ đúng ý định đó. Xường đã không chấp nhận chế độ nên đã tìm mọi cách để bỏ đi. Xường là loại người chung thủy với Quê hương, và kiên định với Lý Tưởng của mình. Trong quyển Lưu Niệm của Khóa 22, Xường có ghi: “Thích đó đây nên vào Quân đội: Thấy hợp. Nhận xét: Quân đội đã đào tạo chúng ta thành những người có trách nhiệm và cương quyết”.

Theo lời kể lại của Nguyễn ngọc Khoan (Khoan em), người bạn cùng khoá, cùng Binh chủng Biệt động quân: Cho đến ngày 30/4/75 Xường vẫn còn là một anh chàng “độc thân vui tính” và chỉ yêu một người con gái mà Xường đã gặp năm cô nàng mới lên 10 tuổi.

Anh chàng thi sĩ Nguyên Sa còn kém hơn Xường một bực khi yêu một cô gái đã 13, nhưng vẫn còn mắc cỡ:

“Em dấu đi những nỗi lòng vỡ rạn...
Anh cũng thề dấu hết gió mưa đi..
Bao nhiêu ánh đèn rũ rượi tái tê,
Những ngỏ vắng, những đêm sâu anh dấu hết...

Tàu chạy được 4 ngày 5 đêm thì đến Hải phòng vào buổi chiều. Nhưng phải đợi đến tối mịt chúng tôi mới được đưa ra khỏi tàu. Hai cái chân tê cứng. Cả người ê ẩm. Tôi được Xường và Thắng san sẻ bớt gánh nặng hành lý nên cũng đỡ vất vả. Chúng tôi bị quáng mắt vì những ánh đèn pha chĩa thẳng vào. Có quá nhiều bọn công an áo vàng và chó dữ, bộ đội, du kích dàn chào cái đám người mệt mõi rã rời này. Chỉ có một điều khoan khoái là cái bọng đái căng cứng “được giải phóng”. Mọi người được lảnh một nắm cơm trong lá chuối, một con cá khô mặn, và một trái dưa leo nhỏ. Chưa bao giờ có được một bữa ngon miệng. Nhưng nếu được hai, ba phần như thế thì chắc cái bao tử “phấn khởi, hồ hởi” hơn. Mấy ả du kích mang súng CKC, khiêng những thùng nước lạnh và luôn miệng phát loa:

- Chào mừng các Anh đến đất nước “xã hội chủ nghĩa” (xạo hết chỗ nói).

Cái đất nước này là của bọn chúng. Chúng tôi là những người lạ đến từ miền xa.

Tôi lợi dụng lúc này để duỗi thẳng hai chân rồi ngã người trên bãi cỏ, đầu kê lên cái ba lô nhỏ nhìn lên bầu trời đầy sao. Không khí ban đêm thật là mát lạnh. Ước chi được ngủ một giấc trong cái yên bình hiếm có này. Xường cũng nằm xuống bên tôi. Tôi nghe có tiếng ngáy... nhè nhẹ. Nó đã ngủ thật lẹ. Nhưng tiếng sủa của mấy con chó, tiếng còi của đám bộ đội ra lịnh cho chúng tôi di chuyển về phía trước. Một đoàn tàu như con quái vật đen đủi, đang khò khè phun khói. Những tàn lửa bừng sáng trong đêm tối rồi tan biến trong không gian. Chúng tôi bị đẩy lên, nhồi nhét trong những toa tàu, dùng để chở súc vật, vẫn còn rơm rạ, phân khô và than bụi. Chắc nhà thơ Tô Thùy Yên cũng có mặt trên những con tàu này nên đã ghi lại những câu thơ sau đây:

Ngồi đây giữa những phân cùng bụi,
Trong chuyển dời xô xác bạo tàn,
Ta trở thành than, thành súc vật.
Tiếng người e cũng đã quên ngang.

Đêm tối mịt mùng. Có những tia sáng chiếu vào thoảng hoặc qua những lỗ thủng. Tôi cũng nhận ra cái anh chàng Bắc kỳ già Nguyễn văn Long, Đại úy Phân chi khu trưởng ở Phường 13 quận 10. Anh chàng chăm chú nhìn ra bên ngoài qua cái khe hở của thân tàu, và cho tôi biết, đoàn tàu đã đi qua Uông bí, Đông Triều, Vĩnh Yên, Việt trì,... Đến khoảng trưa thì tàu dừng lại ở Phú thọ, nhưng không phải nhà ga mà là nơi gặp gỡ con đường sắt và con đường nhựa cũ kỷ. Chúng tôi rời tàu, theo con đường thoai thoải dẫn xuống bến phà sông Thao để qua tả ngạn sông Hồng.

Buổi trưa tháng Năm, trời nắng như đổ lửa. Đám tù mệt mỏi, bẩn thỉu, lếch thếch, gồng gánh men theo hai bên đường thoai thoải xuống bờ sông. Dân từ những căn nhà hai bên đường túa ra nhìn chúng tôi như những con vật thời tiền sử. Họ chỉ chỏ rồi lớn tiếng chửi rủa. Tại một khoảng đường hẹp, có giăng ngang một tấm biểu ngữ màu đỏ như máu ghi những dòng chữ màu vàng. Tôi chưa kịp đọc thì đã có những tiếng hò hét kích động từ một cái loa cầm tay:

- Giết chết bọn “ngụy ác ôn”.

- Ném đá chúng đi..

Những cục đá ném ra càng lúc càng nhiều. Đám tù chúng tôi đa số bỏ hết đồ đạc để chạy. Những người già yếu không chạy kịp vấp té nằm sóng soài tại chỗ. Họ bị những cục đá đầy ác ý ném vào đầu, vào người. Máu đã đổ ra. Lúc đầu bọn vệ binh áp giải đưa mắt nhìn thích thú đồng lõa. Sau đó chúng mới bắn chỉ thiên can thiệp và đẩy lui đám dân về sau như một bầy lang sói đang ngửi thấy mùi máu tanh. Xét cho cùng đây là một việc làm có tổ chức nằm trong chính sách “bạo lực cách mạng” nhằm khủng bố tinh thần của các tù nhân.

Lần đầu tiên trong đời tôi biết thế nào là kinh hoàng, thế nào là căm thù và hèn hạ. Đó không phải là những hành động bộc phát của người dân mà nằm trong đường lối và chủ trương của một lý thuyết độc ác và dã man của bọn cộng sản. Thật là đáng buồn cho những người cùng máu đỏ da vàng mà đối xử với nhau như những con người mất hết nhân tính. Chủ nghĩa CS như một con quái vật ghê tởm của thời đại. Những tên cuồng sát Lenin, Stalin, Mao trạch Đông, Hồ chí Minh đã xây dựng sự nghiệp của chúng trên bao xác người và gây nên bao cảnh thảm sát cho nhân loại. Thế mà bọn chúng vẫn chưa bị đem ra mà luận tội, vẫn còn có một số người đui mù tung hô. Hình hảnh của tên cáo già HCM vẫn còn ngự trị tại một nước VN khốn khổ.

Đất nước VN chúng ta không có may mắn. Nếu không có HCM và bè lũ đồ tể miền bắc thì đâu có cái cảnh máu đổ và ô nhục ngày hôm nay. Qua khỏi bến phà thì chiều tối chúng tôi được lịnh dừng lại bên đường và dồn lên ở một ngọn đồi trọc để ngũ đêm. Xường rất bực bội cái cảnh vừa xảy ra và nói lên những lời hằn học. Tôi bảo Xường giữ bình tĩnh, cứ coi thái độ kế tiếp của bọn chúng rồi phản ứng.

Trại Bản Kéo, Hoàng liên Sơn:

Sáng hôm sau khi mặt trời vừa lên, một đoàn xe molotova chờ sẳn ở bên đường. Xường kéo tôi và vài người bạn nữa cùng lên xe, xuất phát từ Lâm Thao, qua Yên Lập, Ba Khe rồi đến Bản Kéo thuộc quận Văn Chấn (Nghĩa Lộ) tỉnh Hoàng Liên Sơn. Những con đường loang lổ, không được sửa chữa từ nhiều năm nay. Những sạn đạo càng lúc càng lên cao, len lỏi những dãy đồi khô khan cằn cỗi. Buổi chiều sương xuống mù mịt, không khí nghe nặng nề khó thở. Đúng đây là vùng lam sơn chướng khí. Nghĩ cho cùng chúng ta mới thấy cái thâm độc và dã tâm của đám lãnh đạo Hà nội: “Đối với những người của chế độ cũ là những thành phần đối kháng cần phải bị tiêu diệt dưới mọi hình thức.” Ở đây rừng rú cũng độc địa như con người.

Rồi xuống xe, theo con đường đèo vào một cái trại trong vùng thung lũng có những ngọn núi bao quanh. Những dãy nhà bằng tre nứa và cây rừng còn đang dang dở. Dấu vết để lại cho biết, họ là những người ra đây trước, cũng là những người phe ta thôi. Họ mới được chuyển đến một nơi khác trước khi chúng tôi đến đây không lâu. Họ còn để lại tên họ cấp bực, và binh chủng. Tôi không thấy một người nào quen hết. Để bù lại chúng tôi có những người bạn cùng khóa như Phạm văn Hải (Dù), Trần thanh Chương (Dù), Cao phát Minh (Quân báo) cùng với Xường và tôi. Ít nhất cũng có 5 người bạn cùng khóa có thể tin cậy và tâm sự được. Những người bạn cũ đi từ trại Hốc Môn (thành Ông năm) như Đào kim Trọng (Dù), Nguyễn phú Tài (Pháo binh), Phan xuân Vũ (Bộ binh).

Cũng có vài nhân vật khá độc đáo như TDC, là em ruột của Trần đông A (Quân Y Dù), một người sẵn sàng hợp tác với chế độ CS. Chủ bị bắt và được trao trả tù binh năm 1973 tại sông Thạch Hãn (Quảng Trị) nên có nhiều kinh nghiệm học tập, thảo luận của VC. Hắn là “một cái máy phát biểu” trong những lần thảo luận. Còn TTĐ (chúng tôi thường gọi là Tôn thất Từng Tưng) là một người đã khóc trong một buổi “tổng kiểm thảo”, vì hối hận đã sinh ra trong một gia đình phong kiến và mang dòng họ hoàng tộc. Và người Đội trưởng là Phan Huy Bách, Đại úy phi công F5A, con của cựu Thủ tướng Phan huy Quát, đã chết ở trại giam Chí Hòa, Sài gòn. Bách là một người mẫu mực trong đời sống, mặc dầu đang sống trong khung cảnh nhà tù CS. Nhận lãnh công việc được giao một cách nghiêm chỉnh, và phân phối cho anh em một cách đứng đắn, và nhất là không bao giờ báo cáo hay có ý hại anh em. Tôi nghĩ Bách là một người tốt. Bách cùng gia đình hiện định cư tại Australia.

Chúng tôi được giao 3 công việc chính:

- Nhóm thứ nhất vào rừng chặt giang, tre, nứa theo những chỉ tiêu được giao.

          - Nhóm thứ hai chặt cây làm cột để tiếp tục làm những căn nhà ở (lán), và làm những hàng rào bao quanh trại giam.

          - Nhóm thứ ba phá rừng, đốn cây, làm cỏ để trồng khoai mì, và đào ao nuôi cá.

Tháng Năm mặt trời như thiêu đốt, những chỉ tiêu được giao không phải dễ dàng cho một số người, nhất là những người già. Có một khuôn mặt khá quen thuộc làm tôi nhớ hoài. Đó là Trung tá Nguyễn thượng Thọ, tức là nhà văn Lê huy Linh Vũ, cục trưởng Cục điện ảnh quân đội thuộc Tổng cục Chiến tranh chính trị. Năm 1966, khi chúng tôi đang học năm thứ nhất của Khóa 22 tại Trường Võ bị Đà lạt thì ông hướng dẫn một nhóm quay phim lên thực hiện một cuốn phim tài liệu về đời sống của một Sinh viên sĩ quan do SVSQ Phạm ngọc Đăng và người đẹp Hồng Quế, thơ ký của Tòa thị chánh Đà lạt đóng vai chính. Ông đang ngồi chẻ những sợi lạt, chiếc điếu cày để gần bên, khuôn mặt xa vắng và buồn hiu. Ôi thế sự tang thương, chuyện đời thay đổi. Ai có ngờ đâu cảnh ngộ ngày hôm nay. Người đẹp Hồng Quế cũng đã vội vàng ra đi không muốn để cho người đời được nhìn những vết chân chim nơi cuối mắt. Đúng là:

Giai nhân tự cổ như danh tướng,
          Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu.

Khoảng hơn một tháng sau có một vụ trốn trại đầu tiên của Đ/U Nguyễn văn Long. Anh đi được 3 ngày, và bị dân địa phương bắt giữ và thông báo về cho trại. Có 4 người được chỉ định ra đưa Long về trại trong đó có tôi, và Xường. Khi ra đến nơi thì thấy đó là một cái xác bê bết những máu đã khô đen. Những người dân ở đây người nào cũng đằng đằng sát khí. Họ cầm gậy gộc định cản lại không cho chúng tôi khiêng xác về. Tôi nghĩ ngay đây cũng là một màn trình diễn có tổ chức để dằn mặt những người tù. Chúng tôi lại một phen bị đem ra biêu riếu, và chửi rủa thậm tệ. Hai cái lỗ tai phải nghe mà lòng thì cay đắng vô cùng.

Cuối cùng cái xác cũng được khiêng về chôn dưới một cái hố đào cạn, và một chiếc mền lấy trong ba lô quần áo của Long quấn lại. Không có mộ bia, chỉ có một vài cục đá dằn lên ở đầu huyệt. “Thôi hãy nằm ngủ bình yên nghe Long.” Một người lính đã sống một đời hào hùng, đã nằm xuống ở một nơi hiu quạnh bên sườn một cái đồi vô danh. Anh đã về lại quê hương của mình với nỗi niềm cay đắng xót xa. Chắc chắn là gia đình sẽ không được thông báo. Tôi nói với Xường phải cẩn thận, ở đây trốn trại không thoát được đâu. Rừng núi ở đây cũng độc ác như con người. Những người bạn cùng khóa cũng nhắc nhở Xường điều này.

Rồi mùa hè qua đi, mùa thu chẳng thấy một chút gió heo may, chỉ có mùa đông đầy hăm dọa kéo đến. Nghe nói trên đỉnh Fan si pan thuộc dãy Hoàng liên Sơn có tuyết. Còn ở đây những ngày nào lạnh xuống đến 3 độ C. Chúng tôi mới được nghỉ, nhưng vẫn thích đi làm hơn vì trời lạnh đi dọc theo những con suối vớt được những con cá nhỏ, đang dẫy dụa, hoặc phơi mình lên trên mặt nước. Đúng là cái lạnh, cái đói đã đồng lõa hành hạ con người một cách tàn nhẫn. Cái cảnh đói rét lần đầu tiên trong đời. Xường ở lán khác nhưng vẫn thường qua chuyện trò với những bạn đồng khóa bên bếp lửa được phép nhóm lên ở giữa nhà.

Trại 9, liên trại 1 Yên bái:

Cuối tháng 4/78, chúng tôi được chuyển về Trại 9 thuộc liên trại 1 (Yên Bái). Vùng này núi non hiểm trở, và là địa bàn chống Pháp của Ông Hoàng Hoa Thám, có biệt danh là Con hùm Yên thế. Đây cũng là nơi hoạt động của Việt Nam Quốc Dân Đảng do Nguyễn Thái Học cầm đầu, và cũng là nơi mà 13 vị anh hùng dân tộc đã bị đưa lên đoạn đầu đài. Dân ở đây đa số là người Mường ở vùng bằng phẳng, và người Mèo ở lưng chừng những ngọn núi cao. Cũng có một số người Việt. Họ cho biết trước đây họ là những công nhân viên chức, hay quân đội của Pháp.

Tất cả đều không muốn, hay không có điều kiện để di cư vào Nam sau Hiệp định Genève 1954 nên đã bị bắt, và đưa lên chỉ định cư trú tại đây. Những người này rất thông cảm với chúng tôi. Họ bảo “các anh đừng bao giờ nghe lời bọn chúng mà đưa gia đình ra đây. Thà các Anh chết nơi này còn hơn”. Đây là thời gian mà chúng tôi xuống tinh thần nhiều nhất. Trong lúc đó ở Sài gòn chúng cho thân nhân những người tù ở ngoài bắc được lên tòa Đô chánh để làm đơn bảo lãnh. Chúng tôi nhận được những gói quà 3 Kg, và những cái thơ “động viên” như thế. Đúng là những đòn phép lọc lừa gian manh của bọn VC.

Vùng này cũng có nhiều đồi trà, và một vài nhà máy sấy trà. Tôi thích được đi dẫy cỏ trà. Ít nhất cũng hái được những những nụ trà nhai nhỏ rồi uống những ngụm nước vào, nó có cái hậu rất ngọt. Cũng dỗ dành được phần nào cái bao tử trống trãi buổi sáng. Trà vị đắng nhưng uống nước vào chuyển thành vị ngọt dễ chịu. Có một lần tôi đãi cái bao tử một chầu bằng những đọt trà và một lon gu-gô nước lạnh. Kết quả tôi bị say trà, còn kinh khủng hơn say rượu hay say thuốc lào. Từ đó thấy trà đâu là tôi sợ tới đó. Nhiều khi cũng đi làm chung với những cô gái đi hái trà vào buổi sáng. Họ thường mặc quần áo lao động, mang giày vải và đội nón tai bèo, phía sau mang những cái gùi như những người Thượng ở vùng Kontum, Pleiku. Họ rất sợ những con vắt chui vào háng nên thường quấn bên ngoài một cái xà cạp dầy. Vừa làm vừa nói chuyện, phần nhiều là những câu chuyện tào lao, tục tĩu mà họ cố tình cho bọn tôi nghe. Xuất thân của họ cũng là những tù hình sự, trộm cắp hay đĩ điếm bị bắt từ Hà nội, Hải phòng đưa lên đây để “cải tạo lao động”. Thật khác với câu chuyện Bà Chúa chè Đặng thị Huệ của nhà văn Nguyễn triệu Luật.

Ngày quốc khánh 2/9/78 của bọn chúng, chúng tôi được nghỉ ở nhà và được “ăn tươi”, nghĩa là được ăn một chén cơm tươi và mấy lát thịt trâu. Con trâu già của trại “không lao động được nữa” nên được một phát súng ân huệ, và được đem ra đãi tù trong một cái ngày lễ lớn nhất của bọn chúng. Nhưng một điều quan trọng đối với chúng tôi là được đón nghe một lời phát biểu của Phạm văn Đồng, thủ tướng VC, về tình trạng hiện tại của chúng tôi khi đề cập đến những người thuộc chế độ cũ hiện bị giam giữ với cái án “tập trung cải tạo”, vẫn còn rất mập mờ và xa lạ. Năm đó, Đồng đã nói: “Đối với những “ngụy quân” và “ngụy quyền” (Ai là “nguỵ”? Bọn Cộng Sản, hay chúng ta?) là những người có “nhiều nợ máu” (Ai mang nhiều nợ máu? Bọn Cộng Sản hay chúng ta?) với nhân dân. Đáng lẽ phải đem ra bắn bỏ. Nhưng đảng và nhà nước khoan hồng để cho chúng “cải tạo lâu dài”.”

Tất cả đều rất bất mãn, và thất vọng. Tất cả những lời nói và việc làm của bọn chúng đều là những đòn phép tráo trở, gian manh. Nhiều người xuống tinh thần thấy rõ. Nhất là những người ở lứa tuổi trên 50. Trung tá Vinh, cựu Chỉ huy trưởng TTHL Nhảy Dù đã chết những ngày sau đó. Tôi cũng bị một cơn bịnh hiểm nghèo. Bịnh kiết lỵ, đi cầu cả ngày đêm, gần như kiệt sức. Thật ra bịnh này chỉ một vài viên trụ sinh là dứt. Nhưng làm gì mà có, bao nhiêu thuốc men đem theo đã bị bọn chúng tịch thu hết rồi. Trạm xá chỉ cho vài viên Xuyên tâm liên trị bách bịnh. Bạn bè rất lo lắng, nhất là Đoàn văn Xường, và Trần thanh Chương. Hai đứa đi tìm những trái khế chua cho tôi ăn. Chương xuống nhà bếp xin được một ít cơm cháy rang lên thành than rồi đâm nhỏ như những viên thuốc Charcol trị tiêu chảy.

Tôi nằm liệt giường gần mười ngày sau mới hồi tỉnh. Ngày thứ 11, chúng bắt đi làm. Chân tay còn run rẩy nhưng tôi cũng cố gắng đi theo bạn bè. Hôm đó phát cỏ trên đồi, ánh nắng chói chan làm tôi chóng mặt quay vòng. Tôi ngã xuống bất tỉnh. Bạn bè khiêng về trại. Lần này chính tôi cũng xuống tinh thần. Nhưng nghĩ lại chết như thế này thì nhục quá. Bao năm chiến đấu, bao lần máu đã đổ ra, tôi vẫn sống vững mạnh. Không lẽ chết tủi nhục trong nhà tù VC hay sao? Tôi không muốn “mô đất lạ chôn vùi thân bách chiến” chút nào hết. Không thể chết một cách lãng xẹt như thế này. Phải sống chứ! Yếu tố tinh thần rất quan trọng. Tôi đã đứng dậy nên không còn nằm xuống nữa. Tôi đã quyết định bước đi nên không còn rơi rớt dọc đường. Trong hoàn cảnh này yếu tố bạn bè rất quan trọng. Một tháng sau tôi hồi phục. Đó cũng là lúc chúng tôi phải chia tay nhau.

Chuyển trại.

Tình tình bang giao giữa 2 nước “cộng sản anh em Trung cộng, và VC như môi hở răng lạnh”. Đã bắt đầu căng thẳng khi Bộ chính trị VC ra lịnh cho Lê đức Anh xua quân qua Campuchia làm “nghĩa vụ quốc tế” lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt, Iêng Sary, là đàn em của Trung cộng. Hoa quốc Phong hiện đang là chủ tịch đảng, chủ tịch nước bị đem ra bêu riếu là con tư sinh của Mao trạch Đông. Một cuộc chiến tranh của những người cùng thờ Karl Marc, và Lenine chắc chắn sẽ xảy ra. Những trại tù phía bắc được chuyển về phía nam. Nguyễn phúc Sinh, Cao phát Minh, Phạm văn Hải và tôi được chuyển về trại Nam Hà (Ba Sao- Đầm Đùn), Phạm ngọc Đăng, Trần đình Ấn về trại Lý bá Sơ (Thanh Hóa), còn Đoàn văn Xường, Trần thanh Chương, Nguyễn ngọc Khoan... chuyển xa hơn về phía nam ở trại Thanh Chương (Nghệ An), gần sát biên giới Lào, ở đầu của đoạn đường mòn HCM... Hôm đi, mỗi người được phát một nắm cơm độn khoai lang và một miếng da trâu luộc lông cạo chưa sạch nhưng nhất định không bỏ vì đó là “chất tươi”. Di chuyển bằng xe lửa và xe tải. Hai người một còng tay nhau. Đó là thủ tục.

Trước đây, cuộc chiến VN được nằm trong kế hoạch nhuộm đỏ vùng đông nam Á theo vết dầu loang của khối CS nên cộng sản Bắc việt (CSBV) được sự yểm trợ một cách tích cực của Liên sô, các nước CS đông Âu và Trung cộng. Năm 1959 có sự xung đột biên giới giữa Liên sô và Trung cộng. Căng thẳng đã xảy ra ở hai nước CS, tuy không phải tuyên bố đoạn giao nhưng đã có tình trạng lạnh nhạt và bất thân thiện về mặt ngoại giao. HCM đã dùng thủ đoạn đu dây để nhận được viện trợ vũ khí, và trang bị của Liên sô, và nhận sự bảo vệ an ninh miền Bắc với nhiều sư đoàn bộ binh, phòng không, công binh... của Trung cộng đang hiện diện tại đây. Cũng trong thời gian này, Mao trạch Đông mở cuộc thanh trừng đẫm máu với cuộc “Cách mạng Văn hóa” do Giang Thanh với bè lũ 4 tên cầm đầu chỉ huy đám Hồng vệ binh Cộng Sản Trung Hoa, tàn sát từ thượng tầng kiến trúc đến hạ tầng cơ sở. Những nhân vật khá nổi danh như Lưu thiếu Kỳ, Lâm Bưu, Bành đức Hoài kể cả vợ chồng Đặng tiểu Bình, tuy không bị đấu tố đến chết nhưng cũng bị đưa ra nông trường cải tạo khổ sai. Mao đã chết ngày 9/9/1976. Một thế lực mới lên nắm quyền với Hoa quốc Phong là con tư sinh của MTĐ. Nhưng rồi Hoa cũng bị lật đổ và giao quyền cho Đặng tiểu Bình.

Ở VN thì sau khi ký kết Hiệp định ngưng bắc 27/1/73, lợi dụng Hoa kỳ bước ra ngoài vòng chiến, CSBV đã tiếp tục một cách mạnh mẽ công cuộc xâm chiến miền Nam dẫn đến ngày 30/4/1975. Tập đoàn Lê Duẫn, Lê đức Thọ đã nghiêng hẳn về phía Liên sô gây nên một sự tức giận cho Trung cộng. Đặng tiểu Bình hăm dọa sẽ cho VC một bài học đồng thời đòi lại những viện trợ không hoàn lại trước đây. VC đã vơ vét hết lúa gạo miền Nam để trả nợ, nhưng một cuộc chiến ở 6 tỉnh phía bắc không thể tránh được. Bọn chúng đã cho chuyển những trại tù sát ở phía bắc, và phía tây xuôi về miền nam như Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Hà nam Ninh... Các trại tù được giao từ quân đội quản lý qua công an. Đây cũng là thời gian te tua nhất và có quá nhiều người đã chết. Trại 6 (Thanh Chương - Nghệ an):

Trước hết xin được xác định vị trí của trại 6 Thanh Chương, Nghệ an.

Phần này do anh Đặng minh Tân, anh em cô cậu với Đ/U Nguyễn văn Xuyên, người cùng vượt trại chung với Xường, hiện đang sống tại Hà nội VN, chị Nguyễn thị Kim Thoa, vợ anh Xuyên, hiện đang sống tại Westminster, California, cho tôi số phone để gọi anh Tân. Người thứ hai biết rất rõ điạ điểm này là anh Lê tấn Đại, Khóa 14 Thủ Đức, trước 1975 là quận trưởng Đức Phong (Phước Long), là anh ruột của người bạn đồng khóa Lê tấn Hớn, hiện cùng định cư tại thành phố Tampa, Florida.

Theo anh Tân thì mỗi lần chị Thoa từ trong Nam (ngã ba Ông Tạ, Sài gòn) ra thăm nuôi đều được anh đưa đi vì anh thông thuộc đường sá ngoài bắc hơn. Anh đã đưa chị Thoa đi ngược lại từ Hà nội về Vinh (Hà Tĩnh) khoảng 300 Km, rồi đi xe đò lên ngã 5 Đô Lương (thị trấn Dùng) nơi hội tụ của những liên tỉnh lộ 7, 46, và 15. Từ đây theo tỉnh lộ số 7 đi về hướng tây bắc. Con đường chạy dọc theo con sông Cả bằng nhiều phương tiện như xe thồ, xe đạp, xe bò hoặc nhờ dân địa phương gánh vác, rất là gian nan và vất vả. Khu này lèo tèo vài xóm dân.

Còn trại 6 Thanh Chương thì được anh Đại mô tả là một trại rất kiên cố. Trước đây là nơi giam giữ những nhân viên hành chánh và quân đội làm việc với Pháp được VC đưa về đây. Điều này nhắc chúng ta nhớ lại một trong 6 nguyên lý hành động của Lenin mà Trung cộng và VC đã áp dụng là: “Đối với những người thuộc chế độ cũ (Sa hoàng, Tưởng giới Thạch, Pháp hay VNCH) thì hãy đưa chúng từ trại cải tạo này đến trại cải tạo khác và cuối cùng đến Siberie.” (Nghĩa là đến tử lộ). Sau này CS Đông Đức đã giúp xây lại nên rất chắc chắn. “Trại có 10 dãy nhà đá dành cho 2 thành phần tù nhân cư trú: tù chính trị (còn được gọi là Tù Z), và tù hình sự.

Mỗi dãy nhà đều được xây bằng đá xanh trát xi măng, lợp tôn, ngăn cách nhau bởi những bức tường cũng xây bằng đá xanh, trát xi măng, cao khoảng 3 thước. Nhà đá chỉ có một cửa ra vào bằng sắt, được mở vào buổi sáng và đóng lại vào buổi chiều sau khi điểm danh và kiểm tra nhân số của từng đội lao động “cư trú” trong nhà. Toàn trại giam được bao bọc bởi một bức tường cao vời vợi, cũng được xây bằng đá xanh và trên cao chót vót còn có một lớp kẽm gai. Nếu đứng ở ngoài mà nhìn bao quát trại này thì nó giống như một lâu đài màu xám xịt khá kiên cố của một nước nào đó bên trời Âu, được xây dựng vào thời Trung cổ. Ngoài ra còn 2 căn nhà đá khác được xây dựng rất đặc biệt gọi là “khu biệt giam”. (Nguyễn Chí Mẫn)

Một thời gian sau số tù nhân (cả chính trị và hình sự) tăng dần lên. Để giải quyết, chúng cho xây dựng một trại mới cách trại cũ khoảng 3 Km về phía tây với vật liệu rất sơ sài bằng những cây gỗ và tre nứa tại địa phương. Xường và Chương được đưa vào trại này, còn Khoan vẫn còn ở trại cũ.

Vượt trại giam:

Theo lời kể lại của người bạn cùng khóa (Chương) thì khi về đây, cái ý định vượt trại của Xường còn mạnh mẽ hơn nhiều. “Nó bắt đầu móc nối với những người cùng ý hướng.” Nguyễn ngọc Khoan rất muốn đi với Xường, còn Chương thì bị một cơn bịnh kiết lỵ quật ngã. Lúc này cuộc chiến ở 6 tỉnh phía bắc gồm Cao Bằng, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn và Lai Châu đã xảy ra. Đặng tiểu Bình chỉ muốn phá nát cái “huyền thoại hang Bắc Pó” thuộc bản Giới (Hà Giang), và dạy cho CSBV một bài học chứ không muốn kéo dài chiến tranh. Nhưng đất nước rơi vào tình trạng thiếu thốn lúa gạo một cách nghiêm trọng, đến nỗi Phạm văn Đồng phải sang Ấn độ xin viện trợ Bo bo là thức ăn của ngựa về nuôi dân. Còn tù thì te tua nhiều hơn nữa.

Đã có quá nhiều người chết trong thời gian này. Chúng phải cho phép gia đình gởi quà 3Kg và lần lượt bắt buộc gia đình phải đi thăm nuôi tù. Các bà vợ của Khoan, Chương, Xuyên và cả bà chị của Xường là Đoàn thị Nhãn, khi nhận được thư của Xường cũng đã vội vàng ra thăm em. Có một dụng cụ mà Xường rất mong được gia đình cung cấp mà không thể thực hiện được là cái địa bàn dùng để định hướng di chuyển. Nhưng kế hoạch vượt trại vẫn được xúc tiến. Trần thanh Chương sau cơn bịnh, sức khỏe sa sút rất nhiều nên được giao công việc chăn giữ một con trâu. Nhờ vậy mà Chương đem ra khỏi trại và cất giấu tại một địa điểm do Xường chỉ định những thực phẩm khô, và những thức ăn mặn cùng những vật dụng cần thiết khác.

Toán vượt trại của Xường gồm có 4 người: Nguyễn văn Xuyên (Đ/U Sư đoàn 18 BB), Trương tài Năng (Đ/U Không quân), Lê văn Ngọc (Đ/U Không quân) và Đoàn văn Xường (Đ/U BĐQ). Họ vượt trại ban ngày lúc đang đi lao động. Thật là một hành động khá táo bạo, bất ngờ và có tính toán. Dưới đây là lộ trình di chuyển về phía tây và đích đến là bờ tây của sông Mekong trên biên giới Thái Lan. Đoạn đường quá dài, phải băng qua hết bề ngang của nước Lào. Tháng 1 năm 8, có đợt chuyển trại thứ 2 từ trại Nam Hà về miền Nam. Trong đợt này cả 4 trại Nam Hà A+B+C và trại Mễ khoảng 400 người. Cao phát Minh và Nguyễn phúc Sinh vẫn còn ở lại vì là thành phần An ninh và Quân báo. Phạm văn Hải từ trại Mễ được về vì lý do bịnh. Chỉ có một mình tôi đi chuyến này.

Tất cả được xe tải chở ra thị trấn Phủ Lý, Nam Định và dừng lại ở ga Bình Lục, từ đây lên một con tàu chở tù về Nam. Lần này chúng tôi ra đi trong một tâm trạng rất vui mừng, nhất là khi con tàu qua khỏi cầu Hiền Lương để tiến vào địa phận tỉnh Quảng Trị. Đây mới thật là vùng đất mà chúng tôi phải đổ máu ra để bảo vệ nhưng đáng tiếc mọi việc đã đi ra ngoài tầm tay với của những người lính miền Nam, để ngày hôm nay trở về lại vùng đất của mình với hai tay bị còng chặt. Khi đoàn tàu dừng lại ở ga Diêu Trì (Bình Định) thì có 200 người ở những toa tàu phía sau được đưa lên một đoàn xe tải theo Quốc lộ 19 về trại Gia Trung thuộc tỉnh Pleiku (bây giờ chúng đổi lại là Gia Lai). Còn chúng tôi tiếp tục qua các nhà ga Văn Canh, Vạn Giã, Tuy Hòa, Diên Khánh, Ba Ngòi, Cà ná, Mường Mán và cuối cùng dừng lại ở Gia Ray (Xuân Lộc), và lên xe về trại Z30 D còn gọi là trại Hàm Tân trong khu vực Căn cứ 5 của quân đội Đồng Minh trước đây, cách Quốc lộ 1 khoảng hơn 3 Km




Về đây khí thế đấu tranh của anh em Nam Hà còn rất mạnh cho nên sau một lần nổi dậy chống đối đám cán bộ trại mà chúng tôi vẫn gọi là chèo, “14 con ma” trong đó có tôi được đưa về biệt giam tại trại Chí Hòa ngay tại trung tâm Sài gòn, cách căn nhà của vợ con tôi đang ở có khoảng 200m. Đó là buổi trưa ngày 30 Tết Tân Dậu (2/81). Thế cũng là vui rồi mặc dầu sống một thân một mình trong khu xà lim ED thuộc lầu 2.
Cho đến tháng 5/82, tôi bị chuyển ra trại trừng giới A 20 (Xuân Phước – Phú Khánh). Ở đây, tôi gặp lại Đ/U Nguyễn văn Xuyên, người cùng vượt trại với Xường, và còn sống sót đã kể lại câu chuyện vượt trại của họ nhất là tài tổ chức, khả năng chịu đựng và thái độ anh hùng của Đoàn văn Xường trước kẻ thù. Xường đã can đảm và chịu nhận tất cả kể cả cái chết cho mình:

Anh biết đó, chuyến đi quá nguy hiểm, và liều lĩnh như người ta vẫn thường nói là đi tìm cái sống trong cái chết, vì phải vượt qua bề ngang của nước Lào hơn 1.000 cây số trong vùng đất địch (Pathet Lào) để đến biên giới Thái Lan. Không có địa bàn, và bản đồ mà chỉ dựa vào hướng tây của mặt trời. Không đi trên đường mòn hay đường lộ mà phải lẩn trốn trong những rừng cây, giữa những bản làng của người Lào. Lào bây giờ là một nước CS. Lính Pathet Lào có mặt ở nhiều nơi. Thế mà anh em chúng tôi đã vượt được một đoạn đường khá xa trong vòng một tháng trời cho đến khi bị phát hiện và bắt giữ. Pathet Lào đã đưa 4 anh em tôi về đồn biên phòng 57 ở Nghệ An. Từ đây về đến trại là đoạn đường chúng tôi bị hành hạ và đánh đập nhiều nhất. Trương tài Năng, Lê văn Ngọc bị đánh thê thảm, tôi cũng thế. Còn Xường thì tỏ ra bất cần, nhiều khi có thái độ khinh bỉ tụi nó, nhất là khi thấy anh em bị hành hạ nhiều quá thì Xường đã tự nhận là một người đứng ra tổ chức cuộc vượt trại này. Đó cũng lý do để bọn chúng trút mọi sự độc ác dã man lên người của Xường. Một tên vệ binh đã bắn vào hai chân của Xường và hét lên: Để coi mày còn tổ chức trốn trại nữa hay không? Tuy không trúng vào xương chân nhưng máu ra rất nhiều và Xường đã ngã quỵ xuống đất và không còn gượng dậy được nữa.

Sau đó bọn chúng đưa 3 anh em chúng tôi về khu biệt giam của trại K6, Nghệ An giam riêng từng người không cho liên lạc với nhau. Hằng ngày tại nhà kỷ luật chúng thay phiên đánh đập chúng tôi một cách không thương tiếc. Chúng tôi không có cách nào chống đở, hay tự vệ được. Đã nhiều lần Xường lên tiếng chửi rủa bọn chúng, và thách tụi nó bắn chết. Ở bên ngoài anh em có tiếp tế một ít trụ sinh cho Xường nhưng Xường đã kiệt sức, vì Xường đã nhịn ăn, hay không thể ăn được. Sức khỏe mỏi mòn, Xường dần dần đi vào cái chết trong yên lặng, và kiên cường. Tôi không nhớ chính xác ngày nào, nhưng tôi biết là Xường đã chết. Xác Xường được chôn ở một ngọn đồi cách trại khoảng hơn một Km. Còn tôi sau đó được đưa ra khu tập thể, được người nhà thăm nuôi và được đưa về Nam... trại này...”

Xuyên được ra trại cùng ngày với tôi (4/1/85) và về sống với gia đình tại Ngã 3 Ông Tạ, quận 10, Sài gòn. Vì mãi lo bận rộn mưu sinh nên chúng tôi ít có dịp gặp nhau. Năm 97, tôi có gặp lại Xuyên tại Sở Xã hội thuộc Orange County, California. Xuyên cho biết gia đình gồm vợ, và 3 con đã sang định cư tại thành phố Westminster, theo chương trình HO từ năm 1991. Xuyên hiện đang đứng bán tại tiệm sách Thăng Long ở Los Angeles. Tôi chưa kịp hỏi thăm đôi điều thì Xuyên đã xong việc và ra về. Tháng 8/10, khi có ý định viết về cuộc vượt trại giam của Xường tôi có phone lại hỏi Xuyên nhưng chị Nguyễn thị Kim Thoa, vợ Xuyên cho biết Xuyên đã mất từ năm 2001 vì bịnh ung thư gan. Còn 2 anh Trương tài Năng và Lê văn Ngọc nghe nói cũng đang ở Nam Cali. Tôi rất mong có một dịp nào đó gặp được một hay cả hai anh để hỏi rõ ràng hơn về chuyến vượt trại của các Anh.

Đó là tất cả những gì tôi biết được về bạn tôi Đoàn văn Xường.

Còn toán anh Đại gồm có 3 người:

- Lê tấn Đại, Khóa 14 Thủ Đức, Thiếu tá, nguyên quận trưởng Đức Phong (Bình Long).

          - Lê Thơm, Khóa 8 Thủ Đức, Thiếu tá, nguyên quận trưởng Chợ Lách (Vĩnh Long).

          - Nguyễn quốc Khánh, Khóa 17 Thủ Đức, Thiếu tá, Thiết đoàn 16 Kỵ binh.

Toán này ở trong những căn nhà đá khá kiên cố ở trại chính K6, nhưng nhờ họ đã chuẩn bị từ lâu và xử dụng được một cái cưa sắt nhỏ để cưa những chắn song ở căn nhà vệ sinh. Nhờ mưu trí và liều lĩnh anh Đại đã ở được ngoài trại. Mặc dầu toàn bộ trại đã được báo động nhưng đó cũng là điều may mắn vì bọn VC chia nhau đi về phía tây để lục tìm toán của Xường mà bọn chúng không ngờ toán của anh Đại đang đi phía sau chúng.

Toán này cũng vượt trại ngay đêm đó.

Vì ở đây hơn một năm rồi và có chủ ý nên họ đã nghiên cứu lộ trình đầy đủ. Nhờ vậy mà họ đã vượt qua đèo Mường Xén, vượt qua biên giới và tiến vào lảnh thổ Lào, nhắm hướng tây mà đi. Anh Lê tấn Đại kể tiếp cho tôi nghe: “Vì bọn công an VC không thể vượt sâu hơn vào lảnh thổ Lào nên bọn anh đã vượt lên và tiếp tục con đường của mình. Anh cho biết dọc theo biên giới Lào, CSBV đã thành lập những ngôi làng để chỉ định cư trú những thành phần mà chúng gọi là “B quay” nghĩa là những bộ đội, dân công hay thanh niên xung phong không chịu tiếp tục con đường vào nam hay không chịu chiến đấu mà tìm cách tránh né. Chúng đưa những thành phần này kể cả gia đình của họ cư trú tại đây, và không được quay lại làng xóm cũ. Chúng coi những người này như là những tội phạm. Đó là chính sách vô cùng độc ác và dã man của bọn chúng. Cho nên ta không lạ gì bộ đội của chúng luôn luôn bị lùa vào chỗ chết trong những trận đánh biển người mà không dám có một phản ứng nào, hoặc những xạ thủ đại liên bị xích chặt vào súng... Đúng là cái chế độ quá sắt máu, quá coi rẻ sinh mạng của con người với phương châm “mọi phương tiện đều được phục vụ cho mục đích.

Anh Nguyễn quốc Khánh đã kể tiếp như sau: “Toán 3 người của tôi bị lọt vào ổ phục kích của Pathet Lào khi đang tìm cách băng qua con sông Giăng, cách biên giới Lào - Việt khoảng 20 Km. Chưa có ai bị bắt cả nhưng phải tự động phân tán, tự động thoát hiểm mưu sinh. Hai ông “Quận trưởng” (Thơm và Đại) tiếp tục chạy, và đã bị bắt trong khoảng 10 ngày sau đó tại một con suối nhỏ. Còn tôi làm “người hùng cô đơn” băng rừng vượt núi dưới sự rượt đuổi theo của đám Lào cộng. Khi bắt đầu đổ dốc xuống vùng đồng bằng tưởng là thoát được rồi thì tôi bị chúng bắt, và giao cho công an biên phòng của VC.

Anh Lê tấn Đại và người em là Lê tấn Hớn cùng gia đình đang định cư tại Tampa, Florida. Anh Nguyễn quốc Khánh cũng đang định cư tại Sacramento, thủ phủ tiểu bang California. Cả hai Anh đã kể lại cho tôi nghe những diễn tiến kể trên.

Anh Khánh cũng nhắc lại cái chết của Anh Lê Thơm đúng như lời kể của Anh Nguyễn Chí Mẫn trong “Vượt ngục và Biệt giam”: “Anh Thơm, tạng người đã ốm o còm cõi lại bị đánh đập liên tục, bị bỏ đói... Đến ngày lễ lớn của bọn chúng (2/9/80), chúng cho mang vào một tô cơm chan đầy nước mỡ. Anh Thơm ăn vào bị tuôn ruột mà chết. Đó là một cung cách giết người của CS. Còn tôi cũng chẳng còn hơi sức nào, thoi thóp chờ chết. Chúng ra lịnh cho anh Kh.., lúc đó là Trưởng trạm xá trong trại tù, trước sự có mặt của tên cai tù là Thượng sĩ Lý, xác nhận là tôi đã chết rồi và khiêng ra ngoài đợi đem hòm vào là đi chôn. Buổi sáng lúc đem hòm vào thì tôi đã sống lại từ hôm trước (đúng là “người về từ cõi chết”). Tôi không bị chôn sống là nhờ anh em sau khi điểm danh các phòng đến nhìn mặt tôi lần cuối. Họ phát giác ra là tôi còn sống, nhờ vậy mà tôi không bị chôn sống. Còn anh Lê Thơm thì chắc chắn đã chết. Điều này đã được anh Nguyễn chí Mẫn ở chung phòng kiên giam với anh Thơm xác nhận. Anh Mẫn hiện đang định cư tại Australia.

Tôi có nhờ anh Trần văn Khiết, Khóa 21 Đà Lạt, Trung đoàn phó Trung đoàn 33 thuộc Sư đoàn 21, cho số phone của anh Trương Phúc, khóa 20 Đà Lạt, là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 63 tân lập thuộc Sư đoàn 21 BB, lúc bấy giờ làm “Trật tự” cho trại K6, Thanh Chương xác nhận là anh biết chắc Lê Thơm đã chết. Nhưng đáng tiếc là tôi muốn được anh xác nhận về trường hợp của Đoàn văn Xường là đàn em của Anh thì Anh chỉ nói là mình không còn nhớ rõ lắm. Có lẽ Xường đã chết trước Lê Thơm và cũng được chôn ở một nơi gần đó.

Nguyễn ngọc Khoan vẫn còn ở K6 khi những người vượt trại trong toán của Xường được đưa về đây. Anh em tìm cách gom những thuốc trụ sinh để đưa vào cho Xường nhưng kết quả cũng chẳng được bao nhiêu. Nếu chúng ta đọc những quyển sách nói về hậu quả của những toán vượt trại như: TÔI PHẢI SỐNG (Linh mục Nguyễn hữu Lễ), VƯỢT TRẠI GIAM (Trần Cảnh), ..., chúng ta mới thấy hết được cái ý định tiêu diệt của bọn thú người VC.

Khi Khoan, và Chương được chuyển về Nam ở trại Z30C Xuân Lộc vào khoảng tháng 8/80 thì nghe được tin của những người về sau cho biết Xường đã chết. Đó là điều chính xác. Khoan đang định cư tại Houston, Texas, và Chương đang ở tại Tampa, Florida.



Tôi cũng xin được cám ơn cô Đặng Tuệ Tâm, hiện đang định cư tại thành phố Fremont, California, đã cung cấp cho tôi bài viết của Anh Nguyễn Chí Mẫn (VƯỢT NGỤC VÀ BIỆT GIAM) và những tình cảm đặc biệt mà gia đình của cô là Cố Đại tá Đặng hửu Hồng, tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đức, đã kể lại cho tôi nghe mối thân tình của Gia đình với bạn tôi. Về những gì đậm đà nhất, sâu kín nhất đã được thể hiện qua bài thơ mà cô em gái kế Tinh Nhiên đã ghi lại mà tôi cũng không tiện nêu ra ở đây, nhưng thật sự bài thơ đã làm cho tôi rất xúc động.

Cô Tâm cũng thường xuyên liên lạc với chị Nhãn, và rất quan tâm đến việc dự định bốc mộ của Xường từ Thanh Chương về lại quê nhà ở Trà Vinh. Tôi cũng đọc được trong trang Web: www.tinhdongdoi.com về Returning Casualty là một chương trình của Hội Vietnamese American Foundation nhằm tìm kiếm, và cải táng hài cốt những người tù “cải tạo” mà Anh Nguyễn Đạt Thành là Chủ tịch. Cựu SVSQ Cao văn Thi, Khóa 25 Đà Lạt, cũng đang ở trong toán tìm kiếm, và cải táng thi hài của những tử sĩ VNCH. Tôi rất mong chị Nhãn và cô Tâm có được những thông tin từ những Hội đoàn và cá nhân này.

Lời cuối:
Tiện đây tôi cũng xin được ghi lại những Sĩ quan Khóa 22 Trường Võ bị Quốc gia VN đã vượt trại thành công, còn sống sót, hay đã chết trong những khu biệt giam của VC:
- Trương văn Út (Út Bạch Lan) (E22): Ra trường tháng 12/67, tình nguyện về Lực lượng đặc biệt sau đó đưa một Đại đội về thành lập Đại đội 2 Trinh Sát của Lữ đoàn 2 Dù. Trình diện tại Sài gòn, sau khi lên trại Long Giao được 3 ngày thì vượt trại cùng với Đ/U Nguyễn văn Tỷ (Đại đội trưởng Trinh sát SĐ18/BB), Đ/U Nguyễn văn Châu (TĐT/ ĐPQ/ Bà Rịa) và Đ/U Nguyễn đăng Khánh. Đến ngã 3 Dầu Giây, ra ga Bàu Cá, lên xe lửa về Sài gòn. Vào rừng tham gia những phong trào phục quốc cho đến năm 1982. Vượt biên, hiện cùng gia đình định cư tại Houston, Texas.
- Nguyễn hữu Thức (C22): Ra trường tháng 12/69, về SĐ18/BB, làm Sĩ quan Tùy viên cho Thiếu tướng Lâm quang Thơ, Tư lịnh Sư Đoàn, sau đó về làm Sĩ quan cán bộ tại Trường Võ bị Đà lạt. Trình diện tại Sài gòn, bị đưa lên Ka Tum, Tây Ninh. Tổ chức vượt trại cùng với một Niên trưởng Khóa 18, và một Giáo sư Văn hóa vụ băng qua biên giới Campuchia. Được ghi nhận là mất tích.
- Huỳnh hữu Đức (A22): Ra trường tháng 12/69, tình nguyện về Tiểu đoàn 6 Dù. Trình diện ở Sài gòn, bị đưa lên Ka Tum, Tây Ninh. Cùng trại với người bạn đồng khóa là Huỳnh văn Đức (TĐ5/TQLC). Vượt trại qua đường Campuchia. Được ghi nhận là mất tích. Hiện vợ là Trần thị Nê, và con đang ở tại Cao Lãnh, Đồng Tháp.
- Võ văn Xương (E22): Ra trường tháng 12/67, tình nguyện về SĐ/TQLC, Tiểu đoàn 6 (Thần Ưng cảm tử). Tham dự hầu hết các cuộc hành quân tại miền Nam như trận Mậu thân (1968), càn quét các mật khu Hố Bò, Bời Lời, chiến khu D (1969), Hành quân vượt biên sang Campuchia (1970), Hành quân Lam Sơn 719 và nổi tiếng trong trận tái chiếm thành phố Quảng trị và cổ thành Đinh công Tráng năm 1972 trong trách nhiệm Đại đội trưởng ĐĐ2 thuộc Tiểu đoàn 7/TQLC. Sau trận chiến mùa hè đỏ lửa 1972, được thuyên chuyển về Tiểu khu Châu Đốc. Đi tù, và không chấp nhận sống chung với VC nên Anh đã vượt trại vượt, bị bắt lại và chấp nhận cái chết trong nhà biệt giam..

- Trần Cảnh (A 22): Ra trường tháng 12/69, tình nguyện về Thiết đoàn 17 Kỵ binh đóng ở Quảng Trị. Là một cựu Thiếu sinh quân (1960) nên tinh thần chiến đấu rất cao. Cấp bực sau cùng là Đại úy và chức vụ là Chi đoàn trưởng Chi đoàn 2/17 thuộc Thiết đoàn 17, Lữ đoàn 1 Kỵ binh.
Kẹt lại ở Đà nẳng, trình diện Ủy ban quân quản Đà nẳng ngày 4/4/75. Tháng 7/75 chuyển lên trại Kỳ Sơn, Tam Kỳ. Vượt trại ngày 13/3/77 cùng với Đ/U Trương hữu Thục ( Liên đoàn Biệt kích 81 Dù), Đ/U Phan thanh Tùng (Chi đoàn trưởng 2/20 Chiến xa) Đ/U Lê thanh Thám (Quân Cảnh), Đ/U Nguyễn quang Thuyết (Tiểu khu Thừa Thiên ). Hai mươi ngày sau cả toán bị phục kích. Tùng bị bắn chết, Thám, Thuyết bị thương. Thục và Cảnh sau đó cũng bị bắt đưa về trại cũ ở Kỳ Sơn. Ngày 6/6/84 ra tù và đến Hoa kỳ ngày 15/7/92 theo chương trình HO 13. Hiện cùng gia đình ở tại thành phố Indianapolis, tiểu bang Indiana.

Ngoài ra cũng có 3 Đại úy Lương thanh Thủy (H22), Nguyễn văn Tưng (D22), và Lê văn Lượng (C22) đã vượt biên và chết trên biển Đông. Con gái và vợ của Lượng hiện định cư tại Nhật bản.

(Bài viết còn nhiều thiếu sót và sai sót cần điều chỉnh và bổ sung, xin gọi về cho Cự ở số (714) 300.4026 . Cám ơn)

*Ghi chú: Khóa 22 là một Khóa đặc biệt trong 31 Khóa của Trường Vỏ bị Quốc Gia (Đà Lạt). Qua năm thứ hai được chia ra làm 2: 173 SVSQ theo học 2 năm (1965-1967), và 92 SVSQ theo học 4 năm (1965- 1969).

Viết tại Anaheim ngày 10/10/10
A20 Kiều Công Cự 


(Nguồn: Tập san BĐQ)






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét