A20 PHẠM TRẦN ANH
.Tốt nghiệp Học viện Quốc Gia Hành Chánh Sài Gòn VN.
. Biên Khảo Lịch sử và văn hóa Dân tộc Việt Nam.
. Hội Văn bút Quốc tế.
. Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam.
. Mặt Trận Dân Tộc Cứu Nguy Việt Nam.
THUNG LŨNG TỬ THẦN ..!
Có điều thật kỳ lạ là những trại tù, nơi địa ngục trần gian mà lại mang cái tên thật đẹp nhưng lại rất oái oăm trái khoắy đối với những người tù. Trại tù, địa ngục trần gian mà lại có tên là Xuân Lộc, sau này đến một trại kỷ luật “Trừng giới” nơi có biệt danh là “Thung lũng tử thần” cũng có một cái tên đẹp thật đẹp là Xuân Phước .. quả là tận cùng địa ngục nơi mà có 5 vị linh mục đã chết trong biệt giam và cả ngàn ngôi mộ của anh em tù nhân, nơi mà Võ sư chưởng môn Vovinam Lê Sáng, ký giả Vũ Ánh, nhà văn Đỗ văn Phúc, Đại uý Pháo binh Dù Lê Thái Chân, Phan văn Bàn người tù 30 năm và nhà thơ Vũ Đình Thụy mới ra tù cách đây 2 tháng sau 18 tháng bị bắt làm tù binh và 29 năm 2 tháng 11 ngày vì tội lật đổ chế độ, vị chi tổng cộng là 30 năm 8 tháng 11 ngày. Vũ Đình Thụy là người mới được giải thưởng văn học VASYL STUS “Quyền tự do viết văn 2007” và được mời là Tân Hội viên danh dự của Trung tâm Văn bút Hoa Kỳ/ PEN New England … là những người bị tử thần né mặt nên còn sống đến bây giờ:
Ai đã đến để một đời nhớ mãi
Ai đã qua nơi địa ngục trần gian ..
Ai đã sống những tháng ngày khốn khó,
Thần chết rập rình địa ngục đâu đây ..!
Phải chăng đây là sự tình cờ mỉa mai nào đó vô tình đã nói lên cái bản chất thật, cái bộ mặt giả nhân giả nghĩa của CS. Kinh nghiệm xương máu và nước mắt của hơn tám mươi triệu dân VN là không những đừng bao giờ nghe những gì CS nói mà phải hiểu ngược lại những gì CS nói như thiên đường xã hội chủ nghĩa thì ta phải hiểu là Địa ngục trần gian, tự do phải hiểu là lệ thuộc là kềm kẹp, dân chủ là chủ dân, tự do là nô lệ, đầy tớ là chủ nhân, làm chủ là làm công, ấm no là đói rét, hạnh phúc là bất hạnh khốn cùng .. vân vân và vân vân … đại khái nó cũng giống như dân Sài Gòn mình bây giờ hễ thấy chỗ nào đề “ Cấm đổ rác” thì rác ngập tràn thành từng đống, chỗ nào có đề bảng “ Cấm đái” thì cứ tha hồ mà đái vì uống bia đầy bụng rồi mà tìm không có một nhà vệ sinh nào thì một hai ba … Alê … tham quan “Lăng Bác” ngay bất kể bàn dân thiên hạ qua lại …
Trại tù Xuân Phước nằm ở vùng rừng núi Phú Yên Tuy Hoà gần giáp với biên giới Lào Việt. Trại được dựng lên ở giữa thung lũng bao quanh là rừng gai với tám ngọn núi cao nên bạn tù gọi là thung lũng tử thần. Một điều kỳ lạ là giai cấp thống trị nào cũng tinh ma quỉ quyệt như nhau. Thời Pháp thuộc có khám Chí Hoà được xây theo đồ hình bát quái để trù yểm không cho tù nhân nào vượt ngục được. Trại trừng giới kỷ luật Xuân Phước được chọn nằm dưới thung lũng có 8 ngọn núi cao bao quanh, vừa bước vào cổng trại người ta thấy ngay một hồ nhỏ có dựng một đền nhỏ mà theo dân chúng quanh vùng thì đó là chỗ bọn giám thị cai tù trại giam đã mời thầy pháp đến để làm bùa trù ếm tù nhân. Bọn cai tù cộng sản còn thâm độc hơn ngoài việc trù ếm chúng còn bắt tù nhân phải đi chân đất lúc đi lao động vì chung quanh là rừng gai thì chân trần chỉ đi vài giờ là chân sưng tấy lên vì gai độc. Mặt khác chúng yêu cầu các xã xung quanh tuyên truyền là trại chỉ nhốt tù hình sự, bà con phát hiện phải báo ngay không thì chúng nó giết người cướp của để trốn trại. Trại còn thưởng cho một tạ gạo và cái mền nên mỗi khi có tù vượt ngục là bà con ngây thơ rủ nhau đi lùng bắt tưởng là cướp lại được thưởng mền gạo đối với dân sơn cước nghèo nàn là cả một gia tài kếch sù rồi..!
Lịch sử trại Xuân Phước chỉ có một vài vụ trốn thoát còn bao nhiêu đều bị bắt lại và chung quanh trại là một nghĩa trang chiếm mấy ngọn đồi với những nấm đất, không bia mộ của mấy ngàn anh em bỏ thây vì đói khát, bệnh tật, tra khảo đánh đập … nơi tận cùng của địa ngục này. Trong điều kiện lao lực vất vả, không đủ ăn người suy kiệt nên dễ nhiễm bệnh mà bị bệnh không thuốc men chữa trị, không thực phẩm bồi dưỡng thì khó mà qua được. Trong tù khi mùa Đông giá lạnh buốt xé da người đến thì các cụ già lo lắm, ngày nào cũng có tin người này chết người kia chết với một tâm trạng u uẩn:
“ Trông thấy người khác chết,
Trong lòng rất xót xa.
Nửa thương xót kẻ chết,
Nửa nghĩ tới phiên ta ..!”.
Một nhân chứng sống Thượng toạ Thích Thiện Minh, người tù lương tâm kể lại chính bản thân Thượng toạ bị bọn công an cuồng tín, bọn sát nhân bẩm sinh đánh đập tra tấn dã man ở nơi tận cùng địa ngục này:
“ Tôi còn nhớ như in chúng dẫn tôi ra khai thác để điều tra hòng bắt thêm anh em cùng vụ trốn trại với tôi. Cả ba tên đao phủ đánh tôi bằng tay chân tới tấp vào bất kể chỗ nào trên thân thể, đầu mặt .. buộc lòng tôi phải quay lưng vào vách lá của căn nhà cất liền nhau để có thể chống đỡ phía trước mặt. Không ngờ phía vách lá sau lưng tôi có một tên đã trực sẵn, hắn đã dùng họng súng dài thúc mạnh vào lưng trúng ngay lá phổi làm tôi bị trọng thương, té ngất xỉu, máu tuôn ướt cả áo quần. Sau khi tỉnh dậy những tên hung thần này không cho tôi thay quần áo, tôi đành mặc áo dính máu cho đến khi rách nát. Hậu quả vết thương lá phổi của tôi bây giờ vẫn còn dây dưa chưa dứt hẳn nên tôi thường đau buốt và ho liên tục mỗi khi trái gió trở trời …
Mấy ngày sau tên Tri là cán bộ an ninh trại đã lấy dây điện có ruột bằng đồng rất to, y đánh tôi 99 roi điện vì nó đếm thiếu một roi. Tôi cắn răng chịu đựng từng roi một, đầu dây điện thường quất vào hông, nách vào những chỗ hiểm yếu của cơ thể. Sau khi khai thác tôi không khai thêm người nào nữa chúng mới truy tố tôi ra toà với tội danh “Chống phá trại giam”. Tiêu chuẩn kỷ luật xà lim mỗi ngày họ phát cho 4 người mỗi người một lon guigoz nước để uống, tắm rửa .. nửa chén cơm và 3 lát khoai mì công nghiệp H 34 chan ngập nước muối đậm đặc, nước muối nhiễu xuống nền gạch đọng trắng bọt muối. Trong kỷ luật hoàn toàn thiếu chất rau tươi nên mọi người đều bị bệnh sưng phù, tê bại, mờ mắt, ghẻ lở lao phổi … Mỗi lần đi đổ hũ vệ sinh, tôi nhanh tay với hái một nắm cỏ mầng trầu hoặc loại cỏ nước mặn, loại cỏ tạp cho bò ăn nên nhiều khi còn dính phân người, tôi lén đem vào phòng lấy nước rửa sơ rồi chia nhau mỗi người vài cọng để nhai gọi là có chút rau tươi, chúng tôi ăn cỏ mà cảm thấy ngọt vô cùng ..!”
Một sự thực đau lòng là vào những năm 1979, 1980 … ngày nào thung lũng tử thần cũng có vài anh em ra đi, mỗi khi có người chết thì vài ba thanh niên tình nguyện đi khiêng quan tài, dĩ nhiên là anh em tù phải thương nhau nhưng được nghỉ một bữa và nhất là lại được chia nhau nắm cơm trái trứng của người chết thì còn gì để nói.. hở trời ..!
Khi tôi vừa chuyển tới “Thung lũng tử thần” thì trại bán thịt bò cho những trại viên có tiền đăng ký ở căng tin. Không phải tốt lành gì, để “ bồi dưỡng” đâu mà bọn cán bộ kể cả giám thị lấy thực phẩm nuôi tù, lấy công tù lo chăn nuôi rồi đem bán lại cho những tù nhân có tiền với giá cắt cổ. Đặc biệt là bò heo bán thì con nào con đó mập ú, còn một năm 2, 3 ngày mà chúng gọi là “Lễ lớn”nghe thông báo trại thịt 4 con bò thì con nào con nấy chỉ to hơn con heo một chút ..!. Thế mới thấm thía cái câu anh em thường nói:“ nước sông công tù” mà ..! Tôi còn bao nhiêu tiền gửi trong căng tin nhân cơ hội này lấy mua hết. Bao nhiêu thịt mua về giao cho Phạm Thế Công cắt ra mỗi phần khoảng 2-3 trăm gram chia cho những anh em thiếu may mắn mà trong tù chúng tôi gọi là con ni cô, con bà phước … Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ những khuôn mặt mừng rỡ khi nhận từng miếng thịt. Đời sống trong tù suốt năm ăn “canh đại dương” gồm mấy cọng rau thêm tí muối chứ làm gì có bột ngọt, thịt mỡ gì.
Số thịt mua về, phần thịt còn lại đem nấu cháo rồi đi ngang treo lên hàng rào bệnh xá, người bệnh làm bộ đi dạo rồi lấy vô, ăn xong lại treo lên. Cả bệnh xá được một bữa cháo nóng sốt hả hê. Có tin cha Vàng mới ra bệnh xá nhưng người chỉ còn da bọc xương, nằm liệt một chỗ nên không ra phơi nắng được. Sau mấy tuần chúng lại đưa vào xà lim, tháng sau thì chết vì kiệt sức té ngã quị xuống trong xà lim ..
Đã gọi là ở tù thì làm sao mà no đủ cho được thế nhưng ở tù cộng sản còn thê thảm đói khát vô cùng nên mỗi lần đi lao động, anh em ta gặp bất cứ con gì ngoại trừ con ốc bù lon bằng sắt, còn con gì nhúc nhích được đều ăn tươi nuốt sống liền từ con mối đến con nhái bầu dai như đỉa cũng không tha… Mỗi năm khoảng 3 lần tù nhân được ăn ngày “Lễ lớn” mỗi người được một miếng khoảng 2 trăm gờ ram nên nói thì khó tin nhưng tù nhân tuy không nói ra chứ ai cũng mong đến ngày “Lễ lớn” mới đau chứ. Đó là một sự thực, một sự thực phũ phàng chúng ta mới hiểu rõ hơn cái gọi là “ Chính sách bao tử” của cộng sản nguy hiểm tới dường nào. Ngoài đời thì chúng áp dụng chính sách tem phiếu “xiết bao tử, khống chế dạ dày” khiến cha mẹ phải thúc ép con cái đi nghĩa vụ lên đường đi vào chỗ chết vì khẩu phần gạo đã bị cắt, người con thì không nỡ vì mình mà gia đình đã đói lại phải đói hơn. Tốt nhất là tình nguyện đi nghĩa vụ quân sư để khỏi làm gia đình phiền khổ thế thôi. Chế độ tem phiếu khiến người dân bị lệ thuộc từ hạt muối, viên đường đến tấc vải lưng quần manh áo .. thật khốn khổ làm sao … Chẳng thế mà sau mấy chục năm trời sống dưới sự kềm kẹp thống trị của cộng sản bạo tàn, người dân miền Bắc chỉ biết ngậm ngùi than thở :
“ Bắt ở trần phải ở trần,
cho “ May-ô” mới được phần “may-ô .
Mỗi năm ba tấc vải sô,
Lấy gì che kín “cụ hồ” em ơi ..!”
Thế nên từ anh bộ đội đến chú công nhân nhà ta cứ để “cụ Hồ” tồng ngà tồng ngồng nên lúc nào cụ cũng muốn đề nghị đồng chí vợ họp “chi bộ hai người” để “Tranh thủ hơi ấm” nghĩa là làm cái chuyện trời cho đó…!”. Vì thế, dồng bào miền Bắc sau bao nhiêu năm sống nghèo đói khốn khổ dưới chế độ cộng sản bạo tàn thế mà cái khoản “Đẻ đái” thì lại hơn bà con ta ở miền Nam Quốc gia nhiều. Ô hô ai tai … nghe thấm thía mà cũng thú vị làm sao ..!
BẢN THÂN TÔI, tuy có phần may mắn hơn anh em là có gia đình thăm nuôi đầy đủ nhưng gần 9 năm nằm trong xà lim, đã từng biết cái đói như thế nào. Càng cố gắng nén cơn đói thì cái đói cồn cào lại cồn cào hơn, cố nuốt nước miếng thì nước miếng cứ tuôn ra nên lại phải nuốt thèm thế thôi.. Nằm trong cùm bụng đói teo thế mà một tháng 4 lần trại cho tù “ bồi dưỡng” một bữa thịnh soạn thực đơn chỉ gồm một món duy nhất là “Rau muống xào tỏi” là chúng tôi sướng rên người. Nhất là cái mùi dầu phi tỏi theo gió bay vào khu kiên giam thì cả xà lim tỉnh hẳn ra. Ôi cái mùi chết người ấy nó cám dỗ làm sao? Nó làm ta thấp thỏm đợi chờ, cồn cào nhức nhối nước miếng trào ra, càng cố nuốt vào thì lại tràn ra nhiều hơn... Nó khó chịu đến độ có anh em hết ngồi rồi lại nằm cũng chịu không được nên phải nhai cả mùng mền chờ giờ ăn tới ..!
Trước khi vào khu kiên giam, tôi sống chung với Thượng toạ Thích Thiện Minh, hai anh em sống với nhau được một thời gian thì “Thầy Ba” vào kỷ luật trước, tôi vào sau. Lúc sống chung mỗi lần thăm nuôi chừng 1, 2 bao đem vào chia ra uỷ lạo anh em rồi ăn chừng một tháng là hết cả nước tương. Thầy Ba thuộc loại “Uy tín” lắm mới được anh Châu ở đội 5 tự giác liều lĩnh tiếp tế cho một miếng cặn bã dừa sau khi ép lấy dầu dừa anh em thường gọi là “cứt dừa”. Thầy Ba bỏ vào gô đổ nước muối vào rồi đun lên để nguội là ta có “nước tương tù” liền. Anh em ăn được một tháng rất ư là khoái khẩu thì tình cờ sau bữa ăn, thầy Ba nhìn tôi nói “Ủa sao răng ông Anh đen quá vậy?”. Tôi cũng không để ý nhưng nghe nói vậy tôi nhìn thấy răng của ông ấy cũng đen vì chất cứt dừa bám vào, có đánh răng cũng không sạch được. Từ đó biết vậy tính không ăn nhưng chan nước muối đại dương vẫn khó nuốt hơn là có một chút màu mè để mình tự đánh lừa thị giác của mình ăn cho ngon miệng. Bây giờ nghĩ lại thấy buồn buồn tự nhiên nở nụ cười thấm thía làm sao … mỗi bữa ăn chỉ được lưng lưng chén nhỏ bo bo hoặc khoảng hơn 500 hạt bắp mà nhai cả hàng giờ, nước miếng tiết ra chất dịch vị, ôi nó ngọt làm sao ..! Ngay cả bây giờ, dù có ăn cao lương mỹ vị cũng không tìm được cảm giác ngon lành tuyệt vời của một thời khốn khó đã qua ..!
BUỔI SÁNG HÔM ĐÓ, anh Võ Trực bị mấy thằng cán bộ đánh ho ra máu. Buổi tối tên cán bộ quản giáo và trực trại vào nói đội sinh hoạt phê bình anh Trực. Như thường lệ, đã không một người nào bênh vực mà anh Trực còn bị kiểm điểm tơi bời. Tôi tức quá, vẫn cái máu tới đâu thì tới tôi phát biểu “Anh Trực không có lỗi gì nặng nề mà bị đánh đập tàn nhẫn. Tôi phản đối hành động côn đồ đánh đập tù nhân của cán bộ và yêu cầu ghi vào biên bản”. Tội nghiệp, anh Thái Phi Kích lúc bấy giờ là thư ký đội đến nói với tôi là anh ta sẽ không ghi vào biên bản sợ nguy hiểm cho tôi vì từ trước tới nay, anh em bị đánh chết nhiều. Bọn cán bộ Trực trại còn dùng roi dây điện, bắt tù nhân nằm xuống đánh ngay trước cổng trại. Tôi nói: “Cám ơn anh, anh cứ ghi vào trên giấy trắng mực đen, tôi chấp nhận tất cả. Một là sẽ bị đánh chết như anh em, hai là nhờ viết thành biên bản và có người dám lên tiếng, bọn chúng sẽ chùn tay lại đỡ cho anh em ..”. Sau đó một thời gian chưa thấy phản ứng gì nhưng tôi biết chắc chắn chúng hận tôi và đang đợi cơ hội tìm cách trả đòn thù này. Hai tháng sau, cơ hội chúng ra tay đã đến. Sáng hôm đó cả đội đang đào ao, tiêu chuẩn mỗi tù nhân phải đào và di dời 1 mét khối đất đá đến đắp bờ ao. Muốn đào ao phải dùng cây xà beng to hơn cổ tay, thay nhau đục xuống rồi nhiều khi hai ba anh em phải lấy cả trọng lượng thân mình đu xuống mới nứt bể ra được. Nhiều lần gặp tảng đá cứng gẫy cả cây xà beng “cổ tại” đó, anh em ai cũng đuối sức nhưng vẫn cố gắng làm cho đạt chỉ tiêu sợ rằng nếu không chúng bắt làm tới tối rồi tìm cách sát hại rồi phao vu là trốn chạy. Tôi còn nhớ tôi thường đi “Ki” chung với linh mục Lê Thanh Quế, linh mục Nguyễn Văn Chức, hai người kẻ trước người sau nhấc đất đá đi cả trăm mét để đổ bờ ao. Tội nghiệp trong trại, linh mục Chức được anh em gọi là linh mục “mồ côi” mà các vị linh mục khác hầu như không chia sẻ một chút gì gọi là lòng bác ái ..! Một hôm vị linh mục này bị kỷ luật vì tội ăn cắp hoa màu của trại, “ăn cắp” là cộng sản ghép tội nên ông vẫn cười khi nghe đọc kỷ luật vì “Ông Anh, mình chỉ lấy lại những gì mình làm ra bằng mồ hôi nước mắt của mình thế thôi, nhất là những lúc mình đói ông đồng ý không..?”. Tôi cười vì trong tù ai mà không nghĩ như thế, chính bản thân tôi trong những mùa thâu hoạch mè đậu phọng, bắp … tôi cũng vừa ngồi sàng sẩy mè vừa lấy tay hất từng bụm mè vào miệng, lén lút nhai sống một cách ngon lành và cũng chính nhờ những mùa vụ này mà anh em phục hồi sức khoẻ phần nào … Trong khi đa số các linh mục khác, xóm đạo xứ đạo đi thăm nuôi hậu hĩ dư dả ăn không hết nên thức ăn ngon, vật dụng đẹp, thuốc bổ đều mời các cán bộ “sơi” dùm cả … Thỉnh thoảng anh em sốt hay đau bụng đến xin thì: “rất tiếc là thuốc vừa hết, anh đi hỏi xem chỗ nào còn thuốc không?”. Anh em tức quá nhờ người khác đến giả lệnh cán bộ hỏi thì “Ô may quá còn nguyên một lọ ..!” rồi đưa luôn không chút ngần ngại. Thậm chí có vị còn nói con chiên mua cho một bộ đồ jean Mỹ chính gốc để điếu đóm gọi là làm quà xã giao. Điều tệ hại hơn là trong đám trật tự mà trước thường gọi là “cặp rằn” theo tù nhân Nguyễn Quang thì: “Đa số lập thành tích lập công chuộc tội nên được cán bộ trực trại và ban Giám thị tin tưởng và không sao hiểu nổi mấy tên trật tự này, anh nào cũng chạy lăng xăng để chứng tỏ với cán bộ là mình tích cực. Trong số đó có thầy Phạm Quang Hồng và cả linh mục Đinh Xuân Thụy, ông này không những cầm sổ kẹp nách, vừa ghi ghi chép vừa chạy giữa trưa nắng thật buồn cười, tay kia cầm gậy thọt thọt khắp nơi trong trại và cả chiều tối để xem có tù nhân nào đào vách khoét tường không ..!” Thế nhưng, bên cạnh những con sâu làm rầu nồi canh có một số linh mục đáng kính đã hi sinh tại Thung lũng tử thần:
1. Linh mục Nguyễn Huy Chương, án 20 năm chống lại chế độ độc tài chuyên chế, khí khái bất khuất, bị kiên giam cho đến chết vì thành lập hội Ái hữu tù nhân chính trị ngay trong trại thung lũng tử thần. Sau 2 năm nằm kiên giam, thân mình sưng phù lên, mặt mũi chân tay đều sưng to, khi bệnh quá nặng sắp chết mới được đưa ra bệnh xá thì không còn kịp nữa. Gặp ai ông cũng chỉ vào đôi chân sưng to vù của mình, đôi mắt như trầm lắng cô đọng lại một cái gì đó mà người tù bất hạnh này không nói hết ra được …
2. Linh mục Nguyễn Luân, án 20 năm, chống lại chế độ độc tài chuyên chế, đòi tự do dân chủ. Đấu tranh một cách bất khuất từ ngoài xã hội cũng như trong tù vì các quyền cơ bản của công dân. Nhiều lần cộng sản chỉ yêu cầu ông viết 3 chữ độc lập tự do hạnh phúc dưới tiêu đề nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam để thả ông ra khỏi kiên giam nhưng vị linh mục khả kính này vẫn cứ viết là không độc lập, không tự do, không hạnh phúc nên anh em xà lim gọi ông một cách quí mến là linh mục ba không ..! Ông bị kiên giam lâu dài và vẫn kiên định lập trường cho tới chết vì một ung nhọt phía sau lưng không thuốc men nên mụn nhọt lan dần cho đến lúc nhiễm trùng trầm trọng thì qua đời. Khi sắp chết, “Người” mới được đưa ra khỏi xà lim vào bệnh xá trại giam. Trước khi chết vị linh mục khả kính này vẫn tiếp tục dặn dò tất cả mọi người hãy vì con người, đấu tranh cho quyền con người ..!
3. Linh mục Nguyễn văn Vàng cùng với người em là Thiếu tá Nguyễn văn Viên thành lập mặt trận Quốc gia giải phóng Việt Nam thường gọi tắt là Mặt trận Liên tôn. Linh mục bị xử án 20 năm. Thiếu tá Viên được xem như Thủ tướng đã bị lãnh án tử hình và linh mục Vàng bị đưa ra thung lũng tử thần. Trong thời gian ở trại, lúc nào cũng lạc quan, bất khuất và hứng thú giúp đỡ các bạn tù cả tinh thần lẫn vật chất. Linh mục bị kiên giam, sau 3 năm thì lâm bệnh nặng phải đưa ra bệnh xá. Thân hình co rút lại như một em bé lên mười với da bọc xương, những lúc bệnh nặng hay trong cơn hấp hối cụ được đưa ra nằm bệnh xá. Hơi thở thều thào mệt nhọc, hai tay thường mân mê cơ thể mình và thường cúi xuống nhìn đôi chân co rút tong teo .. đôi mắt trầm buồn mà không nói một lời nào .. Lúc kiệt sức chết trong xà lim, khi khiêng xác đi chôn không ai được ra khỏi phòng nhưng tôi mượn cớ ra giếng lấy nước rồi đứng chào kính nên anh em ngộ nhận nói là tôi đứng đầu nội các của linh mục vàng thành lập tại trại Xuân Phước. Thực ra lúc nào tôi cũng tâm niệm cố gắng chu toàn bổn phận của một chiến sĩ cách mạng mà thôi.*
4. Linh mục Phong bị bắt đi lao động đến kiệt sức do ngâm mình suốt ngày dưới ruộng lâu ngày bị sưng phổi, ho từng cơn liên tục rồi ói ra nước vàng sệt cho đến chết. Vị linh mục này tuy đau bệnh nhưng vẫn ung dung không van xin để được nghỉ bệnh, người vẫn đi lao động khổ sai cho đến khi kiệt sức gục ngã ngay tại nơi lao động ..!
5. Linh mục Nguyễn Quang Minh vụ án Vinh Sơn đầu tiên ở Sài gòn bị kết án 20 năm. Vị linh mục này có tinh thần bất khuất và sẵn sàng giúp đỡ anh em khi cần thiết cả về vật chất lẫn tinh thần. Ông bị nhốt kiên giam vì giữ mình Thánh chúa. Trong thời gian bị kiên giam có lúc đói quá phải nhai từng hột gạo sống, cuối cùng bị đánh dập lá lách trào máu họng và qua đời. Một điểm hết sức đặc biệt lý thú là ngay trong chốn thập tử nhất sinh này, các anh em trẻ vẫn hăng say học tập nghiên cứu lý luận từ các bậc đàn anh đi trước như Vũ Ánh, Phạm chí Thành, Nguyễn xuân Nghĩa, Thiếu tá TQLC Võ đằng Phương. Lịch sử trại Xuân Phước phải được kể tới tờ báo học tập lý luận của nhóm anh em trẻ do Vũ Ánh chủ trương gọi là “Báo chui”. Cũng vì tờ báo này đầu năm 1987, anh phải di lý về trại tạm giam Phan Đăng Lưu ở Sài Gòn để điều tra. Thế nhưng bọn chúng không khai thác được gì ở nơi anh nên lại đưa vào xà lim cùm còng cho đến khi Hội Ân xá Quốc tế can thiệp, anh mới được trả tự do. Trong số bạn trẻ đó có nhóm sinh hoạt văn học nghệ thuật thể hiện qua những vần thơ tranh đấu như một Vũ Đình Thụy, Lê Thụ, Vũ Bình Nam … và nhóm trẻ thiên về hành động chống cộng tới cùng như Trần Minh Tuấn quê ở Bình Định là nhiệt tình nhất. Tuấn đã từng thả truyền đơn ngay trong trại tù và Nguyễn văn Trung thường gọi là Trung lai thường đánh cảnh cáo mấy người tù lập công để được đi làm diện rộng ngoài trại. Chính những anh em này đã cùng với Phạm văn Thành làm nên lịch sử “Ngày Tù chính trị Xuân Phước nổi dậy 28-10-1994…!”.
Đến bây giờ ngồi nghĩ lại tôi mới thấy cuộc đời chẳng bao giờ có gì là tuyệt đối cả. Thực vậy, nếu có một linh mục sẵn sàng bán rẻ danh dự làm tay sai cho cộng sản như Đinh xuân Thụy hoặc Đinh Bình Định người đã cùng với linh mục Trần Hữu Thanh giật sập chế độ VNCH bằng cách chống tham nhũng rồi ký giả đi ăn mày ..cũng là điềm trời cả. Sau 30.4.1975 tha hồ mà đi ăn mày mệt nghỉ …! Nghe nói ông linh mục này đã làm đơn xin gia nhập đảng Cộng sản … thì lại có một linh mục anh hùng như linh mục Nguyễn Luân. Nếu một anh chàng đại đức tuyên úy Phật giáo Hùng lăng xăng ra bán căng tin trại thì đã có một Thượng Toạ Thích thiện Minh uy dũng đã từng hô đả đảo Cộng sản ngay trong trại tù cộng sản. Bên anh em sĩ quan cải tạo nếu có một tên đại tá Tý binh chủng Truyền tin kể công là đã bán bao nhiêu đặc lệnh, mật mã truyền tin cho cộng sản để xin được tha về sớm, một trung uý BĐQ trẻ Ngô văn Ly bán độ anh em, sau khi ra kỷ luật trước khi về nói anh em cần gửi văn thơ tài liệu gì y sẽ chuyển ra ngoại quốc cho … cuối cùng y chuyển cho cán bộ an ninh trại thì lại có một Đại úy Dù Lê Thái Chân, một thiếu uý Biệt Động quân Võ Lâm Tể tức nhà thơ Vũ Đình Thụy và nhiều anh em nữa kiên cường bất khuất…!
Một điều để chúng ta có quyền tự hào là tuy trong thời gian tù tội có một số người vì quyền lợi rịêng tư sẵn sàng làm ăngten làm tay sai cho cộng sản nhưng chưa hề có một người nào qui hàng rồi tố cáo phá vỡ tổ chức giết hại anh em như tù cộng sản trước 1975. Những người cộng sản này đã giác ngộ lý tưởng quốc gia, căm thù bị cộng sản lừa dối phản bội nên đã không ngần ngại tố giác phá vỡ những chi bộ cơ sở đảng. Hồi đó chúng ta quá tự do nên những tù cộng sản, VNCH chúng ta vẫn cho hưởng qui chế tù chính trị, điều kiện ăn uống sinh hoạt so với tù của cộng sản sau này thì một trời một vực. Tiêu chuẩn ăn uống có thể còn cao hơn cả một người lính chiến, nhà bếp do nhà thầu lo liệu nên cộng sản chỉ mượn cớ chống chế độ ăn uống của nhà thầu mà làm reo. Báo chí hồi đó thì tự do quá trớn nên bị cộng sản xâm nhập nằm vùng tố cáo nào là tra tấn đánh đập và dùng chuồng cọp để giam tù nhân nhưng một nhân chứng còn sống là Đại uý Quân Cảnh Hiển tức nhà văn Hoàng Khởi Phong một thời là “Cai tù” Phú Quốc đã xác nhận là điều đó hoàn toàn bịa đặt … Nghĩ lại thấy cũng buồn cười, chế độ VNCH của chúng ta ngày trước cũng rất ư là văn nghệ nên đã cử một ông văn nghệ sĩ bạt mạng làm xếp tù, cai tù thì làm sao mà đối xử với tù “dã man” cho được ..! Đã thế các tổ chức nhân quyền, Hồng thập tự quốc tế và lại còn có “Phong trào cứu đói” do tên Việt cộng đội lốt Phật Giáo lập ra để tuyên truyền chứ làm gì có chuyện dân miền Nam đói bao giờ … Rồi lại có “Uỷ ban đòi cải thiện chế độ lao tù” do một số linh mục lập ra cùng với người bạn Hoa Kỳ theo dõi kiểm soát chặt chẽ nên dựa vào đó, tù chính trị cộng sản tha hồ yêu sách đủ điều …
Trong khi anh em chúng ta sau này chỉ có một tiêu chuẩn “Chết đói” vừa đủ kéo dài sự sống để ra sức lao động làm ra của cải vật chất cho cộng sản. Một tiêu chuần vừa đủ hoi hóp sống khiến cơ thể phải đốt hết năng lượng dự trữ chưa đến nỗi chết đói ngay nhưng nó làm tiêu hao lần mòn sức khoẻ để nếu có ngày trở về thì cũng thân tàn ma dại. Đa số anh em được sang Hoa Kỳ theo diện HO còn một số không đủ điều kiện phải ở lại dở sống dở chết cho đến ngày đi “đoàn tụ với ông bà..!”.
Tuy nhiên xà lim kiên giam với cùm còng, đói khát cũng không khuất phục được tinh thần bất khuất của anh em tù nhân chính trị. Bao nhiêu vụ nổi dậy của các anh em tù Bình Điền, Hàm Tân, Xuân Phước và ngay trong trại tù khắc nghiệt, không những không học tập mà còn biến buổi học tập chính trị thành diễn đàn đấu tranh đòi cải thiện chế độ lao tù, đòi huỷ bỏ điều 4 Hiến pháp CS, yêu cầu cộng sản phải thừa nhận những sai lầm trước dân tộc... của anh em tù nhân chính trị Xuân Lộc và Xuân Phước đã ghi dấu son trong lịch sử dân tộc …
Khi tôi mới sang Hoa Kỳ thì người con rể chồng của Quỳnh Giao nói với tôi là trong đoàn thể con có ông luật sư nổi tiếng có bà vợ cũng nổi tiếng từ thời Tổng thống Diệm, hình như cũng ở trại Xuân Phước với bố. Bây giờ ông ấy làm chủ tịch hội đồng lập pháp được nhiều người kính trọng, không biết bố có biết ông ấy không? Khi con tôi nói xong là tôi nghĩ chắc chắn không phải là luật sư Lý văn Hiệp, thủ lĩnh luật sư đoàn miền Trung rồi và tôi liên tưởng ngay đến vị luât sư “nổi tiếng” của trại Xuân Phước. Theo anh Nguyễn Quang kể lại cho tôi biết thì khi mới ra Xuân Phước, ai cũng kính trọng nên tìm cách gần gũi để học hỏi thêm. Về sau, anh em hết sức thất vọng và lên án vị luật sư này khi nghe ông ta dạ dạ vâng vâng và gọi cán bộ là thầy, “ông thầy”.
Đặc biệt, trại Xuân Phước có truyền thống là mỗi khi có anh em ra khỏi biệt giam thì anh em trong đội mỗi người bớt ra nửa muỗng cơm gọi là để “bồi dưỡng” cho người anh em mình. Thế mà trong đội có một người duy nhất chống lại việc này, nói là vì đói thì không phải vì người này thăm nuôi dư dả … sau này trong buổi sinh hoạt đội, chính ông ta đã yêu cầu linh mục Nguyện nên nhận là đã gửi bánh Thánh cho anh gì đó tôi quên mất tên rồi chứ đừng bắt anh ta chịu oan thay cho linh mục Nguyện. Thoạt nghe thì có vẻ là đạo đức nhưng thật ra là hình thức tố cáo gián tiếp nên về sau anh em mới hiểu là việc không chịu chia cơm chính là để cán bộ biết mà cấm việc làm cao đẹp này của anh em mình.Từ đó, anh em coi thường nhiều khi chửi thẳng vào mặt vị luật sư “nổi tiếng” này mà ông ta vẫn cười cười có lẽ da mặt đã quá dày nên không biết ngượng ngập sĩ diện là gì…
Trại Xuân Phước cũng là trạm dừng chân của nhiều luật sư trong đó có luật sư Nguyễn Chuyên thì ưu tư trầm lặng, luật sư Trần Danh San và anh Nguyễn Chí Thiệp trong vụ án Nhân quyền đầu tiên của Việt Nam vào thập niên 80. Đặc biệt luật sư Lý văn Hiệp một thời từng là Thủ lĩnh luật sư đoàn miền trung. Bên ngoài cái vóc dáng hình hài tiều tuỵ của một người tù đúng nghĩa thì bên trong ông là cả một ý chí kiên cường, chịu đựng bền bỉ trước những trận đòn thù của cộng sản mà không khai báo một ai. Tôi nghe kể lại chuyện bọn cai tù còng tay ông ôm cây dừa suốt một ngày. Ông cố gắng chịu đựng cho đến lúc kiệt sức gục xuống mà không một tiếng van xin. Ông giúp đỡ nhiều anh em trẻ trong việc tìm hiểu những vấn đề triết lý luật pháp. Tôi có một thời gian được gần gũi ông và hai anh em rất ư tâm đắc vì chung một chí hướng, chịu cùng cảnh ngộ tù tội lại cảm thông nhau về nỗi thương đau mất mát tình cảm cuối cùng của một đời người ...!
Anh em cũng kể cho tôi nghe những bức bách áp chế, những đoạ đày nghiệt ngã của bọn cai tù đã dẫn đến chọn lựa những cái chết thảm thương. Cao văn Bình là một cựu sinh viên trường Quốc gia Hành chánh khoảng 30 tuổi, lúc ra toà anh thách thức quan toà đòi bản án tử hình nhưng chánh án cộng sản chỉ kết án chung thân vì âm mưu lật đổ chính quyền cộng sản. Tên chánh án thâm độc tức tối nói rằng: “Mày muốn làm anh hùng hả, tao chỉ cho anh một bản án chung thân nghĩa là tù rục xương để mày chết lần mòn trong bốn bức tường đá chứ dại gì mà cho mày chết ngay”. Trong tù anh luôn giữ vững lập trường, khát vọng về một nền dân chủ thực sự và các công dân có quyền được hưởng những quyền cơ bản của con người. Anh hầu như lúc nào cũng đăm chiêu về những ưu tư này và thường trầm ngâm ít nói, ánh mắt như để lại qua những ai đã từng sống chung với anh, ánh mắt ấy thường mở to hơn trong khát vọng về tự do, dân chủ và nhân quyền. Chính những áp chế bức bách khiến anh tìm đến cái chết 3 lần. Lần thứ nhất nhảy xuống giếng và được cứu sống. Trả lời câu hỏi tại sao, anh bảo là có tiếng gọi hãy làm để phản đối về sự đối xử quá tàn tệ đối với các tù nhân. Lần thứ hai anh thắt cổ và cũng được phát hiện kịp thời. Anh nói có tiếng gọi thôi thúc phải làm một cái gì đó để phản đối chế độ lao tù quá hà khắc, đòi hỏi quyền sống cho con người. Lần thứ ba, anh nhảy vào chảo nước sôi để kết liễu đời mình để phản đối cộng sản, đòi hỏi tự do dân chủ nhân quyền cho mọi người dân Việt Nam như lá thư trăn trối để lại trước khi tự mình chọn cái chết bi thương này ..!*
Khi tôi ở trại Xuân Lộc, một anh em sĩ quan cải tạo, anh L .. hình như là thiếu tá TQLC cũng chọn một cái chết bi thương tương tự. Đã mấy kỳ thăm nuôi không thấy vợ đi thăm mà chỉ gửi quà tượng trưng cho bà bạn, linh tính như mách bảo anh là có vấn đề lấn cấn gì đây. Sáng hôm đó đứa con gái anh lên thăm, hai cha con ôm nhau khóc sụt sùi. Anh hỏi con mãi cuối cùng nó mới nói cho anh biết một sự thật đau lòng: “Bả bây giờ có chồng rồi, mà từ lâu rồi ba không biết đâu ..!”. Nói xong hai cha con lại ôm nhau khóc. Anh ôm nó vào lòng dặn dò tỉ mỉ mọi điều, lúc về trại, lê từng bước chân một cách nặng nhọc. Vào trại anh tươi cười gọi mấy anh em bên tù chính trị sang chia cho từng món quà quí giá nhất, anh hẹn cho chú Liêm chiếc đàn guitar yêu quí, nó là người bạn tri kỷ theo anh suốt cuộc đời lính chiến và suốt cuộc đời tù tội .. Buổi tối về phòng tổ chức liên hoan cả đội, anh em đàn hát suốt đêm. Năm giờ sáng chập chờn thức giấc lên nhà bếp làm việc bình thường, anh lo nấu một chảo nước sôi to tướng để phát cho anh em các đội. Lúc cả đội nhà bếp không nghe thấy tiếng anh nói lớn như mọi khi chạy đi tìm thì thấy anh đã nhảy vào chảo nước sôi tự lúc nào. Anh em vớt anh ra thì chỉ còn một hình hài co quắp tím đỏ thịt như muốn chín rục hết rồi ..! Trong tù nghe nhiều chuyện đau lòng đứt ruột về cảnh đã tù tội đã tận cùng đau khổ mà vợ đi ôm cầm thuyền khác, con cái bỏ dở việc học hành phải đi làm kiếm sống nơi đầu đường xó chợ. Ngày xưa nghe cải lương … “Dzua nước Sở một hôm thanh thản ..” là tôi chúa ghét rồi. Bây giờ nghe mấy em bên tù hình sự nó kể chuyện là bên phòng nữ có mấy chục người nữ bị án chung thân vì tội giết chồng. Tôi trợn mắt lên hỏi: “Có gia vị mắm muối không dzậy mày. Sao mà nhiều thế? Nó cười ruồi: “Bố ơi, sao mà bố ngây thơ thế. Cứ một trăm vụ án giết chồng vợ thì 99 phần trăm là mấy “mẻ” ấy rồi, bên phòng con chỉ có một chú án chung thân về tội giết vợ trong lúc quá say lỡ tay đánh vợ chết ..!”. Thôi thì cũng xong một đời người, dù là một đời người hẩm hiu tận cùng bằng số ..!
Nói gì thì nói, riêng tôi vẫn thấy rằng dù trong tù có khổ sở đến mấy cũng không bằng các bà vợ ngoài đời đang đối mặt với cuộc sống trong một xã hội đầy rẫy cạm bẫy không chút tình người..! Các bà vợ phải lo cơm áo gạo tiền, buôn bán ngược xuôi chạy gạo ngày hai buổi lo cho các con có cơm ăn áo mặc, tiền học hành còn lúc ốm đau, lại còn phải nhịn ăn nhịn tiêu bớt mồm bớt miệng dành dụm đi thăm nuôi chồng nữa chứ … cái gì cũng tiền tiền, thôi thì đủ mọi thứ trên đời trăm cay ngàn đắng chẳng biết chia sẻ cùng ai ..! Xin cảm ơn quí bà, các bà vợ Việt Nam “tần tảo ngược xuôi”, tuy đôi lúc quí bà có làm cánh đàn ông chúng tôi khốn khổ nhưng nếu không có quí bà thì cuộc đời cũng chẳng còn gì là ý nghĩa nữa .. phải không quí vị mày râu ..?
BUỔI SÁNG HÔM ĐÓ, Y Knos một chú em người Thượng vừa đi vừa nói chuyện nên tên cán bộ võ trang đến đánh chảy máu mũi. Cả đội lao nhao lên, tôi nói các anh em không lao động nữa chờ ban Giám thị ra giải quyết. Được tập dượt trước tình huống này nên không đầy mấy phút sau, một đại đội võ trang xách súng chạy tới bố trí trên bờ ao, súng nhắm thẳng vào chúng tôi. Chờ mãi không thấy “ban bệ” gì ra, chúng tôi quyết tâm ngồi xuống không lao động nữa. Tức quá tên Lâm, cán bộ an ninh Tổng trại nói quản giáo và võ trang kè súng áp tải anh em về trại.
Vừa vào qua cổng trại thì 2 tên võ trang đến kè tôi vào văn phòng trực trại nói là để làm việc. Vừa bước vào phòng thì tên Lâm mặt đằng đằng sát khí, chỉ thẳng vào mặt tôi. Y chửi tục “Địt mẹ mày, mày muốn là vua chống đối các trại à. Tao cho mày biết thế nào là lễ độ, cho mày không thấy ánh sáng mặt trời, chết rục trong xà lim”. Tôi cảm thấy bị xúc phạm nặng nề vì từ trước đến nay, chưa một ai chửi mẹ tôi. Tôi cũng lớn tiếng không kém, tôi nói: “Tôi yêu cầu cán bộ ăn nói lịch sự, cán bộ làm gì thì làm nhưng không được chửi mẹ tôi… Không lý tôi là người có học lại chửi Đm cán bộ à ..”. Thấy toàn trại đang đứng nhìn, tên giám thị nói trực trại dẫn tôi vào trại B kỷ luật. Khi vào đến khu kỷ luật, nơi đang nhốt Thượng toạ Thích Thiện Minh, Cụ Phan Đức Trọng Cao Đài, linh mục Vàng, linh mục Luân “Ba không” … Tên Lâm nói giọng đầy căm thù, tiếng nói như rít ra từ hai hàm răng: “Để nó đứng đó”. Hai tay tôi bị còng trong khi 4 tên gồm tên Lâm, tên Bình cán bộ trực trại khu B và 2 tên trật tự mà tôi còn nhớ mang máng là Châu, lính không quân chế độ cũ và tên Của gian ác bộ đội quân phạm đang lấy điểm lập công chuộc tội đứng thành tứ trụ đấm đá tôi liên tục. Tôi đau quá nên khi thấy tên Lâm đá, tôi vờ cúi xuống lấy tay đỡ nhưng cùi chỏ để trúng chân tên Lâm. Y la lên rồi kêu 2 tên trật tự giữ chặt tôi để y đánh vào mặt. Máu me ra đầy miệng, một cú đấm rồi thêm một cái đạp làm tôi té xấp xuống … Sáng hôm sau thức dậy, toàn thân ê ẩm nhức nhối, tôi thấy đau nơi miệng, hai vành môi dập, sưng tấy lên. Tự nhiên tôi thấy thiêu thiếu một cái gì nên đưa 2 tay còng lên sờ vào môi, miệng thì mới biết 2 chiếc răng cửa bị gãy, một chiếc còn lủng lẳng … Cái số tôi tuy long đong lận đận nhưng trời thương nên khó mà chết được. Nhiều lúc khoái chỉ nghêu ngao một mình: “Anh không chết đâu em, anh chỉ vừa thoi thóp thôi em ..!”.
Một kỷ niệm hú hồn xảy ra trong thời gian nằm cùm còng trong xà lim trại A. Nói tới trại Xuân Phước, thung lũng tử thần thì những ai có thân nhân bị tù, từng ra thăm nuôi mới thấy cả một nỗi đoạn trường. Từ ga La Hai Tuy Hoà vào mất khoảng gần 2 ngày đường nhưng đến mùa mưa, gặp cơn nước lũ phải chờ đợi chầu chực mất cả nửa tháng. Đói quá vì xa nơi mua bán, phải lấy đồ thăm nuôi tù ra ăn cầm chừng lúc thăm được người nhà thì bao thăm nuôi chỉ còn hơn một nửa ..! Tôi vào xà lim đúng mùa nước lũ, những trận mưa xối xả kéo dài cả ngày rồi nước ập tới cuốn trôi tất cả những gì dòng nước đi qua. Tường nhà xập, chiếc cầu gãy ngang bị cuốn phăng đi không chút thương tiếc. Đang nằm trong xà lim trời mưa nên lạnh cóng, tự nhiên nước dâng lên dần. Mới đầu thấy nước mấp mé tràn vào khe cửa còn nằm nhìn một cách vô tư lự rồi thiếp đi lúc nào không biết, chợt thức dậy vì nghe tiếng báo cáo kêu cứu của anh em mấy xà lim bên cạnh. Nhìn xuống thấy nước đã mấp mé sàn cùm. Tôi bắt đầu giật mình vội đứng dậy, nước lúc này dâng lên thật nhanh ngập bàn chân rồi tới đầu gối. Một thoáng suy nghĩ chắc chẳng bao lâu nữa nước sẽ ngập tới bụng, cổ và … Tôi hoảng hốt vội la lên cầu cứu thật lớn để phụ với anh em. Bên ngoài trời mưa to nên khó có thể nghe thấy tiếng kêu cứu của chúng tôi. Tôi thực sự lo sợ kinh hoàng khi thấy cái chết đang đến dần với mình .. thì nghe tiếng xà beng giộng vào cửa. Một lát sau, anh Dũng trật tự bơi vào lặn xuống mở còng chân cho tôi. Sau này khi ra phòng mới biết là Dũng đã năn nỉ tên cán bộ Tiến trực trại đưa chìa khoá bơi vào xà lim, lặn xuống mở khoá cứu mấy anh em tôi thoát chết. Dũng là một công an bị bắt vì tội tổ chức vượt biên nên bọn cán bộ tin dùng cho làm trật tự nhưng anh ta dành nhiều tình cảm và thường ngầm giúp đỡ anh em tù chính trị. Bây giờ mỗi lần nghĩ lại còn thấy giật mình … Tôi thật cảm động không biết nói gì chỉ xin ghi nhận thêm một ân nhân trong cuộc đời tù tội của mình ..!
Thời gian trôi qua cũng thật nhanh, bây giờ nghe nói tên “Hung thần hắc sát” bây giờ đã leo lên cấp bậc Thượng tá, Giám thị trại tù rồi. Thế mới biết lon lá của bọn Công an CS là do tra tấn đánh đập, biệt giam kỷ luật giết chết nhiều người yêu nước mà chúng gọi là “Phản động” thì càng mau lên chức. Khi tôi mới chuyển ra“Thung lũng tử thần” này, được anh em kể lại về những cái chết thảm thương của anh em mình như anh Phạm xuân Cảnh, anh Đinh văn Kịp Lễ Sanh Đạo Cao Đài Tây Ninh chỉ vì mấy cọng rau lang, nửa bó rau muống mà bọn chúng đánh đập đến ho ra máu rồi bắt ngâm nước dưới ao cả ngày… Trời mùa Đông, mùa Đông đây không phải là “mùa Đông Paris” thơ mộng đâu mà là mùa Đông Xuân Phước, mùa Đông ở thung lũng tử thần lạnh đến xé buốt da thịt nên cả hai anh đã sưng phổi cấp tính rồi chết. Cái chết của một vài tù nhân không nhằm nhò gì vì cái trại kiên giam nơi “Thung lũng của tử thần” này, nơi mà con heo được cho ăn đầy đủ hơn một con người, một con heo giá trị hơn một con người. Nó bỏ ăn là cuống cuồng lên chạy lo thuốc men, chẳng may nó chết thì bọn cán bộ tiếc hùi hụi trong khi một người tù bị bọn công an nhốt vào xà lim kỷ luật thì không cần lý do, có chết thì năm ba tờ báo cáo lấy lệ là xong một mạng con người ..!
Chuyện kể trong thiên niên kỷ văn minh thứ 3 của nhân loại nghe như chuyện phong thần .. Thế nhưng đó là những chuyện có thật 100% như chuyện linh mục Minh vụ Vinh Sơn chỉ vì mấy miếng bánh Thánh mà bị chúng còng tay chân rồi đánh đập khảo tra. Vị Linh mục này không khai nên tên Lâm chửi thề “À Địt mẹ mày, mày ngoan cố hả” rồi lấy gót “giộng” vào bụng liên tục nên linh mục bị dập lá lách chết. Cái bọn vô thần này nói nhiều câu móc méo tức ói máu mà không biết làm sao ..? Mày cầu nguyện Chúa, Phật .. của mày đi, chúa cho mày ăn mày sống hay là Đảng, nhà nước, ban giám thị cho mày ăn, mày sống ..?. Các vị tu sĩ nhà mình thì cứ ngồi lim dim cầu nguyện mặc kệ lũ “chó má” đó nói gì thì nói, lảm nhảm một hồi thì cũng ngượng ngập bỏ đi …! Bây giờ tôi mới thấm thía cái câu dân gian thường nói mà tôi cũng đã từng trải qua, chúng đánh đau quá muốn ngất xỉu, có nói được đâu mà nói .. “Cột vào mà đánh khen thay chịu đòn ..!”. Những cảnh tượng hãi hùng thảm thiết đó mà ai đã từng ở nơi này mới biết, “Đoạn trường” mà … nên ai có qua cầu mới hay!
Khi vừa viết đến đoạn này thì tôi nhận được một một công trình nghiên cứu công phu về tâm lý thần kinh của các tù nhân lương tâm của Nguyễn Quang, một cựu tù nhân ở Thung lũng tử thần. Trong đó có đoạn viết về tên hung thần mà theo nhà tội phạm học Lombroso gọi là “sát nhân bẩm sinh” như sau: “Lâm cán bộ an ninh trạc 30 tuổi, trong ánh mắt sâu chỉ có màu trắng và một chút con ngươi đen muốn chìm hẳn, dường như y luôn có ảo giác quyền lực: Đó là quyền giết người, y hầu như không có nụ cười, con người ốm o, ho hắng khục khặc này lúc nào mở miệng ra là “Cùm”, cùm … cho nó chết. Nét chung của bọn cán bộ trẻ nầy là không có từ nào về sống còn, sống sót, sống với, cứu người, giúp người … Đó là những từ quá xa lạ với chúng. Những ai đã từng qua trại Thung lũng tử thần, thật sự đều rùng mình khi nhớ lại từng tên cán bộ an ninh ở đây, mỗi tên đồ tể đó đều có nét riêng của sự ác khác nhau … và người ta không ghê tởm sự hôi thúi của xác chết bằng chính mùi tanh lạnh lùng của kẻ giết người, trước cái chết của đồng loại chúng còn nhân danh chuyên chính vô sản lạnh lùng nói: “Cái chết là xứng đáng … chúng mày đáng tội chết…. Giết một người đã là khác thường, giết nhiều người lại nhân danh chính nghĩa ..? Đó quả là thứ ảo giác của triệu chứng tâm thần thời đại cộng sản ..!”*.
MÃI ĐẾN BÂY GIỜ thỉnh thoảng tôi vẫn còn bị ám ảnh những cảnh tượng kinh hoàng trong lao ngục nên thường la hét kinh hoàng trong giấc mơ khiến vợ tôi phải đánh thức tôi dậy rồi ái ngại nhìn ông chồng già “hơn nửa đời tù tội” của mình. Vợ tôi hay nói ủa tại sao “Bố” ngủ cứ gác hai tay lên trán vậy? Vợ tôi đâu biết rằng lúc bị cùm chân hai tay còng số tám nên lúc ngủ phải gác hai tay lên trán mới yên giấc cũng như bây giờ cứ đúng 5 giờ là tôi bật dậy. Quí vị biết sao không? hơn hai mươi năm nghe tiếng kẻng báo thức lúc 5 giờ sáng rồi nên nó ăn sâu vào tiềm thức. Ngay cả khi mới sang Mỹ, anh em hỏi chắc mới sang nên giờ giấc thay đổi thời gian rồi sẽ quen thôi. Tôi cười vì ngay ngày đầu sang đây giờ giấc thay đổi nhưng cũng đúng 5 giờ sáng là tôi thức giấc rồi. Cơ thể tôi bây giờ giống như một chiếc đồng hồ sinh học, mỗi khi thời tiết thay đổi mà ta thường nói là trái gió trở trời là tôi nhức mỏi khắp châu thân và hắt xì hơi liên tục.
Lý do đơn giản là tôi nằm trên nền ximăng hơn hai mươi năm nằm giữa đất trời nên cảm nhận ngay những đổi thay của trời đất vì cơ thể tôi bị hơi đất xông lên thấm vào người biết bao nhiêu mà kể ..!
Ngay cả những lúc tỉnh táo, thỉnh thoảng tôi cũng giật mình mỗi khi nghĩ tới âm mưu thâm độc của bọn giết người cướp của có “ba tăng” tức là giết người có môn bài cho phép của nhà nước. Khi chúng đưa tôi vào cùm còng trong xà lim nằm ngoài cùng, cách xà lim anh em khác mấy phòng. Đặc biệt là ở giữa bức tường ngang hông tôi có một cái lỗ để thọc thanh sắt vào rồi cùm. Tôi vắt óc suy nghĩ cũng không hiểu nổi làm sao mà cùm, cùm phần nào của cơ thể … Không lý nó làm để chơi à ..? Thế rồi như có người mách bảo, coi chừng cái lỗ đó. Tôi nằm thử xuống thấy lành lạnh bên hông nên không dám nằm, phải ngủ ngồi. Nếu chúng có thọc cây sắt vào hông tôi thì chỉ dám làm ban đêm thôi nên ban ngày tôi nằm thoải mái sau khi “Lên mai” thông báo cho các phòng kế cận sự việc ám muội này.Tôi tìm đủ mọi thứ, cái gì có thể nhét được là tôi tống vào cái lỗ đó. Ban ngày khi nằm xuống rồi nghe ngóng tiếng chân khi đến gần, tôi cong xương sống lên tưởng như có cây sắt vừa thọc vào. Tôi cứ làm như vậy, một công hai chuyện vừa đề phòng vừa xem như tập thể dục. Mấy tuần sau cũng chẳng thấy gì nên yên tâm, tha hồ mà ngủ. Một đêm, đang mơ mơ màng màng thì tự nhiên tự nhiên tôi nghe thấy tiếng chân rón rén bước gần lại phòng tôi, khi cảm thấy bước chân tới sát phòng thì như một phản ứng tôi cong xương sống lên thì nghe một tiếng xoẹt lạnh người, nguyên một cái cây sắt thọc vào dưới lưng tôi. Tôi la hoảng lên: “Anh em ơi, chúng nó giết tôi..”. Tôi nghe thấy tiếng chân chạy vào bèn la lớn “Báo cáo cán bộ có người giết tôi”. Vừa la xong thấy ô cửa nhỏ mở ra rồi giọng tên Lâm hỏi lớn: “Ai mà giết
anh .. có mơ không mà la hoảng lên vậy ..”. Tôi nói như có linh tính mách bảo: “cán bộ chứ ai?”. Y nói như tự bào chữa “A … Thằng này bố lếu bố láo, ông mà muốn giết mày thì thiếu gì cách” rồi đóng sầm cửa sổ nhỏ lại rồi bỏ đi. Sự việc như thế nên tôi càng tin vào số mệnh hơn và biết rằng sự việc đã công khai rồi thì lan truyền khắp trại. Anh em mình biết mà cả ban Giám thị chúng nó cũng biết rõ rồi thì cứ nằm rung đùi chờ “Cơm bưng nước rót canh đưa .. Hỏi chi sướng dzậy xin thưa ủ tờ …”.
Cũng chính nơi tận cùng địa ngục này tôi đã chịu cùm còng hơn một năm vì tội bênh vực anh em mà chúng qui kết là chống lao động, là vua chống đối các trại. Thực ra tôi có nói với tất cả anh em là mình ngưng làm chờ đến khi nào ban giám thị trại ra giải quyết vấn đề tên cán bộ võ tranh đánh Y Phin. Nằm trong xà lim chịu đựng cảnh khốn cùng mà cái bản chất thật của một con người vẫn sống trong tôi. Những buổi chiều lên cơn sốt quằn quại chịu đựng, không biết sống chết ra sao mà vẫn cảm thấy say say mỗi khi nhớ tới người yêu:
Ta không uống rượu mà say
Làm sao quên được tháng ngày cùm gông ..
Tết này em nhớ anh không ..?
Riêng anh vẫn nhớ má hồng năm xưa ..!
Ngồi kia pháo nổ giao thừa,
Nàng Xuân Dân tộc vẫn chưa thấy về ..!
“ Nước non chưa trọn lời thề,
Anh đi diệt giặc chưa về cùng em ..!”*
* Ca dao
Tôi còn nhớ khoảng hơn một năm sau thì tên Lâm “Hung thần hắc sát” an ninh Tổng trại cực kỳ thâm độc gian ác, có đôi mắt sâu hoắm trắng dã .. mở cửa thả ra rồi tự nhiên thằng chèo ngứa miệng hỏi móc mình: “Sao Phạm Trần Anh đã ngán chưa? còn chống nữa hết ..? Tôi cười nói “Cám ơn ban Giám thị, nhờ vậy mà tôi đỡ phải đào gần 400 khối đất đá”. Mặt y tái đi không nói gì.
Chèo hỏi ta rằng đã chán chưa ..?
Chung thân tù ngục cũng chẳng chừa ..
Đường đi chưa tới hề chưa chán ..
Bá ngọ nhà bay một lũ lừa ..!
Làm sao quên được những ánh nắng vàng hoe của những buổi chiều cuối năm lọt qua khe cửa xà lim. Vệt nắng vàng hoe gợi nhớ cả một trời kỷ niệm … Ôi những buổi chiều cuối năm, thời gian như lắng đọng trong tâm tư mỗi người chúng ta một chút gì bâng khuâng nuối tiếc của những ngày tháng đã qua. Nỗi nhớ nhà ập tới cùng những hình ảnh thân thương đầm ấm của gia đình trong giờ phút Giao thừa thiêng liêng. Không khí trang nghiêm ấm cúng khi đứng trước bàn thờ gia tiên, nhìn khói hương nghi ngút lan toả mùi trầm thơm lạ lùng .. Chờ cho đến đúng giờ phút giao thừa để khấn lạy ông bà tiên tổ rồi chúc thọ cha mẹ .. Đêm Giao thừa là một đêm ý nghĩa nhất trong đời, hiển hiện trong tâm khảm mỗi người Việt Nam chúng ta. Làm sao mà không nhớ cho được, không khỏi chạnh lòng cho được ..!? Tôi chợt thấy sót xa khi nghĩ tới mẹ già vò võ chờ đợi mong tin thằng con trai bao năm rồi bỏ mẹ chờ trông khắc khoải mỏi mòn … Mẹ ơi, nếu con không về chắc mẹ buồn lắm, mẹ nhỉ ..!? Tự nhiên tôi cảm thấy có tội với mẹ tôi nhiều, đã đành tôi xa mẹ không phải vì cá nhân tôi mà vì một cái gì lớn hơn nên tôi phải xa mẹ. Hồ Huân Nghiệp, một kẻ sĩ anh hùng trước khi lên đoạn đầu đài với tất cả uy phong dũng lược nhưng vẫn phải thở dài ngao ngán thốt lên:
Thấy nghĩa lòng đâu dám hững hờ
Làm trai trung hiếu quyết tôn thờ ..
Thân này sống chết không màng nhắc
Thương bấy mẹ già tóc bạc phơ ..!
Mẹ tôi chắc cũng hiểu và thương tôi nhiều nhưng tránh sao mẹ không khỏi ngậm ngùi buồn bã mà thương thằng con tính khí khác người. Con trai mẹ thì bao nhiêu chiều cuối năm, bao nhiêu cái tết xa nhà nhớ mẹ, mẹ ơi ..!
Chiều cuối năm gợi nhớ
Trở về mái nhà xưa ..
Ngập tràn bao kỷ niệm
Thương biết mấy cho vừa ..!
Chiều cuối năm gợi nhớ
Một thoáng buồn xa đưa ..
Những người thân thương cũ
Chờ ai .. đón giao thừa ..!
Cho đến bây giờ tôi vẫn ân hận mãi là tôi lỗi đạo làm con đối với mẹ tôi. Hồi còn ở trong tù, tôi viết bao nhiêu lá thư hứa với mẹ là sẽ cố gắng “ Học tập” tốt để trở về đoàn tụ với gia đính, để hầu hạ phụng dưỡng mẹ hết cuộc đời cho thoả lòng mong ước bấy lâu … Viết là để mẹ tôi yên tâm và cũng cố tình để bọn giám thị trại giam đọc … Tôi còn nhớ là khoảng tháng tám năm 1991, mẹ tôi từ Mỹ trở về với bà chị thăm tôi rồi cụ đi Mỹ. Tôi nhận được tin trong lòng khấp khởi mừng thầm, chỉ mong cho sớm tới ngày mai là mẹ tôi và chị tôi lên thăm. Đang ngồi xếp hàng trước sân trại, đầu óc suy nghĩ vẩn vơ thì nghe tên phó Giám thị nói chuyện trước khi các đội xuất trại đi lao động. “Các anh đi đứng như bầy bò, các anh phải biết tự trọng, đi đứng ngay hàng thẳng lối …!”. Mặt tôi nóng bừng lên, tôi định đứng dậy phản đối nhưng một thoáng suy nghĩ, ngày mai mẹ lên thăm nếu mình phản ứng nó không cho ra .. mẹ tôi sang Mỹ có bề gì thì tôi mang tội bất hiếu … Suy đi nghĩ lại nhưng nếu mình không nói là thằng hèn à .. Tôi đứng phắt dậy nói: “Tôi yêu cầu cán bộ rút lại lời nói. Cán bộ đã xúc phạm nhân phẩm chúng tôi, cán bộ coi thường cái Pháp lệnh thi hành án phạt tù của Thủ tướng cán bộ .. Cán bộ nói chúng tôi là con bò thì cán bộ là con gì, con trâu à ..!?”.
Anh em đang ngồi xếp hàng bỗng xôn xao tức giận. Ngoài cổng tên giám thị điều động đám cán bộ võ trang chạy ra vị trí ấn định quanh trại nằm chĩa súng vào sân trại … chống bạo động. Tên Phó giám thị hoảng hồn vội nói bào chữa: “Anh Anh bớt giận. Tôi nói là nói anh em bên hình sự chứ có nói các anh đâu”. Tôi nói lớn tiếng “Hình sự cũng là con người, cán bộ không được xúc phạm người ta…”.
Khi tôi vừa ra đội thì tên “Hùng la” Giám thị trại mời tôi vào nói chuyện. Y nhân danh giám thị nói “Thằng Hăng nó nói bố láo bố lếu không coi ai ra gì. Tôi làm giám thị trại nhưng tôi biết trọng ông lớn tuổi như cha chú tôi, trình độ ông như thầy tôi nên “mũi dại thì lái chịu đòn”, tôi xin lỗi ông..”. Tôi nói “Ông chẳng có lỗi gì với tôi cả mà ban giám thị các ông có lỗi với toàn thể anh em trại viên vì đã xúc phạm tới nhân phẩm của họ, chính các ông đã xé cái gọi là Pháp lệnh thi hành án phạt tù của Thủ tướng các ông ..”. Y ngồi im ra dáng vò đầu bứt tai suy nghĩ, tôi biết y đang sợ tôi làm lớn chuyện thì mất cái ghế giám thị của y nên phải xuống nước thôi, chứ thằng này đâu phải tay vừa. Tôi bồi thêm “cán bộ Hăng nói vậy thực ra là chỉ hại ông thôi. Thời đại bây giờ điện thoại viễn liên siêu tần số chỉ cần ai đó gọi sang Mỹ là ngày mai đài ngoại có bản tin dư luận thế giới “lên án” liền …” .
Nghe tôi hù y lại càng xuống nước thêm, tôi nghĩ tới ngày mai mẹ tôi lên thăm nên tôi nói được rồi: “Tôi muốn ông ngày mai phải kiểm điểm cán bộ Hăng và chính ông phải xin lỗi trước trại”. Y mừng quá gật đầu, tôi nói tiếp “Nếu ông không làm như vậy hoặc tìm cách trà thù tôi thì ngày mai tôi sẽ không đi lao động, làm đơn lên thủ tướng các ông để giải quyết vấn đề này”. Y phân bua vã lả. “Nếu ông thấy bất cứ thằng cán bộ nào xúc phạm đến các ông, đánh đập thì không dám rồi... ông cứ nói với tôi, đừng làm lớn chuyện ông Anh nhé”. Tôi nói “Nếu cán bộ còn đánh anh em hình sự thì sao? Y nói ngay, ông cứ bảo nó ngưng ngay rồi nói trực trại báo cho tôi, tôi ra giải quyết liền. Rồi y nói lấy lòng tôi là: “Năm ngoái tôi đề nghị cho ông giảm án nhưng trên bộ nói ông đã tuyên bố trước trại là không cần giảm án nên khó quá... Ông phải nghĩ tới mẹ ông, bà cụ giáo già rồi, còn vợ con ông nữa. Thôi ông cứ làm đại cái đơn đi, tôi hứa với ông là cuối năm nay sẽ giảm án cho ông”. Tôi cười nói cám ơn ông, tôi không cần chừng nào giảm thì giảm ..!
Số là mẹ tôi trước khi đi Mỹ đã cho tôi 800 ngàn để dành chi tiêu. Tôi lấy mua 1 chiếc TV cho anh em theo dõi tin tức tình hình đồng thời để khuây khoả đỡ buồn.
Nhờ vậy bầu không khí vui nhộn hơn chứ cứ để như trước, đi làm về ăn uống xong là vào nằm vắt tay lên trán suy nghĩ đủ mọi thứ chuyện trên đời, ai cũng “rầu rĩ râu ria ra rậm rạp”, thậm chí thở dài thườn thượt chắc chắn là giảm thọ đi nhiều .. Số tiền còn lại tôi mượn cớ kế hoạch VAC nghĩa là vườn ao chuồng nên mua 2 con heo và nuôi khoảng 200 con gà và mấy chục kí cá rô, cá trám cỏ về nuôi cho đội. Tên Trưởng trại nghe vậy mừng húm ra đội để biểu dương rồi hứa là cuối năm sẽ đề nghị giảm án chung thân xuống 20 năm. Tôi nói ngay, sở dĩ tôi làm điều này để gây quĩ tương trợ cho anh em trong đội, gà đẻ trứng thì chia ra để anh em bồi dưỡng chứ không nhằm mục dích để được giảm án. Tôi không cần…!
Sáng hôm sau, chị tôi từ Mỹ về thăm tôi rồi đón mẹ tôi sang Mỹ vì tất cả gia đình tôi đều đã sang định cư bên đó. Chị em gặp nhau mừng mừng tủi tủi, sau 16 năm xa cách. Lúc sắp về mẹ tôi cầm tay tôi nói: “Thôi con cố gắng học tập cho tốt đi rồi khi con về, con đi thì mẹ đi, con ở lại thì mẹ ở với con ..!” Tôi cảm động quá cầm lòng không được, nghĩ tới mẹ tôi đã già rồi, không biết tôi có còn gặp lại mẹ hay không? Tôi quay mặt đi giấu những giọt nước mắt trào ra tự lúc nào ..! Mẹ tôi nói “Thôi con ạ, cứ làm đơn xin giảm án đi còn có ngày về gặp mẹ. Ban Giám thị họ hứa với mẹ là sẽ giảm án cho con trong năm nay”. Tôi hiểu chúng lại nhờ mẹ tôi để vì tình thương, lòng hiếu thảo tôi sẽ vâng lời. Như vậy là chúng đạt yêu cầu để bôi bác rêu rao là “các anh thấy đấy, thằng Anh chống đối vậy mà bây giờ cũng phải làm đơn xin giảm án ..!”. Tôi buộc lòng phải bất hiếu với mẹ tôi: “Mẹ đừng nói nữa, con không bao giờ làm đâu. Con cam tội bất hiếu với mẹ còn hơn là nghe lời mẹ ký vào đơn xin giảm án thì mẹ sẽ không bao giờ mẹ gặp con nữa. Con sẽ
đập đầu vào tường chết cho mẹ xem ..”. Mẹ tôi vừa khóc vừa chửi tôi “Cha mày, vẫn cứ tính nào tật đó, thôi mẹ không ép con nữa … con đừng làm bậy nhé, cố gắng giữ sức khoẻ để trở về với mẹ, con nhé. Con hứa với mẹ đi...”.
Tôi cười nói trấn an cụ là mẹ yên trí con cao số lắm, thế nào con cũng về, con hứa với mẹ là sẽ nghe lời mẹ giữ sức khoẻ để còn có ngày về với mẹ và bây giờ tôi đã về nhưng không bao giờ được gặp mẹ tôi nữa, mẹ ơi..! Xin mẹ tha tội bất hiếu cho con ..! Thật sự nhiều lúc bây giờ tôi cũng chẳng tha thiết điều gì nữa dù trải qua bao nhiêu khổ đau nhưng đã “Nguyện thề giác tha” không còn hận thù những kẻ đã hại tôi, làm khổ đồng bào tôi. Thế nhưng tôi phải làm hết sức mình cùng với mọi người để mang lại tự do dân chủ, hạnh phúc thực sự cho hơn 84 triệu đồng bào Việt Nam chúng ta. Đó là ước vọng của cả đời tôi, thế thôi ..!
CHUYỆN KỂ Ở TRONG TÙ thì làm sao mà nói cho hết mà hễ kể ra thì ít nhiều phải nói về mình, về “cái tôi đáng ghét của mình” nên ngay khi vừa bước chân đến nước Mỹ, anh em bạn bè thương đều nói tôi nên viết hồi ký để mọi người hiểu rõ hơn về cái cảnh đoạn trường.
Đồng thời người ta mua ủng hộ gọi là cũng có chút tiền còm độ thân cà phê thuốc lá … Chứ cậu cứ lo chuyện nước non không lo chuyện gia đình, sớm muộn gì vợ con nó buồn phiền, lại chia tay hoàng hôn lần nữa thì cuộc đời xem như “bế mạc”! Tôi cười như thầm cảm ơn nhưng tôi có ý nghĩ hơi “không giống ai” chút nào là chỉ viết hồi ký để phân trần về sự thất bại một thời nên kể lể về “cái tôi” cũng nhiều rồi oán than trách móc, kể khổ đủ điều đôi khi còn phải mời cả gánh hát “ Thanh Minh Thanh Nga” ra trình diện bà con nữa ..! Còn tôi, tôi không bao giờ nghĩ là chúng ta thất bại mà chúng ta đang thắng, dân tộc chúng ta là người chiến thắng cuối cùng và vứt bỏ chủ nghĩa Cộng sản vào cái giỏ rác của lịch sử! Tôi chưa viết Hồi ký là như thế mà giành hết tâm sức vào việc hoàn chỉnh bộ lịch sử dân tộc để thế hệ con cháu Việt Nam “Tìm về nguồn cội dân tộc”, để biết mình là ai, từ đâu đến từ đó biết mình sẽ phải làm gì cho quê hương đất nước Việt Nam mình. Vấn đề phục hưng bản sắc văn hoá truyền thống Việt để gột rửa tàn dư của “cái gọi là văn hoá nô dịch Mác Lê “quái đản”, cực kỳ nguy hiểm kia đã bị Cộng sản nhồi nhét từ hơn nửa thế kỷ qua lại càng cấp thiết hơn bao giờ.
Hôm nay nhân dịp nói chuyện tại Tượng đài Chiến sĩ kỷ niệm 32 năm ngày mất nước nên không kịp đến tham dự “Bữa cơm cay đắng” do Tổng hội Cựu sinh viên Quốc gia Hành chánh và thân hữu tổ chức để nhớ lại những bữa cơm đắng cay của một thời mất mát thương đau. Đồng thời nhắc nhở chúng ta “vui xuân đừng quên nhiệm vụ” đấu tranh cho dân chủ tự do mang lại ấm no hạnh phúc cho hơn 84 triệu đồng bào Việt Nam chúng ta. Trong bữa cơm cay đắng ôn lại kỷ niệm và đọc thơ tù cho anh em QGHC và thân hữu tôi không đến được nên mới viết những tản mạn tâm tình “Đoạn trường .. bất khuất” này như để tạ lỗi cùng anh em. Thôi, để xin tặng anh em bài thơ “Ngày về” mà bạn tôi, nhà thơ Trần Thúc Vũ đã viết tặng tôi cũng như viết để cho chính Vũ:
Mai ta về cùng em
Sương Thu buồn đẫm tóc
Con đường xanh bóng đêm
Thoảng hương rừng lá mục ..
Cầm tay nhau còn ngờ
Sầu vẫn đầy khoé mắt
Lệ xưa chưa kịp khô
Trái tim còn quặn thắt ..
Vòng tay chưa kịp đan
Bấy nhiêu năm đà mất
Lòng này chưa kịp thơm
Đã cuối tuần trăng khuyết ..
Đôi ta tình còn nồng
Sao đời sương tuyết phủ
Mắt em xưa còn trong
Sao vương chiều lá đổ ..
Dẫu không tròn tuổi mộng
Ta cho nhau tình sâu
Tình sâu và nghĩa nặng
Can chi mà đớn đau ..!
Thế nhưng, ngày về mỗi người một cảnh dù rằng “Lệ xưa chưa kịp khô, Trái tim còn quặn thắt .. Vòng tay chưa kịp đan, Bấy nhiêu năm đà mất.. Lòng này chưa kịp thơm... Đã cuối tuần trăng khuyết ..!”. Ôi cái ngày anh về mà …
“Em băng giá ướp trong từng hơi thở, và chia xa đến cả mắt em nhìn ..” thì “ còn gì nữa đâu , trăng mờ đã lâu ..!” “Người xưa hờ hững .. thì ..thì .. Ta say một mình …! Xin cảm ơn em đã cho ta bao nhiêu hạnh phúc, bao nhiêu hi vọng thế cũng là quá đủ rồi. Cám ơn em, cám ơn cũng vì anh đã khổ thật nhiều. Em cũng đừng buồn... Khóc đi em yêu dấu, cho vơi bớt niềm đau ..! Có gì đâu em chuyện nhỏ mà, hơn hai mươi năm anh cô đơn chiếc bóng, ăn chay nằm đất thì bây giờ “Thân trai mười hai bến nước” trong nhờ đục chịu dứt khoát là không lóng phèn. Có gì đâu, chuyện nhỏ mà em ..!
Khi Anh về nắng vàng nghiêng đỉnh tháp
Và chim muông che phủ sớm mai hồng ..
Mây tình cờ trong một thoáng thinh không
Có lửa thắp giữa nghìn trang sử biếc ..!
Có sương khói trôi trên dòng nhã nhạc
Có vô cùng trong bóng lá mơn xanh ..
Có cả non cao trong bỗng chốc ân tình
Cho mắt nhớ giấu đi những ngày đá tảng ..!
Và một sớm hồn nhiên nở xoà cánh mộng
Đưa anh về trên những dấu chân xưa
Hàng búp non thơm ký ức không ngờ
Cho mắt biếc giữ mây trời nán lại ..!
Em hiu hắt cho lòng ta se tái
Mây hồng kia thoắt chốc có tan đi ..
Cả ngàn năm đày đoạ kéo nhau về
Cho lá úa phủ đầy trên lán cỏ ..!
Em băng giá ướp trong từng hơi thở
Và chia xa đến cả mắt em nhìn ..
Có mùa thu nào bão táp trong em
Cho bóng núi xanh xao giữa lòng nghi hoặc ..!?
NHỮNG CHIỀU CUỐI NĂM ở San Diego, thành phố miền Nam California với những kiến trúc hơi cổ xưa trên đồi thoai thoải cùng với không khí se lạnh lúc đêm về “buốt giá đôi vai” khiến ta nhớ lại một Đà Lạt mù sương. Tự nhiên tôi nhớ tới những mùa Đông, những cái Tết chân cùm tay xích trong xà lim ngục tù cộng sản. Nằm trong xà lim biệt giam, cùm còng đói ăn khát uống thì sự chịu đựng nỗi đớn đau khốn khổ về thân xác đã đành cũng chẳng có gì phải nói nhiều … Nỗi đau dằn vặt tâm tư, những trở trăn trăn trở mới thực sự thấm thía, ray rứt lòng người, gậm nhấm tâm tư từng ngày từng giờ, từng phút từng giây … Nằm một chỗ dửng dưng nhìn bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông qua đi cũng như cuộc đời con người có sinh lão bệnh tử, một ngày có sáng trưa chiều tối … nhưng thấm thía nhất là những buổi chiều chầm chậm qua đi trong đời con người ta, nhất là những chạng vạng tối là những gì hiu hắt hắt hiu nhất khiến lòng mình chựng lại. Nỗi buồn bỗng ập tới thấm thía lắng đọng tâm tư, buồn đến nỗi chịu không nổi, nằm trong cùm mà bỗng dưng muốn hét lên ..
Chiều nay sao nhớ quá,
Tà áo trắng xưa bay ..
Tình yêu chừ xa quá
Buồn này ai có hay!?
Chiều nay sao nhớ quá
Ngồi nhìn mây trắng bay
Chợt thấy buồn chi lạ
Trên quê hương lưu đày ..!
Nỗi khổ đau dằn vặt nhất chính là mình cảm thấy buồn chi lạ khi thấy mình xa lạ ngay trên quê hương khốn khó của mình ..! Không xa lạ sao được khi bỗng dưng đất trời như xụp đổ dưới chân chỉ trong một ngày một giờ … Chung quanh ta là những gì xa lạ, một rừng cờ rực đỏ màu máu, trên tường chỗ nào cũng thấy khẩu hiệu đỏ chói, bảng hiệu công sở ngay cả cả tiệm buôn cũng một màu máu đỏ rực … và hàng trăm anh em chúng ta đã bị xử bắn ngay trong cái ngày mà chúng gọi là “ Ngày vui đại thắng”. Chính quyền Cộng hoà Miền Nam Việt Nam rêu rao nào là giải phóng dân tộc, nào hoà bình, hoà giải, hoà hợp .. chúng kêu gọi quân cán chánh VNCH ra trình diện, chính quyền cách mạng sẽ khoan hồng không có việc trả thù nên hàng trăm ngàn sĩ quan viên chức chế độ VNCH đã chuẩn bị khăn gói mang thức ăn đủ mười ngày học tập rồi về đoàn tụ với gia đình làm lại cuộc đời mới..!
Không phải chúng ta tin vào lời hứa của Cộng sản nhưng cuộc cờ đã tàn phải buông súng trong ngao ngán nghẹn ngào tức tưởi, không trình diện không được nên đành nhắm mắt cố tin vào những điều chúng hứa, may ra..! Thế rồi hàng trăm ngàn tù nhân đã phải chịu đựng sự trả thù từng ngày từng giờ trong các trại tù ngút ngàn nơi rừng sâu nước độc. Chúng ta đã chịu đựng sự hành hạ thân xác, lao động cật lực trong suốt năm mười, mười năm năm cho đến lúc sức tàn lực tận, thân tàn ma dại mới được phóng thích trở về. Chủ trương thâm độc này không chỉ nhằm vào cá nhân chúng ta mà còn triệt tiêu cả gia đình thân nhân của chúng ta. Gia đình nào cũng mòn mỏi suy kiệt không còn một chút tài sản, con cái của chúng ta không đủ điều kiện để ăn học, phải bỏ dở việc học hành trở thành giai cấp tận cùng của xã hội, công dân hạng hai của cái chế độ gọi là “ưu việt xã hội chủ nghĩa”! Thống kê của quốc tế cho biết hơn 65 ngàn người đã bỏ thây vì đói khát tật bệnh trong các trại tù khắc nghiệt của chế độ cộng sản. Những cái tên như Cổng trời vùng núi rừng Tây Bắc, những Đầm Đùn, những Thung lũng tử thần A 20 giáp biên giới Việt Lào… thực sự là những địa ngục trần gian của “thiên đường xã hội chủ nghĩa”!
Chủ trương triệt tiêu giai cấp đối kháng của cộng sản Việt Nam rút ra từ kinh nghiệm của cộng sản Liên Xô đối với giai cấp phong kiến, giai cấp tư sản thời Nga Hoàng. Cái gọi là “thiên đàng xã hội chủ nghĩa” trên thực tế chỉ là thiên đàng của giai cấp mới bao gồm những đảng viên cộng sản với những đặc quyền đặc lợi, tha hồ bòn rút của cải, sang đoạt cướp bóc trắng trợn tài sản của đại bộ phận nhân dân tận cùng xã hội đang “Làm chủ” mồ hôi nước mắt của chính họ. Ngay sau ngày xâm chiếm miền Nam, cộng sản đã rêu rao “ Nhân dân làm chủ, Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý” thoạt nghe, một số thành phần lao động trong chế độ trước có vẻ hí hửng ra mặt. Nó đánh đúng vào tâm lý mặc cảm thua sút thấp kém của giới này nên bao nhiêu người đã đóng góp công sức xây dựng xã hội mà mình làm chủ để rồi mấy chục năm sau hết đời cha đến đời con mới nghiệm ra rằng đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý hết thì mình làm chủ cái gì đây? Cuối cùng chỉ làm chủ mồ hôi nước mắt của mình mà thôi nên mới có cảnh thảm thương nhức nhối là nhiều khi ông cha sắp chết còn thều thào trăn trối nhắc con cháu cố gắng lo chạy chọt cho xong cái … cái “hộ khẩu” để có tem phiếu mua hàng, con cái được học hành... Cho đến bây giờ mới thấm thía vì sao tự xa xưa dân gian đã truyền tụng câu ru con của bà mẹ Việt Nam: “Con ơi mẹ bảo con này, cướp đêm là giặc cướp ngày là quan ..”. Hơn 84 triệu dân Việt đang bị bọn cướp ngày là bọn cường quyền đỏ đang câu kết với tư bản nước ngoài để bóc lột hàng triệu công nhân nghèo khổ, chúng cấu kết với bọn xã hội đen trấn lột công khai, cướp bóc trắng trợn nhà cửa đất đai của hàng triệu dân oan khắp nước trong cái trại tù vĩ đại gọi là Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Đây là một tội ác chưa từng xảy ra trong lịch sử Việt và sự xụp đổ của chế độ cộng sản là bắt buộc phải xảy ra. Những điều cộng sản nhồi nhét vào đầu óc thanh niên nhân dân nào là dân chủ tự do nào là bất công áp bức và toàn thể nhân dân sẽ đấu tranh chống chế độ độc tài áp bức Cộng sản sẽ xảy ra trong nay mai một khi công nhân, nông dân, thanh niên sinh viên đồng loạt xuống đường biểu tình giật xập chế độ. Đó là một tất yếu lịch sử không thể đảo ngược được.
Đã 32 cái tết qua đi, biết bao người thân thương xưa cũ không còn nữa, bao nhiêu chiến sĩ vô danh hy sinh vì đại nghĩa, bao nhiêu đồng bào tử nạn trên đường đi tìm tự do, bao nhiêu chiến sĩ đã chết tức tưởi trong ngục tù Cộng sản và hàng trăm chiến sĩ đấu tranh cho tự do dân chủ đã bị Cộng sản xử tử hình ..! Hơn 84 triệu đồng bào Việt Nam mình đang dở sống dở chết trong cái trại tù khổng lồ được gọi là nhà nước CHXHCNVN!
Sau ba mươi hai năm dài thăm thẳm, tình hình chính trị Việt Nam đang biến chuyển sang một khúc quanh lịch sử, quyết định sự tồn vong của chế độ cộng sản Việt Nam. Cuộc chiến không còn như xưa mà toàn dân chống cộng, phong trào dân chủ trong nước ngày càng lớn mạnh như trào dâng thác đổ. Cộng sản điên cuồng đàn áp các chiến sĩ dân chủ nhưng càng trấn áp chúng càng thất bại về chính trị. Hành động thô bạo bịt mồm linh mục Nguyễn văn Lý trước toà đã là hồi chuông báo tử của chế độ. Chưa bao giờ dư luận của cả loài người tiến bộ trên thế giới nhất loạt lên án chế độ độc tài phi nhân tàn bạo đã bịt mồm khoá miệng người dân.. Hàng ngàn đồng bào Việt Nam hải ngoại đã xuống đường biểu dương sức mạnh của cộng đồng người Việt tự do chống cộng. Một rừng cờ vàng từ Nữu Ước, Hoa Thịnh Đốn đến Little Sài Gòn, từ Gia Nã Đại, Úc Châu đến cộng đồng Âu Châu đã thể hiện khí thế đấu tranh thống nhất hành động của cộng đồng Việt Nam tự do ở hải ngoại. Lịch sử ghi nhận một cộng đồng Ba Lan ở hải ngoại đã cùng với người dân trong nước đấu tranh giải thể chế độ cộng sản chuyển đổi lịch sử Ba Lan … Ba triệu đồng bào Việt Nam hải ngoại chúng ta nhất định sẽ làm hết sức mình để chuyển đổi vận mệnh của dân tộc.
Giờ lịch sử đã điểm ..!
Tất cả cho tiền tuyến Việt Nam ..!
Đại nghĩa tất thắng hung tàn ..
Chí nhân phải thay cường bạo ..!
Đã đến lúc tất cả người Việt Nam trong và ngoài nước, chúng ta cùng đứng lên giương cao ngọn cờ chính nghĩa dân tộc đấu tranh giành lại dân chủ tự do, giành lại quyền sống làm người. Chưa bao giờ dư luận quốc tế lại ủng hộ công cuộc dân chủ hoá Việt Nam bằng lúc này.…
Chưa bao giờ lòng dân trong và ngoài nước muôn người như một cùng thống nhất hành động quyết tâm đứng lên lật đổ bạo quyền. Hàng triệu công nhân bị bóc lột, hàng triệu dân oan bị cường hào đỏ, tư sản đỏ bóc lột tận xương tuỷ . Qui luật cuộc sống, tức nước vỡ bờ một khi nhân dân không chịu đựng được nữa sẽ đứng lên biểu tình, đình công bãi thị trên khắp đất nước như trào dâng thác đổ, cuốn trôi đi những những cặn bã rác rưởi của chủ nghĩa cộng sản vô thần phi nhân độc tài đảng trị.
Hậu phương hải ngoại muôn người như một, đoàn kết một lòng yểm trợ tinh thần vật chất cho tiền tuyến Việt Nam đấu tranh đến thắng lợi cuối cùng. Một ngày mai tươi sáng, một mùa Xuân Dân tộc sẽ đến với tồn thể đồng bào chúng ta trong nay mai. Có một Việt Nam giữa lòng thế giới, Việt Nam sống mãi trong mỗi chúng ta ..
Thương quá Việt Nam quê cha đất Tổ,
Dân tộc vùng lên Tổ quốc trường tồn ..!
Ta đứng vững ngay giữa lòng thế giới,
Bằng đôi chân và cả sức lực mình …
Chờ quê hương tràn ngập ánh bình minh,
Để sống lại bao tự tình dân tộc ..!
A20 PHẠM TRẦN ANH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét