16.4.11

Tâm tình của A20 Lê Hoàng Ân



Kính thưa quý vị Niên Trưởng,
Kính thưa quý vị Huynh Trưởng,
Thưa anh em trong trại Trừng  Giới A.20,

Như tôi đã nói trong thư trước, tôi không phải là một văn sĩ, tôi không phải là một thi sĩ, tôi chỉ nói lên những gì tôi cảm nhận được và những gì tôi suy nghĩ mà nói lên mà thôi.

Thời gian tôi trải qua ở Trại Trừng Giới A.20 Xuân Phước quá ngắn ngủi, chỉ có từ ngày bọn VC chuyển toán chúng tôi từ Chí Hoà (có thể là toán đầu tiên), cuối tháng 11/1978 ra Xuân Phước, cho đến ngày chúng thả nhóm 38 người trong đó có tôi, sau hơn 1 tháng chúng giữ làm tôi mọi cho chúng trong khuôn viên doanh trại của chúng (từ tháng 09 chúng ghi trên lệnh tha cho đến gần giữa tháng 11/1981 chúng tôi mới về đến nhà tại Sài-Gòn, trong chuyến đó có Anh Lê Kim Ngân xuống ga Nha Trang, nghe nói tìm cách vượt biên với gia đình rồi mất tích luôn, không kiểm chứng được). Tôi không có dịp hoặc không có cơ hội tham gia vào những sinh hoạt của anh em có tinh thần quốc gia tuyệt vời qua tờ Hợp Đoàn, qua những sinh hoạt văn nghệ chống Cộng ngay trong nhà tù, qua những cuộc chống đối ngầm hay nổi đối với bọn khát máu, nhưng ít ra tôi cũng có những dịp nói chuyện với một số anh em trước khi tôi được chúng thả về. Một số khuyên tôi giữ im lặng vì chức vụ của tôi. Ngay chính Huỳnh Cự cũng bảo tôi là hãy giữ im lặng, vì anh ta biết tôi làm việc tại PTT, đừng nói gì vì nói gì chỉ có hại tới bản thân mà thôi. Trước khi tôi đi Mỹ, vợ chồng tôi có gặp Huỳnh Cự vào khoảng cuối năm 1990 hay đầu năm 1991 tôi không nhớ rõ tại ga Hoà Hưng, Huỳnh Cự có nói với tôi rằng ráng giữ lấy thân, đừng hại vợ con chết theo và chờ ngày đi Mỹ. Do đó, từ trong thời gian tại Xuân Phước cũng như trong những ngày tôi còn ở VN, tôi không mở miệng, và có khi một số anh em nghĩ rằng tôi “không ra gì”. Tôi chấp nhận, bởi vì: “Câu Tiễn lòn trôn”, nhịn nhục ít năm để sau này có thể làm một cái gì đó hay hơn thì lúc đó tính sau. Tôi ngậm miệng, không làm mình nổi bật, và giữ im lặng cho đến lúc chúng thả tôi về. Có lẽ nhờ vậy mà Ngô Văn Ly không tìm tôi trong lúc tôi nói với nhà tôi là Sáu Dzảnh dính lại rồi. Tôi dậy chui tiếng Anh cho những ai muốn xuất ngoại, chính thức hay không chính thức, và chính lúc đó mới là thời điểm mà tôi nhồi nhét vào óc học trò của tôi là phải biết phân biệt ai là bạn, ai là thù. Tôi không làm ăn với bọn công an địa phương như một số anh em chúng ta đã làm vì đồng tiền, vì cuộc sống mà tôi không buộc tội bởi vì hoàn cảnh buộc như vậy. Tôi không muốn dính líu đến tụi  cùi hủi.

Thưa Quý Anh,

Tôi dông dài như vậy là vì tháng Tám năm ngoái 2010, sau gần 20 năm không gặp nhau, gia đình tôi đã gặp lại vợ chồng người em kết nghĩa của tôi là Nguyễn Quang Trình, một trong những người tham gia vào những cuộc chơi đẹp tại Xuân Phước sau khi tôi được tha (!) và trong những ngày gần đây theo như người ta nói Trình còn có đàn đệm cho Vũ Trọng Khải hát trong buổi văn nghệ giúp người nghèo tại VN. Đó là một yếu tố quan trọng mà tôi muốn nêu ra.

Chính vì tôi ngậm miệng, có thể tôi đã nhu nhược sau khi nói chuyện với Huỳnh Cự, trong khi những anh em khác già cũng như trẻ đã có những lời nói, hành động làm cho tôi rất bội khâm phục.

Tôi rất khâm phục những người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà, những anh hùng bất khuất, dù nằm ngay trong ngục tù, đã chứng tỏ cho bọn cộng sản biết là chúng ta không bao giờ đầu hàng chúng cả, dù có phải hy sinh cả tính mạng của chúng ta nữa. Trước ngày quốc hận, chúng ta cũng đã từng đem mạng sống của chúng ta ra đánh đổi trong cuộc chiến, thì lẽ gì chúng ta lại phải cúi đầu sau khi mất chính quyền. Tôi không dùng chữ mất nước, vì nước VN vẫn còn đó, chỉ có chế độ Cộng Hoà là bị tạm thời mất thôi.

Tôi rất khâm phục anh Vũ Văn Ánh, người mà tôi đã từng biết từ PTT, là một trong những người khởi xướng làm tờ báo “Hợp Đoàn” ngay trong trại giam cộng sản mà không sợ bị mất mạng.

Tôi rất khâm phục anh Nguyễn Chí Thiệp đã viết quyển “Trại Kiên Giam” nói lên những tiếng nói của bản thân anh cũng như của các anh em khác trong trại trừng giới A.20.

Tôi rất khâm phục anh Phạm Đức Nhì với bài “Những Tiếng Hát Bừng Sáng A.20” và một số anh em khác như Ngọc Đen, Hải Bầu, Vũ Mạnh Dũng, Vũ Trọng Khải và nhiều anh em khác mà tôi không được biết đến, đã tham gia vào cuộc.

Tôi rất khâm phục anh Phạm Trần Anh, người đã viết quyển “Đoạn Trường Bất Khuất” và mới đây đã viết bài “Thung Lũng Tử Thần” trong trang Quán Lá A.20 thật thấm thía.

Tôi rất khâm phục anh chị Tống Phước Hiến và Lê Thị Xuân đã cho chúng ta thấy cái thối nát của bọn VC qua hai bài viết của Anh Chị.

Tôi rất khâm phục Bố Lê Sáng, vị chưởng môn Vovinam, đã có những lời khuyên và tư cách thật xưng đáng là một vĩ nhân.

Tôi rất khâm phục anh Nguyễn Văn Đèn, người mà tôi có cơ duyên được anh nhận làm em kết nghĩa cùng với Nguyễn Quang Trình, với câu nói bất khuất: “Tôi là một Chiến-Sĩ Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hoà, tôi không chấp nhận sống chung với chế-độ Cộng-Sản. Các anh muốn giết tôi thì cứ giết đi!”, mà chúng không dám giết đấy.

Tôi rất khâm phục Bùi Đạt Trung qua bài “Bông Hồng Trên Vết Dầu Loang” đã thúc đẩy anh em phải làm những gì anh em phải làm.

Tôi rất khâm phục Nguyễn Thanh Khiết đã dựng được Quán Lá để cho anh em A.20 có chỗ dừng chân uống cà phê và cùng nhau tâm sự vào buổi cuối đời. Xin cám ơn Út Khiết.

Tôi rất khâm phục và rất khâm phục nhiều quý anh em khác nữa mà tôi không được làm quen vì tôi về từ cuối năm 1981, nhưng tôi không phải vì không quen mà không khâm phục vì tư cách của quý anh em.

Dù có một số rất ít anh em làm tay sai cho giặc ngay trong trại A.20, hoặc sau khi được thả về thì lại theo giặc, hoặc sau này sau khi sang đến bến bờ tự do lại viết bài nói xấu các anh em khác, chụp mũ này nọ, dù sự thật các anh em khác không phải thế, nhưng số người nói xấu anh em hoặc chụp mũ kẻ khác chỉ ít thôi, không đáng kể, cho nên ta không cần để ý đến những con sâu đó. Những người chuyên đi chụp mũ người khác chẳng qua là muốn đánh bóng cá nhân mình hoặc muốn khoe khoang mình mà vì người ta không thèm để ý đến thì tức tối và làm bậy. Tôi cho chúng là những con sâu bọ nhoe nhoi mà thôi, cứ để dưới đít chúng ta mà thôi.

Tóm lại, tôi rất khâm phục tuyệt đại đa số quý anh em của trại Trừng Giới A.20 Xuân Phước, Thung Lũng Tử Thần, và tôi xin cám ơn tinh thần của quý anh em.

Tình cảm anh em của A.20 thật tuyệt vời, không hổ thẹn là những đứa con chung ưu tú của đất nước Việt Nam tự do, được thể hiện qua Bông Hồng Trên Vết Dầu Loang

Tôi rất hãnh diện có những người anh em như thế, và tôi rất hãnh diện khi ký tên với chữ A.20 đứng trước.

Tôi chỉ tiếc một điều là vì bệnh hoạn tôi có lẽ không tham dự được buổi gặp mặt tại Cali vào ngày 03/07/2011 này được, dù trong lòng rất muốn. Mời các anh vào trang Trại Trừng Giới A.20, Quán Lá, mục sinh hoạt, kéo xuống phần A.20 Houston họp mặt tháng 8/2010 đón A.20 Nguyễn Quang Trình và A.20 Lê Hoàng Ân thì quý anh em sẽ thấy tôi ra sao!!! 71 tuổi đầu với bệnh tiểu đường, bệnh tim, lại vẫn đi làm (12 tiếng ban đêm), ngày nghỉ thì phụ nhà tôi trông hai cháu nội còn nhỏ cho bố mẹ chúng đi làm, rất mệt và rất bận rộn. Nhưng tinh thần tôi sẽ ở bên cạnh quý anh em trong buổi họp mặt lịch sử đó, và tôi xin kính mời quý anh em nào khi có dịp đến TX thì ghé lại nhà tôi chơi, tôi sẽ sẵn sàng tiếp đón quý anh em. Cửa nhà tôi luôn luôn mở rộng đối với quý anh em A.20. Nhờ anh Trần Mạnh Tôn hoặc anh Phạm Kim Minh gửi cho tôi những hình ảnh của buổi họp mặt lịch sử để tôi lưu trữ vào hồ sơ A.20 của tôi. Xin cám ơn.

Tinh thần A.20 bất diệt. Tình cảm A.20 bất diệt.

Xin cám ơn tất cả.

Trân trọng,

A.20 Lê Hoàng Ân
15/4/2011





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét