A20 Vũ Ánh
San thân,
Dù đã đoán trước được ngày giờ này đến với bạn sẽ không xa cái ngày ở tôi và Vũ Hùng Cương đến thăm và ở lại tán gẫu với bạn cả buổi sáng tại bệnh viện. Buổi sáng hôm đó, tôi đã nghe bạn nói với người bác sĩ điều trị: “Dù muốn dù không tôi cũng sẽ ra đi, đừng lo lắng thái quá cho tôi”. Trần Danh San là như thế ! Coi cái chết nhẹ tựa lông hồng không phải chỉ ở vào thời điểm bạn đã nằm trên giường bệnh vì ung thư phổi mà ngay từ thời gian luôn luôn chúng ta phải đối mặt trực diện với kẻ thù từ những năm đầu của biến cố 30-4-1975. Tôi nhớ cái ngày chúng tháo cùm mở cửa xà lim để chuyển chúng ta vào khu chuồng cọp “sang trọng” hơn ở trại B, đôi cổ chân của bạn sưng lên như chân voi, cái dấu cùm 16 lún xuống thành hai cái vòng. Chúng ta đã kiệt sức và phải bám vào nhau để lết ra gốc hàng dừa phía sau khu biệt giam chờ lên xe để chuyển trại. (Khu biệt giam hay khu chuồng cọp phân trại B của A-20 Xuân Phước sang trọng hơn chỉ là mới hơn rộng hơn về bệ nằm nhưng chế độ ăn uống thì tệ hại hơn, nước uống được cấp phát dồi dào hơn nhưng nước muối mặn hơn nên dễ bị phù hơn. Tôi và Trần Danh San bị phù rất nặng đến mức cứ ngủ thiếp đi khi đang nói chuyện. Nếu ở ngoài các bạn bè tâm phục không liều chết tổ chức cho một người liều chết leo qua bức tường cao 4 thước có kẽm gai trước họng thượng liên của vọng gác tiếp tế thuốc vitamin B-1 cho chúng ta, chắc chúng ta cũng không thể sống nổi)
Tôi
nhớ trại trưởng phân trại E của A-20, Lê Đồng Vũ mà chúng ta gọi là Tư Nhừ vì hắn
mang lon thiếu tá công an, giọng lúc nào cũng nhừa nhựa như thằng say rượu,
không biết nó sẽ rút cây K-54 ra bắn mình lúc nào, hỏi khích bạn: “Thế nào, anh San còn bẻ gậy chống trời nữa
không”. Trần Danh San đáp tỉnh bơ: “Tất
nhiên, cán bộ”. Bẻ gậy chống trời là từ ngữ đầy tính tự kiêu nhằm diễu cợt
cái thế yếu của những người thua trận như chúng tôi và cái thế “trời” của những
kẻ chiến thắng. Tư Nhừ hay Lê Văn “Nhừ” trả đũa một cách mỉa mai: “Hai anh trông còn khỏe lắm. Vào trong B tiếp
tục tẩm bổ bằng muối và nghỉ mát để có sức bẻ gậy chống trời !”. Chữ “trời”
hắn kéo dài ra mang hơi hám của một lưỡi dao có thể cắt đứt động mạch chủ của
chúng ta bất cứ lúc nào.
Bạn
ạ, trưa Thứ Hai vừa rồi, Tăng Ngọc Hiếu từ Minnesota gọi điện thoại cho tôi báo
tin bạn không còn ở với bọn tôi trên dương thế nữa. Tôi đã biết tin này trước
anh Hiếu, nhưng cũng rất xúc động vì giọng nói như khóc của anh, một người bạn
tù lúc nào cũng thuần hậu và quảng đại với tất cả các anh em. Bạn có biết Hiếu
nói với tôi những lời như thế nào không? Anh ấy nói: “Ông ơi thằng San nó là một tay chơi trong tranh đấu. Hình ảnh của nó rất
lớn mà chính nó không bao giờ chú ý đến”. Chữ nghĩa tay chơi trong tranh đấu
kể ra thì cũng khó diễn đạt. Không biết riêng bạn thì bạn nghĩ như thế nào và
cũng chẳng đứa nào trong chúng tôi nhớ ra để hỏi bạn khi còn trên trần thế,
nhưng cá nhân, tôi nghĩ một “tay chơi trong tranh đấu” phải là một người đầy bản
lãnh, đông bạn bè tâm phục chung quanh, biết nhận lầm lỗi để sửa chữa, biết thỏa hiệp để lùi một tiến hai, biết tổ chức
và duy trì tổ chức có kỷ luật, thẳng tay loại bỏ những thành viên vô kỷ luật
trong tổ chức và có đủ khả năng thương thuyết nói chuyện với những nhóm khác
quan điểm để làm việc chung. Tăng Ngọc Hiếu, Vũ Hùng Cương cùng nhiều anh em
khi nghe tin bạn vĩnh viễn ra đi đã gọi cho tôi và cho rằng bạn là người có đủ
những đức tính này, là người đi tiên phong và can đảm nêu vấn đề nhân quyền ra
trước bọn người đang điên cuồng vì chiến thắng, sẵn sàng bắn giết bất cứ ai đi
ngược lại suy nghĩ của họ chứ không phải trước một chính quyền chuyên chính đã
bớt chuyên chính hơn như chính quyền Việt Nam ngày nay sau khi Hà Nội đã nhận
những cái tát đích đáng của dư luận thế giới bên ngoài.
Nhưng
bọn tôi vẫn nghĩ rằng cái buổi sáng ở bệnh viện Garden Grove cũng là buổi không
hẹn trước mà nên. Hôm ấy tôi thấy bạn tỉnh táo lắm, đi lại được, đã ngồi dậy được,
bộ nhớ của bạn “on” trở lại. Bạn nói đủ thứ chuyện quá khứ, hiện tại và cả dự
phóng về tương lai. Bạn nhớ tên từng khuôn mặt, tính tình của nhóm anh em tương
đối hiểu nhau ở trại A-20, từ Tăng Ngọc Hiếu, Hiếu “đầu bạc”, Ngọc “đen”, Nhì
“chính huấn”, Hải “bầu”, Hải “cà”, Ngô Quốc Việt “pilot”, Phụ “dù”, Hai, Mỹ, Tường
“dù”, Sơn Hồng Đức, Trần Vinh, Cái Trọng Ty, Vũ Long Sơn Hải, Mai Đức Phi cho tới
Vũ Hùng Cương, Lương Văn Ngọ, Bùi Đạt Trung tức Trung “điên” (San còn phán: Lão
ấy chả điên chút nào), Vũ Đức Nghiêm, Khuất Duy Trác, Võ sư chưởng môn Vovinam
Lê Sáng, ông Châu Sáng Thế (Hồi giáo), các linh mục Nguyễn Văn Vàng, Phan Văn
Trọng, Nguyễn Luân, Thượng tọa Thích Huệ Đăng, Quách Văn Trung, Trần Công Linh
(BĐQ), Tài “sún”, Nhan Hữu Hậu (tùy viên của nhiều đời thủ tướng VNCH), Trịnh
Tùng, Tư “rè” Nguyễn Ngọc Tiên, Lê Thái Chân, Tống Phước Hiến, Lê Quang Minh,
Khúc Thừa Văn (cựu DB/VNCH), cụ Nguyễn Duy Giá (cựu Tổng Đốc), ông Võ Văn Hải
(chánh văn phòng của Tổng Thống Diệm), Trần Quí Phong, Nguyễn Chí Thiệp, Phạm
Trần Anh và còn rất nhiều người khác. Không hỏi thì thôi nhưng nếu hỏi đến một
anh em nào, bạn nói ra vanh vách.
San
thân,
Tôi
đã đến thăm nhiều đồng đội của chúng ta lần cuối cùng trước khi họ trở thành
người thiên cổ. Cuộc viếng thăm nào trong hoàn cảnh ấy cũng buồn và có những giọt
lệ của tuổi già. Chẳng hạn như lần tôi và Cương thăm bạn ở khu săn sóc đặc biệt
trong khi bạn chờ đợi kết quả thử nghiệm cuối cùng ở một dưỡng đường trên đường
College. Lần ấy, chỉ có bạn là vui, chiếc máy cassette trong bạn hoạt động với
công xuất tối đa, nhưng chúng tôi thì gần như cạn công xuất. Tuy nhiên, khi
tình trạng của bạn được chính thức coi như hết thuốc chữa và được chuyển về bệnh
viện Garden Grove, cuộc họp mặt tay ba giữa Cương, tôi và bạn trở thành cuộc gặp
mặt nhau lần cuối cùng. Bạn nhắc tới Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền một tác phẩm
tiên phong soạn chung với đồng nghiệp và cũng là bạn thân của mình là luật sư
Triệu Bá Thiệp mang ra đọc trước nhà thờ Đức Bà ngày 23-4-1977 và bản tuyên
ngôn này đã được bạn viết lại trong số báo Hợp Đoàn đầu tiên chúng ta phổ biến
ngầm trong trại cải tạo A-20 Xuân Phước. Trong cuộc gặp ấy, tôi nhắc với bạn rằng
không ai tránh được những yếu điểm của bản thân và bạn cũng vậy. Nhưng chung cuộc
thì bạn cũng đã là người làm toàn vẹn nhất nghĩa vụ đối với vùng đất mà chúng
ta lớn lên, học hành, làm việc và chiến đấu. Những việc làm của bạn, của tôi và
những anh em khác không mang lại sự thành công như chúng ta mong muốn, nhưng ít
ra cũng từ những việc làm đó, chúng ta đã khẳng định được nhân cách của mình, đứng
thẳng lưng để đối đầu trực tiếp với cường quyền. Và nhất là về một mặt nào đó,
bạn đã là người đi tiên phong một cách can đảm và không tính toán thiệt hơn cho
cá nhân mình, gia đình mình trong việc đòi hỏi quyền thiêng liêng của con người
phải được tôn trọng chỉ 2 năm sau khi những người thắng trận điều hành đất nước
bằng một chính sách hẹp hòi, kỳ thị và rừng rú, chà đạp lên quyền sống của mọi
người.
San
thân,
Câu
chuyện về bạn có thể viết được một cuốn tiểu sử rất dày về đời tư, đời công và
đời tù của một nhà tranh đấu. Nói như thế có nghĩa là bạn đã sống từng trải, đã
là một ngôi sao trong nghề nghiệp của chính bạn, đã khôn khéo trong cách ứng xử
với thế nhân, đã có một vài thiếu sót trong nghĩa vụ đối với gia đình nhưng
trong đời công bạn đã làm việc và chiến đấu không biết mệt mỏi góp phần mưu cầu
kiến tạo một xã hội dân sự tốt đẹp, trọng pháp và quyền con người được tôn trọng.
Mong
bạn về cõi bình yên và sống ở một thế giới khác thênh thang hơn, không còn chiến
tranh và cũng chẳng làm gì còn thù hận. Bạn xứng đáng được hưởng một “cõi” như
thế. Cái phúc phần đáng nói nhất bạn để lại cho trần thế này là tiếng nói tha
thiết nhất của một người yêu nước và yêu con người qua bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền
1977 mà bạn và luật sư Triệu Bá Thiệp là đồng tác giả mà kết quả của việc phổ
biến nó khiến bạn phải trả cái giá của tù đầy lâu dài. Bạn cứ yên tâm rằng vắng
bóng bạn, chúng tôi vẫn còn mãi mãi nhớ đến San “lùn” của A-20 Xuân Phước ngày
nào và tôi sẽ nói với những đứa con đã trưởng thành và làm nên của bạn rằng bố
San là người hùng của chúng tôi và cũng là người hùng của chính các cháu đó.
(VA)
(Nguồn:
từ A20 Bùi Đạt Trung)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét