A20 tháng 9, 1993
Bên bờ giếng hai người đàn ông mặc quần
xa lỏn chụm đầu vào nhau. Bốn cái đầu gối lồi lên hai bên bả vai. Con mèo
nằm nhe răng, mặc cho bốn bàn tay vò vọc, nhổ từng nắm lông. Nó đã chết từ đêm
hôm qua, ngay dưới vuông cửa trực của người tù gác đêm Đào Đăng Nhẫn.
Gã tù Việt kiều tay cầm đóa hoa vạn thọ,
ngô nghê bước sát lại gần hai người tù đang nhổ lông con mèo. Con mèo bé tí, vừa
bằng cổ tay người tù khổ sai ! Cả ba rơi vào những giây thời gian
im lặng khó diễn tả ! Một tay chỉ huy giang hồ khét tiếng. Một tay thơ
phú dạt dào và một tên lưu vong quay về từ bên kia quả đất sau mười năm
lang bạt. Ba người đàn ông trọng án cùng nhìn vào một con mèo trắng ởn đã
chết đang bị vặt lông. Con mèo bé bỏng, gầy guộc, cái đầu chỉ nhỉnh
hơn quả chanh.
Trại tù buổi trưa lặng im dưới
cơn nắng lửa.
Gã Việt kiều bỏ đi khi có tiếng gọi
nhỏ của Trương Văn Sương, một người tù
mang ba giòng máu Khờ-Me, Việt Nam và Quảng Đông. Dưới gốc dừa cao
nghễu nghện. Sương để tay trên nắp ấm trà, hỏi .
- Làm cái chứ ?
Gã "Việt kiều" ngồi xuống.
Con mèo ám ảnh gã nặng nề ! Cầm trên tay tách trà không quai hắn hỏi.
- Ai đang làm thịt mèo
vậy anh Sương ?
- Thành, Nguyễn Thành, cựu sĩ quan Cảnh sát. Người trẻ
hơn là Long. Long Rồng án chính
trị bị buộc thành hình sự giết người vì có quất sụm công an trong một
vụ vượt ngục ở Hậu Giang Trà Ếch. Cả hai đều chung thân.
- Chắc mấy ảnh
không có thăm nuôi ?
- … Con bà phước ! Như tôi
thôi ! Anh em cho gì biết nấy...
Sương cười khẽ, ngúc ngoắc trả lời.
¤
Tôi biết Long từ hôm ấy. Buổi chiều
bàn ăn của Long, Nguyễn Thành và Lê Văn Thụ có bát thịt mèo vàng lừm.
Bàn ăn là chiếc bàn gỗ thấp dưới đầu gối, ngang độ ba gang
tay, dài chừng gần thước. Bàn kê sát cửa ra vào của căn nhà được gọi
là nhà bếp của nhà 3A, trại tù A20, năm 1993. Bước qua hẳn bàn của
Long là bàn của trực sinh Bảo
Giang/Lê Văn Triệu. Giang người Bến Tre, án chung thân, cựu sinh viên
luật trước 1975. Bàn này cũng thuộc diện “con bà phước”, trên bàn ngày
nào cũng chỉ lỏng chỏng mấy cọng rau, lâu lâu thấy vài sâu nhái được đám tù làm
rộng mang về cột ở chân bàn, nhảy loạn xạ trong sợi dây chuối mỗi khi có
người bước qua. Sau bàn của Giang là bàn Bình Nam/Trương Nhật Tân,thủ lĩnh vụ án Mặt Trận Phục Hồi Nhân
Quyền VN xử ở Thuận Hải năm 1980. Sau bàn Trương Nhật Tân là là bàn
nhóm tôi, trong góc do Đỗ Bạch Thố
chủ trì. Bàn có tôi và Phạm Dũng nên
anh em có vẻ sung túc hơn, bữa nào hẻo thì cũng có cá khô. Khác hẳn đa phần các
bàn còn lại, chỉ có rau và cá bác hồ (*1). Nhóm tôi qui tụ thượng
vàng hạ cám, hình sự, chính trị, vượt biên… đủ cả, có lúc ngồi đến hơn chục
người. Sau giờ ăn là mấy đứa hình sự bò cả ra bàn vừa rít thuốc rê vừa
hì hục đuổi con bệnh mù chữ.
…Chưa bao giờ anh em các bàn
khác nhìn sang mâm ăn của chúng tôi. Chưa bao giờ bất cứ ai mở
miệng xin tôi bất kỳ một sự chia sẻ nào, mặc dù tôi rất muốn được
chia sẻ.
Tất cả còn là quá mới. Đám tù hải ngoại vừa
vào trại hơn tháng. Những xáo động không hay cũng đã xảy ra. Những
bữa tiệc bia ê hề đã làm tăng khoảng cách xa vời giữa những người được
gọi là tù Việt kiều và tù quốc nội. Những xốn xang cũng đã làm tách ra thành
hai ba nhóm trong đám "tù Việt kiều".
Rất khó tôi mới làm thân được với Trần Văn Long. Long có ngón đờn ghi-ta khá
ngọt. Những buổi trưa hy hiếm, nơi chiếc bàn này Lê Thụ và cựu trung uý trực thăng tên là Bích, người Huế án 18 năm... có những
bài song tấu rất đắt đỏ. Lê Thụ người bắc di cư, trưởng thành ở
Đàlạt, cựu trung úy Thiết giáp 1975, chống lệnh cải tạo, lập ổ kháng cự, án
chung thân do vụ án Thẩm Phan 1979 bị bể tại Sài Gòn. Đây là một khuôn mặt
du ca đặc biệt của 1975 và A20 sau này...
¤
Thân nhau đâu chừng 3 tháng, tôi bàn
với Long:
- Phải có người chạy
vòng ngoài. Phải ra được đội chăn bò.
Long bảo Long có thể ra, nhưng tiền
mua chân ấy không hề rẻ, vì án Long còn khá cao.
Long nổi tiếng lỳ lợm, liều
lĩnh. Án Long từ chính trị bị buộc danh hình sự là do từ một vụ vươt
ngục. Long giật súng quản tù, đứng lại bắn cản đường cho anh em chính
trị vượt thoát. Hành động ấy đưa đến án tử hình của Long. Khi ra sân
bắn, chẳng hiều lý do gì Long lại được hủy án bắn khi cái chết chỉ còn
là gang tấc. Anh em chính trị thương Long vì Long ngay thẳng,
can trường. Phía cán bộ cũng gờm tay “vượt ngục máu lạnh” này. Long bị
bao vây tứ bề khi vụ nổi loạn A20 năm 1994 xảy ra, nhưng cái đầu mưu mô ấy cũng
đã chuẩn bị đủ để xoay xở trong những tình thế xấu nhất. Tính cách ấy, khó
mà không thể không kính trọng.
Sau vụ nổi loạn, chúng tôi ra bắt hầu
hết, lạc lõng Trần Văn Long và Đào Đăng Nhẫn xuôi nam.
Năm 1999 tôi bị trục xuất về Pháp, Đào Đăng Nhẫn cũng mãn án tù, Long gần
chết được đưa vào bệnh viện Biên hòa, rồi sau đó thoát lưỡi hái tử thần và
tự do, lập gia đình. Long thay đổi nhiều nơi cư trú và lang bạt
sang tận Lào.
Giờ này, đã mấy năm Long và vợ
con lang bạt trên đất Thái. Lạc lõng, cô đơn !
Xót đau rất nhiều, nhưng biết nói gì
hơn bây giờ. Cuộc chơi nào cũng có cái giá của nó. Con đường chông
gai hôm nay, phải được chuẩn bị đi trong đau đớn, chấp nhận xẻ thịt
phơi máu… mới có thể đi đến đích được, dù năm năm hay hai
mươi năm. Dù vài tháng hay cả một cuộc đời.
Trong chúng ta, một khi đã có sự tính toán
cân đong, ắt sẽ có ngày đứt gánh giữa đàng.
Paris, một đêm trống vắng.
A20 Phạm Văn Thành
8/11/13
________
*1 -
Cá rô phi nuôi bằng phân tù, từ các ao cá tù nhân đào đắp chung
quanh trại, được gọi là “ao cá bác hồ”. Vừa nuôi cá, vừa xây dựng quy hoạch địa
hình chống vượt ngục.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét