Anh em Fulro đem vào trại cho tôi một con chó. Đây là một
con chó loại chó cỏ, mình như con sóc với bốn chân thẳng thanh thoát. Con
chó trắng, lông ngắn mịn, đầu mặt cân đối bốn chân móng trắng ngà và đầu
vàng, trên lưng vá một đám lông vàng cháy, không lẫn một sợi đen nào. Nhìn con
chó trong tay Y Rưới, đang đứng bên cửa nhà bếp chờ tôi ra, tôi sững người, miệng
lẩm nhẩm “bạch khuyển hoàng đầu thân bối nguyệt”, một trong đệ nhất phúc khuyển
tướng pháp ! Sao lại có cảnh oái oăm thế này. Y Rưới cười cười bẽn lẽn
nhìn tôi:
- Ngoải
kêu em đem dô biếu anh cho anh đỡ buồn !
Tôi bần thần đỡ con chó, cởi sợi dây gồi chắc Rưới đã bện công
phu. Y Rưới la lên:
- Nó chạy
mất giờ anh.
Tôi cười cười đặt con chó xuống đất. Con chó hơi cúp đuôi, đi
loanh quanh chân tôi và Y Rưới, không ra xa. Mấy con chó berger Nga to đùng của
thiếu tá Lâm xù lông chạy lòng vòng chung quanh. Y Rưới có vẻ sợ con chó con sẽ
bị cắn, định bắt con chó lên. Tôi bảo chả sao đâu, chó lớn sẽ không cắn trúng
nó được đâu.
- Sao anh
biết ?
- Đám
berger này là đám trùng huyết, không cách chi táp trúng đươc con chó bé con
lanh lợi. Hơn nữa, nó là thứ chó không dễ bắt nạt.
Y Rưới nhìn tôi, mắt mở to như có ý thán phục cái “tài” của gã…
Việt kiều, sau khi thấy con chó bé con đứng dạng chân xù lông, thẳng đuỗn
đuôi sủa lại bọn chó gấu. Đám chó berger Nga từ từ lùi lại rồi nằm xuống gần
chung quanh.Tôi hỏi Y Rưới:
- Sao họ
cho đem vào hay vậy ?
- Ổng
quát ! Em bảo đem cho anh Thành Pháp, ổng lừ lừ rồi kêu đem dô, nói
không được để nó rời khu nhà bếp, ra khỏi khu nhà bếp là bắn bỏ !
- Sao
ngoải biết tôi thích chó ?
- Mấy ảnh
ra đó nói hết, là anh ôm con chó lác đen thùi lùi nằm ngủ trưa. Ngoải cười quá
xá, kêu em bắt con này dô.
- Ngoải có
biết chó này là chó quý không ? - Y Rưới xì một hơi ,bắn cả nưóc bọt
ra khỏi miệng .
- Quý khỉ
gì mà quý. Chó cỏ mà ! - Tôi nghiêm mặt, trầm giọng:
- Đây là
chó quý, chó mang thần tướng, đem phúc lợi về cho chủ. Tôi giữ ở đây nhưng buổi
trưa giấc chiều đi làm anh mang nó đi. Sáng khi anh đi làm về với đội thì mang nó
vào cho tôi. Coi như cho tôi chơi buổi trưa với nó, còn chủ vẫn là người ta …
Ấy là tháng 1 năm 1994, vừa qua cái tết tây đầu tiên vô vị của đời
tù. Tôi nhờ có thùng thuốc tây anh em ở Pháp gởi về. Thuốc có khá nhiều
thuốc sắp hết hạn, vợ tôi nhặt nhạnh gởi hết cho tôi. Trại A20 không như những
trại phía bắc, họ cho tôi được giữ thuốc sau khi hỏi ý kiến bác sĩ Nguyễn Kim
Long. Cả tôi và bác sĩ Nguyễn Kim Long đều có ý nghĩ tận dụng những số thuốc ấy
để chạy chữa cho những người bệnh, không phân biệt cán bộ hay tù hoăc nhà
dân ngoài trại. Có những cái chết rất oan uổng của người dân quanh trại chỉ vì
bệnh kiết lỵ. Trong khi thuốc chữa kiết lỵ không là thuốc khó tìm để gởi về.
Con chó họ đem biếu tôi cũng là từ một ca kiết lỵ được cứu sống mà ra. Đó là những
người thiểu số sống quanh quẩn những vùng rừng núi Phú Yên Phú Bổn. Con
chó của họ, những gói lá chứa đầy mướp đắng non của họ, những quả trứng óng
vàng đơn sơ… là những thứ đã đem lại cho tôi sức sống mãnh liệt của một
gã Việt kiều vừa bàng hoàng thất thần sau cú ngã ngựa trời giáng.
¤
Cuối gian bếp Trương Văn
Sương xì xụp khấn vái. Chiếc mâm thiếc sáng loáng có bát thịt
nai và những miếng chanh bên cạnh đĩa muối. Hôm qua có con nai của
ông đại úy quản giáo đội 12, bắn được trong cuộc săn đêm. Sương là đồ
tể, chuyên mổ và phân thịt nai, hoẵng hoặc heo lợn… cho cán bộ, bán cho tù. Phần
thưởng cho Sương là bốn cái ống chân và một nồi tiết. Sương cao lớn ngang ngửa với
tôi, tức mét tám, nhưng cơ thể Sương là cơ thể một sumo hạng nặng. Sương rất
khỏe do việc lại quả sau khi xẻ thịt nai hươu cùng phần cháy của những
chảo cơm khổng lồ. Máu tươi nóng của buồng ngực nai hươu, Sương múc cả bát
uống ừng ực. Những lúc ấy, trông Sương đặc quánh là một thứ người rừng kinh điển với
thân thể bóng lưỡng gần trăm ký lô, nâu bóng như một chàng Vọi của tiếu thuyết
anh em nhà Khái Hưng!
Không ai đến gần Sương. Thân thể to đùng ấy đứng trong gian bếp
sau những chảo cơm miệng rộng gần hai mét, bồ hóng giăng ngang dọc,
xa xa là người Fulro đang thái rau cho lợn. Lưỡi dao bén ngót dài cả
gần thước, loang loáng cùng với những tia nhìn rất nhanh rất xanh của con người
miền núi nổi tiếng này. Con chó bé tí đang ngồi trong lòng tôi, bật dậy hướng về
người tù Fulro sủa đuỗn đuôi !
¤
Sương bị bắt ra đứng giữa sân trại. Thiếu tá an ninh tên Lâm
dõng dạc đọc lệnh cùm Trương Văn Sương, can tội “gieo rắc mê tín dị đoan gây
hoang mang cho sinh hoạt học tập cải tạo của các trại viên”. Sương đứng
yên nơi đầu các hàng của các đội để nghe xong lệnh cùm rồi lẳng lặng
theo sĩ quan áp giải về chỗ nằm. Các đội xuất trại. Đội 10 là đội có mặt
tôi, toàn… Việt kiều, kéo nhau đi về hướng căn nhà đang đập ra để xây lại.
Sương về buồng 2A, tức buồng tôi, cắp chỉ một chiếc chiếu đi về khu cùm mới
xây phía nhau nhà hội trường. Đây là khu vừa xây xong gồm 6 buồng cùm kỷ luật
và hai buồng kiên giam.
Tôi cố ý đi chậm lại với chiếc xe cút kít. Lý Tống cao lềnh khềnh có vẻ khó chịu
vì cách đẩy chiếc xe cút kít của tôi. Ông bảo:
- Thành
mày đưa tao.
Vừa nói ông Tống vừa giành lấy chiếc tay cầm xe cút kít.
Tôi nói nhỏ:
- Để em
xem lão Sương ra sao ? - Tống xì ra một hơi dài:
- Tưởng
gì ! Lạ lắm hả . – Tôi thật thà:
- Em chưa
biết cái vụ này !
Quay trước quay sau,Tống chợt lu loa buông một tràng việc
cái xe cút kít mất… thăng bằng, rồi dùng dằng bỏ đi lên phía đằng trước, vừa đi
vừa nói to:
- Mày tha
hồ mà sửa. Đồ vứt đi còn bày đặt sửa với seo…
Tôi ngồi bệt xuống nền đất, người quản giáo đội xây dựng ngó trước
ngó sau rồi bám theo hơn 10 người của đội 10. Vừa đi vừa dặn:
- Cố sửa anh
Thành nhá !
Đến chịu với Lý Tống ! Cha này trong đầu đủ thứ những
mưu mô. Cách gì lão cũng nghĩ ra được để đáp ứng với tình hình .
Sương được dẫn vào khu cách ly. Khu này là hai lớp hàng rào
cao ba mét chung quanh dẫy nhà hộp bê tông. Nhà hộp với những buồng chỉ có
duy nhất 15cm vuông làm lỗ thông hơi trên góc tường cao nhét đầy hoa… kẽm gai.
Tiếng khoá lách cách đóng mở các cửa. Tiếng suốt cùm kéo roèn roẹt và âm
thanh móng cùm rơi xuống nền bê tông nghe đục đặc.
Bỗng một tiếng kêu “ai dza” rất to của Sương vọng ra từ
buồng cùm. Cánh cửa sắt mở toang. Tôi đứng hẳn người hướng mắt nhìn vào ô cửa tối
hùi đó. Âm thanh chỉ còn là những tiếng khóa cùm lách cách sau tiếng đập cửa
sắt đinh tai nhức óc. Hai người sĩ quan an ninh và một tù thường
phạm quay đầu đi ra khỏi khu vực cách ly.
¤
Tôi và Đỗ Bạch Thố , Lê
Quý Hòa, Trần Văn Long, Châu Văn Tới… đêm nay không coi tivi. Chụm đầu trên
chiếu của Hoa hình sự. Hoa là một trong những đầu gấu hạng kiến càng ở trại
này. Tướng pháp hiền lành, mặt mũi cực sáng sủa… nhưng đàn em của Hoa thì không
thể đùa. Hoa đến nhà này làm gác đêm, đụng Trần Văn Long là một thứ hình sự
khét tiếng chuyển tội danh sang chính trị, Long từng can án giết người vì
dám đốn gục công an. Án Long là án tử hình nhưng chẳng hiểu vì sao Long lại
không chết, án xuống chung thân và chuyển hẳn sang chính trị sau một vụ vượt ngục
ở miền Tây, Long thủ lại bụp công an lấy súng kháng cự cho tù chính trị vượt trại…
A20 vì thế, hình sự không đứa nào là không ngả nón với Long.
Tuần trà đang dang dở, sát lưng tôi có tiếng gọi “Anh Thành, Anh
Thành” ! Giật bắn người vì sau lưng tôi là cửa sổ, nhìn xếch ra sau lưng
mình là một mũi súng AK ghếch lên gờ cửa ! Tôi hoàn toàn đơ người
ra ! Chết lặng.
- Ai là
anh Thành ? - Tiếng nói lớn hơn. Long lên tiếng ngay:
- Gì đó
ông Đệ ?
- Anh Long
(*1) bảo tôi xin anh Thành bột ngọt !
Tôi dáo dác hết nhìn người này đến người kia ! Thố đứng bật
dậy chạy về chỗ nằm, đem đến đâu một bịch bột gia vị đưa cho ông
trung úy Đệ. Ra đây là ông trung úy Vương Đệ, người thương tù chính trị một
cách lạ lùng. Tôi hỏi Thố:
- Anh
Sương sao ?
- Có phần
anh Sương ở đây, tôi sẽ chia ra rồi nhét vào buồng . - Tiếng ông Vương Đệ đáp
thay cho Thố.
Đêm ấy là lần đầu tiên tôi biết đến sự kiện có người công an quản
chế đi xin đồ ăn cho những ngươì tù chính trị trong khu cùm biệt giam.
¤
Anh
Sương tay vịn hàng rào đi từng bước một. Tôi đứng chết lặng ! Một
thân thể sumo bóng lưỡng trăm ký đã hoàn toàn biến dạng. Trước mặt tôi là một
lão già khẳng khiu, môi vều ra mốc thếch, đi từng bước khó nhọc với chiếc quần
tù ống cao ống thấp hở hết cả hai bắp chân teo tóp, chiếc áo tù đã cụt mất hai ống
tay !
Anh Sương đứng tựa vào một gốc dừa sau khi đi qua hết khu
hàng rào cách ly. Lý Tống và tôi đang kéo cát. Tống khom lưng đẩy
cho tôi kéo cái xe cút kít. Hướng lái chập choạng làm Tống ngửa mặt
lên nhìn tôi rồi nhìn theo hướng tôi đang nhìn. Tống văng ngay một câu:
- Đù mạ,
sao thê thảm vậy trời !
Nói rồi Tống bỏ xe cát bước lại gần anh Sương. Đại úy Luận bỏ đi
sau khi nói với hai người tù tự giác “Coi rồi đưa anh Sương về buồng…”.
Mấy viên sĩ quan này đều ngại đối mặt với Lý Tống vì ông này ăn nói không
coi cán bộ cán bẹo ra gà ram gì. Mấy người tù tự giác thì lại càng ngại Tống
hơn, cả hai yên lặng đứng nhìn ông Tống nói chuyện với ông Sương một
lúc rồi Sương bấu vai Tống đi về nhà buồng số 2A. Cả hai người đều
cao mét tám, Tống người doi doi chưa bao giờ tới 70 cân suốt thời
gian ở Chí Hòa, Z30D hay A20, khác với Sương trước đó, người như một
võ sĩ sumo hạng nặng. Giờ đây, cái thân sumo đó đang bèo nhèo teo tóp bám vào
vai Lý Tống, bước từng bước một
đi giữa hai hàng dừa khẳng khiu với đầy những bông hoa rực rỡ đang nở rộ
hai bên đường !
¤
Sương ngồi trên manh chiếu đã rách hơn phân nửa, rót cho tôi
tách trà vụn. Tách trà không còn quai, khác màu với cả năm chiếc tách khác đang
im lìm nằm trên một miếng khay bằng thiếc. Chầm chậm Sương nói:
- Chắc là
nó thôi ! Mà cũng chẳng trách nó làm gì… đói quá mạng mà !
- Ánh mắt
tên đó làm em thấy ngại. Rất ngại…
- Chỉ có mấy
người biết là tôi làm mâm cơm bái anh Bá (*2). Là anh, Thố, anh Hoàng Đình
Mỹ và nó …
-
Sao nó biết vậy ?
- Năm trước
tôi cũng làm, mấy tuần sau thì nó biết tôi làm lễ giỗ anh
Bá !
- Ánh mắt
đó rất dễ giết người ! Mà sao tên Sử lại để cho hắn làm chủ một con
dao ngời ngời như vậy. Mà hắn lại rất căm thù người Kinh,
thân thể lại cơ bắp ngồn ngộn…
- Nó được
việc. Mình nó chăm cả chục con heo cho Sử. Từ ngày Sử nhờ tôi xẻ thịt nai bán
cho anh em, mấy cái cẳng chân Sử cho tôi… chắc vì mấy cái ống cẳng chân
nai mà ra…
Sương biểu tôi quên chuyện tên Fulro ấy đi. Nhìn mắt
Sương tôi không thấy đâu là sự oán hận. Nhìn xuống cố chân còn
mưng mủ của Sương, tôi hỏi:
- Quần áo
khi ra buồng cùm sao kỳ vậy anh Sương. – Sương cười lớn:
- Đi cầu !
– Tôi ngớ mặt ra. Sương cười cười nói tiếp:
- Trỏng
không có nước. Đi cầu thì xé miếng tay áo. Hết tay áo thì xuống quần…
- Bữa mới
vào, sao anh la thất thanh vậy ?
- Thụt !
Bị nó thụt vào cái lỗ móng cùm. Cùm nhỏ mà cổ chân tôi lớn !
Vừa nói Sương vừa chỉ vào vết mủ tấy: “Cú đấy lấy mất một
miếng da nè…” Sương vừa nói vừa cười giả lả.
A20
Phạm Thành
10/7/2014
- (*1) Nguyễn Đình Văn Long.
- (*2) Trần Văn Bá.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét