BS. A20 Hồ Văn
Châm
Chương
trình Chiêu Hồi của Việt Nam Cộng Hòa được xây dựng và tiến hành trên nền tảng
chính sách Đại Đoàn Kết Dân Tộc. Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa chủ trương lấy
tình thương xóa bỏ hận thù, chân thành mở rộng vòng tay đón tiếp những anh chị
em ruột thịt chiến đấu trong hàng ngũ cộng sản, lầm lạc phục vụ chủ nghĩa cộng
sản mà tưởng là phục vụ quyền lợi quốc gia dân tộc. Tất cả các cán binh cộng sản
ra hồi chánh, bất kể quá trình hoạt động bản thân trong hàng ngũ cộng sản như
thế nào, nếu ý thức sự lầm lạc trong quá khứ, và nhiệt tình phục vụ lý tưởng tự
do dân chủ, đều được phục hồi đầy đủ quyền công dân và hội nhập trọn vẹn vào cộng
đồng dân tộc.
Chương
trình Chiêu Hồi bắt đầu hoạt động vào cuối năm 1962, dưới thời Tổng Thống Ngô
Đình Diệm. Cơ quan phụ trách chương trình Chiêu Hồi là một phân ban của Bộ Công
Dân Vụ, gọi là Phân Ban Chiêu Hồi, có đẳng cấp tương đương với một Nha thuộc Bộ.
Sau
chính biến 1-11-1963, Phân Ban Chiêu Hồi được chuyển sang thống thuộc Phủ Thủ
Tướng. Đến năm 1965, với Ủy Ban Hành pháp Trung ương, chương trình Chiêu Hồi được
giao cho Bộ Thông Tin phụ trách, có đẳng cấp tương đương với một Tổng Nha, do
Thứ Ủy Chiêu Hồi cầm đầu.
Năm 1967, cơ quan phụ trách chương trình Chiêu Hồi được nâng lên cấp bộ, gọi là Bộ Chiêu Hồi, do Tổng Trưởng Chiêu Hồi cầm đầu, có Phụ Tá Tổng Trưởng Chiêu Hồi giúp việc.
Tháng
2 năm 1974, Bộ Chiêu Hồi được bãi bỏ, chương trình Chiêu Hồi do Tổng Cục Chiêu
Hồi thuộc Bộ Dân Vận Chiêu Hồi phụ trách.
Điều đáng lưu ý là chương trình Chiêu Hồi không phải chỉ một mình Bộ Chiêu Hồi chịu trách nhiệm thi hành. Bộ Chiêu Hồi chủ yếu phụ trách mặt nổi của chương trình, như tuyên vận, tiếp nhận, huấn chính, phục hoạt. Trong thực tế, nhiệm vụ chính của Bộ Chiêu Hồi là phối hợp hoạt động của nhiều cơ quan chính phủ như Quân Đội, Cảnh Sát, Tình Báo, Thông Tin, Ngoại Giao, Tư Pháp, và quân đội đồng minh, để tiến hành chương trình Chiêu Hồi trong khuôn khổ chương trình Bình Định và Phát Triển, đặc biệt là về mặt tuyên vận chính nghĩa chống chuyên chính vô sản, và về mặt khai dụng người hồi chánh để nắm vững địch tình.
Tổ Chức Điều hành.
Ở
cấp trung ương, Tổng Trưởng Chiêu Hồi được sự giúp đỡ của Phụ Tá Tổng Trưởng
Chiêu Hồi về mặt công tác, của Tổng Thư Ký về mặt hành chánh, của Thanh Tra Trưởng
điều khiển Khối Thanh Tra và Lượng Giá, và của Phụ Tá Kế Hoạch đảm trách Khối Kế
Hoạch Chương Trình. Ngoài Văn Phòng Tổng Trưởng và các Nha Quản Trị, Công Tác,
Phục Hoạt, Pháp Chế, Tiếp Nhận, và An Ninh Tình Báo, ở cấp trung ương còn có
Trung Tâm Chiêu Hồi Trung Ương ở Thị Nghè và Trung Tâm Huấn Nghệ Trung Ương ở
Biên Hòa. Các nha được chia thành sở, sở chia thành phòng, phòng chia thành
ban.
Ở cấp quân khu có Văn Phòng Đại Diện Chiêu Hồi và Trung Tâm Chiêu Hồi cấp quân khu.
Ở cấp tỉnh có Ty Chiêu Hồi do Trưởng Ty điều khiển, và Trung Tâm Chiêu Hồi cấp tỉnh. Riêng Đô Thành Sài Gòn có Sở Chiêu Hồi do một Chánh sự vụ điều khiển.
Ở cấp quận có Chi Chiêu Hồi do Trưởng Chi cầm đầu. Cấp quận không có trung tâm tiếp nhận thường trực.
Ngành Chiêu Hồi không có cán bộ cấp xã. Phần vụ chiêu hồi ở xã do cán bộ Thông Tin phụ trách.
Nhân viên Bộ Chiêu Hồi ước chừng 11.000 người, gồm công chức chính ngạch, công nhật, hợp đồng, quân nhân biệt phái, cán bộ chiêu hồi, và 90 đại đội võ trang tuyên truyền tuyển chọn trong số cán binh cộng sản ra hồi chánh.
Quản trị Tài chánh
Khi
còn là Phân Ban Chiêu Hồi, các chi phí về chương trình Chiêu Hồi liên quan đến
người Hồi Chánh do Quỹ Tạm Ứng Chiêu Hồi đài thọ. Quỹ này là một quỹ ngoại ngân
sách do viện trợ Mỹ yểm trợ (1). Các chi phí điều hành (lương nhân viên, trụ sở,
vật liệu, văn phòng phẩm) thì do Bộ sở quan (Bộ Công dân vụ, Phủ Thủ Tướng, Bộ
Thông Tin) đảm trách.
Khi trở thành một bộ, Bộ Chiêu Hồi có ngân sách riêng, có quy chế và thể lệ dự trù, duyệt xét, chi tiêu, thanh lý, hậu kiểm, y hệt ngân sách các bộ khác của chính phủ. Ngân sách này có 2 phần:
· Phần ngân sách quốc gia phụ trách việc chi trả các khoản điều hành.
· Phần ngân sách viện trợ Mỹ chi trả các khoản liên quan đến người Hồi Chánh: tuyên vận, tiếp nhận, tưởng thưởng, nuôi ăn, may mặc, huấn chính, huấn nghệ, hoàn hương (trở về làng cũ), định cư (thiết lập làng mới), và lương và công tác phí cho các đội viên võ trang tuyên truyền.
Việc quản trị và thanh lý các ngân khoản thuộc phần ngân sách quốc gia được thực hiện theo thể lệ tài chánh quốc gia. Đối với phần ngân sách ngoại viện, Bộ Chiêu Hồi không trực tiếp chi dụng và quyết toán, mà ủy ngân cho các tỉnh để các Trưởng Ty chi dụng và thanh lý với Ty Tài Chánh tỉnh, theo thể thức chi tiêu đặc biệt ‘xây dựng nông thôn’. Ngoài ra, Ty Chiêu Hồi còn được Kho Xây Dựng Nông Thôn địa phương yểm trợ trực tiếp ‘thực phẩm phụng sự hòa bình’ và ‘vật liệu xây dựng nông thôn’, theo quyết định của Tỉnh Trưởng, ngoài sự kiểm soát của Bộ Chiêu Hồi (2).
Ngân sách hàng năm của Bộ Chiêu Hồi (thời gian 1967-1974) trung bình chừng khoảng 500-600 triệu đồng Việt Nam phần ngân sách quốc gia, và chừng khoảng 600-700 triệu đồng Việt Nam phần ngân sách ngoại viện.
Thành quả chiêu hồi về mặt tiếp nhận
Từ
ngày bắt đầu thi hành chương trình vào cuối năm 1962 đến ngày 30-04-1975 đã có
khoảng 230.000 cán binh cộng sản ra hồi chánh.
Những năm đầu (1963-1965) và năm cuối (1974) số người ra hồi chánh hàng năm chỉ có chừng vài nghìn. Số người ra hồi chánh lên cao đến 15.000-43.000 mỗi năm trong khoảng thời gian chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tiến hành chương trình Bình Định và Phát Triển từ 1968 đến 1972. Số người ra hồi chánh cao nhất là vào năm 1969 (43.000 người) và năm 1970 (38.000 người).
Cán
binh cộng sản ra hồi chánh phần lớn là cán bộ và bộ đội gốc gác trong nam. Một
số ít là cán binh tập kết nay quay trở lại miền nam. Cán binh Bắc Việt xâm nhập
thì có rất ít, tổng cộng chỉ chừng 4.000-5.000 người. Ngoài ra còn có 3.500 phạm
nhân và 11.500 tù binh thuộc thành phần tân sinh hoạt được Ủy Ban Liên Bộ Chiêu
Hồi, Nội Vụ, Quốc Phòng, và Tư Pháp, tuyển chọn cho cải danh sang qui chế hồi
chánh.
Cấp
bậc cao nhất của sĩ quan ra hồi chánh là thượng tá (Thượng tá Tám Hà). Nhân
viên dân sự cao cấp nhất ra hồi chánh là Trưởng Ty Y Tế tỉnh Pleiku (Bác sĩ Đặng
Tân). Trong số người hồi chánh, có nhà văn có chân trong Hội Nhà văn Việt Nam
(Xuân Vũ Bùi Quang Triết), có nhạc sĩ tác giả khúc nhạc mở đầu của đài phát
thanh giải phóng (Phan Thế), có tài tử điện ảnh của đoàn làm phim Hà Nội (Cao
Huynh), có nhân viên văn phòng Bí Thư Thành ủy Sài Gòn-Gia Định (Tô Minh
Trung).
Thành quả chiêu hồi về mặt phục hoạt.
Tất
cả cán binh cộng sản ra hồi chánh, không những thuộc thành phần tự nguyện mà kể
cả thành phần cải danh, đều được chính quyền phục hồi sinh hoạt bình thường,
cho thủ đắc đầy đủ quyền công dân, và giúp đỡ hội nhập trọn vẹn vào cộng đồng
dân tộc.
Cán
binh cộng sản ra hồi chánh được đưa về trung tâm chiêu hồi. Tùy theo chức vụ và
cấp bậc trong hàng ngũ cộng sản, họ được tiếp nhận ở trung tâm cấp tỉnh, cấp
quân khu, hay cấp trung ương. Riêng cán binh Bắc Việt xâm nhập, tất cả đều được
đưa về trung tâm chiêu hồi trung ương ở Thị Nghè.
Trong
những ngày đầu tại trung tâm tiếp nhận, người hồi chánh được tiếp xúc với nhân
viên an ninh Bộ Chiêu Hồi và nhân viên tình báo các cơ quan bạn để khai báo về
bản thân, về tổ chức và hoạt động của cơ quan cộng sản, về đường giây nằm vùng,
về nơi chôn dấu vũ khí v.v. Sau đó, người hồi chánh được nhân viên cảnh sát làm
thủ tục cấp thẻ căn cước, và tham gia một khóa học chính trị cơ bản. Người hồi
chánh còn được đưa đi tham quan phố phường, chợ búa, bệnh viện, trường học, xưởng
dệt kim, nhà máy cán thép, trại cây ăn trái, để biết rõ thực trạng xã hội miền
nam. Trước khi rời trung tâm chiêu hồi, người hồi chánh được hỏi về nguyện vọng
sau khi hoàn hương, để được tùy nghi giúp đỡ. Thời gian ở trong trung tâm tiếp
nhận là 2 tháng. Người hồi chánh được nuôi ăn ngày 3 bữa và được cấp phát 2 bộ
quần áo. Khi rời trung tâm để về với gia đình, người hồi chánh được cấp vé xe,
vé tàu, và tiền hoàn hương.
Những
người có nguyện vọng học thêm nghề để kiếm sống sẽ được đưa đến các trung tâm
huấn nghệ cấp quân khu hoặc cấp trung ương. Họ được tự do lựa chọn ngành nghề:
nghề may, nghề mộc, lái xe và sửa máy xe, sửa điện nhà, radio, tủ lạnh v.v. Tại
các trung tâm huấn nghệ, người hồi chánh cũng được nuôi ăn. Sau khi thành nghề,
họ được giới thiệu kiếm việc làm.
Những
hồi chánh viên quê quán miền bắc không muốn ở các vùng thị tứ, những hồi chánh
viên không còn thân nhân, hoặc không muốn trở về làng cũ, thì đuợc đưa đến định
cư ở các làng Chiêu Hồi. Tại miền nam thuở bấy giờ có khoảng 20 làng Chiêu Hồi.
Mỗi gia đình được cấp 3 mẫu đất canh tác, nông cụ và hạt giống, và lương ăn
trong 6 tháng. Hầu hết các làng Chiêu Hồi được cấp máy phát điện.
Thành quả chiêu hồi về mặt hội nhập.
Thành quả chiêu hồi về mặt hội nhập.
Một
số hồi chánh viên được tuyển dụng làm cán bộ võ trang tuyên truyền. Các cán bộ
này được tổ chức thành đại đội, trang bị phương tiện truyền thanh và vũ khí nhẹ
để thâm nhập vào các vùng xôi đậu làm công tác tuyên vận. Trong mùa hè đỏ lửa
1972, một đại đội võ trang tuyên truyền bị Việt cộng phục kích ở cầu Bồ Bản, Quảng
Trị. Thay vì thúc thủ đầu hàng hoặc trốn chạy qua cầu và sẽ bị bắn chết hết, họ
đã gan dạ trụ lại chống trả. Việt cộng bị bất ngờ và đã bỏ lại hiện trường 68
xác chết đồng đội. Đại đội võ trang tuyên truyền này đã được Bộ Tư lệnh Quân
đoàn I tuyên dương và Bộ Chiêu Hồi tưởng thưởng.
Ngoài
những chức vụ đặc biệt dành riêng để tuyển dụng các hồi chánh viên cao cấp như
Tham Nghị đặc biệt (cấp Tổng Giám đốc) và Tham Nghị (cấp Giám đốc), một số hồi
chánh viên có năng lực và tinh thần hợp tác được tuyển dụng vào các chức vụ chỉ
huy thường chỉ dành cho các sĩ quan biệt phái hay công chức chính ngạch cấp đốc
sự hoặc tham sự như giám đốc nha, chánh sự vụ sở, quản đốc trung tâm, chủ sự
phòng. Những nguời này đã thực sự quên đi dĩ vãng và dốc lòng phục vụ chính quyền
Việt Nam Cộng Hòa với niềm tin tưởng mãnh liệt vào chính sách Đại Đoàn Kết Dân
Tộc (3).
Một
số hồi chánh viên được tuyển dụng làm cán bộ võ trang tuyên truyền đã được sung
vào các Thuyết Trình đoàn của Bộ Chiêu Hồi để thường xuyên đến các trường học,
các xưởng máy, các tổ chức cộng đồng tôn giáo và xã hội, để nói chuyện cho đồng
bào nghe về thực trạng miền bắc xã hội chủ nghĩa. Năm 1972, một đoàn thuyết
trình gồm những người sinh trưởng trên đất Thái đã được đưa qua Thái Lan để nói
chuyện cho kiều bào sinh sống tại vùng đông bắc Thái nghe về thực trạng xã hội
miền nam. Hồi chánh viên Mai Văn Sổ được đưa qua Paris sinh hoạt với Việt kiều
và hai tháng sau Mai Văn Bộ mất chức Tổng Đại Diện Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tại
Pháp. Hồi chánh viên Hồ Văn Bửu được đưa qua New Delhi nói chuyện về thực chất
Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ Hòa Bình nhân dịp Bộ trưởng Việt Cộng Nguyễn Thị Bình
thăm viếng Ấn Độ. Hồi chánh viên Bùi Công Tương được đưa qua Úc làm chứng trước
tòa rằng nhà báo Alfred Burchett viết lách gian dối, không khách quan, khi tường
thuật thực trạng tại các vùng giải phóng ở miền nam Việt Nam, trong một vụ kiện
đòi bồi thường danh dự giữa nhà báo ấy và một vị nghị sĩ Úc.
Trắc nghiệm thành quả.
Chiều
ngày 27-1-1973, Bộ Chiêu Hồi được lệnh của Phủ Tổng Thống tiếp nhận ngay trong
đêm 11.500 tù binh cải danh hồi chánh do quân đội chuyển giao từ các trại tù
binh Biên Hòa, Cần Thơ và Phú Quốc. Công việc phải hoàn tất trước 8 giờ sáng
ngày 28-1-1973 là thời điểm hiệp định Paris có hiệu lực. Khả năng tiếp nhận của
các trung tâm chiêu hồi trong toàn quốc là 5.400 người, nay phải tiếp nhận một
lúc hơn gấp đôi số lượng, Bộ Chiêu Hồi phải đương đầu với nhiều khó khăn về chỗ
ngồi chỗ nằm, về nuôi ăn, về vệ sinh, về trật tự. Tuy rằng mọi việc cũng đã được
giải quyết ổn thỏa, nhưng trong bối cảnh vừa mới đình chiến, vừa cận kề ngày Tết,
những tù binh cải danh này nếu không chuyển qua quy chế hồi chánh thì giờ này
đâu còn bị giữ lại trong các trung tâm chiêu hồi mà đã được trao trả cho Việt cộng
và trở về với gia đình. Đương nhiên là tinh thần họ rất giao động, và viễn tượng
an ninh tại các trung tâm tiếp nhận thật là đen tối. Bộ Chiêu Hồi đã linh động
chỉ lập danh sách theo địa chỉ cư trú rồi cấp giấy hoàn hương và lộ phí cho tất
cả 11.500 người này về nhà ăn Tết 15 ngày, sau đó sẽ đến trình diện cơ quan
chiêu hồi địa phương để nhập trung tâm, làm thủ tục cấp thẻ căn cước, theo các
lớp huấn chính, huấn nghệ. Việc làm này của Bộ Chiêu Hồi vừa để giải quyết khó
khăn trước mắt, vừa để trắc nghiệm mức độ thành thật cải hối của các tù binh cải
danh. Bộ Chiêu Hồi ước lượng chừng 20% sẽ bỏ đi theo Việt cộng, nhưng trong thực
tế chỉ có 4,7% trong số họ đã bỏ đi không ra trình diện mà thôi.
Sau
ngày 30-4-1975, tất cả tập thể hồi chánh viên mà Việt cộng thường gọi là thành
phần chiêu hồi chiêu hàng, nếu không chạy được ra nước ngoài, đều bị đưa ra toà
xét xử về tội phản bội cách mạng. Một số bị kết án tử hình. Ngoài ra thì bị đưa
vào giam giữ ở các trại tập trung, y hệt các nhân viên quân sự và dân sự của
chính thể Việt Nam Cộng Hòa. Giữa những người tù chính trị trong các trại giam
của Việt cộng không hề có sự phân biệt thành phần chiêu hồi và ngụy. Nếu trong
hàng ngũ những người tù thuộc thành phần chiêu hồi có những phần tử xun xoe, bợ
đỡ, lập công với cách mạng, thì tỷ lệ những phần tử này còn thấp hơn tỷ lệ
trong hàng ngũ những người tù thuộc thành phần không phải chiêu hồi mà Việt cộng
gọi là thành phần ngụy. Đây lại thêm một biểu hiện về thành quả hội nhập của
các người hồi chánh vào cộng đồng dân tộc sinh sống dưới chính thể Việt Nam Cộng
Hòa.
Kết Luận.
Chương
trình Chiêu Hồi của Việt Nam Cộng Hòa là một chương trình thành công. Chương
trình Chiêu Hồi ngày đó đã bắc nhịp cầu thông cảm giữa những người ở trong
chính quyền chống cộng tha thiết với tiền đồ quốc gia dân tộc, với những người ở
trong hàng ngũ cộng sản nhưng ý thức sự lầm lạc của mình, đã ngu muội chiến đấu
cho chủ nghĩa cộng sản mà cứ tưởng là phục vụ quyền lợi của quê hương, của dân
tộc. Chương trình Chiêu Hồi ngày đó mãi đến nay vẫn còn lưu chút dư hương ngọt
ngào trong lòng những người không may phải sống trở lại trong vòng kềm kẹp của
chính thể chuyên chính vô sản.
A20 Minh Vũ Hồ
Văn Châm
*Chú Thích:
1. Các ngân khoản ứng trước do Quỹ Tạm Ứng Chiêu Hồi lập ra để ủy ngân cho các địa phương trước năm 1967 phần lớn chưa được thanh lý. Đầu năm 1972, Bộ Chiêu Hồi cho lập Ủy ban Liên Bộ Chiêu Hồi, Tài Chánh, Giám Sát Viện, Ngân Sách Ngoại Viện để thanh lý hồ sơ chi tiêu các quỹ ứng trước đó. Các địa phương không có hồ sơ thanh lý hợp lệ phải hoàn trả ngân khoản được ứng trước. Bộ Chiêu Hồi đã thu lại 57 triệu đồng Việt Nam cho Quỹ Tạm Ứng Chiêu Hồi, và chuyển hoàn tồn khoản của Quỹ Tạm Ứng Chiêu Hồi cho Quỹ Đối Giá Viện Trợ Mỹ.
1. Các ngân khoản ứng trước do Quỹ Tạm Ứng Chiêu Hồi lập ra để ủy ngân cho các địa phương trước năm 1967 phần lớn chưa được thanh lý. Đầu năm 1972, Bộ Chiêu Hồi cho lập Ủy ban Liên Bộ Chiêu Hồi, Tài Chánh, Giám Sát Viện, Ngân Sách Ngoại Viện để thanh lý hồ sơ chi tiêu các quỹ ứng trước đó. Các địa phương không có hồ sơ thanh lý hợp lệ phải hoàn trả ngân khoản được ứng trước. Bộ Chiêu Hồi đã thu lại 57 triệu đồng Việt Nam cho Quỹ Tạm Ứng Chiêu Hồi, và chuyển hoàn tồn khoản của Quỹ Tạm Ứng Chiêu Hồi cho Quỹ Đối Giá Viện Trợ Mỹ.
2.
Thể thức chi tiêu Xây Dựng Nông Thôn được đặt ra để giúp các địa phương không bị
ràng buộc với các thủ tục chi tiêu rườm rà của trung ương, nhờ vậy, các địa
phương có thể linh động giải quyết nhanh chóng các nhu cầu cấp kỳ. Tuy nhiên, nếu
trung ương có thái độ phủi tay (ủy ngân xong là xem như hết trách nhiệm) hay chủ
trương tiếp tay (ủy ngân bừa bãi quá mức nhu cầu để chia chác) thì thể thức chi
tiêu này cũng như việc sử dụng thực phẩm phụng sự hòa bình và vật liệu xây dựng
nông thôn cho người hồi chánh không có sự theo dõi của trung ương, sẽ làm phát
sinh nhiều tệ đoan nhũng lạm. Cuối năm 1969, Bộ Chiêu Hồi cho áp dụng một mẩu
báo cáo hàng tháng đơn giản mà chính xác, các ty chỉ việc điền các số liệu báo
cáo vào các ô thích hợp, nhờ đó, Bộ Chiêu Hồi đã chặn đứng nạn báo cáo ma, và
phát hiện nhiều việc phi lý, tỷ như có ty đã nhận từ kho Xây Dựng Nông Thôn một
số dầu ăn để cung ứng cho người hồi chánh đang ở tại trung tâm chiêu hồi, mà
tính ra thì mỗi hồi chánh viên đã tiêu thụ hàng tháng 1.500 lít dầu ăn.
3.
Tiếc rằng đầu năm 1974, Bộ Chiêu Hồi được giải thể để nhập vào Bộ Dân Vận, và
trước thái độ ngờ vực và rẻ rúng của các cấp lãnh đạo mới, họ đã vô cùng thất vọng.
Bị bãi chức, họ lang thang xó chợ đầu đường. Quản Đốc Trung tâm Chiêu Hồi Trung
Ương Thị Nghè, vốn là Đại úy đặc công Việt cộng, vì quá bi phẫn, đã nhảy lầu tự
sát, may mà không chết, chỉ bị gãy xương. Cuối năm 1974, có sự thay đổi lãnh đạo
Bộ Dân Vận Chiêu Hồi, họ được gọi trở về nhiệm sở cũ. (Lãnh đạo mới của Bộ Dân
Vận có thể là người của phe "ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản" nên đã
xảy ra chuyện đáng tiếc)
__._,_.___
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét