1.2.11

KHÔNG THÍCH CỦA NÀO TRỜI TRAO CỦA NẤY (Part 2)






Trước 1975, khi du khách đến Đà Lạt và ghé Hồ Than Thở đều thấy có một tấm bảng to tướng với những hàng chữ đập vào mắt mọi người:

"TRƯỜNG VÕ BỊ QUỐC GIA VIỆT NAM,
NƠI QUY TỤ NHỮNG CHÀNG TRAI VIỆT CÓ LÝ TƯỞNG QUỐC GIA"

Bây giờ hồi tưởng lại tôi thấy khi đó mình chỉ là một chàng trai có Lý tưởng "Bất đắc dĩ", không biết có ai "Trùng hợp" không nhưng xin các Bác đừng vội "Nhíu mày" vì tôi sẽ xin "Trải lòng" sau đây:

Là một người DI CƯ sống và lớn lên trong 2 nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa, hưởng một nền Giáo dục hầu như trọn vẹn (Không như bây giờ...), mình chỉ có một ước mơ bình thường như các bạn khác là cố gắng học lên cao hay du học để sau này giúp ích cho đời, cho đất nước.

Ở bất kỳ lãnh vực nào cũng hướng về đất nước thì đều là Lý Tưởng cả. Nhưng chỉ vì cái tội ham dzui nên "Thiên bất dung gian", rớt Tú Tài 2 (66-67), năm sau thi lại, vừa đậu thì gặp biến cố Mậu Thân, đưa đến luật Tổng Động Viên của Ton Ton Thiệu khiến mình bị triệt buộc, không thể tiếp tục học và phải nhập ngũ theo học khóa 7/68 Trừ bị Thủ Đức, trước kia TVBQGVN không có một cái gì "Ấn tượng" với tôi cả, chỉ có một vài trường hợp tiếp xúc với các Cùi NT, như khi học thi tại nhà bạn thì Chú của Bạn mình là Cố NT Nguyễn Đức Cần K.19, Binh Chủng Dù, thỉnh thoảng về phép, sau này tử trận tại Khe Sanh. Nhìn hình ảnh NT trong bộ đồ Dù tôi thấy rất hào hùng, bản tính mình lại hay thích xem những phim hành động như Chiến tranh, Cow boy, Kiếm hiệp, Quyền cước.... tỏ rõ cá tính thích phiêu lưu, năng động chứ không thích ngồi một chỗ.

Sau khi bị dính trấu nhà binh, ngồi xem TV, tình cờ có Show Cổ động cho K.25 do Khóa 22B phụ trách, tôi và người bạn lên Đà Lạt chơi, nhân tiện ghé vào trường Võ Bị và gặp Trung Tá Đồng Văn Chân, Trưởng phòng TLC, lại được dịp nghe quảng cáo, sau đó NT cho tụi tôi tập tài liệu về Trường và Đơn ghi danh.

Trở về và chuẩn bị lên đường nhập ngũ, vào Trung tâm 3 Tuyển mộ nhập ngũ khám sức khỏe rồi chuyển qua thụ huấn giai đoạn 1 ở Trung tâm huấn luyện Quang Trung tại Tiểu đoàn Đinh Tiên Hoàng, còn gọi là Tiểu đoàn SALEM vì bảng tên mang mầu xanh SALEM, tôi được sắp xếp về TrĐ3/ĐĐ3/TĐ ĐTH đồng thời có Nguyễn Phùng Gioanh (Tự Gioanh Lồi) ở Trung Đội 2, còn các bạn K.25 thì ở rải rác các ĐĐ và TĐ khác như Bá Dzi, Giang Ngô, Bính Korean, Long Sụn v...v...

Tuần lễ đầu tiên, ngày thì huấn luyện, tối về lo làm đơn xin phép về đi thi vào VB, sau đó chúng tôi được về phép tuần đầu tiên và thi ở trường Petrus Ký, đến khi có kết quả, nhân dịp đi phép, về nhà thì ông anh đã đi dò kết quả và phán: "Mày trượt rồi", buồn 5 phút, tôi nghĩ thôi số phận mình đã an bài phải chấp nhận thôi, đến tuần cuối cùng trước khi mãn khóa Giai đọan 1 để lên Thủ Đức tiếp tục giai đoạn 2, về phép thì ông anh báo "Mày đậu vớt rồi".  Lúc đó tôi bắt đầu phân vân, suy nghĩ có nên tiếp tục Thủ Đức hay ra "đầu thú", nhớ lại những hình ảnh thương tâm của biến cố Mậu Thân và những dịp đi ủy lạo, cứu trợ, xây nhà tạm cho đồng bào nạn nhân ở khu Phạm Thế Hiển, cầu chữ Y, nhìn những hoàn cảnh bi thảm đó tôi cảm thấy mình thật may mắn, những sự đóng góp, chia xẻ nhỏ nhoi đó không thấm vào đâu cả, nếu bây giờ không bị triệt buộc, được du học hay tiếp tục đại học thì tôi cũng không cảm thấy thoải mái, bình thản gì.

Trở về trại thấy trên văn phòng đâu đâu cũng dán danh sách thí sinh trúng tuyển K.25 VBĐL, nhìn vào thấy tên tôi và Gioanh Lồi, thế là hai đứa kéo nhau lên câu lạc bộ, vừa nốc bia vừa nhìn nhau, thằng này hỏi thằng kia cùng một câu hỏi: "Mày đi không?"..."Mày đi không?"..."Mày đi không?"… Cuối cùng thở dài :"Đi mẹ cho rồi".... và đó là giây phút “quyết định lịch sử” của 2 đứa.

Lên Thủ Đức, hai đứa ra "đầu thú" và làm thủ tục để lên Đà Lạt, nhập trường vào đợt 3 với 8 tuần huấn nhục, tôi về ĐĐ E chung phòng với Đức Giang và Chí Mén, còn Gioanh thì về C, gắn Alfa thì ở chung phòng với Tạ Thúc Thái và Phạm Đăng Luyện, tưởng đâu mọi việc sẽ bình thường, dè đâu giông tố đến ào ào, số là 2 ông NT là bạn 2 ông anh mình, Đ/U Hoàng Lê Cường K.16 và NT Nguyễn Như Lâm K.22B tối nào cũng leo vào phòng ngồi tán gẫu làm cán bộ Tiểu đội trưởng Nguyễn Kim Bách cứ đi qua đi lại gầm gừ, với sự phụ họa của TĐT Đỗ Mạnh Trường từ đó mình trở thành "Cao thủ Dã Chiến" lúc nào cũng hận đời và căm thù đàn anh, nhưng sau này "Ra khơi" mình mới biết mang ơn mấy ông anh, vì đó chính là những “Bí kíp” tuyệt chiêu giúp mình đứng vững trên mọi hòan cảnh, kể cả Bí kíp "Trốn phố" nữa các Bác nhé, chơi mà thực, thực mà chơi đấy.

Năm 2010 nhân dịp K.23 họp mặt tại San Jose, hôm Tiền Hội Ngộ, tại nhà một K.23, tôi ghé thăm các NT, nhìn quanh nhìn lại chỉ có một mình là khóa đàn em duy nhất mà thôi. NT Trường nhìn tôi tủm tỉm: "Sao? hôm nay đến đây để ĐÒI NỢ hay TRẢ NỢ ?" Tôi cười: "Cả hai"

 

Qua Trường Mẹ, chúng ta thấy gì ở hình ảnh của người SVSQVB, đó là sự pha trộn giữa TRÍ THỨC và máu GIANG HỒ nhưng không KHÁT MÁU, khác với CS vì chúng ta còn mang tính NHÂN BẢN.

Cái "Không thích của nào.....” vẫn còn dai dẳng triền miên, ngày cả đến kỳ mãn khóa, khi chọn đơn vị, tôi với Huỳnh Văn Đực khi đó 2 đứa là cặp bài trùng cùng "Móc sẩu" với nhau, kỳ này căn bản là phải Đồ Bông, ưu tiên theo thứ tự: Biệt cách 81, Nha Kỹ Thuật, Dù, TQLC, BĐQ...

Biệt Cách 81 thì LĐHợi và Bá Dzi cuỗm mất, Nha Kỹ Thuật thì Đực chớp được, ghế còn lại NHKỉnh phổng tay trên, Dù thì thua sớm còn lại TQLC
còn một chỗ thì chưa gì gặp ngay cái tên "Trời đãi kẻ LỜ QUỜ" làm mình tức ói máu, còn lại BĐQ thì hơi nản vì đã từng nghe danh "3 Tây còn thua Biệt Động" nhưng ít ra cũng còn là đồ Bông và còn chỗ nên Cùi không sợ lở.... chơi luôn, cho nên bây giờ thành ”Cọp sứt móng” là dzậy đó các Bác ạ.



Ra đến đơn vị lại gặp ông SỤN "Không thích của nào ....Part 1" giáng cho món thịt cầy thành "Không thích C
Y nào SỤN trao CY nấy" đâm ra ghiền luôn....
  
    Thời thế xoay vần, nào ai muốn mất nước, tan hàng, đi tù đâu.., thế rồi đành phải chịu.  Vào tù trực diện với lũ đười ươi lúc nào cũng muốn lộn ruột, thử hỏi không "Điên" sao được, những ngày đi lao động, dưới trởi nắng chang chang, 2 người đi chung một Ki đất, mặc quần sì lủng, cởi trần trùng trục, dây thung quần quấn quấn lên cao cho nó "thoáng". Nhớ lại thuở xa xưa, vừa đi miệng lẩm bẩm hát khẽ, mông và chân sàng qua sàng lại nhún nhẩy theo điệu Dzumba, ai dè đâu gió và bụi nó cũng nhún nhảy theo vô tình bay ngay vào mắt thằng Quản giáo, làm mắt nó ngứa liên hồi, thế là nó lôi lên nhà chòi "Làm việc".

Vừa ngồi xuống là đập bàn và văng miểng "Bây giờ anh cho tôi biết qua thời gian cải tạo đến giờ anh đã tiến bộ được gì rổi" Tôi đáp :"Tiến bộ quá cán bộ ạ". Hắn tức quá :"Tiến bộ cái gì anh nói cho tôi nghe". "Này nhé cán bộ thấy không, trước đây tôi là một người ăn chơi, trác táng, Tứ đổ tường tôi không chừa cái gì hết, không hề biết cái xẻng cái cuốc là gì hết, bây giờ vào đây mấy thứ đó tôi đã DT KHÓAT bỏ rồi (Hic...Có đâu mà giữ.....) và biết cầm cái cuốc cái xẻng, như vậy là tôi tiến bộ chưa từng thấy trên cõi đời này, cán bộ phải biểu dương tôi chứ, sao lại phê bình, chỉ trích tôi ?"..... Thế là một màn ra đứng trước trại nghe đọc lệnh nhốt Biệt giam.

Có một người bạn mới chuyển trại về, anh tặng tôi chiếc nón Beret đen, tôi thích quá, nhớ lại thuở xa xưa, thế là lúc nào tôi cũng đội lên đầu theo kiểu Quân đội mình, một lần vào buổi trưa nắng, cả trại đang ngồi chờ báo cáo quân số trước khi xuất trại thì tên cán bộ võ trang đang ngồi trước mt chỉ về phía tôi :"Anh kia, sửa cái mũ lại", tôi làm bộ không nghe, nó nhắc đi nhắc lại mấy lần tôi mới nói: "Cán bộ hỏi tôi hả ?" "Ừ, anh sửa cái mũ lại"..."Không được đâu cán bộ, cái KIỂU nó vậy rôi đâu có đổi được"...hai bên cứ cù nhầy mãi, tôi nhất định không nhượng bộ, thế là lại một màn đi "Mách Bu", kết quả nón mất + 21 ngày biệt giam.

Khi chuyển tới trại A.20 Xuân Phước, trong đó có LONG SỤN, BỬU, BÍNH, Tr.ẤN, HÙNG CHUỘT, biết rằng thi gian ở đây sẽ bắt đầu cam go, tôi tự nhủ tạm thời mai danh ẩn tích, khoan động đậy, mà sao ông Trời cứ "Chơi" tôi không, tòan "Tặng" tôi những món khó nhai. Đang ngồi nghe thuyết pháp trên hội trường thì tên cán bộ an ninh đến kêu tôi đi làm việc. Vừa ngồi xuống ghế là hắn đập bàn quát "Tối qua ai cho anh ra ngòai đi dán truyền đơn". Tôi đáp "Làm sao tôi có chìa khóa để mở cửa hả cán bộ" . Hắn gầm lên "Không cần biết, bây giờ anh có nhận không? Không nhận thì đi vào biệt giam". Còn cách nào khác đâu, vì đây là cơ hội khủng bố tinh thần, dằn mật những người còn lại, mình chỉ là vật hy sinh mà thôi.

SỤN cũng rơi vào trường hợp này, bởi vậy mới có huyền thoại "Long Bô “Thiên Thần MÓC.....LÒ”. Còn tôi ở phòng kế bên cũng " huy hòang" không kém, mùa đông vừa lạnh vừa mưa, trần nhà thì dột, quần áo khi vào chỉ có bộ đồ tù mỏng dính, nằm trên bục xi măng, cùm một chân, ngày 2 bữa ăn giống nhau với thực đơn (tiêu chuẩn muỗng cà phê) :

- 2 muỗng cơm trộn với khoai mì lát (lọai kỹ nghệ), chan đầy nước muối làm canh.
- 2 muỗng nước để uống.

Nước muối làm sao mà uống được, phải đổ đi, nuốt mấy miếng cơm để cầm hơi, nước uống chỉ liếm một cái đã hết veo, mùa lạnh nước thì ít mà Pi Pi thì nhiều thử hỏi còn gì trong ta, bù lại mình được "giải khuây" rất nhiều, mỗi ngày được xem cả chục cuốn phim đủ mọi loại, Cao bồi, Chiến tranh, Tình cảm, Kiếm hiệp... và "Được" ăn cả chục cái Buche de Noel đã thiệt là đã. Thú thật từ khi bước chân vào quân đội cho đến khi ra tù tôi chưa hề được hưởng một mùa Giáng Sinh và ngày Tết nào với gia đình cả, thành ra kỳ này phải ăn thật nhiều cho bõ ghét. Cuối cùng các chiến hữu phải cứu bồ nhau, hễ ai được kêu ra "Làm việc" là phải tìm cách ra giếng uống thật nhiều nước vào, cứ uống vào rồi đái ra, hết lít này tới lít khác cho đến khi cơ thể đã lọc hết chưa kịp ra mùi Ammoniac, khi trở về buồng giam, vừa đóng cửa lại là "Một.... bé con chui ra (Ha...Ha...) hằng hà cái lon ....đưa ra"...

Sau 47 ngày chúng thả tôi ra, bước đi siêu vẹo, nhìn thân thể tôi cảm thấy mình đúng là người Mẫu lý tưởng cho các lớp về Cơ thể học của Sinh viên Y khoa, giống y chang bộ xương cách trí.

Ra khỏi đây ông Trời còn "Đì" tiếp, ngăn tụi nó không cho tôi nhận đồ thăm nuôi, viết thơ cho gia đình.... Một thời gian dài sau chúng mới "xả cảng", tôi liền liên lạc với gia đình, nhận được tin, gia đình liền lo đi thăm nuôi, 4 anh em tôi đều là Quân nhân ở 4 trại khác nhau, người xa nhất ở ngòai Bắc, tội nghiệp cho gia đình phải lo cho 4 nơi, mỗi lần đi thăm Cha tôi phải mất 2, 3 ngày đường mới tới, gặp mặt Cụ, tim mình cảm thấy "nhói" nhưng phải cố nén xúc động không muốn cho tụi nó thấy và tự nhủ “thôi "Tu" đi đừng để Gia đình phải lo âu về mình”.

Thăm được một lần, đến lần kế tiếp, trước ngày thăm nuôi chúng tôi được thông báo tên những ai có gia đình lên thăm, tôi chuẩn bị sẵn sàng để hôm sau ra gặp Cha, nhưng rồi Trời cứ "bổn cũ sọan lại", sau một đêm ngủ thức dậy, đi vào nhà "Xí" thì thấy ngay một hàng chữ to tướng viết bằng than:| "LĂNG BÁC HỒ". Mọi việc được báo lên trên, tới giờ thăm nuôi tôi mang giỏ đựng đồ ra xếp hàng đợi kêu tên, sắp sửa ra cổng thì tên cán bộ an ninh trại chặn lại: "Anh Trung ở lại làm việc" linh tính báo cho biết "bad news" nhưng tình huống này đã quá quen rồi nên tôi không lộ vẻ gì bối rối hết, chỉ lo cho Cha già đang ở ngòai chờ đợi.

Khi vào phòng làm việc, hắn phủ đầu ngay: "Tối qua anh đã viết khẩu hiệu trong cầu tiêu". Tôi nói: "Tại sao cán bộ lại gán cho tôi điều này, hôm nay gia đình tôi lên thăm, bộ tôi ngu lắm hay sao mà lại đi làm chuyện đó"... "Tôi không cần biết, nếu không làm thì anh phải biết người nào làm, thành thật khai báo thì tôi sẽ cho anh ra gặp gia đình, còn không thì vào trong kia nằm". Quả tình tôi không biết ai làm chuyện đó, nhưng dù có biết tôi cũng không thể bán đứng các Chiến hữu của mình được, cho nên sau khi tôi nói không biết ai, hắn liền tống tôi vào biệt giam không cho thăm nuôi. Phải cố dằn lòng để chúng đừng làm điều gì tổn thương cho gia đình, tội nghiệp cho Cha Già lại phải xách giỏ thăm nuôi lủi thủi đi về, nghĩ tới điều đó chỉ biết gục đầu vào tường.

Một tuần lễ sau chúng kêu tôi ra: "Thời gian qua anh đã suy nghĩ kỹ chưa và có sẵn sàng khai báo không?" Bây giờ máu "Điên" tôi mới thực sự nổi lên: "Chả cần khai báo và cán bộ cũng khỏi cần hỏi làm chi cho mất thì giờ, báo cho cán bộ biết, kể từ giờ phút này tôi không còn là cải tạo viên nữa, mà tôi chỉ là Tù nhân chiến tranh mà thôi, cán bộ muốn làm gì thì làm”.

Thấy mình "Cương" lên rồi hắn bèn đấu dịu, đẩy xấp giấy và cây bút ra trước mặt : "Thôi bây giờ anh hãy viết bản kiểm điểm rồi đưa cho tôi". Tôi bắt đầu viết và viết tất cả những gì tôi đã tuyên bố, biết rằng bút sa gà chết, đời mình lại tiếp tục "khốn nạn" nhưng tôi bất cần, khi viết ra những điều mình muốn viết, thấy lòng mình cảm thấy nhẹ nhõm, bình thản, từ đây không phải nói chuyện với đầu gối nữa.

Thời gian nằm "Ấp" kỳ này trùng vào thời điểm Trương Ấn vượt ngục và bị bắt lại, nằm cách tôi 3 phòng, lúc này mùa khô, trời nóng, chàng khát quá không biết làm sao, đành "Tự biên tự diễn" , tự đái ra rồi uống lại, nằm bên này mà tôi nghe một tiếng "KHA...À...À..."to lớn, cảm tưởng như sau khi nốc 1 ly Cognac, tôi hỏi vọng sang "Đã không mày?" rồi nghe hắn thì thào "Mệ, khai quạ, khai quạ...." vì không chịu nổi mùi ammoniac.

Sau 57 ngày thấy không khai thác được gì chúng bèn thả tôi ra, trường hợp tôi đã thành "ngọai lệ" rồi, nên cứ 3 tờ lịch chúng lại gia hạn tiếp, riết tôi cũng chả còn bận tâm nữa, cứ sống nghêu ngao qua ngày, cho đến ngày chúng thả tôi về (cùng với Trương Ấn). Khi nghe đọc đến tên, vừa đứng dậy vừa lẩm bẩm: "Tui có tội gì đâu mà bắt tui dzìa".

Đấy là những "oan nghiệt" mà ông Trời đã tặng cho tôi, nhưng sau này tôi mới hiểu "thâm ý" của Ngài, Ngài mang đến cho tôi những thử thách để cho tôi luôn tập luyện cái cổ sao cho nó cứng, luôn hướng lên trên "Ngước mặt nhìn Giời" chứ không được cúi gằm mặt xuống mà lầm lủi đi. 

Con xin lỗi và đội ơn Trời...


    A20 Bùi Đạt Trung BĐ/NN K.25


31.1.11

chút tình với kẻ không may







mày gọi tao chắc khoảng nửa đêm
nói không ngủ được, trời quá lạnh
vết thương xưa đạn còn dăm mảnh
giật từng cơn dưới rét miền Trung
cuối năm tao khó có quà mừng
gởi cho mầy chút gì vui tết
cái thứ nghèo làm tao quá mệt
muốn xẻ chia mà chỉ cười trừ
biết tụi mầy ở đó khư khư
ôm cái nhục, thêm đau và đói
tụi mầy đau làm tao nhức nhối
mà bên ngoài – trời nổi gió đông
tao ở đây còn có chăn bông
mầy áo rách nghĩ mà đứt ruột
thằng Đính hỏi mấy câu khó nuốt
bạn bè xưa thăm hỏi gì không ?
chừng nào tao ra Huế lông bông
ghé thăm nó chỗ căn chòi cũ

                      ***
thôi mình đã đến hồi mạt vận
cùng đường cam tâm ở chỗ này
vết đạn thù nhức bao năm nay
đau thêm mấy thấm gì thân thế
tao gởi cho mầy – quà đến trễ
từ tha phương gom góp làm vui
hãy nhận trên những nỗi ngậm ngùi
dù nó như ân đền nghĩa đáp
cứ cám ơn những người khuất mặt
cám ơn thằng banh xác ngày xưa
đã để mầy đội nắng dầm mưa
trên đất giặc mùa xuân không tới
xin lỗi mầy thằng còn một cẳng
chống nạng nhiều năm như ăn xin
trên Việt Nam ghẻ lỡ cùng mình
dưới căm ghét của người chiến thắng
tội nghiệp mấy thằng ngồi xe lăn
không thể chạy trốn ngày tan trận
bò trên đường quê nhà vạn dậm
hai gối xưng vù thay hai chân
Đào ơi Vàng hỡi, lũ thương binh
tụi mầy sống như là đã chết
gởi tụi mầy, mai mốt này – Tết
cố mà vui hỡi những thằng què 

nguyễn thanh-khiết
30-01-2011

(viết cho những thằng thương binh trên đất giặc)


30.1.11

Ba Tháng Với Những Chiến Sĩ Nông Thôn



Đỗ Văn Phúc


Khoảng ba chục tân sĩ quan vừa tốt nghiệp khoá 3/68 trường Bộ Binh Thủ Đức và sáu sinh viên sĩ quan khoá 1 Đại Học Chiến Tranh Chính Trị đang tập họp đông đủ tại hội trường Tiểu Khu Quảng Trị chờ nhận Sự Vụ Lệnh để đến các chi khu công tác trong ba tháng với các quân nhân Địa Phương Quân và Nghĩa Quân vùng Hoả Tuyến.
Từ trường Mẹ ở Đà Lạt, chúng tôi được C-130 chở về Thủ Đô và sau đó đến trường Bộ Binh nhằm lúc khoá 3/68 vừa mãn khoá. Gần như tất cả Sinh Viên Sĩ Quan khoá 1 tham dự Chiến Dịch Diên Hồng, ngoại trừ một số nhỏ ở lại trường để làm cán bộ huần nhẫn khoá 2 mới từ các Trung Tâm Huấn Luyện đưa về.
Hơn hai năm văn ôn võ luyện ở thành phố sương mù, chúng tôi háo hức chờ đợi một ngày nắng đẹp đầu năm để quỳ xuống sân Vũ Đình Trường nhận lãnh bông mai vàng trên cầu vai và trách nhiệm thử thách lớn lao của những sĩ quan Chiến Tranh Chính Trị đầu tiên trong Quân Lực được đào tạo một cách quy củ cũng như được trang bị khá đủ những kiến thức về chính trị xã hội cấp đại học.
Năm 1968, đánh dấu bằng chiến thắng cuộc Tổng Công Kích Mậu Thân do Cộng quân phát khởi trên toàn quốc. Quân lực ta đã loại khỏi chiến trường miền Nam hơn 80% quân số chủ lực và địa phương địch. Cả một hệ thống hạ tầng cơ sở địch bị tiêu hủy vì lộ diện trong trận Mậu Thân. Quân Lực VNCH đang trên đà thắng lợi, làm chủ hầu hết các chiến trường và có khả năng thay thế Quân Lực Hoa Kỳ trên các chiến trường 4 Vùng Chiến Thuật.
Nhưng thay vì loan những tin tức chiến thắng của Đồng Minh, bọn truyền thông phản chiến Hoa Kỳ chỉ khai thác các điểm thất lợi và xuyên tạc rằng Quân Lực Mỹ Việt đã bất lực về phòng thủ, để cho địch tấn công đồng loạt trên toàn lãnh thổ. Thế là chiến thắng quân sự của chúng ta, trước mắt công luận Hoa Kỳ, trở thành sự thất bại, yếu kém. Tổng Thống Hoa Kỳ Lyndon B. Johnson đã phải điên đầu trước những làn sóng phản đối của quần chúng và áp lực của Quốc Hội đòi hỏi Hoa Kỳ sớm chấm dứt sự can thiệp vào chiến cuộc Việt Nam, đem con em của mình ra khỏi cái vùng đất xa xôi bên kia bờ đại dương đầy rẩy những kinh hoàng chết chóc. Cả hai phía Hoa Kỳ và Bắc Việt đều ở thế phải thương thảo để giải quyết cuộc chiến, mà các nỗ lực đã bắt đầu từ tháng 5 năm 1968. Chính Phủ Hoa Kỳ đè nặng áp lực trên Chính Phủ VNCH yêu cầu chúng ta phải tham dự hoà đàm như là một trong 4 thành viên tham chiến. Trong lúc đó, Việt Nam Cộng Hoà không thừa nhận Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam như một thực thể chính trị, mà coi Cộng Sản Hà Nội mới là một đối thủ. Do đó, rất nhiều lần Thống Nguyễn Văn Thiệu đã tuyên bố chỉ nói chuyện với Hà Nội mà thôi. Điều này đã đưa đến sự bế tắc của Hoà Đàm Paris. Về sau, qua nhiều lần thương thảo, đã có sự nhượng bộ cho 4 thành phần tham dự Hội Nghị Paris gồm có Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hoà, Bắc Việt và bọn Giải Phóng. Nhưng lần này lại nảy sinh ra một vấn đề khác: 4 phái đoàn sẽ ngồi như thế nào, trong tư cách 4 phe hay là hai phe?
Người Mỹ, dường như đã quên kinh nghiệm về mưu toan thủ đoạn của Cộng Sản trong Hội Nghị Bàn Môn Điếm (1953-1954) giải quyết chiến tranh Triều Tiên, họ không xem việc sắp xếp chỗ ngồi như là một ẩn ý gì quan trọng. Ngoài việc sử dụng ngôn từ trí trá để có thể giải thích tùy hoàn cảnh, Cộng Sản còn quan tâm đến những hình thức tưởng không mấy quan trọng; nhưng đối với chúng, có thể là công cụ tuyên truyền lừa bịp dân chúng. Việc chúng ta quan tâm đến sự lựa chọn hình dạng chiếc bàn bị phía Mỹ coi là gây phiền nhiễu. Phiá VNCH chọn chiếc bàn dài để hai phe tham chiến – VNCH và Bắc Việt - ngồi hai bên, trong lúc các phái đoàn Mỹ và Mặt Trận ngồi chung với đồng minh của họ. Phe Bắc Việt thì muốn loại VNCH như thành viên chính thức, mà cho rằng phe Giải Phóng là đại diện nhân dân miền Nam, đối đầu với Hoa Kỳ.
Tuy thua đậm về quân sự, nhưng bọn Cộng Sản Bắc Việt và bọn côn đồ Giải Phóng Miền Nam chắc chắn sẽ lợi dụng nội tình rối ren của Hoa Kỳ để mặc cả trong các phiên họp tại hoà đàm Paris. Để chuẩn bị tinh thần và tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của quân nhân và quần chúng trong việc VNCH chấp thuận tham gia đàm phán, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã tái khẳng định lập trường Bốn Không, dứt khoát phải đàm phán trong thế mạnh, không nhân nhượng chút nào cho bọn Cộng Sản xâm lươc. Do đó, song song với các hoạt động dân vận thông tin dân sự, Tổng Thống ra lệnh cho Bộ Tổng Tham Mưu đưa các toán công tác chính trị về tận vùng nông thôn hoạt động “ba cùng”với binh sĩ Địa Phương và Nghĩa Quân cũng như thực hiện dân vận trong các cấp xã ấp, quần chúng nông thôn.
Mục tiêu của Chiến Dịch Diên Hồng là giải thích lập trường dứt khoát của chính phủ và tác động tinh thần quân sĩ địa phương để họ vừa chiến đấu bảo vệ thôn làng một cách hữu hiệu vừa thu phục nhân tâm không cho kẻ địch xâm nhập lôi cuốn.
Đích thân Tổng Thống VNCH đã đến hội trường của Trường Bộ Binh chủ tọa lễ xuất quân rầm rộ chưa từng có trong các lần chiến dịch. Chúng tôi thấy tầm quan trọng được đắt ở một mức độ rất cao, và thâm tâm rất hãnh diện được góp mặt trong một chiến dịch lịch sử.
Các sĩ quan tham gia chiến địch được chia thành khoảng 45 đoàn. Mỗi đoàn do một sĩ quan kỳ cựu hướng dẫn chịu trách nhiệm một Tiểu Khu hay Đặc Khu. Mỗi đoàn sẽ có một số toán tuỳ theo con số chi khu trực thuộc tiểu khu. Toán có 4 người, do một SVSQ/CTCT làm trưởng toán và 3 tân sĩ quan khoá 3/68. Họ sẽ phối hợp với các Chi Khu để được đưa đến tận các đại đội Địa Phương Quân và các Trung Đội Nghĩa Quân hoạt động.
Các quan lớn trong Bộ Tổng Tham Mưu quên mất một điều rất tế nhị là: trong lúc các toán viên là sĩ quan (tuy mới mang cấp Chuẩn Úy), thì người trưởng toán chỉ là SVSQ (dù sắp ra trường mang cấp Thiếu Úy). Không có một huấn thị nào về việc chúng tôi sẽ mang cấp hiệu gì để chỉ huy mấy ông sĩ quan; chúng tôi đã tự giải quyết lấy. Có anh khiêm tốn mua hai cái Omega gắn lên cổ áo; có anh bạo hơn, đeo một bông mai; vài anh cứ giữ nguyên cấp hiệu alpha của SVSQ.
Tôi bắt thăm trúng một chi khu nào đó tận miệt Sa Đéc; nhưng may mắn hoán chuyển cho một người bạn để về Chi Khu Đông Hà là quê nhà của tôi. Dù ở vùng tuyến lửa đầu của Tổ Quốc, Chi Khu Đông Hà may mắn ít chiến sự, vì đó là một thị xã phồn thịnh, lại được đặt bản doanh của Sư Đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ và Trung Đoàn 2 thiện chiến nhất của Sư Đoàn 1 Bộ Binh. Nơi đây có một phi trường dã chiến nhưng bận rộn không thua gì phi trường Đà Nẳng. Nếu trí nhớ của tôi không đến nỗi tồi, thì Chi Khu Đông Hà chỉ có một Đại Đội ĐPQ đóng ngay tại bờ Bắc của Cầu Đông Hà, trên đường Quốc Lộ 1 đi ra khu Phi Quân Sự ở Bến Hải. Tôi không nhớ rõ con số các Trung Đội Nghĩa Quân ở các xã là bao nhiêu.
Trước năm 1964, tổ chức quân sự của tỉnh đặt dước quyền một Phó Tỉnh Trưởng Nội An vừa kiêm luôn chức Tỉnh Đoàn Trưởng Bảo An. Các vị này thường là cấp Đại Úy chính quy được biệt phái. Chủ lực của tỉnh là Bảo An Đoàn, và Dân Vệ Đoàn thoát thai các lực lượng Bảo Chính Đoàn (Bắc Việt), Nghĩa Dũng Đoàn (Nam Việt) và Việt Binh Đoàn (Trung Việt), và trực thuộc Bộ Nội Vụ. Tiêu chuẩn theo học Sĩ Quan Bảo An thấp hơn tiêu chuẩn của Sĩ Quan Trừ Bị. Tuy cùng học một học trình và thời lượng như nhau, nhưng tân sĩ quan Bảo An ra trường mang cấp Thiếu Úy trong khi sĩ quan Trừ bị ra cấp Chuẩn Úy. Họ mang một hoa thị 8 cánh màu bạc trên nền xanh lá cây. Trang bị từ quân phục đến vũ khí, lương bổng đều kém xa quân chính quy. Bù lại thì các chiến sĩ Bảo An phục vụ tại quê nhà, không phải chịu chiến trận như các đơn vị Bộ Binh.
Ngày 7-5-1964 Bảo An Đoàn được chuyển thành Địa Phương Quân, thuộc Bộ Quốc Phòng.  Ngày 12-5-1965, Dân Vệ Đoàn thành Nghĩa Quân, cũng thuộc Bộ Quốc Phòng.  Sắc lệnh số 161/SL/CT ngày 22-5-1964 chính thức sáp nhập Địa Phương Quân và Nghĩa Quân vào Quân Lực VNCH. Chính Phủ VNCH thành lập các Vùng, Khu Chiến Thuật,Tiểu Khu, ặc Khu, Chi Khu. Từ đó, các vị Tỉnh Trưởng là quân nhân, cấp Trung Tá hay Đại Tá và kiêm luôn chức vụ Tiểu Khu Trưởng. Cấp số Tiểu khu tương đương cấp Lữ Đoàn. Tổ chức, phiên chế của ĐPQ không khác mấy các đơn vị chính quy; chỉ có Nghĩa quân là còn mang sắc thái cũ.
Tâm lý dân chúng thường coi nhẹ binh chủng Địa Phương Quân, do họ thoát thai từ Bảo An Đoàn vốn kém cỏi về nhiều phương diện. Nhưng những năm dài chiến cuộc đã chứng minh sự sai lầm này. Đã có nhiều đơn vị Địa Phương Quân sát cánh chiến đấu cùng Chủ Lực Quân, tạo nên nhiều chiến tích vang dội. Họ là những người canh giữ phố phường, làng mạc để cho chủ lực rảnh tay hành quân diệt địch trong các vùng núi non, rừng rậm.
Những năm 1965-1966, khi tôi còn làm việc cho Cố Vấn Foster của Cơ quan Chống Khủng Bố tại Quảng Trị, chúng tôi đã nhiều lần đi thăm các đơn vị địa phương, gặp nhiều cấp chỉ huy Nghĩa Quân rất xuất sắc, táo bạo. Họ rành rọt từng đường đi nước bước của du kích Cộng Sản; họ biết hết những bí ẩn lý lịch của từng người trong xã. Và đặc biệt, tinh thần chiến đấu của họ rất vững vàng. Thiếu Tá Vũ Đức Vọng, xuất thân từ hàng Hạ Sĩ Quan Bảo An, theo học khoá sĩ quan đặc biệt. Năm 1965, khi còn Thiếu Úy, ông làm Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Lê Văn Vu của Lực Lượng Biệt Chính. Chúng tôi gặp ông nhiều lần, biết ông bản lãnh và có tài chỉ huy, óc tổ chức. Cố Vấn Foster nói với tôi rằng ông Vọng rất có tương lai trong binh nghiệp. Quả thế, cuối năm 1968 khi tôi trở lại Quảng Trị trong Chiến Dịch Diên Hồng, ông đã là Đại Úy Trưởng Khối Chiến Tranh Chính Trị Tiểu Khu. Ông đã làm các toán viên Diên Hồng thán phục ngay trong cuộc tiếp xúc đầu tiên với giọng nói hùng hồn, đầy sức thuyết phục và một kiến thức về chính trị vững vàng.
Tôi có duyên với ông, trong gần 4 năm cuối cùng ở trại tù khổ sai Xuân Phước A-20, tôi lại gặp ông. Anh em chia sẻ nhau từng miếng đường, hại muối. Gia đình ông nghèo, ở xa, không thăm nuôi tiếp tế. Nhưng ông vẫn giữ tư cách, khí phách hơn người, luôn luôn đứng thẳng trước cường quyền. Ông là một tấm gương rất tốt để chúng tôi học hỏi, sống xứng đáng là một quân nhân QLVNCH giữa vòng lao lý, cùm kẹp, khủng bố của địch. Chúng tôi thật lòng kính phục và yêu mến ông.
Toán của tôi có ba anh Chuẩn Úy: Võ Trung, Lê Văn Nở, và Nguyễn Vâng. Trung và tôi là bạn thưở thiếu thời, đều có nhà ngay ở thị xã Đông Hà. Vâng thì có nhà ở Quảng Trị; chỉ có Nở người miền Nam. Tôi đưa Nở về ở nhà mình, có Mẹ tôi lo cơm nước. Địa bàn Chi Khu Đông Hà không rộng, các xã chỉ quanh quẩn chừng năm mười cây số quanh thị xã. Do đó, chúng tôi thường đi đi về về trong ngày đèo nhau trên hai cái xe Honda. Đầu tiên là Đại Đội Địa Phương đóng ngay cầu Đông Hà do một Thiếu Úy người Nam chỉ huy. Sau đó là lịch hoạt động đến từng trung đội Nghĩa Quân. Chúng tôi ở với mỗi trung đội vài ba ngày. Binh sĩ của chi khu có một số biết tôi. Vì thế, việc “ba cùng” với họ rất dễ dàng. Họ mời luôn cả dân làng đến cùng tham dự rất đông và hào hứng. Sau những buổi sinh hoạt học tập, họ mạnh dạn nêu lên câu hỏi rất mộc mạc, đơn giản; có lẫn cả những chuyện tâm tình riêng tư. Và chắc chắn thế nào cũng có những bữa cơm đạm bạc mang màu sắc địa phương cùng chai rượu trắng thật nồng. Người dân vùng Quảng Trị thường có ý thức chính trị khá cao, và có lòng trung thành với lập trường của mình; dù họ theo bên nào.
Tuần lễ thứ ba, chúng tôi được Chi Khu yêu cầu tham dự một cuộc hành quân thanh lọc kéo dài hơn mười ngày ở một xã xôi đậu phiá tây bắc thị trấn. Trong khi các đơn vị của Trung Đoàn 2 BB của Trung Tá Vũ Văn Giai bất ngờ bao vây và hành quân vòng ngoài để giữ an ninh để nội bất xuất ngoại bất nhập; Chi Khu chịu trách nhiệm tập trung dân xã lại để ban 2 kín đáo thanh lọc, ban 5 lo sinh hoạt dân vận, chính trị. Đại khái công việc thanh lọc gồm có kiểm soát đối chiếu tờ khai gia đình, thẻ kiểm tra, thẻ cử tri để tìm những kẻ khả nghi. Đối với thanh niên và trung niên thì có điềm chỉ viên che mặt để nhận dạng ai là du kích hay là người có liên hệ với du kích. Dân xã phải đem mùng mền chiếu gối vào ở trong khu thanh lọc trong suốt cuộc hành quân. Ban 4 Chi khu lo lắng việc ăn ở chu đáo cho họ, trong khi ban 5 đưa đoàn văn nghệ vào giúp vui mỗi đêm. Chuẩn Úy Lâm Điển, trưởng ban 5, vừa ăn nói nhỏ nhẹ, vừa ca hay, là cái đinh của những đêm vui đó. Điển và tôi là bạn học cùng lớp hồi Tiểu Học. Anh trắng trẻo, hiền lành thường bị bọn học trò ba gai ăn hiếp. Tôi đã có lần đánh lộn với anh Phước để bênh bạn khi Phước cầm ngược cây bút để anh Điển vừa ngồi xuống thì bị đâm vào mông đến chảy máu. Phước sau này cũng đi lính thứ dữ và đã hy sinh đâu đó khoảng 1970.
Thoạt đầu, những ngày chúng tôi mới đến trình Sự Vụ Lệnh, Thiếu Tá Chi Khu Trưởng Đông Hà có vẻ e ngại chúng tôi như là những tai mắt của Trung Ương về dòm ngó tình hình địa phương. Vì thế, ông tiếp đón rất trịnh trọng nhưng dè dặt. Thật sự, chúng tôi chỉ có nhiệm vụ báo cáo hàng tháng trong cuộc họp ở Tiểu Khu, và báo cáo về trung ương các hoạt động và thành quả tạm thời của toán cũng như báo cáo về tinh thần binh sĩ. Hoàn toàn không có chuyện xen vào nội bộ các chi khu, khác với chiến dịch Kiện Toàn Đơn Vị của khoá 4/CTCT tại vùng 4 Chiến Thuật. Sau này thì quan hệ của chúng tôi thật tốt đẹp và cởi mở.
Những ngày sinh hoạt với anh em Nghĩa Quân, tôi được về những vùng quê xa; học hỏi thêm nhiều nếp sinh hoạt văn hoá của đồng bào mình, biết thêm nhiều cảnh sắc mà thiếu thời không có dịp khám phá. Xin nhắc lại trong biến cố Tết Mậu Thân, Đông Hà và các vùng quê lân cận đã được hoàn toàn yên ổn, trong khi Thị Xã Quảng Trị bị hang ngàn Cộng Quân xâm nhập đánh tận vào Cổ Thành nơi có Bộ Chỉ Huy của Tiểu Khu. Những trận đánh lớn giữa Cộng quân và các chiến sĩ Trung Đoàn 1 Bộ Binh đã xảy ra kéo dài nhiều ngày. Cộng quân đã gánh chịu tổn thất rất cao vì  không nắm được địa thế, đi lạc vào các ổ phòng ngự kiên cố của ta.
Cũng như hầu hết các chiến dịch, chương trình của chính phủ, khi phát pháo ra quân thì rầm rầm rộ rộ, cờ xí rợp trời, nhạc trống vang lừng. Nhưng khi kết thúc thì âm thầm, lặng lẽ.
Đâu đó khoảng tháng 3, 1969, chúng tôi kết thúc chiến dịch Diên Hồng. Các trưởng toán ghé qua Tiểu Khu nhận mỗi người một bằng Tưởng Lệ cấp Lữ Đoàn rồi lên xe về Huế chờ chuyến bay trở về đơn vị. Không một lễ bế mạc cho ra hồn, tương xứng với lúc xuất phát có cả Nguyên Thủ quốc gia chủ tọa. Không rõ các báo cáo của chúng tôi có được đem ra một ủy ban nào đó trong Bộ Quốc Phòng (hay chí ít tại Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị) nghiên cứu để tìm phương lược cải thiện hay bị xem như đống giấy vụn đi vào quên lãng.
Dù sao, qua ba tháng sinh hoạt với các chiến sĩ Địa Phương Quân, Nghĩa Quân, cũng cho chúng tôi một cách nhìn lạc quan, thiện cảm với những người lính vốn bị nhiều thiệt thòi trong toàn bộ Quân Lực VNCH.,


Đỗ Văn Phúc
Cuối năm Canh Dần, Feb-2011



Cành mai vỡ vụn


Qua tết là bắt đầu thê thảm
Sau những ngày hò hát quốc ca
Duy Trác nhà nghề đi tiền trạm
Theo sau lần lượt hốt từng nhà
Biệt giam mùa xuân như mở hội
Vừa hết kẻ vào tới người ra
Những cái cùm bắt đầu nóng hổi
Lũ thép quen hơi máu người nhà
Giặc có cách lần dò dấu vết
Ta có chiêu tịnh khẩu như bình
Lẽ dĩ nhiên rốt cùng đoạn kết
Cái thắng về phần kẻ cầm binh
Sau tết ngồi thương cành mai vỡ
Mai vỡ từng cành ta thấy đau
Hôm nào cao giọng cùng hớn hở
Giờ trông tan tác buồn làm sao
Chung một con sông cùng chèo chống
Qua khúc quanh xuồng gãy tay chèo
Nước cuốn bèo trôi nhìn vô vọng
Chiếc lá trên cành cũng buồn theo
Biệt giam chỉ cách vuông sân rộng
Giặc gác ngày đêm trên tháp cao
Nhiều khi cũng muốn giang tay chống
E động khắp vùng gây xôn xao
Những cánh mai vàng chưa phai nhụy
Rụng tan thương dưới đám gió rừng
Buồn quá đỗi thèm làm chốt thí
Đổi lái một lần để qua bưng
Tám năm ta hoá thành nhu nhược
Thấy chết can tâm trố mắt nhìn
Suy cạn nghĩ cùng thôi nhường bước
Cố nén cho qua cơn bực mình


nguyễn thanh-khiết
Sau tết 1984



6.1.11

Đầu năm, nhớ lại chuyện ăn cỏ kiểng trong tù cải tạo !



Vũ Ánh
(01/01/2011)

(Tặng những đồng đội cựu tù cải tạo trại A-20 và các trại khác)

Tôi không nghĩ là những người không ở trại trừng giới A-20 Xuân Phước, một trải cải tạo thuộc vào một trong những trại khắt khe nhất trên toàn cõi Việt Nam có thể biết cỏ kiểng là cỏ gì, tại sao gọi là cỏ kiểng và tại sao chúng tôi lại phải ăn cỏ kiểng. Nói thật với các bạn, gần đây có dịp đọc lại cuốn hồi ký của người tù Hỏa Lò John McCain, trong đó ông cho biết những tù binh Mỹ bị giam ở đây do không hiểu rau muống là gì nên đã gọi rau muống là “cỏ” và họ phản đối ban quản trị đã buộc họ phải ăn cỏ, nên tôi mới viết lại chuyện ăn cỏ kiểng vì một số anh em trong trại A-20 chúng tôi từ thập niên 80 đã phải ăn cỏ thật chứ không phải là “cỏ rau muống” như tù binh Mỹ tại Hỏa Lò. Cỏ đó chúng tôi gọi là cỏ kiểng. 


Gọi đó là cỏ vì chúng tôi không phải là nhà thực vật học nên không hiểu rõ loại lá cây mà chúng tôi ăn là lá gì nên gọi đại là cỏ cho được việc làng nước cốt, vì lá gì thì cũng chỉ cốt sao nhét đầy vào cái bụng cũng trống cho đỡ đói mà thôi. Nhưng tôi phải mô tả chi tiết một chút thì quí vị mới có thể hiểu được. Trại A-20 không phải chỉ có một trại mà có tới 4 trại khác nhau, mỗi trại cách nhau ba bốn cây số và đều do các tù nhân của chuyến trở về từ Guam của tầu Việt Nam Thương Tín xây dựng. Trại E là trại chúng tôi phải sống lúc đầu, là trại ngoài cùng, khang trang nhất, nhà ngói, vườn rau, ao cá và những hàng dừa thẳng tắp, nhưng lại là trại ghê gớm nhất, với kỷ luật khắt khe với việc trừng phạt trong cuồng cọp tối đa có khi tới 5 năm, nhất là vấn đề thăm nuôi, gởi quà qua bưu điện cực kỳ khó khăn.

5.1.11

Quảng Nam - Đà Nẵng tuy gần mà xa



Nguyễn Chí Thiệp


  Nằm trên quốc lộ, làng Thanh Quít cách Hội An 14 km và Đà Nẵng 16 Km tính theo đường cũ qua Liên Trì - Cẩm Lệ, hoặc 22 km tính theo quốc lộ mới qua Ngã Ba Huế - Cầu Đỏ.

Dân Thanh Quít sống bằng nghề dệt và trồng thuốc lá. . . Chợ Vải, trước chiến tranh là trung tâm buôn bán vải, sợi, tơ, bông của vùng bắc Phủ Điện Bàn. Chợ vải có nhà lồng chợ lợp ngói, hai dãy phố, có phố lầu, có cửa hàng tạp hóa, tiệm thuốc bắc của người Trung Hoa. Trồng và buôn thuốc lá là nghề thứ hai. Thuốc lá trồng nơi đây là loại thuốc nổi tiếng cả tỉnh, gọi là thuốc Cẩm-Lệ. Vào mùa Tết âm lịch, cánh đồng thuốc bạt ngàn, bao gồm các làng Thanh Quít, An Tự, Thanh Tú, Hà Thanh, Bích Trâm, Lục Giáp, Viêm Tây, Ngân Căn, Tứ Câu... Rộng hơn cánh đồng thuốc lá Cẩm Lệ nhiều lần. Thị trường tiêu thụ loại thuốc này là Huế, Thừa Thiên và Quảng Trị. Những nhà buôn sĩ người Cẩm Lệ đã thu mua và vượt đèo Hải Vân đưa thuốc lá ra bán cho các nhà chế biến thuốc xắt thành sợi tại Huế, và tên thuốc lá Cẩm Lệ phát xuất từ đây. Sau nầy, nhiều người Thanh Quít chế biến thuốc và trực tiếp bán về Huế, mở rộng thị trường vào Qui Nhơn, Nha Trang, Đà lạt, nhưng cũng không lấy lại tên thuốc cho làng Thanh Quít, mà vẫn phải gọi tên là thuốc Cẩm Lệ như là một danh từ chung. Tên gọi đã thành quen trên thị trường thuốc lá, biết sao?

Tôi sinh ra và lớn lên trong cái hương nồng quen thuộc của thuốc lá. Đến mùa hái thuốc ở đâu cũng thấy lá thuốc, cũng hửi thấy mùi thuốc, ngoài đồng, trong nhà... Lá thuốc được ghim thành từng xâu, căn phơi nhiều lớp trong nhà.

Ở tuổi lên năm tôi đã phụ trồng thuốc lá. Công việc một đứa bé lên năm tuổi có thể làm được là xách rổ hứng nước cho người lớn tưới khi cây thuốc mới được trồng, còn rất bé... cái rổ hứng cho nước tưới đều mà không rơi mạnh, tránh cho cây thuốc con khỏi bị dập, hư.

Làng Thanh Quít không được biết đến như là vùng trồng thuốc nhiều nhất tỉnh, nhưng lại biết là vùng rất nguy hiểm trong chiến tranh. Quân nhân, công chức di chuyển trên đoạn  quốc lộ này coi chừng bị Việt Cọng chận bắt hoặc bị bắn sẻ, bị giật mìn. Trong hai cuộc chiến tranh vừa qua, tỉnh Quảng Nam là chiến trường ác liệt nhất của cả nước, thì Thanh Quít là chiến trường triền miên của cả tỉnh. Từ khi người Pháp lập cái đồn Ngũ Giáp vào năm 1947, thì người dân Thanh Quít đã phải chịu đựng chiến tranh. Chiến tranh kéo dài cho đến ngày tàn cuộc chiến tháng 3 năm 1975.

Đến 7 tuổi tôi vẫn chưa được đi học, vì làng không có trường học, và cũng không ai dám mở lớp dạy học. Thời buổi chiến tranh, sống giữa hai gọng kềm, ban ngày người Pháp kiểm soát, ban đêm dưới quyền của Việt Minh, trong nhà có cây bút, có tờ giấy trắng là những cái họa chết người. Ba tôi chỉ cho tôi tập đọc bằng  cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư duy nhất mà ông còn giữ được. Tôi không ở trong thế hệ của những người học Quốc Văn Giáo Khoa Thư ; nhưng đến nay tôi vẫn còn nhớ thuộc lòng nhiều bài trong cuốn sách nổi tiếng một thời đó. “Xuân đi học coi người hớn hở. .. ai bảo chăn trâu là khổ, không chăn trâu sướng lắm chứ... đêm khuya ra đứng bờ ao, trông cá cá lặn, trông sao, sao mờ ”. .v.v.

       Lúc 5 tuổi tôi được ghép vào hàng ngũ nhi đồng, những đêm trăng sáng có các anh chị lớn tuổi tập họp, dạy cho chúng tôi tập hát và nhảy múa. . .

Bà Tư bán hàng có bốn người con,
Thằng hai đã lớn, ba em hãy còn..
Học theo các trường nay đã thành khôn,
Năm độc lập kia trong nước Việt Nam. . .
Các con của bà đều ra chiến trường. . ..

hay. .

       ai đi vô trong Nam
       ai đi ra ngoài Bắc
đường trường xa cách

       dừng chân nơi nào
       Trời chiều tối rồi
       đi cho mau người ơi
       đi qua cánh rừng . . .

. . trèo đèo Ba Rền. .

       băng qua rừng hoang
       băng qua cánh đồng. . .

hay. .

Ai về chợ huyện Thanh Vân
Hỏi thăm cô Tú đánh vần được chưa. . .

hay . . .

Trăng thu tròn thật tròn
bánh thu ngon thật ngon
chúng em quây quần vòng tròn
múa theo nhịp nhàn
tang tính, tình tang tính
Hát chúc bác Hồ muôn tuổi . . .
. . Bác Hồ ở mô
Bác Hồ ở Việt Bắc, Việt Bắc  xa vời. . .
. . .cùng nhau tay nắm chiếc bánh trung thu,
hát ca vui vầy.

       Bài hát sau cùng này làm cho chúng tôi nao nức chờ đợi, vì chúng tôi được hứa hẹn là đến rằm trung thu chúng tôi sẽ được phát bánh trung thu.  Bánh trung thu của bác Hồ ở ngoài miền bắc xa vời gởi vào cho nhi đồng chúng tôi.

Ở làng Thanh Quít lúc bấy giờ có hàng tạp hóa bán nhiều thứ bánh kẹo, nhưng bánh trung thu thì không có. Đám nhi đồng chúng tôi không đứa nào biết bánh trung thu như thế nào, có lẽ những anh chị lớn tuổi dạy chúng tôi múa hát cũng chưa biết bánh trung thu ra làm sao... nhưng chúng tôi chắc chắn là bánh trung thu của bác Hồ gởi từ miền bắc vào thì hẵn là ngon và quý lắm.

       Những đêm trăng sáng, chúng tôi múa hát và chờ đợi. Rồi đêm trung thu trăng thật sáng. Trời cao, thật xanh và trăng thật tròn. Trong ánh trăng vằng vặt những bóng tre lung linh và chúng tôi múa hát... Trăng thu tròn thật tròn. Bánh thu ngon thật ngon... hát chúc bác Hồ muôn tuổi... lễ trung thu thật trang trọng kéo dài quá giấc ngủ, tôi cố gắng thức, múa hát và chờ đợi... không thể ngủ trước khi được phát bánh... rồi cuối cùng sau các lời giáo huấn của một anh thanh niên lạ mặt rằng chúng tôi phải ngoan ngoãn và nhớ ơn bác Hồ, chúng tôi được phát bánh trung thu... và khi nhận bánh tôi bổng bật lên khóc tức tưởi, khóc ngon lành như một tháng trước đó có người đến nhà tôi bắt con chó mực đốm bạn của tôi đem đi làm thịt trong chiến dịch giết chó do Việt Minh ban ra. Nhìn lại chiếc bánh, không như điều tôi tưởng tượng và mong đợi. Nó không phải là bánh trung thu. Nó là chiếc bánh vòng sắn được chiên bằng dầu phụng, một loại bánh rẻ tiền nhất có bán ở ngoài chợ. Thường ngày tôi được bà Nội cho ăn các loại bánh kẹo ngon hơn. Bà Nội nói loại bánh vòng sắn không ngon mà lại độc.

Chiến tranh càng ngày càng ác liệt. Cuộc sống của những người đàn ông trong gia đình rất khó khăn. Ban ngày ba tôi trốn người Pháp ruồng bố. Ban đêm phải đổi chỗ ngủ để tránh Việt Minh, nhiều lần ông thoát chết từ hai phía. Chú Út của tôi bị Việt Minh bắt đem đi mất tích.
 
Gia đình tôi tản cư ra thành phố Đà Nẵng vào cuối năm 1950.

Cuộc sống của những người tản cư ở thành phố lúc đầu cũng khó khăn, không kể đến lý do thay đổi môi trường kinh tế. Dù đã được người quen làm ở sở mật thám Pháp bảo lãnh, ba tôi vẫn thường là đối tượng tra hỏi của các cơ quan an ninh như sở công an của chính phủ quốc gia, phòng nhì quân đội Pháp, phòng nhì quân đội Quốc Gia... bắt bớ, tra tấn, giam cầm họ qui tội ông là cán bộ Việt Minh.

Thời kỳ này ban đêm Việt Minh còn về bắt người tại thành phố, nên gia đình tôi phải cư trú trong xóm gia binh của tiểu doàn Pháo Binh Pháp, những người này không phải là láng giềng tốt. Nhà tôi có con gà, con vịt hay bất cứ món gia dụng nào họ thích thì họ tự tiện tới nhà bắt lấy mà xài, chúng tôi không dám phản đối. Họ gọi chúng tôi là “bọn nhà quê ”. . . “nhà quê, cứt dê nói thuốc tể, hũ bể nói hũ lành, đám hành nói đám hẹ, . . đ.m.  thằng nhà quê.. ..”. Tôi bị đám trẻ cùng lứa tuổi kỳ thị. Ở trường học trẻ con  từ nhà quê mới ra thành phố cũng là học trò hạng ba. Học trò hạng nhất trong lớp tôi là hai chị em con Hạnh và thằng Nguyên, chúng nó là con của ông Khôi, nhân viên sở mật thám. Con Hạnh đang giữa giờ học đứng lên bàn dậm chân la hét, hoặc nó lấy sách vở của đứa bên cạnh vò và xé nát thì cô giáo cũng không dám đánh phạt. Thằng Nguyên thì thích lấy bình mực đổ vào quần áo và sách vở đứa khác. Phải cả năm sau chúng tôi mới hội nhập được với đời sống bình thường ở thành phố.

       Đến mùa Thu, cô giáo chuẩn bị cho chúng tôi đi dự lễ Trung Thu, Tết nhi đồng do Tòa Thị Chính tổ chức. Chúng tôi được dạy bài hát: “bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng cuội già, ôm một mối mơ..”. Tôi được chọn cùng ba đứa tập bài “chú chuột cắp trứng” để trình diễn trên sân khấu. Cái nón cối trắng làm cái trứng. Nằm ôm cái nón cho các bạn kéo, hát: “chú chuột cắp trứng không biết làm sao kéo đi. . .”, trình diễn sân khấu, hồi hợp và vinh dự cho một học sinh lớp tư (lớp hai bây giờ). . sau buổi lễ chúng tôi được lãnh bánh trung thu. . .

Buổi lễ diễn ra ban ngày, không ánh trăng lung linh và bóng tre lả lướt.  Trời mưa lâm râm, ướt át nhưng lòng tôi vui như mở hội. Buổi lễ trang trọng và nhiều người mặc vét tông, thắt cà vạt, lần lượt lên đọc diễn văn, ban huấn thị nhắc nhở việc học hành. Ông thị trưởng là người cao lớn có cái mũi to và đỏ gọi chúng tôi là tương lai của đất nước . . .  Chúng tôi hát bài học sinh hành khúc. . học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau. . . lúc khắp quốc dân tranh đấu hy sinh cho nền độc lập. . .học sinh thề quyết chí phấn đấu. . . .

Sau các tiết mục văn nghệ của các trường tiểu học trong thành phố, người ta mang lên sân khấu nhiều giỏ đựng đầy những gói bánh xanh đỏ, tím vàng.. . đủ màu. . . Ông Thị Trưởng và những người mặc vết-tông lên sân khấu phát bánh Trung Thu cho học sinh, tương lai của tổ quốc. Họ bắt đầu ném những gói bánh Trung Thu vào đám học sinh đứng sắp hàng trật tự trước sân khấu. . . học sinh nhào theo giành giật các gói bánh, nhiều gói vỡ tung, bánh kẹo rơi vươn vãi trên mặt đất nhơ nhớp nháp nước mưa. Tôi đứng nhìn và thấy nghẹn ở cổ. Lần nầy tôi không khóc như lần lãnh bánh Trung Thu của bác Hồ, tôi đã 10 tuổi, tôi thấy tôi đã lớn. . .và từ đó tôi quên hẳn chiếc bánh Trung Thu và cho tới bây giờ, có thể là các bạn không tin, tôi chưa bao giờ ăn bánh Trung Thu.

       Năm 1971, Ty Tiểu Học Quảng Nam mời tôi chủ tọa lễ phát bánh Trung Thu cho học sinh Tiểu Học toàn tỉnh. . . Tôi tự hỏi không biết người ta phát bánh Trung Thu theo kiểu nào đây. . . Mỗi lớp học được cử ba em học sinh giỏi nhất lớp về Ty Tiểu Học để tham dự lễ Trung Thu, Tết Nhi Đồng và mỗi em được nhận tận tay một phần bánh kẹo, trong đó có một chiếc bánh Trung Thu thứ thiệt. . . Hai mươi năm trôi qua không còn chiếc bánh vòng sắn, không còn những chiếc bánh ném từ sân khấu xuống cho học sinh tranh nhau, nhưng chỉ có ba học sinh cho mỗi lớp được đi lãnh bánh, buồn hay vui đây. . . Một cái bánh Trung Thu thứ thiệt phát đàng hoàng tận tay cho mỗi học sinh tiểu học vẫn còn là một điều khó khăn, rồi còn bao nhiêu trẻ em không được may mắn đi học, bánh nào cho các em? ai lo cho chúng nó. . .?  Chuyện chiến tranh, chuyện di cư, chuyện bánh Trung Thu, những mẫu ký ức rời rạc trong bộ óc già nua vô dụng của tôi. Những chuyện không dính dáng gì đến cái đầu đề “ Quảng Nam Đà Nẵng tuy gần mà xa...”. Người dân bao giờ cũng là những người thua thiệt nhất trong chiến tranh, người dân bao giờ cũng là nạn nhân của cường quyền, bạo lực. Người dân Thanh Quít, người dân Quảng Nam, địa bàn ác liệt của hai cuộc chiến tranh tiếp nối nhau, đã là nạn nhân khốn khổ nhất của một giai đoạn lịch sử của đất nước.

       Giờ đây, chiến tranh đã kết thúc hơn 26 năm, quê nhà vẫn còn rất đông những đứa trẻ không được đến trường, vẫn còn những bữa cơm độn sắn, vẫn có những đứa trẻ bụng ỏng đít teo, mũi dãi lòng thòng, vẫn còn những đứa trẻ mình trần, da mốc thích ngồi trên mình trâu chuyền cho nhau những điếu thuốc lá to bằng ngón tay cái, thì làm sao có thể cho mỗi em một chiếc bánh Trung Thu thứ thiệt vào dịp Tết Nhi Đồng.

Nguyễn Chí Thiệp


25.12.10

Bài diễn văn của A20 Lê Hoàng Ân




 A20 Lê Hoàng Ân

Quán lá xin mời đọc, bài nói chuyện của A20 Lê Hoàng Ân tại Viet-Nam Center and Archives thuộc Trường Đại-Học Kỹ-Thuật Lubbock, TX (Texas Tech. University), nhân dịp buổi lễ khai-mạc cuộc triển-lãm và lưu-trữ hồ-sơ của Hội Gia-Đình những cựu Tù-Nhân Chính-Trị do bà Khúc-Minh-Thơ làm Chủ-Tịch vào ngày 28 tháng Năm năm 2008 .

  
Ladies and Gentlemen,
I am very fortunate to have this opportunity to speak with you today. 
When I was a child, my parents always taught me the meaning of the word “Freedom”. In 1954, when I was 12 and-a-half years old, my family left Hanoi in North Viet-Nam to resettle in Saigon, South Viet-Nam in search of this “Freedom”. Once again, in July 1992, my family and I left Saigon for Austin, Texas in search of this “Freedom”.  We are living and enjoying this concept of “Freedom” here in the United States of America.  I hope my family will never have to relocate again to enjoy “Freedom”. 
I was and am my parents’ only son.  This exempted me from the draft, but I could not bear to sit still and witness my country being invaded by communist forces. I decided to join the Armed Forces of the Republic of Viet-Nam to protect my country and my family from Communist rules. After 9 plus years of service, I earned the rank of Captain.  From 1970 to 1975, I served as the Liaison Officer to the President of the Republic of Viet-Nam.
I was working in the Presidential Palace when Saigon fell.  You may have seen the video footage of communist tanks rolling over the gates of the palace.  I saw those tanks approaching from inside the palace.  I left the Palace at that moment by jumping the back wall.  I went home to meet my two brothers-in-law.  We discussed how we, as soldiers, were to go into the jungle join the comrades-in-arms and continue the fight against the Communists. 
After several days of looking we did not find anyone else, we tried to flee by boat, but to no avail, so we snuck back home.  We thought maybe we were just not in the right places and that was the reason we did not meet up with any other soldiers.

A few weeks after we made it home, the Communists came to our homes and arrested us for the crime of “serving our country” for that they called us “traitors”.  We did not surrender and we did not voluntarily report to the communists to accept our spot in their so-called “Re-Education” camps.
They locked me up in seven different hard labor camps. I spent over six years (or exactly 2296 days and 12 hours) in those horrible camps, where they tried to brainwash us.  I never surrendered. 
I spent one year in solitary confinement for speaking up against Communist doctrines. My captors said that I would be released if I accepted communism and became a good citizen of the communist regime.  I refused, so in addition to spending one year in the solitary cell, I spent almost three years in a special punishment camp in Central Viet-Nam.
One of my two brothers-in-law died in a camp much like mine.  The other survived over thirteen years in different re-education camps in North Viet Nam.  We were moved every six months to a year because they were afraid that if left in one place we would make friends with one another and tried to revolt against them or to escape from the camps to fight them.
I was released from these “re-education” camps in November 1981.  After several years of waiting, in 1984 I submitted all the required paperwork to come to the United States of America as a political prisoner. The lengthy application process kept me in Viet-Nam until July 1992.  Thanks to the work of Vietnamese activists like Mrs. Khuc-Minh-Tho, who joins us today, my years in prison allowed me and my family to immigrate to the United States of America.
My wife and our younger son arrived in Austin, TX in July 1992.   During a meeting of former Vietnamese soldiers who gathered under the name of the Vietnamese Veterans Association in Austin, I saw our beloved yellow background and three red stripes flag for the first time in 17 years.  I could not stop myself from crying. Tears of joy, of course, because I could see it again, and honor it again. Bitter tears, too, because this Flag no longer flew over the Vietnamese air, land and seas.  However, today, it still flies all over the free world. This beautiful yellow with three red stripes Flag represents the courage, the loyalty and the strength of the men and women of the Republic of Viet Nam. This Flag belongs to a land that used to be free.  Today it joins me in this nation, a nation that created the ideas of true freedom and true democracy for its citizens.
I want to show my gratitude to the people of the United States of America for accepting me and my family, as well as millions of my fellow-countrymen and women. This beautiful and great country has given us a second chance to live in freedom and democracy.
Today, my youngest grandson is 8 months old, and he is an American National of Vietnamese descent. I want to teach my children and grandchildren the values of life.  I want them to know how to deal with hardship, obtain a good education, and above all, live with good virtues.  I believe in his future, like the future of the millions of other young American children of Vietnamese descent. Their future is full of opportunities and hope. I look at him and I understand why I risked my life to fight for his freedom.
I was released from these “re-education” camps in November 1981.  After several years of waiting, in 1984 I submitted all the required paperwork to come to the United States of America as a political prisoner. The lengthy application process kept me in Viet-Nam until July 1992.  Thanks to the work of Vietnamese activists like Mrs. Khuc-Minh-Tho, who joins us today, my years in prison allowed me and my family to immigrate to the United States of America.
My wife and our younger son arrived in Austin, TX in July 1992.   During a meeting of former Vietnamese soldiers who gathered under the name of the Vietnamese Veterans Association in Austin, I saw our beloved yellow background and three red stripes flag for the first time in 17 years.  I could not stop myself from crying. Tears of joy, of course, because I could see it again, and honor it again. Bitter tears, too, because this Flag no longer flew over the Vietnamese air, land and seas.  However, today, it still flies all over the free world. This beautiful yellow with three red stripes Flag represents the courage, the loyalty and the strength of the men and women of the Republic of Viet Nam. This Flag belongs to a land that used to be free.  Today it joins me in this nation, a nation that created the ideas of true freedom and true democracy for its citizens.
I want to show my gratitude to the people of the United States of America for accepting me and my family, as well as millions of my fellow-countrymen and women. This beautiful and great country has given us a second chance to live in freedom and democracy.
Today, my youngest grandson is 8 months old, and he is an American National of Vietnamese descent. I want to teach my children and grandchildren the values of life.  I want them to know how to deal with hardship, obtain a good education, and above all, live with good virtues.  I believe in his future, like the future of the millions of other young American children of Vietnamese descent. Their future is full of opportunities and hope. I look at him and I understand why I risked my life to fight for his freedom.

 My days of fighting Communism with a gun are over. Today I fight it with my pen. A well known American proverb says that “the pen is mightier than the sword”. And with this pen I will share with my children and grand-children the rich and honorable history of their ancestors; the people who were known as citizens of the Republic of Viet-Nam. I will share with them the beautiful language, rich culture and the honored traditions of a great people. 

My friends and I at the Vietnamese American Heritage Foundation share this mission. I am the director of the S.H.A.R.E. program, which tells the American students the real and true history of Viet Nam, not the one created by the Vietnamese Communists.

Each April, 30th, I feel a certain sadness, though. I lost my country that day. I lost my brother-in-law and several relatives and friends on that day and the days afterwards. I cannot forget April 30th. I cannot forget the ultimate sacrifice of their lives made by 58,195 Americans and over 270,000 Vietnamese soldiers, plus over 600,000 Vietnamese disabled veterans. They died or they made sacrifice of parts of their bodies so we could live under freedom. I can forgive but not forget.
My family became American citizens in 1998, and we were proud of being Americans.

To my Vietnamese American friends who came to this country in 1975, thank you for paving the way to freedom and democracy and not forgetting those of us who were left behind.

To my Vietnamese American friends who risked their lives at sea, from 1976 to 1990, to reach freedom, you are the largest and most successful and most admired group.

To my friends, who came under the Humanitarian Operation Program, our years spent serving our country and our years of detention in the Communist prison camps are the price we paid for our families’ freedom. I never regret those lost years, because I was a living witness of what Communism really is.

To my American friends who had welcomed us in this country during all those 33 years, thank you.

To all the 58,195 American servicemen who died in Viet-Nam, and to over 270,000 Vietnamese servicemen who died for our cause, my prayers are always with you. 

To all American and Vietnamese Veterans, thank you for joining me in our fight for freedom.
And to my Texan friends, I was not born in Texas, but I got here as fast as I could.

Thank you.”


Bản chuyển ngữ của tác giả:

Kính thưa Quý Vị,

Hôm nay, tôi thật vui mừng có dịp được thưa chuyện cùng quý vị.

Ngay từ khi tôi còn nhỏ, cha mẹ tôi đã luôn luôn dạy cho tôi ý nghĩa của hai chữ “Tự Do”. Năm 1954, khi tôi được 12 tuổi rưởi, gia đình tôi rời Hà Nội thuộc miền Bắc Việt Nam để di cư vào Sài Gòn thuộc miền Nam Việt Nam trong công cuộc đi tìm cái nền tảng của hai chữ “Tự Do” đó. Thêm một lần nữa, vào tháng Bảy năm 1992, gia đình tôi và tôi lại rời bỏ Sài Gòn để đến định cư tại Austin, thuộc tiểu bang Texas cũng trong công cuộc đi tìm cái nền tảng của hai chữ “Tự Do” này. Chúng tôi đang sống và thụ hưởng cái khái niệm của hai chữ “Tự Do” ở đây, ngay tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ này. Tôi cầu mong gia đình tôi không bao giờ phải tái định cư thêm một lần nữa để mong được thụ hưởng hai chữ “Tự Do” này.

Tôi đã và vẫn là con trai duy nhất của cha mẹ tôi. Điều này làm cho tôi đương nhiên được hưởng quy chế miễn dịch, nhưng tôi không thể nào ngồi im nhìn đất nước tôi bị các lực lượng Cộng Sản xâm chiếm. Tôi quyết định gia nhập hàng ngũ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà để bảo vệ Tổ Quốc của tôi và gia đình tôi chống lại sự thống trị của quân cộng sản. Sau hơn 9 năm phục vụ, tôi đã mang cấp bậc Đại Uý. Từ 1970 đến 1975, tôi phục vụ Tổ Quốc với tư cách là Sĩ Quan Liên Lạc cho Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà.

Tôi đang làm việc trong văn phòng của tôi tại Phủ Tổng Thống thì Sài Gòn thất thủ. Quý vị có thể đã được coi những đoạn phim thời sự chiếu cảnh những chiếc xe thiết giáp cộng sản vượt qua những cánh cổng của dinh. Tôi nhìn thấy những chiếc xe đó đến gần từ phía bên trong của dinh. Tôi rời bỏ dinh vào lúc đó bằng cách nhẩy qua bức tường phía sau dinh. Tôi trở về nhà và gặp hai người anh vợ của tôi. Chúng tôi bàn tính, với tư cách là quân nhân, là làm thế nào để vào bưng và tiếp tục chiến đấu chống cộng sản cùng với các anh em đồng đội khác.

Qua nhiều ngày tìm tòi, chúng tôi không gặp bất kỳ một ai cả, chúng tôi ra cả ngoài biển để tìm cách ra đi, nhưng cũng không xong, do đó chúng tôi tìm cách lẩn về nhà. Chúng tôi nghĩ là chúng tôi đã tìm không đúng chỗ, do đó đã không gặp được các đồng đội khác.

Sau khi chúng tôi về nhà được vài tuần lễ, tụi cộng sản đến tận nhà và bắt chúng tôi đi với vấn đề là trong khi chúng tôi “phục vụ đất nước” lại là cái mà chúng gọi chúng tôi là “những kẻ phản bội”. Chúng tôi đã không đầu hàng và chúng tôi đã không tự nguyện đi trình diện tụi cộng sản để chấp nhận có chỗ đứng trong cái mà chúng gọi là “trại cải tạo”.

Chúng nhốt tôi qua 7 trại lao động khổ sai khác nhau. Tôi đã trải qua trên 6 năm (chính xác là 2296 ngày và 12 tiếng đồng hồ) trong những trại khủng khiếp đó, nơi mà chúng muốn tẩy não chúng tôi. Tôi chưa hề đầu hàng.

Tôi bị chúng biệt giam một năm trời vì bằng lời nói tôi đã chống đối những chủ thuyết của chúng. Những tên cai tù nói là tôi sẽ được tha nếu tôi chấp nhận chế độ cộng sản để trở thành một công dân tốt thuộc chế độ này. Tôi từ chối, do đó, ngoài một năm biệt giam, tôi còn bị chúng đưa ra một trại trừng giới tại miền Trung Phần Việt Nam trong gần 3 năm.

Một trong hai người anh vợ tôi đã bỏ mạng trong một nhà tù giống như trại nhốt tôi. Anh kia đã sống sót sau trên 13 năm trải qua những “trại cải tạo” ở miền Bắc Việt Nam. Chúng tôi bị di chuyển trại hằng mỗi 6 tháng cho đến 1 năm bởi vì chúng sợ là nếu nhốt lâu tại một chỗ chúng tôi có thể trở thành bạn thân với nhau và sẽ cùng nhau cố nổi loạn chống chúng hoặc trốn trại để đánh lại chúng.

Tôi được thả từ một trong những “trại cải tạo” đó vào tháng 11 năm 1981. Sau nhiều năm chờ đợi, vào năm 1984 tôi đã nộp tất cả những giấy tờ cần thiết để xin sang Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ với tư cách là một tù nhân chính trị.  Thủ tục rườm rà và kéo dài đã giữ tôi tại Việt Nam cho đến tháng 7 năm 1992. Nhờ những sự vận động tích cực của những nhà đấu tranh Việt Nam tại Hoa Kỳ như Bà Khúc Minh Thơ, hôm nay cũng có mặt tại đây, những năm bị cầm tù đã cho phép gia đình tôi và tôi nhập cư vào Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

Nhà tôi và cậu con trai thứ của tôi cùng tôi đến Austin, TX vào tháng Bẩy năm 1992. Tại cuộc họp mặt những cựu quân nhân thuộc Hội Cựu Chiến Sĩ tại Austin, tôi lại được nhìn thấy lá Cờ vàng ba sọc đỏ lần đầu tiên sau hơn 17 năm. Tôi không cầm được nước mắt. Lẽ tất nhiên đó là những giọt lệ vui mừng, bởi vì tôi đã có cơ hội lại nhìn thấy lá Cờ đó, và tiếp tục vinh danh lá Cờ này. Nhưng cũng là những giọt lệ xót thương, bởi vì lá Cờ này không còn được bay trên bầu trời, đất liền và biển cả tại Việt Nam. Tuy nhiên, ngày hôm nay, lá Cờ này vẫn tiếp tục bay trên toàn thế giới tự do. Lá Cờ thân thương nền vàng với ba sọc đỏ tượng trưng cho sự can đảm, sự trung thành và sức mạnh của những người nam cũng như nữ của Tổ Quốc Việt Nam Cộng Hoà. Lá Cờ này thuộc về một Quốc Gia đã từng có Tự Do. Ngày hôm nay, lá Cờ này đã liên kết với tôi trong đất nước này, một đất nước đã từng sáng tạo ra quan điểm của nền Tự Do thực sự và nền Dân Chủ thực sự cho những công dân của nó.

Tôi muốn bầy tỏ lòng biết ơn của tôi đối với dân chúng Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ đã chấp nhận đón tôi và gia đình tôi, cũng như hàng triệu những đồng bào, nam cũng như nữ, của tôi. Đất nước đẹp đẽ và vĩ đại này đã cho chúng tôi một cơ hội thứ hai để sống trong Tự Do và Dân Chủ.

Ngày hôm nay, đứa cháu nội đích tôn của tôi đã tròn tám tháng tuổi. Nó là một công dân Hoa Kỳ gốc Việt. Tôi muốn dậy cho các con và các cháu của tôi hiểu rõ những giá trị của cuộc sống. Tôi muốn chúng biết đương đầu với những khó khăn, có được một nền giáo dục tốt, và trên hết, biết sống với các giá trị đạo đức. Tôi tin tưởng vào tương lai của cháu nội tôi, cũng giống như tương lai của hàng triệu những trẻ em Hoa Kỳ gốc Việt. Tương lai của chúng tràn trề cơ hội và hy vọng. Tôi nhìn đứa cháu nội của tôi và tôi nhận thức được lý do tại sao tôi sẵn sàng hy sinh tính mạng của tôi để tranh đấu cho sự tự do của cháu.

Những ngày đấu tranh với cộng sản bằng súng đạn đã qua rồi. Ngày hôm nay tôi chống cộng sản với ngòi bút của tôi. Một câu ngạn ngữ Hoa Kỳ nổi tiếng nói rằng “ngòi bút mạnh hơn lưỡi kiếm”. Và với ngòi bút của tôi, tôi sẽ chia sẻ với các con, các cháu tôi về lịch sử dồi dào và kiêu hùng của cha ông chúng, những người đã từng mang danh nghĩa là công dân của Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà. Tôi sẽ chia sẻ với chúng cái ngôn ngữ đẹp đẽ, cái nền văn hoá phong phú và những phong tục cổ kính của một dân tộc vĩ đại.

Các bạn của tôi và chính tôi thuộc hội “Bảo tồn văn hoá người Mỹ gốc Việt (the Vietnamese American Heritage Foundation - VAHF)” cùng chia sẻ trách nhiệm này. Tôi là giám đốc chương trình S.H.A.R.E., một chương trình hướng dẫn các sinh viên Hoa Kỳ về lịch sử thực sự và rõ ràng của Việt Nam, chứ không phải cái thứ lịch sử quái thai mà bọn cộng sản Việt Nam đẻ ra.

Mỗi ngày 30 tháng Tư, tôi cảm thấy có một sự buồn bã nào đó. Ngày đó tôi đã mất đất nước của tôi. Tôi đã mất người anh vợ của tôi và bao nhiêu thân nhân và bạn bè vào ngày đó và những ngày kế tiếp. Tôi không thể quên được ngày 30 tháng Tư. Tôi không thể quên được sự hy sinh mạng sống thật cao cả và vô bờ bến của 58,195 quân nhân Hoa Kỳ và trên 270,000 quân nhân Việt Nam, cộng thêm trên 600,000 thương phế binh. Họ đã chết hoặc họ đã hy sinh một phần thân thể của họ để cho chúng ta được sống còn trong chế độ tự do. Tôi có thể tha thứ nhưng tôi không thể quên được.

Gia đình tôi đã trở thành công dân Hoa Kỳ vào năm 1998, và chúng tôi hãnh diện là người Hoa Kỳ.

Với những người Hoa Kỳ gốc Việt đã tới đất nước này từ năm 1975, tôi xin cám ơn quý vị đã lót đường cho chúng tôi đi tìm Tự Do và Dân Chủ, cũng như quý vị vẫn không quên những người như chúng tôi đã từng bị bỏ rơi tại quê nhà.

Với những người Hoa Kỳ gốc Việt đã liều mình để vượt biên, vượt biển, từ năm 1976 đến năm 1990, để đi tìm Tự Do, quý vị là nhóm người đông đảo nhất, thành công nhất và được ngưỡng mộ nhiều nhất.

Với những người bạn của tôi, sang được đây qua chương trình “Chiến Dịch Nhân Đạo”, những năm tháng chúng ta phục vụ Tổ Quốc và những năm tháng dài tù đầy trong những trại giam cộng sản là cái giá chúng ta phải trả để đem lại Tự Do cho gia đình chúng ta. Tôi không hối hận đã đánh mất những năm tháng đó, bởi vì tôi là nhân chứng sống để nói lên cộng sản thực sự là gì.

Với những người bạn Hoa Kỳ đã tiếp đón chúng tôi trong đất nước này suốt 33 năm qua, xin chân thành cám ơn.

Với tất cả 58,195 quân nhân Hoa Kỳ đã tử trận tại Việt Nam, và với trên 270,000 quân nhân Việt Nam Cộng Hoà đã hy sinh cho chính nghĩa quốc gia, tôi xin dâng lời cầu nguyện của tôi đến quý vị.

Với những cựu quân nhân Hoa Kỳ cũng như Việt Nam, xin cám ơn quý vị đã cùng tôi tranh đấu trong công cuộc bảo vệ Tự Do.

Và với các bạn người Texas, tôi không được vinh dự sinh ra tại Texas, nhưng tôi đã chạy như bay đến đây.

Xin cám ơn quý vị,




Khán  thính giả tham dự