Chương Mười Lăm
Trại cải tạo có nhiều tù
các nơi chuyển đến thì những hoạt động của các tổ chức chính trị ồn ào nhộn nhịp
và hậu quả không tránh khỏi sự khám phá của an ninh qua sự báo cáo của hệ thống
tù nhân làm tay sai vẫn lén lút cung cấp tin tức. An ninh biên chế những tù
nhân bị liệt vào thành phần cứng đầu vào phân trại B, để thi hành chế độ cải tạo
nặng nề và đồng thời chuyển một số người chúng nghi là có ảnh hưởng đến đám
đông vào phân trại C để giam vào xà lim và cách ly. Tôi theo toán người vào
phân trại B, ở vài ngày chưa yên chỗ thì được lệnh chuyển trại vào C. Phân trại
C nằm trong một thung lũng hẹp cách phân trại B khoảng 3 km, theo đường núi ngoằn
ngoèo vào xã Xuân Định, đa số là đồng bào sắc dân H’Roi, một sắc dân thiểu số
chưa được khai hóa vì từ chiến tranh chống Pháp đến nay vùng rừng núi này thuộc
Việt Cộng kiểm soát. Cán bộ chế độ Cộng Hòa chỉ hoạt động từ năm 1956 đến đầu
năm 1958 rồi rút từ khi Việt Cộng bắt đầu có những hoạt động ám sát.
Qua một con suối cạn, một
cánh rừng nhỏ, đến trảng tranh đầu thung lũng, nhìn lại tứ bề vách núi dựng đứng.
Thung lũng trở thành như cái giếng cạn khổng lồ. Bề mặt thung lũng được san bằng
phẳng, khu trại được xây hai bên con đường băng ngang, bên tay phải là trại tù,
bốn bề có dây kẽm gai, hào sâu trồng cây xương rồng dầy đặc, bên tay trái cách
cái ao nuôi cá là dãy nhà chỉ huy và nhà ở của cán bộ. Bấy nhiêu đó đã nói lên
bao công trình của tù đã để lại, bao nhiêu mồ hôi đã đổ ra, và bao nhiêu tuổi
trẻ đã nằm xuống, còn ghi lại bởi những nấm mồ nằm chi chít trên một ngọn đồi đầy
cỏ tranh đất khô cằn không trồng được cả loại khoai mì H-34. Sau tù tàu Việt
Nam Thương Tín xây dựng trại A, tù hình sự đến Xuân Phước xây dựng trại B, trại
C và trại D. Họ phải chống lại nước độc và sương lam chướng khí và phải đẵn
cây, san đất, xẻ đường với dụng cụ thật thô sơ và sức con người còm cõi vì thiếu
ăn.
Họ phải kéo cày thay cho
trâu bò. Không thể tưởng tượng được đã cuối thế kỷ 20, người Việt còn làm công
việc thay súc vật, ở các nước văn minh, con vật cũng không làm việc nặng nhọc
đó. Hình ảnh người kéo cày thay trâu trước đây chỉ đọc trong sách, không ngờ
sau 1975 trở thành một hiện tượng phổ biến. Người cộng sản hãnh diện họ là người
tiến bộ, trong khi họ kéo đất nước lùi hàng mấy chục năm. Phân trại C tù hình sự
tập trung không có án, đa số các em là dân Sài Gòn, con em của sĩ quan viên chức,
cha đi cải tạo, các em bị đuổi ra khỏi trường vì lý lịch, có em cũng phạm lỗi
nhưng có em chỉ có một tội không công ăn việc làm, không được đi học, công an
phường khóm bắt đi cải tạo. Dân Sài Gòn không chịu nổi gian khổ, các em bỏ xác ở
trại Bù Gia Mập,
trại Bù Đớp, để phát hoang
cho thanh niên xung phong xây dựng khu kinh tế mới, rồi các em được đưa ra trại
Xuân Phước, mười em từ khi bắt đầu lao động đến lúc về, chết hết 3. Vào đến trại
chúng tôi được đưa vào khu nhà tập thể, ở đây những người đi ngày hôm trước đã
có mặt, đa số là nhóm viên chức cao cấp và các tu sĩ từ Chí Hòa mới lên. Một số
những người khác thì bị đưa vào giam ở xà lim. Lần này không ai suy đoán được
lý do vì sao lại cách ly hàng loạt người, kể cả những người mới đến. Những người
bị cách ly lại phân ra hai trường hợp, trường hợp cùm chân ở xà lim và trường hợp
ở ngoài. Trại tương đối yên tĩnh, không có sự kiện gì để phải trấn áp như những
lần trước. Trong trại tù nhiều trường hợp rất phức tạp, đa số tù nhân đều tốt
nhưng cũng có thiểu số ngu xuẩn dựng nên chuyện báo cáo để lập công. Bọn an
ninh thì như lũ kên kên chỉ chờ có báo cáo là có dịp hành hạ tù để lập thành
tích nhận lẵng hoa hay cờ thi đua của trung ương.
Dù sao 5 tháng bị cách ly
cũng là thời gian sung sướng ở trong tù, khỏi phải đi lao động ở ngoài, tới bữa
ăn nhà bếp đem cơm nước đến tận cửa nhà, tù cách ly được gọi là tù quí tộc, cơm
bưng nước rót. Gia đình lên thăm, tôi nhận được hai tin vui buồn lẫn lộn, mẹ
tôi bị bịnh nặng, bà muốn lên thăm tôi mà không đi được, và tin con trai tôi,
Thụy Vũ, đã vượt biên qua đến Hongkong. Cho đứa con trai duy nhất mới 14 tuổi một
thân một mình đi tìm tự do mà tôi mừng. Biết rằng tuổi Vũ còn nhỏ dại, cuộc ra
đi là một phiêu lưu, nhưng dù sao hy vọng con còn biết lo lắng học hành để có một
tương lai cho nó, ở lại Việt Nam nó sẽ không được đi học tiếp hết bậc trung học.
Chính sách kỳ thị đã làm hại bao nhiêu đứa trẻ có cha anh đi học tập cải tạo.
Không biết ngày tôi được về, mẹ tôi còn sống hay đã mất. Tôi còn được may mắn
hơn nhiều anh em là thời gian ở tù tất cả những người thân trong nhà đều lần lượt
lên thăm tôi tại trại. Bà nội tôi chết, tôi không có ở nhà và bây giờ mẹ tôi bịnh,
tôi thật lo. Lúc nước sắp mất, cha mẹ muốn tôi ở lại để gần gũi gia đình, vì
tôi là đứa con đi xa nhà sớm nhất, có ngờ đâu tôi ở lại đã không gần gũi được
ai mà còn là gánh nặng và mối lo âu cho người thân. Nhớ đến mẹ, lòng tôi nặng
trĩu, tôi đã hơn 40 tuổi, mẹ còn lo từng thức ăn, từng món đồ dùng cần thiết
cho tôi trong tù. Mẹ thật chu đáo, cứ tuần tự mỗi lần thăm, đồ dùng sắm đủ, mỗi
kỳ một vật khác nhau, mẹ nhớ không thiếu món nào, cái khăn mặt chớm rách là có
cái khác, ống kem đánh răng sắp hết là có cái khác, cái bàn chải, quần lót, bí
tất, khăn quàng cổ cho mùa lạnh. Tôi chưa bao giờ phải viết thư xin một thứ gì,
thư bị giới hạn khổ giấy, nên còn để viết lời thăm hỏi những người thân thương.
Những bà mẹ của tù cải tạo, những tấm lòng bao la vĩ đại, có mẹ nhờ con dâu đã
có chồng khác, tháng tháng mang quà thăm, để con khỏi buồn, vì mẹ không muốn
cho đứa con lúc còn ở tù biết mình mất vợ; có những mẹ vợ buộc con gái của mẹ
phải tiếp tục đi thăm con rể dù đã lấy chồng khác. Tuổi trẻ năm tháng cô đơn,
phải thông cảm cho những người vợ trẻ. Người đàn bà Việt Nam làm vợ còn nhiều lỗi
lầm nhưng làm mẹ thì tuyệt vời. Mười năm ra đời, nghĩ mà hổ thẹn vì tôi chưa có
một món quà cho ba mẹ, cứ miệt mài làm việc, mong có công danh cho cha mẹ vui
lòng. Công danh, sự nghiệp có những lúc tôi nghĩ thật dại dột và buồn cười. Vì ảo
ảnh hư danh mà con người cứ phải khổ. Thành công hay thất bại rồi có tồn tại
hay không?
Tháng chạp 1982, trời quá lạnh,
phân trại C trong thung lũng sâu càng lạnh hơn, có đêm tất cả mọi người không nằm
ngủ được, cái sàn xi-măng càng thấm và bốc hơi lạnh vào xương sống, bao nhiêu
cái áo quần mặc vào hết, rồi choàng cái mền hút thuốc lào chống lạnh. Nghĩ đến
Đoàn Phan Trí, người bạn nhỏ, bị bệnh lao phổi, đến Vũ Văn Ánh, Lê Văn Sanh, Trần
Danh San, Hà Mạnh Phan đang nằm trong xà lim lòng tôi xót xa.
Qua một vài anh em bị kỷ luật
ngắn ngày trong xà lim nhắn ra cho tôi là họ bị hỏi về âm mưu tổ chức đánh phá
trại để đào thoát, cụ Lê Sáng và Trương Quốc Bảo bị cáo là tổ chức dạy võ và nhóm
võ sinh sẽ là mũi xung kích trong vụ đánh tháo thân, đồng thời trong trại có cuộc
bầu cử Tổng thống. Cụ Lê Sáng là chưởng môn võ Vô Vi Nam bị Việt Cộng bắt vì những
công việc tham gia tổ chức chống Cộng từ thời trước năm 1954 ngoài miền Bắc.
Trong tù, cụ là một mẫu người chính trực không khuất phục. Cụ không làm một
hành động gì chống đối, nhưng mỗi khi bọn cán bộ lên mặt giáo huấn, cụ đem đạo
lý làm người ra nói với chúng nên chúng ghét tìm dịp để nhốt cụ vào kỷ luật.
Chuyện bầu cử Tổng thống thì có người gán cho
Linh mục Nguyễn Văn Vàng. Nhân dịp Tết Tân Dậu, gia đình thăm gặp, cha có mời một
số thân hữu đến ngồi ăn cơm. Những chuyện vặt vãnh như vậy, rồi do hiềm khích
thêu dệt để báo cáo hại nhau. Trong cảnh khổ thường tạo sự gần gũi những người
đồng cảnh với nhau, nhưng cảnh khổ cũng sinh ra những con người không có nhân
tính, chỉ vì tư lợi nhỏ nhen sẵn sàng đạp lên xác người đồng cảnh để sống. Mà
chưa chắc họ nhận được sự ưu đãi gì của bọn cai tù, chỉ giúp cho chúng cơ hội để
tăng thêm sự hành hạ đối với những người tù chúng không khuất phục được. Có người
học bài học thủ đoạn của Cộng sản, vội xem nhau là nội thù, thi hành kế tá đáo
diệt địch. Tôi đã kể về trường hợp mâu thuẫn giữa một bên gồm các anh Khúc Thừa
Văn, Bùi Lượng, Trần Công Linh và một bên bao gồm nhóm của anh Vũ Văn Ánh và
Ngô Văn Ly mà giờ đây trừ Ngô Văn Ly được thả ra còn tất cả đều bị cùm chân đã
gần hai năm rồi. Ngô Văn Ly rải truyền đơn, lại được thả ra trước, anh em tỏ ra
nghi ngờ, và biết được hắn đã “bán cái” cho người khác việc làm của hắn, nên từ
sự thán phục, nhiều người đã quay lưng và Ngô Văn Ly bị dồn đến thế cô lập. Đây
là một phản ứng đúng đắn của tập thể nhưng là một nguy hiểm, vì con người quá
khích, cực đoan và tham vọng như Ly, thường chỉ biết oán trách người khác và thù
hận mà không bao giờ tự biết lỗi của mình.
Việt Cộng đã là một tập thể
bán nước hại dân, không ra gì cũng đang đi đến chỗ mâu thuẫn sụp đổ, nhưng người
Quốc gia thì chưa hình thành được gì hết. Trại Xuân Phước tập trung những người
cầm đầu những vụ phản động, phục quốc lớn nhất, bị những bản án dài nhất, nhưng
cũng mới tỏ ra là những tổ chức lẻ tẻ, nhân sự ô hợp, đầy mâu thuẫn, mà cũng chỉ
là những mâu thuẫn do những sai biệt nhỏ nhặt trong đời sống, chưa tìm ra được
những người nào có ý kiến sâu sắc, nhìn khắp những vấn đề quan trọng, chưa có
ai tỏ ra là một chính trị gia có tầm cỡ kể cả những người từng thành công ở chế
độ cũ làm nên đến hàng lãnh đạo là các ông cựu tổng trưởng. Những người tù có
thiện chí, nhưng xét mình không đủ tài năng, không đủ phương tiện, sẵn sàng
tham gia vào những lực lượng chống Cộng như là một người lính chiến chỉ còn biết
chờ đợi, và không biết chờ đợi đến bao giờ. Đa số nhân tài đã ra đi, nhưng đa số
này thường là những người tham lợi, tâm hồn bạc nhược, biết có ai thức tỉnh, để
lãnh đạo dấy lên một phong trào để qui tụ đủ sức mạnh chống Cộng hay không? Hay
là cũng tan nát vì chia rẽ? Miền Nam trước kia không thiếu nhân tài, bao nhiêu
người đi học ngoại quốc đỗ đạt cao, nhưng nhiều người đã thiếu vốn liếng tinh
thần, nên họ chỉ là những chuyên viên, và chỉ biết mưu cầu quyền lợi cá nhân,
khi đất nước gần sụp đổ họ ra đi không thương tiếc. Một trăm năm nô lệ, hơn hai
mươi năm chiến tranh, lòng người ly tán, biết bao giờ tổ quốc mới có cơ hội phục
hưng?
Thời gian trước 1975, trong
khi xã hội băng hoại vì vật chất, đa số con người nắm chính quyền đều chạy theo
quyền lợi cá nhân và vơ vét, nhưng tôi biết vẫn có nhiều người thanh liêm trong
sạch, người ta từng nói tới tướng Thắng, tướng Trưởng, tướng Chinh, tướng Hiếu,
dù tôi không có cơ hội gần gũi những người nổi tiếng đó, nhưng tôi tin là dư luận
đúng, vì tôi gặp được nhiều người cũng có tinh thần đó, nhưng họ không giữ địa
vị quan trọng nên không được nhắc đến, nên tôi cũng thường ca ngợi những người
được dư luận ngợi ca đã đóng góp vào sự xây dựng những huyền hoại, vì xã hội
còn nửa cổ kính, nửa văn minh, nửa nông nghiệp, nửa thành thị như xã hội Việt
Nam, người dân cần người lãnh đạo có huyền thoại. Tôi không hiểu những người được
ca ngợi đó, có người đã chết, nhưng những người còn sống có chuẩn bị để làm nên
nghiệp lớn cho dân tộc, chuẩn bị đánh đổ Cộng sản, một chế độ đang sụp đổ hay
không? Tên tuổi những người đó được những người nổi dậy trong nước sử dụng như
một lời hiệu triệu tập hợp cũng là điều rất ích lợi. Trong cái hư đó, nếu có
cái thực chuẩn bị tiếp theo thì rất là hay. Nhưng e rằng những tên tuổi lớn đó
cuối cùng cũng chỉ là hư danh.
Thời gian ở tù, tôi cũng có
nhiều dịp để khâm phục những người tù bất khuất, tôi đã có dịp nêu tên tuổi ở
những phần đầu khi tôi gặp họ ở trại tạm giam. Ở phân trại C này, tôi tiếp tục
khâm phục một người khác, Linh mục Phan Thanh Luân; cha Luân sinh quán Phan
Rang, cha còn trẻ, khoảng 37 tuổi, bị kết án chung thân vì tổ chức phong trào
chống Cộng ở địa phương, vào trong tù cha vẫn tiếp tục chống đối, bao nhiêu lần
viết kiểm điểm, cha đều viết vỏn vẹn có mấy chữ “Chế độ Cộng sản độc tài tàn bạo,
nặng trừng phạt trả thù, không có khoan hồng”, cha Luân đã bị nhốt xà lim nhiều
lần, các cha khác khuyên cha nên nhẫn nhục hơn, nhưng cha đã dứt khoát trả lời
cha muốn làm một viên gạch lót đường cho người yêu nước bước lên đi tới. Trong
đợt kiểm điểm cuối năm 1982, cha Luân lại chỉ viết như cũ. Cha Luân bị nhốt từ
tháng 12-1982 đến khi tôi rời Xuân Phước tháng 10 năm 1986, nhiều người khác đã
chết nhưng cha vẫn còn sống, cha đã yếu lắm, lần cuối cùng khoảng giữa tháng
năm 1986, an ninh gọi cha ra để viết kiểm điểm. Cha Luân trả lời cha không biết
viết. Cha Luân đã quyết chết. Ý nguyện của cha là làm viên gạch lót đường,
nhưng không biết có người nào bước lên viên gạch tên Luân để đi được bước vững
chắc trong sứ mạng chống Cộng hay không? Có lẽ giờ đây cha Luân đã chết, cha sống
được cho tới ngày tôi rời trại tháng 10-1986 đã lạ lùng - đã từng nhiều lần ở
xà lim, tôi biết sức chịu đựng của con người cũng giới hạn, trước đây San, Ánh
chịu hơn hai năm, chúng tôi khâm phục lắm. Chế độ kỷ luật chỉ ăn 9kg lương thực
mỗi tháng trên lý thuyết, trên thực tế có thể ít hơn, có nhiều người như Lê
Quang Minh rất khỏe mạnh đã chết sau 3 tháng, thiếu tá Bùi Nguyên Nghĩa chỉ chịu
được có 2 tháng là chết. Xà lim trại cải tạo nơi chứng nghiệm sức mạnh của tinh
thần và niềm tin, nếu bình tâm, thoải mái, tự tin có thể kéo dài được sự sống
hàng nhiều năm, nếu lo âu bứt rứt, tiếc nuối, ân hận thì sẽ chết trong thời
gian ngắn.
Tháng 3 năm 1983, chúng tôi
được chuyển trại ra khu B, những anh bị kỷ luật vẫn tiếp tục bị giam giữ. Bọn
chỉ huy đã xin cả một đại đội địa phương từ trên tỉnh xuống bảo vệ trại sau khi
đã bắt giam và cô lập một số người bị nghi ngờ. Bọn chúng tin là tù có thể nổi
loạn thì ít, mà muốn làm lớn chuyện, dựng chuyện để báo công, lập công thì nhiều.
Vì chúng hy vọng giam một số người đông đảo trong tù sẽ có người chịu không nổi
sẽ nhận tội, và đối với pháp chế Cộng sản chỉ cần một số ít nhận tội là chúng
có thể đưa một đám đông ra tòa, tạo thành một vụ án to lớn để báo cáo lên bộ Nội
Vụ, lúc đó trại Xuân Phước lại được thưởng lẵng hoa, bọn chỉ huy và an ninh sẽ
được thăng cấp. May mắn là không ai chịu nhận những cáo buộc tày trời mà tội
danh đó trong trại có thể bị xử tử hình. Không kể các anh Vũ Văn Ánh, Khúc Thừa
Văn, Bùi Lượng bị giam đã gần 2 năm, nhân vụ Ngô Văn Ly rải truyền đơn, những
người khác mới bị giam hơn 5 tháng mà ai nấy đều chỉ còn da bọc xương. Những
lúc tù trong xà lim được dẫn đi tắm, nhìn thân thể tàn tạ của họ không ai khỏi
xúc động. Thất thểu dắt díu nhau để đi, người còn khỏe dìu người yếu hơn. Được
đi tắm là một đặc ân với người bị kỷ luật, có khi mỗi tháng một lần, có khi ba
tháng chưa được nhắc tới. Tắm đối với người ở xà lim là một hạnh phúc lớn lắm,
được rút chân ra khỏi còng một lúc, được đi ra ngoài trời, được nhìn và sưởi
trong nắng, được nghe và hưởng gió mát, được hít không khí trong lành, được tạm
quên mùi hôi thúi do nước tiểu và phân của chính mình bài tiết ra trong cái
thùng đạn đại liên đầy đến tận miệng mà trật tự cũng không đổ đi, được ngâm
mình trong nước một lúc. Do đó, dù có gần chết đến nơi, được tắm cũng ráng mà
dìu nhau đi. Tắm đối với phân trại B không những quí đối với tù giam ở xà lim,
mà còn quan trọng với ngay cả tù được đi lao động. Đó là một chính sách của trại
đối với những người tù cải tạo không tiến bộ, hệ thống bơm nước vào những hố chứa
trong trại bị cắt, trại không có giếng vì nằm trên đồi đầy đá. Nước lấy từ con
suối Trà Bương. Suối nước ở rừng núi miền Trung mùa mưa nước lũ tràn bờ chảy
như thác, nước suối mùa mưa rất độc, vì nước cuốn theo bao nhiêu rác rến lá cây
độc, nhất là lá cây sơn, thân cây sơn mục, mùa mưa nào đem về lòng suối càng
nhiều lá cây mục thì năm đó có nhiều người chết vì những chứng bịnh lạ, sốt lên
rồi chết nhanh chóng, kể cả ngoài khu dân cư bên kia suối.
Mùa nắng suối dần dần cạn,
khô lại, chỉ còn nước ở những nơi trũng không thông được. Khoảng nước ao tù đó
dùng nhiều công việc, tưới rau cho đội rau xanh, đội vệ sinh, đội rửa thùng
phân và thùng nước tiểu, đội chăn nuôi cho bò uống nước, cán bộ giặt áo quần và
tắm, giặt, nấu, ăn, uống. Nhưng được lặn hụp trong khoảng nước đục ngầu, chứa đựng
đủ thứ rác rến, phân người, phân súc vật, băng vệ sinh phụ nữ, không phải là dễ,
vì phải lao động tốt. Qui chế mới được ban hành, tù chỉ được tắm mỗi tuần hai lần
theo tiêu chuẩn. Còn những lần tắm khác nếu có là do sự thông cảm của cán bộ nhận
xét qua thành tích lao động của mỗi buổi. Lịnh ban ra thật nhẹ nhàng và gọn
gàng. Không lao động tốt không được tắm và lấy nước về nấu rửa. Tới gần cuối giờ
lao động mỗi buổi, tất cả tù trong đội đều hồi hộp chờ một lịnh ban ra thu dụng
cụ đi tắm, hay là thu dụng cụ về trại, kèm theo chỉ thị kiểm điểm anh A, anh B
vì lao động lề mề, vì cải thiện linh tinh. Một người làm sai cả đội chịu trách
nhiệm lây, do đó tập thể phải thúc đẩy, xây dựng lẫn nhau, nghĩa là phải đấu
tranh tố cáo nhau kịch liệt. Người tù ngây thơ nào cũng biết đó là mưu kế của
Việt Cộng để gây mâu thuẫn và hiềm khích. Tình đồng cảnh cũng mạnh nên thảo luận
qua quít, phê bình đại khái rồi cười thông cảm. Nhưng chuyện không xảy ra một
ngày, một buổi, mà sự việc xảy ra đều đều mỗi ngày trong nhiều năm, mùa hạ nắng
chang chang như đổ lửa, mồ hôi quyện với tro than vì cuốc gốc mía mới đốt, mặt
mày lấm tèm lem như mọi, thì một phút nhảy ùm xuống nước cũng rất cần, đừng nói
khẩn trương trong năm phút tắm. Trường hợp đó mà phải vác cuốc về trại vì anh
A, B nào đó làm lao động lề mề, dựa dẫm. Dù có biết là âm mưu của Cộng sản gây
nên hiềm khích vẫn cứ tố nhau, phê bình nhau, đấu tranh thực tình, đề nghị biện
pháp xử phạt lên cán bộ quản giáo. Cán bộ quản giáo có cùm một người tù, có hạn
chế thức ăn, cấm viết thư thăm gặp cũng do đề nghị của đội, của tập thể, không
phải là ý riêng của cán bộ. Nhờ những biện pháp như tù phải đi chân đất đi làm,
ăn uống theo các tiêu chuẩn bình bầu, chế độ tắm rửa, chế độ giam cầm kỷ luật,
trại Xuân Phước (tức trại A-20) nổi tiếng toàn quốc là trại trừng giới ác liệt,
là địa ngục trần gian.
Đối với anh em kỷ luật,
chúng tôi nghĩ phải làm cái gì cho họ. Một viên thuốc, một cục đường trong xà
lim giá trị gấp trăm gấp ngàn lần ở ngoài.
Móc nối được hai trật tự
Dũng và Cảnh, anh Phạm văn Đồng đã tổ chức được hai hình sự Sơn và Thuận sẵn
sàng “bay” tức là nhảy tường đem đồ tiếp tế vào khu xà lim. Giờ bay là những giờ
trưa phiên trực của Dũng và Cảnh. Đường dây tiếp tế kéo dài được ba tháng, đến
ngày 9 tháng 6 thì bể. Nguyên do trong một phòng giam anh Trần Quí Phong và ông
Bùi Ngọc Phương - anh Phong nhận tiếp tế, chia không đều, ông Phương đòi thêm,
anh Phong đã nặng lời, ông Phương tức giận tố cáo, tai hại là khi bị xét anh Trần
Quí Phong còn giữ số quà chưa ăn hết. Sơn, Thuận, Đồng và Ngô Ly bị bắt, vài
ngày sau các anh Nguyễn Chí Hiền, Nguyễn Hữu Giao và tôi bị bắt - chúng tôi nhận
là có cho Đồng và Ly quà, các anh Giao, Hiền được thả ra sau một tuần kỷ luật
và tôi tiếp tục bị giam. Nguyễn Minh Lý tức Lý lé, trưởng ban an ninh tổng trại
làm việc với tôi. Hắn nói đáng lẽ giam tôi cùng đợt đưa vào trong C năm ngoái
vì tôi đã tổ chức một đảng chính trị trong trại, tên là Lực Lượng Dân Tộc Việt
và chính tôi đã tổ chức vụ tiếp tế cho đồng bọn ở trong xà lim. Tôi nghĩ hắn
nói dóc, chắc là hắn mới nhận được báo cáo của một tên đặt điều nào đó vì nếu
tôi bị báo cáo từ trước làm sao hắn chừa tôi ra không nhốt. Tôi nhất định khai
là tôi chỉ cho quà do em Đồng xin, chúng tôi đã thỏa thuận với nhau về những lời
khai từ khi mới bắt đầu làm công việc nguy hiểm. Còn tổ chức đảng chính trị là
một điều không thể có, vả lại cái tên “Lực Lượng Dân Tộc Việt” là một tên của tổ
chức chính trị có từ trước năm 1975, nếu tôi có tổ chức đảng chính trị tôi
không đặt trùng hợp như vậy. Lý cho bắt nhốt thêm những người bạn thân của tôi
là Khổng Hữu Diệu, Trịnh Đình Lâm, Koksorl Bien, Nguyễn Tú Cường.
Hai chân tôi bị còng chéo để
bức cung. Còng chéo hai chân bị đóng cứng chặt giữa hai cái còng hình chữ U và
thanh sắt xuyên. Vì độ cao của thanh sắt giở hổng hai chân lên thành ra không
thể nằm thẳng lưng, vì nằm thân mình căng ra hai chân bị siết chặt vào sắt đau
buốt tận tủy óc, đau đớn liên tục. Người bị còng phải dùng hai khuỷu tay để chống
hoặc cởi tất cả cáo quần ra chêm ngang thắt lưng mới chịu được một thời gian,
chờ một vài ngày hai cổ chân gầy đi xoay được lật úp lại thì hai chân sẽ thẳng
ra nhưng phải nằm sấp. Nhưng chỉ trong vài ngày chân đã sưng húp vì ban đêm bị
lắc còng điểm danh. Cách bức cung này không ai có thể chịu được phải khai và nhận.
Đoán hắn dựa vào báo cáo mù mờ và không có sự thật nên phải khai như thế nào để
hắn có thể chấp nhận được. Sau một tuần bị cùm chéo, tôi khai rằng tôi được chỉ
định đọc báo cho toàn nhà nghe. Thỉnh thoảng thì giờ rảnh rỗi ngồi với nhau
cũng bàn với các bạn hữu những điều đăng trong báo, đó là bài tham luận của
Nguyễn Lam trong đại hội kỳ 5, xác nhận những sai lầm về kinh tế. Trong khi nói
chuyện với bạn bè tôi có đưa ý kiến riêng là khi đã nhận là sai lầm kinh tế tất
phải có những biện pháp đổi thay mà đã thay đổi kinh tế thì phải thay đổi chính
trị ở mức độ nào đó. Phải đến lúc chính phủ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
cần đến sự trợ giúp của người Mỹ và phải có những thay đổi cần thiết. Những điều
tôi nói đó không xa sự thật, không mới mẻ gì vì từ đầu khi tôi bị bắt, tên trưởng
ban chấp pháp, Đại tá Nam Thành ở Sở Công An Thành Phố nói với tôi là hắn và
thượng cấp của hắn biết là chỉ có Mỹ mới giúp cho Việt Cộng thoát khỏi những
khó khăn kinh tế, nhưng theo hắn, Mỹ sẽ đến Việt Nam với những điều kiện Việt Cộng
đặt ra. Tôi cũng nghĩ Mỹ sẽ trở lại Việt Nam nhưng với điều kiện của Mỹ đặt ra
sau khi đã cô lập đến độ làm Việt Cộng phải ngã quỵ, quỳ xuống van xin. Dĩ
nhiên tôi không nói điều tôi nghĩ ra, tôi giả nghe Nam Thành nói như nghe một
điều mới lạ. Bây giờ tôi cũng lý luận đó để nói với tên Lý, một cán bộ cấp thấp,
để nó thấy điều tôi nói hợp lý, không buộc tội tôi càng tốt, còn nếu làm hồ sơ
tôi sẽ viện dẫn những điều tôi nói là tài liệu tôi đọc được của Nguyễn Lam. Tôi
đã đối phó đúng, các người bạn tôi được thả ra trong thời gian ngắn và tôi được
thả ra sau ba tháng bị giam xà lim.
Không thể tiếp tế được cho
các bạn bè còn bị nhốt và hậu quả trầm trọng đã đến, tháng 11 năm đó, ông Bùi
Ngọc Phương chết, tội nghiệp một con người được tiếng là tỉ phú, mà đến lúc chết
thèm một ít hơi béo, một hơi ngọt mà không có. Rồi lần lượt Linh mục Nguyễn Huy
Chương, ông Bùi Lượng, anh Đức, Khúc Thừa Văn và Linh mục Nguyễn Văn Vàng chết
trước, sau, tùy sức chịu đựng của mỗi người. Khúc Thừa Văn khi quá kiệt lực được
đưa ra trạm xá, gặp lúc gia đình có thân nhân là Việt Cộng xin phép Bộ Nội Vụ đến
thăm, nhưng quà đến quá trễ không đủ phục hồi được một thân thể đã kiệt sức hơn
ba năm bị giam kỷ luật. Trước khi chết, anh Văn còn đủ tỉnh táo để mời những
người bịnh nằm chung mỗi người một điều thuốc và gởi cho một em hình sự hai điếu
để ngày hôm sau chuyển lại cho Mai Văn Hoàng và tôi, là hai người mà anh Văn
cho rằng đã hiểu anh không phải là người hèn nhát. Những người khác như anh Lê
Văn Sanh, Trần Danh San, Đoàn Phan Trí, Vũ Văn Ánh, Nguyễn Minh Hoàng, Châu
Sáng Thế, Nguyễn Hữu Nghĩa, cụ Lê Sáng nhờ được lệnh chuyển trại của Bộ Nội Vụ
cuối năm 1984 đến trại mới họ được ra khỏi kỷ luật nên thoát chết thảm vì đói
và kiệt lực trong xà lim.
Đây là những người tù bất
khuất, nếu không công khai chống đối thì cũng là người luôn luôn giữ tư cách
đúng đắn, để lại trong lòng anh em sống chung những tình cảm tốt đẹp.
Ra khỏi kỷ luật, tôi ở
trong một đội mà hầu hết những người đều là viên chức cao cấp từ hàng Tổng trưởng
đến Tổng giám đốc, hoặc cấp bực từ Trung tá trở lên, tôi trở thành người nhỏ tuổi
nhất và có chức vụ tầm thường. Nhưng ở đội này nhiều khi không được thoải mái bằng
ở những đội toàn những anh em sĩ quan trẻ tuổi.
Nhớ lại những anh Ngô Khắc
Tỉnh bị tên cán bộ Ninh tuổi chưa đáng con của anh mắng mỏ, anh không hề vi phạm
một điều gì lớn, chỉ một sơ suất lao động nhỏ cũng là cái cớ. Đại tá Trần Thanh
Bền, Trung tá Hồ Văn Nho và anh Hồ Văn Châm thường xuyên báo cáo. Anh Tỉnh là
người luôn luôn giữ danh dự và tư cách của một con người từng nắm giữ nhiệm vụ
quan trọng. Tôi cũng nhiều lần bị mắng chửi vì tình nguyện gánh nước tưới rau
thay cho anh Ngô Khắc Tịnh, anh Tịnh bị bại hai chân. Tên quản giáo Ninh muốn
tìm cớ chửi mắng anh nên giao cho anh canh tác một miếng đất nhỏ ở trong trại.
Tôi giúp anh Tịnh săn sóc miếng đất mỗi khi đi làm về. Họ báo cáo anh Tịnh mua
chuộc và điều khiển tôi.
Tên Ninh buộc tôi không được
giúp anh Tịnh, tôi cứ lờ đi tiếp tục giúp anh Tịnh ngoài giờ làm, tôi không ăn
gian giờ lao động của trại, vả lại giúp một người tàn tật thì không có nền luân
lý và luật pháp nào cấm. Kết quả là anh Tịnh bị đổi đi đội khác, để rồi anh phải
chống gậy đi lếch thếch, theo đội xuất trại rất khổ. Tôi không biết nhiều về
anh Ngô Khắc Tỉnh và Ngô Khắc Tịnh, nhưng tôi biết hai anh xuất thân từ một gia
đình có đạo đức tại tỉnh Phan Rang. Giáo dục gia đình là căn bản quan trọng để
đào tạo tính tình và đạo đức, tác phong của con người. Giáo dục học đường có thể
đào tạo con người giỏi, nhưng nếu thiếu đạo đức, ở trong hoàn cảnh khó, họ có
thể dễ dàng trở thành con người tồi tệ. Nhà trường cũng có dạy đức dục, nhưng
nhiều khi không có căn bản của gia đình, học sinh không hấp thụ được điều tốt
thầy dạy. Có lần anh Nguyễn Tú, ký giả báo Chính Luận, chỉ phê bình qua loa về
một bài thơ của anh Cao Văn Khanh ca tụng chế độ, sẵn ghét anh Tú không chịu viết
báo tường; tên cán bộ Hùng, phụ trách giáo dục bắt anh viết một bài kiểm điểm rất
cay đắng để đọc trước toàn trại trước khi nhốt anh Tú vào kỷ luật. Các anh Hồ
Văn Châm, Trần Thanh Bền, Hồ Văn Nho đổi sự thoải mái trong chức đội phó, đứng
thúc đẩy lao động và công tác riêng rẽ phục vụ cán bộ bằng mồ hôi và danh dự của
người đồng cảnh.
Mẹ tôi chết vào tháng 5 năm
1984, mẹ định đi thăm tôi từ cuối năm 1982 mà không đi được. Tết năm 1983, vợ
tôi đưa bé Đoan Trang lên thăm. Mẹ đã chuẩn bị đầy đủ, gọi vợ con tôi từ Sàigon
về Đà Nẵng để cùng đi thăm, cuối cùng mẹ không đi được. Từ đó, bệnh mỗi ngày mỗi
nặng và mẹ không bao giờ còn gặp tôi nữa. Được tin mẹ bịnh, mỗi lần gia đình
lên thăm là mỗi lần tôi hồi hộp, sợ nhận tin xấu về mẹ. Lần đó, khi gọi tên
thăm gặp, tôi thẫn thờ, linh tính báo cho tôi việc không hay nên tôi đã bồn chồn
từ mấy ngày trước, quả thật khi ra gần đến nhà thăm, em trai tôi đứng trông nơi
cửa, tôi đã nhìn thấy miếng vải tang chế nơi ngực của Khoa. Hai anh em ôm nhau
khóc, em chỉ nói với tôi “trước khi mẹ chết, trối với em lên dặn anh cố giữ sức
khỏe và đừng vi phạm kỷ luật để ở nhà có lên thì được thăm và mẹ trối với ba
tôi là dù hoàn cảnh nào gia đình cũng phải thăm và nuôi tôi, mẹ nói từ nhỏ tôi
vẫn ốm yếu, nếu không nuôi tôi, tôi sẽ chết trong tù”. Tôi không thể viết gì
dài hơn để nói tình cảm mẹ đối với tôi và cái lỗi của tôi đối với mẹ, suốt đời
chỉ làm khổ mẹ cha, chưa bao giờ có được một hành động để biểu lộ lòng hiếu thảo.
Bất ngờ đến với tôi và có lẽ
đối với tất cả trại là danh sách tha về hôm 26 tháng 7 năm 1984 có tên tôi. Vỏn
vẹn chỉ có 7 người, tên tôi cuối cùng. Đọc đến lần thứ hai tôi mới nghe vì tôi
không bao giờ có hy vọng được tha nên không để ý. Đội xuất trại xong, chúng tôi
mới được dẫn về trại chính làm thủ tục.
Để lại tất cả đồ đạc cho bạn
bè, tôi đi tay không về trại. Hai chân đi đất đã lâu nên đường có gồ ghề lồi
lõm cũng quen. Hàng dừa hai bên đường đi đã cao quá đầu người, trĩu nặng những
buồng trái. Mau thật, mới ngày nào chúng tôi đào đất trồng dừa. Khi đào hố trồng
những cây dừa con xuống, tôi nói đùa “khi nào dừa có trái thì mới về”, anh em
giẫy nẩy. Thế mà dừa đã có trái mấy mùa rồi tôi mới ra khỏi trại. Còn nhiều anh
em ở lại. Các bạn bị nhốt trong xà lim vẫn còn bị cùm, có người cùm đã ba năm rồi
chưa được thả ra.
Những ruộng lúa xanh tươi rạp
trong nắng sớm, những cơn gió nồm đùa ngọn mía lao xao gợn sóng chạy về hướng
đông bắc, đụng phải vách núi cuộn vòng về hướng đông. Cứ mỗi cơn gió, một đợt
sóng lá xôn xao đẹp mắt. Những ruộng mía này tưới biết bao nhiêu mồ hôi của tù,
những ngày đứng dưới nắng gắt cuốc những ruộng mía mới đốt, tro than bay lấm
lem luốc, nếu hôm nào cán bộ Hải đi quản chế đội thì không được tắm, buổi trưa
buổi chiều, anh em kéo nhau về, mặt mày đen thui; bụi tro và mồ hôi nhễ nhại -
lòng hậm hực. Làm mía có khổ, nhưng mùa thu hoạch cũng bù đắp; chỉ tiêu mỗi
ngày 500 cây mía vừa chặt, vừa bó, dọn lá và vác ra địa điểm; chỉ tiêu có nặng
nhưng làm mía có thể ăn được mía. Có chất ngọt vào đỡ mệt và bồi dưỡng. Khi
thâu hoạch, đội phải cử ra hai người lựa và róc mía cho cán bộ quản giáo và quản
chế ăn, còn phần họ mang về nhà. Cán bộ mải bận lo ăn thì tù cũng bớt bị kiểm
soát, đi sâu vào trong ruộng mía, có cây lá che khuất, tù cũng có thể ăn một
vài cây mà không bị phát giác.
Lưng chừng đồi là những ruộng
khoai mì; khoai mì bạt ngàn, nhìn đâu cũng thấy. Những năm đầu, chúng tôi còn
trồng khoai dưới thung lũng. Bây giờ khoai đã trồng cả lưng chừng núi, mỗi năm
phá đất trồng thêm. Trồng cây khoai mì vùng đất xấu phải đào thành hố lập phân,
mỗi bề 40cm. Xong bỏ các loại lá cây rừng làm phân xanh; cây khoai mì cứ thế mà
lớn. Qua một năm củ đầy cả hố. Nhổ cây khoai mì, đất cứng thật vất vả. Hai tay
cầm thân cây, chân đứng dạng ra lấy sức kéo lên. Nhiều khi cảm thấy như xương sống
giãn ra mà cây không nhúc nhích. Làm khoai, chế biến khoai trắng sạch; trại đem
đổi ở hợp tác xã huyện Đồng Xuân lấy khoai khô của dân đen mục rẻ hơn cho tù
ăn. Làm như vậy cho trại có lợi. Chế độ cái gì cũng tính toán phân chia thật kỹ;
chỉ có không khí là Đảng không phân chia quy hoạch vào sự quản lý của nhà nước
được, nên dân và tù chỉ còn hít thở được tự do mà thôi.
Tấn nói với tôi:
- Ra đến nơi lấy giấy xong,
ông và tôi ra về ngay, không có xe mình đi bộ, phải đi ra khỏi trại ngay.
Tôi nói với Tấn:
- Đi ngay chớ chờ cái gì,
sao ông nghĩ vậy?
Tấn nói:
- Tôi lo cho ông.
Ra tới văn phòng trại, thấy
tên cán bộ quản giáo Ninh và tên cán bộ giáo dục Hùng ra theo tới nơi, tôi hơi
ngại. Nhớ hôm sinh hoạt đội, các anh Hồ Văn Châm và Trần Thanh Bền khiếu nại rằng
họ cải tạo tốt mà không được về trong khi những người bị kỷ luật như anh Phạm
Chí Thành, Tăng Ngọc Hiếu, Phạm Đức Nhì được tha. Sự phát biểu hơi kỳ cục, kỳ cục
như lần anh Châm nói rằng anh không còn trách nhiệm vì đã rời chức Tổng Trưởng
trước khi miền Nam giải phóng và anh Bền ví von anh đã rời canh bạc trước
30-4-1975. Các anh chỉ nghĩ một chiều khi làm một sự so sánh đó. Những người được
về là Trung úy mà họ đã ở đến năm 1983. Còn các anh là những người lãnh đạo miền
Nam Việt Nam. Cải tạo tuy không có án nhưng mỗi người cải tạo đều có những mức
án ngầm căn cứ vào chức vụ, quá trình hoạt động, gia thế v.v... riêng của mỗi
người, còn việc cải tạo ở trại nó chỉ ảnh hưởng cho sự tăng án hơn là giảm án;
vì trong chế độ quá máy móc, thư lại, và sợ trách nhiệm như chế độ Cộng sản thì
đề nghị xấu thì dễ mà đề nghị tốt thì khó. Chế độ mà người buộc là cấp dưới mà
người cởi buộc là cấp thật cao ở trên. Đó là hậu quả không thể tránh được trong
tổ chức độc tài. Có người nghi ngờ, cho là chế độ cộng sản tốt chỉ có người thừa
hành làm sai. Lý luận như vậy chứng tỏ họ không có kinh nghiệm sống trong chế độ
cộng sản, chế độ cộng sản nó chỉ phát triển được tính xấu, tính ác cho dù trong
đó con người còn nhân tính, họ cũng phải giấu đi vì nếu họ sống khác họ sẽ bị
guồng máy tức tổ chức của họ nghiền nát. Chế độ cộng sản cần phải loại trừ hẳn
từ lý thuyết đến tổ chức, nó không phải vì con người xấu - có nhiều người không
xấu hẳn nhưng sống trong chế độ đó họ phải ác, phải xấu - chỉ khi nào chủ thuyết
và tổ chức cộng sản bị dẹp bỏ thì con người cộng sản không còn nguy hiểm mà một
số đông người cởi bỏ được áp lực và sự trói buộc họ sẽ phát triển trở lại nhân
tính. Vậy chống Cộng sản cốt yếu là chống chủ nghĩa, chống tổ chức hơn là chống
từng con người cộng sản. Khi còn chủ nghĩa, còn tổ chức thì bất cứ một người cộng
sản nào cũng nguy hiểm - khi chủ nghĩa đổ, tổ chức tan, con người cộng sản
không còn nguy hiểm.
Phải viết lý lịch và bản
cam kết rằng lúc ra về đến địa phương phải tuân hành luật pháp và khai báo những
phần tử xấu đến móc nối trong các tổ chức phản động. Tôi viết xong thì tên cán
bộ Lâm an ninh vào gọi tôi ra, vào phòng an ninh gặp Hùng và Ninh ở đó. Lâm bảo
tôi chuẩn bị trở về trại, trường hợp của tôi hắn còn đề nghị hỏi ý kiến Bộ Nội
Vụ trở lại vì tôi là thành phần xấu. Cán bộ quản giáo Ninh nói nếu để thành phần
xấu như tôi được về thì những người cải tạo tốt sẽ nản chí. Một lần nữa trong đời,
đầu tôi nhói đau lên và chân tôi muốn nhũn xuống như khi nghe tin thành phố Đà
Nẵng thân yêu lọt vào tay cộng sản và lần nghe ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu
hàng vô điều kiện. Không hiểu sao lần bị bắt thì tôi bình tĩnh được, mà lần
quay lại trại tôi lại mềm yếu đến nhũn ra, quả thật tôi đã mệt mỏi, hơn 7 năm
tù tôi đã mỏi mòn, sự vui mừng khi được gọi tên ra về giờ trước, bây giờ thất vọng
như quả bóng căng phồng lên rồi bất ngờ bị nổ tan ra.
Trước khi chia tay để Tấn
ra về, bạn còn nhắn tôi: “Cố gắng lên đừng xỉu nhé.” Tôi buồn thật, nhưng chưa
đến nỗi phải xỉu như bạn lo lắng. Mệt mỏi theo tên cán bộ Hùng trở về phân trại,
tôi lầm lũi bước. Con đường dốc lởm chởm đá đâm vào chân đau điếng giờ đây tôi
thấy rất rõ, trái với lần ra đi tôi quá vui nên quên đi. Tôi biết là tôi sẽ bị ở
lại lâu. Họ muốn phản đề nghị để Bộ Nội Vụ bỏ lịnh tha của tôi, thì họ phải làm
tờ trình rất xấu về tôi. Với một tờ trình xấu thì ủy ban xét tha nào dám cho
tôi về lần thứ hai nếu không có sự thay đổi quan trọng. Tôi kể như ở tù lại lần
thứ hai - chiều hôm đó trở ra bãi lao động.
Sự tai hại tiếp theo cho
nhiều người là sau khi đề nghị bỏ lịnh tha của tôi có kết quả - trại Xuân Phước
tiếp tục lệ đó để giữ lại nhiều người mãn án. Linh mục Nguyễn Tiến Khẩu mãn án
10 năm tù chuyển qua tập trung cải tạo, anh Châu mãn án 10 năm tù chuyển qua tập
trung cải tạo, trung úy phi công Nguyễn Hương tập trung, trốn trại bị án 10 năm
tù, mãn án 10 năm tù, bị chuyển án tập trung vì tình nghi trốn trại lần thứ
hai. Chắc là các anh Hồ Văn Châm, Trần Thanh Bền không hối hận về sự khiếu nại
ngu xuẩn của họ.
Giữa năm 1984, có một chuyến
tù đặc biệt được chuyển đến trại, đặc biệt vì họ không thuộc diện tù nào dù vẫn
được gọi là tù chính trị tội danh là “tay sai chế độ cũ đàn áp cách mạng”, đó
là những cựu quân phạm của Việt Nam Cộng Hòa bị giam ở Côn Đảo trước ngày
30-4-1975.
Ngày 2-5-1975, tù nhân phiến
cộng ở Côn Đảo phá ngục tiếp thu đảo, bầu chỉ huy, và nhốt tất cả tù và nhân
viên binh sĩ còn lại vào nhà giam. Các viên chức và sĩ quan địa phương phục vụ
tại đảo họ bỏ vào bao bố thả xuống mũi Cá Mập. Trong đó có Tôn Thất Sỹ bạn tôi,
đặc phái viên hành chánh Côn Sơn. Hơn 10 ngàn tù được dần dần cho về, còn khoảng
hơn 1,500 bị cho là “có nợ máu với nhân dân” được đưa về trại tù Kinh 5 ở
Chương Thiện năm 1979. Số này lần lượt thả ra và 112 người cuối cùng không thể
cho về được họ chuyển lên trại Xuân Phước.
Trong số 112 người này,
Nguyễn Văn Nhung tức Tư Nhung ở tù lúc 18 tuổi vào năm 1952 khi đến trại năm
1984 đã ở tù 32 năm qua ba chế độ từ thời Pháp, tù Việt Nam Cộng Hòa và tù Việt
Cộng. Khởi đầu, Nhung can tội đánh cướp hãng Caric giết chết một người Pháp bị
án tử hình, không bị hành quyết đưa giam ở Côn Đảo, giảm dần án lẽ ra đến tháng
7 năm 1975 là mãn án, nhưng không ngờ đến 30-4-1975, thời cuộc biến đổi - Nhung
ở tù tiếp vì tội làm trật tự ở trại Côn Sơn, đàn áp tù Cộng Sản mỗi khi họ đấu
tranh.
Tất cả những người còn lại
đều là những binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa bị thường tội - có người án tử hình giam
từ năm 1960. Người bị giam mới nhất là Trương Văn Giàu năm 1970 đến năm 1984 đã
ở tổng cộng 14 năm tù. Những người tù này trình độ họ thấp không có một ý thức
chính trị; chỉ là những người khi thừa hành nhiệm vụ họ không có tự do lựa chọn.
Vậy mà họ bị chế độ trả thù dã man tàn nhẫn. Tàn nhẫn vì họ là nạn nhân của một
nhu cầu. Những người Cộng sản bị tù ở Côn Sơn cần khoa trương những khổ nhọc
khi họ ở tù tại Côn Sơn, nên cần có những chứng tích sống là những người đã đàn
áp họ để chứng tỏ địa vị xứng đáng của họ trong Đảng. Thực ra ở nhà tù không
bao giờ là sung sướng, nhưng tù dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa họ được ăn no, được
học hành, không phải lao động cực khổ, khi họ ăn cá khô thì họ đã gọi là tàn ác
và đấu tranh. Người cộng sản đê hèn ở chỗ khi cần thiết họ có thể đi lạy lục
ngoại bang như Phạm Văn Đồng phải đi qua Pháp lạy lục để xin viện trợ, nhưng họ
không buông tha cho những người lính trọng tội phải chấp hành lịnh của những
giám thị ở nhà tù. Tên Đại tá Bình, cựu tù Côn Đảo, một hôm đến thuyết trình khẳng
định là những người tù Côn Đảo sẽ không được thả ra và y còn hăm he là những
người lỡ cho về sẽ bị bắt lại. Tù Côn Sơn, những người không may nạn nhân âm thầm
của lịch sử, cùng nằm trong một nhà tù nhưng tôi biết tù cải tạo đang được thế
giới tự do can thiệp. Còn những bạn tù Côn Sơn không ai biết đến họ, đến năm
1988 số này vẫn chưa ai được giải quyết - Tư Nhung ở tù đã 36 năm, người ít nhất
Trương Văn Giàu cũng đã 18 năm. Họ đã ở tù liên tiếp từ chế độ này sang chế độ
khác. Một người bị nhốt suốt cả đời trong tù là một hình phạt khủng khiếp. Thời
gian trước 1975, họ bị mất tự do nhưng không đói, về ở Kinh 5 Chương Thiện có
thể tìm được thức ăn cải thiện trong cánh đồng mầu mỡ, nhưng ra đến Xuân Phước
lần lượt họ bị chết dần, có người đã không còn thân nhân. Nguyễn Hồng Anh là
người đầu tiên trong nhóm này bị chết, hôm đó gặp ngày nhiều người tù được
thăm, Anh xin được 4 lon gạo, anh nấu ăn hết một lần rồi đi vào chỗ nằm, đến giờ
sinh hoạt mới biết Anh đã chết rồi, chết nhanh chóng vì được ăn một bữa quá no.
Xác chết được mang ra cửa, phòng tiếp tục sinh hoạt, bạn bè mừng cho anh vì khi
còn sống bị đói triền miên chỉ có lúc chết là được no. Cuối năm 1984, hơn 100
người được chuyển trại về Xuân Lộc, phần lớn là những người mới đến trại năm
1982 và 1983. Anh em còn ở lại hy vọng chờ đợt thả nhân dịp Tết đầu năm 1985; ở
lâu tù nhiều kinh nghiệm, cứ có một đợt chuyển trại đông đủ, số còn lại sẽ có
người về, vả lại đã qua 9 năm rồi, về trong dịp Tết là được cứu xét trong lễ 2
tháng 9. Nếu ai không về được thì bắt đầu yên trí cải tạo mốc thứ 4 chờ dịp thả
lúc đủ 12 năm.
Trại Xuân Phước bây giờ chỉ
chuyên nhốt những người tù chính trị có án nặng ở khu nhà ngói tường xây ở phân
trại A đang càng ngày càng được mở rộng. Thường phạm án nặng về Gia Trung.
Sau đợt thả tù cải tạo vào
tháng 1 năm 1985, số tù không án trong trại chỉ còn khoảng 200 ở lại cùng với một
số tù thường phạm để khai thác khu canh tác phân trại B. Đã không được về,
không được chuyển trại về Nam, những người ở lại xem như không được may mắn. Mức
độ lao động mỗi ngày mỗi tăng, số tù giảm mà diện tích canh tác vẫn mở rộng. Chỉ
tiêu chế biến khoai mì bình quân 70kg mỗi người năm 1984 đến năm 1986 phải lên
đến 170kg. Chỉ tiêu nhổ gánh khoai mì về trại trước 400kg mỗi ngày nay đã lên
600kg, đào hốc trồng khoai trước 150 hốc một ngày lên 240 hốc. Tất cả chỉ tiêu
đều phải làm xong, vì có làm xong mới được tắm mỗi ngày. Đất núi sau khi trồng
một năm cây khoai mì bám đất thật chắc. Ôm cây khoai mì nhổ lên nhiều khi muốn
thắt cả ruột. Nhổ xong xếp gánh cho đủ 60kg mỗi gánh, còn thì giờ phải dọn cho
sạch cây lá. Con đường từ đồi thoai thoải về đến trại gần 3km phải đi qua hai
cái dốc. Những người khỏe mạnh nhổ nhanh, gánh trước, còn thì giờ lên dóc ngồi
nghỉ. Người gầy yếu làm chậm đi sau, mới leo tới đỉnh dốc thì cán bộ đã hô đội
đi. Từ chuyến di chuyển thứ ba thứ tư trở đi, cặp chân không theo sự điều khiển
của cái đầu, lúc xuống dốc chỉ cố giữ kềm làm sao cho khỏi vấp ngã, còn thì cứ
để cho gánh khoai trên vai lôi thân người chạy xuống. Riết rồi thấy cây khoai
mì là sợ.Giờ đây tôi cũng không hiểu sao lúc đó tôi gánh được mỗi ngày 10 gánh
khoai mì về trại, mỗi gánh nặng 60kg, trong khi tôi chỉ cân nặng 38kg.
Thấm thoát đã qua 10 năm,
sau lần hụt về năm 1984, tôi không còn hy vọng được tha. Không trông mong được
ra khỏi trại một cách bình thường - nhưng tôi vẫn hy vọng có một biến chuyển
quan trọng để được ra về. Tuy tài liệu báo chí không đầy đủ, nhưng tôi vẫn theo
dõi được biến chuyển thay đổi ở Liên Sô kể từ 1985 khi Gorbachev lên làm Tổng
bí thư với chương trình Glasnost và Perestroika. Ở Việt Nam, Lê Duẩn chết, Phạm
Văn Đồng đã giới thiệu để Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam bầu Trường Chinh
làm Tổng Bí thư thay Lê Duẩn. Nhưng việc Nguyễn Văn Linh đặc biệt trở lại Chính
Trị Bộ và giữ chức Thường trực Ban Bí Thư - đây là một chức vụ mới trong Ban Bí
Thư. Con đường lên Tổng Bí thư của Linh đã rộng mở. Đại hội kỳ 5, Linh ra khỏi
Bộ Chính trị vì y có chủ trương cởi mở. Trở lại thành ủy Sài Gòn, y thực hiện sự
cải cách, Sài Gòn đã có phần dễ thở hơn. Linh đã đi đúng theo con đường
Gorbachev đang đi ở Liên Sô. Thân phận nước nhược tiểu, chế độ nào cũng vậy. Chế
độ Cộng sản nói độc lập nhưng thực chất bị lệ thuộc nhiều hơn hết bởi vì mỗi
khi nhận là thành phần đệ tam quốc tế tức phải nhận sự lãnh đạo của Liên Sô.
Gia đình vẫn gửi báo Tuổi
Trẻ, báo Tuổi Trẻ Chúa Nhật, báo Thanh Niên lên cho tôi xem. Muốn có đủ các số
báo đó, phải kèm theo báo thể thao và báo công an để khi xét, bọn cán bộ “mượn”
báo thể thao và báo công an thôi. Ở núi rừng nên cách trở giao thông, ngay cán
bộ cũng không đủ báo đọc. Những anh em sĩ quan trẻ còn nhiệt tâm đã về gần hết.
Số tù cải tạo còn lại quá ít, chỉ tiêu lao động quá cao, sức khỏe gần như đã
suy kiệt; ai nấy thu người lại chịu đựng, không còn những sinh hoạt ồn ào vui vẻ
như trước. Càng khổ sở thì càng mâu thuẫn nhau, đụng chạm nhỏ cũng biến thành
cãi cọ xô xát lớn. Thật cô đơn. Ngày về xa. Hy vọng chuyển trại càng không thấy.
Đã hơn 7 năm ở trại Kiên Giam Xuân Phước, bao nhiêu người cùng đến trại từ
1979, đã về hoặc chuyển trại gần hết, bao nhiêu người đã chết rồi. Số phận vẫn
xui xẻo, khi tôi nằm trong số 10 người ở lại lâu nhất trại này. Chiều ngày 13
tháng 10 năm 1986, đang làm ngoài bãi, anh Trần Danh San và tôi được an ninh gọi
về để chuyển trại. Anh em cũng nghĩ như chúng tôi, một khi tôi và San cùng đi
thì sự không may đến với chúng tôi nhiều hơn vì hai chúng tôi được ghi là thành
phần xấu. San mới bị chuyển từ trại Long Khánh lên trở lại. Anh em nhìn chúng
tôi ái ngại. Nhưng tôi vẫn thích một chuyến thay đổi ra sao thì ra “phận bèo
đâu quản nước trôi, lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh.”
Đến văn phòng phân trại,
phân trại trưởng Huy đứng chờ đưa hai chúng tôi lên xe về tổng trại, y chúc
chúng tôi đi đường may mắn. Tôi bỗng bàng hoàng, không khi nào trại trưởng đưa
tù lên xe, trước đây chỉ có một lần duy nhất khi Nay Luett được xe du lịch đến
đón tại trại để ra Nha Trang đi máy bay về Hà Nội - vài tháng sau được tin Nay
Luett chết tại Phú Bổn. Đến bộ chỉ huy Tổng trại, trại trưởng Bàng, cán bộ an
ninh Lâm, cán bộ giáo dục đều có mặt ngay tại sân. Họ làm việc nhanh tại đó,
soát xét hành trang, trả tiền lưu ký do gia đình chúng tôi gửi khi đến thăm
nuôi, bàn giao hai chúng tôi cho toán 4 người cán bộ từ Sở Công An Thành Phố
ra. San và tôi được còng tay vào hai bên chiếc xe Jeep. Chúng tôi rời trại Xuân
Phước khoảng 4 giờ chiều.
(còn tiếp)
*Mời đọc những phần trước:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét