17.6.10

Đêm Noel Vùng Dậy tại Suối Máu




      Cuộc biểu tình bất bạo động của hơn 10 ngàn Tù Nhân Chánh Trị -- được gọi là "Học Tập Cải Tạo" -- diễn ra trong đêm Giáng Sinh 24 tháng 12-1978 tại trại tù Suối Máu (Tân Hiệp, Biên Hoà), được anh em tù nhân chánh trị gọi là "Đêm Noel Vùng Dậy" -- là một sự kiện lịch sử -- đánh dấu một biến cố rất đặc biệt chưa từng xảy ra trong các trại tù cộng sản từ sau tháng 4-1975 cho tới thời điểm đó. Nó đặc biệt là vì cuộc tranh đấu nổ ra rất bất thần, đồng loạt, phối hợp nhanh chóng và quy mô trên toàn thể 5 trại : K1, K2, K3, K4 và K5, mà trong đó yếu tố Tôn Giáo đã được dùng làm ngòi nổ.
     Biến cố "Đêm Noel Vùng Dậy" mặc dù rất ngắn ngủi chỉ diễn ra trong vòng vài tiếng đồng hồ trong đêm 24-12-1978, nhưng nó đã đánh động đến tận bộ đầu não của bọn thống trị cộng sản ở miền Nam. Công an võ trang, quân đội và lực lượng chiến xa của tỉnh Biên Hoà đã được huy động tới bao vây trại để chuẩn bị đàn áp. Cho thấy tầm mức và ảnh hưởng của vụ này nó quan trọng như thế nào...
     Nhằm ghi lại biến cố trên đây cho thật đầy đủ để lưu lại hậu thế, sau khi tới Mỹ định cư qua chương trình "HO" (đợt HO.2 cuối 1990), chúng tôi, tức kẻ viết bài này đã mất nhiều năm cố gắng liên lạc với các bạn tù hiện định cư tại Mỹ và tại Úc, để gom góp, đúc kết mỗi ngày thêm đầy đủ. Và bài viết này đã lần lượt ra mắt bạn đọc trên tờ Góp Gió số 49 tháng 12-1997, kế đến tờ tuần báo Quê Hương của cô Đoan Trang ở San Jose, Cali, và sau cùng là tờ Lập Trường của ông Hồ Anh Tuấn ở Nam Cali. Chúng tôi rất vui mừng là đã được nhiều bạn đồng tù ở khắp nơi bổ sung thêm cho tới nay coi như đã tạm đủ.
     Cái khó khăn cho cá nhân chúng tôi, là một NHÂN CHỨNG quan trọng trong truyện dưới cái tên "Anh Sáu Hồ Hởi". Chúng tôi đã cố gắng hết sức để cái TÔI không bị coi là tự đề cao mình. Biến cố "Đêm Noel Vùng Dậy" là công sức của tất cả các anh em trong Ban Hành Động liên "K". Còn chúng tôi, SHH chỉ đóng góp một phần tác động nên biến cố đó.
 
I.- ĐÔI DÒNG MỞ ĐẦU.
     Sau khi xé bỏ Hiệp Định Hoà Bình Ba Lê 1973, Cộng sản Bắc Việt xua gần như toàn bộ lực lượng võ trang chính quy vượt sông Bến Hải vào cưỡng chiếm miền Nam, buộc Chánh quyền VNCH phải đầu hàng vô điều kiện vào ngày 30-4-1975. Bọn CS Hànội qua công cụ Mặt Trận GPMN, cho lùa tất cả quân, cán, chánh VNCH vào các trại tập trung dưới chiêu bài "Học Tập 15 ngày", để rồi trở thành những người tù khổ sai không bản án sau đó. Có điều thật mỉa mai, bọn CS biện minh cho việc "bắt nhốt" nầy, đại khái rằng :
    - Vì quá trình cộng tác với Mỹ-Ngụy lâu năm của các anh đã gây ra quá nhiều "nợ máu" đối với nhân nhân, cho nên giờ đây nhân dân rất căm thù các anh. Để bảo toàn sinh mạng cho các anh, Đảng và Nhà Nước phải tập trung các anh vào đây để các anh khỏi bị nhân dân trả thù giết hại. Đợi khi nào nhân dân ở bên ngoài được Đảng và Nhà Nước giáo dục học tập tốt, hết còn căm thù các anh nữa, chừng đó các anh sẽ được lần lượt cho về an toàn...
     Rồi sau đó, chúng lại đổi giọng :
    - Vì các anh là viên chức, sĩ quan được Mỹ nuôi dưỡng, thuộc thành phần ăn bám xã hội, không biết lao động để kiếm sống. Do đó, Đảng và Nhà Nước phải rèn luyện cho các anh biết thế nào là "lao động vinh quang", để sau này trở về nhà có thể tự lao động làm người có ích cho xã hội, nuôi vợ con, v.v...
    Và, trong lúc anh em đi "lao động", đồng bào thường ném bánh mì, bánh tét, trái cây... cho các anh em. Bọn cán bộ bèn tịch thu hết. Chúng giải thích :
     - Các anh đừng tưởng nhân dân thương các anh đấy à ? Không đâu ! Nhân dân thù các anh lắm ! Coi chừng nhân dân bỏ thuốc độc vào đấy để hại các anh. "Cách Mạng" có bổn phận phải bảo vệ các anh. Nếu có anh nào ăn trúng độc chết thì "cách mạng" làm sao trả lời với nhân dân ? Đặc biệt là phải ăn nói làm sao với vợ con các anh (sic) !
     Toàn là những giọng điệu giả nhân, giả nghĩa của giống hồ ly tinh !!!
     Khởi đầu khi vào trại, chúng cho "học tập" cái gọi là "Chánh sách 10 diểm của Chánh Phủ Cộng Hoà Miền Nam" (tức MTGPMN) áp dụng cho các vùng vừa mới "giải phóng" như ở Huế, Đà Nẳng... Lời lẽ trong đó tỏ ra rất ôn hoà, ngon ngọt, rất "cách mạng", có thể làm yên tâm nhiều người. Như... "những người vì không biết "cách mạng" mà chống lại "cách mạng" thì không có tội tình gì cả. Những người đã chịu trình diện, giao nạp vũ khí... sẽ được "cách mạng" khoan hồng"... Chữ "khoan hồng" luôn luôn được nhắc đến một cách trịnh trọng.
    Nhưng độ tháng sau, chúng cho phát động một chiến dịch học tập 10 bài gọi là "chánh trị căn bản", cụ thể như ở trại tù Long Khánh. Mỗi bài mang một nội dung như "Đế Quốc Mỹ, kẻ thù số 1 của Dân Tộc VN"; "Ngụy Quân, Ngụy Quyền là do Mỹ nặn ra"; "Chủ nghĩa CS bách chiến bách thắng", v.v... Sau mỗi bài học, từng "tổ" học viên phải tiến hành việc "thảo luận", phân tích, đào sâu, tán rộng... những điểm trọng yếu. Phải thảo luận cho thật "đạt yêu cầu". Có nghĩa là phải "liên hệ" đến chính bản thân mình "làm tay sai cho Đế quốc Mỹ"; phải "thành khẩn khai báo" những tội ác của bản thân trong cái gọi là "quá trình" tham gia làm lính đánh thuê cho Mỹ... Người nào không chịu khai, hay chưa "thấy" được tội ác của mình, thì đã có cán bộ "quản giáo" VC "gợi ý" dùm ngay tại chỗ, để học tập cho có kết quả tốt, hầu được "cách mạng" sớm tha cho về... như những lời hứa hẹn trước khi bắt đầu đợt học tập.
     Những điểm gợi ý đó cho thấy, bất cứ ai đã cầm súng đánh thuê cho Mỹ... thì dù chỉ MỘT NGÀY thôi cũng đã là có TỘI ĐÁNG CHẾT rồi. Thí dụ như :
     1.- Đối với một anh Chuẩn úy truyền tin mới ra trường, chưa từng lâm trận mạc, không chịu nhận mình có tội chi cả. Quản giáo bèn gợi ý : Anh là sĩ quan truyền tin mà không có tội à ? Vậy chứ ai đã gọi máy bay B-52 tới để ném bom tàn sát quân cách mạng ? Bắn giết đồng bào ? Tội của anh nặng lắm !
    2.- Đối với anh sĩ quan mới ra trường, gốc giáo chức, được biệt phái trở về dạy học, cũng khai không có tội. Quản giáo lại gợi ý : Bác Hồ có dạy rằng "vì ích lợi 10 năm trồng cây; và vì lợi ích trăm năm trồng người". Chính anh đã nhồi sọ cho các thiếu nhi căm thù cách mạng. Lớn lên chúng sẽ xung phong đi lính cầm súng chống lại cách mạng... Thế mà anh dám bảo rằng không có tội à ?
     3.- Còn đối với một ông sĩ quan quân nhạc, cũng khai rằng không có tội cầm súng chống lại cách mạng. Quản giáo cũng gợi ý : Này nhé ! Anh mới là kẻ có tội nặng nhất. Anh thuộc lính tâm lý chiến, sáng tác nhạc khích động căm thù cách mạng cực kỳ phản động. Chính bọn tâm lý chiến đã thổi kèn rước đế quốc Pháp, rồi rước đế quốc Mỹ xâm lăng đất nước ta !
     Tất cả những lời "nhận tội" phải được ghi vào "Bản Thu Hoạch" cá nhân từng người, là kết quả của mỗi bài học, người nào cũng phải nhận là "có tội".
     Và điều quan trọng nhứt là, để chứng tỏ lòng thành khẩn của mình, mỗi người phải "tự giác" viết ra câu này : "Xét vì tội của tôi quá nặng, tôi xin tình nguyện học tập lâu dài cho đến khi nào được cách mạng xét thấy có tiến bộ, cho về thì tôi mới về". Những ai không chịu viết như vậy, tức là chưa thành khẩn. Tổ học tập bắt buộc phải "đấu tranh" quyết liệt với các phần tử còn ngoan cố. Cán bộ quản giáo cũng sẽ "đấu tranh" với đương sự. Sẽ cho hưởng phần ăn C (kém); không cho viết thư và nhận quà tiếp tế; bị gọi lên trình diện cán bộ giáo dục vào lúc giữa đêm... Cách mạng sẽ kiên trì đấu tranh cho đến khi nào đương sự chịu tự giác tội lỗi của mình mới thôi. Thường thì không mấy ai không... "tự giác" cả!
     Bọn VC đã thành công lớn : Rõ ràng chúng ta, những người tù nhân chánh trị đã tự chui đầu vào chiếc dây thòng lọng. Chúng ta đã TÌNH NGUYỆN ở tù... chứ có VC nào bắt buộc đâu !? Quốc tế có lý do gì can thiệp vào ?
     Sau đợt học tập 10 bài (mỗi tuần 1 bài), anh em tù được nghỉ xả hơi sau 2 tháng rưỡi thần kinh thật căng thẳng tột độ. Có anh, trong lúc "liên hệ" tội ác của mình, đã không chịu đựng nỗi mà phải bật khóc oà lên như đứa trẻ. Đó cũng là hình thức tẩy não, nhồi sọ và khủng bố tinh thần thật tinh vi của cộng sản.
     Tiếp theo, chúng cho học tập cái gọi là "Chánh sách 12 Điểm" của Chánh phủ Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam (tức MTGPMN), trong đó có một điều khoản khá "mập mờ" rằng "sau 3 năm học tập, những ai tỏ ra có "tiến bộ" học tập tốt, lao động tốt, sẽ được tha về sum họp với gia đình. Còn những thành phần "ác ôn", có nợ máu với nhân dân, không chịu "cải tạo" sẽ bị đưa ra toà án xét xử" !
     Kết quả, tại trại Long Khánh, chỉ có một số nhỏ hạ sĩ quan, kể cả cấp chuẩn úy, và một vài anh "nằm vùng" hoặc có thân nhân "cách mạng" bảo lãnh được thả về. Số còn lại được thanh lọc, chia ra nhiều thành phần "tội ác" khác nhau... rồi "biên chế" đưa đi nhiều trại khác từ Nam chí Bắc...
     Khi mới vào trại tập trung, phần đông anh em nghĩ rằng Chánh Phủ Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam có chủ trương Trung Lập được quốc tế thừa nhận qua Hiệp Định Paris 73. Và qua việc học tập Chánh Sách 10 Điểm của Chánh phủ CHMNVN, anh em đều nghĩ rằng vì nhu cầu ổn định tình hình lúc ban đầu, cho nên việc tập trung anh em lại là cần thiết trong một thời gian 3 đến 6 tháng, hay một năm là nhiều...
     Nhưng nay qua bài học "Chánh Sách 12 Điểm" lần này, anh em đã nhận ra ý đồ của CS. Tất cả anh em đã bị lừa, và dứt khoát không còn tin CS nữa. Mầm chống đối bắt đầu bằng các cuộc trốn trại cũng như các cuộc phản đối tiêu cực.
     Cho thấy chánh sách học tập cải tạo của CS đã thất bại hoàn toàn. Biết bao nhiêu công lao tuyên truyền dụ dỗ, nhồi sọ tẩy não đủ cách, đủ kiểu... nhưng hàng trăm ngàn quân, dân, cán chánh VNCH, chẳng có một anh "NGỤY" nào chịu "tiến bộ" chạy qua hàng ngũ "CÁCH MẠNG" cả !?
     May ra có một vài tên cùi hủi như Đại úy Bùi Đình Thi, hay nhạc sĩ Vũ Thành An... là những kẻ đã đánh mất lương tri, phản bội, cam tâm làm chó săn cho bè lũ Việt gian cộng sản.
     Vào giữa năm 1977, một số anh em thuộc thành phần "ác ôn" chúng tôi bị "biên chế" đưa đến  Trại tù Long giao (T-11).
 
II.- NHỮNG TÁC ĐỘNG TÂM LÝ ĐƯA ĐẾN "DÊM NOEL VÙNG DẬY".
     Vào đầu năm 1978, Việt cộng ráo riết chuẩn bị lực lượng để xâm lăng Cao Miên. Tại Long Giao, chúng dồn các TNCT ở các T-11, T-12 & T-13 qua hai T-14 và T-15, để lấy chỗ đưa binh lính và thường dân người Khmer bỏ chạy khỏi chế độ Khmer Đỏ. Đồng thời chúng tuyển lựa các thanh niên Khmer thành lập lực lượng Quân Đội Khmer chống Khmer Đỏ do Trung tá Heng Som Ring chỉ huy. Sau đó, ra Tết 1977, các TNCT bị phân tán hết, lớp ra Bắc, lớp đi Xuyên Mộc, và lớp đi Hốc Môn. Cá nhân tôi SHH ở trong số anh em đi Hốc Môn.
     Tới Hốc Môn gặp ngay nhà thơ Phan Lạc Giang Đông (Tr/U KQ), được VC cho làm Nhà Trưởng nhà 16. Gặp nhau Đông mừng lắm, nói ngay : Anh Sáu làm gì mà cán bộ trại bảo anh Sáu là "phản động", bảo Đông phải theo dõi anh đấy ? Tôi kể lại cho Đông nghe. Tưởng sao, Đông lại tiếp tay tên "phản động" SHH, hàng đêm tụ tập anh em lại để cho SHH nói chuyện.
     Có một số anh em nghi ngờ Đông làm an-ten vì được VC tin tưởng cho làm nhà trưởng. Điều này sai. Bọn VC cho Đông làm Nhà trưởng là vì chúng biết Đông có ông anh là Đại úy Phan Lạc Tuyên, tham gia đảo chánh hụt 11-11-1960 bỏ chạy qua Cao Miên rồi theo VC. Năm 1975 Tuyên mang chức Đại tá VC trở về Sàigòn. Nếu Đông là an-ten thì tại sao Đông còn tiếp tay "phản động" SHH ? Đông đã mất tại Seattle cách đây mấy năm.
     Rồi qua tháng 8-1978, chúng tôi lại bị "biên chế" đưa tới trại tù Suối Máu ở Tân Hiệp, thuộc K1.
     Trong 3 năm đầu từ 1975 đến gần cuối năm 1978, tức từ khi vào trại ở Long Khánh cho tới Suối Máu, Tân Hiệp, đều do quân đội chánh quy miền Bắc VC thuộc Binh chủng Pháo binh và Phòng không (theo đúng luật quốc tế) và MTGPMN phụ trách giam giữ tù.
     Nhưng tới tháng 10-1978 thì lực lượng Quân đội (anh em gọi là tụi Bò xanh) bàn giao quyền kiểm soát trại lại cho Công an (anh em gọi là tụi Bò vàng). Tại trại Suối Máu, trong lúc giao thời, bọn Công an mới tới chưa nắm vững tình hình trại tù nên còn thả lỏng. Nhứt là chưa nắm được thành phần nhân sự các TNCT, cũng như chưa thiết lập được bộ máy an-ten "chìm", cho nên tình hình sinh hoạt anh em trong trại rất cởi mở, hàng ngày anh em từ trại này chui qua trại kia tấp nập...
    Trại tù Suối Máu ở gần nhà ga xe lửa, gồm có tất cả 5 trại, gồm : K1, K2, K3, K4 và K5 dính liền nhau kết thành hình chữ nhựt, ngăn cách bởi 2, có chỗ 3, lớp hàng rào kẻm gai. Mỗi trại nhốt trên dưới 2 ngàn TNCT. Xung quanh là vòng đai 3 lớp kẻm gai và concertina rất kiên cố, mỗi góc đều có chòi canh cẩn mật. Doanh trại bọn cai tù ở vòng đai ngoài. Sau giờ hành chánh, bọn quản giáo ra về, các cỗng trại đóng lại. Anh em TNCT bên trong được "tự do, thoải mái" đi lại.
     1.- Tổ chức thông tin & tuyên truyền : Cũng trong dịp này, có nhiều tin tức từ bên ngoài lọt vào qua các thân nhân thăm nuôi, thật hấp dẫn. Như Liên Hiệp Quốc lên án VC vi phạm nhân quyền và đòi phóng thích tất cả các TNCT đang bị giam giữ, đồng thời cho các TNCT được tự do đi dịnh cư tại các nước Tây phương và Hoa Kỳ. Các nước Tây phương và Hoa Kỳ sẵn sàng đón nhận và tái định cư các gia đình TNCT...
     Mặt khác, Trung Cộng là một thành viên giám sát của HĐ Paris về VN, cũng áp lực đòi VC thả TNCT mà họ gọi là các "Nạn Kiều".
     Những tin tức trên đã làm bừng lên không khí sinh hoạt trong các trại tù CS. Anh em tù tin tưởng rằng ngày tự do đã gần kề...
     Nhằm thu thập các tin tức, các anh em TNCT đều dặn dò gia đình nên thu thập những tờ báo Anh ngữ, Pháp ngữ hay Hoa ngữ dùng làm giấy gói quà thăm nuôi. Anh em chuyển các tờ báo đó cho các bạn sành Anh, Pháp hay Hoa ngữ dịch ra tiếng Việt. Sau đó tổng hợp lại rồi phổ biến đi các K.
    Có mấy anh em sĩ quan truyền tin, được bọn quản giáo đưa nhờ sửa radio. Khi sửa xong không giao ngay, mà cứ kéo dài thời gian để lén nghe đài VOA, Úc, BBC... rồi cũng đúc kết tin tức đem phổ biến toàn các K. Ngoài ra, lợi dụng bọn quản giáo đưa rất nhiều radio hư vào để lấy bộ phận thay cho radio của chúng, anh em sửa lại, rồi tháo rời từng bộ phận đem để ngoài chuồng gà, mỗi nơi một món, tối đến anh em đem ráp lại nghe tin...
    Tại K1, anh em có tổ chức các toán "du thuyết", hàng đêm xé rào qua các K khác để thuyết trình tin tức thời sự nóng bỏng xuyên qua các tin tức đã thu thập được. Hoặc bàn về Hiệp Định Geneva 54 và HĐ Paris 73. Các diễn giả gồm có Luật sư Dương Cự (Tr/úy Toà án QS); Trần Xuân Rĩnh (Đ/úy); Võ Văn Sáu (Sáu Hồ Hởi, T/U Hải quân).
     Các buổi nói chuyện thường thu hút nhiều anh em. Nhưng riêng Sáu Hồ Hởi, các buổi nói chuyện thường lôi cuốn rất đông anh em và vô cùng sôi nổi.
     Có một lần vào buổi sáng Chủ nhựt, khi SHH đang nói chuyện tại K4, thì bọn Công an ùa vào định bắt SHH. Lập tức hàng trăm anh em K4 tạo thành một vòng đai cản trở bọn công an để vài anh em bảo vệ SHH kịp chui rào qua K5, rồi từ K5 chui về K1. Đặc biệt mỗi khi SHH định đi tới K nào sinh hoạt thì luôn luôn có một toán anh em đi trước mở hàng rào và dò đường, cũng như thông báo để anh em tập trung lại.
     Ở đây chúng tôi cũng xin nói rõ về cái tên Sáu Hồ Hởi.
     Cái tên SHH được anh em đặt cho tôi (Võ Văn Sáu) từ trại Long Giao. Chẳng là hàng đêm, có mấy anh em thường cùng tôi, như Nguyễn Thế Thăng (hiện ở Oregon), đi qua các nhà khác gặp gỡ các anh em để nói chuyện về thời sự và chánh trị. Trong số nầy có cả nhà văn Dương Hùng Cường (Dê Húc Càn, Tr/U KQ). Mỗi lần nói chuyện số anh em càng đông, có khi lên tới hơn 20 người. Các anh em rủ nhau : Hãy tới nghe anh Sáu nói chuyện, hồ hởi lắm ! Và đặt tên luôn là "Sáu Hồ Hởi". Có anh phản đối, như bạn Đinh Cẩn Cấp (Hiện ở Seattle) và Lê Quang Bé (Tr/U QC Tư Pháp) : Mình nên gọi là anh Sáu Vui Vẻ. Tên Sáu Hồ Hởi nghe giống như tiếng của VC lắm. Nhưng anh em không chịu, nói rằng gọi cái tên SHH tụi VC nó sẽ không để ý, không nghi anh SHH là phản động. Thế là từ đó chết luôn cái tên SHH, nghe cũng vui vui ! Thực ra, hai chữ "hồ hởi" là tiếng nói của giới bình dân Nam bộ chứ không phải là từ ngữ độc quyền của Việt cộng.
     2.- Chiến dịch diệt an-ten. Chiến dịch diệt an-ten được châm ngòi từ K5. Nguyên nhân bùng nổ như sau :
     Nhân khi bọn Công an vừa vào tiếp thu trại, chúng liền cho mở tất cả các nhà giam conex thả hết anh em đang bị kỷ luật. Trong số nầy có Đại úy Ngô Quốc Việt (phi công L.19 chuyển qua An Ninh QĐ). Hầu hết những anh em bị giam conex thả ra đều kiệt sức đi không nổi, phải nhờ bạn bè dìu về trại. Bạn thân của Đ/U Việt là Tr/U Trần Mạnh Tôn, thấy Việt thân hình quá tiều tụy, một mặt Tôn kêu gọi anh em gom góp các loại thuốc men cần thiết và nhờ anh Mạc Đìa Phong có nghề châm cứu săn sóc cho cho Việt.
     Nhưng trước hết, anh em dìu Việt ra giếng tắm, vì từ lúc bị giam cùm có tắm rửa gì đâu. Trên đường tới giếng, đột nhiên Việt chỉ tay hô lên : "Ê ! Thằng đó nó bán tao" !
     Nhìn theo tay chỉ, Tôn chạy lại chỗ có vài anh đang đứng, và hỏi một tên : Ê ! Phải bạn bán Việt vào conex không ?
     Rồi cũng chẳng cần sự trả lời, xác nhận có hay không, Tôn ra đòn túi bụi. Các bạn xung quanh thấy vậy cũng ùa vào đánh hội đồng. Giữa lúc ấy, bất thần có tiếng quát của tên công an trên vọng gác gần đó : Các anh kia làm gì đánh ngườì thế ?
     Một anh bèn nhanh trí trả lời : Báo cáo cán bộ ! Thằng này ăn cắp gà, chúng tôi đánh nó.
     Tên công an nghe thế, nói : Ăn cắp gà hả ? Ừ, đánh thấy mẹ nó đi !
     Sau đó, anh em K5 hăng máu, quay về trại lùng các tên an-ten khác trừng trị luôn.
     Khoảng một giờ sau, anh em bên K1 nghe tiếng nhốn nháo bên K5, bèn chạy ra hàng rào hỏi thăm. Rồi như một cơn nước lũ làm tràn đê, K1 và các K khác, anh em tự động thành lập ra các "Ban Hành Động" để trừng trị bọn an-ten phản bội. Thành phần Ban Hành Động các K như sau :
     - Tại K1 : Trưởng Ban: Trần Đình Ngọc (Đ/U Dù), Nguyễn Ngọc Tiên (Tr/U khoá 22/ĐL), Nguyễn Văn Đại (Đại mập, Th/U KQ), Nguyễn Thành Trạng (Tr/U HQ), Nguyễn Văn Xuân tức Xuân Đại liên, vì mỗi lần mở miệng là tuôn ra một tràng như đại liên. Ở nhà 3 còn có Tr/U CB Dương Viêm, anh em đảo ngược lại là Diêm... Vương, anh cũng là người đặt cho Sáu Hồ Hởi thêm cái tên "quốc tế" : Sáu Lục Six (Sáu = Việt; Lục = Tàu; Six = Mỹ).
     - Tại K2 : Nguyễn Thành Tâm (Th/tá QN), Lê Thanh Hồng Vân (Th/tá KQ), Trương Mạnh Hùng (Th/U), Trần Văn Thuyên, Nguyễn Đại Loại...
     - Tại K3 : Phan Phát Hiện, Trịnh Xuân Dõng (Th/t TQLC)...
     - Tại K4 : Giang Văn Hải, Phí Lê Hùng, Đặng Thế Tiến tức Tiến Dế, Trần Kim Hải tức Hải Bầu...
     - Tại K5 có một lực lượng hành động đông tới 16 người : Tạ Trung Hải (Tr/U trực thăng), Hồ Viết Cảnh (Th/U TQLC), Phạm Ngọc Đông (Tr/U HQ), Nguyễn Văn Thuận (Tr/U Dù), Lư Văn (Tr/sĩ ANQĐ), Lê Hữu Dư (Th/U Dù), Đỗ Trọng Thư (Th/U), Nguyễn Hưng Long tức Long Sữa (Tr/U LĐBK 81), Nguyễn Ngọc Chuyên (Lôi Hổ), Nguyễn Thế Hùng (Tr/U BĐQ), Đặng Xuân Bính, tức Bính Đại Hàn (Tr/U BĐQ), Châu Đông Pha (Tr/U PB/SĐ3BB), Nguyễn Văn Rạng (Th/U Dù), Đỗ Văn Trình (Tr/U SĐ5BB), Trần Mạnh Tôn (Tr/U SĐ3BB), Trần Văn Lợi (Tr/U HQ), và Ngô Hưng Trung, tức Trung Râu.
     Tại K1 trong đêm đầu, có tới 3 an-ten bị đánh nằm liệt không đi "lao động" nổi. Mặt mày sưng tù vù. Bọn công an gọi lên hỏi tại sao mặt bị sưng như vậy ? Cả ba anh đều nói rằng ban đêm đi cầu trượt chân té. Bọn CA không tin, đem nhốt cả 3 vào conex. Hôm sau lại đem cả 3 ra hỏi nữa. Như đã có chuẩn bị trước, một anh nói là đã đánh nhau với anh kia. CA lại hỏi anh thứ ba : Hai anh kia đánh nhau, còn anh thì sao ? Anh nói ngay : Còn tôi thì nhảy vô can, trời tối quá nên cũng bị đánh nhầm !
    Thế là bọn CA đành thả cả 3 ra.
    Phương pháp trừng trị an-ten tại K1 : Cứ vào giờ ngủ mỗi đêm , một toán 4, 5 anh em Ban Hành Động tới từng nhà, cho tắt đèn (đèn bắt buộc phải mở suốt đêm). Sau đó tới trước chỗ nằm của tên an-ten, bắt anh ta quỳ xuống nghe đọc bản án. Sau đó đánh cho một trận, nặng hay nhẹ tùy theo tội trạng.
    Tại mỗi Ban Hành Động các K, các anh phụ trách Ngoại Vụ thường xuyên liên lạc với nhau, hội họp, trao đổi ý kiến. Việc hội họp chỉ có thể bàn vào ban đêm. Ban ngày truyền tin nhau bằng nói vói qua các hàng rào, hoặc buộc tờ giấy vào một hòn đá rồi ném qua hàng rào.
     Ngoài những công tác trên, các buổi trình diễn văn nghệ bỏ túi, với các chủ đề đấu tranh qua các bản nhạc chính huấn và các ca khúc được sáng tác trong tù. Tại K5, anh em còn thực hiện được một tờ báo viết tay, mang tên Đặc san Phá Xiềng. Bìa do Nguyễn Văn Tiên (Tk/Gia Định) minh hoạ. Các trang trong có các hoạ sĩ Tâm Đen, Ngọc, v.v... Nội dung gồm có : Quan Điểm, Tư Cách của Sĩ Quan trong trại tù, 3 bản nhạc, thơ và truyện ngắn... Đặc san viết tay rất đẹp, dày khoảng 80 trang được trình bày và đóng rất khéo léo như một đặc san in, khâu gáy bìa đàng hoàng, và được chuyền tay nhau từ nhà này sang nhà khác.
    Tất cả các hoạt động trên đây, thêm vào đó là những chuyến đi du thuyết của các anh Dương Cự, Trần Xuân Rĩnh, Võ Văn Sáu (SHH), đã khích động tinh thần anh em lên đến cao độ. Sự đoàn kết gắn bó giữa các TNCT càng thắm thiết hơn bao giờ hết, hào khí của người chiến sĩ VNCH dâng cao. Tất cả đã góp phần vào biến cố : ĐÊM GIÁNG SINH VÙNG DẬY đầy khí phách, hào hùng, lịch sử có một không hai trong các trại tù Cộng sản vào thời điểm đó !
 
III.- ĐÊM GIÁNG SINH VÙNG DẬY.
     Trong bầu không khí tưng bừng như trên, anh em quyết định tổ chức một đêm văn nghệ đặc biệt Giáng Sinh mừng Chúa ra đời tại K1 với sự phối hợp của Liên trại.
     Để tránh tai mắt của bọn cai tù, anh em đồng ý chỉ đốt vài ngọn nến trên bàn thờ, cũng có thiết lập hang đá bằng giấy bồi, và các tượng ảnh... Công trình làm hang đá, trang hoàng và nặn tượng Chúa do Trung úy HQ Đỗ Văn Nghĩa (hoạ sĩ điêu khắc) với sự trợ lực của Tr/úy CTCT Nguyễn Văn Giờ, anh Bé (tu xuất), Nguyễn Văn Hoàng và Trần Xuân Rĩnh. Còn phần đọc kinh, nghi lễ do anh Chung (bác sĩ ?) phụ trách. Địa điểm là phía sau K1 giáp với K5.
    Chủ đề văn nghệ là "Hát Cho Quê Hương" với những bài ca Chính Huấn, các bản "tù ca" được sáng tác trong tù, như "Kha Tư Giáo" của Th/úy Lê Ngọc Diệp, "Hát Cho Người 3 Năm" của Th/sĩ KQ Thạch, "Một Lời Nguyền", lời của Võ Hữu Quyền, nhạc Phạm Hoàng Long...
     Mặc dù anh em cố gắng không để gây ra tiếng động ồn ào, nhưng vì số người quá đông, chui qua hàng rào liên tục, đôi khi quá hứng thú không kềm chế được tiếng reo vui và vỗ tay... cho nên chương trình vừa diễn ra độ hơn 1 giờ thì bị động. Bất thần một toán 3 tên công an võ trang từ cỗng K1 ập vào. Thấy động, các anh em các K khác vội vàng rút lui chui qua hàng rào. Còn anh em K1 vẫn bình tĩnh ở lại tiếp tục cuộc chơi, nhưng chuyển qua nhạc Thánh Ca... mừng Giáng Sinh.
     Bọn công an xông lại bàn thờ, đập và ném đi tất cả tượng ảnh, máng cỏ xuống đất, miệng hò hét kêu giải tán, và bắt đi 3 anh đang phụ làm lễ là Nguyễn Văn Bé (tu xuất), Nguyễn Văn Hoàng và Trần Xuân Rĩnh. Riêng anh Chung lọt sổ. Anh Chung (bác sĩ) mang kính cận thị nặng, anh em gọi là Chung Mù, có tài đệm guitare và hát các bản nhạc sáng tác sau 75 ở hải ngoại, không biết làm sao anh có được, trong đó có bài Sàigòn Giả biệt... rất hay, rất xúc động....
     Khi bọn công an dẫn 3 người bị bắt rút lui, một đám đông các anh em cũng bước theo chúng. Chúng có vẻ hoảng sợ miệng hò hét bảo giải tán. Anh em vẫn tĩnh bơ, cứ bước theo áp sát chúng. Tên trại trưởng có vẻ luống cuống, miệng vừa hét, chân bước lùi, chỉa súng lên trời nổ từng phát... cho đến khi lọt ra khỏi cỗng trại.
     Liền đó, anh em Ban Hành Động tập họp anh em lại quyết định liên kết cùng các K, tổ chức ngay một cuộc biểu tình bất bạo động để đòi trả 3 anh em bị bắt về. Tất cả 5 K đồng thanh quyết định tập trung biểu tình ngồi trước sân trại của mỗi K. Anh em đốt đuốc và đồng hát Thánh Ca đêm Giáng Sinh. Điệp khúc Đêm Đông Lạnh Lẽo Chúa Sinh Ra Đời được đồng loạt ngân vang dội, âm thanh bay vút lên cao... hào khí ngất trời !
    Bọn cai tù lo sợ ra mặt. Chúng hốt hoảng, lớp huy động lực lượng võ trang cơ hữu bao vây trại. Đồng thời kêu gọi lực lượng Biên Hoà tăng viện với xe tăng rần rần bao vây trại. Bên trong anh em nghe bọn công an vừa chạy rầm rập bên ngoài vừa chửi thề : Đ.M. chúng nó ! Đứa nào cũng "đạo" cả ! Chúng nó toàn hát "Chúa" cả ! Chúng lại cho nổ vài loạt súng đại liên rà lên sát mái nhà nghe loảng xoảng, lửa xẹt tung toé, mảnh đạn văng khắp nơi làm một anh ở K4 bị thương nhẹ. Tình hình thật là căng thẳng tột độ e khó tránh khỏi đổ máu. Nhưng tất cả anh em đều bình tĩnh, cứ tiếp tục hát, bất chấp tiếng loa kêu gọi giải tán của bọn công an.
     Anh em trong này cũng bắc loa giấy trả lời. Kêu gọi nhà cầm quyền trại hãy thả 3 người bạn ra, anh em sẽ giải tán ngay. Người cầm loa giấy là Tr/úy Nguyễn Năng Hồ, ở nhà 7, K1. Cuộc trao đổi qua lại một lúc. Anh em Ban Đại Diện Liên K họp lại, đưa ra quyết định cuối cùng, phát loa nói : Để tỏ thiện chí, anh em sẽ giải tán trước. Nhưng 15 phút sau, nếu 3 người bạn tù không được thả ra, anh em sẽ tập họp biểu tình trở lại.
    Bọn công an đồng ý. Độ 15 phút sau thì cả ba anh Bé, Hoàng và Rĩnh đều được thả ra. Lúc đó vào khoảng 3 giờ sáng.
    Thế là Quân Ta Đã Toàn Thắng !!!
 
IV.- BỌN CÔNG AN TRẢ THÙ.
       Với thắng lợi của các TNCT không có một tấc sắt trong tay, đã làm cho bọn công an vô cùng tức giận vì bị thất bại nhục nhã. Tên trưởng trại hung hãn của K1 bị bay chức ngay ngày hôm sau, thay thế bằng một tên khác có vẻ có bản lãnh, nhiều kinh nghiệm hơn trong nghề. Bọn chúng bắt đầu ra đòn thù.
     Có lẽ vì phong trào chống an-ten của K5 bộc phát quá mạnh, trừng trị các an-ten ngay giữa ban ngày nên đã bị bọn an-ten nhận diện. Mặt khác, các anh em K5 lại công khai thành lập Ban Đại Diện, nên bọn cai tù dể dàng nắm trọn danh sách các anh em Ban Hành Động.
     Sau đêm Noel độ 2 tuần, với lý do mời Ban Đại Diện K5 ra Bộ Chỉ Huy trại để thảo luận vụ tổ chức Tết 79 cho các anh em trại. Bọn chúng khống chế và bắt đi anh em đợt đầu gồm có : Tr/Tá Lê Kim Ngân (Nha Quân Pháp), Th/U Đỗ Văn Trình, Th/Tá Trịnh Tùng (BK.81), Tr/Uý Dương Ngọc Anh (HQ), Đ/Úy Lê Hoàng Anh và Trung sĩ Lư Văn.
     Ngay sau đó, bạn Trần Mạnh Tôn liền thông báo cho các K khác biết.
     Một tuần sau, bọn công an lại bắt đợt 2 (K5) gồm 6 người : Tr/U Phạm Ngọc Đông (HQ), Tr/U Lê Hữu Dư (Dù), Th/U Trần Thế Dư, Th/U Nguyễn Văn Thư (Ấn), Tr/U Nguyễn Thế Hùng (BĐQ), Đại tá nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông.
     Cũng như lần trước, ch/hữu Tôn báo động cho các K khác.
     Cũng trong đợt này, tại K1 chúng bắt Tr/U Dương Cự (Toà Án Quân sự).
     Một tuần sau nữa, vào ngày Thứ Ba 23-1-1979, nhằm ngày 28-12 Âm lịch, bọn công an lại mời 12 anh em K5 ra Bộ Chỉ Huy... rồi bắt đưa về Khám Chí Hoà như các anh em đợt trước. Đợt này gồm có : Tạ Trung Hải, Nguyễn Văn Rạng, Nguyễn Mạnh Quỳnh, Châu Đông Pha (Hải Angola, Tr/U KQ), Th/U Rạng (Dù), Th/U Quỳnh, Đỗ Trọng Thư (Thư Mập) và Trần Mạnh Tôn (Tr/U).
     Cùng trong đợt này, tại K1 chúng bắt T/U Võ Văn Sáu, tức Sáu Hồ Hởi. Chúng bịt mắt SHH đưa lên xe bít bùng trước, nên không biết ai lên sau. Còn Trần Mạnh Tôn và các anh em K5 lên sau nên trông thấy SHH. Trước khi lên xe tất cả cũng đều bị bịt mắt. Tôn lên trước ngồi sát bên SHH, lấy tay bóp nhẹ vào đùi và nói nhỏ : Chào anh Sáu, khoẻ không ?
     Khi lên xe, anh em không biết mình đi đâu. Chừng tới nơi, anh em được mở mắt ra, mới hay mình bị đưa vào Khám lớn Chí Hoà, giam ở Khu E-D dành cho các tù phạm chánh trị.
     Khám Lớn Chí Hoà được quân đội Thiên Hoàng Nhựt xây cất vào khoảng năm 1940, kiến trúc theo mô hình bát quái, có 8 khu, đánh dấu từ A đến H, cao 3 tầng. Khu E-D dành cho tù chánh trị, còn khu H giam các nữ quân nhân & cảnh sát.
     Nghe kể chuyện, ngày đặt viên đá đầu tiên xây cất, viên tướng Nhựt, Tư Lệnh Toàn Quyền Đông Dương đã đến làm lễ đặt viên đá đầu tiên. Y rút kiếm ra và cắm ngay trung tâm điểm, tuyên bố : "Nơi đây sẽ là nơi giam giữ vĩnh viễn tất cả những kẻ nào chống lại Minh Trị Thiên Hoàng".
    Người ta gọi Khám Chí Hoà là "Bà Chúa 9 Cửa Địa Ngục", kẻ nào vào đó rồi không bao giờ có thể trốn thoát. Ý nghĩa của "9 cửa" là : Bất cứ người tù bị giam ở tầng nào, muốn ra khỏi khám Chí Hoà, cũng đều phải vượt qua 9 cánh cửa (9 ổ khoá). Lịch sử duy nhứt có một người trốn khỏi Khám Chí Hoà là tướng cướp Điền Khắc Kim !
    
     V.- DIỄN TIẾN MÀN BẮT SÁU HỒ HỞI.
     Sau Đêm Noel Vùng Dậy, bọn cai tù đã bắt được toàn bộ các anh em trong Ban Hành Động bên K5. Nhưng tại K1 là nơi xuất phát, cầm đầu cuộc tranh đấu thì chúng chỉ bắt được Tr/U Dương Cự, vì bị bọn an-ten bên các "K" khác nhận diện là Luật sư Toà Án Quân Sự. Còn SHH thì chúng được báo cáo qua các lần du thuyết, nhưng không biết ở "K" nào, và cũng không biết tên thật. Bọn an-ten chỉ báo cáo hình dáng trán cao, có ria mép và bị sún 3 cái răng cửa, chúng đã bắt hụt một lần ở K4 như đã nói ở phần trên. Bọn cai tù nghi rằng cái tên "Sáu" chỉ là biệt danh thôi. Cũng vì vậy mà có nhiều anh em tên Sáu, có ria mép, trán cao hoặc sún răng bị mời lên Bộ Chỉ Huy để bọn ăn-ten nhận diện. Trong số nầy có anh "Sáu" Vinh (K1). Nhưng tìm hoài vẫn không ra. Chúng bèn lập kế giăng bẫy bằng cách ra thông báo rằng Trại vừa thành lập toán Nha Khoa, ai muốn chữa răng, trám hay nhổ răng thì ghi danh, trị miễn phí. Nhưng chờ hoài chẳng thấy ma nào tới. Cuối cùng chúng quyết định quăng một mẽ lưới, khám răng toàn thể các K. Đi theo toán khám răng có 2 tên an-ten cũng giả vờ chờ khám răng ngồi ở một góc, để nhận diện SHH.
     Ngày thứ Sáu 19-1-1979, tới lượt chúng khám răng K1. Từ sáng, anh em đã sắp hàng khám từng nhà. Bên cạnh nha sĩ có mấy tên công an và 2 tên an-ten nói trên. Khi tới lượt SHH, 2 tên này nhìn SHH rất chăm chú. Và khi SHH há miệng ra, thấy mất 3 cái răng cửa hàm trên, tên nha sĩ cố tình xem xét cho kỹ. Sau đó y nhìn bọn công an. Bọn công an lại nhìn 2 tên chó săn. Hai tên này khẻ gật đầu.
     Anh em sắp hàng phía sau quan sát thấy rõ, biết SHH đã bị lộ diện. Nhưng bọn công an vẫn giả vờ như không có chuyện gì xảy ra, cứ tiếp tục khám cho đến người cuối cùng.
     Một trong số 2 tên an-ten anh em nhận diện được là Trung úy CTCT Nguyễn Minh Quân (tức hoạ sĩ Nguyễn Quân), từng tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định (môn hoạ) cùng với Trung úy HQ Đỗ Văn Nghĩa, bạn của SHH.
     Thực ra, khi có tin khám răng toàn trại, anh em K1 đã biết ngay mục đích khám răng là tìm bắt SHH. Chiến hữu Nguyễn Văn Hoàng (KQ), có chạy lại đưa cho SHH 3 cái răng giả để mang vô, nhưng không vừa. (Ch/hữu Hoàng hiện sinh hoạt trong Hội Không Quân ở Seattle).
     Nhưng có lẽ vì bọn công an nghi SHH là người cầm đầu Ban Hành Động K1. Chúng đánh giá cao SHH. Sợ bắt ngay sẽ gây phản ứng toàn trại. Do đó, chúng để cho trôi qua 2 ngày Thứ Bảy và Chủ Nhựt yên tĩnh. Cho đến sáng ngày Thứ Hai 22-1-1979, chúng báo cho nhà trưởng Tr/úy Nguyễn Thành Trạng (HQ, bạn của SHH) gọi SHH lên Bộ Chỉ Huy làm việc. Biết chuyến này kể như đi luôn, nên SHH bèn dặn dò anh bạn Hứa Tấn Đức : Đức lục trong cái sắc marin của anh, thủ tiêu các giấy tờ trong đó ngay, chắc phen nầy anh đi luôn đó. (Đức hiện ở Gahanna, bang Ohio). Quả đúng như dự đoán. Vừa gặp SHH, tên Trưởng trại chỉ hỏi có một câu ngắn gọn : Anh có phải là Sáu Hồ Hởi không? SHH khẻ gật đầu. Biết có chối cũng vô ích. Hắn tiếp : Anh ngồi chờ đây. Nói xong hắn bỏ ra ngoài.
     Độ 10 phút sau, một tên công an mang cái sắc của SHH tới, hắn ném xuống sàn, nói : Anh kiểm soát đồ vật của anh xem có thiếu món gì không ?
    SHH kiểm qua loa, biết ông em Hứa Tấn Đức đã thủ tiêu hết các giấy tờ, thư từ nguy hiểm rồi, nên rất an tâm. Tên công an sau đó đưa SHH ra nhốt trong thùng conex ngay lối vào trại. Một số anh em bên trong trại nhìn thấy, nên báo động cho các anh em khác theo dõi.
     Đã từng có kinh nghiệm sống trong các trại tù CS, mỗi khi có anh nào mới bị nhốt vào conex, đêm đầu tiên, và có thể các đêm tiếp theo, bọn cai tù thường mở conex ra, vài ba tên ập vào đập cho tù nhân một trận dằn mặt. Theo thói quen, chúng thường đấm và đá vào bụng. Do đó SHH đã chuẩn bị trước, mặc vào mình mấy lớp áo và quấn vào bụng cái áo lạnh bằng len và cái khăn tắm để phòng thân.
    Quả đúng như dự đoán. Mới bắt đầu chập choạng tối, chúng đã mở màn khủng bố tinh thần bằng cách, thỉnh thoảng năm mười phút lại chọi đá hoặc dộng báng súng vào bên ngoài conex rầm rầm làm ù cả tai người tù, SHH phải xé vạc áo vo lại nhét vào 2 tai. Đồng thời chúng còn văng tục chửi Đ.M. bọn phản động.
    Cho đến khoảng gần khuya, tiếng động bỗng ngưng. SHH vừa chợp mắt được một lúc thì lại có tiếng giầy lộp cộp, tiếng nói lao xao của bọn cai tù bên ngoài, rồi tiếng mở khoá lẻng kẻng. SHH biết ngay chuyện gì sẽ đến, bèn ngồi dậy dựa lưng vào một góc chờ đợi. Cửa sắt bật ra, một ánh đèn pin rọi thẳng vào mặt SHH. Một tên quát :
    - Anh kia đứng dậy !
    Đã tới nước này rồi thì có sợ cũng vô ích. SHH bèn đứng dậy la thật to, cốt để cho các bạn tù trong trại cùng nghe : - Các anh định làm gì tôi đây ?
    Bọn công an : - Chúng tôi làm việc. Anh phải khai tất cả các đồng bọn của anh !
    SHH liều mạng hét lên : Các anh không được quyền đánh đập tôi ! Nếu các anh đánh tôi, tôi sẽ tự vệ !
     Bọn công an tỏ ra lúng túng trước phản ứng của SHH. Hắn nhắc lại : Anh phải khai các đồng bọn của anh ra !
     Lần này SHH lại hét càng to :  Các anh không được phép đánh đập tôi ! Tôi sẽ tự sát ! Tôi sẽ tự sát !!!...
     Như đã trình bày ở trên, cái conex nhốt SHH đặt ngay cỗng vào trại rất gần với nhà tù chừng ba chục thước. Do đó tiếng la của SHH bên trong đã nghe. Có nhiều anh em còn thức bèn báo động. Có tiếng la và nhiều bó đuốc chạy tới lui bên trong hành lang nhà tù. Anh em tụ tập bên trong lao xao...
     Thấy không xong. Bọn cai tù sợ lại nổ ra biểu tình nữa nên chúng liền đóng cửa conex cái rầm, khoá lại rồi bỏ đi. Bên trong anh em xôn xao một lúc rồi cũng giải tán. Thật hú hồn !
     Tới mờ sáng hôm sau ngày Thứ Ba 23-1-1978 cũng nhằm ngày đưa ông Táo về trời. Chúng bịt mắt SHH đưa lên xe bít bùng chở đi. Và vì SHH là người lên xe trước bị bịt mắt nên không thấy còn có 12 anh em K5 cũng bị đưa đi cùng xe. Những anh em này cũng bị bịt mắt trước khi lên xe. Người ngồi kế bên là Trần Mạnh Tôn, khẻ bóp vào đùi SHH, nói nhỏ : Chào anh Sáu, khoẻ không ?
    Vào Chí Hoà, tất cả anh anh em đều bị nhốt ở khu E-D dành cho chánh trị phạm. Tất cả đều bị cùm chân cho đến đêm Giao Thừa bọn cai tù mới mở cùm ra. Vừa ra Tết ngày mùng Bốn, tất cả anh em, từng người một, đều bị mời lên thẩm vấn ròng rả cả tháng trời mới được yên. Mỗi lần đi hỏi cung, chúng trùm một cái áo choàng màu đen từ đầu đến chân chỉ chừa có 2 con mắt. Anh em gọi mật hiệu là "đi bay". Bọn công an cố truy lùng bắt thêm những anh em khác nhưng không ai chịu bán đứng chiến hữu cả. Rồi cũng huề.
     Trong hoàn cảnh ngặt nghèo, bị biệt giam. SHH một mình nhốt trong một căn phòng lầu 3, rộng khoảng 4x6 mét. Trung tá Lê Kim Ngân và Dương Cự cũng một mình một phòng. Các anh em khác thì vài ba người một phòng. Trong hoàn cảnh tuyệt vọng, các anh em TNCT cũng cố gắng để sinh tồn. Anh em phát minh ra nhiều cách để liên lạc với nhau. Như dùng bánh bột mì --vì bữa ăn toàn bằng bánh bột mì luộc, có khi bo bo -- vo tròn thành viên có gắn một sợi chỉ dài (se lại cho chắc), rồi bắn dưới khe cửa xuyên qua khe cửa đối điện, hay hơi chếch một chút. Người bên kia nhận được, và kéo sợi chỉ nhỏ lại, có nối theo một sợi dây khác chắc hơn. Sợi dây này rút ra từ tấm chiếu nằm rồi cũng se lại. Đằng sau sợi dây là đồ tiếp tế... như đường, bánh kẹo, đồ ăn, thuốc uống hoặc thuốc hút... là các món mới được thăm nuôi, đem san sẻ cho nhau. Giờ chuyển hàng thường vào buổi tối, bọn công an không ngồi canh ở cuối dãy hành lang.
     Có lần một anh cột không chắc, "hàng" mới đi được nửa chừng thì bị bung ra, vung vải trên hành lang. Anh em phải nối dây kẻm dài rồi móc từng món vào. Các dây kẻm này anh em phải mất nhiều công phu, đánh đu lên tường, một tay thò ra ngoài tháo từ lớp kẻm gai giăng bịt khe hở độ một gang tay bên trên để cho ánh sáng và không khí lọt vào. Khi dùng xong, lại leo lên để lại bên ngoài vòng kẻm gai nên bọn công an không khám phá ra.
     Phương pháp truyền tin khác nữa là, chỉ cần nhảy một phát là bám được song cửa sắt nhìn qua phía hành lang bên kia. Anh em dùng sợi dây võng nylon cột qua hai đầu song sắt rồi ngồi vắt vẻo như đu võng. Người bạn phía bên kia cũng làm như vậy. Hai bên tha hồ đấu láo với nhau thoải mái. Hầu hết anh em đều được VC cấp cho mỗi người một cái võng nylon màu xanh do Trung cộng cung cấp khi mới vào tù ít lâu. Anh em có thể thò tay qua người ở phòng bên cạnh bắt tay nhau nhưng không nhìn được mặt như người đối diện.
    Đồng thời, anh em còn chuyền đồ cho những anh em phòng bên cạnh bằng cách lấy sợi dây võng cột một cái khăn ướt ở đầu hơi nặng, rồi quay vòng vòng cho người bạn bên cạnh thò tay ra bắt dây, cuối sợi dây là quà gởi theo.
    Ngoài ra, anh em cũng có thể nói chuyện với nhau từ tầng trên xuống từng dưới hay ngược lại, qua các khe nứt ở vách và sàn, hoặc qua ống nước ở bồn rửa mặt. Các ống nước này bọn VC không cho dùng, đã tháo bỏ vòi vặn. Nghe cách này không được rõ lắm. Mỗi ngày các tù nhân được cấp một thau nước ấm để vệ sinh cá nhân và dội cầu. Nước này anh em cũng dùng để pha sữa uống với 1 cái ly nhựa. Lổ thông cầu rất lớn cả gang bàn tay, nằm hơi xéo, thông thẳng vào ống chính nối liền 3 tầng lầu. Sau khi đại tiện xong, chỉ dội nước nhẹ là trôi mất. Có một cái nắp gỗ đậy miệng cầu.
    Anh em cũng dùng lổ thông cầu này để chuyển hàng từ tầng trên xuống tầng dưới, hay ngược lại. Các món hàng được bọc kỹ trong mấy lớp bao nylon, rồi cột vào sợi dây. Khi muốn chuyển hàng, người ở trên phải dộng chân xuống sàn để cho người bên dưới chuẩn bị. Sau đó thòng dây xuống. Người phía dưới thò dây kẽm gai có uốn móc ở đầu vào lổ cầu móc sợi dây. Khi móc được dây rồi thì giựt nhè nhẹ sợi dây vài cái làm hiệu để người trên cột hàng thả xuống.
    Khi người ở dưới muốn chuyển hàng lên trên, thì cũng leo lên gần sát trần nhà, đập vào trần nhà làm hiệu, để bên trên chuyền dây xuống. Phương pháp này có lần bị trục trặc. Có một anh "tham quá" cột nhiều hàng quá tải, khi kéo lên bị kẹt vào ống dẫn chính, chỉ kéo được sợi dây lên. Anh ở trên cố dùng sợi kẽm gai để móc hàng lên. Nhưng càng móc thì các gói hàng lại bị vỡ ra. Không ngờ gạo lứt Bích Chi gặp nước càng nở nghẹt ống dẫn, làm nước không còn lưu thông được. Qua ngày hôm sau nước nghẽn dâng ngập cầu, hôi hám kinh khủng, anh em phải báo động. Bọn công an đem máy vào thông cầu. Chúng cũng không hiểu tại sao cầu bị nghẹt ?
    Điều may mắn cho các anh em TNCT, trên sát trần nhà mỗi phòng đều có một khoảng trống hẹp cho không khí và ánh sáng lọt vào. Bọn VC cho giăng nhiều lớp kẽm gai. Chim se sẻ làm tổ ngay trong đám kẽm gai này. Cho nên, chim và trứng chim cũng là món thực phẩm tươi quý giá. Chỉ cần vặt lông rồi nướng bằng giấy, thịt chưa đủ chín cũng xơi ngon lành. Còn trứng thì húp tươi. Thằn lằn và chuột cũng là món ăn cao cấp. Lũ chuột ở Chí Hoà rất to và rất sạch. Cứ tối đến chúng mò vào. Quân ta rình, nằm giả vờ nhắm mắt. Chuột rất khôn, khi vừa chui vào cửa, chúng đứng im chờ xem động tĩnh. Khi tưởng mình ngủ rồi, chúng mới mò lại chỗ để đồ ăn. Anh em liền ngồi dậy, lấy mền bịt dưới khe cửa ra vào. Sau đó là một màn tập thể dục, rượt đuổi con mồi chạy vòng vòng. Khi chụp được chuột, nó kêu lên ồng ộc như con heo. Làm thịt con mồi này tốn rất nhiều giấy. Dao thì đã có miếng sắt nắp hộp sữa được mài bén. Miếng nắp lon sữa bò lấy từ hộp sữa thăm nuôi. Bọn cai tù khui dùm một vòng nửa mặt hộp. Khi dùng hết hộp, ta bẽ miếng nắp cất giấu, chỉ giao hộp không cho cai tù, chúng không để ý. Khi vớ được con mồi như vậy, anh em cũng kêu gọi các bạn "láng giềng" góp giấy làm củi, và chia mỗi người tẩm bổ một ít. Bọn cai tù cho phép giữ quẹt diêm để hút thuốc. Để tiết kiệm, mỗi diêm quẹt anh em chẽ ra làm hai.
    Ngoài ra, anh em hàng ngày còn có giờ gọi là "lên đài". Mỗi chiều tối, khi bọn công an đóng các cửa cầu thang và rút đi, anh em liền cột dây võng lên cánh cửa, ngồi tòng teng, gọi nhau ơi ới, nói chuyện huyên thuyên, rồi ca hát thật vui vẻ. Và đó cũng là giờ thông tin liên lạc hoặc gởi quà cho nhau. Anh em cũng tổ chức canh chừng bọn công an "đột xuất" khám xét, nên dùng các miếng kính hướng về các cầu thang. Hễ trông thấy bóng chúng xuất hiện là tan hàng ngay.
     Trong thời gian này, anh em cũng phát hiện thêm một số nhân vật không thuộc trại tù Suối Máu, như : Tiến sĩ Trần Văn Nam (biệt hiệu ông Bo Bo), Nguyễn Kĩnh Nghĩa (Chánh trị Kinh doanh, biệt hiệu Ánh sáng). Linh mục Nguyễn Ngọc Nguyện (biệt hiệu Salem), Bernard Trần Văn Trung (Tr/úy không đầu hàng, kéo quân vào rừng, bị bắt ở Long Khánh), và một người cộng tác với tình báo Mỹ biệt hiệu Ái hoặc Nhân, và có cả viên Phó Đại sứ Nam Hàn.
    Xin nói thêm, các anh em trong tù khi liên lạc với nhau thường dùng một biệt hiệu riêng. Có anh thì Alpha, Tango, Victor, Angola, Mickey v.v...
     Sau khi vào Chí Hoà độ 5 tháng, bỗng một hôm nghe có nhiều tiếng chân rầm rập ngoài hành lang, anh em nằm xuống nhìn qua khe cửa, mới hay bọn cai tù vừa bắt thêm một số "em mới" từ Suối Máu đưa lên như Huỳnh Văn Bá Vạn (Đ/úy), Nguyễn Trọng Nghị (Th/tá), Hoàng Trai (Tr/Tá), Trần Văn Sơn (Tr/u HQ), Trần Đình Ngọc (Đ/U), Nguyễn Bá Tước (Th/tá), Nguyễn Ngọc Tiên, Trần Xuân Rĩnh (Đ/U), Nguyễn Văn Bé, Lê Ngọc Diệp (Th/U), Nguyễn Văn Đại (Th/U KQ), Tuấn Dù (Th/u), Trần Văn Lợi (Tr/U HQ)...
     Ít hôm sau anh em bắt liên lạc được mới hay sự việc :
     Nguyên sau khi bọn công an Suối Máu bắt được Sáu HH, chúng bèn cho tất cả 5 K lên lớp, có đặt loa phóng thanh, lên án nặng nề SHH, và cho hay "tên phản động SHH giờ này đang ở cách xa đây hai ngàn năm trăm cây số" (ý nói SHH bị đưa ra Bắc để khủng bố tinh thần anh em). Rồi sau đó, chúng lại tung tin SHH đã chết rồi ! Chúng đã cố tìm bắt thêm anh em nữa nhưng không được. Cuối cùng, chúng cho mở ra 2 đợt học tập đặc biệt. Chúng tuyên bố rằng :  "Đợt học tập này được coi là sự thử thách lần cuối cùng, anh nào chịu thành khẩn khai báo, học tập có tiến bộ, lập tức sẽ được tha về với gia đình".
     Đợt học tập đặc biệt này anh em mỉa mai gọi là khoá học Okinawa (như lớp học tình báo ở Nhựt). Chúng chia trại ra làm 2 toán để học 2 đợt.
     Đợt 1, các anh em TNCT được phát cho mỗi người một tờ giấy, với những câu hỏi như AI là người cầm đầu trong trại ? Ban Hành Động gồm những tên nào ? Vai trò của từng tên, và có tên nào là CIA không ? ...
     Sau đợt 1, bọn công an giữ lời hứa cho thả một số anh. Thực ra, những anh em này đã có danh sách được thả về từ lúc còn bọn bò xanh, nhưng vì vụ bàn giao nên bọn bò vàng cho giữ lại. Những anh này thuộc thành phần khoa học kỹ thuật, như bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ và các thành phần giáo chức biệt phái, v.v... chỉ đi tù có 3 năm.
     Thủ đoạn thâm độc này của VC quả nhiên có tác dụng. Một số anh em nghi ngờ các anh em được về kia là đã "phản bội" bán đứng anh em. Một số anh khác thì tưởng thật, nên TRÚNG KẾ, đã khai những anh em trong Ban Hành Động còn sót tên !
     Sau đợt 2, bọn công an cũng cho một số anh có tên được tha từ trước còn lại và bắt các anh em Ban Hành Động sau cùng đưa lên Chí Hoà !
     Đến cuối tháng 10-1978 (ngày 22 hay 23), toàn bộ anh em đang nhốt ở Chí Hoà trên 30 mạng bị đưa ra ngoài trại A.20 Xuân Phước (Phú Yên), cách ga xe lửa Lahaye khoảng 15 cây số đường chim bay. Đó là nơi trước đây VC dùng làm mật khu an dưỡng quân.
     Có điều, trước khi anh em chuyển lên Xuân Phước 3 ngày, bọn công an lại hốt thêm một mớ "em mới" từ Suối Máu lên Khám Chí Hoà. Trong số nầy có cả nhà thơ Phan Lạc Giang Đông (Tr/U KQ). Rồi cùng được đưa lên Xuân Phước một lượt.
     Trong số những "em mới" đợt cuối cùng này bao gồm hầu hết các anh em trong Ban Hành Động đã lọt lưới sau 2 đợt học tập Okinawa. Nhưng trong số nầy cũng có vài phần tử an-ten, nên anh em thắc mắc. Một anh bạn bèn giải thích :
     - Tại vì tụi công an nó bắt tụi tui khai báo hoài, tụi tui tức quá, nên khai luôn hết mấy thằng an-ten vô. Bởi vậy tụi nó mới được cái vinh dự cùng đi theo tụi mình lên đây !
     Nghe tới đây anh em mới vỡ lẽ, bật cười : À... thì ra vậy !

                                           Lynnwood, WA, mùa Giáng Sinh 2008
                                                Võ Văn Sáu

15.6.10

Hơn hai mươi năm gặp lại





Chén rượu rót vui, buồn bên kia biển
tràn trên tay bằng tình nghĩa bao năm
anh em ta rời địa ngục xa xăm
sống sót quay về từ non thế kỷ

ôi những mái tóc xanh giờ bạc trắng
máu vẫn một dòng chảy với nhục vinh
người sống mời kẻ chết trong lặng thinh
thuở cùm kẹp ngày xưa chưa nguôi hận

một chén tặng cho đời còn như mất
khóc bạn bè vùi dập ở rừng thiêng
tiếc cho thằng sống sót dù còn nguyên
trên đất mẹ cơ hồ như đã chết

một chén rót gọi hoài thằng trôi nổi
buổi chia tay tan tác bốn phương trời
rượu đầy sao bè bạn cứ dần vơi
thời yên ngựa, rừng gươm giờ đâu nữa

thằng già chát ôm thằng đang chống gậy
nụ cười không tròn trên vết cùm xưa
nhắc nhau một thời đội nắng dầm mưa
giữa trại giặc dìu nhau qua địa ngục

A 20 tóc tang, trùng trùng xương máu
Xuân Phước, bạn bè nằm đó bơ vơ
chén tương phùng, giống như chuyện nằm mơ
thức dậy, hồi sinh vừa gần một kỷ

cạn hết cho bừng bừng cơn khát cũ
say đi để quên buốt dấu cùm xưa
tiệc tàn để tim nhói đau lần nữa
gặp một lần dù biết sẽ trăm năm

  nguyễn thanh-khiết
  13-06-2010
  (cho những cánh chim A 20 vừa gặp lại
hôm 10-6-2010 tại San José, CA)





Cánh tay nối dài?




 Vũ Ánh/Việt Herald
(02/25/2010)

Có lẽ trong đời làm truyền thanh và làm báo, tôi không ưa những ai gọi người này hay người kia là “cánh tay nối dài của…(ai).” Trong giai đoạn tôi còn giữ vai trò phóng viên mặt trận cho hệ thống truyền thanh quốc gia VNCH dưới thời tổng giám đốc là trung tá Vũ Đức Vinh, người mà chúng tôi còn quí mến cho tới bây giờ dù ông đã khuất bóng, ông cũng bị coi là “cánh tay nối dài” của Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ. Là trung tá xuất thân từ ngành tâm lý chiến không quân, khi được bổ nhiệm vào chức vụ Cục Trưởng Cục Vô Tuyến Truyền Thanh theo tên gọi của hệ thống năm 1966, ông liền bị coi là “cánh tay mặt” của Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương Nguyễn Cao Kỳ, thậm chí “bí thư’ của ông Kỳ.

Vào thời đó, tinh thần “team work” trong chính phủ còn mạnh, mặc dù trong một số “nhóm” có rất nhiều ông chỉ là con ông cháu cha, vây cánh, nịnh bợ, thượng đội hạ đạp và nhất là ăn hại đái nát. Trung tá Vũ Đức Vinh thì ngược lại. Mặc dù ông là người viết diễn văn cho tướng Kỳ nhưng trong chốn thân mật với chúng tôi, ông nói thẳng là ông không thích những ai gán cho ông chữ “bí thư” bởi vì ông chả là cái gì đối với những người chung quanh tướng Kỳ. Nghe thì cũng biết vậy thôi chứ thực ra chúng tôi quí mến ông Vinh chỉ vì nhân cách của ông, năng lực, sáng kiến cải tổ ngành truyền thanh và nhất là cách cư xử cũng như đời sống thanh bạch của một quân nhân dù ông giữ trọng trách lãnh đạo trong ngành tuyên truyền quan trọng nhất vào thời bấy giờ.

Thế nhưng, người ngay thẳng thì hay mắc nạn. Trong cuộc dàn xếp để hai ông tướng Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ không phải đối đầu với nhau mà phải đứng chung trong liên danh tranh cử, trung tá Vinh đã phải sống trong sự căng thẳng thường trực để giữ cho một đài phát thanh quốc gia không ngả về phe nào, nhất là né những mũi tên “cánh tay nối dài” hay “cánh tay mặt…” của tướng này hoặc tướng kia. Ông luôn luôn nhắc nhở đám trẻ chúng tôi “các cậu phục vụ quốc gia, quân đội và dân chúng chứ không phải ông Thiệu hay ông Kỳ” để phòng ngừa có cậu nào hăng máu làm hư chuyện.

Nhưng đến khi tướng Nguyễn Văn Thiệu trở thành tổng thống và tướng Nguyễn Cao Kỳ thành phó tổng thống thì Dinh Độc Lập chia thành hai cánh và hai ông bắt đầu ngáng chân nhau. Trung tá Vinh lại một màn lãnh đủ những mũi tên khác có tẩm thuốc độc, nào là “người của Kỳ gài lại,” nào là “cánh tay nối thêm dài,” nào là “Vinh nó là người của Kỳ sao không về Phủ Phó, bộ nó ăn phải bả Thiệu rồi à?”

Chúng tôi là những người gắn bó với ông Vinh trong những sóng gió của chiến tranh cộng thêm những tranh chấp giữa những nhà lãnh đạo VNCH, nên rất thông cảm ông xếp và không thích những mưu mô đằng sau người sĩ quan cương trực này. Có lần ông tâm sự trong một cuộc gặp riêng khi tôi từ mặt trận Quảng Trị trở về trước Tết Mậu Thân: “Trên bộ yêu cầu viết một cái ‘citation’ về cậu, sau khi gặp tôi, cậu xuống liệt kê tất cả những trận đánh cậu từng tham dự và tường thuật. Cố gắng lên, cậu làm việc và ăn lương quốc gia cho nên nếu tôi có đi khỏi đây, cũng cứ thế mà tiến, đừng nản.”
Tết Mậu Thân diễn ra, ông là người có công lớn trong việc sắp đặt kế hoạch vào giờ chót nên đã làm hỏng kế hoạch phát thanh cuốn băng hiệu triệu của Hồ Chí Minh do bọn đặc công mang theo khi tấn công vào đài. Sau khi tình hình ổn định, dọn dẹp đống gạch đổ nát, xây dựng xong một cơ sở tạm cho hệ thống, điều hòa lại chương trình phát thanh trên làn sóng quốc gia, ông Vinh nộp đơn từ chức và trở lại với không quân, con nhạn đầu tiến trúng mũi tên tẩm thuốc độc của dư luận “cánh tay nối dài” của lòng đố kỵ, ganh ghét, nhỏ mọn, đặt quyền lợi của cá nhân, phe nhóm lên trên quyền lợi quốc gia.

Đó là một trong những trải nghiệm khi tôi làm việc trong một cơ quan truyền thông nhà nước VNCH. Truyền thanh và báo chí có một biên giới rất mỏng manh và đám phóng viên trẻ chúng tôi cũng tập tễnh đặt chân vào lãnh vực này. Càng bước sâu vào nghề báo, càng khám phá ra nhiều điều. Tôi phải nhập vào một “băng” được gọi là “nhóm nồi niêu xoong chảo” tức là nhóm đầu bếp, mỗi nhóm có một đầu tầu, chủ báo nào mướn thì đầu tầu kéo chúng tôi vào “nấu bếp.”

Khi chủ báo không thích nữa hoặc chính chúng tôi thấy ông chủ báo nào không nên cộng tác nữa thì rút dù. Nhiệm vụ của chúng tôi là làm sao nấu những món ăn tinh thần cho ngon và được trả công bằng những bì thơ trong đó gói ghém số tiền mặt nhuận bút hàng tháng. Đối xử với nhau thì ngoài tình đồng nghiệp, còn cần sự công bằng, ngay thẳng, giữ đạo đức nghề nghiệp.

Tất nhiên, cũng có ông bà xé rào khỏi nhóm đi sang nhóm khác, nhưng nói chung là các nhóm “nồi niêu xoong chảo” chúng tôi coi đó là lẽ bình thường và đều phải tự hỏi: Liệu mình đối xử với nhau ra sao mà đến nỗi có người phải bỏ nhóm? Do đó, tốt nhất là vẫn xử thế với nhau cho phải đạo, vẫn đi ăn đi uống với nhau bình thường, hỏi thăm nhau công việc.

Tuyệt nhiên, không có nhóm nồi niêu xoong chảo nào ngáng chân nhau bằng những bằng những thủ đoạn mờ ám “cánh tay nối dài,” hay “cài người vào.” (V.A.)

(Nguồn: www.vietherald.com)



Qua La-Hai…… nhớ

-->

Sông Trà Bương, nước đầy mùa mưa lũ
Nắng sườn đồi chạy xuống đón ta qua
Ta cứ gọi chỗ nầy, ngày tháng cũ
Mười năm xích xiềng giam nát đời ta
Đứng để nhớ, đi đau, ngồi phẫn nộ
Bạn bè xưa đâu biết giạt phương nào
Mùa mưa cũ anh em tìm sinh lộ
Một lần đi, bỏ xác lại rừng cao
Ôi Đồng Xuân vẫn mưa về nước đổ
Mưa có trôi đi được những căm hờn
Dấu đạn thù trên thân tù lỗ chỗ
Bạn ta ơi ngày tháng có đau hơn
Một nén nhang thôi, dọc đường qua trại
Ta thắp cho đời, cho bạn, cho ta
Xin gởi Trường Sơn đâu đó hình hài
Người chiến sĩ chết bên ngoài cuộc chiến

nguyễn thanh-khiết
tháng 5/2009
(để nhớ TQLC trung uý Nguyễn Ngọc Bửu
đã nằm lại nơi nầy sau cuộc chiến)


8.6.10

Bài thơ viết muộn



Chia tay một buổi, không chào, không vẫy
nhìn một giây cúi mặt quay đi
ta bỏ lại A 20 bóng núi xanh rì
có đôi mắt nhìn theo trên sân nắng


hơn hai mươi năm nhục nhằn đời cơm áo
chưa một lần quay lại gặp nhau
đời phũ phàng, trôi dạt chẳng bình yên
sống thoi thóp chờ mong ngày lên ngựa
sống như chết dù lòng ta vẫn hứa
sẽ có ngày cùng uống chén rượu vui
hơn hai mươi năm vùi dập, ngược xuôi
nợ chiến chinh trả hoài không hết
nợ đời nhau những ngày tù còn y hệt
nhốt trong lòng từ một buổi xa nhau


Rồi hôm nay trời đất ngậm ngùi
đôi mắt đó bây giờ thôi đã khép

 
Ta bỏ sáu năm
tìm trong nhức nhối
trong lo âu và nỗi nhớ thuở cùm, gông
Khổng Hữu Diệu ơi! những mùa đông
cái lạnh buốt xương trời Phú Khánh
trên môi khô, vẫn cười khinh bạc
sá chi ngày tù ngục tuổi ba mươi
những cơn đau xé ruột dưới mưa rơi
trong trại giặc và thân tù xanh màu lá
đêm nghe chăng tiếng rên siết của rừng già
thung lũng chết mùa xuân không trở lại
sống như anh, sống tròn như viên đạn
lăn trên đường nát bấy dấu thù xưa
nhớ làm sao những trăn trở ngày mưa
dặn dò nhau vươn cờ lần quay lại


Anh không chết lúc quân tan hàng rã
anh ngày ngày sừng sửng với nhục vinh
mửa máu tươi từ căn bệnh nguyên sinh
cái đói cồn cào làm đau rang chút nữa
cắn răng nuốt sâu, máu tươi còn ứa
hai cuộc chiến âm thầm chưa làm nản cuộc chơi
đất nước không cho dù một chỗ ngồi
anh sốt đau cắn răng nhìn lần cuối
con ngựa bất kham lại một lần dong ruỗi
để anh đi, và đi mãi - thật xa
bệnh tật đuổi theo tuổi đời nghiệt ngã
dù con chim lìa đàn qua hướng lạ
kiếp phù du nên đời chẳng hương hoa
để bây giờ thân xác quạnh phương xa
trên đất khách một ngày bay chưa mỏi


Ta bỏ A 20 những ngày, trong cơn hấp hối
đi một lần, là vĩnh biệt nhau
đôi mắt xưa chưa kịp gởi tiếng chào
giờ đã khép thiên thu tìm đâu nữa
thôi thì bỏ trần gian anh từng hứa
giữ cho đời xanh một màu tươi
tiễn chi nhau, lòng buồn lắm - trời ơi
gặp một đỗi, xót một đời ly biệt


nguyễn thanh-khiết
 TG. 07-06-2010
(khi hay tin Diệu không còn nữa)


5.6.10

“Vài mẩu chuyện” và Cao Xuân Huy


Vũ Ánh/Việt Herald
(06/02/2010)

Chiều ngày Lễ Tưởng Niệm, con cái và lũ bạn chúng đi chơi xa, còn lại hai vợ chồng già, không muốn nấu nướng nên rủ nhau đến cháo cá Chợ Cũ. Tình cờ gặp lại “Tháng ba gãy súng” Cao Xuân Huy và vợ. Chúng tôi là đồng nghiệp báo bổ kiếm sống qua ngày không thân, nhưng quí mến nhau. Dĩ nhiên là có màn hỏi thăm sức khỏe, về bệnh tình của ông. Tôi thấy Huy không có gì thay đổi, vẫn sừng sững, vẫn còn cứng cỏi tinh thần, coi bệnh hoạn chẳng là cái gì cả. Huy nói: “Ðể tặng anh cuốn sách.” Huy ra xe và lấy sách. Cuốn sách là một tác phẩm mới của ông nhan đề “Vài mẩu chuyện” với bìa do Doãn Quốc Vinh trình bày.



Tại đất Little Saigon người ta không đủ thời giờ để đọc hết những tác phẩm viết về thảm kịch 30 tháng 4, nhưng thật ra vẫn thiếu những tác phẩm như “Tháng ba gãy súng.”
Cao Xuân Huy không bao giờ nhận mình là nhà văn, tác phẩm ông cho in cũng ít và không dày, nhưng để lại nhiều ấn tượng mạnh. Sách ông phổ biến đến nỗi cứ nói đến “Tháng ba gãy súng,” người ta biết ngay tác giả là Cao Xuân Huy, một cựu sĩ quan của một đơn vị nổi tiếng đánh đấm ra trò, Thủy Quân Lục Chiến. Ðộc giả yêu những bài viết và tác phẩm của Cao Xuân Huy chỉ vì ông viết thành thật, không mài giũa những từ ngữ để nó trở thành một tác phẩm văn chương, cao siêu chữ nghĩa. Người ta đọc ông bởi chuyện riêng của ông đã trở thành chuyện chung của mọi người, đã trở thành cuộc sống, thành hơi thở, hoàn cảnh khó khăn, khốn đốn của ông đã trở thành hoàn cảnh khó khăn, khốn đốn của cả một dân tộc trên một khúc quanh khá dài của lịch sử Việt Nam.


“Vài mẩu chuyện” dày đúng 125 trang, nhưng những mẩu chuyện của ông–như Trần Như Hùng viết trong Tựa–là chuyện về kiếp nhân sinh, của riêng một người mà cũng là chuyện chung của nhiều người, rất phổ quát và cũng rất riêng tư. Chuyện lính, chuyện tù không phải chỉ là câu chuyện và những trải nghiệm của Cao Xuân Huy mà là chuyện của cả thế hệ chúng tôi trong cơn bão của những đổi thay.


Những mẩu chuyện của Cao Xuân Huy không phải là chuyện cầu kỳ, gồm những chuyện đội đá vá trời hay những chuyện lý tưởng cao siêu. Không, hoàn toàn không. Chúng chỉ là những chuyện tầm thường, thậm chí có khi chúng chỉ là chuyện của những thất bại sau những ước mơ. Chuyện tù đầy là chuyện mà hầu như người nào thuộc thế hệ chúng tôi trong cộng đồng này cũng từng trải qua. Nhưng Cao Xuân Huy kể thì lại khác. 

Chẳng hạn như trong “Quyền tối thiểu” từ trang 29 đến trang 33, Huy kể chuyện tù cải tạo được “cho phép” gặp gia đình và “được phép ngủ lại với vợ” ở nhà thăm nuôi. Câu chuyện này nếu không phải Cao Xuân Huy kể mà do chúng tôi kể với nhau trong chốn trà dư tửu hậu những lần gặp nhau cà phê cà pháo chắc chắn sẽ bị những “tên” khác trong đám bạn tù kê tủ đứng ngay: “Thôi biết rồi, khổ 'nắm', 'lói' mãi, đổi tần số đi!”
Nói đến chuyện nhà thăm nuôi trong một trại tù Cộng Sản là nói đến vui, buồn, đến những bi kịch và trong nhiều trường hợp, cả nỗi nhục. Nào là chỉ được gặp 15 phút, có khi nửa tiếng, có khi vài giờ, nào là gặp 36 tiếng, 48 tiếng, 72 tiếng. Giờ giấc được gặp mặt gia đình ngoài nhà thăm nuôi mau hay lâu là tùy thuộc vào “công cán” hay “phản động, không an tâm cải tạo” của tù nhân. Nhưng cũng có trại thì việc thăm gặp gia đình và ở lại với gia đình ngoài nhà thăm nuôi được ban phát đồng đều, trừ những người tù bị kỷ luật, nhất là trong thời kỳ trại tù do bộ đội Cộng Sản quản lý.


Các nhân vật trong “Quyền tối thiểu” là Toàn và Thành, các nhân vật có vẻ hư cấu nhưng là thật vì đó là mẫu những cựu sĩ quan quân đội VNCH bị lưu đầy trong các trại tù ở ngoài Bắc cũng như trong Nam sau 30 tháng 4, 1975. Ở trang 31, Cao Xuân Huy mô tả Toàn là mẫu người hiền lành, không muốn phiền hà vi phạm nội qui của trại giam. Anh lao động như mọi người khác trong trại và được người vợ xa cách đã lâu lần mò ra Bắc thăm gặp. Trên nguyên tắc, Toàn được ngủ đêm với vợ ở nhà thăm nuôi. Thành, bạn tù thân của Toàn thấy bạn mình từ chối “ân huệ” của trại thì ngạc nhiên lắm. Hãy đọc Cao Xuân Huy với những đoạn đối thoại sau đây giữa hai người bạn tù ở trang 32 và 33, xin trích:


“Bao nhiêu thằng bon chen, nịnh hót, kiếm điểm, làm ăng ten, bôi mặt hại anh em đồng đội, chỉ để mơ ước được một ân huệ là được ngủ đêm với vợ ngày thăm nuôi. Mày 'bất chiến tự nhiên thành.' Vậy mà mày lại bỏ con vợ trẻ ngon lành nằm trơ ra với muỗi mà mày chịu được à?”
“Mày tưởng tao không đau khi quyết định bỏ vào trại à?”
Thành dịu giọng:
“Mày nói thật đi, có gì trục trặc giữa vợ chồng mày không?”
“Không trục trặc mẹ gì cả. Tao không thích, thế thôi. Và dĩ nhiên là vợ tạo không biết là tao được ngủ lại nhà khách (nhà thăm nuôi hay có khi bọn cai tù còn gọi đó là nhà hạnh phúc-VA).
“Gàn, ngày trước mày đi lính chứ có phải là thày giáo chó đâu mà giở thói đồ gàn ra đây. Mẹ kiếp... con không ăn muối con ươn, con không ngủ với vợ trăm đường... con hư, nghe không con.”
“Nếu chỉ vì không ngủ với chồng một đêm mà vợ tao hư thì tao cũng đành chịu thôi.”
“Tiên sư cha nhà anh, vậy thì anh là thằng ngu nhất rồi, chứ không còn được hưởng ân huệ hạng nhì nữa. Không phải đêm nay chỉ có nghĩa đơn thuần là một đêm, hiểu không con trai. Bao nhiêu năm chờ đợi trước đây, và sau hôm nay, bao nhiêu năm sau này nữa, vợ anh không biết còn được gặp cái mặt mẹt của anh hay không...”
“Thì tao cũng đành chịu thôi, Thành ạ!”
“Chịu thôi?” Thành ngạc nhiên. “Như vậy là nghĩa làm sao?”
Toàn gằn giọng:
“Nghĩa là làm sao? Nghĩa là làm sao hả? Các anh được hưởng chính sách khoan hồng nhân đạo của cách mạng. Cách mạng đã tha tội chết cho các anh, giáo dục các anh trở thành người tốt cho xã hội, lại còn gia đình đến thăm, lại còn được hưởng đặc ân ngủ với vợ nữa...”
Thành cười:
“Chứ còn gì nữa, mẹ kiếp, mày đừng lập lại như một con vẹt những câu thằng nào cũng thuộc chứ.”
“Tao tưởng mày khá hơn một chút. Ừ hãy động não thử xem. Vợ chồng ngủ với nhau là một đặc ân à? Ngủ với vợ cũng phải có thằng cho phép à? Thú vật ngủ với nhau cũng không phải là đặc ân của ai hết mà. Hừ, thái độ ngạo nghễ thi ân. Tao hèn, tao không dám chống đối, nhưng ít nhất tao cũng còn có cái quyền tối thiểu là không thèm nhận sự ban phát ấy chứ.”


Ðấy là lối kể chuyện của Cao Xuân Huy, khinh bạc nhưng trái tim ông vẫn còn đầy những rung động. Trong biết bao nhiêu tác phẩm viết về tù đầy ở đây, người đọc có lẽ mới chỉ thấy được mặt ngoài của sự tàn bạo và những cuộc tranh đấu để chống lại sự tàn bạo ấy, mới chỉ thấy được mặt ngoài của những tấm gương bất khuất. Còn những người như Toàn? Có cần phải xếp Toàn vào hàng ngũ những người bất khuất không?
Trong môi trường tù đầy trong các nhà tù Cộng Sản, tôi đã từng thấy có những người nhịn ăn đến chết trong các căn biệt giam nhỏ nơi rừng thiêng nước độc chỉ vì không chịu khai gian cho một người bạn tù. Tôi cũng đã từng nhìn thấy một bạn tù vạch áo chỉ vào ngực và thách một vệ binh súng dài bắn. Anh la lớn: “Tao thách thằng nào ngon bắn tao coi. Chúng mày nên nhớ, bắn chết tao ngay lúc này là chúng mày khoan hồng đấy. Chứ sống kiếp của một con vật như thế này thì sống làm đ... gì.”


Nhưng tôi cho rằng cả hai hành động này còn dễ làm hơn là quyết định của Toàn. Từ chối một ân huệ trong cảnh tù đầy như Toàn, như Thành là một hành động âm thầm, nhưng dũng cảm. Chỉ có những người vượt lên trên cái bản ngã của mình mới có thể làm được. Một đàn anh tôi trong nhà tù trừng giới với một kỷ luật vượt xa kỷ luật của kiểu trại Ðầm Ðùn hay Lý Bá Sơ là trại A-20 ở tiền sơn quận Ðồng Xuân đã nói với tôi như thế này: “Tao không cần những ông bò lục, bò ngũ đứng ra tranh đấu chống lại bọn cán bộ trại giam, tao chỉ cần các ông ấy là người hiền lành và biết âm thầm từ chối những ân huệ mà bọn khốn ấy muốn dùng để hạ nhục các ông ấy và hạ nhục chúng mình.”


“Vài mẩu chuyện” của Cao Xuân Huy là những mẩu chuyện nho nhỏ, nhưng hào sảng trong đời lính và đời tù, từ “Miếng ăn,” “Người muôn năm cũ,” “Cái lưỡi câu,” “Ngu như lợn,” “Vải bao cát” cho tới “Hành phương Nam,” “Chờ tôi với,” “Mai Thảo” và “Trả lại tiền...” câu chuyện nào cũng thấm đậm một niềm xót xa cho những cảnh ngộ của một dân tộc.


Sự chân thật, những tình cảm giản dị, cách nhìn tinh tế của Cao Xuân Huy đã biến những sự việc đã cũ, đã xa, thành những sự việc vẫn còn mới và rất gần như hơi thở, cơm ăn và nước uống hàng ngày của chúng ta.


Bởi thế, khi đọc “Vài mẩu chuyện” của Cao Xuân Huy, những người đọc gốc lính, gốc tù cải tạo sẽ thấy mình trong đó. Có thể chúng ta sẽ chỉ thấy một hình ảnh bàng bạc về niềm đau khổ của một khúc quanh lịch sử, nhưng chắc chắn sẽ nhìn thấy thật rõ ràng một niềm tin về con người. (V.A.)



(Nguồn: http://www.vietherald.com)


2.6.10

Nhà văn Duy Lam: “Thân hình khoả nữ với tôi đẹp như một bông hoa!”




LÊ LA


LTS: Nhà văn Duy Lam, 73 tuổi, là một trong những nhà văn có liên hệ tới nhóm Tự Lực Văn Đoàn, với nhiều tác phẩm nổi tiếng như Nhà Tôi, Chồng Con Tôi v.v., được nhà văn Trần Hồng Châu-Nguyễn Khắc Hoạch đánh giá là nhà văn viết về tính dục bạo nhất (cùng với người em trai là nhà văn Thế Uyên). Cuộc thảo luận nghệ thuật về “Người nổi tiếng vẽ người nổi tiếng” đã mang đến cho ông một số cảm hứng muốn trao đổi. Và, bản thân Duy Lam, bên cạnh việc viết, ông cũng là một họa sĩ nghiệp dư, ưa thích vẽ tranh khỏa thân. Dưới đây là cuộc trao đổi giữa chúng tôi.


LL: Thưa nhà văn Duy Lam, mặc dù ông một người cầm bút, nhưng theo giới thưởng ngoạn, vẫn biết ông là một họa sĩ, mà vẽ tranh khoả thân cũng “tới” lắm. Xin ông cho biết khỏa thân… là thế nào?
DL: Cũng không khác gì các nghệ sĩ, như Picasso trước kia, tôi rất mê vẻ đẹp hình thể của phụ nữ. Cái đó cũng tự nhiên thôi. Đối với nghệ thuật của thế kỷ 15, sau khi thoát khỏi thời kỳ tăm tối. Các nhà danh họa như Leonard De Vinci, Raphael vẽ khỏa thân rất nhiều, tuy nhiên tôi thích tranh khỏa thân của Matisse và Cezanne, vì những vị này đã làm mới khỏa thân rất nhiều, so với sự cổ điển của các nhà họa sĩ thời Phục Hưng. Những bức tranh trong trường phái Biểu Hiện của Renoire cũng làm tôi yêu thích hội họa khỏa thân bậc thầy. Nói tóm lại, khỏa thân là truyền thống lâu đời của hội họa. Khi hội họaTây phương du nhập vào Việt Nam qua trường hội họa Đông Dương, các họa sĩ Việt Nam đã lãnh hội ngay làn gió mới này, phải kể đến Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái, Lê Phổ v.v. Những bài học khỏa thân có người mẫu thật để các họa viên tập hình họa trên căn bản của cơ thể người mẫu. Khỏa thân vào qua ngả trường ốc. Sau đó họ có triển lãm, tuy dè dặt. Ngày nay, chúng ta đang ở trung tâm văn hóa thế giới, là Mỹ, dĩ nhiên, tranh khỏa thân đã bình thường. Mặc dù vậy, đối với giới thủ cựu, tranh khỏa thân muôn đời bị giam hãm trong những định kiến. Hình thể đẹp đẽ của người phụ nữ vẫn muôn đời bị đóng khung trong áo quần và những phép tắc luân lý xã hội. Hai khuynh hướng cởi mở và thủ cựu vẫn song hành với nhau qua nhiều, nhiều thế kỷ. Đối với giới nghệ sĩ, nhất là họa sĩ, vẽ khỏa thân và triển lãm cũng không phải là chuyện mới mẻ nữa. Vấn đề là phải vẽ như thế nào thôi.

NV: Ông có vẽ tranh khoả thân không?
DL: Nguồn gốc tranh khỏa thân bắt đầu từ Hy-La (Hy Lạp, La Mã), kể cả những bức tượng khỏa thân cũng từ văn hóa này mà ra. Có thể nói những kiệt tác nghệ thuật của nhân loại cũng không ngoài những bức tranh, tượng khỏa thân. Cá nhân tôi, có vẽ tranh khỏa thân chứ. Thỉnh thoảng tôi vẫn thường mang tập bút họa, ký họa khỏa thân ra cho bạn bè xem tại quán Coffee Factory. Trong tranh khỏa thân của tôi, có sự cách điệu hóa đi rất nhiều. Tuy nhiên, vẫn là tranh khỏa thân. Tôi rất khuyến khích những họa sĩ, các phòng tranh trưng bày tranh khỏa thân. Vợ tôi còn khuyến khích tôi triển lãm một phòng tranh riêng về khỏa thân do tôi vẽ.

NV: Trong văn chương, dường như ông cũng là một “kiện tướng” về tính dục?
DL: Nhà thơ Trần Hồng Châu, khi còn sống, cho rằng trong văn chương Việt Nam, có hai nhà văn “xù xì” là Duy Lam và Thế Uyên, em ruột tôi… viết về tính dục bạo nhất. Chúng tôi bị nổi tiếng và mang tiếng vì độc giả cho rằng chúng tôi đã “kích dâm” qua những truyện ngắn, truyện dài. Thật ra, tính dục trong văn chương đã được đề cập tới từ những năm 50, trong Tự Lực Văn Đoàn, ngoài Vũ Trọng Phụng ra, người ta có thể yêu nhau, tình tứ hoài mà chẳng có sơ múi gì. Vấn đề mô tả làm tình thì còn quá mới. Nhưng đối với tôi thì khác, tôi nghĩ rằng cần phải cởi bỏ bớt những sự ràng buộc bởi luân lý Khổng Mạnh về tính dục. Vì chỉ có những người có tư chất mạnh khỏe, bình thường trong tâm sinh lý mới nói chuyện thẳng thắn về tính dục.

LL: Viết hay vẽ về tính dục, xin ông đưa ra một nhận định về vấn đề này, qua thế hệ trước và sau ông?
DL: Năm nay là 2005. Ở một xứ sở văn minh như Mỹ, tôi thấy tranh, tượng khỏa thân đã là bình thường lắm rồi. Gần đây, một nhà họa sĩ vẽ những dương vật đàn ông, và muốn triển lãm ngay tại phi trường LAX, nhưng bị phản đối nên chưa thực hiện được. Tuy nhiên, cũng đã nổ ra những cuộc tranh cãi sôi nổi. Giới trẻ lớn lên ở Mỹ, được hấp thụ và đào tạo nghệ thuật chính qui, chắc chắn không xem vấn đề tính dục, khỏa thân là một điều gì lạ lẫm. Giới trẻ đã qua thời kỳ cách mạng tính dục từ lâu rồi. Yêu đương của sinh viên thời đang đi học, hoặc học đại học ra khác rất nhiều, so với thời của chúng tôi hay thời kỳ ở Sài Gòn trước đây.

LL: Thời kỳ tin học, các thông tin tràn ngập các phương tiện truyền thông đã khiến cho giới trẻ từ 11, 12 tuổi đã sớm biết đến vấn đề tính dục, yêu đương… Ở góc độ một nhà văn, ông nghĩ sao sự khác biệt về hiểu biết, so với thời của ông?
DL: Dĩ nhiên kiến thức của giới trẻ bây giờ so với thời chúng tôi, các bạn đã bỏ xa chúng tôi rồi. Tôi nhớ trong cuộc triển lãm FOB của giới trẻ tại Cali hồi năm 2002. Tôi nhớ bức tượng “Dick Head” của điêu khắc gia Ưu Đàm đã gây sự chú ý của tôi rất nhiều. Đó là một điểm son, là một hình thức du nhập được nét mới, phóng khoáng của nghệ thuật phương Tây một cách có ý thức và bản sắc riêng Á đông. Tôi nhớ hồi xưa, ông họa sĩ Nguyễn Gia Trí khi muốn vẽ tranh phụ nữ khỏa thân, đã không ngại thuê ngay mấy cô ca-ve có thân hình đẹp làm mẫu. Và sau này, khi ông Nguyễn bị lưu vong qua Trung Quốc với Nhất Linh những năm 30, 40, tại đây, đã gây ra một dư luận xôn xao, vì đã nhờ nhà văn Nguyễn Thị Vinh ngồi làm mẫu khỏa thân nửa người. Đây chẳng qua là một lần vẽ thương mại, bán cho một người ngoại quốc muốn mua tranh phụ nữ khỏa thân, để kiếm tiền nuôi mọi người thôi. Trong gia đình tôi (anh em trong Tự Lực Văn Đoàn) có chuyện bực bội của ông Trương Bảo Sơn, chồng nhà văn Nguyễn Thị Vinh không đồng ý cho vợ ngồi làm mẫu. Đối với họa sĩ Nguyễn Gia Trí, người đẹp là người đẹp, ông chỉ biết vẽ thôi. Ngày nay, người họa sĩ Việt Nam vẽ tranh khỏa thân, đã hấp thụ được nghệ thuật mới, đồng thời vẫn dung hòa được nền luân lý Á đông là chuyện không còn khó, hay khắt khe nữa.

LL: Như vậy, thập niên 30, 40, đã có việc “Người nổi tiếng vẽ người nổi tiếng” rồi sao? Qua câu chuyện Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Thị Vinh… Còn bây giờ, ông nghĩ sao nếu có một họa sĩ nổi tiếng, muốn được vẽ một cô ca sĩ cũng nổi tiếng, ngay tại Little Saigon?
DL: Họa sĩ có toàn quyền trong lãnh vực hội họa. Họ là vua trong sáng tác của mình. Họ muốn làm gì thì làm, nhất là ở xứ tự do như nước Mỹ. Nhưng khi mang tranh ra triển lãm, tức là ra quần chúng, dĩ nhiên họa sĩ có thể triển lãm hay không cũng được, hoặc triển lãm để thăm dò cho một số ít các nhà sưu tập tranh xem… Nhưng theo tôi, để có được một họa sĩ nổi tiếng, vẽ một ca sĩ trẻ, đẹp, nổi tiếng, phải kiếm mới được. Các yếu tố này rất hay, nhưng phải được giới thưởng ngoạn háo hức xem, mới thành công. Giá trị nghệ thuật của loạt tranh này là yếu tố quan trọng, đằng sau tính chất gây hiếu kỳ vì sự nổi tiếng. Tôi nghĩ chuyện triển lãm hay không cũng bình thường. Với tôi, thân hình phụ nữ khỏa thân cũng đẹp như bông hoa. Họa sĩ Cao Bá Minh đã vẽ bộ phận sinh dục phụ nữ như một bông hoa rồi mà. Miễn là đẹp.

LL: Trong văn chương hay hội họa, tính ghi chép và mô tả… làm sao để người xem và người đọc không bị sự “thô tục” lôi cuốn, làm mất đi vẻ đẹp nghệ thuật?
DL: Người ta vẫn quan niệm về đời thường. Ngày xưa người ta vẫn cho rằng là cái gì mình nhìn thấy, trong đó có con người. Con người trong hoàn cảnh tự nhiên, thiên nhiên để khỏa thân. Trong thời cổ điển có mô tả hình tượng khỏa thân với hai mục đích: một là về thần thoại, và hai là về tôn giáo… Và họ đã làm thăng hoa hình tượng khỏa thân của con người. Ngày nay, đời thường có con người đó, ranh giới nghệ thuật và dung tục đã bị xóa nhòa. Vấn đề là do các nhà phê bình những bức tranh vẽ người đàn bà cung phi nằm dài… xem thì rất khêu gợi. Nhưng đối với giới mỹ thuật thì ok. Nói cách khác, trình độ thưởng ngoạn của người xem cũng quan trọng và quyết định giá trị của một tác phẩm nghệ thuật, xem nó có tục hay nghệ thuật. Hoàng gia Ăng Lê có một câu: “Xấu hổ thay cái gì mình nghĩ trong đầu”, tức là do mình. Cái gì xấu cũng do mình mà ra thôi.

LL: Nói chung, khuynh hướng tục và đẹp vẫn là một cuộc tranh cãi muôn đời. Ở tuổi 73, nhà văn Duy Lam có nhận xét gì về việc tiêu thụ tranh khỏa thân trong cộng đồng Việt Nam chúng ta?
DL: Tôi nhớ rằng khi đem cho giới trẻ và già xem tranh khỏa thân của tôi, một điểm ngạc nhiên là cả hai giới đều chỉ chọn xem những bức tranh khỏa thân không có bố cục, vẽ tiền diện. Họ cho rằng vì về nhà treo không được, có trẻ con. Chỉ xem thôi, hoặc treo trong phòng ngủ. Mua một bức tranh khỏa thân là một chuyện, còn treo ở đâu cũng còn là một vấn đề nữa đấy. Gặp một bà vợ khó tính một chút, đâu phải muốn mua, muốn treo cái gì cũng được đâu. Cái đó còn tùy mỗi hoàn cảnh, không bàn được.

LL: Được biết vợ ông cũng cao tuổi, lại khuyến khích ông triển lãm tranh khỏa thân, treo tranh khỏa thân (do ông vẽ) trong nhà, sao bà “cấp tiến” thế, nhờ đâu có sự văn minh như vậy?
DL: Bà xã tôi thật ra là người rất cổ xưa. Sau khi lấy tôi, đi xem tranh cũng nhiều, từ hồi xưa, ở Đà Nẵng cho tới bây giờ, lại xem tôi vẽ nữa, nên quen dần đi. Bà ấy cũng tìm ra một cách thưởng thức một cách tự nhiên. Theo tôi, trong một gia đình nghệ sĩ, hay có bạn vẽ tranh khỏa thân, người phụ nữ cũng quen đi, rồi thích lúc nào không hay. Bà ấy khuyến khích tôi vẽ và triển lãm tranh đấy chứ.