15.6.10

Cánh tay nối dài?




 Vũ Ánh/Việt Herald
(02/25/2010)

Có lẽ trong đời làm truyền thanh và làm báo, tôi không ưa những ai gọi người này hay người kia là “cánh tay nối dài của…(ai).” Trong giai đoạn tôi còn giữ vai trò phóng viên mặt trận cho hệ thống truyền thanh quốc gia VNCH dưới thời tổng giám đốc là trung tá Vũ Đức Vinh, người mà chúng tôi còn quí mến cho tới bây giờ dù ông đã khuất bóng, ông cũng bị coi là “cánh tay nối dài” của Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ. Là trung tá xuất thân từ ngành tâm lý chiến không quân, khi được bổ nhiệm vào chức vụ Cục Trưởng Cục Vô Tuyến Truyền Thanh theo tên gọi của hệ thống năm 1966, ông liền bị coi là “cánh tay mặt” của Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương Nguyễn Cao Kỳ, thậm chí “bí thư’ của ông Kỳ.

Vào thời đó, tinh thần “team work” trong chính phủ còn mạnh, mặc dù trong một số “nhóm” có rất nhiều ông chỉ là con ông cháu cha, vây cánh, nịnh bợ, thượng đội hạ đạp và nhất là ăn hại đái nát. Trung tá Vũ Đức Vinh thì ngược lại. Mặc dù ông là người viết diễn văn cho tướng Kỳ nhưng trong chốn thân mật với chúng tôi, ông nói thẳng là ông không thích những ai gán cho ông chữ “bí thư” bởi vì ông chả là cái gì đối với những người chung quanh tướng Kỳ. Nghe thì cũng biết vậy thôi chứ thực ra chúng tôi quí mến ông Vinh chỉ vì nhân cách của ông, năng lực, sáng kiến cải tổ ngành truyền thanh và nhất là cách cư xử cũng như đời sống thanh bạch của một quân nhân dù ông giữ trọng trách lãnh đạo trong ngành tuyên truyền quan trọng nhất vào thời bấy giờ.

Thế nhưng, người ngay thẳng thì hay mắc nạn. Trong cuộc dàn xếp để hai ông tướng Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ không phải đối đầu với nhau mà phải đứng chung trong liên danh tranh cử, trung tá Vinh đã phải sống trong sự căng thẳng thường trực để giữ cho một đài phát thanh quốc gia không ngả về phe nào, nhất là né những mũi tên “cánh tay nối dài” hay “cánh tay mặt…” của tướng này hoặc tướng kia. Ông luôn luôn nhắc nhở đám trẻ chúng tôi “các cậu phục vụ quốc gia, quân đội và dân chúng chứ không phải ông Thiệu hay ông Kỳ” để phòng ngừa có cậu nào hăng máu làm hư chuyện.

Nhưng đến khi tướng Nguyễn Văn Thiệu trở thành tổng thống và tướng Nguyễn Cao Kỳ thành phó tổng thống thì Dinh Độc Lập chia thành hai cánh và hai ông bắt đầu ngáng chân nhau. Trung tá Vinh lại một màn lãnh đủ những mũi tên khác có tẩm thuốc độc, nào là “người của Kỳ gài lại,” nào là “cánh tay nối thêm dài,” nào là “Vinh nó là người của Kỳ sao không về Phủ Phó, bộ nó ăn phải bả Thiệu rồi à?”

Chúng tôi là những người gắn bó với ông Vinh trong những sóng gió của chiến tranh cộng thêm những tranh chấp giữa những nhà lãnh đạo VNCH, nên rất thông cảm ông xếp và không thích những mưu mô đằng sau người sĩ quan cương trực này. Có lần ông tâm sự trong một cuộc gặp riêng khi tôi từ mặt trận Quảng Trị trở về trước Tết Mậu Thân: “Trên bộ yêu cầu viết một cái ‘citation’ về cậu, sau khi gặp tôi, cậu xuống liệt kê tất cả những trận đánh cậu từng tham dự và tường thuật. Cố gắng lên, cậu làm việc và ăn lương quốc gia cho nên nếu tôi có đi khỏi đây, cũng cứ thế mà tiến, đừng nản.”
Tết Mậu Thân diễn ra, ông là người có công lớn trong việc sắp đặt kế hoạch vào giờ chót nên đã làm hỏng kế hoạch phát thanh cuốn băng hiệu triệu của Hồ Chí Minh do bọn đặc công mang theo khi tấn công vào đài. Sau khi tình hình ổn định, dọn dẹp đống gạch đổ nát, xây dựng xong một cơ sở tạm cho hệ thống, điều hòa lại chương trình phát thanh trên làn sóng quốc gia, ông Vinh nộp đơn từ chức và trở lại với không quân, con nhạn đầu tiến trúng mũi tên tẩm thuốc độc của dư luận “cánh tay nối dài” của lòng đố kỵ, ganh ghét, nhỏ mọn, đặt quyền lợi của cá nhân, phe nhóm lên trên quyền lợi quốc gia.

Đó là một trong những trải nghiệm khi tôi làm việc trong một cơ quan truyền thông nhà nước VNCH. Truyền thanh và báo chí có một biên giới rất mỏng manh và đám phóng viên trẻ chúng tôi cũng tập tễnh đặt chân vào lãnh vực này. Càng bước sâu vào nghề báo, càng khám phá ra nhiều điều. Tôi phải nhập vào một “băng” được gọi là “nhóm nồi niêu xoong chảo” tức là nhóm đầu bếp, mỗi nhóm có một đầu tầu, chủ báo nào mướn thì đầu tầu kéo chúng tôi vào “nấu bếp.”

Khi chủ báo không thích nữa hoặc chính chúng tôi thấy ông chủ báo nào không nên cộng tác nữa thì rút dù. Nhiệm vụ của chúng tôi là làm sao nấu những món ăn tinh thần cho ngon và được trả công bằng những bì thơ trong đó gói ghém số tiền mặt nhuận bút hàng tháng. Đối xử với nhau thì ngoài tình đồng nghiệp, còn cần sự công bằng, ngay thẳng, giữ đạo đức nghề nghiệp.

Tất nhiên, cũng có ông bà xé rào khỏi nhóm đi sang nhóm khác, nhưng nói chung là các nhóm “nồi niêu xoong chảo” chúng tôi coi đó là lẽ bình thường và đều phải tự hỏi: Liệu mình đối xử với nhau ra sao mà đến nỗi có người phải bỏ nhóm? Do đó, tốt nhất là vẫn xử thế với nhau cho phải đạo, vẫn đi ăn đi uống với nhau bình thường, hỏi thăm nhau công việc.

Tuyệt nhiên, không có nhóm nồi niêu xoong chảo nào ngáng chân nhau bằng những bằng những thủ đoạn mờ ám “cánh tay nối dài,” hay “cài người vào.” (V.A.)

(Nguồn: www.vietherald.com)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét