18.6.10

A20 - Trại tù Xuân Phước



A20 Nguyễn Thành


Đây trời xanh  đây núi rừng Xuân Phước
Cửa đề lao ngun ngút lửa hờn căm
Những người trai nung chính khí âm thầm
Trong tay giặc giam cầm bao năm tháng .

Nhưng tình yêu nước và tâm hồn cách mạng
Vẫn trào dâng lai láng như trùng dương
Vẫn ngạt ngào như gió lộng ngàn phương
Như chan chứa trên vạn nẻo đường sông núi.
Ôi chua xót! Nhân dân tôi hờn tủi
Ôi đau thương! Đất nước quá điêu tàn
Vì lạc hậu nghèo nàn đang khoác áo vinh quang
Là chân lý của thiên đàng cộng sản .

Nam Trung Bắc ba miền  chung than oán
Nhìn tương lai sáng lạn tít xa mờ
Chủ nghĩa Mác-Lê tốt đẹp tự bao giờ
Đem ảo tưởng phỉnh phờ dân thấp kém
Hạnh phúc ! Tự do!  Những  điều hứa hen
Mà thực tế phũ phàng là đè nén dưới quyền uy.

Học thuyết Mác-Lê đêm lại những gì
Vô lễ
Vô nghì
Vô thần
Vô sản
Quyền làm chủ của Nhân dân là hai bàn tay trắng
Là buộc bụng thắt lưng
Là im lặng cúi đầu.

Mười năm dài cay đắng mãi hằn sâu
Lời uất hận năm châu đều vẳng vọng
Bao nhiêu triệu ngươì dân yêu lẽ sống đã vùng lên anh dũng chống cường gian
Sát cánh chung vai đâu quản ngại nguy nan
quyết đạp đổ bạo tàn xây nhân ái.
Lớp trước bại vong
lớp sau gầy dựng lại
chí kiêu hùng tiếp nối mãi không thôi.
Vì quê hương vì sông nuí đất trơì
Vì hạnh phúc ngàn đời dân tộc Việt .
Đã kết tụ một  niềm thương tha thiết
Truyền thống ngàn đời bất diệt tự ngàn năm.

Thương quá đi thôi
Thương biết mấy cho vừa !
Đẹp biết mấy những ngày chưa đen tối.

Mà giờ đây - những mái đầu xanh chưa tội lỗi
Bởi vì đâu nghèo đóí khóc tương lai
Chiu chắt bơ vơ ! Cha tù ngục nơi này
Khi thất thế sa cơ – vì nghĩa cả đồng bào đi tranh đấu.

Bao người vợ trông chồng đi tranh đấu
đang đọa đày gian khổ giữa rừng sâu
Những bà mẹ thương con  phơ phất mái sương sầu
mờ mắt lệ tìm đâu trong xa vắng.

Trong ngục tối biết con còn lành lặn
hay rã rời thê thảm dưới đòn roi.
Hay lũ giặc vô lương đã giết mất con rồi
…để mẹ thắt thẻo với quãng đời bóng xế.

Hỡi những người trai ! Những người con yêu thế hệ
Hãy nhìn lên cho rực chí phương cường
Hỡi những người thân đã lìa bỏ quê hương
Đang phiêu dạt trên khắp các nẻo đường xa tổ quốc.
Hãy nhìn lên !
Để thấy Việt nam mình tủi nhục !
Hãy  Vùng Lên cho sáng rực chí can  trường
Bàn tay đây – mau siết chặt để tình thương
đau thấm thía với hồn-thiêng-sống–núi .
Đứng lên đi !
giang san rền rĩ gọi
Đứng lên đi !
cho chói lọi quê mình.
Giương ngọn cờ xây dựng phồn vinh
Nêu tinh thần cao cả oai linh
ĐỂ XỨNG ĐÁNG VỚI BỐN NGÀN NĂM VĂN HIẾN .

Phượng Tường - Nguyễn Thành
A20 tháng 10-1994


Lời bạt: Năm 1994, một nhóm tù chính trị A20 quyết định bằng mọi cách  phải đặt được Hồ Sơ Trại Tù A20 lên mặt bàn Ủy Ban Tối Cao Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc tại Geneve . Tất cả chi tiết cá nhân, gia đình của  hơn 150 tù  chính trị đang bị giam giữ tại A20 đã được cẩn thận thành lập kèm với một số hình ảnh hiếm hoi, những bài thơ  viết bằng chính thủ bút tác giả , những bài nhạc  chính tay ngươì làm nhạc viết…. đã được âm thầm chuyển ra khỏi trại và bay đi bốn phương trời để đến đích . Trong đó, có những bài thơ của một người sĩ quan cảnh sát quốc gia rất trẻ thời 75 . Ông bị bắt tại Huế trong một vụ án chính trị . Những người cộng sản đã tra tấn  đến mức ông trở thành tàn tật. Trong trại, ông di chuyển, đi lại như một người vừa đi vừa …bay . Bởi lúc nào cũng chỉ chực ngã . Anh em bảo ông  chống nạng mà đi . Ông bảo “đi như vậy thì còn gì là sinh khí …". Ông lúc nào cũng giữ một nụ cười nhẹ nhàng với anh em .
Có những chiều mưa, ông đã  ngã sấp mặt giữa sân tù. Anh em xốc nách cho ông đứng dậy, trên khuôn mặt lấm lem bùn đất, không hề thấy một nét nào biểu hiện sự  buồn tủi bi quan.
Suốt hơn một năm tôi ở Xuân phước A20, chưa lần nào tôi thấy ông có người nhà thăm gặp.
Một buổi trưa nắng, hầu hết tù đều đang say giấc ngủ trưa, có hai thân hình gầy, rất gầy …. Đang lúi húi  ngồi chụm đầu vào nhau, tay của hai ngươì  như đang cùng vặt lông một con gà  cạnh bờ giếng, tiếng nói cười khúc khích, nhẹ nhàng . Đến gần thì ra hai ngươì đang cạo lông làm thịt một con … mèo .
Con mèo cũng như họ. Rất gầy, bé tí xíu bằng chừng cổ tay ngươì tù. Con mèo ấy chết hồi sáng ở bên gian bếp buống nhà 2, gần chỗ nằm của Đào Đăng Nhẫn .
Hai người tù ấy là Phượng Tường Nguyễn Thành và Trần Văn Long .
Buổi trưa hôm ấy, lần đầu tiên trong bối cảnh nhà tù, tôi bật khóc .

Đây là một bài thơ của Ông , với thủ bút xác nhận trách nhiệm tác giả, nhờ Ông Võ văn Ái và Bà Ỷ Lan, đã nằm trên mặt bàn Ủy Ban Tối Cao Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc năm 1994.
Ông hết bản án 20 năm, làm người ở lại, sống âm thầm với đám học trò học Anh ngữ tại Huế. Vẫn với cái tên thân thuộc ở A20: Thành Sụi .

Xin trân trọng gởi Quán lá A20 tâm tư của Ông năm 1994, trước khi nổ ra cuộc nổi dậy tại trại này .

Phạm văn Thành . Paris .



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét