20.6.10

Kỷ niệm 19-6 nghĩ về những người lính VNCH?



Vũ Ánh/Việt Herald
(06/19/2010)

Thực ra, quân lực VNCH thành lập khá lâu trước ngày 19 tháng 6 năm 1965 khi các đơn vị trong quân đội quốc gia Việt Nam di chuyển vào trong Miền Nam Việt Nam dưới ảnh hưởng của Hiệp Ðịnh Geneve 1954 chia đôi đất nước. Khi nền Ðệ Nhất Cộng Hòa thành hình, các đơn vị này đã trở thành Quân Lực VNCH và bắt đầu phát triển và cho đến ngày 19 tháng 6 năm 1965 chính quyền VNCH và Hội Ðồng Quân Lực dùng ngày này làm Ngày Quân Lực.

Thật ra, muốn cho chính xác, chúng ta cần một cuộc truy cứu và nghiên cứu những tài liệu cũ mà hiện đã thất lạc khá nhiều sau biến cố Tháng Tư Ðen. Vì thế tôi chỉ nêu ra một cách khái quát về nguồn gốc của một quân lực đã từng được coi là đạo quân ngăn làn sóng đỏ hùng mạnh vào hàng thứ tư thế giới để nói đến những người lính VNCH mà nay những cựu quân nhân trẻ nhất trong quân lực của chúng ta cũng đã ở tuổi trên dưới 60.

Tôi không dùng những hình ảnh khuôn sáo thường thấy để ngợi ca những chiến công của những người lính VNCH để mô tả họ trong vào dịp này. Những chiến công của quân lực VNCH đã trở thành một mảng lịch sử quan trọng của Việt Nam mà cho tới nay không ai có thể phủ nhận được, cho dù hiện quân lực này không còn tồn tại nữa. Tôi cũng không hề nghĩ và cũng mong mọi người đừng bao giờ nghĩ là cái xương sống của quân lực VNCH là binh chủng này hay quân chủng kia, vũ khí này hay chiến cụ nọ mà xương sống của một quân lực chính là tinh thần của những quân nhân trong quân lực ấy. Vâng, tôi muốn nhắc tới tinh thần lính, một tinh đã được thể hiện thành tín niệm: Tổ Quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm.

Một cách triết học, đây là một tín niệm rất cao và sẽ trở thành một thử thách đối với người lính lúc đất nước lâm nguy. Trong biến cố 30 tháng 4 cách đây 35 năm, quả thật người lính VNCH đã trải qua một thử thách vô cùng lớn lao. Bốn tướng lãnh đã tuẫn tiết để không lọt vào tay địch và hàng chục ngàn sĩ quan từ cao cấp xuống đến cấp thấp nhất đã làm tròn trách nhiệm đối với những người lính dưới quyền tuy rằng sau đó họ phải qua những năm tháng dài tù đầy trong các trại tù của người thắng trận. Trong các trại tù cộng sản, mặc dù phải sống dưới một chế độ sinh hoạt hà khắc mà người Cộng sản áp dụng nhằm hủy hoại con người từ thể chất cho đến tinh thần, những người lính từng giữ vai trò chỉ huy trong đơn vị vẫn giữ được danh dự, vẫn ngẩng đầu để vượt qua nghịch cảnh, cho dù có một số rất nhỏ đã yếu đuối nên đánh mất chính mình.

Bị đốt hết tuổi trẻ và binh nghiệp trong lao tù Cộng sản, khi những người lính này sang định cư ở quê hương thứ hai, vào lúc mái tóc đã bạc, họ vẫn phải trải qua một thử thách khác lớn lao hơn: đó là thích nghi và hội nhập với một xã hội mới. Tinh thần trách nhiệm của những người lính này lại bị thử thách một lần nữa: học tập, làm việc cực nhọc và nuôi dạy con cái. Trừ một số người không còn đầy đủ sức khỏe, những người lính già VNCH đã vượt qua được con dốc cao của cuộc sống ở quê hương mới: nuôi dạy thế hệ người Việt tị nạn thứ hai thành công kể cả về học vấn, tinh thần cộng đồng và nêu cao được ý thức dân chủ, đóng góp tích cực vào cái vốn tri thức của nước Mỹ.

Mới đây nhất, chỉ riêng học khu Garden Grove không thôi, cũng đã có tới 14 học sinh gốc Việt của năm 2010 được chọn để đọc diễn văn tốt nghiệp và 2 học sinh đã được học bổng lớn của tỷ phú Bill Gates để học từ bậc cử nhân, cao học cho đến hết bậc tiến sĩ, trong số này có Ðoàn Võ Nam Phương, con gái của một cựu quân nhân binh chủng Nhảy Dù, cựu trung úy Ðoàn Bá Phụ từng chỉ huy một đại đội của Tiểu Ðoàn 7 Nhảy Dù trong chiến dịch Hạ Lào 1971. Sau 30 tháng 4, 1975, anh đã trải qua những ngày tháng dài tù đầy trong trại trừng giới A-20 tại vùng tiền sơn của Tuy Hòa. Ðược phóng thích khỏi trại tù này, Phụ vượt biển và đến được bến bờ tự do. Ðịnh cư ở quận Cam, người cựu binh này phải lăn lưng vào kiếm sống và lập gia đình. Tất cả cuộc chiến của anh nơi quê hương mới là nuôi dạy các cô con gái. Các cháu học hành rất giỏi cộng thêm với sự tích cực hoạt động cộng đồng, học, nói và viết tiếng Việt. Trong môi trường ấy, Ðoàn Võ Nam Phương liên tiếp nhận giải thưởng của tổng thống Hoa Kỳ và nay cháu lại được cấp loại học từng là mơ ước của các học sinh Mỹ dòng chính. Người thứ hai nhận được vinh dự này cũng lại là một cháu học sinh gốc Việt: Serenity Nguyễn của trường La Quinta High School.

Thành công của thế hệ thứ hai, thứ ba của người Việt tị nạn đều mang hình bóng những người lính VNCH. Trong chiến tranh, họ đã hy sinh mọi thứ ngay cả mạng sống. Trong thời tù, họ bảo toàn được danh dự. Thời định cư ở quê hương mới, họ làm việc, hy sinh mọi nhu cầu riêng tư để con cái có điều kiện học hành. Sự thành công của thế hệ thứ hai và bắt đầu thế hệ thứ ba người Việt tị nạn là những đóng góp rất quan trọng cho quê hương thứ hai này.

Cuộc chiến tranh súng đạn đã chấm dứt cách nay 35 năm, nhưng các cựu binh VNCH vẫn phải trải qua một cuộc chiến khác: đó là cuộc chiến hỗ trợ cho công cuộc đòi hỏi tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam. Ðây là một cuộc chiến còn khó khăn và cam go hơn cuộc chiến súng đạn. Nếu không sáng suốt, kiên trì, và gạt bỏ những định kiến cũng như sự bảo thủ quá đáng, chúng ta khó thành công trong việc vận dụng dư luận thế giới và người Việt Nam ở trong nước đứng lên đòi quyền được sống một đời sống tự do, dân chủ và quyền con người được bảo vệ. (VA)






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét