17.6.10

Trại trừng giới



A20 Vũ Ánh
Việt Herald (06/16/2010)
Chén rượu rót vui, buồn bên kia biểntràn trên tay bằng tình nghĩa bao nămAnh em ta rời địa ngục xa xămsống sót quay về từ hơn thế kỷ
Ôi những mái tóc xanh giờ bạc trắngmáu vẫn một dòng chảy với nhục vinhNgười sống mời kẻ chết trong lặng thinhthuở cùm kẹp xưa kia chưa nguôi hận
Một chén tặng cho đời còn như mấtkhóc bạn bè vùi dập ở rừng thiêngtiếc cho thằng sống sót dù còn nguyêntrên đất mẹ cơ hồ như đã chết(Hơn hai mươi năm gặp lại-Nguyễn Thanh Khiết)
Bài thơ trên còn dài. Nó không phải bài thơ của những người HO mà là một trong những bài thơ của một cựu tù nhân chính trị sống sót trở về từ một trại trừng giới: A-20 Xuân Phước. Bài thơ được gởi tặng cho những người từng phải trải qua nhiều năm của đời mình trong cái trại tù độc địa này nhân dịp anh Vũ Trọng Khải từ Úc qua thăm các bạn tù cũ A-20 và có một cuộc họp mặt giới hạn tại Bắc California. Ðọc thơ Khiết, mắt chúng ta sẽ ướt và chúng ta sẽ rất mừng vì trái tim còn biết rung động sau những cảnh đời khắc nghiệt.

Khi vào tù, Nguyễn Thanh Khiết còn trẻ lắm, rất trẻ, mới ở tuổi đôi mươi, nhưng tính tình cương trực và chung thủy với đồng đội. Vì nhiều lý do khác nhau, Nguyễn Thanh Khiết ở lại Việt Nam chấp nhận một cuộc sống nghèo khó nhưng vẫn giữ được tinh thần trong sáng của một cựu tù nhân chính trị.

Tâm sự u uẩn của một thanh niên thất bại trong việc thực hiện lý tưởng của mình vẫn còn bàng bạc trang trải trên một trang blog 20 năm sau–blog của những người A-20. Giữa lúc chúng tôi, những người tù A-20 lưu lạc ở Mỹ và ở những nơi khác trên thế giới, tóc đã bạc trắng mà vẫn còn phải tất bật mưu sinh, thì Khiết vươn đôi cánh tay gầy guộc của anh sang bên này bờ Thái Bình Dương tập họp đàn anh, bạn bè, bằng hữu cùng trại qua một blog thể hiện được tinh thần của những cựu tù nhân từ trại trừng giới A-20.

Hãy nghe tiếp tâm sự của út Khiết mà nay tóc cũng đã muối nhiều hơn tiêu:
Một chén rót gọi hoài thằng trôi nổibuổi chia tay tan tác bốn phương trờirượu đầy sao bạn bè cứ dần vơithời yên ngựa, rừng gươm giờ đâu nữa
Thằng già chát ôm thằng đang chống gậynụ cười không tròn trên vết cùm xưanhắc nhau một thời đội nắng dầm mưagiữa trại giặc dìu nhau qua địa ngục
A-20 tóc tang, trùng trùng xương máuXuân Phước bạn bè nằm đó bơ vơchén tương phùng giống như chuyện nằm mơthức dậy, hồi sinh vừa qua một kỷ!(Hơn hai mươi năm gặp lại-Nguyễn Thanh Khiết)
A-20 nằm ở thung lũng Xuân Phước, một thung lũng tử thần, vào rồi khó có đường ra. Muốn vào tới đây, người ta phải vượt qua 60 cây số đường rừng. Nhưng tại sao trại này được gọi là trại trừng giới? Thực ra, không có một tài liệu nào định nghĩa những trại xếp vào loại A, nhưng do qui chế đối với tù nhân cải tạo đặc biệt khắt khe hơn cả các kiểu trại Lý Bá Sơ hay Ðầm Ðùn, nên chúng tôi gọi A-20 là trại trừng giới.

Nhưng để có thể mô tả một cách tổng quát, một trại tù được gọi là trừng giới khi nó được sử dụng để làm tan vỡ sức đề kháng tư tưởng của những tù nhân cải tạo cứng đầu nhất tập trung từ sau các cuộc thanh lọc ở những trại khác. Nói tóm lại, trừ phi có những biến chuyển chính trị ngoại tại, những tù cải tạo tại trại này có thể bị nhốt rất lâu và không được xét tha. Những cán bộ điều tra trước khi ghi chúng tôi vào danh sách chuyển trại theo phương án 4 (phương án thanh lọc) đã nói huỵch toẹt: “Vào đây (A-20) thì có thép cũng phải chảy. Lũ chúng bay cứ gọi là rũ tù với những hồ sơ chết đi theo.”

Trước đây, khi xem phim “Vượt sóng,” thấy đạo diễn Hàm Trần dựng cảnh một trại tù Cộng Sản, tôi thấy mới chỉ đúng được một phần sự thực những năm tháng mà chúng tôi phải trải qua. Cái trại trừng giới đã từng lấy đi của chúng tôi tuổi trẻ và sức lực không bùn lầy nước đọng như trại tù Cộng Sản của “Vượt sóng.”

Trại trừng giới A-20 rất đẹp và nhìn qua, người ta có cảm tưởng đó là một địa điểm du lịch: vườn rau, ao cá, những hàng dừa thẳng thắp, những căn buồng giam bằng gạch, mái lợp ngói đỏ, bệ nằm bằng xi măng, nhà ăn, một phòng văn hóa với những sách đỏ, một hội trường thênh thang có sức chứa 1,000 người.

Nhưng cuộc sống của tù nhân đằng sau cái đẹp khang trang này là cả một địa ngục trần gian: ăn đói, làm việc khổ sai, bệnh không có thuốc, ít được gặp mặt gia đình, mỗi buổi tối, tù nhân phải “ngồi đồng” để phê phán nhau về lao động, bình bầu mức ăn hàng tháng, lấy của người này cho người kia gây chia rẽ cấu xé nhau trong số tù nhân. Ðó là chưa kể đến những buổi tối, bọn cán bộ trại giam buộc tù nhân phải ngồi đấu tố lẫn nhau. Họ cài vào một hệ thống ăng-ten dày đặc và những dãy xà lim kỷ luật mà chúng tôi gọi là chuồng cọp cũng được dựng lên. Cán bộ an ninh thường áp dụng chiến thuật “ra tay trước,” nghĩa là một người tù chỉ bị báo cáo là “không an tâm cải tạo” sẽ phải vào nằm trong chuồng cọp hàng năm trời, bị cắt thực phẩm, cắt nước uống.

Cho tới nay, tôi còn nhớ khá rõ ràng những “chúa ngục” (từ ngữ để chỉ những người bị cùm lâu nhất trong chuồng cọp) trong chuồng cọp tại trại E (trại ngoài cùng đẹp nhất và kỷ luật cũng kinh khủng nhất): Trần Danh San (luật sư ) 3 năm, Ðoàn Bá Phụ (cựu sĩ quan Nhảy Dù, thân phụ của cháu Ðoàn Võ Nam Phương vừa được học bổng của Bill Gates) 3 năm, Phạm Ðức Nhì (sĩ quan chính huấn Nhảy Dù) 2 năm, cụ Lê Sáng (chưởng môn Vovinam) một năm rưỡi, Phạm Chí Thành (con trai sử gia quân đội Phạm Văn Sơn) 3 năm, linh mục Nguyễn Văn Vàng (Dòng Chúa Cứu Thế ) 3 năm và qua đời tại chuồng cọp, Trần Công Linh (sĩ quan Biệt Ðộng Quân) 2 năm, linh mục Nguyễn Luân 3 năm và qua đời trong chuồng cọp, Huỳnh Cự (hồi chánh viên cao cấp) 3 năm, Trần Quí Phong (cựu dân biểu VNCH) 2 năm, Duy Lam Nguyễn Kim Tuấn (nhà văn, sĩ quan cao cấp) 3 năm, Nguyễn Ðình Quí (sĩ quan cảnh sát) 2 năm và tôi, Vũ Ánh (nhà báo) 5 năm (kể cả chuồng cọp ở trại E lẫn trại B)...

Với thời gian nằm chuồng cọp như vừa kể, nhẹ nhất là từ nửa tháng đến 1 năm và nặng nhất là từ 3 năm đến 5 năm bị cùm chân. Một bữa ăn trong chuồng cọp vào thời kỳ bị thẩm cung hay tù nhân bị “đì,” mỗi bữa chỉ được phát “2 muỗng cơm trộn nước muối và 2 muỗng nước,” nên đói khát triền miên từ ngày này qua ngày khác. Nhưng sự hành hạ về thể chất người tù do cai tù chủ trương không ăn thua gì tới sự hành hạ của muỗi. Muỗi nhiều đến nỗi, mỗi người tù chúng tôi đành phải để cho khi nào chúng hút máu no nê, không bay được nữa thì lăn đùng xuống bệ nằm và chúng tôi lấy tay chà để giết chúng.

Cho nên, khi vào chuồng cọp chúng tôi phải lấy ngày làm đêm để ngủ chập chờn trong những thảng thốt, ăn uống thiếu thốn, ốm đau không có thuốc, sức lực tiêu tán rất mau. Ðể chống lại những biện pháp này, chỉ còn một phương thức duy nhất: chấp nhận phần xấu nhất về mình, nghĩa là cầm chắc cái chết trong phòng kiên giam. Khi chấp nhận cái giá này sẽ thấy mình thư thái, hết lo lắng, vượt qua được đói, khát. Khi không còn nghĩ tới ngày ra khỏi cái chồng cọp xây bằng bê tông cốt sắt, chúng tôi thấy không còn gì phải chờ đợi hay hy vọng nữa. Chúng tôi sống bình thản đến nỗi sau này, nhiều khi tôi tự hỏi: không hiểu những ngày tháng trong chuồng cọp ở A-20 có phải là những ngày thiền không và những ngày thiền ấy giúp chúng tôi vượt qua khó khăn không?

Do cái giá mà chúng tôi phải trả, cho nên, khi Vũ Trọng Khải từ Úc qua gặp lại những bạn tù trong cuộc hội ngộ giới hạn ở San Jose, ký ức bọn tôi ở Nam California lại trở về với trọn vẹn những khuôn mặt tưởng như đã bị nhận chìm vào những ngày tháng long đong trên quê hương mới này. Từ Bùi Ðạt Trung, Ðoàn Phan Trí, Tôn “lò” (Trần Mạnh Tôn), Ðỗ Ðình Hoàng (Hoàng khoèo), Lê Tường, Hà Mạnh Phan, Hoàng Vũ Duyên, Hoàng Ngọc Thủy, Lương Văn Ngọ tự “Ngựa,” Ngô Quốc Việt, Nguyễn Hưng Ðạo, Nguyễn Quang Trình... cho đến Tây nhà đèn Nguyễn Trọng Nghị, Nguyễn Ngọc Tường (Tường dù hay Ða Kao, Tân Ðịnh), Trần Ðức Long (Long cận), Trần Bửu Ngọc (Ngọc đen), Trần Kim Hải (Hải bầu), Trần Văn Ðủ (dutranmyhan), Trương Văn Tám (Tám chùa), Võ Văn Sáu (Sáu hồ hởi), Vũ Xuân Thông, Vũ Ðức Nghiêm, Tạ Trung Hải (Hải Angola), Nhan Hữu Hậu, Nguyễn Ðại Thuật và còn nhiều nữa, tất cả như hiển hiện trước mặt một thời trai trẻ, tuy đã ngã ngựa, tuy phải đối phó với những đòn thù khốn nạn nhất, vẫn đứng vững, vẫn giữ được nhân cách, tư cách của những sĩ quan một thời ngang dọc và cho tới những năm cuối đời vẫn giữ được tinh thần trong sáng của một người lính.

Và nay, với cánh tay của cậu út Khiết, chúng tôi, tất cả những người tù một thời của trại trừng giới đã có chỗ để hợp đoàn, không phải là để đội đá vá trời, mà để cùng nhau chia sẻ, ghi lại những kỷ niệm cũ trên blog của trại trừng giới để giúp cho con cháu chúng ta hiểu cha và ông chúng đã làm việc và chiến đấu như thế nào trong cơn bão của lịch cử cận đại Việt Nam. (V.A.)

A20 Vũ Ánh

( Nguồn: http://www.vietherald.com)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét