2.6.10

Nhà văn Duy Lam: “Thân hình khoả nữ với tôi đẹp như một bông hoa!”




LÊ LA


LTS: Nhà văn Duy Lam, 73 tuổi, là một trong những nhà văn có liên hệ tới nhóm Tự Lực Văn Đoàn, với nhiều tác phẩm nổi tiếng như Nhà Tôi, Chồng Con Tôi v.v., được nhà văn Trần Hồng Châu-Nguyễn Khắc Hoạch đánh giá là nhà văn viết về tính dục bạo nhất (cùng với người em trai là nhà văn Thế Uyên). Cuộc thảo luận nghệ thuật về “Người nổi tiếng vẽ người nổi tiếng” đã mang đến cho ông một số cảm hứng muốn trao đổi. Và, bản thân Duy Lam, bên cạnh việc viết, ông cũng là một họa sĩ nghiệp dư, ưa thích vẽ tranh khỏa thân. Dưới đây là cuộc trao đổi giữa chúng tôi.


LL: Thưa nhà văn Duy Lam, mặc dù ông một người cầm bút, nhưng theo giới thưởng ngoạn, vẫn biết ông là một họa sĩ, mà vẽ tranh khoả thân cũng “tới” lắm. Xin ông cho biết khỏa thân… là thế nào?
DL: Cũng không khác gì các nghệ sĩ, như Picasso trước kia, tôi rất mê vẻ đẹp hình thể của phụ nữ. Cái đó cũng tự nhiên thôi. Đối với nghệ thuật của thế kỷ 15, sau khi thoát khỏi thời kỳ tăm tối. Các nhà danh họa như Leonard De Vinci, Raphael vẽ khỏa thân rất nhiều, tuy nhiên tôi thích tranh khỏa thân của Matisse và Cezanne, vì những vị này đã làm mới khỏa thân rất nhiều, so với sự cổ điển của các nhà họa sĩ thời Phục Hưng. Những bức tranh trong trường phái Biểu Hiện của Renoire cũng làm tôi yêu thích hội họa khỏa thân bậc thầy. Nói tóm lại, khỏa thân là truyền thống lâu đời của hội họa. Khi hội họaTây phương du nhập vào Việt Nam qua trường hội họa Đông Dương, các họa sĩ Việt Nam đã lãnh hội ngay làn gió mới này, phải kể đến Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái, Lê Phổ v.v. Những bài học khỏa thân có người mẫu thật để các họa viên tập hình họa trên căn bản của cơ thể người mẫu. Khỏa thân vào qua ngả trường ốc. Sau đó họ có triển lãm, tuy dè dặt. Ngày nay, chúng ta đang ở trung tâm văn hóa thế giới, là Mỹ, dĩ nhiên, tranh khỏa thân đã bình thường. Mặc dù vậy, đối với giới thủ cựu, tranh khỏa thân muôn đời bị giam hãm trong những định kiến. Hình thể đẹp đẽ của người phụ nữ vẫn muôn đời bị đóng khung trong áo quần và những phép tắc luân lý xã hội. Hai khuynh hướng cởi mở và thủ cựu vẫn song hành với nhau qua nhiều, nhiều thế kỷ. Đối với giới nghệ sĩ, nhất là họa sĩ, vẽ khỏa thân và triển lãm cũng không phải là chuyện mới mẻ nữa. Vấn đề là phải vẽ như thế nào thôi.

NV: Ông có vẽ tranh khoả thân không?
DL: Nguồn gốc tranh khỏa thân bắt đầu từ Hy-La (Hy Lạp, La Mã), kể cả những bức tượng khỏa thân cũng từ văn hóa này mà ra. Có thể nói những kiệt tác nghệ thuật của nhân loại cũng không ngoài những bức tranh, tượng khỏa thân. Cá nhân tôi, có vẽ tranh khỏa thân chứ. Thỉnh thoảng tôi vẫn thường mang tập bút họa, ký họa khỏa thân ra cho bạn bè xem tại quán Coffee Factory. Trong tranh khỏa thân của tôi, có sự cách điệu hóa đi rất nhiều. Tuy nhiên, vẫn là tranh khỏa thân. Tôi rất khuyến khích những họa sĩ, các phòng tranh trưng bày tranh khỏa thân. Vợ tôi còn khuyến khích tôi triển lãm một phòng tranh riêng về khỏa thân do tôi vẽ.

NV: Trong văn chương, dường như ông cũng là một “kiện tướng” về tính dục?
DL: Nhà thơ Trần Hồng Châu, khi còn sống, cho rằng trong văn chương Việt Nam, có hai nhà văn “xù xì” là Duy Lam và Thế Uyên, em ruột tôi… viết về tính dục bạo nhất. Chúng tôi bị nổi tiếng và mang tiếng vì độc giả cho rằng chúng tôi đã “kích dâm” qua những truyện ngắn, truyện dài. Thật ra, tính dục trong văn chương đã được đề cập tới từ những năm 50, trong Tự Lực Văn Đoàn, ngoài Vũ Trọng Phụng ra, người ta có thể yêu nhau, tình tứ hoài mà chẳng có sơ múi gì. Vấn đề mô tả làm tình thì còn quá mới. Nhưng đối với tôi thì khác, tôi nghĩ rằng cần phải cởi bỏ bớt những sự ràng buộc bởi luân lý Khổng Mạnh về tính dục. Vì chỉ có những người có tư chất mạnh khỏe, bình thường trong tâm sinh lý mới nói chuyện thẳng thắn về tính dục.

LL: Viết hay vẽ về tính dục, xin ông đưa ra một nhận định về vấn đề này, qua thế hệ trước và sau ông?
DL: Năm nay là 2005. Ở một xứ sở văn minh như Mỹ, tôi thấy tranh, tượng khỏa thân đã là bình thường lắm rồi. Gần đây, một nhà họa sĩ vẽ những dương vật đàn ông, và muốn triển lãm ngay tại phi trường LAX, nhưng bị phản đối nên chưa thực hiện được. Tuy nhiên, cũng đã nổ ra những cuộc tranh cãi sôi nổi. Giới trẻ lớn lên ở Mỹ, được hấp thụ và đào tạo nghệ thuật chính qui, chắc chắn không xem vấn đề tính dục, khỏa thân là một điều gì lạ lẫm. Giới trẻ đã qua thời kỳ cách mạng tính dục từ lâu rồi. Yêu đương của sinh viên thời đang đi học, hoặc học đại học ra khác rất nhiều, so với thời của chúng tôi hay thời kỳ ở Sài Gòn trước đây.

LL: Thời kỳ tin học, các thông tin tràn ngập các phương tiện truyền thông đã khiến cho giới trẻ từ 11, 12 tuổi đã sớm biết đến vấn đề tính dục, yêu đương… Ở góc độ một nhà văn, ông nghĩ sao sự khác biệt về hiểu biết, so với thời của ông?
DL: Dĩ nhiên kiến thức của giới trẻ bây giờ so với thời chúng tôi, các bạn đã bỏ xa chúng tôi rồi. Tôi nhớ trong cuộc triển lãm FOB của giới trẻ tại Cali hồi năm 2002. Tôi nhớ bức tượng “Dick Head” của điêu khắc gia Ưu Đàm đã gây sự chú ý của tôi rất nhiều. Đó là một điểm son, là một hình thức du nhập được nét mới, phóng khoáng của nghệ thuật phương Tây một cách có ý thức và bản sắc riêng Á đông. Tôi nhớ hồi xưa, ông họa sĩ Nguyễn Gia Trí khi muốn vẽ tranh phụ nữ khỏa thân, đã không ngại thuê ngay mấy cô ca-ve có thân hình đẹp làm mẫu. Và sau này, khi ông Nguyễn bị lưu vong qua Trung Quốc với Nhất Linh những năm 30, 40, tại đây, đã gây ra một dư luận xôn xao, vì đã nhờ nhà văn Nguyễn Thị Vinh ngồi làm mẫu khỏa thân nửa người. Đây chẳng qua là một lần vẽ thương mại, bán cho một người ngoại quốc muốn mua tranh phụ nữ khỏa thân, để kiếm tiền nuôi mọi người thôi. Trong gia đình tôi (anh em trong Tự Lực Văn Đoàn) có chuyện bực bội của ông Trương Bảo Sơn, chồng nhà văn Nguyễn Thị Vinh không đồng ý cho vợ ngồi làm mẫu. Đối với họa sĩ Nguyễn Gia Trí, người đẹp là người đẹp, ông chỉ biết vẽ thôi. Ngày nay, người họa sĩ Việt Nam vẽ tranh khỏa thân, đã hấp thụ được nghệ thuật mới, đồng thời vẫn dung hòa được nền luân lý Á đông là chuyện không còn khó, hay khắt khe nữa.

LL: Như vậy, thập niên 30, 40, đã có việc “Người nổi tiếng vẽ người nổi tiếng” rồi sao? Qua câu chuyện Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Thị Vinh… Còn bây giờ, ông nghĩ sao nếu có một họa sĩ nổi tiếng, muốn được vẽ một cô ca sĩ cũng nổi tiếng, ngay tại Little Saigon?
DL: Họa sĩ có toàn quyền trong lãnh vực hội họa. Họ là vua trong sáng tác của mình. Họ muốn làm gì thì làm, nhất là ở xứ tự do như nước Mỹ. Nhưng khi mang tranh ra triển lãm, tức là ra quần chúng, dĩ nhiên họa sĩ có thể triển lãm hay không cũng được, hoặc triển lãm để thăm dò cho một số ít các nhà sưu tập tranh xem… Nhưng theo tôi, để có được một họa sĩ nổi tiếng, vẽ một ca sĩ trẻ, đẹp, nổi tiếng, phải kiếm mới được. Các yếu tố này rất hay, nhưng phải được giới thưởng ngoạn háo hức xem, mới thành công. Giá trị nghệ thuật của loạt tranh này là yếu tố quan trọng, đằng sau tính chất gây hiếu kỳ vì sự nổi tiếng. Tôi nghĩ chuyện triển lãm hay không cũng bình thường. Với tôi, thân hình phụ nữ khỏa thân cũng đẹp như bông hoa. Họa sĩ Cao Bá Minh đã vẽ bộ phận sinh dục phụ nữ như một bông hoa rồi mà. Miễn là đẹp.

LL: Trong văn chương hay hội họa, tính ghi chép và mô tả… làm sao để người xem và người đọc không bị sự “thô tục” lôi cuốn, làm mất đi vẻ đẹp nghệ thuật?
DL: Người ta vẫn quan niệm về đời thường. Ngày xưa người ta vẫn cho rằng là cái gì mình nhìn thấy, trong đó có con người. Con người trong hoàn cảnh tự nhiên, thiên nhiên để khỏa thân. Trong thời cổ điển có mô tả hình tượng khỏa thân với hai mục đích: một là về thần thoại, và hai là về tôn giáo… Và họ đã làm thăng hoa hình tượng khỏa thân của con người. Ngày nay, đời thường có con người đó, ranh giới nghệ thuật và dung tục đã bị xóa nhòa. Vấn đề là do các nhà phê bình những bức tranh vẽ người đàn bà cung phi nằm dài… xem thì rất khêu gợi. Nhưng đối với giới mỹ thuật thì ok. Nói cách khác, trình độ thưởng ngoạn của người xem cũng quan trọng và quyết định giá trị của một tác phẩm nghệ thuật, xem nó có tục hay nghệ thuật. Hoàng gia Ăng Lê có một câu: “Xấu hổ thay cái gì mình nghĩ trong đầu”, tức là do mình. Cái gì xấu cũng do mình mà ra thôi.

LL: Nói chung, khuynh hướng tục và đẹp vẫn là một cuộc tranh cãi muôn đời. Ở tuổi 73, nhà văn Duy Lam có nhận xét gì về việc tiêu thụ tranh khỏa thân trong cộng đồng Việt Nam chúng ta?
DL: Tôi nhớ rằng khi đem cho giới trẻ và già xem tranh khỏa thân của tôi, một điểm ngạc nhiên là cả hai giới đều chỉ chọn xem những bức tranh khỏa thân không có bố cục, vẽ tiền diện. Họ cho rằng vì về nhà treo không được, có trẻ con. Chỉ xem thôi, hoặc treo trong phòng ngủ. Mua một bức tranh khỏa thân là một chuyện, còn treo ở đâu cũng còn là một vấn đề nữa đấy. Gặp một bà vợ khó tính một chút, đâu phải muốn mua, muốn treo cái gì cũng được đâu. Cái đó còn tùy mỗi hoàn cảnh, không bàn được.

LL: Được biết vợ ông cũng cao tuổi, lại khuyến khích ông triển lãm tranh khỏa thân, treo tranh khỏa thân (do ông vẽ) trong nhà, sao bà “cấp tiến” thế, nhờ đâu có sự văn minh như vậy?
DL: Bà xã tôi thật ra là người rất cổ xưa. Sau khi lấy tôi, đi xem tranh cũng nhiều, từ hồi xưa, ở Đà Nẵng cho tới bây giờ, lại xem tôi vẽ nữa, nên quen dần đi. Bà ấy cũng tìm ra một cách thưởng thức một cách tự nhiên. Theo tôi, trong một gia đình nghệ sĩ, hay có bạn vẽ tranh khỏa thân, người phụ nữ cũng quen đi, rồi thích lúc nào không hay. Bà ấy khuyến khích tôi vẽ và triển lãm tranh đấy chứ.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét