5.6.10

“Vài mẩu chuyện” và Cao Xuân Huy


Vũ Ánh/Việt Herald
(06/02/2010)

Chiều ngày Lễ Tưởng Niệm, con cái và lũ bạn chúng đi chơi xa, còn lại hai vợ chồng già, không muốn nấu nướng nên rủ nhau đến cháo cá Chợ Cũ. Tình cờ gặp lại “Tháng ba gãy súng” Cao Xuân Huy và vợ. Chúng tôi là đồng nghiệp báo bổ kiếm sống qua ngày không thân, nhưng quí mến nhau. Dĩ nhiên là có màn hỏi thăm sức khỏe, về bệnh tình của ông. Tôi thấy Huy không có gì thay đổi, vẫn sừng sững, vẫn còn cứng cỏi tinh thần, coi bệnh hoạn chẳng là cái gì cả. Huy nói: “Ðể tặng anh cuốn sách.” Huy ra xe và lấy sách. Cuốn sách là một tác phẩm mới của ông nhan đề “Vài mẩu chuyện” với bìa do Doãn Quốc Vinh trình bày.



Tại đất Little Saigon người ta không đủ thời giờ để đọc hết những tác phẩm viết về thảm kịch 30 tháng 4, nhưng thật ra vẫn thiếu những tác phẩm như “Tháng ba gãy súng.”
Cao Xuân Huy không bao giờ nhận mình là nhà văn, tác phẩm ông cho in cũng ít và không dày, nhưng để lại nhiều ấn tượng mạnh. Sách ông phổ biến đến nỗi cứ nói đến “Tháng ba gãy súng,” người ta biết ngay tác giả là Cao Xuân Huy, một cựu sĩ quan của một đơn vị nổi tiếng đánh đấm ra trò, Thủy Quân Lục Chiến. Ðộc giả yêu những bài viết và tác phẩm của Cao Xuân Huy chỉ vì ông viết thành thật, không mài giũa những từ ngữ để nó trở thành một tác phẩm văn chương, cao siêu chữ nghĩa. Người ta đọc ông bởi chuyện riêng của ông đã trở thành chuyện chung của mọi người, đã trở thành cuộc sống, thành hơi thở, hoàn cảnh khó khăn, khốn đốn của ông đã trở thành hoàn cảnh khó khăn, khốn đốn của cả một dân tộc trên một khúc quanh khá dài của lịch sử Việt Nam.


“Vài mẩu chuyện” dày đúng 125 trang, nhưng những mẩu chuyện của ông–như Trần Như Hùng viết trong Tựa–là chuyện về kiếp nhân sinh, của riêng một người mà cũng là chuyện chung của nhiều người, rất phổ quát và cũng rất riêng tư. Chuyện lính, chuyện tù không phải chỉ là câu chuyện và những trải nghiệm của Cao Xuân Huy mà là chuyện của cả thế hệ chúng tôi trong cơn bão của những đổi thay.


Những mẩu chuyện của Cao Xuân Huy không phải là chuyện cầu kỳ, gồm những chuyện đội đá vá trời hay những chuyện lý tưởng cao siêu. Không, hoàn toàn không. Chúng chỉ là những chuyện tầm thường, thậm chí có khi chúng chỉ là chuyện của những thất bại sau những ước mơ. Chuyện tù đầy là chuyện mà hầu như người nào thuộc thế hệ chúng tôi trong cộng đồng này cũng từng trải qua. Nhưng Cao Xuân Huy kể thì lại khác. 

Chẳng hạn như trong “Quyền tối thiểu” từ trang 29 đến trang 33, Huy kể chuyện tù cải tạo được “cho phép” gặp gia đình và “được phép ngủ lại với vợ” ở nhà thăm nuôi. Câu chuyện này nếu không phải Cao Xuân Huy kể mà do chúng tôi kể với nhau trong chốn trà dư tửu hậu những lần gặp nhau cà phê cà pháo chắc chắn sẽ bị những “tên” khác trong đám bạn tù kê tủ đứng ngay: “Thôi biết rồi, khổ 'nắm', 'lói' mãi, đổi tần số đi!”
Nói đến chuyện nhà thăm nuôi trong một trại tù Cộng Sản là nói đến vui, buồn, đến những bi kịch và trong nhiều trường hợp, cả nỗi nhục. Nào là chỉ được gặp 15 phút, có khi nửa tiếng, có khi vài giờ, nào là gặp 36 tiếng, 48 tiếng, 72 tiếng. Giờ giấc được gặp mặt gia đình ngoài nhà thăm nuôi mau hay lâu là tùy thuộc vào “công cán” hay “phản động, không an tâm cải tạo” của tù nhân. Nhưng cũng có trại thì việc thăm gặp gia đình và ở lại với gia đình ngoài nhà thăm nuôi được ban phát đồng đều, trừ những người tù bị kỷ luật, nhất là trong thời kỳ trại tù do bộ đội Cộng Sản quản lý.


Các nhân vật trong “Quyền tối thiểu” là Toàn và Thành, các nhân vật có vẻ hư cấu nhưng là thật vì đó là mẫu những cựu sĩ quan quân đội VNCH bị lưu đầy trong các trại tù ở ngoài Bắc cũng như trong Nam sau 30 tháng 4, 1975. Ở trang 31, Cao Xuân Huy mô tả Toàn là mẫu người hiền lành, không muốn phiền hà vi phạm nội qui của trại giam. Anh lao động như mọi người khác trong trại và được người vợ xa cách đã lâu lần mò ra Bắc thăm gặp. Trên nguyên tắc, Toàn được ngủ đêm với vợ ở nhà thăm nuôi. Thành, bạn tù thân của Toàn thấy bạn mình từ chối “ân huệ” của trại thì ngạc nhiên lắm. Hãy đọc Cao Xuân Huy với những đoạn đối thoại sau đây giữa hai người bạn tù ở trang 32 và 33, xin trích:


“Bao nhiêu thằng bon chen, nịnh hót, kiếm điểm, làm ăng ten, bôi mặt hại anh em đồng đội, chỉ để mơ ước được một ân huệ là được ngủ đêm với vợ ngày thăm nuôi. Mày 'bất chiến tự nhiên thành.' Vậy mà mày lại bỏ con vợ trẻ ngon lành nằm trơ ra với muỗi mà mày chịu được à?”
“Mày tưởng tao không đau khi quyết định bỏ vào trại à?”
Thành dịu giọng:
“Mày nói thật đi, có gì trục trặc giữa vợ chồng mày không?”
“Không trục trặc mẹ gì cả. Tao không thích, thế thôi. Và dĩ nhiên là vợ tạo không biết là tao được ngủ lại nhà khách (nhà thăm nuôi hay có khi bọn cai tù còn gọi đó là nhà hạnh phúc-VA).
“Gàn, ngày trước mày đi lính chứ có phải là thày giáo chó đâu mà giở thói đồ gàn ra đây. Mẹ kiếp... con không ăn muối con ươn, con không ngủ với vợ trăm đường... con hư, nghe không con.”
“Nếu chỉ vì không ngủ với chồng một đêm mà vợ tao hư thì tao cũng đành chịu thôi.”
“Tiên sư cha nhà anh, vậy thì anh là thằng ngu nhất rồi, chứ không còn được hưởng ân huệ hạng nhì nữa. Không phải đêm nay chỉ có nghĩa đơn thuần là một đêm, hiểu không con trai. Bao nhiêu năm chờ đợi trước đây, và sau hôm nay, bao nhiêu năm sau này nữa, vợ anh không biết còn được gặp cái mặt mẹt của anh hay không...”
“Thì tao cũng đành chịu thôi, Thành ạ!”
“Chịu thôi?” Thành ngạc nhiên. “Như vậy là nghĩa làm sao?”
Toàn gằn giọng:
“Nghĩa là làm sao? Nghĩa là làm sao hả? Các anh được hưởng chính sách khoan hồng nhân đạo của cách mạng. Cách mạng đã tha tội chết cho các anh, giáo dục các anh trở thành người tốt cho xã hội, lại còn gia đình đến thăm, lại còn được hưởng đặc ân ngủ với vợ nữa...”
Thành cười:
“Chứ còn gì nữa, mẹ kiếp, mày đừng lập lại như một con vẹt những câu thằng nào cũng thuộc chứ.”
“Tao tưởng mày khá hơn một chút. Ừ hãy động não thử xem. Vợ chồng ngủ với nhau là một đặc ân à? Ngủ với vợ cũng phải có thằng cho phép à? Thú vật ngủ với nhau cũng không phải là đặc ân của ai hết mà. Hừ, thái độ ngạo nghễ thi ân. Tao hèn, tao không dám chống đối, nhưng ít nhất tao cũng còn có cái quyền tối thiểu là không thèm nhận sự ban phát ấy chứ.”


Ðấy là lối kể chuyện của Cao Xuân Huy, khinh bạc nhưng trái tim ông vẫn còn đầy những rung động. Trong biết bao nhiêu tác phẩm viết về tù đầy ở đây, người đọc có lẽ mới chỉ thấy được mặt ngoài của sự tàn bạo và những cuộc tranh đấu để chống lại sự tàn bạo ấy, mới chỉ thấy được mặt ngoài của những tấm gương bất khuất. Còn những người như Toàn? Có cần phải xếp Toàn vào hàng ngũ những người bất khuất không?
Trong môi trường tù đầy trong các nhà tù Cộng Sản, tôi đã từng thấy có những người nhịn ăn đến chết trong các căn biệt giam nhỏ nơi rừng thiêng nước độc chỉ vì không chịu khai gian cho một người bạn tù. Tôi cũng đã từng nhìn thấy một bạn tù vạch áo chỉ vào ngực và thách một vệ binh súng dài bắn. Anh la lớn: “Tao thách thằng nào ngon bắn tao coi. Chúng mày nên nhớ, bắn chết tao ngay lúc này là chúng mày khoan hồng đấy. Chứ sống kiếp của một con vật như thế này thì sống làm đ... gì.”


Nhưng tôi cho rằng cả hai hành động này còn dễ làm hơn là quyết định của Toàn. Từ chối một ân huệ trong cảnh tù đầy như Toàn, như Thành là một hành động âm thầm, nhưng dũng cảm. Chỉ có những người vượt lên trên cái bản ngã của mình mới có thể làm được. Một đàn anh tôi trong nhà tù trừng giới với một kỷ luật vượt xa kỷ luật của kiểu trại Ðầm Ðùn hay Lý Bá Sơ là trại A-20 ở tiền sơn quận Ðồng Xuân đã nói với tôi như thế này: “Tao không cần những ông bò lục, bò ngũ đứng ra tranh đấu chống lại bọn cán bộ trại giam, tao chỉ cần các ông ấy là người hiền lành và biết âm thầm từ chối những ân huệ mà bọn khốn ấy muốn dùng để hạ nhục các ông ấy và hạ nhục chúng mình.”


“Vài mẩu chuyện” của Cao Xuân Huy là những mẩu chuyện nho nhỏ, nhưng hào sảng trong đời lính và đời tù, từ “Miếng ăn,” “Người muôn năm cũ,” “Cái lưỡi câu,” “Ngu như lợn,” “Vải bao cát” cho tới “Hành phương Nam,” “Chờ tôi với,” “Mai Thảo” và “Trả lại tiền...” câu chuyện nào cũng thấm đậm một niềm xót xa cho những cảnh ngộ của một dân tộc.


Sự chân thật, những tình cảm giản dị, cách nhìn tinh tế của Cao Xuân Huy đã biến những sự việc đã cũ, đã xa, thành những sự việc vẫn còn mới và rất gần như hơi thở, cơm ăn và nước uống hàng ngày của chúng ta.


Bởi thế, khi đọc “Vài mẩu chuyện” của Cao Xuân Huy, những người đọc gốc lính, gốc tù cải tạo sẽ thấy mình trong đó. Có thể chúng ta sẽ chỉ thấy một hình ảnh bàng bạc về niềm đau khổ của một khúc quanh lịch sử, nhưng chắc chắn sẽ nhìn thấy thật rõ ràng một niềm tin về con người. (V.A.)



(Nguồn: http://www.vietherald.com)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét