30.6.11

Tiếng nói từ trái tim



Kính thưa quý vị,

Như tôi đã trình bày trong một bài viết trước, tôi không phải là nhà văn, tôi chẳng phải là cái gì cả, nhưng chỉ vì tôi cần nói ra những gì tôi cảm nghĩ, vì không nói ra được thì trái tim tôi sẽ nổ vỡ mất nếu cố giữ kín trong lòng, nên tôi cần viết ra những gì tôi muốn viết.

Chúng tôi làm giấy tờ để ra đi theo diện ODP (làm chui từ năm 1984 và gửi qua Bangkok vì lúc đó chưa có bang giao chính thức giữa cộng sản Việt Nam và thế giới tự do), với những đóng góp về giấy tờ cũng như tiền bạc của thân nhân chúng tôi đã qua Mỹ từ trước, vì đó là quyền lợi của chúng tôi theo hồ sơ bảo lãnh ODP do các thân nhân chúng tôi đảm trách, nhưng sau đó qua những lời thỉnh nguyện của bà Khúc Minh Thơ đại diện những gia đình có thân nhân bị tù đầy trong guồng máy cộng sản đã trình bày hoàn cảnh này lên Tổng Thống Ronald Reagan và được Tổng Thống chấp nhận để chính Tổng Thống ra lệnh cho ông Thứ Trưởng Ngoại Giao Robert L. Funseth trao đổi với nhà cầm quyền cộng sản để thả và cho chúng tôi ra đi qua Mỹ. Vì vậy hồ sơ gia đình tôi được chuyển từ ODP sang HO. Chúng tôi đã tới Mỹ vào ngày 06 tháng 07 năm 1992. Nếu không có bà Khúc Minh Thơ thì không bao giờ gia đình chúng tôi qua được Mỹ theo chương trình HO, (cao lắm thì theo chương trình ODP mà thôi) và như vậy sẽ phải chờ lâu hơn. Do đó gia đình chúng tôi luôn luôn mang ơn bà Khúc Minh Thơ và những người trong hội “Gia Đình những Tù Nhân Chính Trị” đã trực tiếp hay gián tiếp giúp gia đình chúng tôi.

Khi nhân viên Hoa Kỳ phỏng vấn gia đình tôi, họ hỏi tôi là muốn đi theo diện ODP hay HO., tôi trả lời liền: “HO hay ODP, tôi đều chấp nhận, miễn sao chúng tôi ra khỏi VN càng sớm … càng tốt”.

Tôi đã được mổ mắt qua chương trình Medicare để thay lens ngay từ khi mới qua đây, vì khi tôi qua đây thì hai mắt tôi bị cataracts che mờ đến nỗi hầu như tôi không nhìn thấy đường. Bây giờ lens của tôi là bằng plastic, và tôi đọc sách báo không cần phải đeo kính nữa và đi làm một cách bình thường. Nhà tôi đã mổ tim (open heart surgery) mà không phải trả một đồng nào cả. Bản thân tôi cũng mổ cổ (anterior fusion surgery) mà chỉ trả copay rất ít. Nước Mỹ là thế đó.
Tôi và nhà tôi mới đi lên Hoa Thịnh Đốn thăm người bà con, và có dịp đi thăm bức tường đen nơi ghi tên của 58.195 người lính Mỹ, từ anh binh nhì đến sĩ quan cấp tướng, và sau đó chúng tôi được vinh dự đưa đến nghĩa Trang Arlington, là nghĩa trang quốc gia Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ là quê hương mới của gia đình chúng tôi. Hai vợ chồng tôi được đưa đi thăm Toà Bạch Ốc, Quốc Hội, và nhiều nơi khác như Lincoln Memorial, như Jefferson Memorial, như Washington Monument, v.v… và có dịp đi thăm Smithsonian Museum, nơi có trưng bầy bộ xương con khủng long từ mấy ngàn năm về trước. Nhìn thấy Tổng Thống Lincoln ngồi chễm trệ trên ghế nhìn xuống bàn dân thiên hạ, tôi mới cảm thấy sự nhỏ nhoi của mình.  Nhìn thấy ngôi mộ của Tổng Thống Kennedy với câu nói bất hủ: Đừng hỏi nước Mỹ đã làm gì cho bạn, mà hãy tự hỏi bạn đã làm được gì cho nước Mỹ. “Don’t ask what your country can do for you. Ask instead what you can do for your country”. Nhìn thấy những ngôi mộ của những người đã hy sinh cho Tổ Quốc mà không đòi hỏi bất cứ một cái gì cho họ cả.
Nói tới nói lui, tôi chưa trình bày với quý vị lý do bài viết của tôi.

Tôi là một người Mỹ gốc Việt. Tôi thương yêu đất nước Việt Nam của tôi vì đó là nơi tôi được sinh ra, nuôi dưỡng, lớn lên, gặp người yêu và lấy làm vợ, rồi vì tình hình chiến cuộc, tôi đã tình nguyện nhập ngũ dù tôi được miễn dịch vĩnh viễn với lý do con trai duy nhất trong gia đình. Sau năm 1975, tất cả những sĩ quan, công chức của chế độ Cộng Hoà phải đi tù. Riêng tôi đã không chấp nhận chế độ cộng sản nên đã bị bắt và ở tù tới 2296 ngày và đêm. Tôi được thả, cho về nhà và họ bắt buộc đi vùng kinh tế mới. Tôi từ chối với lý do là cha mẹ già yếu, con cái còn quá nhỏ. Do đó tôi vẫn còn ở lại Sài Gòn. Tôi đạp xe ba bánh chở vật liệu cho mọi khách hàng. Sau đó, nhờ số vốn ngoại ngữ của tôi, tôi đã đi dậy học, chính thức cũng có, chui cũng có. Rồi cha mẹ tôi lần lần mất. Bố tôi chết năm 1984, hưởng thọ 85 tuổi, mẹ tôi chết năm 1985, hưởng thọ 81 tuổi. Hai cái tang chồng chất lên tôi. Nhưng bản thân tôi buồn mà không phiền não vì tôi cảm nhận phần nào về thiền!Tôi hiểu rằng: đã đến thì rồi phải đi, níu kéo cũng không được. Và một ngày nào đó, sẽ đến lượt tôi ra đi. Có thế thôi.

Tôi đã khóc khi bố mẹ tôi mất. Tôi đã khóc khi chị tôi mất. Tôi đã khóc khi anh rể tôi mất.

Tôi đã khóc khi những chiếc phi cơ bị không tặc đâm vào hai toà nhà cao ốc là Trung Tâm Thương Mại Quốc Tế tại Nữu Ước làm chết gần 3000 người.

Tôi đã khóc khi một phi cơ khác bị không tặc cho đâm vào Ngũ Giác Đài, làm chết mấy chục người trong đó có một kỹ sư Việt Nam.

Tôi đã khóc khi một phi cơ khác đã rớt trên một cánh đồng hoang vắng nhờ lòng can đảm của những hành khách đã đứng lên chống cự với bọn khủng bố để không cho chiếc máy bay này đâm vào Toà Bạch Ốc.

Tôi đã xúc động và hãnh diện khi thấy những thành quả của những người Mỹ gốc Việt đạt được trên mọi lãnh vực, từ chính trị đến quân sự qua chuyên môn, qua học hành, từ những chuyện nhỏ nhất đến những chuyện lớn nhất.

Tôi rất xúc động khi thấy những ngưòi Mỹ gốc Việt làm dân biểu, làm nghị viên tại những tiểu bang, thành phố lớn trên nưóc Mỹ.

Tôi rất xúc động và hãnh diện khi thấy các bạn bè của tôi là những thày giáo, là những người hướng dẫn thế hệ trẻ mà chúng ta gọi là thế hệ thứ hai để thay thế ông cha khi chúng tôi qua đời.

Người Mỹ gốc Việt chúng ta không làm tủi hổ giòng giống. Và nói chung thì chúng ta vui khi thấy những thành quả đó.

Tôi đâu có muốn xa lìa Việt Nam, mà chỉ vì hoàn cảnh bắt buộc. Tôi không thể sống tại một nơi mà dân chúng không có tự do, dân chủ, nơi mà nhà cầm quyền chỉ áp đặt cuộc sống theo ý họ chứ không theo ý dân.

Tôi vẫn muốn làm một cái gì cho quê hương tôi, nhưng người ta không cho, do đó tôi phải ra đi. Gia đình tôi sống tương đối đầy đủ, vui vẻ, hạnh phúc tại quê hương thứ hai.

Tại quê hương thứ hai này, chúng tôi sống như những người Mỹ khác, không thắc mắc, không mong mỏi gì hơn là đi làm để có tiển trả những bills khi nó tới. Sống một cuộc sống rất bình thường.

Nhưng tôi vẫn trăn trở. Có một cái gì trong tôi cứ làm cho tôi khó chịu. Không biết là cái gì. Nhìn tới nhìn lui: Gia đình ổn thoả, nhà cửa tạm ổn, vì tiền mua nhà cũng sắp trả hết. Vợ chồng không hề xích mích, cãi nhau, con cái đều thành đạt. các cháu nội đều học hành tấn tới. Sống tại Austin, nơi khí hậu hiền hoà, thiên nhiên đối đãi tốt, ngôi nhà ở phía sân sau có hồ cá gần trăm con cá KOI và hòn non bộ tuyệt vời do hai cha con tôi xây dựng cả 5 năm trời mới xong. Một dàn lá mơ, một vườn rau thơm với cả chục cây ớt hiểm, còn muốn gì hơn nữa.

Khi vợ chồng chúng tôi đi thăm viếng nghĩa trang Arlington, tôi mương tưởng đến nghĩa trang quân đội Biên Hoà và rồi tôi nhận ra tôi nợ một món nợ rất lớn với các đồng ngũ đã nằm xuống. So sánh những người lính Mỹ tình nguyện gác ngôi mộ “Chiến Sĩ Vô Danh” tại nghĩa trang Arlington với nghi thức theo một nguyên tắc nhất định: bước 21 bước là vì người chiến sĩ bỏ mình vì nước được hưởng 21 phát súng (phần thưởng cao quý nhất cho một nguời chiến sĩ hy sinh với 7 khẩu súng và bắn ba lần theo truyền thống từ thế kỷ thứ 17 ở bên nước Anh). Quay lại hướng Đông là hướng ngôi mộ, nhìn ngôi mộ của người chiến sĩ vô danh trong 21 giây, nghỉ 21 giây trước khi quay đầu lại để bước 21 bước tiếp theo. Quay súng qua vai vì súng không được ở bên vai gần ngôi mộ. Đổi gác mỗi 30 phút qua một buổi đổi gác thật long trọng. Mỗi ngày, cả trăm cả ngàn ngưòi đến xem lễ đổi gác. Ngày cũng như đêm. Nắng cũng như mưa. Trời xanh, đẹp, cũng như vần vũ mưa sa bão tố. “Old Guard never changes.” Đất nước thứ hai của tôi như vậy đó, còn đất nước thứ nhất của tôi? Nghĩa trang Quân Đội Biên Hoà thật khốn đốn, thật tủi nhục. Tôi đã làm được gì cho chính những đồng ngũ của tôi? Tượng “Thương Tiếc” bị kéo giật ngay từ những ngày đầu tháng 5 năm 1975. Mồ mả những đồng ngũ của tôi bị đào xới lên, xương người quân nhân chết đã bị làm nhục. Ai chịu trách nhiệm? Trong thời gian đi tù, bọn cai tù Cộng Sản đã chửi rủa tụi tôi, là những người còn đang sống, huống hồ chi những người đã nằm xuống. Tụi Việt Cộng cười hố hố há há trên xác chết người quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.  Vậy mà chúng ta chẳng làm được một cái gì để giúp đỡ những người chiến sĩ đã chết cho Tổ Quốc, ngoại trừ ngồi bên này chỉ trích nhau, chụp mũ nhau, ai không theo đường lối chống cộng của mình sẽ là việt gian. v.v… Bởi vậy, từ tụi việt cộng cho đến những người nôm na gọi là chống cộng nửa vời mà sự thực là gieo rắc nghị quyết 36 của việt cộng, chúng tôi đều né tránh.

Thưa quý vị,

Vợ chồng chúng tôi đã trên dưới 70 tuổi. Sống chung với con cháu thật vui vẻ, hạnh phúc. Không có gì phải than thở, phàn nàn, sống như tất cả những người Việt Nam tỵ nạn cộng sản khác, rồi già đi, rồi chết đi, nhường chỗ cho con, cháu. Thế cũng xong một cuộc sống bình thường như tất cả mọi người.

Thế thì trăn trở cái gì? Thế thì khó chịu cái gì?

Xin thưa: Tôi chưa trả nợ cho Tổ Quốc Việt Nam của tôi một cách trọn vẹn. Tổ Quốc đã cho tôi tất cả, nhưng tôi chưa đáp ứng lại được một phần. Và đến ngày 30 tháng Tư 1975, tôi đã mất Tổ Quốc. Gia đình còn, nhưng Tổ Quốc không còn. Tôi là một người không còn Tổ Quốc từ năm 1975 cho đến khi tôi sang Mỹ và sau đó 6 năm thì tôi trở thành công dân Mỹ. Nhưng liệu tôi có thể chóng quên nguồn gốc của tôi không?

Vì thế, thưa quý vị, tôi tâm nguyện rằng:

Khi không còn bóng cộng sản tại quê hương thứ nhất của tôi, là nước Việt Nam, tôi sẽ về lại và làm người gác nghĩa trang, hàng ngày thắp những nén nhang cho các ngôi mộ đồng ngũ của tôi tại nghĩa trang quân đội Biên Hoà, cho đến khi tôi chết thì hoả thiêu thân xác của tôi, để một nửa nằm chung với đồng ngũ của tôi tại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà, và một nửa thì trải tại Hồ Lake Travis tại Austin,  TX, là quê hương thứ hai của tôi.

Tôi có thể tha thứ, nhưng tôi sẽ không bao giờ quên những gì cộng sản Việt Nam đã làm cho gia đình tôi, cho đồng ngũ của tôi, cho quê hương tôi, cho Tổ Quốc tôi. Vì thế, ước muốn nhỏ nhoi của tôi trong việc thiêu xác sẽ được thực hiện qua con tôi, cháu tôi, nếu cộng sản chưa chết trong đời tôi.

Lê Hoàng Ân



28.6.11

Cộng Sản Tàu,“Cá nằm trên thớt”




Cộng Sản Tàu,“Cá nằm trên thớt”
 
                                                                                    Vũ Trọng Khải/Úc Châu
                                                                                  28/6/2011
 
Khi nói CS/Tàu như “cá nằm trên thớt”,  người ta nghĩ ngay đến việc CS/Tàu sẽ bị “banh xác” trong một cuộc chiến, dưới một dạng thức nào đó có, thể xẩy ra trong tương lai không xa !
 
 Ý tưởng “Hiểm họa da vàng” ám chỉ sự bành trướng của Tàu, đã có trong ý nghĩ Hoa Kỳ và Tây Phương từ thập niên 50.
 
Nước Tàu phải suy yếu, phải bị chia năm sẻ bẩy như thời Lục Quốc.
Đó chính là mục đích phải theo đuổi của Hoa Kỳ để triệt tiệu “Họa Da Vàng”
 
Muốn đạt được kết qủa như nói trên, biện pháp tốt nhất là làm sao tạo được nội loạn trong nước Tàu, hơn là tạo chiến tranh trực diện để triệt hạ Tàu.
 

20.6.11

Trại Trừng Giới, nơi đày ải nhiều chiến sĩ VNCH



Thanh Phong/Viễn Đông

WESTMINSTER - Sau ngày 30-4-1975 nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam dựng lên hàng ngàn trại tù rải rác khắp Nam, Trung, Bắc để giam giữ, đày ải các Quân, Dân, Cán, Chính VNCH. Một trong những trại tù khét tiếng nhất có tên gọi là Trại Trừng Giới A.20 nằm trong thung lũng Kỳ Lộ, Huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quân Lực 19-6-2011, hai chiến hữu Nhan Hữu Hậu (sĩ quan cấp Tá QL/VNCH) và chiến hữu Tống Phước Hiến (sĩ quan cấp Úy, Cảnh Sát Quốc Gia) đã đến tòa soạn nhật báo Viễn Đông để kể lại giai đoạn hai ông và các bạn tù A.20ø phải chịu đựng nhục hình như thế nào tại trại Trừng Giới A.20.

15.6.11

mửa máu


hắn chết khi máu trào ra lần cuối
trên bục nằm loang lỗ lạnh buốt xương
quần áo rách bươm phơi dãy xương sườn
manh chiếu nát tặng lại người sống sót

hắn chết giữa mùa đông, trời Phú Khánh
Trường Sơn thở dài rước một sinh linh
hai năm mửa máu hắn cố dọn mình
khi nằm xuống cỏ rừng che nấm mộ

Trại Trừng Giới - ba ngàn người cùng khổ
đang gối đầu với cái chết vì lao
thức dậy, chưa đứng lên máu đã trào
lũ vi khuẩn rủ nhau bay vào gió

thằng úp mặt vào tường ho ra máu
thằng nín hơi cố giữ mạng qua ngày
nhà giam kín bưng nằm xuống sát vai
thần chết đêm đêm về khoe lưỡi hái

Trại Trừng Giới và những cơn sợ hãi
trên thân tù - từng da ngựa bọc thây
cuộc chiến cuối – trời ơi ! đau như vậy
Trường Sơn đành lòng đứng sửng không hay

hắn chết, úp mặt nằm trên vũng máu
giọt máu ngày nào từng bón núi sông
hắn chết không phải vào giữa đêm đông
mà vĩnh biệt khi gà rừng gáy sáng

Trại Trừng Giới những oan hồn lảng vảng
hát nghêu ngao bài hát ứa máu tươi
dãy biệt giam xiềng xích hả hê cười
đám chúa ngục khúc khắc ho từng tiếng

nguyễn thanh-khiết

(viết cho những A20 mửa máu quay về
Nguyễn Hạnh, Phạm văn Hải, Trương văn Tám, Vũ văn Lộ...
và vĩnh biệt những A20 đã mửa máu ra đi)
1983-1986




(Nguồn: Viết Từ Địa Ngục Blog)


13.6.11

CHÚT SUY TƯ



Tống Phước Hiến

 I. Trong tù:

Bọn si điên, say men vai chủ mới
Ngùn ngụt kiêu căng, thăm thẳm hận thù.
Trước mắt ngơm – người là kẻ câm mù,
Nên mặc sức, tung đường gươm ác quỷ.

Bao cơ cực, chôn mình vào mộng mị,
Bao ước mơ, cay đắng dấu trong hồn,
Nơi lao nhục, người đành lấp trí nhân,
Dấu giòng lệ, nuôi sâu niềm thống hận.

Mũi súng đen, lời roi phun nọc bẩn,
Xúng xính cười, bái phục những hoang mê
Tâm thác loạn, hừng hực lửa hả hê,
Bầy ác thú cuồng say cơn thịnh nộ.

Người chưa chết, đã trở thành cổ mộ,
Nên quay về thinh lặng với hư vô,
Nghe lệ đá nâng đôi giọt thẫn thờ,
Cùng cây cỏ thấm chín tầng địa ngục


II. Về nhà:

Ta xót sa, xoa gót em nức nẻ,
Bàn tay nhung nay sạn sỏi hờn oan,
Lệ chảy ngược, bầm tím máu hân hoan
Lòng chân thật đành đào sâu chôn dấu

Con ta đó đuổi nhanh thời thơ ấu,
Mắt lạc loài trắng đục những niềm mơ,
Đời trôi qua dăm mộng ước hững hờ,
Da chai đá, roi đời chờ chực đón.

Bảy năm trời đã trở thành phân bón,
Lửa quê hương trăn trở suốt thâu canh
Nuôi ý chí trổ hoa lá đâm cành,
Hoa và đá bắt tay cùng bụi chuối.


III. Tỵ Nạn

Ta ra đi, xa miếu đền xưa cũ,
Xa con sông, ngọn núi lũy tre làng
Và cũng xa bao man rợ hung tàn,
Nhưng gần lắm những oan hồn đã khuất.

Hãy gom lại những hồn ma u uất,
Cùng chúng tôi xô ngã những điêu linh,
Hãy trổi dậy những thao thức trở mình
Mà một thuở thấm tim gan phế phủ.

Đời không trôi trên lối mòn ủ rũ,
Lời đao ta búa lớn lẫn u hoài,
Giòng lịch sử theo vận nước trải dài,
Hãy bước tiếp như Tiền nhân đã bước

Dấu chỉ đường vẫn mãi là phía trước
Hãy khắc ghi những hung hãn bạo tàn
Hỡi bờ cây bụi cỏ vạn lời than
Hãy gom lại thành triều dâng sóng dậy.

               Tống Phước Hiến



CHA TÔI, NGƯỜI CHIẾN SĨ VIỆT NAM CỘNG HOÀ



CHA TÔI, NGƯỜI CHIẾN SĨ

VIỆT NAM CỘNG HOÀ



                                                                                                    Bài viết của Ý Cơ
         (A20 Vũ Trọng Khải phu nhân)

(viết cho ngày 19 tháng 6)


Đã có quá nhiều những áng văn, thơ, nhạc ca ngợi những chiến công, những hy sinh, trong trách nhiệm Bảo-Quốc An-Dân của người Chiến Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Cũng không thiếu những áng thơ, văn, nhất là những ca khúc, nói lên tình cảm đầy ân nghĩa của người hậu phương đối với người Quân Nhân ngoài tiền tuyến, những áng văn chương ấy, cùng với hình ảnh người Quân Nhân QL/VNCH cũng sẽ bất tử trong lòng người dân Miền Nam, đã một thời được hưởng những Tự Do, những Hạnh Phúc thực sự, được đem lại từ chính những hy sinh cao quý này.
Rồi cũng có rất nhiều những tác phẩm văn chương, những ca khúc nói lên nỗi mong chờ ngày đêm của người Mẹ già, của người Chinh Phụ, của Người Tình hướng về người Chiến Sĩ đang ngày đêm đối diện tử thần ngoài tiền tuyến.
Nhưng có lẽ, còn quá ít những áng văn hay ca khúc, nói lên sự thiệt thòi, nếu không muốn nói là bất hạnh, của những đứa con thơ dại trong gia đình mà người Cha là Chiến Sĩ QL/VNCH để lại nơi hậu phương, trong những trại gia binh hay trong những huyện lỵ nhỏ gần nơi người Chiến Sĩ đồn trú. Mà nơi đó, những phương tiện sinh hoạt hầu như rất khiêm nhường cho cuộc sống cần có của trẻ thơ .

5.6.11

Khi Thơ Lên Tiếng



1.
Em hỏi tôi khi nào hạnh phúc?
biết trả lời sao khi chung quanh ô nhục?
biết nói sao khi những gì chân thực
đều nín thinh như tĩnh vật ngoan hiền
những tấm họa nào màu sắc đảo điên
những đoạn nhạc âm thanh nhạt thếch
người lương thiện trở nên ngờ nghệch
đứng bâng khuâng giữa cõi oán hờn

Người cầm bút
không cần biết thiệt hơn
Vũ khí chính là Thơ: lên tiếng
là việc làm biểu hiện
của vô vàn sắc mực đấu tranh

ÐK:

Ngọn bút thiêng vượt qua bao trở ngại
đồng hành cùng lịch sử yêu thương
Em yêu dấu ơi, từ khổ đau
Thơ Tôi Lên Tiếng
Thơ Chúng Ta Lên Tiếng:
Cứu Quê Hương!


2.
Em có thể yêu tôi
bởi vần điệu trong lành
bởi bề ngoài đỏm dáng
bởi kịch diễn
bởi những điều thế nhân nhàm chán
bởi ngôn từ ngọt lịm đường hương
nhưng em ơi
điều duy nhất phải hiểu nhau hơn
là bản chất
là tận cùng dưới đáy tim dũng cảm


Người cầm bút
đứng giữa vùng ánh sáng
viết nên hoa, nắng, trăng, sao
viết nên đời mới
gửi trao cho Dân Tộc con Người.


Phan Lạc Giang Ðông


Mưa trên trại thù


như những bóng ma chập chờn bên núi
đám tù lết về trại dưới chiều mưa
Trường Sơn trùng trùng, ngày qua ngắn ngủi
đời tù lụn dần theo sáng theo trưa

đêm mưa rớt từng cơn ngoài láng trại
chỗ nằm đau trên bệ đá lạnh căm
những giấc mơ của một thời quan ải
nuôi từng ngày với nỗi đợi âm thầm

gió núi thấm trên thân tù rách rưới
lát khoai khô không bẻ gãy hận xưa
tù nghiến răng trong từng mỗi nụ cười
mười năm oằn oại mối thù chưa rửa

mùa mưa xuống từng ngày trên trại giặc
mưa rớt buồn, mưa rớt giữa Trường Sơn
tù lắng nghe sấm gầm trong khuya khoắc
cái nhớ thành xưa ruột thắt từng cơn

mưa dỗ tù hiên ngang đi vào mộng
áo giang hồ mưa lấm, tiếc mà đau
tù nhắm mắt rơi vào muôn tưởng vọng
mùa mưa xuống trại thù - không qua mau


 nguyễn thanh-khiết
A20 mùa mưa


(Nguồn: Viết Từ Địa Ngục Blog)


* Yên Ly diễn ngâm:







3.6.11

Cô gái nhỏ hấp hối


Tặng cô gái nhỏ cả làng bỏ rơi
trong nạn đói Thanh Hóa 1988.

Cô gái nhỏ trơ trọi
trong căn nhà vắng tanh
gia đình đã đi hết
bỏ cô nằm một mình
Trong làng không chó sủa
chim chóc cũng chẳng về
dưới ao không tăm cá
im lặng thật thảm thê.
Làng cô cũng vắng ngắt
người người kéo nhau đi
để tìm ăn tìm sống
quê hương chẳng còn gì.
Trong cơn mê hoảng loạn
Cô rên rỉ van lơn
Ông Táo trong bếp lạnh
cho cô một bát cơm
trời hỡi trời hãy thương
cô bé đang hấp hối
hãy cho cô được thấy
mặt mẹ cô dịu dàng
để cô sẽ khỏi chết
làm ma đói lang thang.

DUY LAM


28.5.11

HOA CỎ VÀNG TRÊN XE CẢI TIẾN



HOA CỎ VÀNG TRÊN XE CẢI TIẾN
A-20 XUÂN PHƯỚC.
                           
                                                                                                           Ý Cơ/ Úc Châu
                                                                                                             (A20 Vũ Trọng Khải phu nhân)
               

     Đã mấy tuần lễ qua, thành phố nơi tôi ở, mây đen vần vũ đầy trời, mưa không ngớt hạt, cây cối, thảm cỏ sũng nước, tiếng mưa đêm rả rích lê thê, như những giọt lệ khóc thương người Bạn của gia đình đã đi về nơi rất xa …. Ngàn thu vĩnh viễn không gặp lại.

     Cũng khóc thương cho gia đình Bạn, vì nỗi vắng Anh đã để lại cho vợ con, thân nhân một khoảng trống đau thương quá lớn lao !!!

     Sự ra đi đột ngột của người Bạn thân đã khiến cho ký ức của tôi ngập tràn hình ảnh xưa cũ của hơn 40 năm quen biết nhau.
     Thời gian gần đây nhất, tháng 7 năm vừa qua (2010), tôi vẫn còn thấy hiển hiện những hình ảnh của Anh trong những ngày nắng ấm Cali khi chúng tôi ở bên Anh.


20.5.11

MÃN TÙ



A20 Nguyễn Liệu

Bảy cái Tết rồi. Tết nào cũng vậy, khoảng đưa ông Táo về trời là anh em xôn xao về tin sắp được tha. Tin tức thật phong phú. Nào năm nay về nhiều, vì chánh quyền đã mạnh rồi, nào về nhiều để ngoại giao với nước ngoài, nào về nhiều vì có Liên Hiệp Quốc can thiệp, có Mỹ can thiệp… Thậm chí còn biết con số mấy trăm người được ân xá …Từng nhóm, từng nhóm bàn tán xôn xao. Tuy biết tin xạo, tin vịt rất nhiều nhưng nghe cũng khoái, bởi vậy ai nấy đều đi hỏi, đi tìm tin tức. Tôi cũng ưng nghe những con vịt cồ đó nhưng thú thực, chưa bao giờ tôi nghĩ tôi được về. Tôi biết rất rõ tôi không bị giết là may rồi. Nhiều lần tôi nghĩ cộng sản xử bắn tôi cũng là điều công bằng, không có gì oan ức. Thế mà tôi còn sống, còn nhớ con nhớ vợ, còn nhìn những đêm trăng đẹp, còn thưởng thức những bình minh tươi thắm thì cộng sản nói riêng ở Quảng Ngãi là ân nhân của tôi rồi. Phải sòng phẳng, phải có lương tâm mà nói vậy. Thù là thù, hận là hận, ân là ân, oán là oán, đâu đó phân minh không lẫn lộn. Cho nên tôi không nôn nao mất ngủ rồi qua một cuộc thả về không có tên phải buồn chán nhiều ngày như anh em. Không hi vọng nên tôi không chờ đợi, không hồi họp và không thất vọng.Tôi dửng dưng. 

17.5.11

NGÀY THÁNG ĐÓ …


 

 NHIỀU LÚC ngồi nghĩ lẩm ca lẩm cẩm không chừng mà lại đúng để tự an ủi mình rằng có lẽ kiếp trước mình cũng là tay sát thủ “độc cước đại hiệp”chăng? Với cú đá sát thủ chắc chết nhiều người lắm nên kiếp này mới bị cùm chân gần bẩy năm trời mà lại cùm 2 chân nên kiếp trước chắc là mình đá song phi nên bây giờ bị cùm 2 chân banh ra, cứ nằm ngửa chờ chờ chứ không nằm nghiêng được. Lúc đó ngoài giấc mơ chiến thắng mình còn mơ ước nhỏ nhoi là được ngủ nghiêng một giấc, đơn giản thế thôi. Vậy mà giấc mơ đó 7 năm sau khi ra khỏi xà lim mới thành hiện thực …: “ Bẩy năm mơ giấc ngủ nghiêng, hết đêm lại sáng xích xiềng chân tay..! Ừ xích thì xích, xiềng thì xiềng có chết thằng Tây nào đâu mà sợ. Máu anh hùng lại nổi lên  thách thức ngạo nghễ:

              Chân cùm tay xích đầu sao xích,
                Xích sẽ có ngày xích phải tung ..!
                Tư tưởng tinh thần làm sao xích,
                              A ha .. A ha ..!
               Xích sẽ đến ngày xích phải tung ..!


6.5.11

Mẫu Tự M




                                                                                                                 Ý Cơ

Dường như có một chút gì huyền bí, khó giải thích, khi mẫu tự M đã được nhiều dân tộc có ngôn ngữ khác nhau, dùng làm mẫu tự đầu tiên trong tiếng gọi Mẹ đầu đời, chỉ xin đơn cử, trong Anh ngữ, danh từ Mẹ là Mother, trong Pháp ngữ, danh từ Mẹ là Mère, trong danh từ Hán Việt là Mẫu thân .. .. và chắc chắn còn nhiều nữa, xin hẹn vào một dịp khác, Ý Cơ sẽ tra tìm thêm, để làm một thống kê gởi đến quý vị.

Nói đến tình Mẹ cho con, tình cảm thiêng liêng và vô tận đó, đã làm rung động tâm hồn biết bao nhà văn, nhà thơ đã cho ta biết bao áng văn tuyệt diệu, biết bao nhạc sĩ đã cho ta những khúc nhạc êm đềm, tha thiết như tình Mẹ, cũng không thể quên các họa sĩ, điêu khác gia, hay nhiếp ảnh gia, đã cống hiến cho đời những danh tác, ca ngợi tình thương yêu của Mẹ cho con.

Chỉ với một hình ảnh Mẹ ngồi cho con bú, mớm cơm cho con, khi con mới lọt lòng, đã là đề tài cho biết bao tác phẩm trong mọi lãnh vực văn chương, nghệ thuật.


2.5.11

KỶ NIỆM NỔI TRÔI CÙNG TRÍ NHỚ


                                                                                      Tống Phước Hiến
 

          Tôi là một trong những người trai sinh và lớn lên giữa thời tao loạn. Lý tưởng dâng cao theo những bài sử bi hùng oanh liệt, bất khuất. Hồn quê và hồn người hòa nhập nên cũng lãng mạn và cũng ngây thơ trong sáng. Tôi không nhớ ai đó đã vẽ chân dung chúng tôi:

                   Cứ cộng năm thằng đủ chẵn trăm,
                   Những thằng mười tám tới hai lăm
                   Bán trời không chứng, thiên lôi đả
                  Trời rủa cho rằng lũ chết băm !


MÀU TANG THÁNG TƯ



Mười tám tuổi, em sắp vào đại học,
Màu môi tươi, em vờn vẽ tương lai.
Hồn trinh trắng, gom thu vào mắt biếc,
Làn da tươi, rực rỡ nét trang đài.

Suối tóc đen chảy dài, ai mơ ước,
Bờ vai nghiêng, lụa trắng ngạt ngào hương.
Gót sen thắm tươi má hồng chớm nụ,
Gợi lòng ai dào dạt những tơ vương.

Tôi là một trong giòng người say nắng,
Thẫn thờ nhìn em, mơ ước xa xôi.   
Cũng có lúc hồn nương theo gió lộng,
Sợ đông sang thiếu nắng, lạnh bờ môi.

Hàng phượng đỏ sân trường em còn thắm,
Nơi em về mơ ước chuyện ngày mai
Tôi để lại nơi đây vài luyến tiếc,
Rời sách đèn gươm súng nặng đôi vai.

Ðã bao lần lòng bâng khuâng tự hỏi,
Ðường tôi đi sẽ dẫn lối về đâu ?
Và tại sao những oan khiên bi lụy
Giăng mắc oán hờn, tơi tả thương đau.

Rồi tôi hiểu, tại sao tôi phải bước,
Trên hoang tàn, trên nghiệt ngã chiến tranh.
Tôi phải giữ mắt nai màu trinh trắng,
Cho môi em hồng, cho tóc em xanh.

Tôi phải ngăn sóng hung tàn hiểm ác,
Ðể gian ngoa, để thù hận tiêu tan.
Tôi phải bước vào đạn bom ác liệt,
Cho chân em êm lối mộng thênh thang.

Rồi tháng Tư, Quê hương mình tang tóc,
Súng gãy, tan hàng, phòng tuyến đổ ngang.
Giặc hung bạo tràn về Nam sát hại,
Ngùn ngụt lửa thù, sông núi hoang mang.

Ôi em đó, máu tràn loang áo trắng,
Vĩnh biệt đời không kịp tiếng chia ly.
Nguồn ước mơ còn tràn trong mắt lệ,
Tôi ngậm ngùi, máu đọng ướt bờ bờ mi!

Thời gian đã qua lâu rồi em nhỉ,
Thịt xương em thành Ðất Tổ, đường Quê.
Tôi vẫn nặng nỗi hờn đau vong Quốc,
Lòng xót xa theo mỗi độ xuân về.

Tôi còn nguyên ước mơ thời trai trẻ,
Góp sức mình cho Quê Mẹ hồi sinh.
Cho tôi được cùng Em ôn kỷ-niệm,
Chờ Non Sông rạng rỡ ánh bình-minh

Tống Phước Hiến



29.4.11

Phỏng vấn nhà báo Vũ Ánh







VIỆT NAM 1975… NHỮNG BIẾN ĐỘNG ĐỔI ĐỜI

*12-2-2010 The Kim Nhung Show với Nhà Báo Vũ Ánh. Phần 1
 


*12-2-2010 The Kim Nhung Show với Nhà Báo Vũ Ánh. Phần 2



 
*12-7-2010 The Kim Nhung Show với Nhà Báo Vũ Ánh. Phần 3






*12-7-2010 The Kim Nhung Show vi Nhà Báo Vũ Ánh Phần 4


*12-9-2010 The Kim Nhung Show với Nhà Báo Vũ Ánh. Phần 5
 


*12-9-2010 The Kim Nhung Show với Nhà Báo Vũ Ánh. Phần 6





*12-14-2010 The Kim Nhung Show với Nhà Báo Vũ Ánh. Phần 7





26.4.11

SAIGON TRONG CƠN HẤP HỐI 30-4-1975


Nhân ngày 30-04,  Quán Lá xin được trân trọng gởi đến gia đình A20 và bè bạn năm châu những ghi nhận chính xác của một A20, người chứng kiến ngày lâm tử của Sài-Gòn nói riêng và giờ kết thúc quyền hành trên miền Nam Việt-Nam của chính phủ VNCH.
Hàng tỷ những bài vở, phỏng vấn tràn ngập trong thế giới thông tin từ 36 năm qua, đã vì vô tình hay cố ý bóp méo lịch sử. Hôm nay A20 Nhan Hữu Hậu, người có mặt tại dinh Độc Lập cho đến 17g chiều ngày 02-05-1975 đã mở trang sử cũ cho chúng ta nhìn một sự thật mà từ lâu chưa ai làm sáng tỏ.
 "Sài-Gòn giờ lâm tử"



SAIGON TRONG CƠN HẤP HỐI 30-4-1975

Nhan Hữu Hậu
(Cựu tù cải tạo trại A-20)

Đã 36 năm qua, hình ảnh Saigon trong cơn hấp hối vẫn còn rõ nét trong ký ức tôi. Giờ đây tôi muốn ghi lại những điều tôi biết, tôi thấy và tôi đã làm chỉ để đóng góp một vài sự kiện trong những giờ phút sau cùng của chế độ dưới cái nhìn trong cương vị một sĩ quan cận vệ của Thủ Tướng Chánh Phủ VNCH.

Chiều ngày 28 tháng 4 năm 1975, tại Dinh Độc Lập, một buổi lễ bàn giao trong đó Tổng Thống Trần Văn Hương, người kế nhiệm Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu vừa từ nhiệm, trao quyền cho Đại Tướng Dương Văn Minh, người duy nhất mà Hà Nội bằng lòng thương thuyết. Chủ tịch Thượng Viện được mời làm Phó Tổng Thống và Thượng Nghị Sĩ Vũ Văn Mẫu được mời thành lập nội các. Buổi lễ trình diện tân nội các được dự định vào sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Tuy nhiên, có những biến chuyển khiến chuyện này đã không thể xảy ra. Sáng sớm ngày 30 tháng 4 năm 1975, tại Phủ Thủ Tướng tọa lạc tại số 7 đường Thống Nhất, diễn ra một buổi họp gồm có Nghị Sĩ Vũ Văn Mẫu, Tiến Sĩ Nguyễn Văn Hảo, cùng một số nghị sĩ, dân biểu, các nhân sĩ có chân trong tân nội các họp với cựu tướng Pháp Vanuxem, đặc phái viên của Tổng Thống nước Cộng Hòa Pháp. Phía bên ngoài phòng khách, tôi còn nhận thấy sự hiện diện đặc biệt của cựu Thủ Tướng chánh phủ lâm thời Nguyễn Ngọc Thơ (tháng 11/1963), Thiếu Tướng Đoàn Văn Quảng, cựu Tư Lệnh LLĐB/VNCH và một số người tháp tùng ông đang trông chờ kết quả cuộc họp bên trong với tâm trạng lo âu, buồn bã. Độ một giờ sau, cựu tướng Vanuxem ra về để lại trên gương mặt mọi người sự thất vọng và lo sợ.

Sau đó Sở Truyền Tin Phủ Thủ Tướng được lệnh lên phòng của Thủ Tướng Mẫu để thu băng một bản hiệu triệu của Tổng Thống Dương Văn Minh. Lời kêu gọi của Tổng Thống Dương Văn Minh được một phóng viên và một kỹ thuật viên âm thanh của Đài Phát Thanh Quốc Gia đưa về đài và cho phát vào lúc 10 giờ sáng và chỉ phát được một lần. Sau đó khi Tổng Thống Dương Văn Minh được phía chiến thắng giải giao về Đài Phát Thanh Quốc Gia thì ông lại bị đẩy vào phòng vi âm thu cuốn băng thứ hai. Cuốn bằng này được phát nhiều lần, trong đó Tổng Thống Dương Văn Minh phải kêu gọi lực lượng còn lại của VNCH buông súng đầu hàng vô điều kiện.

Sau khi Tổng Thống Dương Văn Minh thu băng tại phòng làm việc của Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu xong, ông cùng các vị trong nội các chưa được tấn phong chuẩn bị qua Dinh Độc Lập, có thể là sẵn sàng để chuyển giao quyền hành? Tại phòng khách trên lầu 2 của Dinh Độc Lập, tôi thấy có giáo sư Bùi Tường Huân, các nghị sĩ Vũ Văn Mẫu (Thủ Tướng), Thái Lăng Nghiêm (Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng), Dân Biểu Lý Quí Chung (Bộ Trưởng Thông Tin) và một số người khác. Trong khi ấy, tại phòng làm việc của Tổng Thống Dương Văn Minh có mặt chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh quyền Tổng Tham Mưu Trưởng QL/VNCH và tôi (Nhan Hữu Hậu). Đại tá Vũ Quang Chiêm Chánh Võ Phòng Tổng Thống, Đại tá Lê Thuần Trí Chánh Sở Quân Vụ, Trung tá Võ Ngọc Lân Chỉ Huy Trưởng Liên Đoàn An Ninh Danh Dự thì ngồi trong phòng làm việc của Chánh Văn Phòng Phủ Tổng Thống.

Đại Tướng Minh làm việc một mình trong phòng và không có Chánh Văn Phòng Trương Minh Đẩu cũng như Sĩ Quan Tùy Viên Hoa Hải Đường thường nhật luôn làm việc bên cạnh ông. Thấy vậy, tôi bước đến nghiêm chỉnh và trình:

- Thưa Tổng Thống cần gọi đâu, xin Tổng Thống chỉ thị.

- Em gọi cho qua Thượng Tọa Trí Quang.

Tiếp nhận tờ giấy rời với các số điện thoại chi chít trên tay Tổng Thống Dương văn Minh, tôi gọi Thượng Tọa. Chuông reo một lúc nhưng đầu giây bên kia không có người trả lời. Bên cạnh, một máy điện thoại khác reo, tôi nhắc ống nghe. Từ đầu giây bên kia có giọng nói:
-  Tôi là Thiếu Tá Phạm Châu Tài, chỉ huy trưởng lực lượng phòng thủ còn lại tại Tổng Tham Mưu, cho tôi nói chuyện với Đại Tướng Minh.

Tôi bảo Thiếu Tá Tài chờ tôi trình Tổng Thống. Áp ống liên hợp vào tai, Tổng Thống Dương Văn Minh nói: “Qua nghe đây em”.

- Thưa Đại Tướng, tôi còn quân mà sao Đại Tướng đầu hàng?

- Đã trễ rồi em. Tôi muốn tránh cho dân khỏi chết chóc và Saigon khỏi thành bình địa. Mình phải cứu dân trước đã !

Nghe đến đây, tôi bước ra ngoài trong lúc Tổng Thống Dương Văn Minh đang còn tranh luận với Thiếu Tá Tài vì sao mà ông phải trao chính quyền cho Cộng Sản.


Bước dọc hành lang trên lầu nhìn ra tiền đình Dinh Độc Lập, nhìn thấy hai cánh cổng sắt phía trước đã rộng mở, vũ khí đủ loại và chiến xa của lực lượng phòng thủ Dinh đã được chất thành đống trước bồn nước theo lệnh của vị Tổng Thư Lệnh sau cùng của VNCH. Độ một giờ sau, chiếc GMC chở đầy quân trong các bộ quân phục ngụy trang lẫn lộn, bên thành xe có treo một miếng vải trắng được cột trên cao chạy vào đậu bên trong cánh phải của Dinh, trong tay họ vẫn còn vũ khí cá nhân. Họ chỉa súng vào khoảng không vừa bắn vừa la khóc trong uất hận, rồi xuống xe cởi bỏ áo trận, vất súng ngổn ngang sau đó tự động tan hàng.

Khoảng 12 giờ trưa ngày 30 tháng 4, xe tăng Cộng Sản tiến vào Dinh Độc Lập mà không gặp một sức kháng cự nào, vì cổng chánh đã được mở rộng từ trước. (Chú thích của tác giả: Sau giờ phút này, Cộng Sản đã lợi dụng đêm tối, ngụy tạo cho đóng 2 cổng này lại, ủi sập rồi tuyên truyền đây là hang ổ cuối cùng của ngụy quyền đã bị thanh toán). Kể từ lúc này, tôi không thấy 2 vị Đại Tá Vũ Quang Chiêm và Lê Thuần Trí ở bên cạnh Đại Tướng Minh nữa.

Từ hành lang lầu 2, phía ngoài phòng khách chỉ còn lại Tổng Thống Dương Văn Minh và Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh (vẫn mặc quân phục). Trung tá Võ Ngọc Lân và tôi đứng chờ đợi chuyện kế tiếp diễn ra. Một cán binh mặc áo thun trắng chạy lên lầu hỏi trỏng: “Thằng Minh đâu rồi?”. Hắn hỏi như vậy 3 lần, nhưng Tổng Thống Minh chỉ chắp tay sau đít đi tới đi lui mà không trả lời. Tôi chỉ vào ông và nói với hắn: “Tổng Thống Minh đây nè”. Tên cán binh ngó qua xong rồi chỉ tướng Nguyễn Hữu Hạnh bảo cởi quấn phục ra. Tôi lấy chiếc chemise của tôi trao cho ông mặc tạm.

Như đã nói ở trên, chúng tôi và một phần nội các chưa tấn phong bị gom lại ngồi trong phòng khách có vệ binh canh giữ bên ngoài, ngoại trừ Phó Tổng Thống Nguyễn Văn Huyền đã về nhà bằng phương tiện riêng trước khi xe tăng Cộng Sản tiến vào Dinh. Phần còn lại của nội các và quân, cán, chính phục vụ trong Dinh Độc Lập lúc đó bị giữ ở đâu đó tôi không được rõ, vì không nằm trong tầm mắt của tôi.

Điều đáng lưu ý là nhóm dân biểu đối lập trước đây thường tự xưng là thành phần thứ ba do Dân Biểu Lý Quí Chung đại diện. Ông Chung đã đến trước tên cán binh Cộng Sản tự giới thiệu mình là thành phần thứ ba trong chánh phủ Hòa Hợp Hòa Giải Dân Tộc, nhưng tên cán binh hét lên: “Không có thành phần nào hết, ngồi lại kia”.

Vì chưa được tiếp xúc với đại diện phía bên kia, nên Tổng Thống Dương Văn Minh và chúng tôi vẫn ngồi trong phòng khác dưới sự canh gác chặt chẽ các cán binh Cộng Sản phía bên ngoài. Trời đã xế chiều, bỗng có nhiều tiếng súng nổ từ trong Dinh Độc Lập, chúng tôi được di chuyển xuống tầng hầm, nơi có đặt máy truyền tin để sử dụng khi có biến cố xảy ra, cạnh đấy là phòng dùng làm xạ trường để các cận vệ thực tập tác xạ và một nhà kho dự trữ lương thực phòng khi có biến động. Chúng tôi được đưa lên phòng khách trở lại trên lầu 2 và một cán binh xoa tay giải thích: “Nhân dân vui quá nên đốt pháo ăn mừng?”.

Sau đó, một phái đoàn Cộng Sản khoảng sáu bẩy người ăn mặc thường phục và quân phục lẫn lộn không đeo quân hàm tiến vào phòng khách. Một người mặc thường phục tự giới thiệu với Tổng Thống Minh là kỹ sư Tô Văn Ký, đại diện Thành Ủy đến tiếp xúc và nói vài lời trấn an. Trước khi rời khỏi phòng, ông ta trao cho Đại Tướng Minh hai gói thuốc lá Điện Biên và hai bánh lương khô Trung Quốc. Ông nhận và giao lại cho tôi giữ. Lúc này sự đi lại của chúng tôi bị kiểm soát rất chặt chẽ, ra vào phải có sự chấp thuận của các cán binh canh gác bên ngoài. Đến tối, chúng tôi được phát mỗi người một ổ bánh mì ngọt ăn với đường thẻ. Riêng Đại Tướng Minh được người nhà gởi vào một nồi cơm chiên và một trái dưa hấu. Ông chia sẻ và yêu cầu mọi người ăn chung.

Trong suốt ngày 1 tháng 5 từ sáng đến tối, không có một cuộc tiếp xúc nào hoặc thăm hỏi của phía bên kia, thỉnh thoảng có một nhóm người đi qua ngó vào phòng khách rồi lại đi.

Ngày 2 tháng 5 đến gần trưa, một phái đoàn báo chí Miền Bắc trong đó có cả các hãng truyền thanh truyền hình thuộc khối Cộng Sản Đông Âu vào trong Dinh và họ được nói chuyện với Tiến Sĩ Nguyễn Văn Hảo đầu tiên. Các phóng viên bấm máy lia lịa, nhưng đến khi họ hỏi chuyện thì ông khoát tay: “Mấy anh tắt máy thu băng đi, đây chỉ là một cuộc nói chuyện bình thường chứ không phải là cuộc phỏng vấn. Hòa hợp hòa giải gì các anh. Hòa hợp hòa giải gì mà hai ngày nay không cho người ta súc miệng rửa mặt?”. Sau đó báo chí  truyền thông (tất nhiên là của nhà nước Cộng Sản) bắt đầu dàn cảnh quay phim chụp hình. Chúng tôi được đi rửa mặt chải đầu và sửa soạn quần áo cho ngay ngắn, rồi ngồi vào ghế chụp hình quay phim với lệnh mọi người phải tươi cười để họ hoàn thanh cuốn pim thời sự !!!

Khoảng 5 giờ chiều, tôi và một số người mà Cộng Sản cho là không quan trọng được phát mỗi người một tờ giấy đánh máy nhỏ nói là được trả tự do. Nhìn vào tờ giấy, tôi thấy người ký tên là Đại Tá Vương Thế Hiệp, chánh văn phòng của tướng VC Trần Văn Trà. Trước khi rời khỏi nơi này, tôi đến chào từ giã Đại Tướng Dương Văn Minh, Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu và Tiến Sĩ Nguyễn Văn Hảo. Tôi hỏi ông Hảo có nhắn gì về cho gia đình không, ông chỉ nói: “Em ghé nhà nói với chị là anh vẫn bình yên, kế đó nhờ em ghé nhà báo cho cụ Hương biết là vâng lệnh ông cụ anh đã giữ số vàng còn lại không cho chở ra nước ngoài”.

Rời khỏi Dinh, trước tiên tôi đến nhà Tiến Sĩ Nguyễn Văn Hảo báo tin cho gia đình biết nơi ông bị giam giữ, rồi sau mới đến nhà Cụ Trần Văn Hương, ngôi biệt thự cũ kỹ nằm khuất trong hẻm 216A Phan Thanh Giản và nói lại những gì Tiến Sĩ Hảo nhờ trình cho cụ hay. Nghe xong, cựu Tổng Thống Trần Văn Hương thở một hơi dài nói: “Mấy hôm nay, qua lo quá, đã dặn em Hảo rồi mà không biết nó có làm kịp không. Qua có gọi cho Hảo nhiều lần, nhưng đường dây bị cắt. Qua có nói với nó: ráng giữ số vàng này, đừng cho mang đi, nếu còn kịp thì mua thêm vũ khí đạn dược tiếp tục chiến đấu, còn như không kịp thì số vàng này của người Việt Nam, hãy để lại cho người Việt Nam sử dụng”.

Nhưng hỡi ơi, tình thế đã đổi thay, vận nước đến hồi đen tối, Miền Nam Việt Nam đã lọt vào tay Cộng Sản. Là một quân nhân nhiều năm phục vụ quân đội và phục vụ chính phủ, tôi chỉ biết tuân hành lệnh thượng cấp trong những giờ phút sau cùng và tôi rất hãnh diện khi thi hành xong thượng lệnh và nhiệm vụ. Tôi thiển nghĩ công luận về công hay tội, xin hãy để cho đời sau phê phán.

A20 Nhan Hữu Hậu
Tháng tư 2011


GHI CHÉP THÊM:

Sáng ngày 8 tháng 4 năm 1975, phi công Nguyễn Thành Trung lái chiếc F-5 dội bom vào Dinh Độc Lập. Trái bom phá hủy một lỗ đường kính khoảng 1 mét trước bậc tam cấp dẫn lên lầu 2. Tại Phủ Thủ Tướng, lực lượng phòng tủ đã được tăng cường khi có báo động. Trạm gác ở góc đường Thống nhất Nguyễn Bỉnh Khiêm có binh sĩ Nhảy Dù bố trí tại những vị trí trong yếu, hướng mũi súng về Phủ Thủ Tướng. Tôi lập tức rời văn phòng sang Viện Bảo Tàng trong Thảo Cầm Viên. Tại đây, tôi gặp Thiếu Tá Nghiêm, Tiểu Đoàn Trưởng TĐ12-Nhảy Dù và hỏi lệnh của ai mà ông ấy điều động tiểu đoàn về đây. Thiếu tá Nghiêm cho biết là lệnh của Biệt Khu Thủ Đô. Tôi gọi hỏi từ trưởng phòng 3 đến Tham Mưu Trưởng đều không biết. Tôi gọi cho Trung Tướng Minh và được ông xác nhận: “Lệnh của Tổng Thống. Em trình cho Thủ Tướng biết đi”. Tôi trình cho Thủ Tướng Khiêm. Khoảng 10 phút sau, tôi được Đại Tá Võ Văn Cầm Chánh Văn Phòng của Tổng Thống gọi hỏi: “Hồi nãy toa gọi Trung Tướng Minh làm gì vậy?”. Tôi nói: “Tiểu Đoàn 12 Nhảy Dù đang bố trí chĩa súng vào Phủ Thủ Tướng nên tôi hỏi Trung Tướng để trình Thủ Tướng”. Ông Cầm  nói: “Toa lộn xộn hoài. Từ nay có chuyện gì thì gọi cho moa. Nếu không có thì gọi cho thằng Điền (hàm ý Hải Quân Đại Tá Trần Thanh Điền). Tôi vào trình lại với Thủ Tướng thì ông nói ngay: “Thằng làm tàng hoài”. Sau đó tôi hộ tống Thủ Tướng qua Dinh Độc Lập họp, khi xe đến đường Thống Nhất, tôi thấy chiếc xe díp chở Trung Tướng Trần Văn Minh Tư Lệnh Không Quân theo vào Dinh sau đoàn xe Thủ Tướng.

Đây là những dữ kiện gồm những gì  mà Đại Tá Vũ Quang Chiêm nói với nhà báo Thanh Thương Hoàng. Vì thế cho nên tôi muốn nhân dịp này viết thêm một đoạn có liên quan đến quyền lực chính trị lúc bấy giờ để tùy dư luận phán xét. Trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Thanh Thương Hoàng, cựu Đại Tá Vũ Quang Chiêm nói ở đoạn cuối như sau:

“Còn một chuyện này nữa, ngày 6 tháng 4 năm 1975, anh Võ Văn Cầm có nói với tôi: kể từ hôm nay và trong 3 ngày sắp tới, nếu có biến cố gì xảy ra anh cố điều động lực lượng phòng vệ Dinh (Độc Lập) cố thủ cho bằng được từ cổng vào tới trong dinh trong thời gian chừng độ nửa giờ, sau đó tôi có người lo.Tôi thắc mắc: tại sao lại có chuyện đó. Anh Cầm nói: Có thể có đảo chánh và sẽ có lực lượng Nhảy Dù và Thiết Giáp tiếp cứu”.

Không thấy có đảo chánh xảy ra như chúng ta biết mà sáng ngày 8 tháng 4 năm 1975, phi công Nguyễn Thành Trung thả bom Dinh Độc Lập ./.