16.4.11

Tâm tình của A20 Lê Hoàng Ân



Kính thưa quý vị Niên Trưởng,
Kính thưa quý vị Huynh Trưởng,
Thưa anh em trong trại Trừng  Giới A.20,

Như tôi đã nói trong thư trước, tôi không phải là một văn sĩ, tôi không phải là một thi sĩ, tôi chỉ nói lên những gì tôi cảm nhận được và những gì tôi suy nghĩ mà nói lên mà thôi.

Thời gian tôi trải qua ở Trại Trừng Giới A.20 Xuân Phước quá ngắn ngủi, chỉ có từ ngày bọn VC chuyển toán chúng tôi từ Chí Hoà (có thể là toán đầu tiên), cuối tháng 11/1978 ra Xuân Phước, cho đến ngày chúng thả nhóm 38 người trong đó có tôi, sau hơn 1 tháng chúng giữ làm tôi mọi cho chúng trong khuôn viên doanh trại của chúng (từ tháng 09 chúng ghi trên lệnh tha cho đến gần giữa tháng 11/1981 chúng tôi mới về đến nhà tại Sài-Gòn, trong chuyến đó có Anh Lê Kim Ngân xuống ga Nha Trang, nghe nói tìm cách vượt biên với gia đình rồi mất tích luôn, không kiểm chứng được). Tôi không có dịp hoặc không có cơ hội tham gia vào những sinh hoạt của anh em có tinh thần quốc gia tuyệt vời qua tờ Hợp Đoàn, qua những sinh hoạt văn nghệ chống Cộng ngay trong nhà tù, qua những cuộc chống đối ngầm hay nổi đối với bọn khát máu, nhưng ít ra tôi cũng có những dịp nói chuyện với một số anh em trước khi tôi được chúng thả về. Một số khuyên tôi giữ im lặng vì chức vụ của tôi. Ngay chính Huỳnh Cự cũng bảo tôi là hãy giữ im lặng, vì anh ta biết tôi làm việc tại PTT, đừng nói gì vì nói gì chỉ có hại tới bản thân mà thôi. Trước khi tôi đi Mỹ, vợ chồng tôi có gặp Huỳnh Cự vào khoảng cuối năm 1990 hay đầu năm 1991 tôi không nhớ rõ tại ga Hoà Hưng, Huỳnh Cự có nói với tôi rằng ráng giữ lấy thân, đừng hại vợ con chết theo và chờ ngày đi Mỹ. Do đó, từ trong thời gian tại Xuân Phước cũng như trong những ngày tôi còn ở VN, tôi không mở miệng, và có khi một số anh em nghĩ rằng tôi “không ra gì”. Tôi chấp nhận, bởi vì: “Câu Tiễn lòn trôn”, nhịn nhục ít năm để sau này có thể làm một cái gì đó hay hơn thì lúc đó tính sau. Tôi ngậm miệng, không làm mình nổi bật, và giữ im lặng cho đến lúc chúng thả tôi về. Có lẽ nhờ vậy mà Ngô Văn Ly không tìm tôi trong lúc tôi nói với nhà tôi là Sáu Dzảnh dính lại rồi. Tôi dậy chui tiếng Anh cho những ai muốn xuất ngoại, chính thức hay không chính thức, và chính lúc đó mới là thời điểm mà tôi nhồi nhét vào óc học trò của tôi là phải biết phân biệt ai là bạn, ai là thù. Tôi không làm ăn với bọn công an địa phương như một số anh em chúng ta đã làm vì đồng tiền, vì cuộc sống mà tôi không buộc tội bởi vì hoàn cảnh buộc như vậy. Tôi không muốn dính líu đến tụi  cùi hủi.

Thưa Quý Anh,

Tôi dông dài như vậy là vì tháng Tám năm ngoái 2010, sau gần 20 năm không gặp nhau, gia đình tôi đã gặp lại vợ chồng người em kết nghĩa của tôi là Nguyễn Quang Trình, một trong những người tham gia vào những cuộc chơi đẹp tại Xuân Phước sau khi tôi được tha (!) và trong những ngày gần đây theo như người ta nói Trình còn có đàn đệm cho Vũ Trọng Khải hát trong buổi văn nghệ giúp người nghèo tại VN. Đó là một yếu tố quan trọng mà tôi muốn nêu ra.

Chính vì tôi ngậm miệng, có thể tôi đã nhu nhược sau khi nói chuyện với Huỳnh Cự, trong khi những anh em khác già cũng như trẻ đã có những lời nói, hành động làm cho tôi rất bội khâm phục.

Tôi rất khâm phục những người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà, những anh hùng bất khuất, dù nằm ngay trong ngục tù, đã chứng tỏ cho bọn cộng sản biết là chúng ta không bao giờ đầu hàng chúng cả, dù có phải hy sinh cả tính mạng của chúng ta nữa. Trước ngày quốc hận, chúng ta cũng đã từng đem mạng sống của chúng ta ra đánh đổi trong cuộc chiến, thì lẽ gì chúng ta lại phải cúi đầu sau khi mất chính quyền. Tôi không dùng chữ mất nước, vì nước VN vẫn còn đó, chỉ có chế độ Cộng Hoà là bị tạm thời mất thôi.

Tôi rất khâm phục anh Vũ Văn Ánh, người mà tôi đã từng biết từ PTT, là một trong những người khởi xướng làm tờ báo “Hợp Đoàn” ngay trong trại giam cộng sản mà không sợ bị mất mạng.

Tôi rất khâm phục anh Nguyễn Chí Thiệp đã viết quyển “Trại Kiên Giam” nói lên những tiếng nói của bản thân anh cũng như của các anh em khác trong trại trừng giới A.20.

Tôi rất khâm phục anh Phạm Đức Nhì với bài “Những Tiếng Hát Bừng Sáng A.20” và một số anh em khác như Ngọc Đen, Hải Bầu, Vũ Mạnh Dũng, Vũ Trọng Khải và nhiều anh em khác mà tôi không được biết đến, đã tham gia vào cuộc.

Tôi rất khâm phục anh Phạm Trần Anh, người đã viết quyển “Đoạn Trường Bất Khuất” và mới đây đã viết bài “Thung Lũng Tử Thần” trong trang Quán Lá A.20 thật thấm thía.

Tôi rất khâm phục anh chị Tống Phước Hiến và Lê Thị Xuân đã cho chúng ta thấy cái thối nát của bọn VC qua hai bài viết của Anh Chị.

Tôi rất khâm phục Bố Lê Sáng, vị chưởng môn Vovinam, đã có những lời khuyên và tư cách thật xưng đáng là một vĩ nhân.

Tôi rất khâm phục anh Nguyễn Văn Đèn, người mà tôi có cơ duyên được anh nhận làm em kết nghĩa cùng với Nguyễn Quang Trình, với câu nói bất khuất: “Tôi là một Chiến-Sĩ Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hoà, tôi không chấp nhận sống chung với chế-độ Cộng-Sản. Các anh muốn giết tôi thì cứ giết đi!”, mà chúng không dám giết đấy.

Tôi rất khâm phục Bùi Đạt Trung qua bài “Bông Hồng Trên Vết Dầu Loang” đã thúc đẩy anh em phải làm những gì anh em phải làm.

Tôi rất khâm phục Nguyễn Thanh Khiết đã dựng được Quán Lá để cho anh em A.20 có chỗ dừng chân uống cà phê và cùng nhau tâm sự vào buổi cuối đời. Xin cám ơn Út Khiết.

Tôi rất khâm phục và rất khâm phục nhiều quý anh em khác nữa mà tôi không được làm quen vì tôi về từ cuối năm 1981, nhưng tôi không phải vì không quen mà không khâm phục vì tư cách của quý anh em.

Dù có một số rất ít anh em làm tay sai cho giặc ngay trong trại A.20, hoặc sau khi được thả về thì lại theo giặc, hoặc sau này sau khi sang đến bến bờ tự do lại viết bài nói xấu các anh em khác, chụp mũ này nọ, dù sự thật các anh em khác không phải thế, nhưng số người nói xấu anh em hoặc chụp mũ kẻ khác chỉ ít thôi, không đáng kể, cho nên ta không cần để ý đến những con sâu đó. Những người chuyên đi chụp mũ người khác chẳng qua là muốn đánh bóng cá nhân mình hoặc muốn khoe khoang mình mà vì người ta không thèm để ý đến thì tức tối và làm bậy. Tôi cho chúng là những con sâu bọ nhoe nhoi mà thôi, cứ để dưới đít chúng ta mà thôi.

Tóm lại, tôi rất khâm phục tuyệt đại đa số quý anh em của trại Trừng Giới A.20 Xuân Phước, Thung Lũng Tử Thần, và tôi xin cám ơn tinh thần của quý anh em.

Tình cảm anh em của A.20 thật tuyệt vời, không hổ thẹn là những đứa con chung ưu tú của đất nước Việt Nam tự do, được thể hiện qua Bông Hồng Trên Vết Dầu Loang

Tôi rất hãnh diện có những người anh em như thế, và tôi rất hãnh diện khi ký tên với chữ A.20 đứng trước.

Tôi chỉ tiếc một điều là vì bệnh hoạn tôi có lẽ không tham dự được buổi gặp mặt tại Cali vào ngày 03/07/2011 này được, dù trong lòng rất muốn. Mời các anh vào trang Trại Trừng Giới A.20, Quán Lá, mục sinh hoạt, kéo xuống phần A.20 Houston họp mặt tháng 8/2010 đón A.20 Nguyễn Quang Trình và A.20 Lê Hoàng Ân thì quý anh em sẽ thấy tôi ra sao!!! 71 tuổi đầu với bệnh tiểu đường, bệnh tim, lại vẫn đi làm (12 tiếng ban đêm), ngày nghỉ thì phụ nhà tôi trông hai cháu nội còn nhỏ cho bố mẹ chúng đi làm, rất mệt và rất bận rộn. Nhưng tinh thần tôi sẽ ở bên cạnh quý anh em trong buổi họp mặt lịch sử đó, và tôi xin kính mời quý anh em nào khi có dịp đến TX thì ghé lại nhà tôi chơi, tôi sẽ sẵn sàng tiếp đón quý anh em. Cửa nhà tôi luôn luôn mở rộng đối với quý anh em A.20. Nhờ anh Trần Mạnh Tôn hoặc anh Phạm Kim Minh gửi cho tôi những hình ảnh của buổi họp mặt lịch sử để tôi lưu trữ vào hồ sơ A.20 của tôi. Xin cám ơn.

Tinh thần A.20 bất diệt. Tình cảm A.20 bất diệt.

Xin cám ơn tất cả.

Trân trọng,

A.20 Lê Hoàng Ân
15/4/2011





15.4.11

THUNG LŨNG TỬ THẦN ..!



A20 PHẠM TRẦN ANH



.Tốt nghiệp Học viện Quốc Gia Hành Chánh Sài Gòn VN.
. Biên Khảo Lịch sử và văn hóa  Dân tộc Việt Nam.
. Hội Văn bút Quốc tế.
. Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam.
. Mặt Trận Dân Tộc Cứu Nguy Việt Nam.









THUNG LŨNG TỬ THẦN ..!


Có điều thật kỳ lạ là những trại tù, nơi địa ngục trần gian mà lại mang cái tên thật đẹp nhưng lại rất oái oăm trái khoắy đối với những người tù. Trại tù, địa ngục trần gian mà lại có tên là Xuân Lộc, sau này đến một trại kỷ luật “Trừng giới” nơi có biệt danh là “Thung lũng tử thần” cũng có một cái tên đẹp thật đẹp là Xuân Phước .. quả là tận cùng địa ngục nơi mà có 5 vị linh mục đã chết trong biệt giam và cả ngàn ngôi mộ của anh em tù nhân, nơi mà Võ sư chưởng môn Vovinam Lê Sáng, ký giả Vũ Ánh, nhà văn Đỗ văn Phúc, Đại uý Pháo binh Dù Lê Thái Chân, Phan văn Bàn người tù 30 năm và nhà thơ Vũ Đình Thụy mới ra tù cách đây 2 tháng sau 18 tháng bị bắt làm tù binh và 29 năm 2 tháng 11 ngày vì tội lật đổ chế độ, vị chi tổng cộng là 30 năm 8 tháng 11 ngày. Vũ Đình Thụy là người mới được giải thưởng văn học VASYL STUS “Quyền tự do viết văn 2007” và được mời là Tân Hội viên danh dự của Trung tâm Văn bút Hoa Kỳ/ PEN New England … là những người bị tử thần né mặt nên còn sống đến bây giờ:

Ai đã đến để một đời nhớ mãi
Ai đã qua nơi địa ngục trần gian ..
Ai đã sống những tháng ngày khốn khó,
Thần chết rập rình địa ngục đâu đây ..!


11.4.11

Bóng tối xà-lim




Tưởng niệm những A20 chết trong xàlim Xuân Phước

một thời bi sử bờ Nam bắc
đi trọn kiếp tù rỉ máu chân mây
thân tàn phó mặc cho Trời Đất
đất ở đây mộ huyệt tù đầy

bọn chúng tôi
một đám ma người
đi chân đất buổi khốn cùng số kiếp
trên gai nhọn đá dăm
chân chai hóa thú
chốn quê nhà về lại quá xa
Em có nghe tiếng rừng vô vọng
đời người qua bóng xế trăng lu
phận tù nghiệt ngã đòn thù hận
sống với oan cừu bọn quỷ ma
muốn biến chúng ta thành bầy dã thú
lao nhục kiệt người
khoai sắn cầm hơi
bỗng ray rức nhớ Em
đốm lửa tình yêu
bảo hòa độc dược
trong mưa nấm tình mình thưở trước

khi khẩu hiệu giương cao
không ăn không làm
trại A20 xuống đường bất bạo động
phản đối bọn cai tù đánh hội đồng
những bạn tù chống đối lãng công
tống vào xàlim cùm chéo
nhưng chúng đâu ngờ mọi nẻo
những người lính Miền Nam gan góc
vẫn hiên ngang từ đá sỏi vươn lên

khi đôi chân bị cùm xâu chuổi
lở loét lòi xương đau thốn óc
và ngày tháng dài lê lao nhọc
khi ruột già thiếu sắn khoai
suốt tháng nằm im
không sản xuất chút phân tươi phấn khởi
chuyện tưởng như đùa
nơi địa ngục trần xì

lấy vũ khí mong manh
chọi kẻ thù
Nguyễn Ngọc Điển luận bàn
chuyện chưởng Kim Dung
ngậm ngùi Mộ Dung Phục nước Yên
hóa tàn hóa dại nỗi lòng cố quốc
Nguyễn Bá Tước nhập thiền
mong bảo tồn khí lực
giữa tử sinh cây khô cạn nước

rồi một ngày bị gọi đi tra khảo
cố uống căng đầy một bụng nước dơ
tiểu vào chiếc thau nhôm chứa cứt
chia đều bạn cùm một ngụm
cho cơn khát điên cuồng
ôi muôn năm nước tiểu
thứ hạnh phúc khai nồng
Bùi Đạt Trung thực dụng uống liều
Phùng Văn Triển ậm ừ lấy trớn
giòng rượu nhạt vô ưu cứu độ
mong sống sót
Đỗ Văn Phúc bầm mình khô khốc
im lặng nhớ nhà
nhớ Vũng Tàu xa

Cái Trọng Ty



GIỌT NƯỚC MẮT CHO QUÊ-HƯƠNG

                    

        A20 Tống Phước Hiến
                                                                                                 

.                                                                            
            .. Ðến bao-giờ lấy lại được Giang-san!
                                                                                     Chế-độ nầy trâu ngựa sống không an,
                                                                                      Sài-lang đã dựng xong nền thống-trị.
                                                                                       Ai đứng dậy diệt trừ lũ quỷ ?
                                                                                       Ai trái tim lân-mẫn vạn dân tàn.
                                                                                       Miền Nam ơi, từ buổi tiêu tan,
                                                                                       Ta sống trọn vạn ngàn cơn thác loạn.
                                                                                                                      Nguyễn-Chí-Thiện.

                                                                                                     
          Việt Nam Quốc Dân Ðảng thực sự đi vào đời sống tình cảm, ý chí thuở tôi còn mài miệt sách vở học trò. Khởi đầu bằng bài trần thuyết về Việt Nam Quốc Dân Đảng mà cuộc khởi nghĩa Yên Bái và sự trở về lòng đất Việt của mười ba vị tuấn-kiệt là trọng tâm. Ôi đất-nước oai linh từ buổi hồng hoang đã được bảo vệ và thắm đượm bởi vô vàn mồ hôi, trí tuệ và máu lệ của hàng hàng lớp lớp Tiền nhân hiệt kiệt và chiến sĩ anh hùng vô danh trải dài nối tiếp hy sinh, đấu tranh không ngưng nghỉ ! Giọt nước mắt thán phục, giọt nước mắt cảm kích thân phận quê hương. Giọt nước mắt kiêu hãnh giống giòng oanh liệt từ thời niên thiếu ấy thấm loang trên giấy trắng học trò. Chính giọt nước mắt nầy đã dẫn dắt tôi đến với bạn bè cùng trang lứa đối mặt với quân thù.

          Thế hệ chúng tôi phải đương đầu với lắm kẻ thù. Chúng tôi phải quyết liệt đấu tranh để thắng cái bản ngã thấp hèn  tự tại trong mỗi cá-nhân của kiếp người; phải chấp-nhận thua thiệt mới giữ vững ý thức và trận tuyến.
    

9.4.11

A20 LAU SỸ PHÚC Đã Đến Bến Bờ Tự Do



 
MỘT NẠN NHÂN CỦA VỤ ÁN DÒNG ĐỒNG CÔNG - CỰU TÙ TRẠI TRỪNG GIỚI A 20 XUÂN PHƯỚC - LAU SỸ PHÚC - ĐÃ ĐÀO THOÁT KHỎI NHÀ TÙ LỚN VIỆT NAM




Kính thưa quý vi hữu, quý chiến hữu và quý niên trưởng, 

Sau khi cưỡng chiếm Miền Nam Việt Nam năm 1975, cộng sản Bắc Việt dù không cho đồng bào miền nam tắm máu, nhưng chúng cũng đã tiến hành một chiến dịch trả thù hết sức tàn bạo đối với sỹ quan, hạ sỹ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và gia đình của họ, với chủ trương “NHÀ CỦA CHÚNG: TA Ở, VỢ CỦA CHÚNG: TA LẤY, CON CỦA CHÚNG: TA SAI” nhà nước CSVN đã lập ra hàng trăm trại lao cải khắp các vùng rừng thiêng nước độc để đày đọa và giết lần giết mòn những người mà chúng cho là “có nợ máu với nhân dân”. Tội ác của Hồ Chí Minh và CSVN vẫn chưa dừng lại ở đó, bởi nhằm biến Việt nam thành một quốc gia vô thần, nhà nước CSVN cũng đã tiến hành cưỡng chiếm hầu hết các cơ sở tôn giáo, đền chùa, miếu mạo, nhiều lãnh đạo các tôn giáo cũng đã bị tù đày trong các trại lao cải… mà một trong những tội ác đáng xấu hổ nhất của CSVN đối với đồng bào Miền Nam có lẽ là vụ án Dòng Đồng Công tại Thủ Đức xãy ra vào năm 1987. Cùng với Cha Bề Trên Trần Đình Thủ, các Linh mục, các Thầy Dòng khác đều bị bắt giam với mức án lên đến chung thân. Một trong những nạn nhân của CSVN trong vụ án này- thầy Lau Sỹ Phúc, người vừa đào thoát khỏi nhà tù lớn Việt nam sang tỵ nạn chính trị tại Thái lan. Qua đường dây viễn liên, nhóm phóng viên Phong Trào Phụ Nữ Việt Nam Hành Động Cứu Nước tại Hà Lan đã liên lạc với thầy Phúc và thực hiện cuộc phỏng vấn sau đây:

PV.PTPNVNHĐCN: Xin chào thầy Phúc, tôi là Ngọc Sương, phóng viên Phong Trào Phụ Nữ Việt nam Hành Động Cứu Nước tại Amsterdam, Hà Lan, xin  chúc mừng thầy đã ra khỏi nhà tù nhỏ rồi lại vượt thoát khỏi nhà tù lớn Việt nam.

LAU SỸ PHÚC: Cảm ơn chị Ngọc Sương, trước hết xin được đính chính lại với chị là tôi đã bị trục xuất ra khỏi nhà Dòng, và sau gần 20 năm tù đày lao lý, tôi đã phải trở lại với đời thường, đã lập gia đình rồi, tôi không còn là “Thầy” nữa, xin chị gọi tôi là anh Phúc cho phải lẽ.




Anh Lau Sỹ Phúc và gia đình tại Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc-UNHCR Bangkok, Thái Lan
 
PV.PTPNVNHĐCN: Vâng, thưa anh Phúc, có lẽ độc giả sẽ lấy làm lạ khi nghe thấy tên anh là Lau Sỹ Phúc, bởi trong các tộc họ Việt nam thật hiếm khi nghe đến họ Lau… Xin anh giới thiệu với độc giả của Phong Trào Phụ Nữ Việt Nam Hành Động Cứu Nước sơ lược về nhân thân của anh, được không thưa anh?

LAU SỸ PHÚC: Dạ, thưa chị, thực ra tôi không phải là người Việt thuần chủng mà tôi là con lai. Bố tôi là một quân nhân thuộc quân đội Hoa Kỳ tham chiến tại trong cuộc chiến tranh ý thức hệ tại Việt nam và đã hy sinh đâu đó khi đơn vị của bố tôi giao tranh với cộng quân Bắc Việt khi họ xâm lược Miền nam trước năm 1975. Mẹ tôi là ai thì tôi cũng chưa từng biết, chỉ nghe bố mẹ nuôi tôi kể lại rằng, chỉ mấy ngày sau khi sanh ra tôi thì mẹ tôi đã bị Việt cộng bắn chết vì mẹ tôi làm việc trong một sở Mỹ. Sau khi mẹ tôi qua đời, bố mẹ nuôi tôi đã nhận tôi về nhà nuôi nấng. Vì bố mẹ tôi là người Tàu Nùng nên có họ Lau, vì vậy mà tôi được mang họ của bố nuôi là vậy.

PV.PTPNVNHĐCN: Vâng, thưa anh, thế rồi cơ duyên nào mà anh đã trở thành tín đồ Thiên Chúa Giáo và đã đến với Dòng Đồng Công?
LAU SỸ PHÚC: Dạ, thưa chị, chữ “cơ duyên” mà chị sử dụng ở đây có lẽ là từ ngữ của nhà Phật chị ạ. Theo niềm tin Tông Truyền của chúng tôi thì chúng tôi tin rằng đây là ơn Thiên Triệu chị ạ, tức là ơn mời gọi của Thiên Chúa. Nói nôm na là ý Chúa vậy mà. Dạ, năm lên 6 tuổi tôi được bố mẹ nuôi cho đi học tại trường tiểu học cộng đồng ở địa phương, nhưng tôi không thể học được ở đó vì bố tôi là người Mỹ gốc Phi Châu, nên tôi thừa hưởng từ bố tôi nước da đen và mái tóc xoăn của người Phi Châu, điều này khiến tôi không thể nào chịu được sự miệt thị của bạn bè, vì vậy mà bố mẹ tôi phải gửi tôi vào Dòng Đồng Công để được các Thầy và Các Cha chăm sóc và dạy dỗ từ đấy, tức là từ năm 1974 chị ạ.

PV.PTPNVNHĐCN: Vâng, thưa anh thế rồi anh đã bị bắt giam, bị tù đày như thế nào, mức án bao nhiêu năm, và anh đã ra tù từ bao giờ ạ?

LAU SỸ PHÚC: Dạ, thưa chị, chúng tôi bị bắt giam vào ngày 16 tháng 5 năm 1987. Tôi còn nhớ rõ là vào đêm 15 tháng 5 năm 1987 hàng trăm công an của Việt cộng đến bao vây Dòng Đồng Công của chúng tôi, rồi sáng sớm 16, họ tiến hành lục soát khắp nhà Dòng, rồi bỗng một tên công an hô hoán lên rằng chúng đã phát hiện một cây súng ngắn K54 cất giấu trong nhà Dòng, thế là tất cả chúng tôi cùng Cha Bề Trên bị bắt giam vào khám Chí Hòa, rồi mấy tháng sau chúng tôi bị đưa ra tòa, bị quy tội khủng bố, tội tàn trữ vũ khí trái phép với âm mưu lật đổ chính quyền, nên hầu hết chúng tôi bị kết mức án chung thân, toàn bộ tài sản của Dòng Đồng Công bị tịch biên cả. Sau khi ra tòa, chúng tôi bị chuyển ra trại tù K3-Z30D Xuân Lộc, Đồng Nai, giam giữ một thời gian rồi chúng tôi bị chuyển tiếp đến trại tù A20 Xuân Phước nơi được xem là địa ngục của trần gian, rồi đến năm 1995 khi có cuộc nổi dậy của anh em tù chính trị tại đây thì chúng tôi bị chuyển ra một địa ngục khác ở ngoài Bắc ấy là trại Ba Sao- Nam Hà. Nhiều, rất nhiều an hem chúng tôi đã chết trong các trại tù do bệnh tật trong tình trạng đói khát và không có thuốc men điều trị, số còn sống sót thì nhờ áp lực của quốc tế, CSVN phải giảm mức án của chúng tôi xuống còn từ 18 đến 20 năm, đến đến nay hầu hết đã ra khỏi các nhà tù nhỏ đó rồi. Tôi ra tù từ năm 2003 và bị quản chế tại địa phương cho đến năm 2008, nhưng thực ran gay cả sau thời hạn quản chế đó, tôi cũng chưa bao giờ được một chút tự do nào, chứ nói chi đến quyền làm người.

PV.PTPNVNHĐCN: Vâng thưa anh, điều kiện nào giúp anh đào thoát khỏi Việt nam và tình trạng tỵ nạn của anh hiện thời ra sao ạ?

LAU SỸ PHÚC: Dạ, thưa chị, nói rằng đất nước Việt nam là một nhà tù lớn quả không ngoa chút nào: Chị thấy đi, kể từ khi rời khỏi trại tù Ba Sao-Nam Hà vào năm 2003 cho đến nay đời sống của tôi cũng không khác gì những năm tháng còn ở trong tù, tôi khoog được phép đi khỏi nơi cư trú, không được tham gia bất cứ một hoạt động nào liên qua đến tôn giáo tín ngưỡng thậm chí tôi không được làm bất cứ một công việc gì để mưu sinh, công an khu vực thì cứ liên tục rình mò, theo dõi dường như thể chúng tôi sắp thủ tiêu chế độ cộng sản của chúng đến nơi rồi hay sao ấy. Mang cái án “phản động” như chúng tôi dẫu có muốn đi cày thuê cuốc mướn để đổi lấy miếng ăn cũng chẵng ai thuê ai mướn cho, bởi đâu có ai muốn bị công an sách nhiễu bởi cái tội “ có quan hệ với tù chính trị”. Vậy là Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị Và Tôn Giáo Việt Nam trong nước đã liên lạc với Chi Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị Và Tôn Giáo ở Cambodia và Thái Lan giúp đở cho tôi đường đi nước bước để tôi đào thoát sang Thái lan tỵ nạn. Được đại diện của  Chi Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị Và Tôn Giáo ở Cambodia và Thái Lan tận tình giúp đở nên tôi đã dễ dàng tiếp cận được với cơ quan Cao Ủy Tỵ Nạn Của Liên Hiệp Quốc tại Bangkok để xin quy chế tỵ nạn. Hiện tôi đã được cơ quan này cấp giấy tỵ nạn và bảo vệ quốc tế và tôi đang chờ được phỏng vấn để cấp quy chế tỵ nạn trong thời gian tới đây.
 
PV.PTPNVNHĐCN: Vâng, xin chúc mừng anh với những thuận lợi trong bước đầu. Xin hỏi anh là anh chỉ đến Thái lan một mình hay cùng với gia đình, và hiện đời sống của anh ra sao?

LAU SỸ PHÚC: Dạ, thưa chị, tôi đi lánh nạn cùng nhà tôi và đứa con trai của chúng tôi mới lên 4 tuổi. Ra đi trong thân phận của một người tù bị giam lỏng, may mà được Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị Và Tôn Giáo Việt Nam giúp cho một ít tiền làm lộ phí và cũng nhờ ơn lành Thiên Chúa mà chúng tôi đã đến nơi đến chốn bình an… Chúng tôi phải chờ đợi cho đến khi được phỏng vấn, được cấp quy chế tỵ nạn rồi thì mới được trợ cấp để có thể trang trải cho các khoản tiền thuê nhà, tiền điện nước hàng tháng, chị ạ. Trước mắt thì thật sự là vô cùng khốn khó. Dẫu vậy chúng tôi cũng cảm thấy hạnh phúc trong cơn khốn khó này bởi “Không có gì quý hơn độc lập tự do” mà!

PV.PTPNVNHĐCN: Thưa anh, nhân đây anh có tâm tình gì muốn trao đổi với đồng bào Việt nam ở hải ngoại, với các cựu tù chính trị và tôn giáo Việt nam, và nhất là với cộng đồng quốc tế về tình trạng nhân quyền tại Việt nam, đặc biệt là về những tội ác của CSVN đối với các tù nhân chính trị?

LAU SỸ PHÚC: Dạ, thưa chị nhờ chị, nhờ Phong Trào Phụ Nữ Việt Nam Hành Động Cứu Nước chuyển lời cảm ơn của chúng tôi đến các cộng đồng người Việt Quốc Gia ở Hải Ngoại, đến các Tổ Chức Quốc Tế Nhân Quyền đã quan tâm đến tình trạng vi phạm nhân quyền của nhà nước CSVN, và chính nhờ sự vận động của các cộng đồng người Việt Quốc Gia ở Hải Ngoại, và của các Tổ Chức Quốc Tế Nhân Quyền mà nhà nước CSVN buộc phải giảm án cho các anh em tu sỹ và các Linh Mục Dòng Đồng Công chúng tôi xuống các mức án có thời hạn, nhờ vậy mà hôm nay tôi mới có cơ hội ngồi đây để trao đổi với chị. Tuy nhiên vụ án Dòng Đồng Công vẫn còn nhiều góc khuất, mà nếu không được lên tiếng trước công luận quốc tế thì chắc chắn sẽ chẵng mấy ai biết được những tội ác tày trời của cộng sản và những gian trá của cả hệ thống nhà nước XHCN Việt nam khi đã ngụy tạo chứng cứ bằng cách lén bỏ súng ống, bỏ truyền đơn vào trong Dòng, rồi quy cho chúng tôi tội tàn trữ vũ khí và tài liệu "chống chính quyền cách mạng" rồi bắt bớ tra tấn, nhục hình để bức cung chúng tôi, rồi đày đọa chúng tôi qua nhiều nhà tù với chế độ tù đày quá hà khắc khiến nhiều anh em chúng tôi phải chết một cách oan nghiệt trong đó. Vậy mà vụ án này đã đang chìm vào trong quên lãng, để tội ác của CSVN cứ thế mà tồn tại và phát triển mỗi ngày càng tinh vi hơn càng tàn bạo hơn  đối với cả 90 triệu đồng bào Việt nam trong nước. Tôi tin rằng, những người anh em đồng công của chúng tôi bỏ mạng trong các nhà tù của CSVN sẽ chưa thể an nghỉ, khi chưa ai minh bạch hóa tội ác của CS đối với vụ án Dòng Đồng Công. Nhân đây chúng tôi xin tha thiết kính mong quý cơ quan truyền thông của Người Việt Quốc Gia và của Quốc Tế: Xin  hãy mở lại hồ sơ vụ án oan khiêng này để ghi thêm một tội ác tày trời của CSVN vào lịch sử của dân tộc cũng như lịch sử thế giới.

PV.PTPNVNHĐCN: Xin cảm ơn anh Phúc đã dành thì giờ cho cuộc phỏng vấn của chúng tôi. Thay mặt Phong Trào Phụ Nữ Việt Nam Hành Động Cứu Nước, Ngọc Sương xin chúc anh chị và cháu luôn được bình an và sớm đến được bến bờ tự do để bù đắp lại những năm tháng khổ đau  trong các lao tù của CSVN.

LAU SỸ PHÚC: Dạ, xin cảm ơn chị và Phong Trào Phụ Nữ Việt Nam Hành Động Cứu Nước.

***********

XÁC NHẬN CỦA THƯỢNG TỌA THÍCH THIỆN MINH VỀ CỰU TÙ CHÍNH TRỊ TRẠI TRỪNG GIỚI A 20 XUÂN PHƯỚC LAU SỸ PHÚC

Tôi Thượng TọaThích Thiện Minh, nguyên Hội Trưởng Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị và Tôn Giáo Việt Nam xin xác nhận:

Anh Lau Sỹ Phúc biệt danh là Phúc Mỹ Lai, là cựu tù chính trị hiện anh Lau Sỹ Phúc cùng vợ là Trần Mỹ Vân và  1 người con trai 5 tuổi đang tỵ nạn tại Thái Lan.
Anh Lau Sỹ Phúc bị tòa án cộng sản Việt nam kết án Chung Thân trong vụ án Dòng Đồng Công tại Thủ Đức do Linh Mục Trần Đình Thủ, Cha Bề Trên người sáng lập dòng. anh Lau Sỹ Phúc từng thi hành án cùng với tôi tại trại Trừng Giới A20 Xuân Phước, tỉnh Phú Yên tức Phú Khánh cũ.

Nay tôi xác nhận sự thật về người cựu tù chính trị A20 Xuân Phước Lau Sỹ Phúc.
Kính mong các cá nhân, tổ chức đặc biệt là Ái Hữu Gia Đình A 20 Xuân Phước tạo mọi điều kiện giúp đở để  Cơ quan UNHCR sớm cấp quy chế tỵ nạn và giúp cho anh Lau Sỹ Phúc cùng gia đình sớm được tái định cư ở Đệ Tam Quốc Gia ngõ hầu Phúc và gia đình có thể tránh được mọi hiểm họa có thể đến từ cơ quan mật vụ của CSVN đang hoạt động ở Thái Lan trong mục đích hãm hại người tỵ nạn chính trị.

Số điện thoại liên lạc của Lau Sỹ Phúc là (+66)802 498 035

Thượng Tọa Thích Thiện Minh


(*Quán Lá xin chân thành cám ơn anh Ngô Đắc Lũy đã chuyển đến gia đình A20 tin vui này.)



8.4.11

A20 TRẦN VĂN LONG Đã Đến Bến Bờ Tự Do



MỘT HỘI VIÊN HỘI ÁI HỮU TÙ NHÂN CHÍNH TRỊ VÀ TÔN GIÁO VIỆT NAM: TRẦN VĂN LONG SAU 20 NĂM TÙ ĐÀY ĐÃ ĐÀO THOÁT KHỎI NHÀ TÙ LỚN VIỆT NAM


Từ: Phong Trào Phụ Nữ Việt Nam Hành Động Cứu Nước

Kính thưa quý vi hữu, quý chiến hữu và quý niên trưởng,

Cựu tù nhân Trần Văn Long, một tù nhân chính trị đã trải qua 20 năm trong các nhà tù của cộng sản Việt nam, ra tù đã đào thoát sang Thái Lan tỵ nạn. Từ Nancy, Pháp Quốc, nhóm phóng viên Phong Trào Phụ Nữ Việt Nam Hành Động Cứu Nước đã liên lạc được với cựu tù Trần Văn Long và thực hiện cuộc phỏng vấn sau đây.

 (Ảnh: cựu tù Trần Văn Long và gia đình tại Trung Tâm Tỵ Nạn Bangkok)


PV.PTPNVNHDCN: Xin chào anh Long, thưa anh, tôi là An Khương, phóng viên của Phong Trào Phụ Nữ Việt Nam Hành Động Cứu Nước từ Nancy, Pháp quốc xin chúc mừng anh đã thoát khỏi nhà tù lớn Việt nam. Thưa, xin anh giới thiệu sơ lược với độc giả của Phong Trào Phụ Nữ Việt Nam Hành Động Cứu Nước về nhân thân, được không thưa anh.


CỰU TÙ TRẦN VĂN LONG: Vâng, chào chị An Khương, tôi là Trần Văn Long sinh năm 1958 tại Vĩnh Long, biệt danh Long Rồng, là cựu tù chính trị với bản án chung thân, bởi tội âm mưu lật đổ chính quyền, nhưng nhờ vào sự vận động của Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế và sự can thiệp của các Tổ Chức Quốc Tế Nhân Quyền nên hầu hết anh em chúng tôi được phóng thích sau 20 năm giam cầm, tuy nhiên mang tiếng là được trả tự do, nhưng lại phải ở trong nhà tù lớn với mức án quản chế vĩnh viễn tại gia, tôi có thấy hơn gì đời sống trong nhà tù nhỏ đâu, ấy là lý do mà tôi phải tìm cách để vượt thoát ra khỏi cái nhà tù lớn đó.

PV.PTPNVNHDCN: Vâng, thưa anh, xin anh cho độc giả biết rỏ hơn về những hoạt động nào của anh khiến anh phải bị tù đày, cũng như những nhà tù nào anh đã phải trải qua và chế độ lao tù của CSVN như thế nào ạ?

CỰU TÙ TRẦN VĂN LONG: Dạ, thưa chị An Khương, cũng như hầu hết những người Việt nam yêu nước khác, sau khi Việt Nam Cộng Hòa bị bức tử, sau khi cộng quân Bắc Việt cưỡng chiếm miền nam vào những ngày cuối tháng Tư năm 1975 đó thì không phải chỉ riêng các sỹ quan, hạ sỹ quan và binh sỹ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cùng gia đình của họ chịu sự trả thù hèn hạ của đảng và nhà nước CSVN, mà hầu như toàn thể đồng bào Việt nam từ vĩ tuyến 17 trở vào đều trở thành nạn nhân của nền chuyên chính vô sản CSVN: Sỹ quan, hạ sỹ quan và đảng viên của các đảng phái chính trị tại miền nam thì bị quy thành ngụy quyền bán nước để rồi bị tập trung cải tạo mà không ít trong số họ đã vĩnh viễn gởi lại nắm xương tàn ở đâu đó tại những chốn nước độc rừng thiêng trong các trại lao cải mà đến nay gia đình thân nhân của họ vẫn chưa tìm được mộ phần của họ, còn hầu hết cư dân ở các đô thị thì bị lùa hết ra khỏi nhà, đưa đến định cư tại các vùng kinh tế mới nếu không phải ở những chốn nước độc rừng thiêng thì cũng là những nơi đồng chua nước mặn, để dành cửa nhà và tài sản của họ lại ở đô thị cho những lớp cư dân mới từ các tỉnh thành miền bắc XHCN chi viện vào để giúp làm cán bộ nòng cốt trong chiến lược cải tạo Miền nam và giúp miền nam sớm tiến nhanh tiến mạnh, tiến vững chắc lên Xã Hội Chủ Nghĩa, và với chiến lược đó từng đợt nam tiến cứ nối đuôi nhau đưa hàng triệu gia đình đảng viên CS ở miền Bắc XHCN vào nhuộm đỏ Miền Nam. Rồi tiếp nối là những đợt “Cải Tạo Tư Sản” bằng những chiến dịch đổi tiền, kê biên tài sản và hàng chục ngàn lương dân miền nam lại bị bắt bớ, bị tập trung cải tạo chỉ vì họ có nhiều tiền của, có nhà rộng cửa cao là “thành phần tư sản, là giai cấp bóc lột, là kẻ thù của dân tộc” nên “cần phải được chính quyền cách mạng nghiêm trị”. Đây là khoảng thời gian mà lòng người vô cùng ly loạn và là thời kỳ mà hàng triệu đồng bào Miền nam đã phải vượt biển đi tìm tự do mà không ít trong số họ đã vĩnh viễn nằm lại dưới lòng biển cả. Đó cũng là lúc chúng tôi thành lập tổ chức Nghĩa Quân Phục Quốc với khát vọng giải phóng đồng bào Miền nam khỏi họa cộng sản. Cũng bởi thiếu sự hậu thuẩn từ bên ngoài mà lại nóng vội trong việc phát triển lực lượng, nên tổ chức của chúng tôi đã tạo nhiều sơ hở do vậy mà đến năm 1977 thì tổ chức của chúng tôi bị bại lộ và đến ngày 27 tháng 7 năm 1977 thì tất cả chúng tôi đã bị bắt tại tỉnh Hậu Giang. Sau khi bị bắt chúng tôi bị giam giữ để điều tra thẩm vấn tại trại B4 Trà Ếch, trước khi cơ quan an ninh hoàn chỉnh hồ sơ để đưa chúng tôi ra tòa.

PV.PTPNVNHDCN: Vâng, thưa anh, thế rồi anh và những anh em chung vụ Nghĩa Quân Phục Quốc này bị chuyển ra trại Kiên Giam A20 Xuân Phước từ bao giờ a?

CỰU TÙ TRẦN VĂN LONG:
Dạ, thưa chị, chuyện hơi dài dòng chị ạ! Khi bị tạm giam và điều tra thẩm vấn tại trại B4 Trà Ếch hầu hết cán bộ điều tra là người Bắc Kỳ, được đào tạo nghiệp vụ điều tra thẩm vấn từ các nước cộng sản ở Đông Âu nên chúng tàn ác đến mức không tể nào hình dung nổi, hàng ngày với chiến thuật Xa Luân Chiến, chúng thay nhau tra tấn nhục hình anh em chúng tôi bằng tất cả mọi hình thức tra tấn dã man nhất mà chúng từng được học, để buộc chúng tôi phải khai thêm ra những anh em chưa bị bắt, nhưng vì không ai trong chúng tôi ai chịu khai báo gì thêm, nên việc tra tấn này cứ tiếp tục kéo dài từ tháng này sang tháng khác. Mà chị biết không ngày nào chúng tôi cũng bị treo lên trên xà nhà để chúng tha hồ tra tấn. Rồi một chiều nọ khi anh em chúng tôi vẫn đang bị treo trên xà nhà như thế, các cán bộ điều tra thẩm vấn tạm ngưng tay tra tấn để ra khu thể thao thi đấu bóng chuyền thì Chúa Mẹ đã ban cho chúng tôi phép lạ để cứu chúng tôi: Tôi bỗng nhiên phát hiện sợi dây thừng treo trói tôi bị lơi ra, nên tôi đã tìm cách tuột ra khỏi dây thừng và tôi đã mở dây giải thoát cho tất cả anh em đã bị treo trói cùng phòng, rồi anh em chúng tôi cùng phá khóa cho các phòng giam khác và giải thoát cho hầu hết phạm nhân khác trong trại giam B4 này. Anh em chúng tôi đã vượt thoát ra khỏi trại B4 thuộc khu vực Trà Ếch này suốt một ngày một đêm với nhiều hướng khác nhau trong các khu dân cư của vùng sông nước này nhưng chẵng may, địa hình của vùng Thới Lai, Cờ Đỏ, Phong Điền này quá hiểm trở, kênh rạch quá chằng chịt khó di chuyển nên chỉ sau một ngày bị truy bắt, một số anh em chúng tôi bị bắn chết và cuối cùng những người còn sống sót chúng tôi đã bị bắt trở lại hầu hết và ngay sau khi bị bắt trở lại, chúng tôi bị dẫn giải về khám lớn Cần Thơ tại số 8 Ngô Gia Tự, thành phố Cần Thơ, nơi đây chúng tôi cũng bị nhục hình bị tra tấn hết sức dã man, bởi cơ quan an ninh muốn biết ai là người chủ mưu trong vụ phá ngục và giải thoát phạm nhân này.

Dù bị tra tấn đến thừa chết thiếu sống để bức cung, nhưng anh em chúng tôi cũng chỉ một mực khai cho những người đã chết, nên không ai chịu án tử hình. Nhưng tất cả anh em chúng tôi sau khi ra tòa vào năm 1980, đều phải nhận mức án chung thân và bị chuyển ra và thọ án tại Thung Lũng Tử Thần A20 Xuân Phước, Đồng Xuân, Phú Khánh vào đầu năm 1981.

Cũng tại trại giam A20 Xuân Phước này, chúng tôi được thử rèn cùng các sỹ quan cao cấp của QLVNCH như Thiếu tá Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn Pháo Binh Thủy Quân Lục Chiến Võ Đằng Phương. Trung Tá Vũ Xuân Thông, Trung Tá Nhạc Sỹ Vũ Đức Nghiêm, Đại Úy Bác Sỹ Nguyễn Kim Long…, cùng các đấng Trưởng Thượng, khác như Linh Mục Nguyễn Luân, Linh Mục Nguyễn Văn Vàng, frère Phạm Quang Hồng, Linh Mục Nguyễn Văn Minh, Thượng Tọa Thích Thiên Minh, Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ, Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt, Bác Sỹ Nguyễn Đan Quế,…Đây chính là những người Thầy vĩ đại của những anh em tù nhân chính trị chúng tôi, đã đào luyện chúng tôi và nung đúc ý chí của chúng tôi để không ai chùn bước, không úy kỵ trước uy vũ của bạo quyền cộng sản để dù đang ở đâu cũng tiếp tục công cuộc đấu tranh giành tự do cho quê hương.


Sau 20 năm bị đọa đày trong các nhà tù nhỏ, tôi được phóng thích trở về với nhà tù lớn Việt nam năm 1997 với gia đình hoàn toàn tan nát, cha mẹ qua đời không thấy mặt, anh em ly tán không tông tích, với mức án quản chế tại gia vô thời hạn tôi vẫn âm thầm tiếp con đường mình đã chọn, móc nối lại với các anh em cùng tổ chức trước kia, công việc đầu tiên mà chúng tôi có thể làm được lúc bấy giờ là làm kinh tế để đùm bọc, trợ giúp những cựu tù chính trị và gia đình của họ đang gặp khó khăn do bị chính quyền địa phương bao vây kinh tế cũng như tổ chức thăm nuôi định kỳ các anh em tù chính trị “mồ côi”. Công việc thực hiện được hơn 1 năm thì chúng tôi lại bị chính quyền phát hiện, toàn bộ phương tiện làm kinh tế cũng như tài sản bị tịch biên, tôi bị bắt trở lại, bị tra tấn nhục hình bởi chính quyền CSVN cho rằng chúng tôi làm kinh tài cho Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị Và Tôn Giáo Việt Nam nhằm gây dựng nhân lực và tài lực nhằm âm mưu lật đổ chính quyền.

Sau hơn 1 tháng điều tra thẩm vấn nhưng không khai thác được gì, cơ quan an ninh điều tra bộ công an buộc phải trả tự do cho tôi với án mức quản chế tăng lên là không được làm bất cứ một ngành nghề nào, không được tiếp xúc thăm gặp bất cứ cựu tù nào và muốn rời khỏi nhà để đi khám chữa bệnh đều phải báo, phải trình. Trước đại hội đảng cộng sản Việt nam khóa 11 vào tháng giêng năm 2011 vừa qua và nhất là khi cuộc cách mạng Dân Chủ ở các nước Bắc Phi nổ ra, các cựu tù chính trị chúng tôi lại bị câu lưu, bị tập trung “quán triệt đường lối chính sách của đảng”, chúng tôi lại bị răn đe lại bị sách nhiễu bởi nhà nước CSVN thừa hiểu rằng chính chế độ nhà tù khắc nghiệt của CSVN đã không thể khuất phục được ý chí của chúng tôi, mà ngược lại còn làm cho chúng tôi quyết tâm hơn trong việc đấu tranh để thủ tiêu chế độ cộng sản, giành tự do dân chủ và nhân quyền cho toàn dân Việt.

PV.PTPNVNHDCN: Vâng, thưa anh rồi cơ may nào mà anh đã vượt thoát khỏi nhà tù lớn Việt nam để đến được Thái Lan xin tỵ nạn và tình trạng tỵ nạn của anh hiện thời ra sao?

CỰU TÙ TRẦN VĂN LONG: Dạ, thưa chị, như tôi đã trình bày với chị rằng dẫu ra khỏi nhà tù nhỏ, nhưng tôi lại chịu án quản chế vô thời hạn, cho nên cho đến nay tôi vẫn chưa được nhập hộ khẩu, chưa có bất cứ một quyền công dân nào của một công dân Việt nam, vì vậy mà tôi hiện vẫn là người vô quốc tịch, con chúng tôi sinh ra không được làm giấy khai sinh, nên dầu đến nay cháu đã 13 tuổi rồi nhưng cũng không được học hành. Để chấm dứt tình trạng sống lưu vong trên chính quê hương của mình như thế, Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị Và Tôn Giáo Việt Nam quốc nội đã liên lạc với Chi Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị Và Tôn Giáo Việt Nam ở Cambodia và Thái Lan nhờ giúp đở. Nhờ vậy chúng tôi được hướng dẫn cho đường đi nước bước và đến được Bangkok an toàn và đã trình diện với Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc để xin quy chế tỵ nạn, trước mắt chúng tôi đã được cấp giấy tờ tỵ nạn và đã được bảo vệ quốc tế. Hy vọng tôi sẽ được phỏng vấn và được cấp quy chế tỵ nạn trong thời gian tới.

PV.PTPNVNHDCN: Thưa anh, xin cho biết là hiện nay điều kiện anh ninh và đời sống của anh ở Thái Lan như thế nào ạ?

CỰU TÙ TRẦN VĂN LONG: Dạ, thưa chị, không riêng gì chúng tôi mà ngay cả những người đã được cấp quy chế tỵ rồi cũng luôn bị đe dọa về phương diện an ninh, bởi Thái Lan là một quốc gia không ký công ước 1951 và nghị định thư 1967 với Liên Hiệp Quốc về người tỵ nạn nên cảnh sát di trú Thái Lan luôn xem chúng tôi là dân nhập cư bất hợp pháp và sẵn sàng bắt giam chúng tôi bất cứ lúc nào họ phát hiện ra chúng tôi vì vậy mà chúng tôi suốt ngày phải ở trong phòng và chỉ đi ra ngoài khi thực sự cần thiết. Hiện nay tôi đang ở cùng phòng với gia đình một cựu tù khác cũng vừa đào thoát đến Thái lan vào đầu tháng 2 vừa qua. Về pháp lý thì chúng tôi cũng được một mục sư người Việt đang làm việc cho một tổ chức quốc tế Speak Up For The Poor, hết lòng giúp đở nên mọi công việc đàm luận với Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc cũng không đến nổi quá khó khăn, đời sống vật chất thì tất nhiên là rất khó khăn, nhưng bù lại là chúng tôi đã được thoát khỏi sự kềm kẹp của chế độ cộng sản nên cũng thấy vui lòng.

PV.PTPNVNHDCN: Vâng, thưa anh thay mặt Phong Trào Phụ Nữ Việt Nam Hành Động Cứu Nước, An Khương xin chúc anh và gia đình gặp vạn điều may mắn, sớm được cấp quy chế tỵ nạn và sớm đến được bến bờ tự do để tiếp tục con đường đấu tranh cho tự do dân chủ cho quê hương.

CỰU TÙ TRẦN VĂN LONG: Dạ, xin cảm ơn chị An Khương và Phong Trào Phụ Nữ Việt Nam Hành Động Cứu Nước.





XÁC NHẬN VỀ CỰU TÙ CHÍNH TRỊ TRẦN VĂN LONG CỦA THƯỢNG TỌA THÍCH THIỆN MINH



XÁC NHẬN

Tôi Thượng Tọa Thích Thiện Minh, Nguyên Hội Trưởng Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị Và Tôn Giáo VN xin xác nhận:

Trần Văn Long, sinh ngày 2/05/1958 tại Vĩnh Long,

Án: Chung Thân, địa chỉ cũ khi ra tù: Khu phố 9, phường Tân Biên, thành phố: Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, trước đây có ở tù chung với tôi tại trại A20 (Xuân Phước, tỉnh Phú Yên) và trại Z30A (Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai)

Long là thành viên Hội Ái Hữu Tù Nhân CT và TGVN. Cùng vụ án “Chống phá trại giam” với tôi và BS. Nguyễn Kim Long tất cả đều tăng án. Long là một người tù Chính Trị học lực không cao nhưng có bản lĩnh và tư cách, một người nhiệt thành và trung kiên chịu đựng nhiều năm tháng lao tù và bị cấm cố biệt giam nơi trại thung lũng tử thần. Sau khi ra tù đời sống gia đình khốn bách khó khăn và luôn bị chính quyền o ép, sách nhiễu.

Kính mong các đoàn thể CT xã hội, các nhà hảo tâm, quan tâm giới thiệu, giúp đỡ hay bảo lĩnh để Long sớm được UNHCR cứu xét.

Số Điện Thoại Liên Lạc Của Trần Văn Long: +66859784047, +66859784057

Thích Thiện Minh


(*Quán Lá xin chân thành cám ơn anh Ngô Đắc Lũy đã chuyển đến gia đình A20 tin vui này.)


6.4.11

Đoàn Văn Xường



A20 Kiều Công Cự



Chân Dung Tác Giả





Sinh năm 1942 tại Quảng Nam. Gia nhập Khóa 22 (1965-1967), Trường Võ Bị Quốc gia Việt Nam. Chọn Binh chủng Thủy Quân Lục Chiến khi ra Trường và ở Tiểu đoàn 2, và Tiểu Đoàn 9 từ 22/12/67 đến 30/4/75. Đi tù VC từ 24/6/75 đến 1/4/85. Cùng Gia đình định cư tại Mỹ theo Chương trình HO 22 (22/11/1993). Đã qua tuổi về hưu nhưng vẫn còn đi làm. Rất mong ước có đủ sức khỏe, và đam mê để tiếp tục viết, và dịch những sách Quân sử VNCH.

* * *





Trong Tập san BĐQ số 29, phát hành tháng 5/2010, ở trang 64, có bài thơ “Em, Anh và Cuộc chiến” của Tịnh Nhiên, đã làm tôi xúc động. Bởi vì Đoàn văn Xường là người bạn cùng Khóa cuả tôi mà người con gái này đã quen, đã biết và nhớ rất rõ về cấp bực, chức vụ, đơn vị, và KBC của bạn tôi:

...Gặp được Em, cô bé mới lên mười
Đôi mắt thơ ngây má phúng duyên cười
Trong nhung lụa, em như công chúa nhỏ
Nào ai biết cuộc đời sẽ thay đổi
Rồi một hôm, cao nguyên kéo cờ rũ
Cha cô bé đã nằm xuống cho Cao nguyên
Thương cô bé vành khăn tang khi tuổi vẫn còn thơ...


4.4.11

LỄ TRUY ĐIỆU


LỄ TRUY ĐIỆU CỐ ĐẠI ÚY
NGUYỄN NGỌC BỬU VÀ
5 SĨ QUAN TRỐN TRẠI BỊ GIẾT

*Cố Đại úy Nguyễn Ngọc Bửu khóa 25 trường Võ bị Quốc Gia là một Sĩ quan gan dạ, một cấp chỉ huy thương yêu binh sĩ dưới quyền... (Cựu sinh viên Võ Bị Đà Lạt khóa 23 Nguyễn Trọng Việt)
* “Tôi bị CSVN bắt giam 17 năm, tôi nghĩ rằng mình gặp thương đau và bất hạnh, nhưng qua tấm gương cố Đại Úy Nguyễn Ngọc Bửu và những chiến hữu của chúng ta đã bị quân thù giết dã man thì đấy mới chính là những hy sinh cao cả không thể quên được..” (Phan Tấn Ngưu, Chủ Tịch Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH Nam Cali).


Hiền Tài Phạm Văn Khảm đọc lời cầu nguyện



Châu Đạo California. 15/11/2009 (Hoàng Phúc/SGT) Trong một bầu không khí đầy đau buồn thương tiếc, thân nhân cố Đại Uy TQLC Nguyễn Ngọc Bửu khóa 25 trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt và thân nhân 4 sĩ quan khác đã có mặt tại Châu Đạo California, tọa lạc trên đường Chestnut thuộc thành phố Westminster, tham dự ngày giỗ và lễ truy điệu Cố Đại Úy Nguyễn Ngọc Bửu và 4 sĩ quan đã bị CSVN giết hại trong cuộc trốn trại vào năm 1980 từ trại giam Xuân Phước tỉnh Phú Khánh. 
Hội Ái Hữu trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt đã phối hợp cùng một số Hội Đoàn cựu quân nhân và gia đình những người quá cố tổ chức trọng thể lễ Truy Điệu theo nghi thức Tôn Giáo (Cao Đài) vào lúc 12 giờ 30 ngày 15 tháng 11 năm 2009.  Nghi thức truy điệu gồm có phần dâng hương, Lễ Cầu Nguyện và điếu văn. 
Trong điếu văn, Cựu Sinh viên Sĩ Quan Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt Nguyễn Hàn nhắc lại quá trình nhập ngũ, ra trường gia nhập binh chủng TQLC của Sinh viên Nguyễn Ngọc Bửu cho đến ngày anh được thăng cấp Đại úy chỉ huy một Đại Đội TQLC bảo vệ vùng giới tuyến 17 và từng chạm trán với những đơn vị lớn của CSVN là cả một quá trình dài và căng thẳng trước mưu đồ xâm lăng của tập đoàn CSVN từ miền Bắc, Đại úy Nguyễn Ngọc Bửu đã chứng tỏ anh là một sĩ quan gan dạ, anh hùng cương quyết không chấp nhận để quân thù hành hạ sau ngày 30 tháng 4  năm 1975 cho nên đã tìm cách cùng một số anh em Sĩ Quan khác vượt ngục.  Nhưng không may cho anh và 4 sĩ quan khác không vượt thoát được và đã bị bộ đội và Công an đuổi theo bắn chết trên đồi Ma Hóa.  Ngoài Đại úy Nguyễn Ngọc Bửu còn các sĩ quan khác là Đặng Lý Thông, Nguyễn Duy Đức, Trần Lưu Úy, Nguyễn Hùng Quân và Nguyễn Văn Minh bị thảm sát.  Nhiều năm sau đó thân nhân cố Đại úy Nguyễn Ngọc Bửu và các sĩ quan khác mới tìm được thi thể  các nạn nhân đưa về quê mai táng.
Có mặt tại buổi lễ, ông Phan Tấn Ngưu, chủ tịch Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH Nam Cali ngỏ lời rằng: “Tôi bị CSVN bắt giam 17 năm, tôi nghĩ rằng mình gặp thương đau và bất hạnh, nhưng qua tấm gương cố Đại Úy Nguyễn Ngọc Bửu các sĩ quan khác của Quân Lực VNCH thì sự hy sinh của họ cao quý, đau thương và bất hạnh hơn tôi nhiều và chúng ta sẽ không bao giờ quên đi những tấm gương anh hùng đó...”. 
Một sĩ quan khác ông Nguyễn Trọng Việt khóa 23 Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt kể lại một số kỷ niệm giữa ông và cố Đại Úy Nguyễn Ngọc Bửu trong những tháng ngày cùng chiến đấu bên nhau tại vùng hỏa tuyến và Ông Việt cho biết: Đại úy Nguyễn Ngọc Bửu là một Sĩ quan anh hùng, thương yêu binh sĩ dưới quyền, luôn quên quyền lợi cá nhân cho quyền lợi tập thể binh sĩ dưới quyền chỉ huy của mình. 
Thân nhân cố Đại úy Nguyễn Ngọc Bửu, bà Nguyễn Thị Mừng (chị ruột Đại úy Bửu) cho biết:  Sau khi em bà thi đậu Tú tài toàn phần, gia đình hỏi anh có lựa chọn chưa, hoặc tiếp tục vào Đại học hoặc đi làm?  Anh Bửu trả lời: Đất nước đang có chiến tranh, bổn phận làm trai là phải cứu nước.  Anh đã lựa chọn cho binh nghiệp, đó là vào trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt.  Sau khi ra trường, anh đã lựa chọn binh chủng TQLC và ra ngay mặt trận.  Bà Mừng nói thêm: Cố Đại úy Bửu là một sĩ quan có một tâm hồn cao thượng lấy tập thể Quân Đội làm niềm vui của mình và Bửu chưa có thời gian hưởng hạnh phúc gia đình, anh chỉ mới có người yêu thì thảm họa đất nước ập đến anh cùng nhiều sĩ quan khác bị CSVN bắt giam.  Tính kiên cường, bất khuất anh không chấp nhận kẻ thù đày đọa nên tìm cách vượt ngục cùng đồng đội nhưng người em ruột thịt của bà đã ra đi không bao giờ trở lại với quân đội và gia đình. 
Hiền tài Phạm Văn Khảm, thuộc Châu Đạo California cùng Đại diện gia đình, Hội Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt và một số Hội Đoàn cựu quân nhân khác cùng niệm hương trước bàn thờ Tổ Quốc và Di ảnh cố Đại úy Nguyễn Ngọc Bửu, sau đó dâng lời cầu nguyện hương linh cố Đại úy Nguyễn Ngọc Bửu và các sĩ quan bị thảm sát  cùng ông năm 1980 trong vụ vượt ngục tại trại giam Sơn Phước Tỉnh Tây Ninh. 
Buổi lễ kết thúc vào lúc 4 giờ chiều cùng ngày trong niềm đau buồn thương tiếc những sĩ quan gan dạ của Quân Lực VNCH đã đi vào cõi vĩnh hằng trước vận nước tang thương của năm 1975.

(Tin Saigon Times)



3.4.11

CẶP LỰU ĐẠN "MINI"


A20 Nguyễn Văn Học


       Miền Nam, kể từ đầu tháng tư, trời hình như trở nên nắng gắt, có lẽ để chuẩn bị chào đón mùa mưa sắp tới, đâu đây cũng đã có rải rác một vài cơn mưa sớm.  Những cơn mưa đầu mùa như thúc dục nhà nông thêm tất bật dọn đất, ruộng, cho kịp thời vụ. Suốt một cánh đồng rộng, dài mút tầm mắt, những cột khói đốt đồng chừng như cũng mệt mỏi, rã rời vì nắng hạ, đang uể oải uốn mình bay lên nền trời trong vắt, cánh đồng về chiều bỗng trở nên vắng lặng, khi những người nông dân âm thầm thu dọn đồ đạc trở về.
       Gian quán đầu làng của Bà Ba lần lần đông khách, dân trong làng thường tụ tập vào buổi chiều tà.  Khi công việc đã tạm ổn cho một ngày, trên đường về nhà, họ gặp nhau uống ly cà phê, ly chanh đường giải khát, sau một ngày làm việc vất vả, trao đổi với nhau vài ba câu chuyện thời sự, chiến sự, chuyện làng xóm, chuyện mùa màng v..v.. Một số người có máu Lưu Linh, rủ nhau "lai rai ba sợi" cho ấm lòng, trước khi về nhà dùng bữa cùng gia đình. 
     

Chiếc kẹo nhỏ trong bàn tay người chết


DUY LAM

Tặng Nguyễn Khoa Doánh với lòng tiếc thương vô hạn,
người bạn tù chết tại trại Hà Nam Ninh 1981.


Chiếc kẹo nhỏ trong bàn tay người chết
Nắm không buông như níu kéo cuộc đời
Chiếc kẹo nhỏ trong bàn tay người chết
Người bạn tôi vừa rời bỏ cuộc đời
Chỉ vừa đây trong tiếng rên hấp hối
Anh cầu xin tìm hộ cho anh
Một chiếc kẹo vì anh thèm chất ngọt
Nhiều tháng năm chỉ chờ đợi lúc này
Ý nguyện ấy anh chỉ còn dám nói
Khi thịt da cái lạnh đã ngập tràn
Lũ chúng tôi cùng bạn anh chạy loạn
Trong trại tù miệng rối rít van xin
Một cái kẹo nhanh nhanh cho người bạn
Sắp ra đi mau mau kẻo muộn rồi
Trong tuyệt vọng vẫn thoáng niềm hy vọng
Mang kẹo về kịp lúc anh lâm chung
Đầy hoan hỉ tôi nhìn anh ngắm nghía
Trong bàn tay rộng mở kẹo vô tri
Nụ cười nhẹ trên đôi môi nhợt nhạt
Anh thầm thì ồ thú quá sẽ ăn
Chiếc kẹo này khi khỏe vui chi lạ
Sao nỗi vui chỉ nhỏ bé thế thôi
Rồi anh chết không kịp ăn chiếc kẹo
Nằm lặng yên trong những ngón tay xanh
Chúng tôi liệm anh im lặng nặng nề
Làn vải thô lớp quần áo thuở nào
Khi tôi cậy tay anh bàn tay mở
Chiếc kẹo rơi nằm nhẹ trên ngực anh
Đầy cẩn trọng trong nỗi niềm kinh hãi
Tôi nhặt lên để nhẹ cạnh bát cơm
Bên quả trứng món quà cho người chết
Chẳng bao giờ anh được nếm vị hương
Rồi chúng tôi tất cả đều nức nở
Nước mắt tuôn cứ mãi mãi chẳng ngừng
Khóc cho anh cho chúng tôi tất cả
Biết khi nào đến lượt biết khi nào
Chiếc kẹo nhỏ trong bàn tay người chết
Chẳng kịp ăn khi từ giã cuộc đời.

DUY LAM

(Tin Saigon Times)

Nhạc phẩm: "Chiếc Kẹo Nhỏ Trong Bàn Tay Người Chết"

Thơ: Duy Lam – Nhạc: Xuân Điềm – Trình bày: Đức Tuấn




Anh Xuân Điểm kể về bài tù khúc “Chiếc kẹo nhỏ trong bàn tay người chết”:

“Nhà văn Duy Lam từ Bắc chuyển trại về Nam có tặng bài thơ nội dung nói về cái chết tức tưởi của đại tá Nguyễn Khoa Dóanh là bào đệ của thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam.

Nhà văn Duy Lam là người tù canh giữ trạm xá nơi đại tá Nguyễn Khoa Dóanh kiệt sức đang nằm chờ chết. Hôm ấy, đại tá Dóanh thều thào với nhà văn Duy Lam rằng ông thèm ngậm một viên kẹo trước khi lìa đời. Sau khi tìm được kẹo về thì đại tá Dóanh cầm chặt viên kẹo trong tay tỏ vẻ vui mừng nhưng không ngậm được nữa vì giờ chết gần kề. Khi nhà văn Duy Lam vuốt mặt lần cuối cho người bạn tù thì viên kẹo rơi ra khỏi tay và nằm trên ngực áo, Ôi! Thương thay, đến chết mà ước mơ thật nhỏ bé cũng không thành sự thật”. (Xuân Điềm)