10.9.12

Trại Kiên Giam – Nguyễn Chí Thiệp: Chương 16




 Chương Mười Sáu

Phải trải qua một giai đoạn khó khăn hơn nữa trong đời tù nhưng tôi thật dửng dưng - không còn lo lắng như những lần chuyển trại khác, cũng không còn sợ gì nữa, đã hơn 11 năm trong tù, bẩy năm hai tháng ở trại Kiên Giam Xuân Phước. Trong đời tôi chưa bao giờ ở một nơi lâu như vậy; di chuyển đến một nơi khác cũng là một sự thay đổi cần thiết. Tôi cố nhìn tất cả cảnh vật hai bên đường đi qua, lần đi đến trại năm 1979 ngồi trong xe bít bùng không thấy gì. Con đường này trước đây tôi đã từng đi lại lúc làm Phó Quận trưởng Đồng Xuân này. Dân chúng làm nhà ở san sát hai bên lộ, xen lẫn đám nhà tranh lụp xụp là những ngôi nhà ngói kiểu bánh ích hai mái ngói và hai chái gần bằng nhau, đó là nhà của những cán bộ Cộng sản địa phương, được đãi ngộ ưu tiên mua vật liệu để làm nhà ngói; ngói và gạch mua của trại cải tạo do chúng tôi làm ra. Cộng sản đãi ngộ đảng viên và cán bộ của họ tận tình, dành mọi ưu tiên nên mức sống cán bộ và đảng viên cách biệt với nếp sống của dân chúng rất xa. Họ chủ trương làm cách mạng để xóa bỏ giai cấp, nhưng thật sự là tiêu diệt thành phần đối lập và tạo nên một giai cấp đảng viên, giai cấp của người cầm quyền, bất công hơn bất cứ xã hội nào khác trong lịch sử từ trước đến nay, kể cả chế độ phong kiến.

Trước kia con đường từ Chí Thạnh lên quận lỵ La Hai và con đường từ quận lỵ La Hai lên đến trại Lực Lượng Đặc Biệt Đồng Tre thường mất an ninh, mỗi lần di chuyển vào trong các ấp chiến lược mới cảm thấy được an toàn.


Cảnh vật đã thay đổi nhiều lắm, không còn vết tích gì của thời chinh chiến. Nắng buổi chiều chiếu nghiêng nghiêng trên những sườn đồi xã Xuân Quang đã phủ màu xanh, nổi bật lên những đoàn người đi làm việc đồng áng trở về. Khuôn mặt người nông dân Việt Nam lúc nào cũng khắc khổ, chiến tranh đã chấm dứt hơn 12 năm rồi, dân chúng chưa có niềm vui, mọi người không dấu được nét ưu tư lo lắng. Chỉ có những đứa bé chăn trâu, bò, chưa biết nghĩ là còn vui được. Có đứa đứng hẳn lên lưng con trâu giang hai cánh tay khẳng khiu ra để làm thế thăng bằng, thân hình trần trụi hiện rõ những chiếc xương sườn và xương vai trên nền da mốc thếch, những đứa khác thấp lè tè dưới cái mông của con bò chúng chăn. Thỉnh thoảng chuyền cho nhau điếu thuốc quấn nguyên lá to bằng ngón tay cái. Những đứa nhỏ này không đi học, mỗi ngày đi giữ trâu bò cho hợp tác xã để nhận 5 điểm công. Lúc nhỏ tôi cũng ở nhà quê, nhà tôi cũng không khá giả lắm nhưng tôi cũng không phải cực khổ lăn lộn với cuộc sống lúc tuổi trẻ thơ, làng quê trong thời chiến không có trường học, suốt ngày tôi chỉ câu cá, bắt chim, đá dế. Sau tôi hơn 30 năm, đất nước thanh bình, đám trẻ này vẫn không được đến trường học, tôi cảm thấy xót xa. Tôi nhớ trong một cuốn sách, Lenine bàn về tuổi thơ, ông ta nói là cách mạng vô sản sẽ làm cho những đứa trẻ thành những Hoàng tử và Công chúa. Tôi cũng nhớ là ông Hồ Chí Minh cũng cóp lại ý đó và viết trong bút ký của ông; nhưng kết quả hoàng tử và công chúa đâu không thấy, chỉ thấy những em bé xơ xác, thân thể gầy guộc phải bỏ học đi làm kiếm ăn ở tuổi lên mười. Ở Sài Gòn có cung thiếu nhi ở phủ Phó Tổng Thống cũ. Cung thiếu nhi để cho các hoàng tử và công chúa đến vui chơi, nhưng chắc những hoàng tử và công chúa đó phải là con của những đảng viên cao cấp, Ủy viên Trung Ương Đảng trở lên.

Đời sống nông dân quanh trại tù Xuân Phước cũng bày ra bao nhiêu cảnh thê thảm.  

Những nông dân bám trụ trong chiến tranh là những người nuôi sống “kháng chiến quân”, những du kích quân tay súng tay cầy chống lại quân đội Cộng Hòa, họ là những người chịu đựng gian khổ nhất, bom đạn trút lên đầu họ ngày đêm, không có gia đình nào không có người chết trong cuộc chiến. Có những gia đình con cái trẻ trung chết hết chỉ còn người mẹ già. Mẹ chịu đựng gian khổ trong chiến tranh, hòa bình trở lại mẹ vui không được bao nhiêu ngày, rồi mẹ vẫn tiếp tục sống quãng đời còn lại trong tăm tối

Tù bị cấm tiếp xúc với dân chúng chung quanh vùng, dù dân vùng quanh trại là dân được chế độ tín nhiệm, dân vùng mật khu Kỳ Lộ đã ở trong vòng Việt Cộng kiểm soát từ năm 1965 không có hoạt động của chính quyền Cộng Hòa. Họa hoằn một vài lần gặp các người đi làm rừng băng qua trại, tù mới trao đổi một vài câu chuyện ngắn ngủi. Một lần, một mẹ già nói với chúng tôi: “Gia đình mẹ có ba đứa con bị lính Cộng Hòa bắn chết, nhà của mẹ bị đại bác bắn sập, nhưng mẹ không giận các con, chỉ tại chiến tranh, mẹ tưởng hòa bình rồi mọi người bớt khổ, mẹ không ngờ hòa bình rồi các con lại đi cải tạo, mẹ thì vẫn khổ, ai sướng đâu thì mẹ không có thấy, trước kia mẹ đã đau đớn khi con mẹ chết, mẹ hiểu cha mẹ các con hiện tại đau khổ như thế nào khi các con ở tù mãi không có ngày về.”

Tình cảm con người Việt Nam chan hòa, mọi người biết thông cảm tha thứ cho nhau. Người Việt Nam không có hận thù sâu đậm. Chỉ có những người vong bản đem lý thuyết hận thù ngoại lai áp đặt, gán ghép truyền bá trong dân chúng. Lòng hận thù đó không tồn tại lâu dài trong con người Việt Nam.

Những người mẹ già cô độc mỗi ngày phải cầm dao vào rừng đẵn cây, chặt củi kiếm ăn. Những đứa trẻ đi thọc ổ kiến vàng lấy trứng nấu canh cho bữa ăn sắn, khoai của gia đình. Những thiếu nữ đi cắt rau dại đổi một lần giao hợp với tù hình sự trong nhà lô vào buổi trưa để lấy một bánh xà phòng 72% dầu, một bộ quần áo tù đổi hai lần giao hợp và 10 đồng bù thêm. Tôi đã thấy nhiều cảnh cơ cực của người dân quê Việt Nam thời chinh chiến, bom đạn dội trên đầu hàng ngày, chết chóc như cơm bữa, nhưng họ không bị cái đói đè nặng ám ảnh như hiện tại. Vừa công tác lao động tập thể vừa tranh thủ giờ làm việc riêng mà không đủ sống. Những nhà hai bên đường đi còn có những đứa trẻ bụng ỏng đít teo, mũi lòng thòng, mắt toét không đủ áo quần mặc giống như thời kỳ trước năm 1950 khi các làng mới hồi cư. Xã hội quay trở lại 40 năm, ai chịu trách nhiệm, nếu không phải là ông Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản Việt Nam? Bao nhiêu chục triệu người chết, bao nhiêu triệu gia đình tan nát để đổi lấy một đất nước thê thảm như vậy sao?

Ngã ba Chí Thạnh đã trở thành khu thị trấn của huyện Tuy An, trời nhá nhem tối, xe ngừng lại để ăn cơm. Lần đầu tiên sau hơn 11 năm tù mới được uống một ly trà đá. Ngon tuyệt vời. Nước lạnh đến đâu thấm mát cả cơ thể đến đó. Tỉnh Phú Yên vẫn dư thừa lúa gạo bán ra các tỉnh khác mà không cần nhập lúa gạo miền Nam. Khởi đầu sau khi chiếm miền Nam, Việt Cộng thi hành chế độ kiểm soát lương thực, thu mua lúa và thuế nông nghiệp. Thuế đánh trên 70% trị giá sản xuất, nhà nước chỉ cho phép mỗi nhân khẩu giữ lại 15 kg thóc mỗi tháng. Còn bao nhiêu phải bán với giá quy định, mười lăm ki lô thóc mỗi đầu người mỗi tháng, qui ra chưa được 10 kg gạo nên nông dân đói và ăn độn quanh năm. Sau khi tất cả phải vào hợp tác thì nhà nước qui định chế độ bình công chấm điểm, đời sống nông dân càng tồi tệ hơn, nông dân quần quật làm suốt ngày công điểm cũng không được qui định cao bằng cán bộ quản lý, mỗi hợp tác xã nông nghiệp phải gánh một số cán bộ đảng viên không sản xuất. Sản phẩm sau khi thu hoạch trừ các khoản phí tổn, thuế khóa, đóng góp nghĩa vụ, những khoản giao tế, lễ lạt đón tiếp phái đoàn. Cuối cùng người nông dân không còn được chia bao nhiêu trên sản phẩm chính họ làm ra.
Sau đại hội kỳ 5, chế độ khoán sản phẩm được áp dụng, phần ruộng cấy giao về cho mỗi gia đình dựa trên nhân số lao động. Trên lý thuyết người nông dân đáng lẽ khá hơn, nhưng thực tế họ vẫn đói, nông phẩm thu hoạch cũng vẫn chạy vào túi của cán bộ bằng nhiều cách. Ngoài việc phải trả tiền thuế, tiền thuê đất, nông dân phải trả tiền thuốc trừ sâu, phân bón, tiền công dẫn nước tưới ruộng. Người nông dân phải trả tiền mua các loại thuốc không đúng giá qui định. Được mua 10 bao phân giá 20 ngàn một bao, lãnh phiếu cung cấp đến kho nhận chỉ nhận 8 bao với giá 22 ngàn một bao, nếu không chịu thì có khi phải chờ đến mùa sau. Thuốc sát trùng chưa được cấp phát, vì thủ kho cũng có quyền vô giới hạn, mua thuốc sát trùng cũng phải hối lộ mới có, nếu không phải chờ đợi. Chưa kể phân bón và thuốc sát trùng đã quá hạn không còn phẩm chất, vì hệ thống phân phối quan liêu dầy đặc, luôn luôn trễ nải, hệ thống kho vựa yếu kém, không bảo vệ được sản phẩm tốt, nhưng trời mưa đất chịu, các cơ quan làm theo giấy tờ, các cơ quan của nhà nước độc quyền, có đảng lãnh đạo, dân chúng kêu ca vào đâu được.

Nếu không hiểu tường tận đời sống của nông dân và những gì họ phải chịu đựng, thì không thể nào một người ở ngoài có thể hiểu được tại sao nông dân Việt Nam đói, khi họ đi dọc theo quốc lộ số 1 vào đến Sài Gòn, nơi đâu cũng thấy những đoàn nông dân chăm lo cầy sâu quốc bẩm, nơi đâu cũng thấy hai bên đường cây xanh bóng mát và những ruộng lúa xanh đến tận chân đồi núi phía xa. Xe lên đỉnh đồi Cả khoảng hơn 8 giờ tối, trăng lung linh phủ lên vạn vật một mầu tím nhạt, lưng núi đá Vọng Phu mờ ảo hiện sừng sững trên nền trời trong. Bầu trời thật cao và xanh vắt, tinh khiết, thỉnh thoảng có một vài đám mây mỏng như tơ trôi chầm chậm thản nhiên, mặt trăng cao và nhỏ lại, ánh sáng làm mờ những hạt sao lưa thưa. Biển phẳng lặng trong xanh biên biếc in rõ những vùng có đá ngầm đen thẫm. Tôi rùng mình vì lạnh, cái lạnh se se thấm người, trăng càng sáng càng lạnh. Hơn 11 năm trong nhà giam, đêm nay mới được nhìn thấy một đêm trăng sáng bao la trọn vẹn. Trong tù nằm cạnh cửa sổ mới được nhìn thấy một mảnh trời đêm qua lưới cửa đan bằng dây kẽm gai dây thành ô, cạnh chưa quá 5 phân. Cứ mỗi lần trăng sáng là tôi rạo rực muốn đi. Thuở nhỏ cứ mỗi đêm trăng, sau giờ học tối, chúng tôi vài đứa bạn rủ nhau đi lang thang hết những con đường vắng trong thành phố ra đến bãi biển Thanh Bình Đà Nẵng ngồi ngắm cảnh trăng sáng và mầu nước xanh trắng loang loáng. Lớn lên một tý, thấy ngọn núi Tiên Sa và đèo Hải Vân chắn ngang tầm nhìn của mình, chúng tôi rủ nhau đạp xe qua bãi biển Mỹ Khê để nhìn hết cái bao la huyền hoặc của biển cả những đêm trăng sáng, mơ ước lớn lên sống đời lãng mạn của một thuyền trưởng của một tầu viễn dương. Thuở đó, mỗi đứa đều ôm ấp trong lòng hình ảnh một cô bạn học cùng trường, ngồi nhắc về người con gái mà mỗi đứa thầm yêu, đứa nào cũng muốn bạn mình nói về người con gái mình thương mến, cứ thế mỗi đứa chúng tôi nuôi một tình yêu đơn phương và làm thơ, không bao giờ tìm hiểu là cô bạn có yêu mình không, và cũng không tìm cách thổ lộ tình yêu. Lớn lên mỗi đứa mỗi hoàn cảnh rồi lập gia đình với những người con gái khác, nhưng mỗi lần gặp lại nhau là một lần nhắc lại với nhau về những người con gái thời bé và nhiều khi thấy tức vì không có một đứa nào tìm cách tiến xa hơn trong tình yêu đầu đời. Mới đó mà đã gần 30 năm, từ khi rời Đà Nẵng, xa bạn bè, lần ra đi xa nhà đầu tiên, tưởng về sẽ gặp lại tất cả, nhưng cuộc đời cứ trôi theo dòng, chúng tôi cứ xa mãi biền biệt, mà cho dù có dịp về thì cũng không bao giờ gặp đủ bạn bè của thời trẻ thơ ước mơ. Tôi bỗng nhớ bạn, Giao, Dũng đã chết, Thu, Phụng, Sử, Côn đã đi xa, đứa du học, đứa chạy di tản, có đứa nào phải chết trong tù không? Tôi nhớ Thu Hà, người con gái thuở bé thơ đó, nhớ thật tha thiết. Những buổi đi học về cùng đường, những buổi chào cờ đứng trong hàng nhìn nhau không nói. Đi xa rồi không có dịp gặp lại. Mỗi lần nhớ thấy lòng rưng rưng. Nàng đã theo gia đình di tản ra nước ngoài. May mắn cho nàng thoát được cảnh làm vợ người đi cải tạo. Bất giác quên thực tại là một người tù bị còng tay vào thành xe đang di chuyển, tôi nói:

- Trăng đẹp quá, nên ngừng lại một lát để nhìn cảnh đẹp, mấy khi được qua đèo Cả vào một đêm trăng như thế này.

Tên cán bộ hướng dẫn nói như châm chọc tôi:

- Anh có tâm hồn thi sĩ quá, chắc anh làm thơ nhiều lắm.

Tôi rất thật thà đáp:

- Tôi yêu thơ, tôi thuộc nhiều thơ kể cả thơ chữ Hán và thơ Việt Nam, lúc nhỏ tôi có làm thơ, nhưng thơ của tôi dở hạng bét nên tôi không tiếp tục.

Hắn tiếp theo như không nghe lời tôi nói:

- Tôi nghĩ là anh còn làm nhiều thơ, vào trại anh còn làm thơ mà?

Tôi vẫn thành thật nói:

- Đó là điều tôi rất tiếc, sống trong cảnh tù đầy như tôi mà không làm được thơ là một sự uổng phí lớn, giá như làm được một vài bài thơ hay thì cũng đủ trả giá cho một đời người.

Hắn tiếp tục theo ý hắn:

- Anh còn làm báo nữa phải không?

Tôi đáp:

- Những bộ môn về văn tôi đều thích nhưng không làm được gì, lúc nhỏ học môn gì cũng khá trừ ra Văn là kém.

Tên cán bộ ngồi cạnh nói theo:

- Sợ anh chưa thành khẩn trong lời nói.

Tôi thấy từ ngữ thành khẩn quá vô duyên trong lúc này, nó kéo tôi trở lại thực tại tôi là một người tù đang bị xích một tay vào thành chiếc xe jeep đang di chuyển với 4 tên công an, trong đó hai tên cầm hai khẩu AK sắt thép đen sì. Tôi tiếc đã đối thoại với những tên Cộng sản để làm mất đi cái cảm giác êm đềm như được hòa mình với cảnh thiên nhiên của một đêm trăng sáng tuyệt vời. Không tranh luận vô ích, tôi ngước nhìn trời cao và biển xa. Trăng vẫn sáng, trên bầu trời trong xanh và biển vẫn lặng, loang loáng ánh sáng trên những lượn sóng bạc đầu, in rõ đậm nhũng hòn đảo ngoài bờ biển tỉnh Khánh Hòa. Tôi nghĩ cuộc đối thoại vừa qua thật vô ích, những lời nói làm hoen ố cái đẹp, như một bức danh họa bị một tên vô lại ném một cục bùn vào.

Chúng tôi được đưa về trại giam Nha Trang ở đỡ 2 ngày, hôm đó là tối thứ sáu. San và tôi ở hai phòng khác nhau. Người giám thị, một trung úy công an bảo chúng tôi để hành trang ở văn phòng, hắn nói nếu đưa vào phòng sẽ bị tù cũ lột sạch và không chừng còn bị đánh. Mỗi phòng đều có một người tù cầm đầu gọi là Đại Bàng và một đám em út phục dịch và bóc lột người khác. Tôi ngạc nhiên vì tôi từng ở những trại tạm giam của Cộng sản, trước kia không hề có tình trạng này. Thời đó, tù rất sợ cán bộ, nhất là tù hình sự. Công an coi tù làm việc rất nghiêm túc. Sự thay đổi này nói lên là tù hình sự đã không còn sợ công an nữa, hoặc là khinh nhờn, hoặc là cấu kết bè cánh với nhau như ở nhà tù thường phạm trong chế độ cũ. Mặt khác chứng tỏ bọn công an không còn làm việc nghiêm chỉnh nữa, họ biết có nạn đại bàng, có nạn tù cũ hiếp đáp tù mới vẫn không giải quyết, chứng tỏ tinh thần làm việc sút kém và không còn tin tưởng vào tổ chức hay lý tưởng như trước. Sự suy sụp tinh thần của cán bộ là điều suy thoái đáng kể của một chính quyền được gọi là Cách Mạng, và kỷ luật sắt như chính quyền và đảng Cộng sản.
Thời kỳ những năm đầu, ở các trại giam, mỗi ngày hai lần điểm danh, người giám thị đi vào phòng xem xét từng khoảng chấn song, từng khoảng tường như sợ tù nhân chui lọt ra ngoài bằng những lỗ kim, lúc đó tôi vẫn thường nghĩ, nếu người công chức, cán bộ của chính phủ VNCH làm việc cần mẫn như vậy thì không làm sao mất nước. Bây giờ cán bộ Cộng sản chỉ mở cửa phòng, trong nhà tù giao khoán cho đại bàng, tự do đánh đập bóc lột tù và phân phối mọi việc. Ở đâu cũng diễn ra những dấu hiệu báo chế độ Cộng sản đã suy tàn có thể bị đánh bại được, do đó vấn đề trở lại là làm thế nào để kiện toàn lực lượng đối kháng.

Bước chân vào phòng, cửa sắt vừa đóng lại, mới dợm bước thêm vào bên trong thì một người thanh niên nằm ngay cửa ngồi dậy chận tôi lại, hắn nói với một người nằm xây mặt vào: “Thưa anh hai, có khách mới”, người đó không cần quay ra, chỉ nói: “Làm việc đi”. Thêm một người thanh niên nằm giường phía đối diện nhảy lên, nắm cổ áo tôi lôi, tôi phản ứng tự nhiên ghịt lại, thì hắn đẩy tôi ngã sấp xuống cái giường đầu tiên. Lúc đó người thanh niên thứ nhất la lên: “Anh hai, ông này là tù ở trại Xuân Phước về”. Tiếng la đó làm nhiều người nhỏm dậy, người thanh niên được gọi là anh Hai cũng chống tay ngồi lên.

Tôi nhìn cánh tay thật lực lưỡng, khuôn mặt thật trắng của người thanh niên xoay ra, tôi đoán hắn chưa đến ba mươi. Khi hắn bắt đầu di chuyển qua cái giường đến bên cạnh tôi, tôi mới thấy hai cái chân khẳng khiu. Di chuyển đi lại nhờ vào hai cánh tay nở nang quá khổ. Hắn dịu giọng: “Mời chú ngồi, chú ở trại Xuân Phước là tù có án hay tập trung cải tạo.”

Tôi không ngờ cái dấu trại Xuân Phước đóng sau cái áo tù của tôi có ảnh hưởng quan trọng trong đám tù nhân ở trại giam Nha Trang này. Tôi đáp:

- Chú tập trung cải tạo.

Hắn hỏi tiếp:

- Chú cấp bậc gì mà chưa được về?

Để dễ hiểu và khỏi dài dòng về cấp bậc hành chính, tôi nói cấp bậc quân đội.

- Chú là Trung úy biệt phái.

- Chú nói dối, chắc chú Trung tá mới lâu như vậy, tụi cháu tưởng sĩ quan ngụy về hết rồi.

- Còn nhiều lắm, còn nhiều người Thiếu úy vẫn chưa về.

Có nhiều tiếng nhao nhao lên:

- Thiệt hả chú, bên ngoài ai cũng nói cải tạo về hết rồi, chỉ có những người ác ôn mới không về, chú có ác ôn không?

Tôi cười nói thân mật.

- Các cháu thấy chú có ác ôn không?

Một người nói:

- Trông chú hiền quá, sao chú ở tù lâu vậy?

Tôi nói đùa:

- Hiền lành mới ở tù lâu. Tù không thích hợp với người hiền.

Người thanh niên đại bàng la lên:

- Tụi bay hỏi nhiều quá, để từ từ chú nói chuyện có được không, chú uống cà phê hay uống trà, chú ăn mì nhé?

Tôi chưa kịp trả lời thì hắn đập vào người thanh niên ngồi bên cạnh:

- Đ.M., có nghe tao nói không mà ngồi đó, đi nấu nước pha cà phê và làm mì nghe chưa.

Hai ba người thanh niên đứng lên, kẻ đi lấy một cái đèn làm bằng lon nhôm nấu bằng dầu hỏa, người đi soạn lấy mì gói và cà phê. Trong nhà tù mà họ sống đầy đủ, nấu nướng bằng đèn dầu hỏa. Trước kia chúng tôi cũng có nấu lén bằng cách đốt bao plastic gói đồ thăm nuôi. Trong lúc tôi ăn mì, uống cà phê cố giữ cho khỏi phải ăn uống hỗn như người đói, nhưng họ cũng nhìn ra tôi ăn quá ngon và quá nhanh, hơn 11 năm mới uống lại ly cà phê nóng - Ngon lắm.

- Trại đói lắm hả chú, ăn toàn khoai mì phải không, trại A-20 không được mang giày dép đi làm phải không và chỉ được tắm có hai lần một tuần hả chú, làm sao sống được hả chú?

Tôi đáp:

- Các cháu biết cả rồi, còn làm sao sống, thì chú vẫn còn sống đây.

- Tụi cháu ở ngoài đời nghe nói mà không tin, nhưng tụi cháu sợ lên trại A-20 lắm, tụi cháu đang chờ đợi đi trại lao động, không biết đi đâu, nghe nói trại A-30 dễ chịu hơn.

Tôi nói với họ đi trại A-20 hay A-30 tùy mức án. Trại A-30 là trại thuộc tỉnh, chỉ giam tù án dưới 10 năm và tù vượt biên nên chế độ quản lý dễ dãi hơn, trại ở giữa đồng bằng Tuy Hòa nên được tương đối no đủ vì canh tác được lúa gạo. Người thanh niên đại bàng kể cho tôi nghe hắn bị án 20 năm tù vì tội đâm chết một người bạn khi cãi nhau trong một ván cờ tướng, hắn đã ở tù 7 năm, được đưa đến nhiều trại cải tạo nhưng không được nhận vì tàn tật teo hai chân từ nhỏ. Hắn nghe đồn về trại Xuân Phước nên sợ phải đến đó. Hắn hỏi:

- Chú ở trại A-20 có thấy ai bị tàn tật như cháu bị đến đó không?

Tôi đáp:

- Bị tàn tật khi tới thì không có, nhưng ở lâu rồi bị tai nạn lao động, hay bị cùm chân sinh ra tàn tật thì có.

Biết hắn lo phải đến Xuân Phước nên tôi mới an ủi rằng có lẽ trại Xuân Phước sẽ không nhận người tàn tật. Hắn nói:

- Ở trong phòng lâu quá, cháu buồn chán lắm, muốn đi trại cho khoảng khoát thoải mái. Đi đâu cũng được, đừng đến trại Xuân Phước cháu sợ quá.

Hai ngày ở trại giam Nha Trang tôi được đãi như thượng khách, một phần vì tôi lớn tuổi, một phần có lẽ vì tôi là tù cải tạo ở trại Xuân Phước về. Đa số tù trong phòng là tội vượt biên hay tổ chức đưa người vượt biên, một số ít là trốn nghĩa vụ quân sự, còn lại là tù kinh tế, nhiều nhất là tội buôn trầm hương. Trầm hương là thứ quốc cấm, như các loại cà phê, tiêu. Chuyên chở không giấy phép bị bắt. Sản phẩm nào đưa vào qui hoạch nhà nước đều cấm tư nhân buôn bán, người ta phải buôn chui, trên đường di chuyển qua nhiều chặng kiểm soát, nếu dấu không kỹ bị bắt, bị bắt phải hối lộ, hối lộ không được thì phải đi tù.

Tôi hỏi một thanh niên ngư phủ lý do vượt biên, tôi nói làm ngư phủ được trả lương cao hơn các nghề khác. Em nói lương có cao nhưng không đủ ăn - cá tôm đánh được công ty hải sản quản lý, mỗi tàu quốc doanh đều có nhân viên nhà nước đi theo. Bọn này gian lận đem cá tôm đi bán ở ngoài khơi trước khi vào bến công ty. Ngư phủ không được chia phần đó. Tất cả đều là lợi tức của nhân viên nhà nước có thế lực - có hệ thống ăn chia. Ngư phủ chỉ được trả lương theo mỗi chuyến đi.
Tôi giả ngây thơ nói: “Trong chế độ xã hội chủ nghĩa công bình làm gì có tham nhũng”. Các em tỏ ra tức giận vì những lời nói đúng sách vở của tôi:

- Chú cải tạo tốt quá sao chưa được về, chú tin là công bình chứ ai mà tin.

Tôi cảm thấy vui vì phản ứng hồn nhiên bộc trực đó. Tôi hỏi tiếp một em nông dân trẻ tại sao vượt biên trong khi em là lực lượng nòng cốt của chế độ, chỉ sau có người công nhân thôi. Lối hỏi theo bài vở của tôi lại làm cho người được hỏi tức giận. Em nói:

- Xin lỗi chú, làm mà không ăn ở thì làm làm gì chú?

Tôi hỏi tiếp:

- Trên đường đi chú thấy lúa tốt quá, sao không đủ ăn?

- Lúa tốt, thu hoạch có, nhưng trừ vào tiền phân, tiền giống, tiền thuốc trừ sâu, tiền nước, tiền đóng thuế nông nghiệp hết sạch chú ơi. Chú có biết đất còn đẻ nữa đó.

- Đất đẻ là thế nào? Tôi ngạc nhiên hỏi lại.

- Thực chú ở tù lâu quá rồi cái gì cũng không biết. Bây giờ là thời kỳ khoán sản phẩm. Xã giao ruộng đất cho gia đình cầy cấy, rồi gia đình đóng lại tùy theo diện tích và hạng đất như là mình thuê đất của điền chủ. Có 7 loại hạng đất từ 1 đến 7 theo tình trạng màu mỡ. Nhà em 5 người được giao 1 mẫu rưỡi đất hạng 4, ra công sức mà làm, năm đầu có khá, trừ hết các khoản giống, phân, thuốc, nước, máy cầy còn dư được hơn 400kg thóc. Qua năm sau cũng miếng đất đó, nhưng xã giao mẫu bảy và là đất hạng 3, tình trạng đất đẻ và đổi hạng như vậy đó chú.

Một em quê ở Đà Nẵng tên là Trung, cầu thủ giữ vai trung vệ tự do cho đội tuyển bóng đá Đà Nẵng đi vào Sàigòn để dự giải vô địch bóng đá hạng A toàn quốc. Xe chở cầu thủ về Sàigòn có mang theo trầm hương để bán lấy lời cho đội tuyển ăn thêm. Khi bị công an Phú Khánh bắt, em phải đứng ra nhận lãnh. Theo sự sắp xếp của nhà dìu dắt khi mang trầm đi thì khi bị bắt phải có người nhận, trưởng đoàn phân công mỗi ngày trực, tới phiên ngày trực của người nào, nếu bị khám phá thì người đó phải nhận món hàng đó là của mình. Trung giải thích, cầu thủ hạng A lương mỗi tháng 500 đồng, mỗi lần đi đá và đi tập được ăn tiêu chuẩn 300 đồng một ngày nên hầu hết cầu thủ phải tiêu tiền nhà, người có trách nhiệm phải nghĩ cách làm ăn để duy trì sự tồn tại của đội. Tôi hỏi:

- Mỗi ngày ăn 300 đồng làm sao mà đủ sức đá, trong khi ly cà phê giá 50 đồng.

Trung nói:

- Đó là đội Đà Nẵng có tiếng giầu, các đội khác có đội chỉ có 200 đồng tiền ăn mỗi ngày.

Tôi hỏi tiếp:

- Vậy vào đội làm gì khi không đủ ăn, tiền thu bán vé để đâu, bây giờ nhiều người xem bóng đá.

Trung giải thích:

- Phải vào đội bóng để được ở lại thành phố, nếu không em phải vào nghĩa vụ quân sự, hoặc kinh tế mới hay nghĩa vụ lao động. Tiền bán vé nhiều, nhưng đó là phần quản lý của Ty Thể Dục Thể Thao - không ai được quyền biết ngoài Tỉnh ủy.

Một em khác không đợi tôi hỏi, kể chuyện là gia đình em có người em trai là vận động viên xe đạp, trong chuyến đua “về nguồn” khởi hành từ Sàigòn về Hà Nội, người em trai được về hạng nhì và được giải thưởng một bằng ban khen và một ảnh bác Hồ. Trong khi gia đình em phải mua sắm chiếc xe đạp hết hai cây vàng và tốn chi phí tập dượt. Vào đoàn đua được có hộ khẩu ở lại thành phố khỏi phải làm nghĩa vụ quân sự hoặc đi kinh tế mới. “Nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa” cái gì cũng thiếu, chỉ có thừa bằng khen và ảnh “bác Hồ”, em kết luận như vậy.

Chỉ hai ngày ở trong trại giam Nha Trang tôi được biết thêm nhiều thực tế ngoài đời. Sáng thứ hai, xe tiếp tục về Sàigòn, ra khỏi nhà giam xe chạy vòng qua nhiều đường phố Nha Trang để đến Ty Công An đón đủ 4 nhân viên áp tải, tôi được nhìn Nha Trang sau hơn 12 năm chưa thấy lại. Công viên bờ biển xơ xác tiêu điều, cây cối không được cắt xén tu sửa, trên đường phố người qua lại đông đúc, hầu hết là đi xe đạp và đi bộ, kể cả sĩ quan hải quân Việt Cộng trong đồng phục quần xanh áo trắng nón cối xấu xí. Sau 12 năm “giải phóng”, Nha Trang biến đổi nhiều quá. Không tìm đâu ra một tà áo trắng thướt tha của nữ sinh ngày trước, ngày nay những thiếu nữ chỉ mặc áo cụt đơn sơ, có nhiều thiếu nữ đi xe đạp đàn ông, áo quần mặc nhiều màu xanh, màu đỏ hay xanh lá cây. Tôi nghe nói ngoài dân, vải được bán theo tiêu chuẩn, được phân phối màu nào may mặc màu ấy không lựa chọn, có những người đàn bà hơi đứng tuổi mặc một chiếc quần hai ống màu xanh và vàng đối chọi nhau. Trước 75, một phụ nữ miền Nam dù ở thôn quê cũng không ai mặc như vậy, không người phụ nữ nào đạp xe đàn ông tự nhiên như bây giờ.

Đoạn quốc lộ từ Cam Ranh đến huyện lỵ Tuy Phong Phan Thiết hư hỏng, đầy bụi bặm. Xe ngừng lại một quán ăn, bọn công an áp tải sau khi mua hộ San và tôi hai đĩa cơm, chúng tôi vào ngồi ăn trong quán. Một em bé trạc 12 tuổi, gương mặt xanh xao gầy ốm đến gần mời chúng tôi mua trứng gà luộc.

- Chú mua trứng gà đi chú, cháu bán rẻ mà.

Tôi trả lời:

- Chú không có tiền.

- Xí, chú là công an mà không có tiền, công an giàu lắm à.

- Chú không phải công ăn đâu cháu, chú đi nhờ xe, mấy chú công an vào tiệm ăn kia kìa.

Khi cháu gái đến sát bên đuôi xe, San cựa mình nhấc tay lên, cháu gái thấy chiếc còng nơi tay, phản ứng tự nhiên á lên một tiếng rồi lùi ra xa, giương mắt to lên nói:

- Á, hai chú là tù, chú có phải là ngụy quân cải tạo không?

- Vâng, chú là cải tạo, nhưng không phải là ngụy.

- Chú không phải là ngụy sao chú lại cải tạo - bộ chú là phản động à?

Tôi không muốn các em nhỏ gọi người tù cải tạo là ngụy, nhưng giải thích thì em cũng không hiểu, người ta quen gọi rồi. Các em nhỏ không hề biết gì về chính quyền cũ. Tôi nói tiếp:

- Sao cháu biết cải tạo là phản động?

- Ba cháu nói, ba cháu cũng là sĩ quan ngụy cải tạo, ba cháu là thiếu úy, ba cải tạo năm năm mới về. Sao chú chưa về? Những người đi qua đường tò mò đứng xem. Em bé gái lấy ra hai quả trứng cho tôi và hai quả cho San. Tôi muốn trả tiền cũng không được vì tiền công an áp tải giữ. Gọi em trả lại thì em bé đã chạy qua bên kia đường. Vài người cho chúng tôi các loại nào thuốc lá, bánh mì, chuối và nước uống, chúng tôi cảm ơn không nhận, họ cứ tự động bỏ vào chỗ ngồi rồi dang ra xa nhìn. Bọn áp tải chạy ra xua, đám đông chỉ dang ra xa, không giải tán.

Tôi nghĩ đến em bé bán trứng gà, 4 cái trứng trong số vốn cỏn con, mười trứng gà đựng trong một cái rổ nhỏ, cơ nghiệp thương mại của bé, mới từng ấy tuổi em đã phải bỏ học, buôn bán để nuôi gia đình, em đã quyết định cho chúng tôi một phần tài sản của em.

Cộng sản đang ra sức tiêu diệt mọi truyền thống của dân tộc Việt Nam, để dựng lên một xã hội theo ý chúng muốn, trong đó con người luôn luôn rình mò hận thù nhau, đấu tranh với nhau không khoan nhượng. Chúng đã giết hàng triệu người, triệt phá các công trình xây cất, đốt hết sách vở tài liệu văn hóa, làm thay đổi đời sống kinh tế của cả nước, làm cho mọi người phải nghèo khổ để cho bọn cán bộ đảng viên được độc quyền no ấm.

Nhưng chúng không tiêu diệt nổi tâm hồn người Việt, tấm lòng luôn luôn thương người nghèo và binh vực kẻ yếu, phát xuất tự nhiên từ tâm hồn con người không cần ai nhắc nhở. Em bé gái ở cái tuổi lên mười, sinh ra và lớn lên ở xã hội mới, được dạy cho tiếng ngụy để gọi chính quyền cũ, được xem bao nhiêu lần những phim ảnh tuồng tích nói xấu, bôi bác sĩ quan chính quyền cũ, nhưng thấy chúng tôi bị tù em vẫn thương xót xúc động.

Tôi nhận hai quả trứng, những điếu thuốc lá, mòn quà nhỏ người đi đường ném cho là nhận cả tấm lòng của người dân đối với chúng tôi. Tôi không tủi thân khi bị thương hại, trái lại tôi rất sung sướng vì qua sự biểu lộ đó, tôi thấy tâm hồn người Việt Nam vẫn còn, chính tâm hồn trong sáng đượm thắm tình người đó làm cho đất nước Việt Nam tồn tại. Cộng sản không tiêu diệt được tâm hồn con người. Trái lại, chính tâm hồn người Việt đang dần dần tiêu diệt chúng; tổ chức, bạo lực chỉ là sức mạnh bên ngoài. Tình cảm của con người là sức mạnh bên trong. Bao giờ bạo lực không còn sử dụng được, tổ chức không còn bền vững, lúc đó tình yêu con người sẽ thắng và Cộng sản sẽ bị tiêu diệt.

Gần tối xe về đến đầu xa lộ Biên Hòa, hàng bạc hà dầy trồng hai bên bờ làm phong cảnh ít nhiều thay đổi tươi mát. Sàigòn bây giờ người đi lại tấp nập hơn những năm đầu sau khi Cộng sản chiếm miền Nam.

Tôi đảo mắt nhìn quanh, trong một lúc muốn thấy hết chung quanh một cách tham lam.

Lòng tôi nôn nao như người đi xa trở về quê cũ. Trước kia tôi không hề có cảm giác đó một khi ra đi rồi trở về Sàigòn. Sàigòn đối với tôi là đất khách, là nhà trọ. Quê tôi ở Quảng Nam, gia đình tôi ở Đà Nẵng, tôi chỉ thấy nao nao mỗi khi từ xe lửa hay trên máy bay nhìn thấy đỉnh núi Két, trái núi đứng thẳng có hình cong như mỏ két nằm về phía tây nam Đà Nẵng, hay màu biển xanh thẫm bầy ra phía dưới thân phi cơ đang giảm cao độ để đáp xuống. Tôi là đứa con hay đi xa, nhưng lại nhớ quê nhà, không đi dứt, luôn luôn tìm dịp để trở về với quê hương, với gia đình, nơi in dấu trong đời tôi những kỷ niệm.

Giờ đây cảm giác đó tôi dành cho Sàigòn, xa cách rồi mới thấy Sàigòn là quê hương thứ hai của mình.

Xe vào đến trại Phan Đăng Lưu - trời nhá nhem tối, người cán bộ ra nhận chúng tôi là Ba Phận, hắn mang lon Trung tá Giám thị Trưởng trại giam, lúc tôi rời trại đầu năm 1978 hắn là Thượng úy Trưởng khu.

Thủ tục xét nhập trại xong. Tôi được đưa vào xà lim số 23 khu C-2. Trên đường đi vào khu trại giam, hai bên những người tù mới từ khu xà lim và tập thể đang nhìn tôi một cách tò mò. Họ nhìn ra tôi khác lạ với những người tù mới bị bắt vào.

Xà lim số 23, phân trại C-2. Người ở trước mới di chuyển nên vẫn còn phảng phất hơi người và sự ấm cúng sạch sẽ.

Soạn đồ đạc chuẩn bị tắm, mặc cho những tiếng gọi từ hai bên và phòng tập thể trước mặt. Họ đang ngạc nhiên vì tôi là người tù mới đến trại giam mà hành trang đầy đủ, mặc quần áo có đánh số, hình dáng lôi thôi lếch thếch. Trong trại tạm giam rảnh rỗi nóng lòng muốn nghe tin tức bên ngoài, ai cũng nghĩ là từ ngày họ bị bắt sẽ có những điều mới mẻ, họ cần biết qua những người tù mới vào sau.

Tôi hoàn toàn thoải mái vì được tắm mát sau cuộc hành trình mệt mỏi cả ngày trong nắng nóng và đường đầy bụi bặm. Có đủ thì giờ để kỳ cọ. Tiếc là không có một miếng xà phòng thơm. Từ ngày đến trại lao động, tắm nước ao, nước suối, lúc nào cũng phải gấp nên không cần đến xà phòng. Tôi tắm thật lâu để tận hưởng lần đầu tắm lại nước máy sau hơn 9 năm rời trại tạm giam đi lao động cải tạo.

Trong chế độ cộng sản có nhiều thiên đường vì nó có nhiều tầng địa ngục, đối với người tù ở trại cải tạo lao động xà lim trại tạm giam là một thiên đường với chỗ nằm riêng biệt rộng gần một mét, một cầu tiêu và một vòi nước riêng để tắm giặt. Xà lim tạm giam khác với xà lim kỷ luật, xà lim kỷ luật là tầng đáy của địa ngục chốn trần gian. Xem xét dưới khung cửa ra vào, khoảng hở có thể thò lọt bàn tay ra ngoài. Thật may mắn, với khoảng trống đó, xà lim này rất thuận lợi, nếu hai xà lim bên cạnh cũng trống như vậy thì có thể trao thức ăn cho nhau, có thể nhận quà tập thể ném sang và có thể nằm nói chuyện với nhau mà không sợ bị bắt. Buổi trưa trời nóng nực, khe hở đó thành một cửa gió rất tốt, nằm dưới nền xoay đầu ra ngoài, gió lọt vào khe hở dỗ giấc ngủ tuyệt vời. Đến giờ giới nghiêm, các cửa gió được mở ra, cửa sắt được kéo lại, đó là giờ ngủ, nhưng là giờ sinh hoạt của khu xà lim, không ai ngủ được lúc 9 giờ tối. Ở xà lim thì muốn ngủ lúc nào cũng được, nhưng nói chuyện với nhau là một nhu cầu vì suốt ngày bị đóng cửa, cấm quan hệ hai bên, cán bộ đi lại thường xuyên, tù không nói với nhau công khai được, trừ cách nói qua khe hở dưới cửa và gõ nói xuyên qua tường.

Tôi chưa kịp liên lạc thì Nguyễn Tú Cường từ số 10 cho biết Vũ Văn Ánh, Trần Bửu Ngọc và Nguyễn Tú Cường đã từ Xuân Lộc bị đưa về hơn một tuần và những anh em đã về trước bị bắt lại như Phạm Đức Nhì, Trần Đắc Thắng, Bùi Đạt Trung, Nguyễn Văn Hiếu, Phạm Chí Thành, Trần Kim Hải (tức Hải Bầu). Trần Đức Long và Nguyễn Văn Tiên về từ 1981 cũng bị bắt lại. Cường cho biết tờ Hợp Đoàn đã bị lộ. Đa số những người bị bắt đều liên hệ đến tờ Hợp Đoàn hoặc là những người có sáng tác thơ nhạc như Trần Đức Long, Trần Đắc Thắng.

Trên đường di chuyển, tôi có nghĩ đến trường hợp tờ Hợp Đoàn bị tố cáo nhưng tôi vẫn hy vọng tình cảm khắng khít giữa Vũ Văn Ánh và Ngô Văn Ly khiến cho Ly không nỡ khui ra. Từ khi ra khỏi Kiên Giam, Ngô Văn Ly bị anh em tù tẩy chay về hành động độc ác của hắn, bị cô lập và xấu hổ, y đã thù tất cả mọi người. Ly là một người cực đoan và độc ác lại nhiều tham vọng, y tưởng là y làm hại được Lê Quang Minh, một tay an ten lợi hại, y sẽ được nhiều bạn tù xem như là người có công; ở trại ai cũng oán ghét Minh và nhiều người là nạn nhân của hắn, nhưng Ly còn hại cả Bùi Lượng và Khúc Thừa Văn nên không ai chấp nhận được. Dù những người bạn thân của y cố thuyết phục là các anh Bùi Lượng và Khúc Thừa Văn cũng làm an ten nhưng không ai tin điều đó. Giữa năm 1985, Ly được thả ra khỏi trại với danh sách đặc biệt một mình y. Người tù được tha ra mừng rỡ - nhưng trường hợp Ly được thả lại càng tăng thêm mối nhục, Việt Cộng rất độc ác, lợi dụng an ten một thời gian rồi sau đó cách này hay cách khác, chúng cũng làm cho người làm tay sai lộ diện để những người này không còn con đường nào khác hơn là phải bám lấy chúng một cách nhục nhã. Khi Ngô Ly ra về đến bộ chỉ huy trại, cán bộ an ninh Lý, người xây dựng cho Ly nhiều vụ đã giữ Ly lại một tháng ở phân trại A. Nơi đây, anh em tù có án vẫn tưởng y còn lập trường chống Cộng như trước, họ đã chôn giấu thư và những tài liệu, thơ nhạc viết có nội dung chống Cộng trên đường đi làm để nhờ Ngô Văn Ly lấy chuyển về gia đình. Ngô Văn Ly trao tất cả cho Lý. Số người bị nhốt có đến 30 người, linh mục Nguyễn Quang Minh trong vụ Linh Sơn và dược sĩ Thơ đã chịu không nổi phải chết trong xà lim. Vụ này cho tới khi tôi rời trại đã hơn một năm, các anh Phạm Trần Anh, bác sĩ Long, luật sư Lý Văn Hiệp, kỹ sư Nguyệt vẫn còn bị giam cùm trong xà lim, không biết bây giờ số phận họ ra sao?

Đến lúc này những người bị bắt có cả Nguyễn Văn Tiên, người đã được về từ năm 1981 thì chắc chắn là Ngô Văn Ly không còn gì nghi ngờ nữa - vì Tiên và tôi là hai người biết nhiều về việc làm của Ngô Văn Ly trong trại như các vụ vẽ cờ, rải truyền đơn đều do một tay y làm. Có lẽ trong sự thù hận điên cuồng, Ngô Văn Ly muốn mượn bàn tay cộng sản để triệt hạ hết chúng tôi.

Theo lời Cường thì những người được đưa về đã được hỏi cung và họ đều không nhận. Đây là một việc khó nuốt trôi vì kinh nghiệm vụ án liên hệ nhiều người rất khó có thể phủ nhận. Việt Cộng có thì giờ để thẩm tra án và chúng thường đối chiếu tất cả những lời khai để tìm sơ hở của từng người ở những điểm bất đồng rồi truy dần ra. Một điều may mắn là dù chúng nhốt chúng tôi ở nhiều xà lim khác nhau nhưng các xà lim khu tập thể, hai khu C-1 và C-2, chúng tôi có thể thông cung cho nhau.

Ngày hôm sau, Trần Kim Hải đi hỏi cung về trước phòng 9, tôi nói chuyện được với Hải vì xà lim 23 chỉ cách phòng 9 có 2 xà lim 24 và 25. May mắn nữa là Hải về ngồi chờ mở cửa trong một thời gian khá lâu. Hải đã nói với tôi như sau:
“Năm 1985, em về đến nhà mới biết mẹ em đã chết từ hai năm trước, chị em đã bán nhà dọn đi nơi khác không để lại địa chỉ. Em bơ vơ, nay ở nhà người này, mai ở nhà người khác, đi làm đủ mọi công việc để nuôi thân và nuôi Tuấn (bạn tù của Hải) bị ho lao. Một hôm tình cờ gặp Ngô Văn Ly, hắn hỏi hoàn cảnh của em, hắn đã mời về nhà hắn ở. Không còn cách nào khác vì kinh tế quá khó khăn, Tuấn phải về quê và em dọn về với Ngô Văn Ly. Câu chuyện bắt đầu hôm đám cưới Hùng Cơm (trong tù có nhiều tên Hùng nên anh em tùy từng tính tình hay một sự cớ gì đó để phân biệt Hùng Cơm, Hùng Gà, Hùng Thuốc v.v...). Hùng mời tất cả anh em cựu tù Xuân Phước đang có mặt ở Sài Gòn đến dự, Hùng đến nhà Ly mời em mà không mời Ly, hôm đó Ly giận và buồn lắm. Rồi hôm đám nhà Nhàn (ở tù về ba tháng thì chết) anh em cựu tù Xuân Phước đi đưa rất đông, Ly mới về cũng đến đưa đám, nhưng hầu như mọi người đều tẩy chay không ai nói chuyện với hắn. Ngô Văn Ly giận lắm, cả em ở trong nhà hắn, hắn cũng không nói chuyện. Rồi thời gian trôi qua mấy tháng, hắn nói đã tiếp xúc với ông Của, cũng là tù nhân ở Xuân Phước về đang ở chùa Hòa Hảo đường Bùi Thị Xuân, thúc đẩy ông Của lập một tổ chức phục quốc nòng cốt là tín đồ Hòa Hảo từ Sài Gòn đến Sa Đéc và Long Xuyên. Ông Của là Chủ Tịch Mặt Trận, Ly là Tổng Thư Ký và hắn mời em là Ủy viên tuyên huấn, em cũng nóng lòng muốn làm cái gì để chống lại cộng sản nên em đã nhận lời. Ly đưa em xem một danh sách hơn 100 người trong tổ chức. Một hôm Ly bàn với em về tài liệu học tập trong tổ chức, em làm gì viết nổi tài liệu học tập, nên để giải quyết khó khăn đó, Ly nói với em, lúc đó em ở trại là người chuyền và lên khuôn báo Hợp Đoàn, chắc em còn nhớ nên viết lại để phổ biến cho tổ chức học tập. Em nhớ được 18 bản nhạc và những bài thơ nên em đã viết hết cho Ngô Văn Ly và những bài lý luận chính trị thì em không nhớ, Ngô Văn Ly bảo em cố nhớ, em chỉ viết đại khái một vài ý thôi. Nhạc và thơ em viết trao cho Ngô Văn Ly, chấp pháp nó giữ hết, lúc đầu em nhận bừa là của em làm, tụi nó không tin vì em đâu có làm được thơ và nhạc nên nó càng đánh em nhiều hơn nữa, cuối cùng em phải khai ra tác giả. Em cũng khai anh là người chủ chốt trong báo Hợp Đoàn và em đã nhận báo Hợp Đoàn từ tay của anh để phổ biến cho người khác. Anh nên nhận đi cho đỡ khổ vì Nhì, Thắng và Long tụi nó cũng bị bắt hết rồi. Vụ này có bàn tay của Lý Lé trưởng ban an ninh Xuân Phước, hắn đổi về Sài Gòn làm công an phường Cầu Ông Lãnh, và mãi khi gần bị bắt em mới biết Ngô Văn Ly thường xuyên gặp Lý Lé. Vụ này bên ông Của bị bắt hơn 100 người, ông Của tự tử chết ở khu xà lim C-1 rồi.

Tôi đã hiểu tất cả mọi chuyện, Hải đã bị sa vào kế của Ngô Văn Ly để tiết lộ nội dung của tờ Hợp Đoàn, và hắn vì nể Ánh nên khai tôi là người chủ chốt, Ánh chỉ tham gia thôi và hắn quả quyết là tôi phải nhận không có cách nào chối được. Cả đêm hôm đó và những ngày tiếp theo tôi suy nghĩ làm thế nào để cắt vụ án cho gọn và nhẹ, càng ít người dính dáng càng tốt, tôi đã bị Hải và Ly khai quá rõ, chừng đó đối với pháp chế của Việt Cộng cũng đủ buộc tội, dù tôi không nhận. Vậy tốt hơn là tôi theo đúng như lời Hải khai, tôi nhận là chủ trương tờ báo. Phần thơ và nhạc đã có đủ bằng chứng, tác giả đã bị bắt. Phần lý luận tôi viết, tôi sẽ nhận; điểm này có lợi thế vì không ai còn nhớ tôi viết gì, chắc chắn khi hỏi cung nó sẽ buộc tôi viết lại, tôi sẽ tìm cách viết cho nhẹ hơn để bản án không nghiêm trọng. Tôi sẽ cắt phần đóng góp của anh Trần Danh San vì có thêm anh San vào không có ích lợi - kể cả phần của Ánh cũng vậy, tôi sẽ khai giống như Hải, Ánh chỉ là người cộng tác mà thôi. Thực ra, Ánh là người chủ chốt.

Tình hình chính trị bên ngoài tương đối thuận lợi. Từ năm 1985, chúng tôi đã đọc được trên báo Nhân Dân về phong trào Glasnost và Peretroika ở Liên Sô do Gorbachev chủ xướng. Về phương diện tư tưởng, đó là sự thay đổi quan trọng và rất sâu sắc trong chế độ cộng sản vì trước đó, cộng sản không bao giờ nhìn nhận mình sai lầm và không bao giờ chấp nhận phê phán lãnh tụ và phê phán Đảng. Ai phê phán Đảng đều bị cầm tù.

Đảng chỉ cho nêu ra hiện tượng sai lầm nhỏ của viên chức cấp dưới theo kiểu cuốn truyện “Những Câu Chuyện ở Huyện” của Liên Sô và ở Việt Nam, Nguyễn Mạnh Tuấn dựa theo để viết cuốn “Cù Lao Tràm”. Họ lý luận bản chất của Đảng luôn luôn trong sáng - có sai lầm chút đỉnh là do đảng viên cấp thấp. Giờ đây ở Liên Sô đã cho phê bình vào hệ thống tổ chức và quản lý. Sai lầm tổ chức và quản lý không phải là sai lầm hiện tượng nữa. Vì theo đường lối tập trung dân chủ, tức chế độ độc tài đảng trị, hệ quả tất yếu là tổ chức sẽ cồng kềnh nặng nề quan liêu, uổng phí tài nguyên và quản lý luộm thuộm quá nhiều hệ cấp. Trong hệ thống đó, một viên chức cao cấp muốn giải quyết vấn đề kinh tế, xã hội có lợi ích cho nhân dân cũng không làm được. Việc làm ở Liên Sô đã ảnh hưởng đến Việt Nam, Nguyễn Văn Linh từ khi ra khỏi Chính Trị Bộ trở lại bí thư thành ủy Sài Gòn, năm 1985 kỷ niệm 10 năm “giải phóng” Sài Gòn, Linh đã đưa ra nhiều nhận xét tiến bộ. Tôi nhớ điểm y phê bình về chính sách đã chỉ nhận vào đại học những học sinh kém con của đảng viên, y đã viết: “Tại sao sau 10 năm, chúng ta vẫn còn tiếp tục kỳ thị với con em của những người chế độ cũ” và hứa sẽ đẩy mạnh việc bỏ lý lịch trong các kỳ thi tại Sài Gòn là nơi y chịu trách nhiệm. Linh cũng đề cập đến những sai lầm trong việc quản lý kinh tế trong nền kinh tế chỉ huy. Y chưa dám nói đến chủ trương một nền kinh tế thị trường nhưng thành ủy Sài Gòn đã tổ chức một số cơ sở kinh tế dựa trên thị trường và luôn luôn được báo Tuổi Trẻ đề cao như là một sự thành công lớn, điều này ngược với chủ trương của Hà Nội. Báo Tuổi Trẻ của Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Sài Gòn, báo Thanh Niên của Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh được xem như tiếng nói của thành ủy và của cá nhân Nguyễn Văn Linh, chứng tỏ Linh chưa đủ mạnh và muốn dùng báo chí là một hình thức chuẩn bị ủng hộ đường lối của y.

Cộng sản càng thất bại, người dân càng khổ và càng đói nhiều hơn; nhưng muốn đánh bại cộng sản, phải có một lực lượng có tổ chức hùng hậu. Lực lượng đó chưa có, thực tế người quốc gia chưa hình thành được với chính sức mạnh tập hợp của mình. Thời đại hiện tại, muốn tổ chức một lực lượng quân sự mạnh phải có nhiều tiền và phải được các cường quốc giúp đỡ và chắc chắn là các cường quốc kể cả Mỹ đã không còn sử dụng lá bài quân sự. Với lá bài kinh tế và chính trị, Mỹ và Tây Phương đang thắng lớn trong chiến tranh lạnh với khối cộng sản. Do đó, mơ tưởng một giải pháp quân sự đánh đổ chính quyền cộng sản Việt Nam chỉ là một ước mơ không thành sự thực. Thực tế hơn 10 năm qua cũng cho thấy tất cả những tổ chức nổi dậy đều bị cộng sản tiêu diệt trong trứng nước bởi hệ thống công an và chính sách nhân hộ khẩu hữu hiệu.

Tóm lại, tình hình Việt Nam được diễn tả như là một bên cộng sản cầm quyền đã bất lực và bế tắc nhưng đối lực chưa có. Đối lực tuyệt đối của người quốc gia chưa hình thành đáng kể. Do đó, những sự hình thành đối lực trong nội bộ của cộng sản, dù đối lực này phát xuất từ bất cứ động lực nào cũng đáng kể. Những đối lực đó có thể từ sự bất mãn của các Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam bị hất cẳng mất quyền lợi. Từ sự tranh chấp quyền lãnh đạo chóp bu. Từ mâu thuẫn do tính cách địa phương, bởi cán bộ người miền Bắc tràn ngập hết các tỉnh miền Nam, khiến cán bộ miền Nam và cán bộ miền Nam tập kết bất mãn. Từ sự thức tỉnh của những người thực sự muốn phục vụ xã hội trước kia họ tưởng là mô thức cộng sản chủ nghĩa là mô thức tốt để xây dựng một xã hội không có bất công.

Trong hoàn cảnh đó tôi nghĩ nếu tôi phải nhận những điều đã làm và phải viết lại những điều mình viết cũng không có gì đáng sợ hay đáng buồn. Tôi không chủ trương trực tiếp đối đầu như những người can đảm hơn như Cha Luân, như Nguyễn Đức Điệp, tôi vừa linh động đối kháng vừa cố tránh né thiệt hại, xem đó như một trò chơi có tính nguy hiểm mà hấp dẫn, cũng có thể xem đó là một cuộc du kích. Nhưng khi đã bể ra, cũng có thể nhận vì những điều đã làm, những điều đã viết không sai. Chắc chắn nhận sẽ ra tòa án lãnh án, điều đó dĩ nhiên không tốt đẹp gì, nhưng đã ở tù khá lâu, rồi cũng quen. Những gì mất mát đã mất mát rồi, những gì lo âu cũng đã vượt quá tầm tay. Gia đình không có tôi thì các em tôi vẫn đảm trách được. Các con tôi không có tôi thì cũng đã khôn lớn. Vả lại còn chế độ cộng sản thì ở ngoài cũng như ở trong tù, mỗi nơi đều có những khó khăn và sự nhục nhã.

Năm ngày sau khi về đến trại thì tôi được gọi lên để trả lời cung, chấp pháp là người trưởng toán áp tải San và tôi từ trại Xuân Phước về, tên Ẩn, người miền Nam, tự giới thiệu là sinh viên luật khoa trước năm 1975.

Mở đầu Ẩn hỏi tôi:

- Chắc mấy hôm nay, anh đã được biết lý do đưa anh về đây.

Tôi trực tiếp ngay vào:

- Tôi biết, chắc là cán bộ cần hỏi tôi về tờ báo Hợp Đoàn trong trại Xuân Phước.

Ẩn hơi ngạc nhiên về sự trả lời trực tiếp vào vấn đề của tôi. Hắn hỏi tiếp:

- Anh thật thông minh và dứt khoát, nhưng ngoài tờ Hợp Đoàn còn tổ chức Dân Tộc Việt của anh như thế nào?

- Tờ Hợp Đoàn tôi nhận có, tôi chỉ có làm công việc đó trong trại - còn tổ chức “Lực Lượng Dân Tộc Việt” tôi đã trả lời an ninh trại Xuân Phước đó chỉ là sản phẩm tưởng tượng của Ngô Văn Ly, hắn dựng lên để báo cáo.

Càng ngạc nhiên khi tôi nói thẳng ra là Ngô Văn Ly báo cáo, Ẩn nói tránh:

- Anh đừng đề cập đến Ngô Văn Ly, mấy hôm nay chắc anh thấy Hải Bầu đi làm việc, hắn đã nhận tội và khai tất cả rồi. Ngoài ra tất cả đồng bọn của anh: San, Ánh, Cường, Ngọc đều đã nhận tội, anh là người cuối cùng.

Ẩn đưa ra một xấp bản cung của những người bạn kể trên.

Tôi tiếp tục ý kiến của tôi

- Tôi phải nhắc đến Ngô Văn Ly, đó là người trực tiếp báo cáo tất cả những chuyện này, cán bộ cần lưu ý đây là một việc xảy ra trong trại tù, và người báo cáo cũng là một người tù, chúng tôi sống với nhau quá lâu trong một hoàn cảnh cực kỳ khổ sở nên tâm lý con người thay đổi thường xuyên. Những đụng chạm cá nhân xảy ra hàng ngày, nên những chuyện họ báo cáo có cái thực cái không, có người dựa trên sự thực nhỏ để dựng nên chuyện lớn để làm hại người khác.

Ẩn hỏi lại:

- Anh trả lời tôi “Lực Lượng Dân Tộc Việt” thành lập như thế nào và có những ai trong tổ chức?

- Tôi đã trả lời cán bộ, cũng như đã trả lời tại Xuân Phước không có tổ chức đó, ngay tên tổ chức cũng là tên của một tổ chức chính trị có trước năm 75. Nếu tôi có tổ chức chính trị thì không có lý do gì lại lấy tên một tổ chức có sẵn.

Ẩn nhắc lại:

- Anh không có tổ chức “Lực Lượng Dân Tộc Việt”?

Tôi đáp:

- Đúng.

Và hắn ghi vào biên bản ở mục hỏi đáp theo đúng thủ tục, xong hắn hỏi:

- Ở trong trại anh có chơi thân với những ai?

- Tôi chơi với nhiều người, nhưng không có ai thân, tính của tôi như vậy, tôi không muốn bất cứ sự thân thiết nào gắn bó riêng tư.

- Quan hệ giữa anh và Koksorl Biên, Trịnh Đình Lâm, Đoàn Phan Trí và Nguyễn Tú Cường ra sao?

- Đó là những người bạn thường trò chuyện với nhau vì ở cùng đội, nếu ở đội khác, tôi lại nói chuyện với những người khác.

Ẩn hỏi tiếp:

- Quan hệ của Trần Danh San, Vũ Văn Ánh và anh thế nào?

- Cũng là những người bạn trong tù, chúng tôi ở cùng một đội nhiều năm liên tiếp với nhau nên dù không có thân thiết thì cũng hay trò chuyện với nhau.

- Anh có từng vào Ủy Ban Nhân Quyền của Trần Danh San?

- Đó là một sự sai lầm của những người báo cáo không nắm rõ vấn đề, trong Ủy Ban Nhân Quyền có Triệu Bá Thiệp, trùng tên với tôi, vả lại Ủy Ban Nhân Quyền của anh San tổ chức ngoài đời sau khi tôi đã bị bắt.

Ẩn ghi vào bản cung tôi không thuộc Ủy Ban Nhân Quyền, rồi hỏi tiếp:

- Còn Lực Lượng Việt Nam Tự Do thì sao?

Tôi đáp:

- Lực Lượng Việt Nam Tự Do là tổ chức của Vĩnh Hầu và Ngô Văn Vinh, tôi cũng không tham gia, điều này tôi đã trả lời với chấp pháp khi mới bị bắt hơn 10 năm trước.

Ẩn hỏi vặn lại:

- Cái gì anh cũng không tham gia sao anh bị bắt?

- Tôi không biết, tôi nghĩ là tôi là viên chức chế độ cũ và tôi chỉ yên trí ở tù vì tội đó.

Ẩn nói:

- Sao anh cứ hay dùng tiếng tù, trong khi anh là người cải tạo?

Tôi hỏi hắn:

- Cán bộ tin là tù khác với cải tạo sao, đối với tôi như nhau, cùng bị giam giữ một nơi, cùng làm lao động, cùng ăn tiêu chuẩn giống nhau, cùng mặc quần áo có đóng dấu và số như nhau, có khi cùng ở một đội, chỉ khác là một bên là tù có thời hạn, một bên là tù không có thời hạn nên không biết ngày về.

Tôi đã quen với lối hỏi vòng vo của chấp pháp, đó là phương pháp khai thác cá nhân người tù, để kết tội nặng nhẹ một phần trên hành động vi phạm và một phần trên cá nhân người tù. Lúc mới bị bắt tôi dè dặt không trả lời nhiều, nhưng bây giờ đã hơn 11 năm rồi, tôi thấy không cần thiết phải dè dặt. Tôi biết một phần nó hỏi vòng vo để người tù miên man trong sự trả lời, rồi quặt vào đề tài chính để đo lường sự lúng túng của người tù mà đánh giá sự trả lời xác thực đến mức độ nào. Ẩn quay lại hỏi:

- Anh nói rõ cho tôi biết về nhóm Hợp Đoàn của anh.

- Tôi có viết một số bài cho tờ Hợp Đoàn, ngoài ra không có nhóm Hợp Đoàn.

- Tôi hỏi ai chủ trương, ai làm chủ nhiệm, chủ bút, tôn chỉ mục đích tờ báo. Ý nghĩa của tên tờ báo, anh trả lời từng chi tiết.

Tôi đáp theo thứ tự ngược lại của câu hỏi:

- Tên Hợp Đoàn do tôi đặt, sau khi tập trung một số bài nhạc anh em hát thấy hay, tôi viết thêm một bài nữa thì hình thành một tờ báo, cần có cái tên, tôi đặt tên Hợp Đoàn, ý nghĩa của nó chắc cán bộ cũng hiểu là kêu gọi sự đoàn kết - việc này thông thường thôi, ai cũng muốn kêu gọi đoàn kết cả - còn tên thì không tên này thì tên khác. Dù tên nào thì đối với cán bộ đều là phản động. Không có qui định chủ nhiệm chủ bút gì cả.

Ẩn cắt ngang:

- Anh nói vô lý, tờ báo mà không có chủ nhiệm chủ bút?

Tôi trả lời:

- Gọi là tờ báo cũng được, gọi là một tập bài viết cũng được, hoàn cảnh trong tù đâu có phải ngoài đời mà cái gì cũng phải chính danh. Nếu tôi gọi là người chủ trương cũng được.

Hắn nói:

- Anh xác nhận rõ ràng, có là có, không là không, không thể mù mờ.

Tôi đáp:

- Vâng, tôi chủ trương Hợp Đoàn.

Hắn ghi vào biên bản cung tôi là chủ nhiệm kiêm chủ bút. Xong hắn hỏi tiếp.

- Mục đích anh kêu gọi đoàn kết để làm?

Tôi trả lời chung chung:

- Vì chia rẽ quá nhiều, nên kêu gọi đoàn kết, còn để làm gì thì chúng tôi chưa nghĩ tới vì có làm gì được khi chúng tôi ở trong tù.

- Các bài viết của các anh, nhạc, thơ đều nhằm chống lại chế độ, nói xấu chế độ. Anh kêu gọi đoàn kết để chống chế độ phải không?

- Cán bộ nghĩ, cán bộ sẽ làm gì khi bị nhốt hàng chục năm trong tù, cán bộ có tin là người bị nhốt sẽ ca tụng chế độ đã nhốt mình. Những năm đầu cán bộ ở trại cũng đòi hỏi chúng tôi mỗi lần phát biểu ca tụng chế độ, chúng tôi có sợ mà nói thì cũng không phải là sự thật, khi nói thì thật ngượng, và có lẽ về phía cán bộ cũng thấy điều đó. Những thơ và nhạc làm trong tù đương nhiên là làm lén và nó đúng tâm trạng, ý nghĩ và hoàn cảnh của người tù.

Ẩn không ghi những lời nói của tôi vào biên bản, hắn hỏi tiếp:

- Anh có nhớ những bài anh viết không?

- Lâu rồi, tôi chỉ còn nhớ đại ý thôi, không thể nào nhớ đúng hết được.

Hắn xếp hồ sơ lại và nói:

- Bây giờ anh về suy nghĩ để lần khác lên đây lần lượt viết lại.

Trở về lại xà lim, tôi nhớ lại những câu trả lời, yên trí bề nào cũng một lần công khai đến đâu thì đến đó. Bảy ngày sau tôi lại được gọi ra hỏi cung, chấp pháp mới, hắn giới thiệu hắn tên là Khang, người Bình Định, trước kia học Văn Khoa. Sau phần thủ tục, Khang đi thẳng vào câu hỏi:

- Anh đã đọc tập thơ của Phạm Đức Nhì chưa, tôi là thi sĩ, tôi thấy thơ cũng hay lắm nhưng dĩ nhiên là lập trường không đúng.

Tôi nghĩ ngay, đã nhận là thơ hay thì đương nhiên hắn phải thấy những điều mà người làm thơ viết lên là đúng, còn lập trường thì chắc chắn là không hợp với quan điểm chính trị của chế độ.

Tôi đáp:

- Tôi chỉ đọc của Nhì một vài bài thôi, Nhì làm thơ hay, còn nguyên cả tập thơ thì tôi chưa đọc qua và cũng không nghe nói tới.

Khang nói tiếp:

- Nhì vượt biên mang theo cả tập thơ, khi bị bắt các đồng chí ở Long An tịch thu được, sau đó mới biết được Nhì đã là chủ trương làm báo Hợp Đoàn trong trại cải tạo. Chúng tôi đã đưa hắn về đây, anh biết chưa?

- Tôi chưa biết.

- Anh có nhớ “Long Bô” và “Bà Già Trầu” không? Khang hỏi tiếp.

Tôi vừa ngạc nhiên vì Long và Tùng là hai người bạn tù đã về từ năm 1981, anh Tùng là một Thiếu tá Biệt Kích, có cha là một Đại tá Công an Việt Cộng, ông này trước kia là một công chức quan thuế của Pháp, theo kháng chiến từ 1945. Nhờ có cha là công an và nhiều thân nhân bên cộng sản nên Tùng khỏi đi Bắc. Trong trại tù, Tùng là người tù rất tốt với anh em đồng cảnh và rất đứng đắn, giữ tư cách và danh dự. Làm đội trưởng nhưng không báo cáo và xu nịnh như các đội trưởng khác. Anh Tùng hiền lành nên Ngô Văn Ly đặt cho cái tên là “Bà Già Trầu”. Tôi không hiểu Ly nó báo cáo những gì mà lôi cả những người cùng đội của chúng tôi từ năm 1981 và lại báo cáo cho công an cả những cái tên gọi hằng ngày của họ như Long Bô, Bà Già Trầu, Hải Bầu. Chi tiết này càng khẳng định sự trở mặt của Ngô Văn Ly đối với anh em chúng tôi. Lúc đầu Ly chống Cộng ồn ào và quá khích nhưng không có lập trường và lý tưởng; chống đối để khoa trương đến khi bị bạn đồng cảnh hết tin tưởng, quay ra thù hận và cam tâm xoay cờ làm hại bạn bè. Giống như trường hợp của Đoàn Kế Tường, chống Cộng nhưng ở tù đụng chạm anh em tù nhân khác sinh ra thù hằn nhau. Khi ra về bị Huỳnh Bá Thành xây dựng để viết phóng sự bôi bác tù nhân chính trị.

Tôi đáp:

- Long và Tùng là những người cùng đội, họ về từ năm 1981, tôi không biết họ ở đâu và làm gì, ở trong tù gần gũi thân mật, ra ngoài đời mỗi người đều gặp những hoàn cảnh khó khăn riêng không ai còn nhớ đến bạn.

Khang đánh vào tình cảm của tôi, hắn nói:

- Anh biết ngoài đời khó khăn sao không cố gắng để về, tôi biết gia đình anh cũng khó khăn lắm. Khi nhận vụ án của anh tôi rất khó nghĩ, anh đã ở tù 11 năm rồi, bây giờ thêm án mới nữa, bao giờ anh mới về?

Qua hai lần hỏi cung của Ẩn và Khang, tôi thấy khác xa với thời kỳ đầu mới bị bắt, lúc đó, cán bộ chấp pháp chỉ hỏi và không bao giờ chịu nghe một lời biện bạch của người bị bắt, lúc nào cũng giữ một lập luận - bị bắt đương nhiên có tội, vì Đảng không bao giờ sai lầm. Đó là lý luận cố hữu của Cộng sản. Lúc đó những lời nói “tâm tình” của chấp pháp với bị can là một mánh lới hỏi cung. Giờ đây tôi thấy sự thay đổi rõ rệt trong cung cách nói và ý nghĩ của Ẩn và Khang, tôi rất tin là con người ít nhiều có lương tâm thì đều thấy sự sai lầm của chế độ cộng sản, nhất là những thanh niên sinh trưởng ở miền Nam lúc trước, họ theo cộng sản có người vì không thích chính quyền miền Nam, đi tìm một con đường phục vụ, họ tin là cộng sản đúng, họ tin cộng sản là phương thức tốt nhất để phục vụ đất nước. Những người đó ngày nay chắc chắn đa số đã nhìn ra sự thật, nếu họ được nói một cách công bằng đúng với lương tâm của họ thì chế độ Cộng Sản còn tệ hơn những điều họ thấy từ các chế độ thuộc địa và chế độ Cộng Hòa. Nhưng mỗi người lại phản ứng một cách khác, trừ những kẻ tiến sâu vào con đường danh vọng và quyền lợi phải bám lấy, bảo vệ và ca tụng chế độ. Đại đa số đều muốn có sự thay đổi, nhưng hoàn cảnh chưa có ai đứng ra tập hợp thành sức mạnh để đẩy mạnh sự thay đổi và từ sự thay đổi mạnh mẽ mới có cơ bùng nổ luôn một cuộc đấu tranh ít đổ máu để loại bỏ chế độ cộng sản một cách hoàn toàn. Tôi nghĩ là cần nêu lên một số ý kiến nên không viết lại những gì tôi đã viết trong Hợp Đoàn mà viết về các điểm sau:

1.Trong kinh tế chỉ huy, chính sách quản lý kinh tế được tóm gọn trong cuộc cách mạng quan hệ sản xuất, thực chất là nhằm để nhà nước nắm tất cả tài sản quốc gia, và vô sản hóa toàn dân. Nền kinh tế qua 60 năm thử nghiệm ở Liên Sô đã thất bại. Thất bại chính là hệ thống quản lý và sự cứng nhắc trong các thủ tục điều hành. Chính quyền Cộng Sản Việt Nam cũng đi vào con đường thất bại đó. Ngày nay, các nhà lãnh đạo cộng sản đã nhìn thấy, muốn có sự thay đổi quan trọng, sự thay đổi kinh tế phải đi kèm với sự thay đổi chính trị. Không thể có một nền kinh tế uyển chuyển linh động trong một cơ chế chính trị độc tài cứng nhắc và thư lại.

2. Tập trung dân chủ đi ngược lại luận lý thông thường, đó chỉ là một chế độ độc tài vì không thể nào có dân chủ khi tập trung quyền hành và quyền lợi vào một nhóm người, dân chủ thể hiện qua sự bình đẳng của mọi người dân và được luật pháp bảo vệ quyền bình đẳng đó, dân chủ không có khi nào người dân được hướng dẫn và được ban phát dân chủ từ thượng tầng chỉ huy.

3. Đấu tranh giai cấp là một quan niệm lỗi thời, nhiều đảng cộng sản Tây phương đã phê phán - và không hợp với truyền thống dân tộc Việt Nam. Thời đại ngày nay, sự tiêu diệt lẫn nhau là một chủ trương lạc hậu và bị lên án.

4. Trong cuộc chiến tranh ý thức hệ, thời kỳ chiến tranh lạnh, những nhà lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam đã tự đặt mình vào sự lệ thuộc với Liên Sô và tự nhận là mũi tên nhọn của xã hội chủ nghĩa là một sự sai lầm lớn lao. Quan niệm đó chỉ đem chiến tranh về cho tổ quốc và nhân dân phải chịu đi ngược lại truyền thống yêu chuộng hòa bình và chỉ duy trì sức mạnh tự vệ của lịch sử dân tộc Việt Nam.

Tôi viết ngắn gọn những ý kiến của tôi, mỗi đề tài khoản một trang giấy, tôi muốn người cán bộ cộng sản họ bình tĩnh đọc và nghĩ. Tôi nhận tôi là người chủ chốt trong tờ Hợp Đoàn, Nhì và Ánh cộng tác, còn San tôi phủ nhận. Tôi thấy tinh thần làm việc của chấp pháp cũng kém hơn trước, miễn sao trình bày hợp lý là được chấp nhận, không truy cứu, đào sâu để buộc tội nhiều người như trước đây.

Trước khi kết cung, Khang có nói với tôi là hắn rất băn khoăn khi phải làm nhiệm vụ để buộc tội tôi, vì không thể nào án của tôi dưới 20 năm. Tôi đáp lời Khang là tôi chấp nhận hậu quả tôi đã làm, và tôi nghĩ những điều tôi suy nghĩ là không sai, và buộc tội tôi là buộc tội những việc sẽ xảy ra trong tương lai.

Tôi trở lại xà lim tiếp tục hưởng sự an nhàn và thoải mái sau thời gian quá vất vả ở trong trại cải tạo lao động. Ngày ngày ăn ngủ, tắm đầy đủ. Đã 11 năm chưa bao giờ tôi được thoải mái như lần này. Tôi nhớ lại khi lần đầu bị bắt, bị đẩy vào xà lim, thấy bóng tối lờ mờ đã nhợn và sự đơn độc làm cho buồn. Lần này cảm tưởng khác trước rất xa.

Từ năm 1985, để đối phó với tình trạng vật giá gia tăng, áp dụng chế độ giá lương tiền, công nhân viên, cán bộ không còn lãnh tem phiếu lương thực thực phẩm và hàng tiêu dùng. Cán bộ công nhân viên cấp thấp của cộng sản bị ảnh hưởng nặng, qui luật giá cả tăng vọt của thị trường chợ đen khan hiếm. Chỉ có những cán bộ cao cấp và những tên may mắn giữ những vị trí có quyền lợi thì mặc sức vơ vét. Việt Cộng không bảo đảm được đời sống tối thiểu cho cán bộ, điều mà tất cả các chính quyền cộng sản cố duy trì để đổi lấy sự trung thành.

Cố gắng tạo điều kiện cho cán bộ công nhân viên có thêm lợi tức. Chính quyền Việt Cộng ban hành chính sách “ba lợi ích kinh tế” cho phép mỗi đơn vị, mỗi cơ quan tùy khả năng và hoàn cảnh thiết lập cơ sở kinh tài, các địa phương và đơn vị đua nhau mở cơ sở kinh doanh. Các quận và thành phố tập trung các ngành dịch vụ giải trí như nhà hát, sân khấu ca nhạc, phòng khiêu vũ và cả nhà tắm hơi.

Việt Cộng giải thích trơn tru những việc trước kia chúng chỉ trích, như khiêu vũ chúng gọi là “múa đôi”, nhà tắm hơi có đấm bóp thì được gọi là “nhà tắm dưỡng sinh”. Các phường và đơn vị nhỏ mở phòng chiếu video. Sân khấu ca nhạc được trình diễn nhạc tiền chiến, những bản nhạc tình yêu trước năm 1975 được duyệt lại để cho trình diễn. Phòng chiếu video được “thông cảm” chiếu những phim Trung Hoa, Hồng Kông nhập cảng lậu. Cộng sản đã chấp nhận một bước lùi quá nặng.
Ở trại giam công an cũng có chương trình ba lợi ích kinh tế, khai thác bán thức ăn cho tù. Tù mới bị bắt cũng được thông báo cho gia đình thăm, và gia đình được khuyến khích gửi nhiều tiền để mua thức ăn tươi, nóng hàng ngày. Buổi sáng trại bán cà phê, xôi bánh, nửa trưa bán chè, trưa bán bánh canh, thức ăn mặn, xế chiều bán chè hoặc bán hột vịt lộn. Cán bộ muốn có nhiều lời, phải dễ dãi với tù. Cô công an tên Lài, năm 1977 hách xì xằng có tiếng, chỉ có nhiệm vụ dẫn tù đi chụp hình lăn tay, cũng tìm mọi cách để la mắng, người thì ngồi chưa nghiêm túc, kẻ thì tay không đặt đúng vị trí đầu gối. Sau hơn 9 năm, trở lại nhà giam Phan Đăng Lưu, tôi thấy cô Lài ngày ngày gánh canh đi bán, múc canh thâu tiền, ăn nói nhã nhặn. Khi làm thương mại, cô công an Lài đã quên mất quyền hạn của cô. Tù gọi mua canh cô lên tiếng dạ, gọi tù bằng chú.

Thật buồn cười ông Karl Marx đem kinh tế làm nền tảng lý luận, đảng cộng sản dùng qui luật bao tử để cai trị, giờ đây, đảng viên cộng sản đang bị qui luật bao tử hành cho điêu đứng. Sự thay đổi đó làm cho Ba Phận, Mười Thăng, Cô Lài ở trại Phan Đăng Lưu không khỏi suy nghĩ và làm sao họ còn giữ được lòng son sắt với Đảng. Làm sao họ còn đem thân ra bảo vệ Đảng như trước kia họ còn tin vào Đảng, vào lãnh tụ.

Tháng 12-1986, xà lim 23 tôi tiếp nhận thêm một người tù, hắn tên Lưu, người quê Quảng Ngãi, gần 60 tuổi. Mới đẩy vào xà lim hắn than bị bắt oan, than khổ, đập đầu mấy cái vào xà lim đòi tự vận. Tôi đã quen với những hành động này của người mới bị bắt, chỉ vài ngày sau thì đâu vào đấy. Muốn sống cũng khó mà muốn chết cũng đâu có dễ.

Tôi chỉ khuyên hắn vài lời lấy lệ rằng nên bình tĩnh chuẩn bị cuộc sống trong xà lim cả năm hay ít ra năm bẩy tháng. Nghe tôi nói phải ở xà lim thời gian đó, hắn càng hoảng hơn. Vài ngày sau, không cần gợi chuyện hắn cũng bắt đầu kể. Nói chuyện cũng là một nhu cầu để tránh cô đơn. Lưu kể, thuở nhỏ hắn sinh trong một gia đình khá giả ở Quảng Ngãi, được đi học ở trường Khải Định Huế. Chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ, trở về học trường sĩ quan Trần Quốc Tuấn, ra trường chỉ huy đại đội, rồi được chuyển làm chính trị viên sau khi kết nạp Đảng. Năm 1954 ở lại không tập kết, đổi địa bàn vào hoạt động tại Sài Gòn, trở thành nhà thầu cung cấp cho quân đội. Nhờ việc làm ăn, trước năm 75 Lưu quen với nhiều sĩ quan từ cấp Tá tới cấp Tướng. Kiểm chứng lời hắn nói, Lưu không nói dối, những đặc tính của các tướng lãnh VNCH hắn kể rất đúng. Vả lại, một cán bộ hoạt động nội thành, có tiền của quen biết tướng lãnh VNCH không phải là hiếm. Ở Đà Nẵng, sau ngày 29-3-1975, ai cũng biết chủ garage Hoàng Hữu Kiên ở đường Hoàng Diệu là một ủy viên trung ương Đảng. Hoàng Hữu Kiên là người quê Quảng Trị, là Việt Kiều từ Thái Lan về nước năm 1958, nhưng Hoàng Hữu Kiên được Tướng Hoàng Xuân Lãm che chở vì là đồng hương, bà con trong họ, có tiền của. Đà Nẵng bị cộng sản chiếm, nhà của Kiên là nơi tụ hội các lãnh tụ cộng sản ngoài Bắc, từ Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ trở xuống, và Thượng tướng Nguyễn Chánh chủ tịch Ủy Ban Quân Quản thành phố Đà Nẵng đã ở nhà của Kiên từ trước, và từ đó xuất phát nhiều lệnh tấn công quân VNCH tại vùng I chiến thuật. Hoàng Hữu Kiên về sau làm bí thư tỉnh ủy Nghĩa Bình.

Ở trong chế độ mà các ông Tổng thống nuôi cán bộ cộng sản như Vũ Ngọc Nhạ làm cố vấn từ Tổng Thống Diệm đến Tổng Thống Thiệu, nên ông Tướng vùng vì tiền và tình cảm bảo bọc cho những tên chỉ huy cộng sản nằm trong thành phố cũng không đáng ngạc nhiên. Chế độ không sớm mất là nhờ bên ngoài có Hoa Kỳ giúp tận tình, bên trong có những sĩ quan, cán bộ cấp dưới chiến đấu hăng hái mới đứng vững được hơn 20 năm. Đến khi Hoa Kỳ không giúp đỡ nữa thì chế độ sụp là đương nhiên.

Lưu nằm vùng thu thập nhiều tin tức quân sự, nên có công lớn, ngày lễ mừng chiến thắng tại Sài Gòn, y và Đinh Xáng được Trần Văn Trà trao tặng cờ Mặt Trận Giải Phóng, đó là vinh dự lớn của tên cộng sản nằm vùng trà trộn trong hàng ngũ quốc gia. Đinh Xáng từ thời đệ nhất đến thời đệ nhị Cộng Hòa đều có địa vị quyền thế và tiền của. Đệ nhất Cộng Hòa làm Dân biểu. Đệ nhị Cộng Hòa làm Chủ tịch Tổng công đoàn Công Kỹ Nghệ. Lưu lần lượt được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, được cung cấp nhiều nhà cửa, xe hơi, sống một đời sống huy hoàng không thiếu bất cứ thứ gì, giải trí, săn bắn, bơi lội, câu cá, đánh tennis, uống champagne, martel giống như người thượng lưu trong chế độ tư bản. Con cái đều tốt nghiệp đại học và có việc làm ở những cơ quan hái ra tiền như ngân hàng hoặc cơ sở ngoại thương. Trước khi bị bắt, Lưu làm Cục phó khai thác Lâm Sản, Cục Trưởng là một cán bộ miền Bắc vào. Y đã kết tình thông gia với Cục Trưởng đó, và cùng được chia hai căn nhà ở cư xá sĩ quan Không Quân Tân Sơn Nhất. Nhà được tu sửa đầy đủ tiện nghi hơn trước. Hai gia đình thông gia ở cạnh nhau, cùng làm một cơ quan, bên trên còn Đảng nên gắn bó keo sơn. Bên ngoài, những cuộc tranh chấp quyền hành và quyền lợi bắt đầu âm ỉ, cán bộ miền Nam và cán bộ thuộc Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam lần lượt bị cán bộ miền Bắc thay thế. Y và người thông gia cũng vậy, lúc đầu tiên Cục Trưởng chưa nắm hết đường đi nước bước nên nhờ ông đồng chí miền Nam, hai bên làm ăn khắng khít. Khi Cục Trưởng nắm vững mọi ngõ ngách và mánh lới thì sự nghi ngờ bắt đầu nảy sinh và đồng chí thông gia Cục Phó trở thành một cái gai cần phải nhổ. Kết quả là Lưu bị Cục Bảo Vệ Chính Trị bắt nhốt bằng những tài liệu do “đồng chí thông gia” cung cấp. Đảng viên cộng sản, nếu bị công an bắt thì công an phải chứng minh tội trạng và phải có thủ tục tước đảng tịch, sau đó mới được nhốt; nhưng nếu bị Cục Bảo Vệ Chính Trị bắt thì không ai can thiệp được.

Mỗi lần kể chuyện với tôi, Lưu thường hay khóc, tôi cũng không ngờ một cán bộ cộng sản cũng đã từng chiến đấu mà sợ hãi cái xà lim và tiếc rẻ công lao mấy chục năm theo Đảng trở thành công cốc. Tôi không xúc động chút nào vì những giọt nước mắt đó, vì bạn bè của tôi và dân chúng đang cực khổ nhiều lắm. Lưu kể cho tôi nghe, vào trong tù mới thấy chế độ cộng sản của y có nhiều bất công mà trước đó y không biết. Tôi không xem đó là một lời thú nhận thành thật. Vì Lưu là một người được ưu đãi của chế độ mới, thời gian nằm vùng của y cũng sung túc giàu có, nên cố tình không nhìn thấy cái khổ của người chung quanh. Lưu kể cho tôi nghe rằng tại trại giam Thủ Đức, y biết một cô gái bị bắt giam vì tội mãi dâm, trong khi thực tế là vì cô gái con nhà đàng hoàng đó không chấp nhận lời tán tỉnh của tên trung úy Trưởng công an phường nên tên này trả thù chụp mũ bắt khi cô gái đi chơi với bạn về đến nhà lúc quá giờ giới nghiêm. Sự bất công quá thông thường ở ngoài xã hội, vì đảng viên cộng sản ở địa phương, nhất là bọn công an là một bọn cường hào ác bá. Lưu nói cho tôi biết Trần Văn Trà viết một bộ hồi ký gồm có 5 tập, nhưng lại viết tập 5 trước. Tập 5 khởi đầu từ thời gian sau hiệp định Paris, trong đó Trà nhấn mạnh đến công lao chiến thắng miền Nam năm 1975 là công của các Tư lệnh chiến trường ở miền Nam năm 1975 hơn là Chính Trị Bộ ở Hà Nội. Trà có chỉ trích những sai lầm của Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam đã đi xa quần chúng. Trong lời nói đầu, Trà viết: “Chúng ta vì nhân dân chiến đấu và nhờ nhân dân chiến thắng nên chúng ta không thể đi ngược lại quyền lợi của nhân dân.” Sau khi xuất bản tập 5 bộ hồi ký đó, Trà đã bị hạ tầng công tác, tập sách bị thâu hồi không cho phổ biến. Sự mâu thuẫn trong bất kỳ tổ chức nào cũng là điều tự nhiên không có gì quan trọng lắm. Quan trọng là mức độ mâu thuẫn có đưa đến đổ vỡ và sự thay đổi tận gốc rễ hay không.

Karl Marx phân tích sự mâu thuẫn của xã hội và xem đó là qui luật tất yếu và là động lực để tiến bộ. Đảng Cộng Sản sử dụng qui luật mâu thuẫn xã hội và luôn luôn chủ trương đấu tranh không khoan nhượng, tiêu diệt thành phần đối lập.
Do đó, khi Đảng Cộng Sản còn đối tượng để đấu tranh thì họ thống nhất và đoàn kết - nhưng khi hết đối lực thì họ sẽ đấu tranh mạnh mẽ trong nội bộ và trở thành cuộc đấu tranh giành quyền lãnh đạo. Lịch sử của các Đảng Cộng Sản đã cho thấy rõ điều đó. Sau khi lật đổ Sa Hoàng thì Cộng Sản đoàn kết để tiêu diệt thành phần Cách Mạng Dân Chủ để đoạt quyền lãnh đạo Cách Mạng ở Nga. Các lực lượng dân chủ bị tiêu diệt thì Đảng Cộng Sản phân chia thành Menchevik và Bolchevik. Sau khi Lénine chết thì có sự tranh giành quyền lực giữa đám đệ tam và đệ tứ và cứ như thế Đảng Cộng Sản Liên Sô mỗi lần thay đổi lãnh tụ là mỗi lần thanh trừng nội bộ. Đảng Cộng Sản Trung Quốc cũng tương tự, sau khi nắm được trị an toàn cõi Trung Quốc, Mao Trạch Đông củng cố quyền lực, dùng Lâm Bưu và Hồng Vệ Binh để loại trừ Lưu Thiếu Kỳ và các nguyên soái nhiều quyền hành, sau đó sử dụng lãnh tụ trẻ của Hồng Vệ Binh để loại trừ Lâm Bưu. Đặng Tiểu Bình dùng Hoa Quốc Phong loại trừ Tứ Nhân Bang (Giang Thanh, Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên) sau đó loại trừ Hoa Quốc Phong để nắm trọn quyền hành.

Đảng Cộng Sản Việt Nam có truyền thống đoàn kết lâu dài hơn nhờ phải liên tục đấu tranh chống Pháp và cuộc chiến thôn tính miền Nam. Bây giờ chính quyền miền Nam đã bị tiêu diệt, đảng cộng sản hoàn toàn làm chủ đất nước thì sự tranh chấp nội bộ để giành quyền lãnh đạo là một sự đương nhiên.

Nói về mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, trước đây, Cộng Sản Miền Bắc tạo dựng lên để đánh lừa dư luận trong và ngoài nước Việt Nam. Nhiều người vì ngây thơ bị đánh lừa, nhưng cũng có nhiều người muốn vấn đề Việt Nam được giải quyết nên làm như tin là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam là một thực thể độc lập với miền Bắc. Nhìn vào thành phần lãnh đạo của Mặt Trận, chúng ta thấy rõ nó là một bộ phận của Đảng Cộng Sản Việt Nam (trước 75 gọi là Đảng Lao Động) do Lê Đức Thọ và Phạm Hùng là hai Ủy Viên Bộ Chính Trị lãnh đạo, ngoài ra, các tướng lãnh mấu chốt đều là đảng viên trung ương như Trần Văn Trà, Trần Độ, Trần Nam Trung. Trần Văn Trà người quận Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, vào đảng cộng sản lúc 17 tuổi, năm 1945 được Hồ Chí Minh cử vào miền Nam để làm tư lệnh khu 7, Nguyễn Thị Định, cán bộ nằm vùng tại miền Nam, đã thăng tiến từ bí thư huyện ủy, lên đến bí thư tỉnh ủy Kiến Hòa và ủy viên của Trung Ương Cục. Nguyễn Thị Bình, nguyên thư ký riêng của Nguyễn Thị Thập, chủ tịch Liên Hiệp Phụ Nữ.

Năm 1960, trong một cuộc bầu cử nội bộ Liên Hiệp Phụ Nữ, Nguyễn Thị Bình đã được bầu nhiều phiếu hơn Nguyễn Thị Thập. Kết quả bầu cử không được Hồ Chí Minh chấp thuận vì Hồ Chí Minh bênh vực Nguyễn Thị Thập nên Nguyễn Thị Bình được thay đổi công tác vào miền Nam. Huỳnh Tấn Phát, nguyên đảng viên Tân Dân Chủ ở miền Nam gồm một số trí thức yêu nước, đảng này đã bị cộng sản thôn tính và gia nhập đảng cộng sản từ sau 1945, ngoài Huỳnh Tấn Phát còn những khuôn mặt miền Nam như Mai Văn Bộ, Ung Văn Khiêm, Lưu Hữu Phước, Trần Bạch Đằng. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ cũng đã được kết nạp vào Đảng thời kỳ thập niên 60 nhưng Thọ và Phát đảng tịch kém nên dù làm Chủ Tịch Mặt Trận và Chính Phủ Cộng Hòa Miền Nam vẫn giữ vai trò bù nhìn. Những người khác như Trịnh Đình Thảo, Trương Như Tảng là những bộ mặt bên ngoài trong lá bài lường gạt.
Ý kiến về một Mặt Trận Miền Nam độc lập với đảng cộng sản ở miền Bắc là một ý kiến không chính xác, tin tưởng là trong Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam có người quốc gia là một sự mơ hồ và ngây thơ. Sau năm 1975, nhiều người còn mong đợi Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam sẽ giữ độc lập và Miền Nam trung lập là quá chậm tiến và ngây thơ, muốn tìm một giải pháp dễ không bao giờ có được.

Sự kiện Trần Văn Trà và những đảng viên cộng sản miền Nam tập kết trở về bất mãn, nếu đưa đến tranh chấp phải được xem như là sự tranh chấp về quyền lợi của những người cộng sản và sự tranh chấp đó sẽ còn xảy ra giữa những lãnh tụ cộng sản với nhau, kết thành nhiều phe nhóm tiêu diệt nhau, chỉ khác nhau chút ít, một khi họ chưa thực sự nhìn rõ là chế độ cộng sản không thể phục vụ dân tộc, chế độ cộng sản là một chế độ kỳ cục đi ngược lại sự tiến hóa của con người. Nhưng trong sự tranh chấp nội bộ của cộng sản, chúng ta có thể rút ra được những lợi điểm:

- Trước hết, nó đánh tan được một thiên kiến vốn khâm phục và sợ cộng sản là một tổ chức đoàn kết thống nhất và không thể bị đánh bại.

- Khi cần loại trừ chế độ cộng sản thì mọi động lực đều cần thiết.

- Sự tranh chấp quyền lực nội bộ làm nản lòng một số đảng viên trẻ có học vấn, có lý tưởng phục vụ con người và tâm hồn yêu nước, họ có thể hình thành một thành phần đối kháng thực sự có ích trong nội bộ đảng cộng sản. Chúng ta quí trọng thành phần này vì họ đã đi đến kết luận là chế độ cộng sản không cần thiết cho dân tộc.

Lưu ở cùng xà lim với tôi non tháng thì hắn chuyển đi nơi khác. Tôi lại tiếp tục đời sống thoải mái chờ ngày ra tòa.

Xà lim số 24 bên cạnh là anh Doãn Quốc Sỹ và số 23 khu C-1 đối lưng là anh Dương Hùng Cường. Tôi thường nói chuyện với anh Sỹ qua khe hở dưới cửa và nói chuyện với anh Dương Hùng Cường qua vách ngăn hai xà lim đâu lưng nhau.
Những gì Hải Bầu nói với tôi, anh Sỹ đều nghe cả, một hôm anh hỏi tôi:

- Thiệp không đứng đầu một vụ án, nhưng tình thế anh em thúc đẩy đến như vậy, ra tòa phải gánh tội án nặng, Thiệp có buồn, có giận và có sợ không?

Tôi trả lời anh Sỹ:

- Dĩ nhiên là không muốn như vậy, nhưng em nhận vụ án sẽ gọn hơn, không kéo dài, vì bề nào cũng có người bị gán cho cầm đầu tổ chức, em không nhận, rồi nó khai thác mãi, lời khai của nhiều người sẽ mâu thuẫn nhau, thành bất lợi hơn. Anh Sỹ cho biết trường hợp của anh cũng vậy, nhóm của anh sau khi Hoàng Hải Thủy móc nối được cô Nhan, nhân viên bưu điện, chịu chuyển văn thơ ra ngoại quốc, thì mạnh ai nấy làm, không ai là trưởng nhóm; khi vụ án vỡ ra chấp pháp cũng ghép anh Sỹ là người cầm đầu và anh cũng nhận. Anh Sỹ nói: “Đặc tính của người quốc gia hay người tiểu tư sản mình là không bao giờ chịu ghép mình trong tổ chức, làm việc tùy hứng, mạnh ai nấy làm.” Nhận xét của anh Sỹ rất đúng, người tiểu tư sản có nhiều tài năng, nhưng làm việc không bao giờ chịu chấp nhận một khuôn mẫu kỷ luật, nên không thể làm việc với nhau lâu dài trong cuộc đấu tranh trường kỳ được. Tính này Lénine đã phân biệt là tính tự giác (có tổ chức, có ý thức) và hoạt động có tính tự phát (tùy hứng, tùy sự xúc động nhất thời.)

Anh Doãn Quốc Sỹ là một nhà văn nổi tiếng thuộc nhóm Sáng Tạo. Thời còn học sinh trung học, tôi rất thích đọc tạp chí Sáng Tạo; tôi mê đọc truyện ngắn của Thảo Trường, Thanh Tâm Tuyền, Thạch Chương, Duy Thanh, Mai Thảo, Dương Nghiễm Mậu, Lôi Tam; thích những bức vẽ của Duy Thanh, Ngọc Dũng; thơ của Nguyên Sa và Tô Thùy Yên. Những tác giả trên có những người không thuộc nhóm Sáng Tạo mà chỉ có văn thơ đăng báo. Trí óc của tôi giới hạn, có lẽ tôi không hiểu hết những gì họ viết, nên tôi chỉ thích qua sự cảm nhận của mình. Trừ những tác phẩm của Doãn Quốc Sỹ là dễ hiểu, dễ nhớ vì anh viết thật thà, đôn hậu giống như người của anh. Nhắc đến anh Sỹ là phải nhớ đến bộ trường thiên Khu Rừng Lau, truyện dài Hồ Thùy Dương và truyện vừa Dòng Sông Định Mệnh. Thuở 16, 17 tuổi đọc Dòng Sông Định Mệnh, tôi mê lối tả cảnh, tả tình lãng mạn của anh Doãn Quốc Sỹ. Trước năm 1954, văn học Việt Nam tập trung ở Hà Nội và do người sinh trưởng ở ngoài Bắc viết. Huế và Sàigon cũng có xuất bản sách và báo nhưng ít, vì các nhà văn miền Trung và miền Nam vừa ít về số lượng và kém về phẩm chất. Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam gốc gác là người Quảng Nam nhưng tất cả đều sinh trưởng tại miền Bắc. Văn học Việt Nam tiến rất nhanh từ văn chương biền ngẫu qua tân văn gọn gàng sáng sủa do công lao đóng góp của nhiều người viết nhưng ai cũng phải công nhận là nhóm Tự Lực Văn Đoàn đóng góp nhiều nhất kể về lượng và phẩm.

Thời kỳ sau 1954, miền Bắc đã giữ được hầu hết văn sĩ và thi sĩ nổi tiếng - yếu tố này đã được cán bộ nằm vùng cộng sản ở miền Nam khai thác để tuyên truyền cho thế đứng của cộng sản miền Bắc trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Có lần đọc tập san của nhóm sử địa đại học Văn Khoa Sàigon xuất bản năm 1974, Nguyễn Ngọc Văn đã viết: “Văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ là tinh hoa của một dân tộc, họ rất nhạy bén trong sự cảm nhận tình yêu nước, hầu hết những văn nghệ sĩ đều theo kháng chiến và ở lại miền Bắc, vậy trong cuộc chiến tranh hiện nay, tình yêu nước nằm ở miền Bắc.”

Đối với người lớn tuổi có kinh nghiệm, lời tuyên truyền của Nguyễn Ngọc Văn không ảnh hưởng mấy, nhưng đối với những người trẻ tuổi, những sinh viên, lời tuyên truyền đó chắc chắn có nhiều kết quả, lôi kéo sinh viên về phía cộng sản.
Ngày nay thì câu trả lời cho lý luận của Nguyễn Ngọc Văn càng đã sáng tỏ ai yêu nước. Với một lực lượng văn nghệ sĩ hùng hậu như vậy, suốt 21 năm chia cách, ở miền Bắc không có một tác phẩm nào, không có một bản nhạc, một bài thơ nào có được chút giá trị; trừ những tác phẩm của những văn nghệ sĩ chống đối chế độ trong nhóm “Nhân Văn Giai Phẩm”. Những cán bộ có học ở miền Bắc, sau ngày 30-4-75 vào miền Nam đi sưu tầm lại những tác phẩm thời tiền chiến và những tác phẩm thời kháng chiến để đọc vì thời gian ở miền Bắc họ có “nghe nhắc qua” những tác phẩm đó. Như vậy rõ ràng “kháng chiến chống Pháp” hợp với tình cảm của toàn dân tạo hứng khởi cho văn nghệ sĩ sáng tác, còn xây dựng chủ nghĩa xã hội tại miền Bắc đã tiêu diệt mọi cảm hứng, không sinh ra được văn nghệ sĩ mới mà còn làm mất khả năng sáng tác của khối lượng thật đông đảo văn nghệ sĩ tài hoa đã vì tinh thần kháng chiến chống ngoại xâm mà ở lại miền Bắc. Điều này dễ nhận thấy, nếu chịu khó đọc một số tác phẩm sáng tác ở miền Bắc trong thời gian trước 1955-1975, chỉ thấy được những tác phẩm tuyên truyền ngô nghê, non nớt, những tình tiết hư cấu lố bịch.

Rất ít văn nghệ sĩ tài hoa di cư vào miền Nam, nhưng văn học miền Nam đã phát triển nhanh chóng; khi di cư những nhà văn thuộc nhóm Sáng Tạo còn là những sinh viên hay học sinh. Họ bắt đầu làm công tác văn học, có thể nói Sáng Tạo đã đóng góp rất nhiều, làm cho văn học miền Nam bừng sáng lên, và sau đó đã có những văn thi sĩ có tầm cỡ sinh trưởng tại miền Trung và miền Nam như Bình Nguyên Lộc, Võ Phiến, Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư và vô số những văn nghệ sĩ khác mà tác phẩm của họ đã làm cho văn học nghệ thuật miền Nam hơn hẳn miền Bắc. Thời gian 20 năm với đời người là quá dài nhưng lịch sử dân tộc thì chỉ như một cái chớp mắt. Trong chớp mắt đó khoảng cách văn học giữa hai miền Nam Bắc Việt Nam là điều minh chứng rõ rệt là dòng văn hóa dân tộc đã chuyển về miền Nam cùng với tình yêu nước, hoài bão xây dựng quê hương.

Nhưng tôi vẫn chưa thỏa mãn, không hiểu tại sao trong vận động lịch sử dân tộc lớn lao như vậy, xã hội miền Nam Việt Nam biến chuyển và tiến bộ rất nhanh trong bối cảnh một cuộc chiến tranh thật tàn khốc, miền Nam Việt Nam vẫn không có một tác phẩm lớn như bộ “Chiến Tranh và Hòa Bình” của Léon Tolstoi, hay “Cuốn Theo Chiều Gió” của Margaret Mitchel hay “Sông Don Êm Đềm” của Cholokov. Tôi đem điều thắc mắc đó hỏi anh Doãn Quốc Sỹ, anh giải thích: “Léon Tolstoi, Margaret Mitchel, Cholokov viết về một xã hội đã qua, họ thâu thập chất liệu được xem là chính xác để xây dựng tác phẩm, tư tưởng của tác giả và độc giả thống nhất, vì độc giả không phải là nhân chứng của hoàn cảnh lịch sử xã hội. Trái lại, những nhà văn Việt Nam phải viết tác phẩm trong xã hội đang sống, độc giả là chứng nhân của xã hội, nên khi đọc sách họ hòa nhập vào tác phẩm và tác giả. Do đó, tác giả không sống thực dễ bị độc giả nhận xét. Đơn cử thí dụ, nhiều nhà văn viết về chiến tranh, nhưng phần lớn chỉ ở Sàigon nghe bạn bè kể lại rồi viết, nên khi tác phẩm thành hình, độc giả đọc không thấy sự thật, tác giả không cảm nhận được các diễn biến tình cảm như độc giả họ sống thực với xã hội. Chính trong thí dụ về bút ký và truyện dài về chiến tranh, chỉ có hai tác giả Phan Nhật Nam và Nguyên Vũ là nổi tiếng hơn hết vì ngoài văn tài của mỗi người, họ sống thật với cuộc chiến hơn ai hết.”

Tôi hỏi về cách thức thâu thập chất liệu để xây dựng tác phẩm, anh Doãn Quốc Sỹ nói anh cũng nằm trong khuyết điểm là anh chỉ ở Sàigon và có thời gian ngắn đi dạy học tại Hà Tiên, nên ngoài Sàigon ra, những diễn biến xã hội ở các nơi khác nhất là nông thôn và chiến trường anh chỉ nghe kể lại.

Cũng như trước kia, trong kháng chiến chống Pháp, anh có theo gia đình đi tản cư, rồi hồi cư về Hà Nội sớm, các chất liệu anh xây dựng tác phẩm cũng do người khác kể lại, tôi hỏi tiếp theo anh sự “lấn cấn trong tư tưởng”, sự thắc mắc về lịch sử, ví dụ trước 30-4-75, có nhiều người thắc mắc là mình đứng trong chiến tuyến miền Nam chống lại miền Bắc có phải là yêu nước hay không, điều này có trở ngại cho sự sáng tác hay hình thành tác phẩm lớn hay không.

Anh Sỹ nói: “Nếu còn lấn cấn tư tưởng thì khó sáng tác, có thể trước đây, nhiều người ở miền Nam chưa sáng tác được vì vấn đề này, như vậy cũng hy vọng là sau này Việt Nam có tác phẩm lớn vì vấn đề lịch sử ngày nay đã sáng tỏ sau khi cộng sản chiếm miền Nam, nhưng riêng cá nhân tôi (anh Sỹ), tôi đã dứt khoát tư tưởng từ lúc đầu tiên bỏ vào miền Nam”.

Qua sự giải thích của anh Sỹ, tôi hiểu thêm phần nào rằng tại sao những nhà văn trong Sáng Tạo, viết truyện ngắn rất hay, nhưng truyện dài, trừ anh Doãn Quốc Sỹ, có một số tác phẩm cũng còn giới hạn, còn những tác giả khác, tác phẩm của họ chưa được độc giả ngưỡng mộ. Nể mích lòng anh Sỹ, tôi không dám đưa so sánh trong hai giai đoạn lịch sử văn học, không kể những nhà văn độc lập, nhóm Sáng Tạo hay nhóm văn nào khác vẫn chưa so sánh được ảnh hưởng của nhóm “Tự Lực Văn Đoàn”, dĩ nhiên là chỉ so sánh về ảnh hưởng của tác phẩm với độc giả, còn các khía cạnh khác như kỹ thuật sáng tác, lối hành văn v.v... ở thời điểm khác nhau không thể so sánh được.

Tôi nhớ lúc nhỏ, đọc một tờ Báo Xuân, tác giả một thiên phóng sự đi xông đất các nhà văn nhà báo (tôi quên tên tác giả), viết là khi đến tòa soạn Sáng Tạo, ông ta thấy có nhiều bàn thờ, trên mỗi bàn thờ có hình của mỗi người nhóm Sáng Tạo, ông ta ngạc nhiên tưởng có tai nạn làm nhiều người chết, nhưng khi nhìn kỹ thì những người quì trước bàn thờ đang quì lạy bức ảnh của mình. Người ta phê phán nhóm Sáng Tạo là đã quá tự mãn, chỉ biết tôn thờ cá nhân của mình và xem thường hết mọi người. Tôi xin lỗi anh Doãn Quốc Sỹ trước, hỏi ý kiến anh về sự phê phán đó đúng hay sai. Anh Sỹ đáp: “Phê phán hay móc nhau, thậm chí có khi chửi nhau của nhà văn nhà báo là hiện tượng thông thường, có khi chỉ là bạn bè đùa nhau nhưng cũng có khi sự phê phán có tính thù nghịch triệt hạ nhau. Cũng như lòng tự mãn cũng là một tính của con người, ai cũng có, chỉ có khuyết điểm là không chịu lắng nghe để tu sửa mình, bất cứ ai, không kể là nhà văn nghệ, tính khiêm tốn cũng là điều tốt.

Tôi biết anh Doãn Quốc Sỹ, ngoài viết văn, dạy học, anh còn nghiên cứu về Thiền. Hai tác phẩm bán được nhiều nhất là “Dòng Sông Định Mệnh” và “Về Thiền”. Người có nghiên cứu và thực hành về thiền mỗi ngày thì đạt được sự bình tâm, tính hòa ái, khiêm tốn. Tôi không hiểu các tác giả khác trong nhóm Sáng Tạo thế nào, nhưng lời chỉ trích về “tự sùng bái cá nhân” và “kiêu ngạo” coi thường mọi người mà người ta gán cho nhóm này, đối với cá nhân anh Doãn Quốc Sỹ không đúng một mảy may. Tôi cũng thường nói chuyện với anh Dương Hùng Cường ở xà lim phía sau, hai phòng đều số 23 ở hai khu đối lưng nhau, tôi không biết mặt anh Dương Hùng Cường, chỉ biết anh qua bút hiệu “Dê Húc Càn” viết báo công kích nhân vật chính quyền trước 1975, và chỉ đọc một ít tác phẩm của anh về đời sống của những người lính không quân và trại gia binh không quân. Anh Cường nói với tôi về gia đình, anh có 8 người con gái và sau lần cải tạo về chị Cường mới sinh thêm một cậu út, mà anh xem là “tác phẩm” lớn của anh. Tôi đùa tại sao là nhà văn phóng khoáng, anh vẫn còn phân biệt con trai hay con gái, anh Cường nói “cái chất” của người Việt Nam trong con người, nên vẫn biết con trai con gái vẫn là con, nhưng gia đình không có con trai thì vẫn thấy thiếu. Đời sống trong xà lim, tủn mủn như vậy, có lúc cũng có thể nói chuyện trao đổi với nhau những điều quan trọng, có khi chỉ nói những chuyện vặt vãnh, những thèm muốn tầm thường nhất của con người, hay có khi nằm hằng buổi để nhìn một vết loang lổ trên trần nhà rồi tưởng tượng ra bao nhiêu hình ảnh khác nhau. Cái vết ciment tô nhám nhúa trên tường mà tôi tưởng tượng ra cảnh cô ca sĩ đang hát tại một buổi dạ vũ nhiều cặp trai gái đang nhảy, cảnh Napoléon đánh trận ở Waterloo, cảnh lụt lội nước ngập đồng bằng miền Trung quê tôi. Nằm tưởng tượng như vậy thú vị và sớm hết giờ hơn là nằm nhìn đàn kiến tha con dán lên trần nhà qua khe hở của cánh cửa của xà lim.

Anh Dương Hùng Cường nhờ tôi chuyển đọc đến anh Doãn Quốc Sỹ 4 câu thơ anh làm nhân ngày giỗ của ông Hiếu Chân. Anh Cường chỉ viết văn mà chưa hề làm thơ, tôi đã đọc chuyển qua cho anh Sỹ, thơ không hay nên tôi không thuộc, vả lại trí nhớ đã kém lắm nên không nhớ được lâu. Sau này, ra trại lao động được tin Dương Hùng Cường chết ở xà lim tôi thấy có lỗi với anh quá nhiều. Tôi cũng được tin anh Doãn Quốc Sỹ bị xử án 10 năm đưa trở lại trại lao động. Anh Sỹ đã trên 60 tuổi, không biết anh có còn chịu đựng được những ngày gian khổ, nhục nhằn ở trại cải tạo lần thứ hai không? Lần trước anh bị tù hơn 6 năm rồi. Không biết lịch sử có biến chuyển nhanh để anh Sỹ và những người tù chính trị được ra khỏi tù trước khi kiệt lực gục ngã hay không. Anh Sỹ có hứa là nếu có hoàn cảnh anh sẽ đi cùng tôi ra Quảng Nam để sống với tôi một thời gian. Tôi sẽ đưa anh đến tận các nơi đã xảy ra cuộc chiến tranh của cả hai thời kỳ chiến tranh 1945-1954 và 1960-1975, ở đó, người dân Quảng Nam đã chịu đựng và xã hội Việt Nam trưởng thành như thế nào, tôi hy vọng với tài năng có sẵn và với chất liệu phong phú, anh Sỹ sẽ viết được một tác phẩm thật lớn cho văn học Việt Nam. Mơ ước đó có thành sự thực không, khi anh Sỹ đã già và còn ở trong nhà tù Cộng sản?

Ra ở tập thể được đúng một tháng, tôi được gọi đi làm việc. Khang báo cho tôi biết là theo chính sách mới, tôi không bị truy tố ra tòa, tất cả chúng tôi được đưa trở lại trại lao động cải tạo. Cuộc đời may rủi bất ngờ, tên công an Lý Lé và Ngô Văn Ly dàn xếp gài vụ Hợp Đoàn vào tổ chức phục quốc của ông Nguyễn Văn Của và liên hệ với vụ văn nghệ của nhóm anh Khuất Duy Trác, định cho chúng tôi chết trong tù, nhưng kết quả là chúng tôi được về nghỉ ngơi thoải mái gần 9 tháng tại xà lim Phan Đăng Lưu. Trở lại trại Xuân Lộc, San, Ánh, Ngọc và tôi ai nấy đều mập mạp, trắng trẻo và khỏe trở lại.

Về đến trại Xuân Lộc, an ninh tiếp tục cùm chúng tôi trong xà lim kỷ luật hơn tháng, sau cùng phải thả ra vì chính sách mới đối xử dễ dãi hơn với tù cải tạo.


(còn tiếp)


*Mời đọc những phần trước:

 Tựa;  Phần mở đầu;  Chương 1;  Chương 2;  Chương 3; Chương 4; Chương 5; Chương 6; Chương 7; Chương 8; Chương 9; Chương 10; Chương 11; Chương 12 - Xuân Phước; Chương 13; Chương 14; Chương 15





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét