12.6.13

A20 Hồi Tưởng A20 .1b.



A20 Phạm Văn Thành  


1993 Tháng Mười.

  Sau bữa ăn lạ lùng, đoàn xe lăn bánh  trèo đèo Đại Lãnh. Quá đẹp. Tôi đây là lần đầu tiên trong đời nhìn thấy bầu trời và cảnh trí phần đất phía bắc tính từ Nha Trang. Vách đá lởm chởm kiểu dạng khối mang màu xanh thẫm, lô nhô lúc ẩn lúc hiện sau những thảm xanh biên biếc của rừng lá cọ. Biển xanh thẫm dưới chân đèo, vắt vẻo thật xa phía chân trời là những ngọn sóng trắng bạc màu. Quê hương. Non nước. Sao kỳ vỹ lạ lùng.

Tôi đã nhiều lần vượt đèo Alpe từ biên giới Pháp để đi Ý Đại Lợi. Cảnh trí cao hơn Đại Lãnh rất nhiều… nhưng cái đẹp Đại Lãnh vẫn hút tâm trí tôi cực mạnh. Có lẽ do tâm ý mình không được khách quan chăng.

Đỉnh đèo gió giật phần phật. Xe được lệnh dừng lại. Hai đầu đường đèo xe thường dân bị ách lại bằng hai xe đi đầu và đi cuối của đoàn xe áp giải tù năm chiếc. Thấp thoáng tôi nhìn thấy một chiếc cờ nhỏ lạ màu đỏ quơ quơ ở chỗ gần chiếc xe đi đầu đậu ách lại.


Hai xe chở tù được mở cửa và tù được ra ngoài xe… đi tiểu ! Gió mạnh quá. Tôi thích thú thật sự, há to miệng hít cật lực cái thứ không khí sang trọng cực kỳ vào buồng phổi chắc chắn đã rất dơ dáy sau gần 7, 8 tháng biệt giam hầm tối. Chốt cùm được mở. Cả ba, tôi Dũng và Trần Tư còn mỗi người một chân trong cổ cùm suốt nên rất khó nhọc mới xuống xe được. Ông thiếu tá Huấn phải đứng sát cánh cửa xe để tôi bám vai (bấu thì đúng hơn) vì tôi là người ở giữa phần đòn thanh sắt dài 1m rưởi nối ba người. Trần Tư xuống trước phải giơ chân trái thật cao để nâng đầu chiếc cùm suốt cao gần ngang bằng với điểm đầu còn lại của thanh suốt cùm đối với chân của Phạm Dũng còn ngồi trong nửa ghế của xe. Tôi thì một chân đã chấm xuống đất, một chân giơ ngang tầm ghế cho Dũng và Trần Tư bớt đau.

Cuối cùng thì ba người đàn ông cũng xuống được hết mặt đất, nhích bàn chân từng chút một để cùng tha cái cùm suốt ra xa khỏi vị trí xe đậu. Cùng nhìn về hướng biển và vạch cờ-u-cu ra đái. Tôi dành phần ưu tiên cho hai ông anh đái trước vì cổ tay của tôi bị còng dính với hai người. Gió phần phật thổi ngược những tà áo bà-ba tù của cả ba chúng tôi, hất ngược cả nước tiểu của hai người vào cả ba bộ quần áo. Đái xong, tay chân chúng tôi đều ướt át cả nhưng không hề gây bận tâm cho ai vì không gian, cảnh trí quả thực quá hùng tráng! Tôi nghĩ đến bài thơ “Đập đá ở Côn Lôn” của cụ Phạn Bội Châu và dậy lên một chút tự hào trong lòng. “Ừ, dẫu gì ta cũng làm được một thằng người dám bước tiếp những bước của người xưa uy dũng”.

Xe vào địa phận Phú Yên. Moris Đỗ Hườn bảo nhỏ “Chắc ra Bắc quá”. Trong xe năm người tù, không ai có kinh nghiệm tù đày hay cải tạo phía Bắc tính từ Nha Trang. Trần Tư là người ThừaThiên, từng học các trường dòng ở Huế để nhắm chức linh mục. Ý tưởng của Trần Tư cho tới lúc này rất lạc quan. Ông nghĩ là xe sẽ ra Bắc, Hà Nội và tòa đại sứ Mỹ sẽ can thiệp đặc biệt cho ông. Ý nghĩ của ông chỉ có Moris Đỗ Hườn cộng hưởng nên trong tay ba cùng một hàng ghế, cùng một suốt cùm là Trần Tư, tôi và Phạm Anh Dũng ba người đuổi theo ba ý nghĩ khác nhau, không bàn tán gì với nhau.

Xe đột nhiên rời quốc lộ 1 quay hướng trái. Không ai trong những người tù biết khu vực tỉnh Phú Yên có bao nhiêu trại tù. Trước khi vượt biên năm1982, tôi biết một trại tù ở Gia Lai Kontum tên là Gia Trung. Nhưng đường đi thì không thể là con đường từ Phú Yên này. Xe dập dình vào con đường nhỏ hơn, đường tỉnh lộ. Tôi nhìn được các bảng chữ chỉ hướng “Chí Thạnh”, “La Hai”. Đây là những địa danh lần đầu trong đời tôi được biết …

Đoàn xe mất chiếc thứ năm. Bốn chiếc vật vã cưỡi đạp các ổ gà nhắm… đỉnh núi phía xa xa. Cổ chân đã muốn tóe máu vì chiếc móng cùm quá vừa vặn với cái cổ chân trơ xương của tôi. Xe chạy như lợn động cỡn. Mặt Trần Tư thất sắc. Tối bấm đùi Dũng  .

-         Vào núi rồi anh ạ.
-         Ừ, núi kìa.

Giọng Dũng xa vắng.

Dân chúng hai bên đường không biểu lộ tình cảm gì đối với đoàn xe. Có lẽ họ đã quá quen.

-         Chắc trại tù lớn gần đây.

Dũng nói bên tai tôi sau khi thấy sự bình thản của người dân đưa mắt nhìn ái ngại theo chúng tôi, khi xe qua những đoạn đường xấu, đi rất chậm (đánh vật thì đúng hơn).

Khoảng hai giờ chiều. Trước mắt chúng tôi hiện ra con đường vắng với những thửa đất canh tác hai bên. Toàn bộ là những người đang phơi nắng làm việc đều mặc đồ xanh lơ xám giống chúng tôi. Những tốp tù khoảng hai chục người, hai chục người lầm lũi làm việc. Vài cánh tay dơ lên hướng về chúng tôi. 

Xe vào trong sân rộng sau khi chui qua một khung cổng xi măng lớn với hàng chữ Trại Giam Xuân Phước - Bộ Nội Vụ sơn chữ đỏ chắn ngang trên cao. Mọi người được tháo còng cùm và được ngồi tự do trong xe chờ làm thủ tục nhập khu tù.

Khu nhà này sau chúng tôi mới biết là khu nhà có tên gọi là Nhà Cơ Quan. Nơi đây được xây cất để bộ phận hành chánh và bộ phận bảo vệ, bộ phần quản giáo cùng giám thị sống và sinh hoạt. Tường vôi màu vàng. Nhà trệt xen kẽ bằng những hàng dừa ngất nghểu dày đặc. Sát bên xe tôi đậu phía giữa sân có xây một cái hồ. Giữa hồ xây một ngôi chùa nhỏ cỡ 3m vuông. Dạng chùa Một Cột nhưng chia góc thành tám hướng. Một sợi xích hoen rỉ quấn quanh các cửa thành một vòng đai xích. Phía hướng cửa mà tôi nhìn được có dán miếng giấy vàng đã ố nhạt, vẽ ngoằn ngoèo các hình chữ kiểu Phạn ngữ. Tôi nhìn chếch chiếc bóng đổ của những người sĩ quan bảo vệ đứng gần để tìm phương hướng nhằm so sánh với hướng của các cửa ngôi chùa quái dị.

-  Phong thủy trấn yểm tứ phương.

Dũng gật gù đưa mắt quan sát và chỉa một ngón tay nghiêng nghiêng qua vai, nói vừa đủ tôi nghe:

- Ma đạo.

Cường quay lại hỏi tôi:

-         Sợ không?

Tôi bật cười:

-         Xa nhà đấy Cường. Thăm nuôi chắc sẽ không dễ.
-         Dễ hay khó thì cũng đến đây rồi.
-         Đến đây rồi thì sợ cũng đâu ích gì.

Tôi đối đáp nhỏ nhẹ với Cường mắt nhìn theo những con đường dài hun hút dẫn sâu vào rừng dừa được ngăn chia thẳng tắp, trong những cánh rừng dừa đó, thấp thoáng những người mang quần áo giống chúng tôi.

Khoảng nửa giờ ngồi đợi trong xe, cả nhóm tù được di chuyển đi xuyên qua khu rừng dừa vào một khu nhà lụp xụp thấp lè tè, ẩn khuát hẳn dưới những rặng dừa bát ngát. Hàng tường cao quét vội vàng phía ngoài. Trên dãy tường cao nghễu nghện là các vòng hàng rào con-ser-ti-na giăng chằng chịt. Xe vượt qua cổng sắt đi qua sân chung có trồng nhiều cây kiểng và dừng lại trước một dãy nhà được gọi là Nhà Văn Hóa. Thủ tục giao người chấm dứt ở đây. Ông Huấn bắt tay tôi và không dấu được sự xúc động.

-         Hẹn anh Thành chầu cà-phê ở Sàigòn nhá.  

Ông nói lớn cố ý cho mọi người nghe. Phía ban giám thị tỏ rõ sự ngạc nhiên khi thấy ông thiếu tá mật vụ trung ương B34 Huấn có vẻ rất thoải mái, bằng hữu đối với tôi. Đại úy Thành, Đại Úy Lũy và đặc biệt người  đại úy y sĩ gốc Nghệ An. Tất cả đều không dấu được những tình cảm đang dấu sâu trong lòng. Tôi thật sự cảm thấy một sự hạnh phúc len nhẹ vào hồn. Tôi thầm cảm ơn những người đã chết cho đất nước này. Tôi đã không hèn. Vâng! Điều lớn lao nhất đối với tôi, chính là sự chiến thắng chính mình. Chiến thắng được nỗi sợ hãi của môt con người bình thường. Danh dự gia đình tôi đã không hề đánh mất. Quyền lợi, gia đình của anh em cộng tác tôi đã giữ được trọn vẹn. Những người cầm tù tôi đã không thể khinh thường được tôi, dù rằng chưa bao giờ tôi tỏ ra bất kỳ một dấu hiệu khuất phục nào. Dù rằng họ đã phải trải qua những ngày rất mệt mỏi vì tôi.

-       Ông Thành, có gì khai mẹ nó ra hết đi! Tất cả đều đã kết cung rồi. Khai hết ráo rồi. Chỉ còn ông suốt bảy tháng phải kẹp cung. Bớt cương đi ông! Giữ cái mạng mà làm tiếp. Tụi tui mệt với ông qúa rồi! ... Mà là cái mệt không đáng...

 Đó là một câu nói phát ra từ một người sĩ quan bảo vệ và áp giải. Ông ta là nhóm sĩ quan ưu tú của công an Bảo Vệ Chính Trị gốc Minh Hải. Thái độ nói và hành động suốt tám tháng vần cung của tôi… cho tôi hiểu l câu nói ấy là câu nói “rặc tính cách miền Nam”. Nghĩa là một câu nói thực.

“Giữ cái mạng mà làm tiếp”. Câu nói thượng võ của một người miền Nam cực hiếm trong ngành công an bảo vệ chính trị. Tôi ghi khắc câu nói ấy và trong giờ tiễn biệt, bản thân tôi cũng không dấu được sự xúc động.

Tôi không hề biết rằng, thái độ của tôi đã được theo dõi từng li từng tí của cả ba nhóm nhân lực của trại tù A20. Nhóm an ninh giám thị quản giáo. Nhóm lập công chuộc tội (nôm na là ăng-ten trại tù)… và những con mắt âm thầm của lực lượng tù chính trị. Sự phân tích đã được kết luận vài ngày sau đó và tôi được phía giám thị coi là thành phần không “cực kỳ nguy hiểm”. Phía ăn-ten thì e dè thấy rõ và nhóm tù chính trị cư xử với tôi rất chừng mực, cẩn thận.

Tòa án tối cao csvn. Saigon 26,27,28/8/93


A20 Phạm Văn Thành


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét