14.6.13

Hồi Tưởng A20: Nhà 3 - Nhà 4.


A20 Phạm Văn Thành

Trại tù Xuân Phước A20 gồm 5 phân trại. Phân trại A, phân trại B và cả phân trại C, D, E. Hình thành từ 1976 do công xây dựng ban đầu của tập thể tù Việt Nam Thương Tín. Cao điểm nhân lực ở vào những năm 1980 / 1985.

Năm 1993, cuối tháng 9 tôi đến trại này. Cùng chuyến đi ấy có:

Trần Tư. Thẻ xanh Hoa Kỳ, nguyên quán Huế (đầu vụ, thủ tướng chính phủ lâm thời, đã ra mắt tại Đài Loan).

Michel Nguyễn Muôn. Quốc tịch Mỹ, nguyên quán Phnom Pênh, Cambode (trung tướng của chính phủ lâm thời / vụ án nhằm lật đổ các cấp chính quyền tính từ Nha Trang vào Cà Mau 5/3/1993).

Moris Đỗ Hườn. Thẻ xanh  Hoa Kỳ, nguyên quán huyện đảo Phú Quý (thiếu tướng đặc trách miền Trung và hải đảo / vụ án 5/3/1993)

Đỗ Phủ, huyện đảo Phú Quý.

Đỗ Hồng Vân. Thẻ xanh Hoa Kỳ, nguyên quán miền tây nam bộ (nhân lực phối hợp lực lượng giáo phái Cao Đài và Hòa Hảo).

Phạm Đức Hậu. Quốc tịch Mỹ, Hà Nội, di cư 1954, Sài Gòn (đặc trách báo chí /thông tấn /vụ án 5 /3/1993).

Nguyễn Ngọc Đăng, quốc tịch Canada, Công giáo di cư , Vũng Tàu (người dọn bãi đáp cho Bộ chỉ huy cuộc nổi dậy/đảo chánh).

Nguyễn Duy Cường, Thủ Đức Sài Gòn (nhân lực đặc trách về chất nổ) .

Văn Đình Nhật, Huế (phối hợp Công giáo Phủ Cam).

Lê Hoàn Sơn, mang thẻ  tỵ nạn  chính trị ,Pháp ( Thiế tướng  đô trưởng Sài Gòn / vụ án  5/3/1993).

Phạm Anh Dũng, quốc tịch Pháp (Bộ trưởng Bội Nội Vụ, chính phủ Lâm Thời/ vụ án 5/3/93)

và tôi Phạm Văn Thành, mang thẻ tỵ nạn chính trị, Pháp (bảo vệ yếu nhân / Vụ án 5/3/1993) . Tổng cộng 12 người.


Trại tù Xuân Phước A20 lúc này chỉ còn nhân lực ở phân trại A, các phân trại khác đã giải tán, sang nhượng đất đai cho nông trường hoặc nằm trong vùng nước ngập của một đập thủy điện gần trại. Nghe nói phân trại B năm 1993 là phân trại dùng để nuôi bò.

Nhân lực toàn trại khoảng 600 người phân thành ba khu vực nhốt tù. Tay mặt tính từ cổng trại đi vào là khu B, hai dãy đầu tiên đang đập phá để xây cất “lên đời mới”. Mái đang đổ bê tông bằng sức lao động của tù. Quản giáo đội xây dựng tên là Vũ. Tướng pháp lệt bệt bụng to mặt lớn đúng phong cách dân cai thầu xây dựng. Đội trưởng đội xây dựng là một tù chính trị gốc Nha Trang. Sống rất chừng mực và đàng hoàng với anh em. Ông là người có chuyên môn cao về xây cất và rất bực mình vì các trò ăn cắp, ngụy tạo công trình mới trên đống xà bần cơ bản đang đổ nát.

Qua hai dãy nhà đầu của khu B là một hội trường rất rộng, có thể ngồi cả hàng ngàn con người. Hội trường hiện (1993) là nơi đội đan lát - mây tre tăm làm việc. Đội trưởng là ông Lê Văn Sơn, cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo (làm đội trưởng cho đến khi bị “biên chế” về đội 10 /hải ngoại để làm trưởng đội hải ngoại, gây rất nhiều những sự tranh cãi gay go, thậm chí dẫn đến chuyện đấm đá giữa Lý Tống - về từ Mỹ bằng cách khống chế một máy bay Air VN, thả truyền đơn trên bầu trời Sàigòn).

Phía đầu hội trường là khu nhà cùm kỷ luật mới được xây, thay thế cho khu cùm cũ nằm sát với vách bếp trại (!). Khu vực này rào kín rất cẩn thận, lưới rào ngoài cùng cao khoảng ba mét, chằng chịt thép gai bên trên.

Tận cùng của tường trại phía hậu là ba dãy nhà tù lợp ngói. Ngăn cách giữa mái ngói với sạp nằm của buồng tù là những lớp lưới B40 rất đặc biệt, loại dày chắc nhất của dạng lưới chống hỏa tiễn cá nhân B40. Cũng từ khu vực này, Lý Tống đã có một kế hoạch vượt trại nhưng bất thành. Ông Tống đánh giá trình độ ăn-ten của trại A20 quá thấp. Khi ông bị bắt, cùm kiên giam rồi chuyển ra bắc, tôi bị làm phiền rất nhiều vì số tiền mặt mà Ông Lý Tống chuẩn bị cho cuộc vượt ngục. Ăn-ten đã báo đúng xuất xứ số tiền đó là do tôi sắp xếp cho ông Tống, nghĩa là tôi là một trong những người chủ mưu. Việc này dây chuyền đến cả một đường dây mà tôi đã công phu sắp đặt. Con ách chủ bài tôi đã phải ném ra trong kỳ sát hạch này: “cuộn băng video phim con heo mà hai vị quan chức A20 thủ vai chính”. Viên sĩ quan (...) rất tức tôi, nhưng cũng rất sợ. Từ đó ông ta tránh mặt tôi gần như trăm phần trăm. Tôi đã hứa sẽ không tiết lộ chi tiết, nếu ông không đụng chạm đến anh em tôi. Quả thực, ông ta cũng như tôi, đã cố gắng giữ lời hứa danh dự đó, cho đến khi tôi rời khỏi A20 ra Bắc …  

Góc trong cùng phần hậu trại là khu nhà bếp. Ngăn cách khu nhà bếp với ba dẫy nhà tù khu B là khu cùm kiên giam cũ (dùng cho trước tháng 7 năm 1994), một khoảng vườn khá rộng (xưa là vườn thuốc Nam) và khu nhà Văn hóa. Không khí khu vực này lúc nào cũng im ắng buồn thảm, khác với những khu vực nhốt tù, đặc biệt là khu A1 và A2, là nơi chúng tôi bị cách ly, nằm sát cổng ra vào, ngăn cách với hội trường và khu B bằng sân trại chung với rất nhiều cây kiểng được chăm sóc công phu, góc sân có một hòn non bộ. Hồ nước dưới chân hòn non bộ cũng có sự trấn yểm và nghe nói đã được một tù nhân bí mật phá đi.   

Tôi bị giam nhốt ở khu nhà số 3, có mặt trong đội 10 do Trần Tư (đầu vụ án ,tự nguyện làm đội trưởng !). Ông này bị bệnh hoang tưởng nặng. Từ đội 10, sau vụ đánh lộn của Lý Tống với ông Lê Văn Sơn (được đưa về đội 10 nhằm thay thế Trần Tư), đội 10 có dấu hiệu phải giải tán . Thơì gian này ông Trần Tư chọn cách sống như một tu sĩ thầm lặng. Ông lặng lẽ thu mình trong một góc gác hẹp phía đầu nằm của trực sinh, trên gác, gần chỗ nằm của Trương Nhật TânLê Văn Hiếu (án 20 năm, tu sĩ công giáo, người gốc Huế, đến A20 từ trại Bình Điền cùng với Trần Nam PhươngLê Quí Hòa). Tôi và ông Trần Tư có khá nhiều đụng chạm. Trong một phần viết riêng liên quan đến từng ngươì quanh tôi ở A20, tôi sẽ đề cập riêng đến từng nhân lực đặc biệt. Từ ông Đoàn Viết Hoạt đến Trần Tư, Lý Tống, Trần Mạnh Quỳnh và những cá nhân nội  địa liên quan đến vụ án của từng người . Hy vọng sẽ là một bài học được hồi tưởng và ghi lại cụ thể để lớp người đi sau tránh được những va vấp đáng tiếc. Tôi sẽ giữ ngòi bút không nhân nhượng với bất cứ ai, ngay cả bản thân tôi. Điều này tôi đã phát biểu công khai tại nhà số 3, trước mặt ông Phạm Đức Hậu và tất cả các nhân lực hải ngoại về nước và sa vào vòng lao lý: “Tôi sẽ viết về tất cả những gì xảy ra, tiêu cực cũng như tích cực và không  run sợ trước bất kỳ ai, đặc biệt là cung cách sống , cách ứng xử của những ngươì hải ngoại đối vơí anh em nội địa…”.

Từ nhà số 3. Sau khi vụ vượt ngục của Lý Tống xảy ra. Những “bản lề” của cuộc vượt ngục A Quí cũng được “khui hụi”, trong đó, có cả chuyện liên quan đến một căn nhà bếp của một ngươì dân ngoài trại bị phát hiện có biểu hiện chuẩn bị đón một tù nhân nào đó vượt ngục. An ninh trại chỉ danh tôi. Đương nhiên tôi chối phăng. Việc chối là việc của tôi còn việc nghi ngờ là việc của an ninh trại. Bản thân tôi cũng muốn như vậy. Họ luôn nghĩ là tôi sẽ vượt ngục và những hướng quan sát đều đổ dồn vào nghi vấn vượt trại của tôi. Phạm Dũng giai đoạn này rất buồn. Tôi biết ông rất thương tôi, lại mặc cảm ám ảnh đeo đẳng là vì ổng mà tôi phải sa chân vào vòng lao lý. Điều này, chẳng biết đến bao giờ mới nguôi ngoai nơi người anh tinh thần đáng kính của tôi.

Cuộc chuẩn bị vượt ngục có sự nhúng tay của Đinh Văn Bé (một cấp chỉ huy của một cánh quân mở đường trong cuộc hành trình xâm nhập của ông Hoàng Cơ Minh từ căn cứ U-bon vượt Mê Kông băng ngang Lào qua đường 9 nhắm VN tháng 8 năm 1987) đã được chuẩn bị từ khi tôi nhập trại được chừng ba tháng, tức khoảng tháng 1/94. Sau hai chuyến "lấy hàng" từ gia đình Bé để chuyển vào cho tôi, tôi không còn tin tưởng ở khả năng và ý chí làm việc của Bé. Đã có sự bất tín và tôi bắt buộc phải dùng Đinh Văn Bé vào những mục tiêu giả. Đáng tiếc là Bé lại đã đơn phương liên lạc với gia đình tôi để yêu cầu giúp đỡ, trao chuyền tài chánh trực tiếp. Lá thư ấy bị bắt và Bé ôm chiếu vào buồng cùm. Trước hôm Đinh Văn Bé vào cùm, sĩ quan (… ) gặp tôi. Đây là ngươì tôi đã âm thầm giúp đỡ rất chân thành cho gia đình ông. Sự giúp đỡ không tiết lộ xuất xứ và ông ta đã đoán ra được là do tôi. Hôm ấy, ông ta mời tôi làm việc. Buổi trưa vắng lặng. Ông để một lá thư, nét chữ của Bé viết rõ ràng địa chỉ của vợ tôi. Một địa chỉ ở ngoại ô Paris không nằm trong hồ sơ lý lịch chính thức. Tôi choáng váng thật sự.

Ông rót trà mời tôi. Ngồi thẳng lưng trên ghế, hai tay nắm vào đặt giữa hai đùi, nói chậm rãi, mắt nhìn thẳng vào mặt tôi:

-        Làm sao anh biết mẹ tôi ?
Tôi hơi bất ngờ trước câu hỏi này. Im lặng một lúc tôi nói.
-        Thật sự tôi không biết.
Tôi nói và tránh không nhìn mặt ông ta:
-        Cám ơn anh, đã nghĩ đến mẹ tôi. Các anh cứ vẫn coi thường chúng tôi. Dù gì chúng tôi cũng có học hành về an ninh …

Tôi im lặng, cắn hai hàm răng vào nhau. Đứa con nào khi xa mẹ cũng đều thương ngươì mẹ đã sinh ra mình. Nhất lại là những gia đình nghèo khó. Nhìn ông ta, tôi nghĩ đến mẹ tôi. Mẹ tôi cũng bị bệnh thống phong, do không biết đường chạy chữa gây thành mục các khớp, rất đau khi về già. Tôi cũng bị và phát hiện ra bệnh ấy có thể chữa được chứ không như nhiều người nghĩ là chịu suội mỗi khi trở trời. Điều cơ bản là kiêng khem và thúc thuốc đúng liều, đúng qui trình thời gian. Sự thúc thuốc kiểu này bọn bác sĩ Tây không dám nhưng ở ta thì một số bác sĩ đã thực hiện, và thành công.

-        Tôi sẽ đốt lá thư này, giờ anh cho tôi mấy chữ, viết đại khái là anh cần chị anh ra thăm, anh xin thuốc gì đó, và anh ghi địa chỉ của chị anh ở Đồng Nai. Anh làm nhanh cho tôi.

Ông mở ngăn kéo, xé một tờ giấy đôi vở học trò, xé thêm một nửa rồi đưa cho tôi. “Anh có vài phút”. Vừa nói ông ta vừa đi ra cửa khu nhà văn hóa. Tôi lật mặt giấy và viết ngay nội dung tương tự. Một lát, ông ta quay vào, cầm mảnh giấy đọc qua rồi gật đầu xếp vào túi áo. Bật quẹt gaz đốt lá thư của Đinh Văn Bé.
Vụ ấy Bé bị cùm chỉ một tuần. Nếu lá thư nguyên bản của Bé đi dần về Trung ương, không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho cả một đường dây mà tôi cùng anh em trong ngoài đã sắp xếp.

Câu chuyện đã 19 năm, người an ninh ấy nay đã thành một thương nhân, thỉnh thoảng có liên lạc với tôi. Ông bảo “Chuyện gì đã qua, cứ để nó qua đi”. Tôi cũng giữ khoảng cách, chẳng muốn có ai đó phải mang cảm giác ơn nghĩa với mình. Bởi khi làm công việc tương trợ, lòng tôi cũng ngấm ngầm hy vọng nếu tôi hoặc anh em tôi có rơi vào trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, thế nào những ngườ như ông ta cũng nương nhẹ hành vi thù hận. Với tôi, trong chuyện ấy, không ai phải mang ơn ai cả.
Bé từ đó tôi không dám nhờ việc gì nữa. Chuyện nhờ chuẩn bị một bãi đáp cho việc vượt ngục cũng chuyển sang  nhờ người khác.

Sau đó chừng 1 tuần.

Châu Văn Tới , một tù nhân án 18 năm gốc Huế, có đại học trước 1975 vừa vẽ vẽ trên mặt đất hình thể khu đầm ao ngoài trại, vừa nói: “Thành có biết RFI không ?” Tôi gật đầu, bảo có biết chị Thụy Khuê. Mắt Tới sáng lên:

-        Bả có những chương trình nói về văn học rất hay. Anh em mình có nhiều người có tài làm thơ. Nếu đến được RFI thì hay quá.

Tôi bần thần. Ra là các anh có được thông tin rất tốt. Điều này đối với tôi cực kỳ quan trọng. Từ mấy tháng nay, tin tức VOA, BBC vào trại hầu hết đều do những ngươì làm rộng. Những người ấy hoặc vì sắp mãn án, hoặc vì trình độ phân tích tin có giơí hạn nên những bản tin vào đến trại lọ xọ không đầu không đuôi. Sự quan tâm của người sắp mãn án không nằm ở những bản tin, dù rằng họ có máy radio nhỏ để nghe tin tức. Nhiều người lại lấy sự ấy làm một cách trao đổi mua bán. Những anh em trong trại thường là cao án hoặc có liên quan đến nước ngoài nên việc ngóng tin VOA, BBC, RFI… trở thành một khát vọng. Cứ thấy có anh em nào ngoài trại vào mà có vẻ có tin tức là đủ thứ trà nước được đem ra. Dĩ nhiên sẽ có việc nhờ mua cái này mua cái kia với tiền phần trăm rất thoải mái. Tôi tham dự khá nhiều buổi “thông tin” như thế và có lúc rất bực mình. Cuối cùng tôi đã đưa một số tiền lớn để các anh có máy tốt làm việc thu thập tin tức, vấn đề là xin “sao y bản chánh”. Tôi không muốn nghe bất cứ sự bình luận hay thêm bớt gì. Công việc vẫn không tiến triển khá hơn. Những buổi “thông tin” vẫn rất mất nhiều thời giờ và không đo đoán được điều gì cả. Giờ nghe anh Tới nói cụ thể về RFI, tôi mừng lắm. Vì anh Tới là một trong những người có sự phân tích khoa học các bản tin được chia sẻ (cả việc bù trừ tính khả tín nơi mỗi người đem tin vào). Tôi nói với anh Tới:

-        Gởi đi từ Sàigòn thì em có thể làm được đường dây. Nhưng vấn đề là làm sao để chuyển ra ngoài trại. Việc hết sức nguy hiểm cho các ngườ chuyển.
-        Được, có cách.

Sau đó là kế hoạch được lập ra.

-        Phải mua được các chân (chỗ) của đội chăn bò.

Tôi đáp:

-        Được, bao nhiêu ?
-        Khoảng nửa cây một chân.
-        Chi nhiều vậy anh ?
-        Phải là ngươì tín cẩn, mà tín cẩn thường án còn cao .
-        Ok. Chuyện gì nữa ?
-        Phải đưa được bọ vào trại.
-        Bọ ?  Tôi trố mắt nhìn Châu Văn Tới:
-        Ừ, bọ. Radio .
-        Trời đất, giỡn sao thầy ?

Tới bình thản, miệng vẫn cươì mỉm chi, nụ cười muôn thủơ của Châu Văn Tới.

-        Được. Tôi biết chỉ có Thành làm được và dám làm.
-        Coi chừng tiêu cả lũ đó ông thày.
-        Tôi đã nghĩ kỹ, đã theo dõi rất kỹ lưỡng từ ngày Thành và anh em hải ngoại vào đây. Thành có phương tiện trong khi anh em có lòng, có ý chí …
-        Ta sẽ gởi ra được những gì ? Những gì cần gởi ?
-        Quốc tế cần phải biết có chúng ta ở đây. Quốc dân cần phải biết chúng ta vẫn còn đây.

Tiếng Châu Văn Tới bỗng gằn từng tiếng một. Tôi nhìn Châu Văn Tới. Nét mặt hiền từ bỗng chốc đã biến đi đâu mất. Châu Văn Tới hiền hòa trong những buổi nói chuyện bù khú ban đêm ở chiếu Trần Văn Long, tay phe phẩy chiếc quạt quạt cho Tới mà cũng cùng quạt cho người bên cạnh… đã không còn nữa. Cằm Tới bạnh ra, môi mím chặt… mắt xa xăm nhìn về bầu trời phía xa xa sau bức tường trại cao nghễu nghện.


Buổi nói chuyện ấy đã xoay đổi toàn bộ ý tưởng của tôi về một cuộc trốn  trại. Trốn trại, tôi có thể chết, có thể sống bên ba bên bảy. Nếu sống sót, thoát được thì chỉ mình tôi thoát được nhà tù này… và một nhà tù lương tâm khác, vĩ đại, vô hình, sẽ mãi mãi đeo đuổi đời sống tôi. Vì ít hay nhiều, tôi đã là một thằng hèn .Buông chạy thoát thân lấy mình, trong khi biết bao anh em lây lất tủi cực sống cho một khát khao bảo trì danh dự của chính mình, trong bốn bức tường giam nghiệt ngã và đói khát.

Tôi đã chọn cho mình quyết định ở lại. Lưỡi cưa mắt cáo, tiền bạc lót đường, các ô ngói đã định hướng, bộ dây quăng… đã không bao giờ còn được nhắc đến.  Một “con bọ” đã được đem vào trại (bằng cách nào thì tôi bù trất). Con bọ ấy có hai mảnh nhưng là ba phần rời nhau. Chiếc loa nhỏ bị tháo vứt, thay vào đó là một dây nghe tai chỉ một  lỗ nghe với dây dài chứng 60cm. Cứ đến giờ TV là con bọ được tập trung đầu đít chân tay về điểm tập kết. Hôm thì ở nhà 3, hôm thì ở nhà 4. Lúc bên tai Đình Thụy. Lúc bên tai Nam Phương, và có những đêm nằm ngay trong mùng Gs Đoàn Viết Hoạt.

Chừng hai tháng sau thì vụ vượt ngục thất bại của Tống làm đội 10 tan hàng. Trần Tư, Mạnh Quỳnh, Lý Tống, Đoàn Viết Hoạt bị chuyển trại ra Nam Hà. Đội 10 xé một nửa vào đội Tăm Tre Mành và một nửa  bổ xung vào đội Nhà Bếp. Dũng và Đỗ Hồng Vân , Phạm Đức Hậu, Muôn, Moris Hườn vào Tăm Tre Mành. Lê Hoàn Sơn vào đội bếp và tôi ra đội trọng án 12 (với sự tiêu tốn khá bộn tiền, vì tôi cật lực để làm thế nào ra được khỏi trại, sinh hoạt nơi những đội có thể xuất trại).

Trần Tư và Đoàn Viết Hoạt, Lý Tống, Trần Mạnh Quỳnh rời trại. Không khí sinh hoạt có vẻ yên ả hơn vì suốt thời gian cánh Ông Hoạt và Lý Tống từ Z30 D ra trại A20 (khoảng cuối tháng 11/93) sinh hoạt khu nhà 3 và 4 đảo lộn khá nhiều. Ông Lý Tống và Trần Mạnh Quỳnh thách thức nhau công khai việc ai vượt ngục trước, người đó sẽ được người còn lại gọi bằng thầy, bằng đại ca … câu chuyện  ấy đã căng thẳng đến nổi sự thật đã phải diễn ra .

Một rừng không thể hai cọp. Hai ông Quỳnh và Tống đều là sĩ quan QLVNCH. Quỳnh sa lưới từ một kế hoạch làm nổ-tượng-đài-bác-trần-dân-tiên ở Sài Gòn bất thành. Vụ của Jim Quỳnh có mặt đến ba người nội địa cùng vào trại giam A20 đó là ông Bùi Gia Liêm (6 năm, tội biết-mà- không-báo), ông Liêm dân Tây học, tóc râu trắng phớ, có kiến thức lớn về Tử Vi và văn học sử. Người thứ hai là Lê Trọng Quang (Đà Lạt, nghệ sĩ, lãng tử) và Lê Thiện Quang gốc Huế Phủ Cam. Đây là nhân vật đặc biệt mà theo tôi, chính là linh hồn của vụ án. Vụ án Jim Quỳnh thực là chưa thể xứng tầm để cho những người như Lê Thiện Quang tham gia. Tư chất của Lê Thiện Quang vượt lên trên rất nhiều người mà ngay như trong vụ án của tôi, cũng không có ai có thể sánh ngang hàng. Thiện Quang người Thừa Thiên, sĩ quan Sư Đoàn 1 và sau cùng là sĩ quan Nha Kỹ Thuật (tức Biệt Kích Dù). Quang không trình diện học tập cải tạo, sống bí mật nay đây mai đó nuôi chí phục quốc. Jim Quỳnh móc nối với Thiện Quang đi từ căn bản người gốc Thừa Thiên và cùng là gốc gác Nhảy Dù và Suy Đoàn 1 (lính vùng biên ải Quảng Trị, một thứ lính rất dữ dằn đối với các cánh quân csvn thời 1970). Vụ phá hủy tượng đài Trần dân Tiên ở Sài Gòn chỉ là một bước thử lửa để mong có một kết hợp rộng lớn hơn. Quang cho tôi biết như vậy khi hai anh em sống với nhau (gần như đơn độc) trong nhóm 10 người đầu tiên ra trại Lam Sơn, Trung ương 5 Thanh Hóa. Quang rất nhịn nhục khi sống cùng với “hai ông tướng” trong thời gian ở A20, ba người chung một mâm ăn, đâu được chừng 2 tháng. Quang chịu hết nổi nên nhóm phải tách ra.

Riêng ông Hoạt, Ông là người có lý luận sắc bén. Kết hợp với một số người để làm tập hợp Diễn Đàn Tự Do. Một trong những nhân lực ông kết hợp là ông Phạm Đức Khâm, cựu Trưởng ty cảnh sát  Gia Định trước 1975. Có lẽ ông Hoạt trông chờ ông Khâm mang lại cho tập hợp những con người có khả năng và đầu óc tổ chức / hành động… để cân bằng về phía nhân lực lý luận trong tập hợp. Cũng có thể hai ông đã không hài lòng về nhau.  Suốt thời gian ở A20, ông Hoạt dùng tối đa thơì giờ để mở các cuộc thảo luận chính trị công khai trong các buồng tù. Trái ngược với sự thụ động của ông Phạm Đức Khâm. Ông Hoạt được đón đợi và lắng nghe trong khi ông Khâm thủ nhiều ở chiếu, kể chuyện đảng phái và tạo một vòng kết hợp với anh em có gốc gác Quảng Nam trong một  sự liên đới với quá khứ Việt Nam Quốc Dân Đảng của ông. Ông Khâm không được các tù A20 thâm niên quí trọng, nếu không muốn nói là coi thường. Sự việc này khởi đi từ thời gian quá khứ, đợt tù trước của ông Khâm có ở trại này và anh em, điển hình là Biệt Kích Nguyễn Văn Trung, chỉ danh ông Khâm là “hàng điếu đóm”. Trong khi đó, em của ông Khâm, tù nhân Phạm Đức Nhì lại được anh em tôn trọng hết mực.  

đầu tháng 10.

Anh em đã chung tay góp tiền mua một chân gác đêm ở nhà 3. Giáo sư Đào Đăng Nhẫn đã được yêu cầu ngồi vào chỗ ấy từ mấy tháng trước. Ông phải ngồi, thứ nhất là vì ông yếu ớt nhất trong bọn. Thứ hai, bên an ninh trại không thấy sự nguy hiểm nào nơi ông thể hiện.

Trên chỗ nằm của Bạch Thố, tôi nói với giáo Đào:
-        Các anh chuẩn bị, ta sẽ vào một khu chung. Em sẽ cố gắng để xảy ra chuyện này.

Sau đó vài ngày, đội 12 từ nhà 3 chuyển hết sang nhà 4. Hình sự bị bóc đi hầu hết.

Lại sau chừng ba tuần, đội 12 chuyển hết sang nhà 2. Khu tù số 1 đã bị cách ly hoàn toàn với các nhà khác. Trong khu toàn bộ là tù chính trị, chỉ có 1 gác đêm của nhà 2 là hình sự, nhưng là một cậu trẻ rất biết điều, lễ phép. Đội 12 trọng án đã nằm trong tầm ngắm đặc biệt của hệ thống an ninh trại và trung ương. Chòi canh đã đặt máy quay sẵn, trước khi đội 12 rục  rịch tha bôi đồ đạc cũ kỹ vào sân nhà 2.

Cuộc nổi dậy nổ ra từ đây. Tại căn nhà số 2, sát góc chòi canh và cổng chính an ninh. Với cơ số chủ lực dựa trên đội 12 quật cường truyền thống.

Giáo sư Trung Học Võ Tánh Nha Trang Đào Đăng Nhẫn. 
 Hình chụp năm 99, Lúc này ông vừa giải phẫu Tim. Thần sắc mất hẳn. Boston.

A20 Phạm Văn Thành


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét