13.6.13

Hồi Tưởng A20 - 1


A20 Phạm Văn Thành

Tháng 10/1993.
Sàigòn - Nha trang.
*

Bốn chiếc xe du lịch loại 12 chỗ ngồi lăn bánh vào thành phố Nha trang sau khi thả xuống địa phận Bình Tuy một người đàn bà của nhóm. Chị Nhạn. Người đàn bà đứng bên cạnh tôi ở hàng ghế tòa án tối cao. Người đàn bà da đen nhẻm, dáng người nhỏ bé, miệng luôn nói câu nói xin tha xin thương cho những đứa con của bà. Người đàn bà mà tôi đã không dấu nổi nỗi niềm xót xa và thậm chí cáu giận người đồng phạm chung trong vụ án với tôi, Nguyễn Ngọc Đăng !

 Bà bị bắt, kết án 12 năm tù vì đã cung cấp… thuốc nổ cho người của Nguyễn Ngọc Đăng. Thời điểm ấy, bán thuốc nổ ở Tân Phú Đồng Nai thực chất là một dịch vụ thường ngày của những người cựu cán binh bộ đội có quan hệ nhì nhằng giữa giới giữ kho quân đội và giới đánh bắt cá trên hồ nước Trị An mênh mông. Bà là người hoàn toàn không hề biết rằng số thuốc nổ mà bà cung cấp sẽ được góp phần dùng vào một cuộc bạo loạn mang mục đích lật đổ chính quyền, một chính quyền được đặt cho cái tên miêu mị: Chính quyền nhân dân .



Xe vào thành phố. Người dân không hề nhận ra được trong bốn chiếc xe du lịch này có hai chiếc chất đầy những người tù có nguồn gốc hải ngoại. Những tia nắng cuối ngày khuất lịm hẳn khi xe lăn bánh vào trại giam ty công an thành phố Nha trang. Một màn tháo gỡ những thứ lỉnh kỉnh diễn ra nhanh chóng giữa sân tù. Vì xe du lịch đời mới của Nhật, có cửa ngang nên việc tháo cổ cùm không mấy khó khăn. Ba người một băng ghế, chỉ cần lách cách vặn vẹo hai chiếc ổ  khóa hai đầu cây suốt một vài tíc tắc là đã có thể kéo cây suốt ra khỏi sáu cái cổ chân tù. Đống cổ cùm móng ngựa ném lổn nhổn vào cuối góc xe. Tôi không còn nhớ chính xác người thứ ba trong chân cùm suốt với tôi ở đoạn đường từ trại tù B34 Nguyễn Trãi/Nguyễn Văn Cừ Sài Gòn là ai nữa, nhiều phần trăm là Trần Tư đầu vụ. Người sát cửa kính xe bên tay trái tôi là Moris Đỗ Hườn. Ông Đỗ Hườn người quê biển đảo Phú Quý, về từ Mỹ (đã chết ở nhà tù Nam Hà khoảng năm 2001 sau khi cùng tôi sống ở trại A20 Xuân Phước và trại Trung Ương Năm Thanh hóa. Ông mang án chung thân) .

Chuyến hành trình từ Sài Gòn ra Nha trang không dừng ở bất cứ ô quán nào nên không có chuyện ăn uống. Khao khát được gần cận với sinh hoạt đời thường của người dân vì thế bị tắt ngấm làm bước chân đã muốn tê điếng càng có phần nặng nề hơn. Các suốt cùm được tháo, ba người hoặc hai người vẫn dính tay với nhau bằng chiếc còng số 8, được dẫn vào một buồng giam có chiều ngang chừng 2m, dài chừng 10 mét. Có bể nước tắm trong buồng. Những hàng đầu cạo trọc lố nhố trên các ô gió của các buồng giam ồn lên khi chúng tôi đi qua.

-         Ở đâu đến ? Đi đâu ?
-         Ở ngoài. Đi đâu không biết.

Tiếng Đỗ Hồng Vân, một cựu đại úy Địa Phương Quân của miền Nam trước 75, về từ Mỹ lên tiếng .

-         Tội gì ?

Có tiếng cũng ở trong đám tù cũ kỹ ấy.

- Đui sao còn hỏi ! Mấy ông cưa ghế.

Tôi cố xoáy tia mắt vào những ô lưới, bất ngờ nhận ra một bàn tay phụ nữ thò ra khỏi ố lưới mắt cáo nơi một cửa buồng đặc biệt. Phía sau rào mắt lưới ấy là một mái tóc thề và một màu trắng của một khuôn mặt đàn bà. Tù nữ ! Không lẽ chính trị ! Tôi nhủ thầm và nói với Đăng đang đi phía trước.

- Tù nữ ! họ chào mình kìa.

Đăng giơ tay không còng lên vẫy vẫy về hướng ô mắt cáo có bàn tay trắng nuốt thò ra. Ra là ông ta đã biết trước khi tôi nhận ra bàn tay nuột nà ấy. Tôi chùng lòng xuống. Hình ảnh vợ con như chùm vào đầu tôi một miếng vải đỏ khổng lồ! Choáng váng ! Tối sầm.

*

 Buồng tù tương đối rộng cho 11 người. Nước thoải mái. Chậu cơm tù có canh và cá khô. Tôi dù đói nhưng ăn cầm chừng vì không biết tuyến đường ngày mai sẽ là ngắn hay dài. Việc đại tiện, tiểu tiện trên xe đối với tôi trong hoàn cảnh này là một sự kinh khủng. Nhóm người cùng vụ án sau tám chín tháng biệt giam mới có dịp hàn huyên. Trong 11 người, có những người lần đầu tôi chạm mặt và nói chuyện như Đỗ hồng Vân, Moris Đỗ Hườn, Michel Nguyễn Muôn, Phạm Đức Hậu. Nguyễn Ngọc Đăng là người đã đón tôi tại phi trường và đã có vài giờ trao đổi nên không xa lạ; hơn nữa việc so ghép đong đếm các lời hỏi cung suốt tám tháng vần cung tôi cũng đã hiểu được tương đối về Đăng. Phạm Anh Dũng và Lê Hoàn Sơn là người cùng nhóm riêng về từ Pháp nên đây là cơ hội cho ba anh em xoắn lấy nhau. Trong nhóm, Nguyễn Duy Cường, Đỗ Phủ và Văn Đình Nhật là ba người nội địa duy nhất. Văn Đình Nhật người Huế, khoảng 40 tuổi, Đỗ Phủ cũng trạc tuổi ấy, người huyện đảo Phú Quý và Duy Cường người gốc gia đình Bắc Việt di cư 1954, nhà ở Thủ Đức nơi một xứ đạo Công giáo. Cường là người trẻ tuối nhất, chung mối dây nhân lực hoạt động với Nguyễn Ngọc Đăng từ Canada về. Những trao đổi chớp nhoáng giữa Phạm Anh Dũng (người lãnh đạo của tôi), Lê Hoàn Sơn và tôi không giúp gỡ rối được những thắc mắc tơi bời mà tôi đã mang suốt 8 tháng qua. Lê Hoàn Sơn không có gì đặc biệt ngoài những… mô phỏng linh tinh. Dũng hỏi tôi về Trần Tư. Tôi lắc đầu và cong hai ngón tay thành một vòng tròn. Dũng gật đầu bảo: “Anh cũng nghĩ vậy”. Dũng cũng dặn tôi phải cẩn thận vì “chung quanh sẽ mịt mù cạm bẫy…”. Nhìn mái tóc đã phau phau trắng của Dũng, nghĩ đến vị trí cực hiếm của một phó giám đốc thương mại IBM Pháp với đồng lương ngất ngưỡng lương thượng nghị sĩ, tôi buông biết thở dài nuốt đắng cay vào gan ruột. "Chúng ta đã mất hết ! Điều còn lại duy nhất là nhân cách". Tiếng thì thào của Dũng đưa tôi chìm vào giấc ngủ sượng sần.

 Đêm đầu tiên có cảm giác nằm tự do vì biết chắc chắn không thể có hệ thống cài đặt máy theo dõi được ở những căn buồng dạng này. Công an, hệ thống anten đeo bám chắc chắn không thể tổ chức được trong những hoàn cảnh thế này. Thái độ đối xử của công an trại giam ty cũng không hề có ý đồ khiêu khích. Giọng Nha Trang nghe cũng dễ chịu hơn giọng Bắc của những tay điều tra A24, A15, A16, 18. Trưởng đoàn trực tiếp áp giải tù là một tay thiếu tá gốc Nam Định. Người này không có thái độ hiểm độc với anh em tù. Lũy, Thành… những sĩ quan ra từ lò Minh Hải -Tấn Dũng cũng là những người đàng hoàng. Viên bác sĩ đại úy theo đoàn gốc Nghệ An là người rất đáng mến. Họ chỉ biết làm tròn nhiệm vụ dù rằng chúng tôi và họ là những người đứng hai bên chiến tuyến đối nghịch luôn có những tranh đấu ở tầm mất còn với nhau! Tôi thích cung cách hành xử này. Ngô ra ngô khoai ra khoai. Với tôi, đây là một chỉ dấu tích cực của sự trưởng thành của những người đàn ông đang ít nhiều có trách nhiệm đến sự tồn vong của đất nước.

*
Như vậy là tôi đã rời xa B34 được gần một ngày. B34 với một lối đi có những hàng cây cau bình dị dẫn từ cổng vào khu thăm gặp. Con đường tôi không có cơ hội đi ra để đón đợi hay thăm gặp với thân nhân vì suốt trong quá trình vần cung ở đây, tôi không được quyền thăm gặp gia đình. Con đường tôi được ngồi trong xe an ninh với còng và cùm trong đêm đến đầu tiên 3/3/93 và những lần vận chuyển tù từ nhà giam đến tòa án và lần cuối cùng (?) là sáng nay. Xe tù được chuẩn bị còng cùm, xích chân gọn gàng kỹ lưỡng từ sân trong của tòa nhà B34 băng qua cánh cổng sắt mở rất nhanh và chạy trên con đường hẹp có những cây cau, ùa ra cổng chặn an ninh ngoài cùng rồi chồm lên con đường Nguyễn Văn Cừ (Nguyễn Trãi) hòa vào dòng xe buổi sáng sớm của thành phố mang tên Sài Gòn nửa thân yêu nửa xa lạ. Thân yêu vì là thành phố đã đắp đổi trong tôi nhiều kỷ niệm. Xa vắng, lạ lùng vì nó đã mang một cái tên gây phản động tâm lý tức thì khi tôi nghe có ai đó gọi nó với cái tên mới dị hợm.  Đoàn xe không hụ còi và được áp giải toàn sĩ quan Tổng Cục An Ninh cấp thấp nhất là đại úy. Một xe cevile và một xe mặc lễ phục an ninh màu cứt ngựa, màu đặc trưng của nhân lực tổng Cục An ninh Chính trị. Cả bốn xe còn rất mới, đều chạy máy xăng. Mỗi xe có ba hay bốn băng ghế. Băng ghế đầu là tài xế và hai người vũ trang súng ngắn, hai băng ghế giữa lòng xe bốn hoặc năm người tù. Băng sau cùng hai người vũ trang súng ngắn. Xe thứ tư và xe thứ nhất không có tù, nhân lực trên xe mang súng ngắn và đều chất súng dài trong một hộp giống chiếc vali lớn.

Cũng vừa cách đây mấy giờ đồng hồ. Cảm giác nghẹn ngào đã không dấu chìm được trong tôi khi đoàn xe đổ dốc cầu Sàigòn. Tôi nhớ như in cảnh tượng một buổi sáng đã muộn của hơn 10 năm về trước. Tôi ngồi phần ghế sau cùng của chiếc xe khách bình dân Dazzu từ Sàigòn về Biên hòa. Xe đổ dốc cầu Sàigòn và tim tôi như có ai thò bàn tay thô bạo lùa vào hẳn trong lồng ngực mà bóp mà giật. Trước mặt tôi, xa dần nhạt nhòa là một ngươì đàn ông gầy gò đang cố đẩy chiếc xe đạp lên con dốc dài và cao vời vợi. Đôi bàn chân bấu bám trên mặt đường bằng đôi dép cao su kiểu Bình Trị Thiên! Chiếc xe như chỉ muốn tuột đổ ngược trở lại. Đó là chiếc xe đạp được hàn ráp thêm những cây sắt ngang dọc để có thể tải được đồ nặng vượt khổ. Đó là anh tôi! Một người vừa qua gần 7 năm tù tội sau ba năm làm lính. Một người thanh niên vào quân trường ở tuổi 17 (do sự nhầm lẫn của người làm khai sanh). Một người thanh niên hiền lành hiếu thảo ham học… khác hẳn với đứa em trời đánh. Anh tôi đấy! Những cơ bắp khiêm nhường còn sót lại sau những năm tháng lao tù đang choải người vừa cố chống đẩy chiếc xe thồ chất nghễu nghện những bao bã đậu nhễu nhão, vừa thở những hơi thở tận lực bình sinh. Bên kia là Sàigòn, phải vượt qua được cây cầu ấy mới  vào được địa giới Sàigòn. Bốn mươi cây số nô lệ cật lực nhưng tôi biết, anh tôi chỉ cầm được đủ tiền ăn cho bố mẹ và anh tôi được cùng lắm là một hai ngày! Tôi là đứa em trời đánh. Từ ba bốn năm trước đã mày mò trò chơi làm cách mạng, trò chơi chống đối; lang thang từ những cánh rừng Trị An, sông Mây của thượng nguồn dòng Đồng Nai đến những bến bãi phu phen của thành phố mang tên... bác, một thứ bác chết tiệt.

 Ngày ấy, nước mắt tôi đã vỡ ra dù đã cố công kìm nén. Tôi đã là đứa con trôi dạt, trách nhiệm nâng giấc đôi chút miếng ăn cho bậc sinh thành tôi đã vội vàng khoán sạch lên đôi vai anh mình; một thằng tù mới lọ mọ trở về cuộc sống xã hội với vạn ngàn khó khăn. Một thằng tù sau 7 năm vẫn không gột được cái chất liệu thư sinh trong sáng đã bám vào tận xương tủy. Bàn chân chống chỏi khổ cực, bấu bám trên mặt đường nắng nóng chang chang ấy! Tư thế đổ nhào chống đẩy ấy! Tấm áo lếch thếch loang lổ mồ hôi muối ấy và những tiếng thở đứt quảng… đã theo tôi suốt cả cuộc đời trầm luân dang dở.

*

Buổi sáng đoàn xe vượt cổng trại rất sớm. Không một lời từ biệt vì nhân viên an ninh dày đặc. Đoàn xe đã lên năm chiếc băng qua thành phố còn đang ngái ngủ. Đường phố chỉ dăm ba người phu quét đường. Có những đoạn đường nhìn thấy biển. Một cảm giác nhẹ nhàng tự nhiên xâm lấn vào hồn. Quê hương! Đâu xa vời trừu tượng chi đâu. Nó hiện hữu trước mặt với người phu quét đường, với ánh hồng dương chớm nhú trên mặt biển thân thiết bao la, với đường phố lặng thinh đang chờ một ngày mới trổi dậy. An nhiên đi. An lòng đi. Cái mất mát mà ta mất ngày hôm nay có xá gì cho một cái được rất lớn của quê hương mai này. Đất nước này, người dân này đã biết bao người mất mát, sự mất mát đớn đau còn lớn hơn ta gấp trăm ngàn lần… vậy hà cớ gì tôi buồn tủi đau cay. Hãy thản nhiên đi tôi ơi! Rồi ngày mai nắng mới sẽ chan hòa.

*

Xe chuẩn bị vượt đèo Đại Lãnh. Phía trước mặt là núi đá sừng sững, bên tay mặt đã qua mấy đoạn đường nhìn được biển. Bỗng xe dừng lại. Viên sĩ quan gốc Nam Định tên Huấn ôm chiếc cặp da ngồi băng ghế đầu đẩy cửa bước xuống.Tôi không biết chuyện gì xảy ra. Nhìn hai chiếc áp giải và chiếc thứ ba mới nhập đoàn, trên xe túa xuống nhiều người và có bốn năm người đứng cầm súng dài, đầu súng chúc xuống đất hoặc chỉ thẳng lên trời. Tư thế đứng gác hoặc kiểm sát. Mặt Đỗ Hườn thất sắc. Trần Tư hôm nay chung suốt cùm với tôi và Phạm Anh Dũng ngồi băng sau, băng trước là Hườn và Cường. Tay tôi còng vào hai tay phải trái của Phạm Anh Dũng và Trần Tư. Viên sĩ quan gốc Nam Định trở lại xe tôi và nói rất thoải mái.

- Chúng ta ăn sáng trước khi vượt đèo. Phiền các anh ăn ở ngoài xe.

Ông nhẹ giọng nhắc với chúng tôi: “Các anh đừng ai có hành động dại dột, chỉ thiệt thân và gia đình thôi…”. Rồi ông gọi người lấy còm-măng. Chừng năm phút sau đích thân chủ nhà hàng ra lấy còm-măng. Ông trạc ngoài tứ tuần, mặt lộ rõ vẻ bối rối khi nhìn thấy tay chúng tôi bị còng vào với nhau và càng bối rối hơn khi cánh cửa ngang được kéo hẳn ra, các suốt cùm và móng cùm lộ rõ dưới sàn xe, được móc dính vào chân ghế bằng sợi xích lớn. Ông lấy hết phần gọi của mọi người rồi đếm đếm trên tờ ghi phiếu, thò đầu nhìn hẳn vào trong xe hỏi người áp giải ngồi băng sau cùng .

-         Anh có dùng không ?

-         Không. Lát nữa ăn sau .

Viên an ninh bảo vệ trả lời, người chủ quán ăn nói tiếp.

-         Vậy đây thiếu một người ?

-         Tôi không ăn .

Tôi đáp và biết chắc ngươì chủ quán thế nào cũng hỏi tiếp nên đưa hai tay lên cho ông ta nhìn thấy cả hai tay tôi đều bị còng vào tay của Trần Tư và Phạm Dũng. Người chủ quán trợn mắt nhìn lên trời, hít một hơi dài rồi thở ra cái phụp. Một thái độ nhẹ nhàng nhưng bằng vạn lời nói. Tôi mỉm cười nhìn vào đôi mắt của ông ta “Tự nhiên thôi, tụi tôi là trọng án bên ngoài về ...”.

Người chủ quán đi vào trong chừng hai ba phút thì viên thiếu tá gốc Nam Định bước ra. Móc trong túi quần  một chùm khóa còng và mở cho tôi cả hai tay . Băng ghế trước hai người cũng mở chiếc còng đính đôi hai người. Như vậy hầu hết đều được tháo còng tay. Một ngươì đàn bà phúc hậu đon đả đi từ trong quán, đến gần cửa xe và hỏi vào trong khoang xe .

- Anh sau cùng ăn Phở hải sản nha , đặc biệt lắm… Em là chủ quán nè, tay em nấu…

  Rất nhanh, tôi đưa mắt nhìn vào trực diện vào đôi tròng mắt của người phụ nữ và nhận thấy rất rõ đôi mắt ấy dường như mọng nước! Đôi mắt ấy tránh tia nhìn của tôi mà nhìn xuống đôi chân của năm người tù. Thớ thịt ẩn trong má của người phụ nữ hơi gồ lên động đậy. Tôi biết chắc gia đình này có người từng là tù cải tạo hoặc đang là tù chống đối chính quyền nên bà ta không dấu được tình cảm và sự xúc động.... Tôi đáp khẽ:

- Vâng, xin chị một tô nhỏ .

Điều không ngờ là giọng nói của tôi bị đục đặc lại từ lúc nào không biết. Bà chủ quán quay vội người. Tôi hiểu bà ta đang muốn bật khóc. Đôi mắt mọng nước bất thường không thể che dấu được tình cảm của bà ta. Tôi duối tay lên cao vặn vẹo chiếc cần cổ, hỏi Dũng:

- Anh thấy gì không?

  Dũng đáp:

- Thấy cả, vậy là vui  rồi.

Vậy là vui rồi! Có lẽ chỉ có tôi trong lúc ấy mới hiểu tâm tư bao la bộn bề của Dũng. Dũng xa nước từ khoảng 1965, là những ngườ Việt thành công trong kinh doanh và học vấn. Cái mất của Dũng, nếu so đo tính toán thì trong vụ án không ai có thể so sánh. Dũng vợ đầm gốc Normandie. Người đàn bà Bắc Pháp cá tính rất mạnh mẽ. Thu nhập của Dũng giao động 40 ngàn quan Pháp/tháng lúc bấy giờ (1992), trong khi đồng lương cật lực của tôi là 4300/tháng. Tôi là công nhân lao động như đa phần những anh em tham gia vụ án. Dũng là giới lãnh đạo thương mại của công ty IBM Pháp.

*

 Sau bữa ăn đặc biệt xe lại hùng hục công việc leo dốc đổ đèo. Trước khi xe chạy, chẳng biết từ đâu có một bà cụ đem rổ bánh (giống như bánh bông lan) đến bán. Giá bán rất  rẻ. Công an ngăn thế nào bà cụ cũng cứ lấn sát vào xe tù. Mấy người an ninh muốn làm dữ và chúng tôi im lặng xem sự việc diễn ra. Viên trung tá trưởng đoàn xuất hiện, ông này trên quyền ông thiếu tá Huấn, giờ tôi mới thấy, ra hiệu cho những người an ninh để mặc bà cụ muốn làm gì thì làm. Tôi hỏi viên thiếu tá gốc Nam Định là tôi có thể mua bằng tiền lưu ký được không. Ông ta cười, bảo tôi muốn mua hết bánh cũng được. Và tôi mua hết thật. Bà cụ bán hết nhưng còn cứ lần khân chưa muốn đi. Cái cách bà cụ đếm tiền tôi nhận ra ngay là bà cụ không phải sống bằng nghề bán buôn kiểu này. Hành động ấy chắc chắn không qua mặt được những tay an ninh lão luyện. Viên thiếu tá Huấn nói với bà cụ, cũng như nói với cả chúng tôi:

-         Thôi thế là vừa lòng mọi người nhá. Giờ thì xe phải đi. Cụ tránh ra để các anh em họ đi.

Tôi đưa mắt nhìn ông ta. Ông cũng nhìn tôi. Chúng tôi là những người đàn ông cùng quê hương Nam Định. Tôi biết ông dành cho tôi những tình cảm rất khác biệt so với bình thường. Ông là người đón đợi tôi trong ca trực mà đêm đầu tiên tôi vào trại B34 ! Những giây phút bỡ ngỡ ban đầu khi tôi còn mang lớp vỏ bọc là một người thương gia vào Việt nam tìm hướng kinh doanh mặt hàng máy bay đồ chơi thể thao. Ông đưa tôi bộ quần áo tù và bảo tôi thay hết y trang mà tôi đang mang, kể cả quần lót. Trong khi thay đồ, ông hỏi tôi ở nước ngoài lâu chưa. Tôi đáp 10 năm.

-         Quê Thành ở  đâu ?

-         Dạ, Nam Định.

Mắt ông ta như sáng lên:

-         Huyện nào ?

-         Em cũng chẳng biết. Chỉ biết tên làng là Hành Thiện.

-         Thế cụ tên là gì ?

-         Chắc anh không biết đâu. Má em nhiều tuổi rồi. Em là con út. Mà đi xa làng nước cũng lâu lắm rồi …

 Tôi hiểu lý lịch cơ bản của tôi bên an ninh đã nắm rất rõ. Từ lúc bước xuống phi trường, cảm giác của tôi đã cảnh báo rất mạnh rằng tôi đã thực sự đi vào một mẻ lưới đã được giăng ra một cách qui mô. Việc bất thình lình xuất hiện ngay tại gia đình người chị ruột duy nhất của tôi ở Hố nai cũng đã củng cố cho suy luận của tôi rằng mình đã bị theo dõi, bị chờ đợi từ ngay sân bay Tân Sơn nhất ! Tôi khai quê Nam Định là một ván bài vờ vô thưởng vô phạt để muốn biết bên an ninh đã nắm được những điều gì về tôi và tôi liệu còn những cách nào để có thể kéo dài thời gian che chắn cho những anh em vừa móc nối lại. Cách hỏi của ông Huấn tuy không vào chi tiết nghiệp vụ nhưng đã gần như một cách hỏi mang tính “méo mó nghề nghiệp”. Cảm giác của tôi nghĩ về ông ta như vậy.

Thấy tôi gần như cảnh giác chuyện lý lịch. Ông nói nhỏ:

- Tôi không bên bộ phận hỏi cung, tôi là công tác bảo vệ phạm nhân...

Rồi quay ra phía cửa sổ ông nói tiếp:

- Tôi cũng người Nam Định.

Tôi đứng tồng ngồng giữa buồng kiểm xét. Một chút ngần ngừ. Một chút ái ngại. Ông hỏi tôi, giọng thấp hẳn:

-         Thành còn dấu gì trong người không ?

Tôi hiểu thủ tục tra xét rà soát sẽ bắt buộc phải qua khâu soi phần kín cửa đại tiện. Thủ tục này bình thường đối với bất cứ người tù trọng phạm nào trước khi nhập buồng giam. Câu hỏi và thái độ của ông Huấn cho tôi hiểu là trong lòng ông đã nảy sinh một thứ tình cảm bất thường đối vơí tôi. Thứ tình chỉ có ở những người cùng bản quán gặp nhau trên đất lạ quê người và dành cho nhau một sự tôn trọng nhất định. Tôi nảy sinh cảm giác trân trọng ông. Dù trong ý thức luôn tiềm tàng sự phòng thủ cao độ đối với bất cứ người cộng sản nào. Tôi nhìn thẳng vào mặt ông.

-         Cảm ơn anh. Tôi đã ném hết những thứ cần ném. Tôi đã hai ngày không ăn. Việc kiểm tra đường đại tiện tôi có thể tự làm.

Tôi biết, đó chỉ là chiếc máy có cài camera nhỏ xíu. Điều tế nhị là hành động một người “chổng  khu” và một người lọ mọ “xác định cửa cổng” rồi ấn cái que camera đó vào! Việc làm này chỉ có thể là bình thường đối với  hai vợ chồng hoặc là đối với những nhân viên an ninh hành pháp / chấp pháp khi đối diện phạm nhân. Đối với những người đã ít nhiều dành cho nhau sự tôn trọng, hành động này là hành động tế nhị vô cùng.

Ông Huấn trầm ngâm một chút rồi lắc đầu:

-         Thôi. Thành mặc quần áo. Chuẩn bị vào buồng, giờ thì cứ ngồi đây một lát đã.

Sau này, khi đã ở quen trong buồng giam, tôi mới hiểu lý do tại sao ông bảo tôi “cứ ngồi đây lát đã” và đợi cho đến khi tiếng còi hụ xé màn đêm mang chiếc xe trọng phạm vừa lọt lưới phóng vút qua cổng vào sân trại giam ông mới gọi hai người sĩ quan trẻ khác áp giải tôi vào buồng giam. Buồng giam của tôi ở tầng hầm. Thối và bẩn không thể tưởng tượng !

Bộ đồ tù mỏng manh, quần tù ngắn trên mắt cá làm đôi giày cao cổ an ninh lõi thép trở thành thật ngớ ngẩn với chiếc chiếu cũ đã nổi mốc kẹp ở nách. Tôi được hai sĩ quan an ninh dẫn vào khu hành lang hầm trệt. Lối đi rộng chừng hai mét sâu hun hút, một bên là tường bê tông và một bên là ô lưới mắt cáo. Bên trong hàng ô lưới mắt cáo là các khoảng không gian nhỏ tắm /nghỉ của tù. Mỗi buồng tù bề ngang chừng 4 mét, có cửa sắt để thông ra khu tắm/nghỉ 1m x 4. Đường đi sâu hun hút! Cứ bốn buồng tù lại một cửa sắt mắt cáo chặn giữa con đường hành lang. Khi tôi đi qua các buồng tù, tất cả các cửa sắt đều đóng kín mít, duy có hai ô gió (15 x 20cm) của hai buồng là mở. Tôi thấy lấp loáng qua ánh điện phản chiếu, là những đôi mắt dán hẳn vào khung sắt lỗ gió ấy nhìn ra lối dẫn tù.

Tôi được dẫn vào buồng ở gần cuối hành lang, nét phấn mới viết to đùng trên ô cửa sắt: 15. Cúi xuống nhìn đồng hồ tay dạ quang. Quên đi rằng tất cả những vật dụng cơ bản thường ngày của một con người bình thường đã bị tước đoạt sạch sẽ ! Ánh đèn vàng nhợt nhạt từ trong buồng hắt ra. Ngoài trời, qua những lỗ gạch hoa bên tường bê tông, màn đêm còn buông trùm.

Tôi bước vào buồng. Chói tai vì tiếng va đập cửa sắt của tấm thép dày với nẹp cửa sắt bê tông. Buồng cao cỡ 4 thước. Một bệ nằm xây chính giữa dành cho hai người. Đỉnh đầu nằm của bệ chiếu là một lỗ đưa cơm rộng chừng 20 x 20cm có cửa khóa chốt phía ngoài. Bên tay mặt chỗ tôi đứng từ cửa nhìn thẳng vào gờ nằm là một bệ cầu wc. Đưa mắt nhìn xuống lỗ bồn cầu tôi giật thót mình khi nhận ra hai con mắt đang nhìn mình không chớp !

Một con chuột cống từ từ trồi hẳn đầu lên. Giời ạ! Con chuột thiếu điều to gần bằng bắp chân của tôi, một tên "việt kiều" 80 cân thể lực sung mãn ...

 Vậy là tôi đã xa B34 hơn một ngày.

Đứa anh đã chết, đè lên mặt đứa em... trong một cuộc giao tranh đẫm máu...

Em đã về bên anh, sau đúng 10 năm biền biệt. Người sống không hay...

A20 Phạm Văn Thành




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét