A20 Phạm Văn Thành
Tháng 10 năm 1994.
Tôi được gọi làm
việc liên tiếp kể từ ngày 26 tháng 9. Nhân vật tôi phải đối diện
không vào trong trại mà tôi phải bị dẫn xuất cổng để đi bộ ra
tận ngoài Nhà Cơ Quan. Hôm nay đã là ngày thứ tư.
Đường vắng lặng. Đầu
con đường này làm tôi nhớ như in cảnh anh Trương
Văn Sương đầu đội một thúng dừa, đứng như trơì trồng bên cạnh đoạn đường
khơì đầu từ cổng trại giam đế đi xuyên khu rừng dừa ra ngoài khu vực
Nhà Cơ Quan trổ ra hướng cống xuất toàn khu vực để tiếp cận
với không gian xã hội. Lần đó anh Sương bị phạt vì đã… hái dừa vô phép.
Hình ảnh người tù cao lớn tóc rễ tre đứng dạng chân thủ giữ thúng
dừa khó có thể phai mờ trong trí tôi. Bữa đó là bữa tôi cũng phải đi làm
việc, do chuyện có những thỏi vàng miếng bị phát hiện trong một cuộc trao đổi
bí mật đã diễn ra giữa một tù nhân nào đó (tôi nghĩ là của A Quí,
một ngươì tù gốc Đài Loan, dính trong những phi vụ mang vàng - số
lượng tính bằng tạ - ra vào VN bằng chuyên cơ từ Cambốt) với một “hòm
thư” ngoài bìa trại. Tôi nhớ bữa đó tôi đã đứng lại gần chỗ anh
Sương bị phạt. Người sĩ quan áp giải giục tôi bước đi nhưng tôi đã
đứng lại khá lâu, nhìn chằm chằm vào thúng dừa mà anh Sương đang phải đội
trên đầu, chân anh đã có biểu hiện rung. Tôi đi qua anh Sương tiến về
phía nhà cơ quan. Khi đi qua anh Sương chừng khoảng hai chục bước, nghe rõ
tiếng dừa đập mạnh xuống mặt đường đất. Tôi biết anh Sương đã qụy
ngã. Không quay đầu lại. Tôi nghiến răng đi tiếp.Viên sĩ quan áp giải (tên
là Luận nếu tôi nhớ không lầm, sĩ quan đặc trách tư tường) vài phút sau đã
yêu cầu tôi đứng lại và ông ta vòng lại bên cổng an ninh, nói gì
đó với đội sĩ quan trực trại. Tôi nghe thấy tiếng gọi tên anh
Sương và tiếng nói nhẹ yêu cầu anh Sương nhập trại…
Hình ảnh anh
Sương làm tôi có phần lãng ý, trong khi tôi hiểu cuộc làm việc hôm nay sẽ
rất gay go. Hai hôm rồi, viên sĩ quan an ninh đặc biệt vào từ Hà Nội đã
chính thức đưa ra lời yêu cầu: “Anh muốn
gì cũng được, kể cả việc chúng tôi sẽ chuyển anh vào K3 (tức Xuân lộc),
từ đó tiến hành thủ tục giảm án…”. Để đáp lại yêu cầu ấy, tôi phải phủ
nhận Bản Bạch Thư mà quốc tế đang loan tải. Đương nhiên là tôi
sẽ không phủ nhận, nhưng sẽ phải kéo dài thời gian những buổi
làm việc để biết thêm được những chi tiết phía sau. Bạch thư thì đã đến
được nơi tôi muốn đến nhưng hai tệp tường trình và hai đợt danh
sách (có cả địa chỉ gia đình của một số lớn tù chính trị, cả hai
lần chuyển đi, tổng cộng 167 chi tiết nhân thân tù chính trị và đặc
biệt là khoảng 18 tấm hình…) thì tôi chưa nắm được danh sách nào, tệp
nào đã được đi đến nơi. Những bài thơ của Trương Nhật
Tân và Vũ Đình Thụy đã
đến nơi và bà Thụy Khuê có cho chạy ở một chương trình đặc biệt trên
RFI. Chương trình ấy anh em báo lại cho tôi, vừa báo vừa khóc. Chung
thân Trương Tân là một trong những người ấy…
Sĩ quan trại
tù tỏ vẻ rất sợ nhân vật an ninh vào từ Hà Nội. Y không mang
quân hàm, không mặc quân phục nhưng cái mũ lễ y để trên nóc tủ mang viền
dây màu cứt ngựa, từ đó tôi hiểu y là người của tổng cục bảo vệ chính trị . Y
người tầm tầm, khoảng trên mét sáu và có vẻ không tự tin lắm về thể
hình của mình. Mặt trắng không chân râu, có thể được coi là đẹp trai nếu
định nghĩa cái đẹp là sự bảnh bao, chau chuốt. Vai y hóp hẹp tố cáo tinh thần
và thể lực chỉ là hạng xoàng nhưng chắc chắn là rất khôn ngoan, điều
cơ bản của lớp đàn ông mang bộ mặt gà mái.
Tôi bước vào phòng sau
khi gõ cửa và y lên tiếng yêu cầu vào. Viên sĩ quan trại lùi ra xa khoảng 20
mét, có một cái ghế đẩu để sẵn. Hai người sĩ quan bảo vệ võ
trang súng dài ngồi ở hai chiếc ghế đẩu cạnh đường đi,
phía từ ngoài cổng đi vào. Cả ba người chắc chắn sẽ không nghe
được những trao đổi giữa tôi và viên an ninh tổng cục dù là hai cửa sổ đều mở.
Y có vẻ đã nổi
cáu và yêu cầu tôi phải sửa sang lại quần áo tôi đang mặc. Lúc
này, tôi mặc quần áo tù bên ngoài nhưng bên trong là bộ quần áo
đà màu nâu. Áo đà và quần do chị tôi may gởi vào trại nên rất
vừa vặn, trái ngược với quần áo tù là ngắn hơn nhiều so với kích cỡ
người cao mét tám như tôi, nên áo trong thò gấu ra lớp áo tù. Tôi mỉm
cười, thản nhiên vén bụng tháo dây luồn, không buồn quay mặt đi. Y
bực lắm nhưng cố gượng giọng nói tôi nên tôn trọng y: “Anh đừng quên
tôi là người đại diện quyền lực nhà nước”. Tôi làm như mình điếc, tháo rộng dây
luồn để nhét áo nâu vào trong quần rồi xốc lại quần, thắt dây
luồn. Đứng bất động. Ông ta quay đi tránh cảnh chướng mắt đó, khi
quay lại, cục adam nhấp nhô sau chiếc cố áo cồn trắng tinh, mồ
hôi đã lỗ chỗ nhỏ giọt. Tháng 9, thờ tiết phía Nam hẳn đã làm cho ông quan
nhàn hạ này đang rất bực bội.
-
Anh đã suy nghĩ về điều tôi đề nghị hôm qua ?
-
Tôi không nghĩ dễ dàng đến vậy. Tôi có anh em tôi, bạn bè tôi. Liệu ông có
đưa hết về K3 được không ?
-
Anh làm ơn quên mẹ mấy đứa đó đi. Bạn bè gì ngữ ấy. Chúng chỉ lợi dụng
anh. Đòi anh chia chác tiền bạc…
Tôi nghe giọng
điệu này đã bốn năm ngày liền, dù rất tức nhưng cố dấu cảm
xúc. Ấy cũng chính là nguyên do tại sao tôi đề cập đến viên sĩ quan
này trong phần hồi tưởng của tôi, tôi đã dung chữ “y” để chỉ danh.
Trong gần sáu năm tù, gần sáu năm bị điều tra liên miên, tôi chỉ dùng chữ
“y” để chỉ danh ba tên cán bộ điều tra. Tên này, tên thứ hai là Lê Sáu trại 5
và một tên trung úy oắt con gốc Bắc ở trại B34.
-
Chị anh ở Hố nai à ?
-
Thưa vâng. Tôi chỉ có một người chị. Đang sống tại Hố Nai.
Đòn tâm lý gia đình
sắp được tung ra nhưng đã là thừa đối với tôi. Vì cũng tại căn phòng này, chỉ
vài tháng trước đây. Tôi đã được dẫn ra, ngồi tại đây, một mình với một
khẩu K54 cố ý để lòi bá súng ra trong góc tủ. Lúc ấy
là mẹ tôi từ Mỹ về, cháu tôi đưa bà đến trại và khênh trên ghế như
một chiếc băng-ca, vào đợi tôi ở nhà thăm nuôi. Lần ấy tôi không được gặp
mẹ vì đang trong thời gian kỷ luật. Họ nói nếu tôi biết điều thì sẽ
cho tôi gặp được chị. Còn mẹ thì tôi không có quyền gặp vì không có
giấy xin phép của Bội Nội Vụ 2 (tức Nguyễn Văn Cừ / B34, Sài Gòn)
cấp. Tôi nhìn cây K54 thò ra khe cửa tủ và biết ngay là một cái bẫy
đã được giăng sẵn. Đối phương nghĩ rằng tôi sẽ điên lên khi biết mẹ mình đang
nằm ở nhà thăm nuôi. Tôi hiểu, đối phương biết rất rõ, đã hơn 10 năm kể từ
1982, tôi không gặp được mẹ mình. Khi bà rời VN sang Mỹ là khi tôi chuẩn bị xâm
nhập. Tôi ở Pháp, hoạt động đấu tranh gần như vô sản, tiền bạc không đủ
để sang thăm mẹ tôi trước khi quyết định về nước. Anh em từ đội về
buổi trưa đã báo việc mẹ tôi được khênh vào nhà thăm nuôi trên một chiếc
ghế kiểu ghế băng-ca. Đây là một kỹ thuật cố ý rò rỉ thông tin gây phẫn
uất cao độ trong tôi. Việc mất bình tĩnh mà giật cây K54 chắc chắn sẽ gây nhiều
hệ quả vô cùng bất lợi cho tôi và cho anh em, vốn dĩ tình hình lúc bấy giờ
đã rất nóng, một số bài thơ của anh em đã chạy trên RFI gây không
khí phấn chấn trong anh em nhóm Bảo Vệ Danh Dự Tù Chính Trị nói riêng,
anh em chính trị nói chung. Không khí đấu tranh bắt đầu sôi lên vì
lần đầu tiên, thông tin A20 đã được dội lại từ các hãng thông tấn nước ngoài.
Vang vang trên bầu trời quê hương lồng lộng. Anh em Việt Quốc, Đại Việt
lập tức kết cụm lại và tỏ rõ ý chí cật lực hỗ trợ và đây chính là
một đường dây chuyền tin phát sinh sau cùng song song vơí đường dây
độc lập của các tù nhân thâm niên (từ 1978) của Phong trào Liên Tôn (LM
Vàng), những nhân lực này đều ở thời kỳ sáp mãn hạn tù 18, 20 năm và đang
thủ giữ các bộ phân sinh hoạt trọng yếu của trại A20, từ
nhà máy đèn đến xưởng rèn, các công trình xây cất ngoài
trại hoặc các nhà chăn nuôi… Chính họ là những ngươì đã băng qua
bạt ngàn các đồi mía để đến với giáo dân một xứ
đạo lân cận, ráp nối chuyền những bản tin sau cùng của nhóm tổ
chức về tới Sài Gòn, lọt cả vào được một số lãnh sự quán để nhanh nhất tới
được cơ sở Quê Mẹ và cơ quan Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc,
các hãng thông tấn. Sự đàn áp điên cuồng đã bị chặn dừng lại bởỉ sức
mạnh của truyền thông quốc tế…
“Nước ngoài biết thì quốc dân sẽ biết. Thế là
tốt rồi”. Cả Trương Tân, Nguyễn
Thành, Vũ Đình Thụy, Nguyễn Văn Trung… đều phát biểu ý tưởng này. Tất
cả đều chuẩn bị tinh thần vào buồng cùm kiên giam bất cứ lúc
nào. Đây cũng là thời gian anh Hoàng
Xuân Chinh (nhà giáo 16 năm / Quảng Nam) bị giao động. Đối phương tung tin mỗi
bài thơ tôi chuyển ra ngoài, tiền dành cho tôi của “nước ngoài” hàng chục
ngàn usd mỗi bài thơ ! Tôi hoàn toàn không biết có sự xáo động
này cho đến tận khi cận ngày nổ ra vụ 28/10. Nguyễn Trung và Trương
Tân đã đả thông được vấn đề mà tránh không cho tôi biết, để tôi tập
trung ý tưởng cho việc quần thảo với bên an ninh.
Không
khí anh em trong lúc này đã rất căng nên chỉ trao đổi với nhau bằng
mắt. Người tôi trao đổi các quyết định cụ thể chỉ vắn tắt qua ba
người là Đỗ Bạch Thố, Phạm Anh Dũng
và Trần Nam Phương. Tất cả các
quyết định đều thông báo rất vắn tắt trực tiếp cho Trần Nam Phương
(tử hình xuống chung thân / Quảng Nam) trong những giờ tôi ra bờ giếng
đánh răng hoặc tập thể dục. Nam Phương khai triển với Vũ Đình Thụy (20 năm +10
quê Phú Yên), Nguyễn Văn Trung (20 năm, quê Sàigòn, vụ linh mục Trần
Hữu Hiệu và Trần Văn Nguyện ), Trương
Nhật Tân (Chung thân xuống 20 năm/quê Bình Thuận, Tin Lành, Vụ án
Mặt Trận Phục Hồi Nhân Quyền VN 1980 ) và Trương Nhật Tân khai triển
với Hoàng Xuân Chinh. Chinh khai triển với Trần Minh Tuấn (20 năm quê Bình Định). Tuấn lại khai triển với Nguyễn Đình Oai (20 năm quê An Khê là
đường dây liên lạc chuyền tin dự phòng đặc biệt của nhóm, khi không còn
con đường nào khác. Đường này nối với đường dây của giáo sư Đào Đăng Nhẫn (16 năm, nhẫn nhịn trong
vai trò tên tù gác đêm, đã đến Mỹ).
-
Tôi cho anh thêm một ngày để suy nghĩ. Anh có thể về rất sớm với con
anh nếu như anh biết thức thời. Tôi lập lại, anh chỉ là con cờ cho
người khác lợi dụng. Cái bản bạch thư ấy anh không đủ trình độ để
viết nó. Chúng tôi biết rõ ai là ngươì đã thảo ra và anh là người chép lại. Họ
cho anh được cái gì ? Mạng sống của anh à ?
Tôi phải rất nhẫn
nhục để không tung một quả đấm vào mặt tên đàn ông mặt gà mái, mà với
sự tức giận đang lên đến đỉnh điểm chắc chắn sẽ bóc hẳn hàm răng của y ra ngoài.
Phải một lúc tôi mới nói được:
-
Cán bộ cho tôi thêm vài ngày. Đột ngột quá, tôi không thể không bối
rối.
-
Anh nghĩ chúng tôi sợ anh ư ! Anh lầm. Quốc tế chúng có quyền
lợi của chúng. Chỉ những đứa khờ khạo mớ đi ăn cứt gà của bọn ngoại
quốc…
Mặt y đanh lại, màu
trắng như xanh đi vì tức, vì bị một thằng tù không chịu nghe lời. Y
tức phần lớn vì y cảm thấy bị xúc phạm. Cảm thấy đường đường là một nhân
lực quyền thế trung ương mà không bắt được thằng tù nhỏ nhoi phải quỳ
xuống van xin mình. Y bước ra ngoài phòng, gọi viên sĩ quan áp giải:
“Dắt nó vào !” rồi quay sang bên cạnh, ngoẹo cổ phun ra một bãi nước bọt.
Tôi chào y, hơi cúi
mình mà tay muốn run lên. Câu chữ “dắt nó vào” khô khốc đầy miệt thị ! Tôi
hiểu, trong đầu y, y nhìn những người tù chúng tôi không bằng con
chó con trâu nên mới dùng chữ “dắt”. Tôi quay người bước
đi về hướng cổng nhà tù, hai bàn tay co duỗi theo từng nhịp thở thật sâu
kiểu ba thì, theo chân bước 15 bước là 15 nhịp hít vào, nén thở 15 bước
và thở ra đúng nhịp 15 bước. Tôi muốn sắc mặt của mình hoàn toàn bình thường
khi đứng trước đội an ninh trực cổng trại, tôi muốn vào buồng mà anh em
không thấy sự tức giận đang cuồng nộ như muốn nổ tung phế phổi.
Viên sĩ quan áp
giải yên lặng đi bên tôi, bước chân của kẻ không biết võ là gì, đầu chân
tòe ra hai hướng, lệt xệt.
Cổng trại mở toang, cả
đám an ninh đứng lố nhố. Trung úy Đa nhìn tôi ái ngại. Tôi mỉm
cười chào ông ta mà không nhìn những người khác. Đây là viên sĩ quan
mới vào từ Hà Nội, là ngườ có học hành đàng hoàng và ham đọc sách.
Tôi thích ông này vì tìm thấy ở ông sự biết tôn trọng những
người tù chính trị. Chưa bao giờ tôi thấy ông nặng nhẹ với anh
em tôi. Ông biết tôi cho vàng một số cán bộ khác nhưng tuyệt nhiên
không bao giờ tỏ ý muốn tôi giúp đỡ bất kỳ chuyện gì. Một lần tôi
biết chuyện vợ ông ta (là người ngoài đảng, một giáo viên người Phú Yên,
chuyện này gây cho ông ta rất nhiều khó khăn) than thở với mấy
người tù đi làm rộng, về tình trạng bệnh rất nặng của mẹ ông ta ngoài
bắc. Tin ấy đến được tai tôi và tôi quyết định nhờ một bác sĩ ở
Sàigòn ra tận nhà mẹ ông ta để tìm cách chạy chữa. Tiếc là chuyện chưa
thành công thì vụ nổ 28/10/94 xảy ra…
Về đến buồng số 3,
tôi leo lên bệ chỗ của Bạch Thố nằm bẹp, không muốn nói chuyện với ai.
Buồng vắng, đội 12 bên nhà 4 đi làm ngoài trại chưa về. Phương, Chinh,
Thụy đương nhiên chưa vào trại. Đội 3 nhà 3 còn đang nấu
cơm, chia cơm dươí nhà bếp chính. Đào Đăng
Nhẫn (cựu giáo sư Trung học Võ Tánh /Nha Trang án 16 năm) đem cho
tôi ly nước chanh tươi. Ông leo hẳn lên ngồi cạnh, tay trái đưa tôi ly nước.
-
Làm cái, thằng-anh-hùng. Kệ mẹ nó chuyện ngoài cổng.
Tôi bật
cười với câu nói coi trời bằng vung của ông anh giáo sư.
Lão ngồi cạnh tôi, hai đầu gối như hai quả dừa khô đét, cười nhe cả hai
hàm răng ra ngoài. Lão gầy quá xá gầy, đen đủi, chỉ có hai con mắt là cực
sáng. Nhìn người anh mà tôi cực kỳ yêu quí, bỗng thấy thương dạt dào
“lão gìa mất dạy”. Với tay lấy ly nước chanh. Tôi nói: “Anh em chuẩn bị
tập trung, em sẽ gài để chúng tập trung anh em mình lại. Có vậy mới tựa nhau
được”.
-
Liệu được không thằng-anh-hùng?
Tôi vừa uống vừa
muốn sặc: “Quên cái chữ ấy đi bố, mệt thấy ông cố nội còn bắt nhau leo lên đọt
dừa. Đây chỉ có một thằng anh hùng thôi. Hắn đi mất tiêu rồi…”.
-
Ai vậy ? Thằng nào mà ngon vậy ? Dám xưng hùng xưng bá ở cái đất
ó đâm này ?
-
Tống, Lý Tống. Ổng đi rồi.
Nhẫn phá lên cười. Quỳ
cả lên để ôm bụng. Ông bảo: “Thằng-anh-hùng cũng biết tiếu lâm quá mạng…”.
Vừa nói vừa cười sằng sặc. Tôi biết lão hình dung ra chuyện Lý Tống
vượt ngục và bị bắt tại trận trong một ngôi nhà đang xây sát bờ tường
nơi một góc khuất của trại, và hình ảnh Lý Tống đánh nhau với ông Lê Văn Sơn, một người tù án chung thân
của Phật Giáo Hòa Hảo. Tống đánh đến nỗi xé toạc cả áo Lê Văn Sơn. Ông Sơn
trần trùng trục với chiếc áo tơi tả đi ra trình báo phía cổng an ninh. Ông
Sơn lúc ấy cũng trên 60 rồi, râu tóc đã trắng gần hết. Ông Sơn bị cho là ăn-ten
lại được trại bố trí vào nhà 3 làm nhà trưởng, kiêm đội trưởng đội 10 (là đội
của tôi với Lý Tống, toàn hải ngoại). Với tôi, cảnh tượng ấy là cảnh tượng
buồn, tôi không muốn ghi nhớ nhưng tiếng cười của giáo Đào làm tôi phải
liên tưởng lại. Một cảnh tượng như hai con gà tồ đá nhau, vì cả
hai đều ngang ngửa tầm cao của tôi, mét tám.(*)
-
“Thằng-anh-hùng” cũng biết đùa quá mạng... Lão-già-mất-dạy (*2) cứ lảm nhảm.
Tôi biết có nhắc, có
không vui, lão ấy cũng cứ cù nhầy ba cái chữ “thằng-anh-hùng” để mong lôi tôi ra
khỏi trạng thái muốn cô độc. Tôi hỏi sang chuyện khác:
- Lý Hổ đâu rồi cha ?
- Y ở dưới. Nãy tự
quản có họp. Cả trực sinh lẫn trực buồng, gác đêm và các đội trưởng ở khu
nhà này phải bám sát mọi hành vi của cậu.
- Thấy ông ta sao ?
- Khó biết…
Lý Hổ là người
về từ Thái Lan cùng với ông Hoàng Cơ Minh. Là một y tá dự phòng của
ông Minh. Người gốc Miên.
Trong nhà số 3,
mỗi đầu buồng là một người trực đêm nằm thủ hai đầu nhà, phía hành lang.
Hai chỗ nằm đầu nhà phía hậu, lối đi ra hầm phân hố xí là một
người trực sinh (nằm sát tường nhà cầu /hố xí), đầu nhà phía bếp
(nơi đối diện với chỗ nằm của giáo sư Đào Đăng Nhẫn) là của một nhân
lực đặc biệt do trại phân bố, thường là tù hình sự hoạc tù tham nhũng,
phía chính diện lối ra vào luôn luôn là nhà trưởng và hai ba
tù kinh tế (tham nhũng). Đó là cách phân bố những vị trí trọng yếu
của hầu hết các nhà có giam giữ tù chính trị. Lý Hổ với tôi khá thân
vì từng là Việt Tân với nhau. Khi tôi vào trại, anh em Việt Tân rất quí
tôi và Dũng Sơn, vì thấy chúng
tôi không lợi dụng ai điều gì, trái lại, điều gì có thể sẻ chia, tôi và Dũng
đều không ngần ngại. Anh em Việt Tân rất thiếu thốn, hầu hết không có thăm
nuôi. Việc chia sẻ xảy ra hoàn toàn không có sự tính toán nào, nhưng trong
bối cảnh tù, miếng ăn, viên thuốc… trở nên rất to tát, nên anh em âm thầm
tìm cách trả ơn. Tôi nghĩ chuyện này cũng bình thường và tìm cách làm cho anh
em đừng bận tâm về những chuyện ấy. Tôi cần tiền để chi phí cho những hoạt động
của mình và đã nhờ các anh em Việt Tân khá nhiều trong việc chuyển tiền và
chuyển vàng vào trại. Các anh em này chỉ biết việc đưa chuyển tiền (và
đương nhiên có khoản phần trăm hào phóng) tôi làm điều này, vừa có thu
nhập cho các anh em, vừa tạo cho anh em mất đi cảm giác mang ơn tôi và
Dũng.
Với ông Lý Hổ, tôi biết tâm tánh của ông là
người bất tường. Ông nhu nhược trước quản giáo và giám thị trại, ông rất
cẩn thận trong công việc trực đêm và là người rất tinh rất thính. Thường các
buổi tối, tôi ngồi uống trà với ông trước khi về bàn trà của Lê Quí
Hòa (võ sư / Huế). Bàn trà này là nơi tôi trưởng thành hơn rất nhiều
trong cuộc đời lao lý. Thủ bàn trà chính là giáo sư Đào Đăng Nhẫn. Người gác đêm của nhà 3 cùng với Lý Hổ. Nhà 3 có một
chiếc tivi đặt ở phía đầu tường gần nhà cầu/hố xí. Thường đêm đêm sau giờ tin
tức là giờ phát hình phim chưởng hoặc phim xã hội Đài Loan được chuyển âm tiếng
Việt, việc đài truyền hình tiếp vận (Huyện Đồng Xuân) dùng toàn thể loại
phim xã hội Đài Loan để chiếu trên hệ thống truyền hình cũng là một giải
pháp chiến thuật của chúng tôi. Vì giờ ấy, hầu như mọi ngươì đều tập trung
ngồi sát chiếc TV để xem phim. Bản thân tôi cực kỳ ghét ba cái phim cao su
kéo hết ngày này qua ngày nọ với những kiểu chuyển ngữ tạp nham… nên thu
mình vào góc bàn trà cuối buồng với Đào Đăng Nhẫn và Lê Quí Hòa. Ở đây,
tôi bắt đầu thu gom những ý tưởng muốn viết và nhờ vào “cái bóng” của Đào Đăng
Nhẫn, tôi bắt đầu từng trang hồi ký, hoặc trong màn/mùng của tôi, hoặc
dưới ngay góc khuất của bàn trà, hoặc sát cạnh chỗ thầy Tuệ Sĩ đang tọa
thiền (ai cũng nghĩ tôi học tiếng Nhật với thầy Tuệ Sĩ). Tôi không có
quyền dập xóa, cũng không có quyền coi lại. Viết xong trang nào sẽ có
ngườ chuyền ngay ra ngoài buồng hoặc dấu một góc nào đó mà chính tôi
cũng không biết. Hai anh em làm công việc này (hiện thời chưa thể công bố
tên tuổi).
Tôi không tin được ông
Lý Hổ, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ là ông Lý Hổ đã tố cáo tôi điều gì. Có lần
ông nói với tôi: “Cũng nhục lắm
Thành. Nhưng sức tôi mà ra đào ao thì chỉ có chết. Lội ruộng cũng
chết. Làm gạch lại càng chết hơn. Biết anh em coi khinh mình. Nhưng tôi không
làm thì bọn hình sự chúng cũng làm. Anh em còn khó thở hơn…”. Tôi
chỉ biết nói: “Cố làm sao đừng để anh em thiệt”.
Tình cảm tôi với anh
em Việt Tân thậm chí làm cho một số các anh án lâu ở trại có
người bực mình. Một sĩ quan trung úy không quân người gốc Huế có ngón đàn
rất ấm và ở vào hàng chơi chuyên nghiệp, chỗ nằm đối diện vói
chỗ nằm của ông Lý Hổ, nói với tôi:
-
Thành có biết bọn đó là bọn giết người, giết lẫn nhau tranh sống hay không
? Bọn đó mà chính trị chính em cái gì ?
Tôi buồn lắm khi mấy
anh lớn nói như vậy. Nhưng không cãi được, vì thật sự có chuyện đó xảy ra ờ kỳ
Đông Tiến/Sang Sông 1. Lâm Thao đã bị lựu đạn đập vỡ đầu chết
trên võng. Vàng bạc bị anh em mình lấy sạch để mong tẩu thoát… nhưng
rồi tất cả đã bị bắt lại, trước tòa khai ra hết mọi hành vi. Ra trại, không ai
dấu được ai điều gì ! Sang Sông 2 cũng có những cái chết xử lẫn
nhau mà một trong những cái chết ấy, cái chết gây oan khuất và đau
đớn tột cùng cho Đỗ Bạch Thố là cái
chết của Trần Hướng Việt. Hướng Việt
ngườiViệt sống ở Thái lâu năm, đi vào đoàn chiến đấu của tướng Hoàng Cơ
Minh. Hướng Việt với Đỗ Bạch Thố thân nhau như anh em ruột. Trên đường xâm nhập
tháng 8/87 Hướng Việt bị trúng đạn, Thố cõng Hướng Việt chạy nhưng rồi
cũng kiệt sức. Lãnh đạo hành quân lúc ấy là Khánh / Trần Thiện Khải (cựu sĩ
quan hải quân VNCVH về từ Mỹ cùng ông Minh) ra lệnh phải giết chết Hướng Việt.
Lệnh ra cho Đinh Văn Bé (một tay súng đã hơn hai lần làm công tác xử tử
anh em mình, bác sĩ Nguyễn Hữu Nhiều và chồng của Kim Huệ là Trần Tự
Nhiên tại chiến khu Ubon năm 1986), Đinh văn Bé lại lệnh cho Đỗ
Bạch Thố. Thố bắt buộc phải giết chết Trần Hướng Việt. Lệnh giết là bóp
cổ, không được dùng súng. Thố đã phải cởi giây giầy của Việt để đưa Việt
đi, khi Việt vẫn còn nói được tiếng: “Đừng
giết tôi”! Đây là câu chuyện thực, đã biết bao lần Thố dựng ngược
người hét lên trong đêm, trong giấc ngủ nặng nề. Một lần, vừa kể với tôi,
Thố vừa khóc. Thố bảo: “Đây là lần duy
nhất tôi kể về một sự thật đã ám ảnh tôi bao năm nay”. Tôi biết,
Thố rất yêu mến Hướng Việt. Mỗi năm, Thố đều âm thầm làm lễ cúng cho Việt.
Không ai biết lễ cúng ấy là lễ dành cho Việt, cho đến khi Thố nói ra với tôi. Những
buối trưa như vậy, Thố lại ngồi khóc một mình. Người lính rừng chai
lỳ cận vệ của tướng Hoàng Cơ Minh suốt bao năm trường khốn khó nơi biên thùy
đất Tam Biên, vai giật lên từng hồi, nghiến răng để không bật ra
tiếng khóc. Đó là một trong những ngườ bạn tù thân thiết nhất của
đời tôi.
…
Hôm sau,
tôi tung cú đòn lừa với người sĩ quan an ninh đặc biệt vào từ Hà Nội.
Yêu sách tù chính trị phải được sống từng khu riêng, cách biệt hẳn vơí tù
hình sự và tù kinh tế. Tôi bắt đầu hiện nguyên dạng là một người làm chính trị.
A20 Phạm Văn Thành
Viết ngày 6/1/2013_Paris
____________
(*) tôi chưa bao giờ
nghĩ ông Lê Văn Sơn Phật Giáo Hòa Hảo làm ăn-ten, với tôi đây là kỹ thuật
cô lập của trại đối với ông Sơn .
(*2) mất-dạy: giáo
viên bị cấm dạy học.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét