25.6.13

Thế đứng của một nhà tranh đấu trong tù Việt Nam!


Vũ Ánh

Có một câu chuyện xảy ra cách đây khá lâu khi người đạo diễn trẻ Hàm Trần làm cuốn phim “Vượt Sóng.” Việc một đạo diễn trẻ thuộc thế hệ người Việt tị nạn thứ hai thực hiện một phim với chủ đề liên quan đến trại cải tạo và những cuộc vượt biển của những thuyền nhân Việt Nam mà hy vọng đến được bến bờ tự do rất mỏng manh. 

Phải nói rằng cuốn phim này tương đối là một tác một tác phẩm gây được tiếng vang vì hình ảnh đẹp và những diễn viên hầu hết làm tròn được vai trò của họ trong các cảnh quay. Nhưng phần dựng cảnh và các nhân vật kịch làm tôi chú ý nhất. Chẳng hạn như trại cải tạo ở trong “Vượt Sóng” được kịch hóa như sau: sân trại bùn lầy nước đọng, nhà tranh vách đất, “chuồng cọp” (biệt giam) để ngay trước sân trại nhưng cái chuồng cọp này lại làm bằng gỗ. Ngày xưa, nếu như bọn cán bộ an ninh trại giam đưa tôi vào cùm trong cái chuồng cọp như được dựng trong phim “Vượt Sóng” là tôi mừng húm. Chưa bao giơ chúng tôi được ở những “Chuồng Cọp” hay “Hộp” như thế bao giờ cả.


Phòng biệt giam cá nhân mà chúng tôi trải qua thường là những chiếc container bằng sắt của các cơ quan tiếp liệu Mỹ bỏ lại hoặc được xây bằng bê tông cốt sắt dầy. Họ đục ra một lỗ nhỏ trên cánh cửa container để cho tụi tôi thở, ban ngày nóng như lò nướng thịt, ban đêm lạnh thấu xương. Trong chuồng cọp, chỉ khoảng 4 giờ chiều là muỗi kêu như sáo diều rồi. Chúng tấn công và hút máu tù nhân no nê đến lăn kềnh xuống sàn nằm. Ngoài những con muỗi bị tôi nằm đè dẹp lép, sáng ra vẫn còn những “anh chị muỗi” chưa chịu tiêu máu nằm dẫy dẫy bị tôi giết và dùng máu đó đã có thể viết trên bệ nằm trong phòng biệt giam số 5 ở trại giam A-20 Xuân Phước câu thơ “Lên non tìm động hoa vàng ngủ yên” của Phạm Thiên Thư.

Cá nhân, trong suốt hơn 13 năm tù cải tạo, bị giải giao đi cũng vài trại, chưa bao giờ chúng tôi phải ở trong những trại như được mô tả trong phim “Vượt Sóng” cả. Các lán trại tôi tới đều mang cái vẻ bề ngoài tương đối sạch sẽ dù là nhà tranh vách đất hay nhà xây bằng gạch để che mắt thiên hạ. Ðọc đến đây, tôi nghĩ cũng có độc giả điên tiết lên và cáo buộc tôi khen cộng sản. Nhưng xin hãy kiên nhẫn để nghe tôi trình bày tiếp. Ngay cả cái trại mà chúng tôi gọi là trại trừng giới A-20 ở thung lũng tử thần Xuân Phước, một trong những trại tù thuộc loại độc ác nhất tại Việt Nam, cũng không giống kiểu trại tù trong phim “Vượt Sóng.”

Trại có vườn rau ao cá, giếng nước, vườn thuốc nam, trạm xá, lán trại được xây bằng gạch, lợp ngói đỏ au, đứng ngoài nhìn vào người ta tưởng đây là một địa điểm du lịch nếu họ không nhìn thấy những tù nhân ở đây xanh xao chỉ còn bộ xương biết đi với đôi mắt trũng sâu. Có cả một đội gồm những anh trực nhà và những người được làm việc nhẹ quét dọn, nhổ cỏ. Họ ăn mặc rách rưới lắm, áo vá chằng đụp bằng vải bao cát. Tuy nhiên, người tù nào ở đây cũng phải thủ một bộ tương đối lành lặn để ngộ nhỡ được gọi ra thăm gặp gia đình thì lấy ra mặc vì ăn mặc rách rưới quá sẽ bị cán bộ trại giam đuổi vào, không cho gặp. Bọn quản trại sợ tù nhân ăn mặc như thế là bêu xấu chế độ dù họ biết rằng chỉ nội những thân thể gầy như xác ve, da dẻ xanh mét, mắt trũng sâu như dân miền Bắc trong nạn đói năm Ất Dậu cũng đã đủ tố cáo chế độ lao tù phi nhân ở đây rồi. Cho nên, người ta không lạ lùng gì khi thấy đằng sau cái vẻ tươm tất, khang trang dù nhà tranh vách đất đầy vẻ trình diễn của nhiều trại cải tạo trên đất nước Việt Nam từ Nam chí Bắc là cả một địa ngục trần gian: kỷ luật khắt khe, tinh thần bị o ép, ăn đói triền miên, làm việc khổ sai, đau ốm không được phát thuốc, bị buộc phải tố cáo nhau, bị cắt bớt phần ăn của người này đưa sang cho người khác để gây mâu thuẫn dẫn tới cảnh giậu đổ bìm leo.

Nếu một tù nhân nào đó trong hoàn cảnh sống lưu đày vất vưởng như những bóng ma như thế với suy nghĩ bị tê liệt, chỉ còn biết đến miếng ăn thì may ra không còn cảm xúc khổ sở nữa, chứ thật ra người nào vẫn còn suy nghĩ được, vẫn còn biết thế nào là một con người thì sẽ thấy rất khổ sở, đau đớn về tinh thần. Cảnh tranh giành nhau lúc chia cơm, cảnh mỗi cuối tháng ngồi đồng bình bầu lao động tiên tiến, xuất sắc, cảnh ngày hôm sau có người thấy bát ăn của mình bị bớt một phần để chuyển sang bát của người bạn đồng tù, đồng đội vì người bạn này được bình bầu lao động xuất sắc còn mình thì bị coi là chây lười lao động nên bị trừng phạt, cảnh đêm nằm trong buồng giam sau một ngày rã rời lao động nhưng đói không ngủ được mà nghe những bạn của mình nằm ở khu chuồng cọp đập cửa suốt đêm kêu cấp cứu vì có tù nhân đồng cảnh trong “chuồng cọp” bị đau nặng mà bọn cán bộ trại giam không thèm mở cửa đưa bệnh nhân ra ngoài để thấy rõ sự bất lực của chính mình không cứu được những bạn đồng đội đồng tù, trong lòng chúng tôi muốn tìm cách nào đó để chết mà rồi cuối cùng không dám chết. Cuối cùng mỗi người tù cải tạo vẫn phải chứng kiến cái chết đến gần mình hơn vì ngày càng kiệt sức. Chính những đòn thâm độc này mới là yếu tố quan trọng giết dần giết mòn chúng tôi nhiều hơn là đói ăn hay bệnh tật mà không có thuốc.

Do đó, tôi nghĩ rằng kịch hóa một trại tù cải tạo của cộng sản ở Việt Nam sao cho tương đối giống như thật là điều khó khăn cho bất cứ nhà đạo diễn Mỹ gốc Việt nào, vì khi lập ra trại cải tạo, nhà cầm quyền cộng sản đã chủ trương che mắt người ngoài bằng cái vẻ khang trang giả tạo mà bên trong là cả một địa ngục trần gian. Nếu kịch hóa gần giống với thực tế sẽ không tránh được sự chỉ trích của những người chủ trương tuyên truyền bảo thủ và kém hiểu biết. Nếu kịch hóa xa với thực tế thì lại không mô tả hết được tính chất thâm độc của chế độ lao tù cộng sản.

Gần đây tôi rất ngạc nhiên vì thấy rằng, vài tác giả gốc Việt ở Mỹ hay dùng bức hình chụp kịch hóa về mặt ngoại cảnh của một trại cải tạo, nhưng lại không cho chú thích (caption) về xuất xứ của bức hình làm như đó là hình trại cải tạo thật. Việc làm này không những đã không minh bạch mà còn có thể nhận lãnh phản ứng ngược nếu bọn phản tuyên truyền của Việt Nam khi cần tấn công nêu rõ lai lịch trích từ phim “Vượt Sóng” để phản đòn thì tôi e rằng chúng ta khó đỡ. Bức hình trích từ phim “Vượt Sóng” nó có giá trị nhất định của nghệ thuật điện ảnh cho nên khi sử dụng nó làm hình minh họa cũng cần phải thận trọng. Tuyên truyền là một nghệ thuật có những nguyên tắc và qui luật của nó: không bao giờ đang ở thế tấn công mà tự chặn đường rút, không bao giờ đang ở thế thủ mà đóng chặt cửa hậu, phải chịu khó khai thác mọi dữ kiện có thật và được xác nhận để giành lấy sự thắng thế về phía mình và không nên chế biến hay bóp méo đối phương bằng sự tưởng tượng của mình vì khi đối phương phản đòn thì khó đỡ, cái lợi trước mắt thì ít và cái hại về lâu về dài thì nhiều.

Chẳng hạn như hiện nay, Hà Nội hiện đang tung ra những video clip và những hình chụp cho thấy điều mà luật sư của ông và những người Mỹ gốc Việt ủng hộ Luật Sư Cù Huy Hà Vũ gọi là chiến dịch bôi nhọ nhà tranh đấu cho dân chủ và đồng thời cũng là nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng tại Việt Nam.

Ông Cù Huy Hà Vũ bị bắt và bị đưa ra tòa lãnh án tù 7 năm vì một số bài viết trình bày lập trường đa nguyên đa đảng và lời tuyên bố chỉ trích chính phủ và đảng cộng sản của ông. Ngày 27 Tháng Năm vừa rồi, Luật Sư Cù Huy Hà Vũ đã tuyên bố tuyệt thực để chống lại bản án mà tòa án Việt Nam dành cho ông và tố cáo ý định giết ông của viên trại trưởng trại giam nơi mà ông Vũ đang phải thi hành án.

Ông nói rằng chỉ ngưng tuyệt thực khi đơn tố cáo của ông được giải quyết. Cuộc tuyệt thực của ông Cù Huy Hà Vũ trong Trại Giam Số 5 ở Yên Ðịnh, Thanh Hóa, được người Việt ở nước ngoài hậu thuẫn cũng bằng những cuộc tuyệt thực để bày tỏ đồng cảm với ông, các tổ chức nhân quyền quốc tế lên tiếng ủng hộ và qua Facebook, người ta thấy hành động của ông Vũ đã có thể tạo thành một phong trào. Có lẽ vì thế mà sau 20 ngày im lặng, Hà Nội đã phải phản đòn bằng những video clip nói trên. Nhưng phải nói rằng, trong kỹ thuật ma mãnh “ráp, ghép, xẻo” hình ảnh trong kỹ nghệ hình ảnh hiện nay, khó lòng biết các video clip mà Hà Nội mới đưa ra về ông Cù Huy Hà Vũ trong tù là thật hay giả. Cho nên, theo tôi, cái khó cho bà Nguyễn Thị Dương Hà vợ ông Cù Huy Hà Vũ cũng là một luật sư là bà phải chứng minh bằng hình ảnh vẻ tiều tụy, gầy ốm của một người tù bị “đì,” “bị trù ếm,” “bị bớt cơm, bớt nước,” chỉ cho thêm “nước muối mặn chát” như thời anh em chúng tôi bị cải tạo hoặc giả bà phải thuyết phục dư luận hoài nghi rằng ông Cù Huy Hà Vũ sống trong tù cũng như hàng vạn tù nhân khác tại Việt Nam, “ai sao, tôi vậy.”

Môi trường ở nhà tù là môi trường phức tạp và nhạy cảm lắm. Ngay trong thời tù cải tạo của chúng tôi gồm những người thua trận, tôi cũng đã chứng kiến thế nào là ưu đãi trong tù. Tôi xin kể một câu chuyện: Năm 1987, lúc tôi cùng một số anh em khác bị đưa từ trại cải tạo Z-30A về trại giam số 4 Phan Ðăng Lưu để tại đây chúng tôi bị thẩm vấn để lấy cung đưa chúng tôi ra tòa, tôi bị đưa vào các phòng biệt giam cá nhân. Một hôm đang trong thời gian còn thẩm cung thì vụ Don Bosco xảy ra.

Linh Mục Trần Ðình Thủ và một số linh mục khác cùng giáo dân bị bắt và bị đưa vào trại giam này quá đông nên không đủ phòng biệt giam để nhốt, cai tù ở đây dồn tôi sang nhốt chung với một người tù đặc biệt: Triệu Bỉnh Thiệt, một người gốc Hoa “vua” bốc vác kho 5 Thương Cảng Sài Gòn thời VNCH và đến thời Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa, ông ta vẫn là “vua.” Bị bắt vì bị cáo buộc trốn thuế và làm ăn phi pháp, Triệu Bỉnh Thiệt bị đem vào nhốt ở Phan Ðăng Lưu chờ ngày ra tòa. Khi được đưa vào ở chung với Triệu Bỉnh Thiệt, ông cho tôi biết bản cáo trạng đòi án dành cho ông là chung thân. Ở biệt giam mà hàng ngày người nhà của ông được đưa cơm từ nhà một bà vợ bé vào cho ông cơm trưa, chiều. Nửa khuya, đôi khi tôi thấy một anh công an đem vào cho ông tô cháo gà. Khi đi thẩm cung, Triệu Bỉnh Thiệt mặc một áo khác màu đỏ, quần tây đen và giầy đen bóng loáng. Họ Triệu người cao lớn đi nghênh ngang chậm chạp ở hành lang khu C-1, đế giầy nện xuống sàn xi măng cồm cộp tạo cho tôi ấn tượng rằng dù bị cáo buộc trọng tội, nằm trong tù rồi, họ Triệu vẫn là “vua.”

Luật Sư Cù Huy Hà Vũ dù đã bỏ đảng hay bị bắt buộc phải bỏ đảng, cái gốc gác của ông vẫn còn. Cố thi sĩ Cù Huy Cận vốn là cánh tay mặt của Hồ Chí Minh và từng giữ chức bộ trưởng Văn Hóa một thời gian dài. Ảnh hưởng của ông bao trùm và ngày nay dù ông đã qua đời ảnh hưởng ấy vẫn còn. Một ông tư sản mại bản gốc Hoa như Triệu Bỉnh Thiệt mà còn có thể giành được ưu đãi trong tù thì không lẽ chế độ lại ngược đãi quá đáng người con của một công thần của chế độ? Hơn nữa, liệu băng phái của ông Cù Huy Cận đã bị “chặt” hay chưa, và họ có dám can thiệp cho ông Vũ hay không? Hoài nghi thì hoài nghi vậy thôi, chứ trong cái thế giới riêng của những băng phái trong đảng Cộng Sản thì chỉ có người trong cuộc mới rành, còn chúng ta đang ở cách xa Hà Nội cả một đại dương lấy gì để mà tin vào chuyện thật hay giả với những chứng cớ minh bạch?

Nhưng nói gì thì nói, tôi vẫn là người ủng hộ ông Cù Huy Hà Vũ. Một người trẻ, một “hoàng tử” của một trong những ông “tiểu vương” trong đảng cộng sản mà đám đánh đổi ưu quyền của mình để tuyên bố bảo vệ nguyên tắc dân chủ và đa đảng như ông Vũ cũng là người can đảm rồi.

A20 Vũ Ánh






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét