15.6.10

Hơn hai mươi năm gặp lại





Chén rượu rót vui, buồn bên kia biển
tràn trên tay bằng tình nghĩa bao năm
anh em ta rời địa ngục xa xăm
sống sót quay về từ non thế kỷ

ôi những mái tóc xanh giờ bạc trắng
máu vẫn một dòng chảy với nhục vinh
người sống mời kẻ chết trong lặng thinh
thuở cùm kẹp ngày xưa chưa nguôi hận

một chén tặng cho đời còn như mất
khóc bạn bè vùi dập ở rừng thiêng
tiếc cho thằng sống sót dù còn nguyên
trên đất mẹ cơ hồ như đã chết

một chén rót gọi hoài thằng trôi nổi
buổi chia tay tan tác bốn phương trời
rượu đầy sao bè bạn cứ dần vơi
thời yên ngựa, rừng gươm giờ đâu nữa

thằng già chát ôm thằng đang chống gậy
nụ cười không tròn trên vết cùm xưa
nhắc nhau một thời đội nắng dầm mưa
giữa trại giặc dìu nhau qua địa ngục

A 20 tóc tang, trùng trùng xương máu
Xuân Phước, bạn bè nằm đó bơ vơ
chén tương phùng, giống như chuyện nằm mơ
thức dậy, hồi sinh vừa gần một kỷ

cạn hết cho bừng bừng cơn khát cũ
say đi để quên buốt dấu cùm xưa
tiệc tàn để tim nhói đau lần nữa
gặp một lần dù biết sẽ trăm năm

  nguyễn thanh-khiết
  13-06-2010
  (cho những cánh chim A 20 vừa gặp lại
hôm 10-6-2010 tại San José, CA)





Cánh tay nối dài?




 Vũ Ánh/Việt Herald
(02/25/2010)

Có lẽ trong đời làm truyền thanh và làm báo, tôi không ưa những ai gọi người này hay người kia là “cánh tay nối dài của…(ai).” Trong giai đoạn tôi còn giữ vai trò phóng viên mặt trận cho hệ thống truyền thanh quốc gia VNCH dưới thời tổng giám đốc là trung tá Vũ Đức Vinh, người mà chúng tôi còn quí mến cho tới bây giờ dù ông đã khuất bóng, ông cũng bị coi là “cánh tay nối dài” của Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ. Là trung tá xuất thân từ ngành tâm lý chiến không quân, khi được bổ nhiệm vào chức vụ Cục Trưởng Cục Vô Tuyến Truyền Thanh theo tên gọi của hệ thống năm 1966, ông liền bị coi là “cánh tay mặt” của Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương Nguyễn Cao Kỳ, thậm chí “bí thư’ của ông Kỳ.

Vào thời đó, tinh thần “team work” trong chính phủ còn mạnh, mặc dù trong một số “nhóm” có rất nhiều ông chỉ là con ông cháu cha, vây cánh, nịnh bợ, thượng đội hạ đạp và nhất là ăn hại đái nát. Trung tá Vũ Đức Vinh thì ngược lại. Mặc dù ông là người viết diễn văn cho tướng Kỳ nhưng trong chốn thân mật với chúng tôi, ông nói thẳng là ông không thích những ai gán cho ông chữ “bí thư” bởi vì ông chả là cái gì đối với những người chung quanh tướng Kỳ. Nghe thì cũng biết vậy thôi chứ thực ra chúng tôi quí mến ông Vinh chỉ vì nhân cách của ông, năng lực, sáng kiến cải tổ ngành truyền thanh và nhất là cách cư xử cũng như đời sống thanh bạch của một quân nhân dù ông giữ trọng trách lãnh đạo trong ngành tuyên truyền quan trọng nhất vào thời bấy giờ.

Thế nhưng, người ngay thẳng thì hay mắc nạn. Trong cuộc dàn xếp để hai ông tướng Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ không phải đối đầu với nhau mà phải đứng chung trong liên danh tranh cử, trung tá Vinh đã phải sống trong sự căng thẳng thường trực để giữ cho một đài phát thanh quốc gia không ngả về phe nào, nhất là né những mũi tên “cánh tay nối dài” hay “cánh tay mặt…” của tướng này hoặc tướng kia. Ông luôn luôn nhắc nhở đám trẻ chúng tôi “các cậu phục vụ quốc gia, quân đội và dân chúng chứ không phải ông Thiệu hay ông Kỳ” để phòng ngừa có cậu nào hăng máu làm hư chuyện.

Nhưng đến khi tướng Nguyễn Văn Thiệu trở thành tổng thống và tướng Nguyễn Cao Kỳ thành phó tổng thống thì Dinh Độc Lập chia thành hai cánh và hai ông bắt đầu ngáng chân nhau. Trung tá Vinh lại một màn lãnh đủ những mũi tên khác có tẩm thuốc độc, nào là “người của Kỳ gài lại,” nào là “cánh tay nối thêm dài,” nào là “Vinh nó là người của Kỳ sao không về Phủ Phó, bộ nó ăn phải bả Thiệu rồi à?”

Chúng tôi là những người gắn bó với ông Vinh trong những sóng gió của chiến tranh cộng thêm những tranh chấp giữa những nhà lãnh đạo VNCH, nên rất thông cảm ông xếp và không thích những mưu mô đằng sau người sĩ quan cương trực này. Có lần ông tâm sự trong một cuộc gặp riêng khi tôi từ mặt trận Quảng Trị trở về trước Tết Mậu Thân: “Trên bộ yêu cầu viết một cái ‘citation’ về cậu, sau khi gặp tôi, cậu xuống liệt kê tất cả những trận đánh cậu từng tham dự và tường thuật. Cố gắng lên, cậu làm việc và ăn lương quốc gia cho nên nếu tôi có đi khỏi đây, cũng cứ thế mà tiến, đừng nản.”
Tết Mậu Thân diễn ra, ông là người có công lớn trong việc sắp đặt kế hoạch vào giờ chót nên đã làm hỏng kế hoạch phát thanh cuốn băng hiệu triệu của Hồ Chí Minh do bọn đặc công mang theo khi tấn công vào đài. Sau khi tình hình ổn định, dọn dẹp đống gạch đổ nát, xây dựng xong một cơ sở tạm cho hệ thống, điều hòa lại chương trình phát thanh trên làn sóng quốc gia, ông Vinh nộp đơn từ chức và trở lại với không quân, con nhạn đầu tiến trúng mũi tên tẩm thuốc độc của dư luận “cánh tay nối dài” của lòng đố kỵ, ganh ghét, nhỏ mọn, đặt quyền lợi của cá nhân, phe nhóm lên trên quyền lợi quốc gia.

Đó là một trong những trải nghiệm khi tôi làm việc trong một cơ quan truyền thông nhà nước VNCH. Truyền thanh và báo chí có một biên giới rất mỏng manh và đám phóng viên trẻ chúng tôi cũng tập tễnh đặt chân vào lãnh vực này. Càng bước sâu vào nghề báo, càng khám phá ra nhiều điều. Tôi phải nhập vào một “băng” được gọi là “nhóm nồi niêu xoong chảo” tức là nhóm đầu bếp, mỗi nhóm có một đầu tầu, chủ báo nào mướn thì đầu tầu kéo chúng tôi vào “nấu bếp.”

Khi chủ báo không thích nữa hoặc chính chúng tôi thấy ông chủ báo nào không nên cộng tác nữa thì rút dù. Nhiệm vụ của chúng tôi là làm sao nấu những món ăn tinh thần cho ngon và được trả công bằng những bì thơ trong đó gói ghém số tiền mặt nhuận bút hàng tháng. Đối xử với nhau thì ngoài tình đồng nghiệp, còn cần sự công bằng, ngay thẳng, giữ đạo đức nghề nghiệp.

Tất nhiên, cũng có ông bà xé rào khỏi nhóm đi sang nhóm khác, nhưng nói chung là các nhóm “nồi niêu xoong chảo” chúng tôi coi đó là lẽ bình thường và đều phải tự hỏi: Liệu mình đối xử với nhau ra sao mà đến nỗi có người phải bỏ nhóm? Do đó, tốt nhất là vẫn xử thế với nhau cho phải đạo, vẫn đi ăn đi uống với nhau bình thường, hỏi thăm nhau công việc.

Tuyệt nhiên, không có nhóm nồi niêu xoong chảo nào ngáng chân nhau bằng những bằng những thủ đoạn mờ ám “cánh tay nối dài,” hay “cài người vào.” (V.A.)

(Nguồn: www.vietherald.com)



Qua La-Hai…… nhớ

-->

Sông Trà Bương, nước đầy mùa mưa lũ
Nắng sườn đồi chạy xuống đón ta qua
Ta cứ gọi chỗ nầy, ngày tháng cũ
Mười năm xích xiềng giam nát đời ta
Đứng để nhớ, đi đau, ngồi phẫn nộ
Bạn bè xưa đâu biết giạt phương nào
Mùa mưa cũ anh em tìm sinh lộ
Một lần đi, bỏ xác lại rừng cao
Ôi Đồng Xuân vẫn mưa về nước đổ
Mưa có trôi đi được những căm hờn
Dấu đạn thù trên thân tù lỗ chỗ
Bạn ta ơi ngày tháng có đau hơn
Một nén nhang thôi, dọc đường qua trại
Ta thắp cho đời, cho bạn, cho ta
Xin gởi Trường Sơn đâu đó hình hài
Người chiến sĩ chết bên ngoài cuộc chiến

nguyễn thanh-khiết
tháng 5/2009
(để nhớ TQLC trung uý Nguyễn Ngọc Bửu
đã nằm lại nơi nầy sau cuộc chiến)


8.6.10

Bài thơ viết muộn



Chia tay một buổi, không chào, không vẫy
nhìn một giây cúi mặt quay đi
ta bỏ lại A 20 bóng núi xanh rì
có đôi mắt nhìn theo trên sân nắng


hơn hai mươi năm nhục nhằn đời cơm áo
chưa một lần quay lại gặp nhau
đời phũ phàng, trôi dạt chẳng bình yên
sống thoi thóp chờ mong ngày lên ngựa
sống như chết dù lòng ta vẫn hứa
sẽ có ngày cùng uống chén rượu vui
hơn hai mươi năm vùi dập, ngược xuôi
nợ chiến chinh trả hoài không hết
nợ đời nhau những ngày tù còn y hệt
nhốt trong lòng từ một buổi xa nhau


Rồi hôm nay trời đất ngậm ngùi
đôi mắt đó bây giờ thôi đã khép

 
Ta bỏ sáu năm
tìm trong nhức nhối
trong lo âu và nỗi nhớ thuở cùm, gông
Khổng Hữu Diệu ơi! những mùa đông
cái lạnh buốt xương trời Phú Khánh
trên môi khô, vẫn cười khinh bạc
sá chi ngày tù ngục tuổi ba mươi
những cơn đau xé ruột dưới mưa rơi
trong trại giặc và thân tù xanh màu lá
đêm nghe chăng tiếng rên siết của rừng già
thung lũng chết mùa xuân không trở lại
sống như anh, sống tròn như viên đạn
lăn trên đường nát bấy dấu thù xưa
nhớ làm sao những trăn trở ngày mưa
dặn dò nhau vươn cờ lần quay lại


Anh không chết lúc quân tan hàng rã
anh ngày ngày sừng sửng với nhục vinh
mửa máu tươi từ căn bệnh nguyên sinh
cái đói cồn cào làm đau rang chút nữa
cắn răng nuốt sâu, máu tươi còn ứa
hai cuộc chiến âm thầm chưa làm nản cuộc chơi
đất nước không cho dù một chỗ ngồi
anh sốt đau cắn răng nhìn lần cuối
con ngựa bất kham lại một lần dong ruỗi
để anh đi, và đi mãi - thật xa
bệnh tật đuổi theo tuổi đời nghiệt ngã
dù con chim lìa đàn qua hướng lạ
kiếp phù du nên đời chẳng hương hoa
để bây giờ thân xác quạnh phương xa
trên đất khách một ngày bay chưa mỏi


Ta bỏ A 20 những ngày, trong cơn hấp hối
đi một lần, là vĩnh biệt nhau
đôi mắt xưa chưa kịp gởi tiếng chào
giờ đã khép thiên thu tìm đâu nữa
thôi thì bỏ trần gian anh từng hứa
giữ cho đời xanh một màu tươi
tiễn chi nhau, lòng buồn lắm - trời ơi
gặp một đỗi, xót một đời ly biệt


nguyễn thanh-khiết
 TG. 07-06-2010
(khi hay tin Diệu không còn nữa)


5.6.10

“Vài mẩu chuyện” và Cao Xuân Huy


Vũ Ánh/Việt Herald
(06/02/2010)

Chiều ngày Lễ Tưởng Niệm, con cái và lũ bạn chúng đi chơi xa, còn lại hai vợ chồng già, không muốn nấu nướng nên rủ nhau đến cháo cá Chợ Cũ. Tình cờ gặp lại “Tháng ba gãy súng” Cao Xuân Huy và vợ. Chúng tôi là đồng nghiệp báo bổ kiếm sống qua ngày không thân, nhưng quí mến nhau. Dĩ nhiên là có màn hỏi thăm sức khỏe, về bệnh tình của ông. Tôi thấy Huy không có gì thay đổi, vẫn sừng sững, vẫn còn cứng cỏi tinh thần, coi bệnh hoạn chẳng là cái gì cả. Huy nói: “Ðể tặng anh cuốn sách.” Huy ra xe và lấy sách. Cuốn sách là một tác phẩm mới của ông nhan đề “Vài mẩu chuyện” với bìa do Doãn Quốc Vinh trình bày.



Tại đất Little Saigon người ta không đủ thời giờ để đọc hết những tác phẩm viết về thảm kịch 30 tháng 4, nhưng thật ra vẫn thiếu những tác phẩm như “Tháng ba gãy súng.”
Cao Xuân Huy không bao giờ nhận mình là nhà văn, tác phẩm ông cho in cũng ít và không dày, nhưng để lại nhiều ấn tượng mạnh. Sách ông phổ biến đến nỗi cứ nói đến “Tháng ba gãy súng,” người ta biết ngay tác giả là Cao Xuân Huy, một cựu sĩ quan của một đơn vị nổi tiếng đánh đấm ra trò, Thủy Quân Lục Chiến. Ðộc giả yêu những bài viết và tác phẩm của Cao Xuân Huy chỉ vì ông viết thành thật, không mài giũa những từ ngữ để nó trở thành một tác phẩm văn chương, cao siêu chữ nghĩa. Người ta đọc ông bởi chuyện riêng của ông đã trở thành chuyện chung của mọi người, đã trở thành cuộc sống, thành hơi thở, hoàn cảnh khó khăn, khốn đốn của ông đã trở thành hoàn cảnh khó khăn, khốn đốn của cả một dân tộc trên một khúc quanh khá dài của lịch sử Việt Nam.


“Vài mẩu chuyện” dày đúng 125 trang, nhưng những mẩu chuyện của ông–như Trần Như Hùng viết trong Tựa–là chuyện về kiếp nhân sinh, của riêng một người mà cũng là chuyện chung của nhiều người, rất phổ quát và cũng rất riêng tư. Chuyện lính, chuyện tù không phải chỉ là câu chuyện và những trải nghiệm của Cao Xuân Huy mà là chuyện của cả thế hệ chúng tôi trong cơn bão của những đổi thay.


Những mẩu chuyện của Cao Xuân Huy không phải là chuyện cầu kỳ, gồm những chuyện đội đá vá trời hay những chuyện lý tưởng cao siêu. Không, hoàn toàn không. Chúng chỉ là những chuyện tầm thường, thậm chí có khi chúng chỉ là chuyện của những thất bại sau những ước mơ. Chuyện tù đầy là chuyện mà hầu như người nào thuộc thế hệ chúng tôi trong cộng đồng này cũng từng trải qua. Nhưng Cao Xuân Huy kể thì lại khác. 

Chẳng hạn như trong “Quyền tối thiểu” từ trang 29 đến trang 33, Huy kể chuyện tù cải tạo được “cho phép” gặp gia đình và “được phép ngủ lại với vợ” ở nhà thăm nuôi. Câu chuyện này nếu không phải Cao Xuân Huy kể mà do chúng tôi kể với nhau trong chốn trà dư tửu hậu những lần gặp nhau cà phê cà pháo chắc chắn sẽ bị những “tên” khác trong đám bạn tù kê tủ đứng ngay: “Thôi biết rồi, khổ 'nắm', 'lói' mãi, đổi tần số đi!”
Nói đến chuyện nhà thăm nuôi trong một trại tù Cộng Sản là nói đến vui, buồn, đến những bi kịch và trong nhiều trường hợp, cả nỗi nhục. Nào là chỉ được gặp 15 phút, có khi nửa tiếng, có khi vài giờ, nào là gặp 36 tiếng, 48 tiếng, 72 tiếng. Giờ giấc được gặp mặt gia đình ngoài nhà thăm nuôi mau hay lâu là tùy thuộc vào “công cán” hay “phản động, không an tâm cải tạo” của tù nhân. Nhưng cũng có trại thì việc thăm gặp gia đình và ở lại với gia đình ngoài nhà thăm nuôi được ban phát đồng đều, trừ những người tù bị kỷ luật, nhất là trong thời kỳ trại tù do bộ đội Cộng Sản quản lý.


Các nhân vật trong “Quyền tối thiểu” là Toàn và Thành, các nhân vật có vẻ hư cấu nhưng là thật vì đó là mẫu những cựu sĩ quan quân đội VNCH bị lưu đầy trong các trại tù ở ngoài Bắc cũng như trong Nam sau 30 tháng 4, 1975. Ở trang 31, Cao Xuân Huy mô tả Toàn là mẫu người hiền lành, không muốn phiền hà vi phạm nội qui của trại giam. Anh lao động như mọi người khác trong trại và được người vợ xa cách đã lâu lần mò ra Bắc thăm gặp. Trên nguyên tắc, Toàn được ngủ đêm với vợ ở nhà thăm nuôi. Thành, bạn tù thân của Toàn thấy bạn mình từ chối “ân huệ” của trại thì ngạc nhiên lắm. Hãy đọc Cao Xuân Huy với những đoạn đối thoại sau đây giữa hai người bạn tù ở trang 32 và 33, xin trích:


“Bao nhiêu thằng bon chen, nịnh hót, kiếm điểm, làm ăng ten, bôi mặt hại anh em đồng đội, chỉ để mơ ước được một ân huệ là được ngủ đêm với vợ ngày thăm nuôi. Mày 'bất chiến tự nhiên thành.' Vậy mà mày lại bỏ con vợ trẻ ngon lành nằm trơ ra với muỗi mà mày chịu được à?”
“Mày tưởng tao không đau khi quyết định bỏ vào trại à?”
Thành dịu giọng:
“Mày nói thật đi, có gì trục trặc giữa vợ chồng mày không?”
“Không trục trặc mẹ gì cả. Tao không thích, thế thôi. Và dĩ nhiên là vợ tạo không biết là tao được ngủ lại nhà khách (nhà thăm nuôi hay có khi bọn cai tù còn gọi đó là nhà hạnh phúc-VA).
“Gàn, ngày trước mày đi lính chứ có phải là thày giáo chó đâu mà giở thói đồ gàn ra đây. Mẹ kiếp... con không ăn muối con ươn, con không ngủ với vợ trăm đường... con hư, nghe không con.”
“Nếu chỉ vì không ngủ với chồng một đêm mà vợ tao hư thì tao cũng đành chịu thôi.”
“Tiên sư cha nhà anh, vậy thì anh là thằng ngu nhất rồi, chứ không còn được hưởng ân huệ hạng nhì nữa. Không phải đêm nay chỉ có nghĩa đơn thuần là một đêm, hiểu không con trai. Bao nhiêu năm chờ đợi trước đây, và sau hôm nay, bao nhiêu năm sau này nữa, vợ anh không biết còn được gặp cái mặt mẹt của anh hay không...”
“Thì tao cũng đành chịu thôi, Thành ạ!”
“Chịu thôi?” Thành ngạc nhiên. “Như vậy là nghĩa làm sao?”
Toàn gằn giọng:
“Nghĩa là làm sao? Nghĩa là làm sao hả? Các anh được hưởng chính sách khoan hồng nhân đạo của cách mạng. Cách mạng đã tha tội chết cho các anh, giáo dục các anh trở thành người tốt cho xã hội, lại còn gia đình đến thăm, lại còn được hưởng đặc ân ngủ với vợ nữa...”
Thành cười:
“Chứ còn gì nữa, mẹ kiếp, mày đừng lập lại như một con vẹt những câu thằng nào cũng thuộc chứ.”
“Tao tưởng mày khá hơn một chút. Ừ hãy động não thử xem. Vợ chồng ngủ với nhau là một đặc ân à? Ngủ với vợ cũng phải có thằng cho phép à? Thú vật ngủ với nhau cũng không phải là đặc ân của ai hết mà. Hừ, thái độ ngạo nghễ thi ân. Tao hèn, tao không dám chống đối, nhưng ít nhất tao cũng còn có cái quyền tối thiểu là không thèm nhận sự ban phát ấy chứ.”


Ðấy là lối kể chuyện của Cao Xuân Huy, khinh bạc nhưng trái tim ông vẫn còn đầy những rung động. Trong biết bao nhiêu tác phẩm viết về tù đầy ở đây, người đọc có lẽ mới chỉ thấy được mặt ngoài của sự tàn bạo và những cuộc tranh đấu để chống lại sự tàn bạo ấy, mới chỉ thấy được mặt ngoài của những tấm gương bất khuất. Còn những người như Toàn? Có cần phải xếp Toàn vào hàng ngũ những người bất khuất không?
Trong môi trường tù đầy trong các nhà tù Cộng Sản, tôi đã từng thấy có những người nhịn ăn đến chết trong các căn biệt giam nhỏ nơi rừng thiêng nước độc chỉ vì không chịu khai gian cho một người bạn tù. Tôi cũng đã từng nhìn thấy một bạn tù vạch áo chỉ vào ngực và thách một vệ binh súng dài bắn. Anh la lớn: “Tao thách thằng nào ngon bắn tao coi. Chúng mày nên nhớ, bắn chết tao ngay lúc này là chúng mày khoan hồng đấy. Chứ sống kiếp của một con vật như thế này thì sống làm đ... gì.”


Nhưng tôi cho rằng cả hai hành động này còn dễ làm hơn là quyết định của Toàn. Từ chối một ân huệ trong cảnh tù đầy như Toàn, như Thành là một hành động âm thầm, nhưng dũng cảm. Chỉ có những người vượt lên trên cái bản ngã của mình mới có thể làm được. Một đàn anh tôi trong nhà tù trừng giới với một kỷ luật vượt xa kỷ luật của kiểu trại Ðầm Ðùn hay Lý Bá Sơ là trại A-20 ở tiền sơn quận Ðồng Xuân đã nói với tôi như thế này: “Tao không cần những ông bò lục, bò ngũ đứng ra tranh đấu chống lại bọn cán bộ trại giam, tao chỉ cần các ông ấy là người hiền lành và biết âm thầm từ chối những ân huệ mà bọn khốn ấy muốn dùng để hạ nhục các ông ấy và hạ nhục chúng mình.”


“Vài mẩu chuyện” của Cao Xuân Huy là những mẩu chuyện nho nhỏ, nhưng hào sảng trong đời lính và đời tù, từ “Miếng ăn,” “Người muôn năm cũ,” “Cái lưỡi câu,” “Ngu như lợn,” “Vải bao cát” cho tới “Hành phương Nam,” “Chờ tôi với,” “Mai Thảo” và “Trả lại tiền...” câu chuyện nào cũng thấm đậm một niềm xót xa cho những cảnh ngộ của một dân tộc.


Sự chân thật, những tình cảm giản dị, cách nhìn tinh tế của Cao Xuân Huy đã biến những sự việc đã cũ, đã xa, thành những sự việc vẫn còn mới và rất gần như hơi thở, cơm ăn và nước uống hàng ngày của chúng ta.


Bởi thế, khi đọc “Vài mẩu chuyện” của Cao Xuân Huy, những người đọc gốc lính, gốc tù cải tạo sẽ thấy mình trong đó. Có thể chúng ta sẽ chỉ thấy một hình ảnh bàng bạc về niềm đau khổ của một khúc quanh lịch sử, nhưng chắc chắn sẽ nhìn thấy thật rõ ràng một niềm tin về con người. (V.A.)



(Nguồn: http://www.vietherald.com)


2.6.10

Nhà văn Duy Lam: “Thân hình khoả nữ với tôi đẹp như một bông hoa!”




LÊ LA


LTS: Nhà văn Duy Lam, 73 tuổi, là một trong những nhà văn có liên hệ tới nhóm Tự Lực Văn Đoàn, với nhiều tác phẩm nổi tiếng như Nhà Tôi, Chồng Con Tôi v.v., được nhà văn Trần Hồng Châu-Nguyễn Khắc Hoạch đánh giá là nhà văn viết về tính dục bạo nhất (cùng với người em trai là nhà văn Thế Uyên). Cuộc thảo luận nghệ thuật về “Người nổi tiếng vẽ người nổi tiếng” đã mang đến cho ông một số cảm hứng muốn trao đổi. Và, bản thân Duy Lam, bên cạnh việc viết, ông cũng là một họa sĩ nghiệp dư, ưa thích vẽ tranh khỏa thân. Dưới đây là cuộc trao đổi giữa chúng tôi.


LL: Thưa nhà văn Duy Lam, mặc dù ông một người cầm bút, nhưng theo giới thưởng ngoạn, vẫn biết ông là một họa sĩ, mà vẽ tranh khoả thân cũng “tới” lắm. Xin ông cho biết khỏa thân… là thế nào?
DL: Cũng không khác gì các nghệ sĩ, như Picasso trước kia, tôi rất mê vẻ đẹp hình thể của phụ nữ. Cái đó cũng tự nhiên thôi. Đối với nghệ thuật của thế kỷ 15, sau khi thoát khỏi thời kỳ tăm tối. Các nhà danh họa như Leonard De Vinci, Raphael vẽ khỏa thân rất nhiều, tuy nhiên tôi thích tranh khỏa thân của Matisse và Cezanne, vì những vị này đã làm mới khỏa thân rất nhiều, so với sự cổ điển của các nhà họa sĩ thời Phục Hưng. Những bức tranh trong trường phái Biểu Hiện của Renoire cũng làm tôi yêu thích hội họa khỏa thân bậc thầy. Nói tóm lại, khỏa thân là truyền thống lâu đời của hội họa. Khi hội họaTây phương du nhập vào Việt Nam qua trường hội họa Đông Dương, các họa sĩ Việt Nam đã lãnh hội ngay làn gió mới này, phải kể đến Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái, Lê Phổ v.v. Những bài học khỏa thân có người mẫu thật để các họa viên tập hình họa trên căn bản của cơ thể người mẫu. Khỏa thân vào qua ngả trường ốc. Sau đó họ có triển lãm, tuy dè dặt. Ngày nay, chúng ta đang ở trung tâm văn hóa thế giới, là Mỹ, dĩ nhiên, tranh khỏa thân đã bình thường. Mặc dù vậy, đối với giới thủ cựu, tranh khỏa thân muôn đời bị giam hãm trong những định kiến. Hình thể đẹp đẽ của người phụ nữ vẫn muôn đời bị đóng khung trong áo quần và những phép tắc luân lý xã hội. Hai khuynh hướng cởi mở và thủ cựu vẫn song hành với nhau qua nhiều, nhiều thế kỷ. Đối với giới nghệ sĩ, nhất là họa sĩ, vẽ khỏa thân và triển lãm cũng không phải là chuyện mới mẻ nữa. Vấn đề là phải vẽ như thế nào thôi.

NV: Ông có vẽ tranh khoả thân không?
DL: Nguồn gốc tranh khỏa thân bắt đầu từ Hy-La (Hy Lạp, La Mã), kể cả những bức tượng khỏa thân cũng từ văn hóa này mà ra. Có thể nói những kiệt tác nghệ thuật của nhân loại cũng không ngoài những bức tranh, tượng khỏa thân. Cá nhân tôi, có vẽ tranh khỏa thân chứ. Thỉnh thoảng tôi vẫn thường mang tập bút họa, ký họa khỏa thân ra cho bạn bè xem tại quán Coffee Factory. Trong tranh khỏa thân của tôi, có sự cách điệu hóa đi rất nhiều. Tuy nhiên, vẫn là tranh khỏa thân. Tôi rất khuyến khích những họa sĩ, các phòng tranh trưng bày tranh khỏa thân. Vợ tôi còn khuyến khích tôi triển lãm một phòng tranh riêng về khỏa thân do tôi vẽ.

NV: Trong văn chương, dường như ông cũng là một “kiện tướng” về tính dục?
DL: Nhà thơ Trần Hồng Châu, khi còn sống, cho rằng trong văn chương Việt Nam, có hai nhà văn “xù xì” là Duy Lam và Thế Uyên, em ruột tôi… viết về tính dục bạo nhất. Chúng tôi bị nổi tiếng và mang tiếng vì độc giả cho rằng chúng tôi đã “kích dâm” qua những truyện ngắn, truyện dài. Thật ra, tính dục trong văn chương đã được đề cập tới từ những năm 50, trong Tự Lực Văn Đoàn, ngoài Vũ Trọng Phụng ra, người ta có thể yêu nhau, tình tứ hoài mà chẳng có sơ múi gì. Vấn đề mô tả làm tình thì còn quá mới. Nhưng đối với tôi thì khác, tôi nghĩ rằng cần phải cởi bỏ bớt những sự ràng buộc bởi luân lý Khổng Mạnh về tính dục. Vì chỉ có những người có tư chất mạnh khỏe, bình thường trong tâm sinh lý mới nói chuyện thẳng thắn về tính dục.

LL: Viết hay vẽ về tính dục, xin ông đưa ra một nhận định về vấn đề này, qua thế hệ trước và sau ông?
DL: Năm nay là 2005. Ở một xứ sở văn minh như Mỹ, tôi thấy tranh, tượng khỏa thân đã là bình thường lắm rồi. Gần đây, một nhà họa sĩ vẽ những dương vật đàn ông, và muốn triển lãm ngay tại phi trường LAX, nhưng bị phản đối nên chưa thực hiện được. Tuy nhiên, cũng đã nổ ra những cuộc tranh cãi sôi nổi. Giới trẻ lớn lên ở Mỹ, được hấp thụ và đào tạo nghệ thuật chính qui, chắc chắn không xem vấn đề tính dục, khỏa thân là một điều gì lạ lẫm. Giới trẻ đã qua thời kỳ cách mạng tính dục từ lâu rồi. Yêu đương của sinh viên thời đang đi học, hoặc học đại học ra khác rất nhiều, so với thời của chúng tôi hay thời kỳ ở Sài Gòn trước đây.

LL: Thời kỳ tin học, các thông tin tràn ngập các phương tiện truyền thông đã khiến cho giới trẻ từ 11, 12 tuổi đã sớm biết đến vấn đề tính dục, yêu đương… Ở góc độ một nhà văn, ông nghĩ sao sự khác biệt về hiểu biết, so với thời của ông?
DL: Dĩ nhiên kiến thức của giới trẻ bây giờ so với thời chúng tôi, các bạn đã bỏ xa chúng tôi rồi. Tôi nhớ trong cuộc triển lãm FOB của giới trẻ tại Cali hồi năm 2002. Tôi nhớ bức tượng “Dick Head” của điêu khắc gia Ưu Đàm đã gây sự chú ý của tôi rất nhiều. Đó là một điểm son, là một hình thức du nhập được nét mới, phóng khoáng của nghệ thuật phương Tây một cách có ý thức và bản sắc riêng Á đông. Tôi nhớ hồi xưa, ông họa sĩ Nguyễn Gia Trí khi muốn vẽ tranh phụ nữ khỏa thân, đã không ngại thuê ngay mấy cô ca-ve có thân hình đẹp làm mẫu. Và sau này, khi ông Nguyễn bị lưu vong qua Trung Quốc với Nhất Linh những năm 30, 40, tại đây, đã gây ra một dư luận xôn xao, vì đã nhờ nhà văn Nguyễn Thị Vinh ngồi làm mẫu khỏa thân nửa người. Đây chẳng qua là một lần vẽ thương mại, bán cho một người ngoại quốc muốn mua tranh phụ nữ khỏa thân, để kiếm tiền nuôi mọi người thôi. Trong gia đình tôi (anh em trong Tự Lực Văn Đoàn) có chuyện bực bội của ông Trương Bảo Sơn, chồng nhà văn Nguyễn Thị Vinh không đồng ý cho vợ ngồi làm mẫu. Đối với họa sĩ Nguyễn Gia Trí, người đẹp là người đẹp, ông chỉ biết vẽ thôi. Ngày nay, người họa sĩ Việt Nam vẽ tranh khỏa thân, đã hấp thụ được nghệ thuật mới, đồng thời vẫn dung hòa được nền luân lý Á đông là chuyện không còn khó, hay khắt khe nữa.

LL: Như vậy, thập niên 30, 40, đã có việc “Người nổi tiếng vẽ người nổi tiếng” rồi sao? Qua câu chuyện Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Thị Vinh… Còn bây giờ, ông nghĩ sao nếu có một họa sĩ nổi tiếng, muốn được vẽ một cô ca sĩ cũng nổi tiếng, ngay tại Little Saigon?
DL: Họa sĩ có toàn quyền trong lãnh vực hội họa. Họ là vua trong sáng tác của mình. Họ muốn làm gì thì làm, nhất là ở xứ tự do như nước Mỹ. Nhưng khi mang tranh ra triển lãm, tức là ra quần chúng, dĩ nhiên họa sĩ có thể triển lãm hay không cũng được, hoặc triển lãm để thăm dò cho một số ít các nhà sưu tập tranh xem… Nhưng theo tôi, để có được một họa sĩ nổi tiếng, vẽ một ca sĩ trẻ, đẹp, nổi tiếng, phải kiếm mới được. Các yếu tố này rất hay, nhưng phải được giới thưởng ngoạn háo hức xem, mới thành công. Giá trị nghệ thuật của loạt tranh này là yếu tố quan trọng, đằng sau tính chất gây hiếu kỳ vì sự nổi tiếng. Tôi nghĩ chuyện triển lãm hay không cũng bình thường. Với tôi, thân hình phụ nữ khỏa thân cũng đẹp như bông hoa. Họa sĩ Cao Bá Minh đã vẽ bộ phận sinh dục phụ nữ như một bông hoa rồi mà. Miễn là đẹp.

LL: Trong văn chương hay hội họa, tính ghi chép và mô tả… làm sao để người xem và người đọc không bị sự “thô tục” lôi cuốn, làm mất đi vẻ đẹp nghệ thuật?
DL: Người ta vẫn quan niệm về đời thường. Ngày xưa người ta vẫn cho rằng là cái gì mình nhìn thấy, trong đó có con người. Con người trong hoàn cảnh tự nhiên, thiên nhiên để khỏa thân. Trong thời cổ điển có mô tả hình tượng khỏa thân với hai mục đích: một là về thần thoại, và hai là về tôn giáo… Và họ đã làm thăng hoa hình tượng khỏa thân của con người. Ngày nay, đời thường có con người đó, ranh giới nghệ thuật và dung tục đã bị xóa nhòa. Vấn đề là do các nhà phê bình những bức tranh vẽ người đàn bà cung phi nằm dài… xem thì rất khêu gợi. Nhưng đối với giới mỹ thuật thì ok. Nói cách khác, trình độ thưởng ngoạn của người xem cũng quan trọng và quyết định giá trị của một tác phẩm nghệ thuật, xem nó có tục hay nghệ thuật. Hoàng gia Ăng Lê có một câu: “Xấu hổ thay cái gì mình nghĩ trong đầu”, tức là do mình. Cái gì xấu cũng do mình mà ra thôi.

LL: Nói chung, khuynh hướng tục và đẹp vẫn là một cuộc tranh cãi muôn đời. Ở tuổi 73, nhà văn Duy Lam có nhận xét gì về việc tiêu thụ tranh khỏa thân trong cộng đồng Việt Nam chúng ta?
DL: Tôi nhớ rằng khi đem cho giới trẻ và già xem tranh khỏa thân của tôi, một điểm ngạc nhiên là cả hai giới đều chỉ chọn xem những bức tranh khỏa thân không có bố cục, vẽ tiền diện. Họ cho rằng vì về nhà treo không được, có trẻ con. Chỉ xem thôi, hoặc treo trong phòng ngủ. Mua một bức tranh khỏa thân là một chuyện, còn treo ở đâu cũng còn là một vấn đề nữa đấy. Gặp một bà vợ khó tính một chút, đâu phải muốn mua, muốn treo cái gì cũng được đâu. Cái đó còn tùy mỗi hoàn cảnh, không bàn được.

LL: Được biết vợ ông cũng cao tuổi, lại khuyến khích ông triển lãm tranh khỏa thân, treo tranh khỏa thân (do ông vẽ) trong nhà, sao bà “cấp tiến” thế, nhờ đâu có sự văn minh như vậy?
DL: Bà xã tôi thật ra là người rất cổ xưa. Sau khi lấy tôi, đi xem tranh cũng nhiều, từ hồi xưa, ở Đà Nẵng cho tới bây giờ, lại xem tôi vẽ nữa, nên quen dần đi. Bà ấy cũng tìm ra một cách thưởng thức một cách tự nhiên. Theo tôi, trong một gia đình nghệ sĩ, hay có bạn vẽ tranh khỏa thân, người phụ nữ cũng quen đi, rồi thích lúc nào không hay. Bà ấy khuyến khích tôi vẽ và triển lãm tranh đấy chứ.





30.5.10

Về cuốn “Tâm tư Tổng Thống Thiệu”



Vũ Ánh/Việt Herald

(05/07/2010)

Kỳ 1

Ðây là một cuốn sách thứ ba của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, cuốn “Tâm tư Tổng Thống Thiệu.” Hai cuốn trước đó là “Hồ sơ mật Dinh Ðộc Lập” và “Khi đồng minh tháo chạy.” Tất cả những tác phẩm của ông đều rất đồ sộ với phần tổng hợp những chứng liệu đã được giải mật của Hoa Kỳ và bộ sưu tập của riêng ông.


Từng là Tổng Trưởng Kế Hoạch và Cố Vấn của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, cho nên những điều mà tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng viết ra trong tác phẩm của ông phải là những điều cần đọc và nên đọc. Ðiểm cần nhấn mạnh ở đây rằng lần này, có phần tâm tư của Tổng Thống Thiệu, một cựu lãnh đạo VNCH mà cho đến lúc qua đời, không có cuốn hồi ký nào hay để lại những bút tích về một giai đoạn chiến tranh nghiêm trọng liên hệ đến sự mất còn của miền Nam Việt Nam.


Tất cả sự nghiệp của ông đều trông chờ vào kho dữ kiện bí mật trong chiến tranh Việt Nam của văn khố quốc gia Hoa Kỳ được giải mật nhiều năm trước đây và công trình đọc, chọn lựa, sưu tầm, phân tích và tổng hợp của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng. Vì thế ít nhiều cũng không thể tránh được cách nhìn chủ quan. Ông đã từng nhấn mạnh đến khía cạnh đặc biệt về con người ông Thiệu mà trong tác phẩm tác giả mô tả là một người rất khép kín và tác giả đã cho rằng vì tình cờ của lịch sử, có may mắn làm việc gần Tổng Thống Thiệu trong gần 3 năm và sau này còn gặp ông rất nhiều lần tại London và Boston nên được biết một phần nào con người ông.



27.5.10

Đưa em về thăm A 20







Em đừng hỏi nơi nầy xưa rất vắng
Chỉ là rừng theo núi tuốt ngoài xa
Trường Sơn chia đôi ở giữa giang hà
Về trại cũ phải lần theo vách đá

Anh không kể những ngày quân tan rã
Làm anh đau phải bẻ nạng chống trời
Mấy năm dư mỏi mòn trên biên giới
Một lần về anh lỡ bỏ cuộc chơi

Chỗ nầy La-Hai khô cằn oan nghiệt
Kia, đường về Xuân Phước chỗ không vui
Bạn bè anh bao xác đã dập vùi
Nơi chí cả không tính vào may rủi

Mưa miền Trung rét căm căm gió núi
Trên tay tù ba bữa chỉ là khoai
Nước muối chan cơm đâu có tính ngày
Năm nầy, năm khác tuổi tù lớn mãi

Có những khi nắng Lào như nung cháy
Vạn thân tù còm cõi vác oằn vai
Gánh sơn hà mới đó chẳng nghỉ tay
Giờ thêm nặng một đời tù oan trái

Em đừng hỏi nơi nầy là quán tạm
Chỉ là nơi người sống ghé nghỉ chân
Dãy đồi xa xa ở dọc ven rừng
Đứng như thể bạn bè anh chôn đứng

Người chết đứng nhìn núi sông buồn thảm
Người sống còn chui xuống tận hang sâu
Đời lất lây như nước chảy qua cầu
Cánh chim mỏi tìm không ra cành đậu

Anh đưa em tới nơi cùng của đất
Như một lần sờ vết cắt trên da
Anh yêu em như giọt máu sơn hà
Mà chưa chắc cuối đời anh rửa được.

nguyễn thanh-khiết
11/09








Kỹ thuật “nhuộm đen” của Cộng Sản



Vũ Ánh/Việt Herald

Mới đây, tin tức từ Việt Nam cho thấy nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, tác giả cuốn “Viết từ hang đá, nhỏ lệ cùng dân” và người chồng bị đưa ra xử trước tòa án không phải vì cái tội “chống đảng” mà là do một tội hình sự, kết quả của một phản ứng mạnh tay đối với đám côn đồ do công an Hà Nội gài trước nhà riêng của hai vợ chồng nhà văn này. Nhưng mưu mô  được xếp đặt rất lộ liễu và theo luật pháp của chính quyền Cộng Sản, với một tội “đả thương” như thế không thể nhốt hai vợ chồng nhà văn này lâu như vậy được. Do vậy, dư luận dân chúng cho rằng đây là trò “nhuộm đen” thường được sử dụng tại những quốc gia độc tài, những chế độ “mafia” và đặc biệt là trong chế độ Cộng Sản nhằm hủy diệt uy tín của những nhà đối lập, bất đồng chính kiến.
Bị kết án hình sự thì sẽ bị nhốt chung với các thường phạm từ tội trộm cắp, xì ke, ma túy đến cướp của giết người. Sau 30 tháng 4, 1975, những tù cải tạo nào đã từng bị nhốt chung trại với những tù thường phạm hẳn đã thấy mình bị quấy nhiễu và bị phiền hà như thế nào. Bị nhốt chung với tù hình sự, tính mạng thường không có gì bảo đảm với những “đại ca,” một loại “trời con” được bọn cai tù che chở để thủ lợi. Đó là chưa kể đến mưu toan do công an tổ chức từ bên ngoài để bọn “đại ca” gây sự đánh chết người là mục tiêu diệt trừ của chúng.
Nhưng ai cũng hiểu, những người như Trần Khải Thanh Thủy, Lê Thị Công Nhân là những đối tượng can thiệp của những tổ chức nhân quyền và báo chí quốc tế. Bây giờ nếu nhà văn Trần Khải Thanh Thủy ra tòa mà bị kết án hình sự, dù nhẹ, cũng khó ăn khó nói cho những tổ chức nhân quyền hay báo giới quốc tế vì những người Cộng Sản sẽ viện dẫn: “Chúng tôi bắt bà Trần Khải Thanh Thủy vì tội ẩu đả.”
Ngoài trò bẩn thỉu nói trên, một ngón đòn thứ hai cũng thường được đám cầm quyền Cộng Sản áp dụng: Vu oan giá họa với những bằng chứng ngụy tạo. Khoảng thập niên 1980, 1990, trại Xuân Phước A-20 có khoảng trên 100 nhà lãnh đạo tinh thần gồm Công Giáo, Phật Giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Hồi Giáo Ninh Thuận và Châu Đốc bị bắt giữ. Những vị tuyên úy trong quân đội hay những vị tham gia vụ Vinh Sơn thì còn có lý do (“lý” của Cộng Sản) để bị bắt giữ và đẩy vào trại cải tạo, nhưng các nhà lãnh đạo tinh thần của chùa, nhà thờ hay thánh thất thì làm cách nào để bắt họ? Thông thường, bọn công an cài người vào trong số những người thân tín của các nhà lãnh đạo tinh thần để bỏ vũ khí hay truyền đơn “phản động” vào chùa, nhà thờ hay thánh thất để bắt giam các tu sĩ. Một trong những trường hợp điển hình nhất là trường hợp linh mục Phan Văn Trọng, nhà lãnh đạo rất gần gũi với Tổng Thống Ngô Đình Diệm thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Chỉ vài tháng sau khi miền Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản, ngài về ở ẩn trong một nhà thờ nhỏ ở Sa Đéc. Chính quyền Cộng Sản tại đây muốn bắt ngài mà không có lý do chính đáng nên cài người vào giữ vai trò nội dịch trong nhà thờ và theo lệnh ông ta đã lén bỏ một khẩu súng lục và truyền đơn vào rương đựng quần áo của ngài. Hòa Thượng Thích Huệ Đăng trụ trì một ngôi chùa nhỏ ở Nha Trang cũng bị bắt vì chúng bỏ một tài liệu ngụy tạo nói ngài liên lạc với CIA vào chùa để bắt và đẩy ngài vào trại cải tạo. Còn một số trường hợp các nhà lãnh đạo Phật Giáo bị công an dùng người giả Phật tử thực hiện âm mưu bỉ ổi hơn nữa là đứng ra tố cáo chùa tổ chức đồng bóng, mê tín dị đoan để lấy cớ bắt sư trụ trì và tịch thu chùa.
Những mưu toan vu oan giá họa của Cộng Sản trong những chiến dịch đàn áp tôn giáo sau ngày 30 tháng 4, 1975 thì muôn hình vạn trạng. Nhưng nếu ai hiểu chuyện, sẽ thắc mắc. Một chế độ độc tài như Cộng Sản thì cần gì phải nhiêu khê bày trò pháp lý như trên. Chúng cứ bắt bừa bãi thì đã sao đâu, việc gì phải “vòng vo tam quốc” như vậy? Tôi hoàn toàn đồng ý. Tuy nhiên, sở dĩ Cộng Sản phải bày trò như vậy là để tránh dư luận quốc tế và tránh các tổ chức nhân quyền có thể can thiệp vào, chứ đối với dân chúng trong nước vào giai đoạn ấy, chính quyền Cộng Sản đâu có coi ra gì. Chúng muốn bắt ai, muốn thả ai rất tùy tiện. Cứ gán cho tội “phản động,” “âm mưu lật đổ chính quyền” là xong, là tù mọt gông rồi.
Cho đến nay, khi nhà cầm quyền Cộng Sản muốn mở cửa ra thế giới bên ngoài để làm ăn kinh tế, Hà Nội cần phải thay đổi bộ mặt nên mới cần phải đặt ra luật này, luật kia để lòe thiên hạ. Chứ trên thực tế, khi cần bắt những người mà Hà Nội coi thực sự là nguy hiểm cho chế độ như Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, họ chỉ cần chụp cho cái mũ “vi phạm an ninh quốc gia qui định trong Điều 88 Bộ Luật Hình Sự” là những người này nằm tù ngay. Khi muốn cho nằm tù lâu hơn và khi cần cho án tử hình thì chuyển tội danh qui định trong Điều 88 sang Điều 79, có thể bị đến án tử hình, chẳng cần chứng cớ gì cả, ngoài những lời nói chỏi lại với đường lối của đảng và chính phủ Cộng Sản.
Kể từ khi Hà Nội mở chiến dịch bịt miệng những người bất đồng chính kiến, đã có bao nhiêu vụ bắt bớ diễn ra với những lý do rất ngớ ngẩn? Và dư luận thế giới từ những chính phủ, các tổ chức nhân quyền, thậm chí Liên Hiệp Quốc, đều lên tiếng phản đối nhiều khi rất gay gắt, nhưng chúng vẫn cứ nhắm mắt làm ngơ. Tại sao? Điều này dễ hiểu thôi. Hà Nội biết chắc rằng dư luận quốc tế, các tổ chức nhân quyền, và thậm chí các chính phủ Hoa Kỳ cũng như Liên Âu, chỉ ào ào phản đối cho có lệ thôi chứ họ vẫn tiếp tục buôn bán, ký hợp đồng làm ăn với Việt Nam rất vui vẻ chứ không thấy một nước nào chỉ tay vào mặt Hà Nội nói: “Nếu các ông còn tiếp tục bắt người trái phép và ngược ngạo như vậy, chúng tôi sẽ phải xét lại các hợp đồng…”
Không nhuộm đỏ được thì nhuộm đen các đối thủ. Bắt bớ với các lý do ngụy tạo, gài bẫy, dàn xếp mưu mô… cuối cùng chỉ là một trong những kỹ thuật “nhuộm đen” các đối thủ mà Hà Nội hiện nay đang chủ trương mà thôi. Cộng Sản áp dụng kỹ thuật ấy không những ở trong nước mà còn ở hải ngoại nữa. Chụp mũ, mặc áo, đội nón Cộng Sản cho bất cứ người nào chúng thấy cần loại trừ, thậm chí “hề hóa” một số tổ chức hay các nhân vật chống Cộng “dởm,” mượn danh chống Cộng để đánh bóng tên tuổi mình đều là kỹ thuật nhuộm đen của Cộng Sản để làm tan vỡ niềm tin của cộng đồng. Nhưng thực tế cho thấy, trò nhuộm đen hay “hề hóa” những người quốc gia của Cộng Sản chỉ có tác dụng tại cộng đồng Việt Nam nào còn nhiều người cả tin, hoài nghi vô căn cứ, giáo điều và không bao giờ đặt ra câu hỏi: “Ông hay bà tố cáo người ta Cộng Sản, làm ăn buôn bán với Việt Nam, nhưng liệu ông bà có bằng chứng cụ thể nào không.”
Cho nên, muốn chống Cộng, điều cần là tránh những việc làm giống Cộng Sản. Bởi vì những ai bắt chước những trò Cộng Sản làm đối với đồng hương của mình thì họ còn cần gì phải phân biệt quốc gia và Cộng Sản nữa. Tuy nhiên, tránh mình hành động giống Cộng Sản cũng khó lắm đấy! Phải đủ bản lãnh, tỉnh táo mới làm được. (V.A.)

(02/25/2010)

(Source: http://www.vietherald.com)

 

25.5.10

Tháng tư những ngày ta nhớ


Một
Tháng tư ta ngồi trong phòng vắng
nghe mưa đầu mùa rớt ngoài hiên
ba mươi lăm năm một trận địa im lìm
mà lắm máu xương và nước mắt
trong gió ta nghe có ai về gọi
tiếng bạn bè với tiếng cùm khua
nhớ A 20 gió Lào trở mùa
biết bao đứa xác còn ở đó


Hai
Mùa hạ như vầy chiều nào nóng đỏ
Phạm Đức Nhì vừa ra khỏi biệt giam
là sống sót sau trận chiến kinh hoàng
là đơn độc, kiên cường
là dằng dai, là bất tử
Mùa hạ đau Bùi Đạt Trung gần xỉu
mới tháo cùm còn lở loét ống chân
bao lần uống nước tiểu Nguyễn Tú Cường
để sống sót, ngẩng cao đầu bất khuất
những trận đánh không bao giờ có trong sách sử
không bài học nào từ cổ chí kim
oanh liệt hơn trước họng súng kẻ thù
cao cả hơn những anh hùng tự tử


Ba
A 20 , mùa đông nứt môi rét cóng
ngồi co ro chia nhau bi thuốc lào
ở tận cùng chẳng kể thấp cao
dựa lưng lặng lẽ dìu nhau qua địa ngục
A 20, Trường Sơn đông, tây trốn mất
dưới lũng nầy một mặt trận suốt nhiều năm
nước mắt khô chảy trong cổ âm thầm
dưới màu cờ và những hy sinh sau ngày tan trận
bạn bè ta, bao thằng nuốt hận
còn ngoi lên, dù không giành lại cơ đồ
mà nó là vinh dự của thằng cầm súng
trước kẻ thù, trước sông núi tan hoang


Bốn
Trời tháng tư ta già nua bất lực
nhớ một thời tù ngục, của ngày xưa
ôi ! Ánh, Khải, Mạnh Phan, Chí Thành
ôi ! Cương, Ngọc đen, Cường, Dũng
và còn biết bao chí cả
kẻ ở, người đi, đứa chết, đứa lạc loài
tháng tư ơi, giọt lệ còn lăn, còn nóng
ta nhớ, ta thương, trên chòm tóc bạc
còn biết đời này… có mấy buổi gặp nhau
tháng tư về với ta đen một màu
như vết máu đã khô trong lồng ngực


nguyễn thanh-khiết
tháng 04-2010
(viết cho bạn bè ở A20)



đêm trăng hoang dại



về sông mao
về chợ lầu phan rí
phòng tuyến dài từ dạo ấy sang xuân
sân ga vắng phố chàm trăng hoang dại
tháp hời khuya chìm vô vọng trăm năm
đồi sương đọng dấu giày mờ lau lách
trảng lưa thưa mưa xóa bãi mìn chông
mùi máu tươi oi nồng bên lộ vắng
tai kiếp rình mò
chẳng khước từ ai
đêm hôm ấy trăng khuya đồi bát ngát
tôi theo trăng về muộn trước sân ga
nghe xa vắng còi tàu qua phố chợ
thân thế bọt bèo sống chết theo mây
dòng sông tím nước trôi mù mịt sóng
cuồn cuộn tai ương


đời bạc đến vô cùng
tôi đứng trên đồi
lau sậy đôi bờ đêm trắng xóa
soi bóng mình chìm nổi lênh đênh
người ngợm dỡ hơi
một thời quá tải
tiếng ai hú rừng chồi
vọng về lớp lớp
sóng từ trường trời đất giao thoa
khoảnh khắc mong manh vỡ tràn huyết sử
cô em chăm mắt đẹp thiên thu
buồn não nuột
ngàn dặm sao hôm
đêm sông mao về trong cô quạnh
còn nghe điệu hát hồn câm
kinh thành đổ tượng chàm u tịch
phía biển trời phát tán
lửa ưu trầm trăm năm

cáitrọngty   09
 (trích từ Thư Quán Bản Thảo tập 40 tháng 12-2009)



24.5.10

Bà Mẹ Việt Nam Trên Chuyến Tàu Thống Nhất

Cố thi sĩ Phan Lạc Giang Đông 
-->
Cựu tù trại trừng giới A 20 (1980-1987)


-->




Bà Mẹ Việt Nam Trên Chuyến Tàu Thống Nhất



* Lời giới thiệu: Bà Mẹ Việt Nam Trên Chuyến Tàu Thống Nhất được Phan Lạc Giang Đông sáng tác ở Ga Đồng Hới, năm 1984, trong một chuyến đi buôn trên tuyến đường Nam Bắc . Tác giả đã chứng kiến cảnh công an lên tàu kiểm soát, nạt nộ, đuổi xuống tàu một bà lão ăn xin .. Tình cảnh của bà lão đã khiến tác giả thương cảm, liên tưởng tới cảnh đau thương của đất nướ , là hậu quả của một cuộc chiến tranh ý thức hệ tương tàn, khốc liệt, phi lý đã diễn ra trên mảnh đất quê hương Việt Nam, kéo dài mấy chục năm . Đây là một bài thơ, vừa có giá trị hiện thực vừa có giá trị tượng trưng, phản ảnh sâu sắc lịch sử và xã hội Việt nam đau thương hơn nửa thế kỷ qua (Hồ Công Tâm)


khúc tạ Tuy-Hòa



thuở gió lùa mây rừng tới biển
mắt Em nghiêng xuống đã trùng khơi
thuyền đi - con nước theo Em mãi
đôi mắt trời ơi - cháy một đời

tôi trót hôn mê màu mắt ấy
màu ve chai Em tàn nhẫn nhốt tôi
tôi đóng đồn xa nắng lạc lưng đồi
thời động loạn sá gì thân với thế

yêu Em giữa một Trời thất lạc
chiếc bóng buồn lê - sắc dị thường
chiều tàn theo bóng vàng lau dại
hạnh phúc gầy trên những nốt sai

đêm trắng đồi mây đùn lớp lớp
tôi giật mình trăng vỡ bên sông
trăng nhểu xuống vàng khuya lênh láng
đò theo trăng biền biệt biển đông

lòng bàn tay có một chỉ thừa
đường Em đi tôi về ảm đạm
Em đem rét mướt lên môi xám
mỗi bước Em xa một đoạn tình

một hôm tôi lạc đường đi mãi
Trời Tây phương tôi ngóng phương đoài
Liên xưa - Hoàng hạc - sông Đà trắng
ngắt vội bên bờ một đóa sen

theo Em đuổi bắt từng hơi thở
Liên đốt tình tôi lửa cháy thành tơ
tôi cấy đời thơ - luống đời em mọc
tình tôi đau - ngậm ngải sắc màu

Cái Trọng Ty
2010


23.5.10

Tôi Ở Lại Đây




Tôi ở lại đây
Trên đất nước Việt nam này
với triệu triệu đồng bào
Nối tiếp bốn ngàn năm lịch sử

Tôi ở lại đây
sống bên loài qủi dữ
Những ngày ấy sẽ vô cùng khốn đốn,

Tôi ở lại đây
Với vầng trăng khiêm tốn
Khi khuyết khi đầy
                           - tri kỷ lúc cô đơn …
Chuyện muôn ngươì như lửa đốt từng cơn
…sao lũ chúng chỉ cười trên dối gạt ;

Có lâu đâu
Mà vàng tan đá nát !
Có lâu đâu
Trời đất cũng sật sùi
Và bể khổ muôn người
Chảy thành những giòng sông nước mắt .

Tôi ở lại đây
Tháng năm dòng Xuân Thu ngây ngất
Dối gạt ! Hận thù ! Tình thương và những lòng chân thật
Vui những cái vẫn còn
Buốn những gì đã mất
Chia sớt cùng nhau câu cười tiếng khóc…

Tôi ở lại đây
Tháng năm dài trắng tóc
Đen sạm cuộc đời
Và mơ ước vẫn xanh tươi ;

Tôi ở lại đây
               và đã sống rất ngươì
Những tháng năm ấy tưởng không bao giờ trôi hết
Tủi nhục, tù đày
Xác thân mỏi mệt
Trong nỗi khốn cùng, tôi vẫn bước hiên ngang

Mẹ ơi ! đừng khóc nữa
Em ơi ! ngẩng mặt nhìn
Màu trời xanh rạng rỡ
Đời chưa hết niềm tin

Tôi ở lại đây
ngày tháng rong tìm
Những bạn đồng hành
Hẹn gởi đời mình vào sông xanh núi biếc.
Những người bạn vừa mới quen nhau
Đã vô cùng thân thiết
Vì có cùng một tổ quốc đau thương…

Tôi ở lại đây
Áo nhuộm bụi đường
Đôi dép nát còn vương mùi cỏ úa
Vẫn vững bước đi vào những lối chông gai
Khổ đau nào mà chẳng phải rất dài
Nên lòng cứ cười vui  cho ngày mai tới
Dồn hết hận thù đổi mùa xuân mới
Cho trời kia ấm lại những đường trăng ;

Tôi ở lại đây
Lòng rạng ngời như ngọn hải đăng
Được sáng lên bằng niềm tin tất thắng
Bằng ý chí quật cường
Và gian truân không hề lùi bước
Tôi ở lại đây
những nẻo đường xuôi ngược
Cơm áo cuộc đời nặng lắm đôi vai
Vì Tổ quốc – Tương lai
Lòng bỗng như trời xanh – mắt biếc.

Bé thơ ơi
Có cái gì tha thiết
Trên môi cười, trong ánh mắt long lanh
Rồi mai đây trên những nẻo đăng trình
Anh xin mượn làm hành trang bé nhé !

Tôi ở lại đây
Chiều tiễn đưa rớm lệ
những ngươì đi không biết đến phương nào
mối hận lòng ngùn ngụt với trăng sao
Chỉ có ra đi và cái chết

Tôi ở lại đây
Vì không thể nào đi hết !
Bao nhiêu triệu ngươì đang lết giữa trầm luân
Tìm tự do đâu phải chỉ riêng mình
Mà mong ngóng một con thuyền không bến đỗ…

Thân lữ thứ
Cuộc đời nhiều thua lỗ
Mà anh ơi – sông núi vẫn cần ngươì !
Ta ở lại đây !
Dù thân xác mấy dập vùi
Vẫn ấm trong ta niềm tin lịch sử ;

Lũ chúng nó điên cuồng như quỉ dữ
Thì bạo Tần kia; rồi thành quách cũng tan hoang !
Ngồi lại đây
nhịp khúc kết đoàn
Cho tiếng hát vang lừng bốn bể
Cờ tự do tung bay trời ngạo nghễ
Dục những cánh bằng nương gió vút bay cao

Ta ở lại đây
sống với đồng bào
chia nỗi xót đau; chung niềm xúc động
Trước Tổ quốc suy vong
Nhìn lịch sử đổi dòng
Ôi thương quá, Việt nam vô cùng thân thiết
Giữa khổ đau
bạo tàn
và oan nghiệt
Chỉ còn đây một đất nước tan hoang

Chỉ còn đây con tim đập rộn ràng
Và một quyết tâm
Dựng đời Nhân Bản .

Nguyễn sông Côn – Đào Đăng Nhẫn.
1995-1996
k3 –Z30A Xuân Lộc
(nguyên giáo sư Văn Sử Trung học Nha trang)

Còn đây chung rượu cặn


Ta ngồi xổm cởi trần bưng chén đế
Bạn ở xa về, kệ mẹ nói đi
Ba mươi lăm năm gặp không phải dễ
Ngó mặt nhau ừ lạ lẫm, đổi thay


Chiếu rượu ta chỉ sơ sài cóc, ổi
Ly, chén lâu ngày mẻ miệng không vui
Đũa so le, vá víu thiếu chỗ ngồi
Ta tiếp bạn, rót cho tròn một buổi


Ôi ! thương thay một đời ta cơm áo
Nhắc chút tình xưa, cái thuở đi tù
Chào mẹ gì, thứ ngôn ngữ thấp cao
Vung tay quá trán làm buồn chiếu rượu


Ôi! buồn, vui – vơi, đầy ta cứ cạn
Để ly chờ làm ta đắng trên môi
Ta ở xứ này, cái xứ lầm than
Nên bằng hữu về thăm có khi tủi


Ba mươi lăm năm, cái đời đen đủi
Phận trâu cày ngựa cưỡi ta đã quen
Ta cố sống, cho qua thời vận rủi
Ê uống đi, rượu của gã nghèo hèn


Nâng lỡ chén, thăm lom vài bạn hữu
Rót dỡ ly, tiễn mấy cuộc người ta
Gắp miếng mồi xót chi đời tạm ngụ
Cạn hết bầu, vứt mẹ chuyện ngày qua


Đừng trách ta, ngủ vùi trong tủi nhục
Làm mẹ gì để giành lại thành xưa
Thành xưa hả? giòi bọ còn lúc nhúc
Giang sơn chia năm xẻ bảy tức cười


Bạn bè xa, quá chăng già hơn tuổi
Lưu lạc, mỏi mòn cơm áo, vợ con
Cứ mỗi năm tới cái ngày hận tủi
Vung vít dăm câu, tụ nghĩa một ngày


Bạn ngó đi, dòm đi còn bao đứa
Nợ nặng như vầy, được mấy thằng mang
Hét to chi rồi một ngày hai bữa
Gánh sơn hà rỗng tếch… thôi uống đi


Cuốn chiếu, dọn chai, bưng bình, rửa lễ
Gom đũa, thu mâm, dẹp hết buồn phiền
Một buổi bạn về, ta say quá tệ
Nói phét dăm câu là để làm vui


nguyễn thanh-khiết
04-2010