15.9.12

Trại Kiên Giam – Nguyễn Chí Thiệp: Chương 17




Chương Mười Bảy

Về trở lại trại Z-30A, bị cùm trong xà lim không gì đáng kể, một phần đã quá quen, một phần sự kiểm soát ở trại tù không còn quá khắt khe. Mở, đóng cửa xà lim, đưa cơm, đều do trật tự cũng là tù nhân. Đó là anh Ngọc, cựu trung tá Dù, trưởng ban trật tự, giúp đỡ tận tình, cho đem đủ tiêu chuẩn ăn và thức uống. Ngoài ra, thuốc hút và thức ăn thêm do người bạn trẻ từ trại Xuân Phước là Phạm Văn Đồng gửi lén vào. Chỉ có ban đêm thì muỗi từ rừng ra quá nhiều và bị lắc còng kiểm soát không ngủ được. Cùm ở xà lim như vậy xem như tạm nghỉ dưỡng sức khỏi phải lao động.

Ra khỏi xà lim, Ánh, San, Ngọc và tôi được biên chế về đội 15, khu tù có án. Phân trại chia hai khu vực, khu các sĩ quan trình diện và khu tù có án, khu có án thêm một vòng rào kẽm gai, buổi trưa bị đóng cửa từ nhà một; khu trình diện, trong giờ nghỉ tù có thể đi lại với nhau tương đối thoải mái hơn.


Ngoài ra thì mọi qui chế như nhau. Rời khỏi trại Xuân Lộc 8 năm về trước, bây giờ quay trở lại, trại thay đổi nhiều, bạn bè cũ đã được về gần hết, chỉ còn lại Phố và các em từng bị kỷ luật sau vụ Tết Kỷ Mùi như Bằng, Huề, Lộc, Phương, nhưng tất cả đều đã đổi qua phân trại B. Gặp lại các anh Ngô Khắc Tỉnh, Ngô Khắc Tịnh, Lê Văn Sanh, Hoàng Bá Tất, Vũ Xuân Thông, các linh mục và mục sư từ trại Xuân Phước được chuyển về từ cuối năm 1984. Những bạn bè cũ từ tòa hành chánh và tiểu khu Quảng Nam... loay hoay rồi gặp lại nhau gần đủ mặt trong nhà tù. Lénine hướng dẫn các cơ quan coi tù của Liên Sô, cứ đổi trại liên tục để nuôi hy vọng cho tù là họ được về, cuối cùng gặp nhau và chết ở Siberia. Cộng Sản Việt Nam cũng áp dụng điều đó, suốt 13 năm họ điều động từ Nam ra Bắc, cũng đổi trại liên tục, nhưng cuối cùng phải đưa tù cải tạo về Nam. Chúng tôi gặp lại nhau ở trại Z-30A, không phải chết như những người tù Liên Sô, mà để được về. Đó là điều mà tù tin chắc. Việt Cộng muốn đưa chúng tôi đi khai thác các vùng rừng thiêng nước độc ở miền Bắc và miền Trung rồi chết ở đó, nhưng do tình thế chúng không được tự do thực hiện ý đồ đó, chúng bắt buộc phải đưa tù trở lại các trại miền Nam là để thả. Việt Cộng là một chính quyền rất ngoan cố, không bao giờ tôn trọng luật pháp và công luận quốc tế. Nhưng bây giờ chúng phải chiều theo áp lực của công luận, chúng tôi chắc chắn Việt Cộng đang ở thế yếu.

Trại Xuân Lộc đã đổi khác rất nhiều, không như 8 năm trước khi chúng tôi ở đây. Một phần vì để chuẩn bị cho tù về, đã có những chỉ thị cởi mở trong việc kiểm soát, thăm gặp và nhận quà của gia đình. Một phần vì chính bọn giám thị và cán bộ cũng không còn tin tưởng vào đảng, nên đã tùy tiện đối xử, một phần vì nghèo đói phải tự lo lấy đời sống nên bị mua chuộc.

Những anh tù trình diện đã đem kinh nghiệm dùng quà cáp và tiền của gia đình gửi, mua chuộc sự dễ dãi của cán bộ ở trại Nam Hà về áp dụng ở trại Xuân Lộc. Trại Xuân Lộc giờ đây gần như một thị trường mua bán. Tù có thể nhờ cán bộ mua đem vào trại những thứ bị cấm như trà, cà phê, kể cả rượu. Cán bộ còn buôn bán giờ thăm gặp gia đình; ngoài tiêu chuẩn cải tạo tốt còn nếu biết bỏ tiền mua, tù có thể gặp mặt và ở lại với thân nhân 72 giờ, 64 giờ, 48 giờ, 36 giờ, 24 giờ, 12 giờ, 3 giờ - mỗi giá cho mỗi thời gian; ngoài ra để được tự do với bà xã trong một phòng riêng thì có thể bỏ thêm ra từ 2000 đồng trở lên, tức là giá của 4 bao thuốc lá nhập cảng hiệu 555 hay Jet. Tù nhân cải tạo chưa tốt và không cần mua chuộc thì được gặp gia đình theo tiêu chuẩn một giờ; một giờ gặp mặt gia đình cũng đủ để nói chuyện cần thiết, trước kia chỉ 15 phút.

Tình trạng tại trại Xuân Lộc như là sự mệt mỏi của cả hai bên. Cai tù đã mệt mỏi vì đời sống càng khó khăn, họ đã thấy rằng theo mãi lệnh của Đảng chỉ có húp cháo và ăn khoai mì, trong khi họ thấy rõ cấp trên từ thủ trưởng các cơ quan như tiếp liệu, vật tư đều giầu có, nên không muốn hành hạ tù nữa, họ đã thấy bài học căm thù giai cấp mà Đảng dậy cho họ khi bước chân vào trường công an coi tù đã có cái gì lấn cấn sau sự thật nên họ có thể làm ngơ nếu không có gì quá đáng xảy ra và họ có thể thỏa hiệp với tù nhân nếu có lợi, dù nhỏ. Mặt khác, những người tù từng sừng sỏ chống đối ở các trại tù trước có lẽ cũng đã thấy sự chống đối quá khích cũng không đem lại cái gì cụ thể. Đa số những người chống đối không có những lý luận sâu sắc về lý thuyết, về chế độ, về tương lai đất nước, đa số chống vì hận thù, vì bị áp bức, vì tuyệt vọng. Giờ đây tình thế không còn tuyệt vọng, ngày về rõ ràng, đã thấy tình trạng sống ở tù đã có phần thay đổi, nhu cầu gặp gỡ gia đình... những yếu tố đó khiến nhiều người bỏ đường lối đối đầu. Trong khung cảnh chật hẹp của nhà tù, sự việc xảy ra có thể gọi là nhỏ nhặt, nhưng cũng phản ảnh một ý niệm rất cơ bản là khi người ta không thể tiêu diệt được nhau, người ta có thể tìm một công thức tương nhượng nào đó để có thể sống với nhau mà mỗi bên đều tìm thấy cái lợi của mình.

Tờ báo Tuổi Trẻ phê phán thi cử tuyển chọn theo lý lịch. Nguyễn Văn Linh nêu vấn đề này từ năm 1985 khi y là Bí thư Thành ủy Sài Gòn, bây giờ y là Tổng Bí thư, y vẫn không giải quyết được vấn đề nhỏ đó, các Tỉnh ủy bảo thủ vẫn không nghe lệnh của Trung Ương. Tình trạng sứ quân, địa phương nào bảo thủ quyền lợi của địa phương đó.

Báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật nêu trường hợp em Nguyễn Minh Huy, học sinh, quê quán ở Nghĩa Bình, 6 năm liên tiếp thi đậu vào đại học, đậu với điểm số cao nhất, vẫn không được Tỉnh ủy Nghĩa Bình cấp giấy vào Sài Gòn học vì lý lịch cha là Trung úy Quân Đội Cộng Hòa tử trận năm 1962, năm em Huy được sinh ra. Thân nhân bên ngoại của Huy đều là cán bộ cấp Huyện của Cộng sản. Huy phải sống bằng cách đi giữ trâu rồi làm thợ mộc. Phóng viên báo Tuổi Trẻ đã đến Bình Định để điều tra tại chỗ, biết thêm không riêng mình Huy, tại địa phương này có cả gần 100 học sinh thi đậu vào các Đại học Sài Gòn không được Tỉnh ủy cấp giấy phép đi học vì lý lịch là con sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa. Khi báo Tuổi Trẻ tạo dư luận ồn ào về vụ này thì em Nguyễn Minh Huy bị Thành ủy tỉnh Nghĩa Bình trả đũa bằng cách gọi em đi nghĩa vụ quân sự.

Có lẽ chưa bao giờ một chính quyền mà mâu thuẫn nội bộ tồi tệ đến như vậy. Càng thêm niềm tin cho những người chống Cộng sản về sự sụp đổ không thể nào tránh khỏi. Đặt cho người yêu nước mối ưu tư làm sao tổ chức được một lực lượng đối kháng mạnh mẽ, vận động được toàn dân khắp cả nước. Chúng tôi nghĩ đến những người đã khôn ngoan hay may mắn ra đi trước ngày miền Nam sụp đổ. Ở nước ngoài không sợ bị công an đến nhà bắt, có nhiều phương tiện tiền bạc và khả năng trí óc, họ có nghĩ đến đất nước để làm chuyện đó hay không hay là họ bị ru ngủ trong văn minh và tiện nghi vật chất cùng mặc cảm thua sút nên mải chạy đua mong theo kịp người da trắng bản xứ. Và họ có còn chống Cộng hay vẫn còn sợ Cộng sản, tin là không thể lật ngược được tình thế như sự tuyên truyền của Cộng sản và tay sai?

Phong trào nói thẳng, nói thật được Nguyễn Văn Linh phát động đi quá đà. Chắc Nguyễn Văn Linh và những tên Cộng sản cùng phe cánh của y chỉ muốn đưa ra những sự sai lầm được gọi là hiện tượng tiêu cực của cán bộ cấp thấp, để rửa bớt bộ mặt bẩn thỉu của chính quyền Cộng sản đang bị dân chúng nguyền rủa và khinh bỉ, nhưng sự uất ức trong xã hội đã có từ lâu nên khi có lịnh cởi mở, nhiều người đã tiến rất xa.

Truyện ngắn “Tướng Hồi Hưu” của Nguyễn Huy Thiệp được tù truyền nhau đọc vô cùng thích thú. Có thể nói, khi đưa ra chủ trương cởi mở có giới hạn, Nguyễn Văn Linh nhằm mục đích cứu nguy chế độ đang suy sụp và sự đòi hỏi của quần chúng và sự thay đổi mọi khía cạnh của đời sống xã hội. Nhưng mặt khác, những biện pháp cởi mở đó cũng cho thấy đã đến lúc Cộng sản biết không còn có thể bưng bít mọi cái xấu họ tạo ra cho xã hội cũng như đã đến lúc phải công nhận một giá trị khác hơn là “tư tưởng Mác Lénine vô địch”. Trong điều kiện đó, dù vẫn bị nhiều ràng buộc, nhưng những nhà văn Cộng sản cũng đã có thể phát biểu ý kiến riêng của con người họ, thay vì trước đây, họ chỉ hoàn toàn phát biểu ý kiến với tư cách là một đảng viên tô hồng chế độ để bảo vệ miếng cơm manh áo, đời sống kinh tế và con đường tiến thân. Con người thứ hai, tức con người đích thực từ lâu bị che dấu, có dịp bùng lên. Nhớ lại từ năm 1975, tiếp xúc với chú Bình, chú luôn luôn nói với cách phân hai “với tư cách đảng viên”, và “với tư cách người kỹ thuật”, bài học đó chú Bình muốn tôi hiểu về con người Cộng sản. Hy vọng trong một hoàn cảnh thuận tiện nào đó, con người đích thực trong các đảng viên Cộng sản nhất tề vùng lên, và khi đó, Cộng sản không còn sử dụng được bộ máy bạo lực đàn áp, đó là ngày chế độ Cộng sản sụp đổ.

Nguyễn Huy Thiệp là một người học môn Sử và dậy môn Sử, anh đã hiểu rõ Việt Cộng đã dùng cả sử học để ngụy chứng tính cách chính thống của người Cộng sản trong lập trường yêu nước. Truyện ngắn “Tướng Hồi Hưu”, người nông dân yêu nước đi kháng chiến chống Pháp, thành đảng viên Cộng sản cấp bậc Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn. Trở về nhà, không sống nổi trong gia đình vì ghê tởm cách sống của con trai và con dâu, những thanh niên trí thức thế hệ Cộng sản thứ 3, thế hệ mà Hồ Chí Minh đặt kỳ vọng giáo dục thành con người xã hội chủ nghĩa để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Kỳ vọng 100 năm trồng người của Hồ Chí Minh kết quả sinh ra một lớp “thú người” sống sa đọa, tàn nhẫn, đê tiện, tôn thờ vật chất và không có lương tâm. Người Cộng sản trưởng thành trong kháng chiến, không sống nổi với người Cộng sản mới được đúc ra chính là con trai và con dâu mình, cùng lớp trai trẻ trong làng, đến nỗi phải quyết định đi tìm cái chết như là tự tử ngoài chiến trường. Đây là một mấu chốt trong tư tưởng chống Cộng. Cộng sản thành công trong cuộc chiến nhờ ngụy trang trong lớp áo dân tộc, làm nhiệm vụ của người dân yêu nước đánh ngoại xâm. Nhưng từ khi chiếm miền Nam, lá bài dân tộc kết thúc, Cộng sản lộ nguyên hình và bắt đầu thất bại ở Việt Nam. Dù Cộng sản đang nắm chính quyền nhưng trong lịch sử Việt Nam, họ đang là kẻ bại trận. Việt Cộng chỉ còn sức mạnh duy nhất là tổ chức đảng và hệ thống công an là phương tiện bạo lực trấn áp và câu thúc con người. Tổ chức Đảng đã lung lay, không còn tin tưởng, nên mạnh tên nào có phương tiện thì hủ hóa tham nhũng, cán bộ cao cấp trở thành chúa trùm phong kiến quan liêu giữ đặc quyền đặc lợi.

Truyện ngắn “Tướng Hồi Hưu” của Nguyễn Huy Thiệp không những được tù nhân chúng tôi thích thú mà ngay trong cán bộ cũng có dư luận bàn tán và phân hai phe rõ rệt, báo chí lên tiếng phê bình, kẻ khen đúng muốn phát huy thêm, phe khác buộc tội phải yêu cầu đảng tỏ thái độ.

Những vở kịch của Lưu Quang Vũ được trình diễn trên sân khấu, trên màn ảnh truyền hình nên tác động sâu rộng và mạnh mẽ hơn. Lưu Quang Vũ phê phán thẳng tính cách láo khoét bịp bợm của những khẩu hiệu tuyên truyền, những sự hứa hẹn mơ hồ về một đất nước Việt Nam giàu đẹp.

Được xem vài vở kịch của Lưu Quang Vũ như “Tôi và Chúng ta”, “Hồn Trương Ba, Da Hàng Thịt”, “Bệnh Sĩ”, tôi đã thấy Lưu Quang Vũ phê phán thẳng vào bản chất của chế độ Cộng sản. Một điều rất khó tin nếu ở thời điểm trước 1987. Điều này khiến tù nhân phấn khởi càng tin tưởng là chế độ Cộng sản sắp phải tàn lụi và con đường chống Cộng của mình là đúng.

Sau đó, được tin cả gia đình Lưu Quang Vũ bị tai nạn xe hơi chết, tôi không ngạc nhiên. Lưu Quang Vũ đã đi quá sớm phê phán thẳng bản chất chế độ, trong khi Nguyễn Văn Linh và nhóm cởi mở chỉ muốn hạn chế sự phê phán trên những sai lầm hiện tượng. Ảnh hưởng của kịch sâu rộng hơn văn, nên Lưu Quang Vũ phải chết. Ông ta đã bị giết chết bằng cách sắp xếp một tai nạn. Chế độ Cộng sản thường sắp xếp những cái chết như vậy. Đinh Bá Thi bị giết trong tai nạn ở Hàm Tân, Đinh Đức Thiện bị giết trên đường về nhà, Lê Trọng Tấn bị giết chết đột ngột trước đại hội kỳ sáu khi đang làm Tổng Tham Mưu Trưởng và Trường Chinh cũng bị té lầu chết đột ngột.

Cộng sản họ thanh toán nhau rất tàn bạo, đó là họ học bài học Staline, Mao Trạch Đông để cư xử với những người tranh chấp quyền hành. Cái chết của Lưu Quang Vũ là cái chết của một nghệ sĩ can đảm, dù ông là một đảng viên Cộng sản, tôi vẫn phục ông, và tôi tin là chế độ Cộng sản sẽ sụp đổ từ những người đảng viên Cộng sản đã nhận biết sự sai lầm của họ, nhận biết sự lạc hậu của thuyết Marxism và sự vô ích của đảng Cộng sản, nó không cần thiết để tồn tại, thành phần đảng viên như chú Bình, như Lưu Quang Vũ không ít.

Chúng ta từng chống Cộng bằng cách trưng bày cái xấu xa tàn bạo của địch để dân chúng sợ hãi mà tránh, nhưng thời trước chúng ta đã cấm quần chúng tìm hiểu địch. Việc này có thể đúng khi chúng ta đang có chính quyền, mà chính quyền lại không vững và thường bị điều khiển bởi những thành phần bán nước. Trong mặc cảm đó, chúng ta sợ Cộng sản và sợ tài liệu tuyên truyền của họ. Chúng ta đã theo đuổi một cuộc chiến mà chúng ta ít hiểu biết về địch thủ, ngoại trừ những điểm công thức biểu ngữ và khẩu hiệu nhàm chán. Dựa vào chủ trương nói thẳng, nói thật, hy vọng sẽ có nhiều tác phẩm như Tướng Hồi Hưu ra đời, để cổ võ cho sự đối kháng từ trong lòng của hàng ngũ cán bộ Cộng sản làm cho chế độ Cộng sản mau sụp đổ hơn.

Tháng 8-1987, báo Nhân Dân đăng tải hai lập trường gần như đối nhau của Nguyễn Văn Linh và Phạm Hùng về số phận của khoảng gần 3000 người cải tạo còn lại. Số 3000 người mà năm 1985, Lê Đức Thọ đã tuyên bố thẳng là không thể cho về được vì nguy hiểm cho chế độ nhưng cuối cùng, Phạm Hùng phải nhượng bộ. Tin tức về thả tù cải tạo được nói hàng ngày trong trại cũng như từ nhà thăm nuôi. Trại Xuân Lộc tổ chức tổ may, may quần áo mới phát cho người tù được tha.

Tên trại trưởng gặp San, Ánh và tôi, hắn khẳng định mọi người sẽ được về hết nhưng chúng tôi sẽ không được cứu xét, nhưng rồi Ngọc được thả trong đợt tháng 9-1987, Ánh và San trong tháng 10-87, tôi mới bắt đầu nghĩ đến hy vọng ngày về đoàn tụ với gia đình.

Đường lối của Đảng thay đổi mau chóng và làm mất niềm tin của cán bộ. Tên Hoạt, trưởng ban an ninh phân trại nổi tiếng ác ôn nhất, giờ cuối cùng phải phát biểu rất thành thật là “tôi chẳng hiểu ra sao, trước kia chỉ thị quản lý các anh chặt chẽ, sau lại chỉ thị đối xử tử tế, trước thì chủ trương giam lâu dài, bây giờ thì thả hết”, cũng như họ đã từng ngạc nhiên, có lúc Đảng dậy cho họ gọi ông Liên Sô, ông Trung Quốc, rồi đến lúc gọi ông Liên Sô, thằng Trung quốc, họ tự hỏi rồi không biết bao giờ đảng dậy họ gọi ông Trung Quốc và thằng Liên Sô, và cả đế quốc Mỹ nữa, không biết đến ngày nào đảng sẽ dậy họ gọi là ông bạn Mỹ vĩ đại. Trước kia cán bộ Cộng sản tin tưởng chỉ có Đảng Cộng sản quang vinh và bác Hồ vĩ đại, và Đảng tuyệt đối không bao giờ sai lầm và “chân lý đó không bao giờ thay đổi” nhưng ngày nay, người đảng viên Cộng sản biết là không có gì là vĩnh viễn, mọi sự sẽ thay đổi và sẽ thay đổi nhanh chóng.

Trại Xuân Lộc được trang bị một số máy thu hình tại ban thông tin văn hóa, số máy được phân phối cho mỗi phòng, được xem mỗi tuần độ hai buổi tối.

Cũng trên màn TV, bài trình bày của chủ nhiệm hợp tác xã may mặc của thành phố về những khó khăn của ngành. Anh ta đã nói thẳng một tình trạng bất công và vô lý trong chế độ giá cả ngành ngoại thương. Công may một cái áo sơ mi theo thời giá thị trường lúc đó tại Sàigòn từ 500 đến 700 bạc ngân hàng nhà nước, nhưng bộ ngoại thương được Liên Sô trả 50 đồng 1 chiếc nên chỉ trả công ty 40 đồng và công ty trả lại cho công nhân 30 đồng 1 chiếc. Con số sai biệt rất xa, đó là một trong những bế tắc của ngành ngoại thương của Việt Cộng và tình trạng này tố cáo sự bóc lột của đế quốc Liên Sô đối với các nước chư hầu trong chính sách mà hiến pháp Liên Sô gọi là phân công lao động quốc tế trong khối xã hội chủ nghĩa anh em, và sự phản dân hại nước của đảng Cộng sản Việt Nam đã đem tất cả tài nguyên nhân vật lực trả súng đạn. Hàng hóa Việt Cộng bán cho Liên Sô với giá rẻ mạt và các nhân viên Liên Sô ở Việt Nam đều được hưởng sự ưu đãi về giá cả đó. Liên Sô đã đem tầu qua vơ vét tất cả nông sản kể cả các thứ rau xanh, cây trái nhiệt đới mà ở Liên Sô không có hoặc phải canh tác khó khăn vì thời tiết lạnh lẽo. Trong các cửa hàng quốc tế tại Sàigòn, người Liên Sô chỉ trả 10 đồng bạc Việt Cộng để mua một lon bia xuất khẩu nhãn hiệu Sàigòn trong khi đó giá ngoài thị trường, người Việt Nam phải trả là $800 đồng. Ngoài ra, tất cả cơ quan du lịch, câu lạc bộ quốc tế, những nữ nhân viên phục vụ tại đó, đều bị chính phủ Việt Cộng bắt buộc phải phục vụ xác thịt cho khách ngoại quốc trong khối xã hội chủ nghĩa anh em, họ chỉ được lãnh lương mà không được biết đến sự giao dịch trả tiền giữa khách và ban quản lý. Ngay từ những ngày đầu sau khi chiếm miền Nam, tại Sàigòn và từ từ lan ra các thành phố, Việt Cộng cho tổ thức các cơ sở du lịch do công an quản trị, chúng cho tuyển nữ nhân viên một cách khó khăn, trên các tiêu chuẩn có học vấn và nhan sắc, làm lý lịch an ninh kỹ lưỡng vừa có tính cách làm cho nghề nghiệp có vẻ quan trọng vừa có tính cách đe dọa, vừa trả lương cao hơn các ngành nghề khác, rồi sau đó buộc những nữ nhân viên này làm gái điếm cho khách ngoại quốc, chúng chỉ xảo trá giải thích nhiệm vụ làm điếm đó như một hành động cao cả có tính cách phục vụ đảng và nhân dân vừa cột chặt nhân viên vào nhiệm vụ không thể thôi việc. Vì gái điếm trá hình nay được xem như là một nhân viên tình báo, vả lại chính sự ưu đãi về lương bổng, và một số quyền lợi khác cũng hấp dẫn tính tự nguyện của nữ giới, trong khi bên ngoài xã hội, tìm được một việc làm ổn định ở thành phố là một điều rất khó khăn.

Cũng nhờ nói thẳng nói thật, chúng tôi được biết cụ thể vấn đề tham nhũng, và tính cách thư lại ở trong chính quyền Cộng sản như thế nào. Báo Nhân Dân tố cáo những trường hợp gian lận thi cử trong kỳ thi tốt nghiệp trung học của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, văn bằng được cấp bừa bãi cho con của đảng viên và cán bộ Cộng sản chỉ có ghi tên mà không đến trường học. Bộ Giáo Dục của Hà Nội đã làm một cuộc kiểm tra cho thi lại thì 83% con số người được chấm đậu trong năm 1986 không đủ tiêu chuẩn. Trường hợp ăn lương ma trong guồng máy công quyền Cộng sản lên đến con số khủng khiếp, nếu không chính mắt đọc trên tờ báo chính thức của đảng Cộng sản là tờ Nhân Dân thì dù có ghét Việt Cộng đến đâu cũng không thể tin được. Báo Nhân Dân đưa ra con số công nhân viên và người ăn theo có lãnh lương mà không làm việc ở tỉnh Hải Hưng là 38 ngàn người và tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng xấp xỉ gần 40 ngàn. Những khám phá kinh khủng thời Đệ Nhị Cộng Hòa, tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư Lệnh Quân Đoàn IV bị tố cáo có 40 ngàn lính ma ở 16 tỉnh vùng 4 chiến thuật đã làm chấn động dư luận cả nước sang đến nước Mỹ. Bây giờ sự tham nhũng hối mại quyền thế của chính quyền Cộng sản đã lên đến mấy chục lần hơn. Đại tá Lâm Quang Chính, Tỉnh trưởng Biên Hòa chỉ dùng áp lực để cho một người con trai ông ta được chấm đậu tú tài đã phải bị bãi chức, nay thì Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng cho 83% con em của họ được cấp bằng mà không phải đi học. Rồi chính những người này được ưu tiên vào đại học và tuyển dụng vào các ngành hưởng lương bổng và có quyền lợi hơn người dân bình thường khác. Những người chống Cộng không cần biết là sự nói thẳng nói thật là màn trình diễn cứu nguy chế độ hay không, đó là việc của Việt Cộng và Nguyễn Văn Linh. Người chống Cộng chỉ biết đó là chứng liệu đáng kể để có niềm tin khẳng định là chế độ Cộng sản phải sụp đổ, không có lý do để tồn tại và tin chắc những tài liệu đó được công bố thì sự bất mãn của người dân đối với chế độ càng gia tăng, sự sợ hãi của cán bộ Cộng sản khi đọc những tài liệu đó thì niềm tin đối với đảng và người lãnh đạo vốn đã giảm sút đi nhiều. Đó là những yếu tố thắng lợi của lực lượng đối kháng, nếu những người chống Cộng kết hợp được một lực lượng.

Sự thất bại trong quản lý của Cộng sản là một vấn đề rất căn bản làm cho cả chế độ sụp đổ không riêng gì ở Việt Nam. Ngay tại Liên Sô, thành trì của xã hội chủ nghĩa, những bế tắc về quản lý cũng là vấn đề then chốt. Các lý thuyết gia kinh tế Cộng sản tự hào chế độ của họ không có thất nghiệp nhưng thực tế nền kinh tế của Cộng sản là tình trạng bán thất nghiệp.

Đọc tờ Nguyệt San Spoutnik của Liên Sô nói về một cuộc cách mạng quản lý trong công ty Hỏa Xa của Cộng Hòa Liên Bang Beylorussia. Tài liệu viết Công Ty Hỏa Xa có 6000km đường tàu được điều hành bởi hơn 100 ngàn nhân viên và công nhân (trung bình trên 100 người cho 6km). Với số lượng công nhân và nhân viên khổng lồ đó, công ty không có khả năng tài chính để trả lương cho họ đủ sống, do đó Cộng Hòa Beylorussia và công ty đã làm một cuộc cách mạng quan trọng, cải cách quản lý, giảm thiểu được 30 ngàn công nhân - con số này sau đó được tái phối trí vào các ngành lao động khác. Cuộc cách mạng quản lý đó là một hứng khởi cho chương trình Perestroika và Glasnost của ông Gorbachev, và chính Gorbachev đã đưa ra thành tích ở công ty Hỏa xa đó ra thảo luận tại Sô Viết tối cao xem như một tấm gương sáng cho toàn thể Liên Sô. Qua tài liệu trên thấy được không riêng gì ở Việt Nam mà toàn thể khối xã hội chủ nghĩa đang gặp tình trạng tắc nghẽn quản lý. Mỗi cơ quan chính quyền cũng như các cơ sở kinh tế phải gánh chịu hai hệ thống nhân viên hành chánh và đảng ủy, mỗi hệ thống đều tuyển rất nhiều người để làm việc không có hiệu năng và sự tương quan trình báo, hội họp của hai hệ thống làm trì chậm tất cả mọi sinh hoạt, đưa đến đặc tính về nhân sự của khối xã hội chủ nghĩa, là cán bộ nhân viên họ chỉ kéo dài công việc cho đến hết giờ, qua ngày, qua tháng để sau đó nhận một đồng lương chết đói. Tài liệu còn cho thấy một công việc tầm thường là làm giảm nhân số vô ích tại một công ty Hỏa xa được Gorbachev xem như là một cuộc cách mạng tiêu biểu cho toàn thể Liên Sô, dù bản chất của cuộc “cách mạng” đó cũng chỉ là một sự “đá bùn sang ao”, số nhân sự được loại ra lại được phối trí vào các cơ quan khác. Đó cũng là một cái vòng luẩn quẩn về quản lý của khối xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế èo uột không có công ăn chuyện làm đưa đến tình trạng đảng viên và cán bộ phải bám vào các cơ quan chính quyền và xí nghiệp quốc doanh để sống - vì một công việc làm có giá trị xã hội cao đưa đến sự lạm dụng của nhân viên có thẩm quyền cũng như chính sách của đảng là ưu đãi cho đảng viên và thân nhân của họ. Đảng viên và thân nhân chắc chắn được ưu đãi nên không cần chú tâm học tập hay rèn luyện chuyên môn - không có khả năng nên vào cơ quan phải kết bè kết phái để bảo vệ quyền lợi, đồng thời hiệu năng công tác không có, chính sách ưu đãi đảng viên thực hiện bằng chương trình bổ túc văn hóa tại chỗ cho đảng viên cán bộ, vừa đi làm vừa đi học, mỗi năm thăng tiến 3, 4 lớp nhưng thực chất của nền giáo dục chỉ là sự bịp bợm (trường hợp thi cử của Quảng Nam-Đà Nẵng), cứ thế hết tệ trạng này kéo theo tệ trạng khác, đó là một quy luật tất yếu của một chính quyền và một đảng độc tài nắm quyền cai trị, qui luật đó tác dụng mạnh mẽ hơn ở những nước kém mở mang, đó là sự thất bại từ bản chất của chế độ Cộng sản không phải là hiện tượng như họ đã biện minh.

Người Cộng sản thường cho những khuyết điểm của chế độ họ là những hiện tượng tiêu cực - nhưng chúng ta cứ tưởng tượng một con người bị một vết ghẻ thì vết ghẻ được xem như một hiện tượng của một thân thể (bản chất) sạch sẽ khỏe mạnh, nhưng nếu một thân thể đầy cả những mụn lở, và tình trạng đó kéo dài suốt đời con người từ sinh ra đến lúc chết hãy còn ghẻ hay chết vì bệnh ghẻ lở đó thì ghẻ lở không xem là hiện tượng của thân thể khỏe mạnh được. Khi trả lời câu hỏi: “Bao giờ có chế độ Cộng sản?” - Lénine đã viết: “Chế độ Cộng sản thành công khi mọi người trong chế độ biết tiết kiệm từng Put hàng hóa, khi thấy một đơn vị hàng nhỏ rơi vãi thì biết tự động đem cất vào kho”. Đó là một mơ tưởng của Lénine đối với con người trong chế độ xã hội chủ nghĩa và Cộng sản chủ nghĩa. Karl Marx bàn đến Cộng sản chủ nghĩa, trong xã hội đó mọi người đều biết tự giác, nên tự đóng góp vào việc quản lý xã hội nên hình thức chính quyền bị thủ tiêu.

Mọi người, kể cả đảng viên trong chế độ xã hội chủ nghĩa không ý thức tự giác như Lénine phân tích, ngược lại họ chỉ phát triển được tối đa khía cạnh xấu của con người. Con người trở nên đê tiện, ích kỷ, lừa đảo, ngu dốt, hối mại quyền thế, nghĩa là mọi tính xấu, vì chỉ như vậy họ mới sống vững trong xã hội; nếu họ chỉ cần biểu lộ tính tốt thẳng thắn, cương trực, trọng danh dự và có lương tâm thì chỉ có hai con đường đi đến là chết và tù.

Do đó, chế độ cộng sản thất bại ngay từ đầu về phương diện nhân sự - đưa đến tình trạng xã hội suy thoái - không thể nào tháo gỡ. Không phải chỉ Việt Nam sau chiến tranh chậm tiến, mà ngay cả ở tại Liên Sô sau hơn 70 năm xây dựng xã hội chủ nghĩa gọi là thành công, mà mỗi năm dân Liên Sô vẫn thiếu nông sản trong khi 30% số lúa mì chín bị hư rục ngoài đồng hay vương vãi trên đường chuyên chở hay mục nát trong kho. Điểm rõ ràng nhất trong bất cứ nước xã hội chủ nghĩa nào cũng giống nhau là dân vẫn phải đói, lương bổng không đủ ăn, nhưng tài nguyên bị phí phạm.

Đó là điểm mấu chốt của Gorbachev hay Đặng Tiểu Bình muốn thay đổi, muốn cải cách nhưng tùy hoàn cảnh của mỗi nước và tham vọng cùng thế đứng chính trị của mỗi cá nhân, mỗi người thi hành ở mức độ khác nhau và họ sẽ gặp những khó khăn khác nhau và đạt được những kết quả khác nhau.

Hoàn cảnh cộng sản Việt Nam còn khó khăn hơn Liên Sô hay Trung Quốc. Vì đảng Cộng Sản Việt Nam mới nắm được toàn bộ chính quyền sau một cuộc chiến đấu lâu dài và chết chóc, nên họ đang gặp một trở ngại về nhân sự vô cùng lớn - hầu hết cán bộ và đảng viên đều là cán bộ chiến đấu, không được huấn luyện quản trị và xây dựng - bản chất loại cán bộ này vừa tàn bạo vừa dốt nát. Ngày nay họ là kẻ chiến thắng và đang ngồi thụ hưởng trên sự chiến thắng; bệnh công thần đưa đến tự mãn tự đắc, lạm dụng chức vụ, hối mại quyền thế. Do đó tính bảo thủ trong guồng máy Cộng Sản Việt Nam không phải chỉ ở những người già nua mà còn ở cả trong đa số đảng viên ở mọi cấp. Bảo thủ vì hai yếu tố chính là dốt nát và đặc quyền đặc lợi. Thành ra lá bài cải cách của Nguyễn Văn Linh không thể tiến xa được vì trước hết Linh cũng là người nằm trong hai yếu tố dốt và đặc quyền, thứ nữa y là người nắm quyền Tổng Bí thư nhưng không đủ sức mạnh và không nắm được đa số. Chức Tổng Bí Thư của y do áp lực của Liên Sô đặt nên cho nên trong tình trạng đó, mọi nỗ lực cải cách ở Việt Nam hiện tại chỉ là nhu cầu của một trào lưu, đồng thời sự bắt buộc phải làm để gỡ rối về những thất bại quản lý, đồng thời rửa mặt để hy vọng nhận đầu tư và giải tỏa bị cô lập chính trị và bao vây kinh tế. Khi gặp các khó khăn nội bộ, Đặng Tiểu Bình xoay qua công thức cải cách kinh tế nhưng vẫn củng cố chính trị - hai mục tiêu này rất mâu thuẫn nên chỉ là một giải pháp gượng ép. Giữ độc tài chính trị nhưng nhận được sự đầu tư và trợ giúp kinh tế của Tây Phương là giấc mơ của những tên lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam - một giấc mơ đầy tham lam đúng như bản chất của họ, muốn được tất cả mà không muốn mất một tí gì, muốn lời thật nhiều nhưng không muốn bỏ vốn vì bản chất của họ là một bọn cướp.

Để thực hiện ý định thu hết đầu tư ngoại quốc, luật đầu tư được ban hành ngày 1 tháng 1 năm 1988. Từ ý muốn đến kết quả là một khoảng đường rất xa. Không phải chỉ ban hành một đạo luật là chuyển từ kinh tế tập trung xã hội chủ nghĩa sang kinh tế thị trường. Phát triển kinh tế ở Việt Nam đang gặp các trở ngại sau:

1.     Hệ thống pháp luật không bảo đảm cho quyền tư hữu. Hiến pháp xã hội chủ nghĩa xác định quyền lãnh đạo duy nhất của đảng cộng sản (điều 4), chủ trương chuyên chính vô sản (điều 2), tư tưởng Mác xít Lê Nin chỉ đạo (điều 19), không công nhận quyền tư hữu v.v... Những điều khoản hiến pháp này còn tồn tại thì những bảo đảm về quyền tư hữu của luật đầu tư thành bấp bênh.

2.     Chưa có đạo luật lao động để minh định rõ quyền hạn, quyền lợi và trách nhiệm của chủ thợ. Công nhân được xem là lực lượng nòng cốt của chế độ; đảng cộng sản lãnh đạo công nhân qua tổ chức công đoàn. Trong hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa, công nhân trên danh nghĩa là “chủ” của các nhà máy xí nghiệp quốc doanh nhưng họ không có quyền đình công. Nhưng đối với một xí nghiệp tư nhân thành lập trên luật đầu tư, lực lượng công nhân với sự lãnh đạo của công đoàn (đảng cộng sản) trở thành một lực lượng quá mạnh, khuynh loát, đe dọa chủ nhân không lường trước được những gì xảy ra sau khi nhà máy, xí nghiệp đi vào sản xuất.

3.     Hệ thống tòa án và các viên chức tòa án chưa quen với nguyên tắc trọng pháp. Bộ Tư Pháp mới được tổ chức vào năm 1979, nhưng thói quen giải quyết bằng công an trở thành một truyền thống độc tài khó thay đổi. Cho dù luật lệ ban hành nhưng trong thời gian ngắn, viên chức tư pháp vẫn lúng túng không thể đóng vai trò trọng tài phân xử. Ngoài ra những viên chức này là đảng viên cộng sản nên họ sẽ nghe lệnh đảng hơn là tôn trọng công lý. Chưa có tổ chức luật sư đúng nghĩa là một luật sư đoàn của những người có khả năng về luật học và độc lập, được bảo vệ tính tự do trong khi bênh vực quyền lợi của các bên tranh tụng trước tòa án. Đoàn luật sư hiện có mới được tổ chức từ năm 1987, do các hội đồng nhân dân đề cử, cũng gồm các đảng viên cộng sản không căn cứ vào khả năng hiểu biết về luật pháp.

4.     Tổ chức chính quyền không thống nhất từ trung ương đến địa phương, chính quyền cộng sản từ trung ương tập quyền mạnh mẽ, đến tình trạng sứ quân. Sự thay đổi này không phải do định chế tổ chức, mà do sự phân hóa trong hàng ngũ lãnh đạo, sự tranh chấp quyền lợi phe nhóm. Hiện trạng hành chánh trở thành kỳ quái, mỗi cơ quan chính quyền, mỗi cấp, mỗi đơn vị đều bảo thủ và luôn luôn muốn chứng tỏ quyền lực. Không ai đủ khả năng giải quyết và điều hợp, đã đi xa hơn cả tình trạng thư lại cửa quyền. Với hoàn cảnh đó, nhà đầu tư luôn luôn phải lúng túng và tốn thì giờ cũng như tiền của hối lộ. Nhà đầu tư sẽ gặp phải tình trạng bấp bênh không ổn định, không thể thiết lập kế hoạch sản xuất có lời. Với thực trạng hành chánh của chính quyền Việt Cộng, người đầu tư sẽ gặp trường hợp của Thủ tướng cho phép, nhưng cán bộ các tỉnh khó dễ làm trì chậm, hoặc giấy phép của Bộ A cấp khi có việc liên hệ Bộ B bị bộ này bác. Nhất là tình trạng “sứ quân” của chính quyền cấp tỉnh. Nhà đầu tư sẽ thấy không ai giải quyết nhanh chóng cho họ những điều cần thiết.

5.     Hạ tầng cơ sở kinh tế khiếm khuyết: đây là vấn đề căn bản đang bị bế tắc, chính quyền Việt Cộng cần có hàng chục tỉ canh tân phi trường, bến cảng, kho vựa, xa lộ, thiết lộ, điện lực, điện thoại, khách sạn. Đối với nhà đầu tư, thì giờ là tiền bạc, các hệ thống hạ tầng cơ sở này hiện đang ở trong tình trạng lạc hậu và hư hỏng. Nhà máy xí nghiệp, văn phòng không thể thiếu điện. Điện lực hiện nay không bảo đảm lúc nào bị cắt. Cái vòng luẩn quẩn khó thoát, không có đầu tư thì không có ngoại tệ để xây dựng thì không thu hút được đầu tư.

6.     Các định chế tài chánh như ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm chưa được tổ chức. Chính quyền đã thử nghiệm tổ chức một số ngân hàng quản trị theo tư doanh kết quả bị phá sản vì không có bộ máy quản lý. Các ngân hàng trở thành tổ chức bịp bợm, lường gạt hàng tỉ đồng tiết kiệm của người dân. Các định chế tài chánh phải được trang bị máy móc điện tử tối tân do nhân viên được huấn luyện thành thạo sử dụng. Cả hai điều kiện này đều thiếu. Phải cần số tiền lớn và thời gian. Hệ thống giáo dục dành đặc quyền cho đảng viên và gia đình của họ hiện nay, đưa đến kết quả là những người tốt nghiệp đại học và trung học chuyên nghiệp kém khả năng, không thông thạo ngoại ngữ. Nhất thời không thể đào tạo họ thành cán bộ quản lý giỏi và khá.

7.     Thị trường nhân công rẻ nhưng kém hiệu năng. Điều hấp dẫn duy nhất hiện nay là thị trường nhân công rẻ nhưng đó chỉ là bề mặt. Đi sâu vào thực tế gặp trở ngại:

- Công nhân quen thói lề mề, chỉ làm hết giờ mà không làm hết việc, làm láo báo cáo hay. Họ không thích hợp cho công việc tại các nhà máy, xí nghiệp tân tiến là phải làm với năng suất cao.

- Nếu không giải tỏa được đặc quyền của cộng sản, chủ nhân không được trực tiếp tuyển dụng nhân công, nhà nước độc quyền giới thiệu đảng viên hay thân nhân đảng viên cộng sản vào các nhà máy, xí nghiệp, thành phần này càng kém năng suất hơn và tương lai sẽ có nguy cơ đình công, lủng củng hoặc đấu tranh làm tê liệt sinh hoạt. Ngoài tình trạng kém đói lâu ngày, công nhân Việt Nam không đủ sức khỏe làm việc mỗi ngày 8 giờ với mức độ lao động nhà máy đòi hỏi: tình trạng ốm đau bệnh tật của họ khiến nhà đầu tư phải chi phí nhiều. Thói quen ăn cắp của công nhân trở thành nếp, xí nghiệp khi hoạt động phải thiết lập hệ thống kiểm soát. Tóm lại, nhân công rẻ nhưng các chi phí cao, và năng suất thấp. Ưu điểm nhân công rẻ không còn hấp dẫn. Thực tế, người công nhân không được nhận đúng đồng lương của nhà đầu tư trả cho họ. Qua trung gian nhà nước, vì chính sách điều hòa thị trường nhân công, họ chỉ lãnh một phần. Nhà đầu tư lúng túng không thể dùng chính sách công xá để kích thích tăng năng suất.

Cộng sản thường dùng lý luận hiện tượng và bản chất để giải thích những sai lầm của họ. Qua kinh nghiệm quản lý các chính quyền cộng sản từ Liên Sô hơn 70 năm, Trung Quốc 40, Đông Âu 45 năm, dù với hoàn cảnh kinh tế như thế nào thì xã hội cũng gặp bế tắc. Tình trạng tham nhũng đặc quyền đặc lợi, thói quen làm việc lề mề không năng suất, tình trạng sứ quân mâu thuẫn giữa trung ương và địa phương v.v... là hậu quả tất yếu của nền chính trị độc tài, quyền lãnh đạo độc tôn của đảng cộng sản. Đó không phải là hiện tượng.

Người ta có thể biện luận là Nam Hàn tiến bộ nhờ Tổng Thống Phác Chính Huy độc tài, Đài Loan tiến bộ nhờ độc quyền lãnh đạo của Quốc Dân Đảng, Tân Gia Ba tiến bộ là nhờ ông Lý Quang Diệu nắm vững chính quyền. Đây là một ngụy biện hời hợt. Ổn định chính trị là một điều cần yếu để phát triển kinh tế, hấp dẫn đầu tư ngoại quốc. Các chính quyền Nam Hàn, Đài Loan, Tân Gia Ba có chính sách cứng rắn để nắm vững trị an, chống lại hoạt động lật đổ. Nhưng mọi định chế xã hội đều nhắm vào việc xây dựng thể chế dân chủ, trong đó tôn trọng quyền tư hữu và tự do kinh doanh. Điều hiển nhiên là các chính quyền này không thể so sánh với sự độc tài của các chính quyền cộng sản. Nếu nói là có độc tài mới đảm bảo được phát triển kinh tế thì trở lại vấn đề từ đầu, là các chính quyền cộng sản đã không thất bại.

Do đó, lý luận cởi mở kinh tế mà không thay đổi chính trị trở thành một ước mơ không thực hiện được của các lãnh tụ cộng sản. Không thể có hòa hợp giữa chính trị cộng sản và kinh tế tư bản. Đây chỉ là một cuộc hôn nhân gượng gạo, khi áp dụng sẽ không phát huy được ưu điểm của hai thành phần, ngược lại chỉ tăng thêm khuyết điểm. Vì áp dụng kinh tế thị trường, nhắm vào lợi nhuận, các cơ quan nhà nước cộng sản sẽ đua nhau kiếm lời, họ lại tham nhũng nhiều hơn, đặc quyền đặc lợi nhiều hơn vì vẫn giữ trong tay sức mạnh chuyên chính. Kinh nghiệm của chính quyền Việt Cộng trong những năm vừa qua, chỉ mới nới lỏng áp dụng chế độ hạch toán kinh tế, các địa phương và các cơ quan nhà nước đã lạm dụng làm giàu riêng tư, làm cho xã hội hỗn loạn thêm.

Bốn mươi năm qua, cuộc chiến tranh ý thức hệ đã ngã ngũ, chế độ độc tài với nền kinh tế chỉ huy đi đến chỗ bế tắc. Nền dân chủ đa đảng với kinh tế thị trường không phải là hoàn hảo nhưng có ưu điểm phục vụ được con người và sự phát triển của đất nước. Vấn đề Việt Nam hiện nay thật rõ rệt, hoặc tiếp tục đóng cửa, độc tài chính trị và độc quyền kinh tế thì nhân dân tiếp tục chịu đựng nghèo khổ cho đến khi bùng nổ ra cuộc cách mạng. Hoặc sớm dứt khoát từ bỏ chế độ cộng sản, thực hiện dân chủ.

Luật đầu tư và các cải cách sẽ không đem lại thành công. Không giải quyết vấn đề căn bản là từ bỏ cộng sản để dân chủ hóa thì luật đầu tư hay các biện pháp kinh tế chỉ là sự sửa đổi nửa vời.

Hiện chính quyền Việt Cộng bị bao vây kinh tế và cô lập chính trị, họ muốn phá vỡ sự kềm hãm đó bằng một số hành động và biện pháp, kể cả việc có thể sửa đổi một vài điều khoản hiến pháp, nhưng thâm tâm của những người lãnh đạo cộng sản già nua vẫn muốn duy trì độc quyền lãnh đạo cộng sản. Ước mơ của Đặng Tiểu Bình đang được Nguyễn Văn Linh ươm mộng. Xã hội cộng sản đã tan rã, tổ chức cộng sản đã hết lý tưởng để gắn bó. Họ chỉ còn dính dáng với nhau bởi đặc quyền đặc lợi mà có một số người được hưởng, tuyệt đại đa số nhân dân kể cả đa số đảng viên phải chịu đựng hậu quả trầm trọng của một đất nước đang sụp đổ, một tình trạng kinh tế suy kiệt tồi tệ.

Những cải cách nửa vời của các lãnh tụ cộng sản tưởng là cứu vãn được quyền lợi của họ, thực tế sẽ là một cơ hội để bùng nổ của đấu tranh.

Cuối tháng chạp năm 1987, vợ tôi lên thăm báo tin Đoan Trang, con gái út của tôi đã vượt biên đến Thái Lan. Để Trang đi một mình ra ngoại quốc khi bé mới 13 tuổi, chúng tôi đau xót lắm, nhưng không còn cách gì khác tốt đẹp hơn cho gia đình tôi. Chúng tôi đã mất tất cả từ khi miền Nam sụp đổ, chỉ mong cho con được ra ngoại quốc mới có thể tiếp tục học lên được, để chúng tự xây dựng cuộc đời của chúng nó. Ở tù, tôi không còn một chút hy vọng nào, ngoài sự mơ ước cho vợ con, anh em được đi thoát ra ngoại quốc, đi được người nào tốt người đó, tất cả mọi người thân đều đi được, nỗi mừng càng lớn dù còn phải ở lại một mình trong trại không ai viếng thăm. Sự chia ly nào không buồn, nhưng đã lỡ không trọn vẹn với đất nước, với gia đình, tù cải tạo phải chấp nhận hết.

Tôi còn được may mắn là có hai đứa con đều lần lượt vượt biên an toàn. Vào trong trại chia sẻ niềm vui riêng với anh em, bạn bè mừng cho tôi, người nào cũng ao ước cho con mình được ra đi thành công như vậy.

(còn tiếp)


*Mời đọc những phần trước:

 Tựa;  Phần mở đầu;  Chương 1;  Chương 2;  Chương 3; Chương 4; Chương 5; Chương 6; Chương 7; Chương 8; Chương 9; Chương 10; Chương 11; Chương 12 - Xuân Phước; Chương 13; Chương 14; Chương 15; Chương 16



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét