Hiển thị các bài đăng có nhãn Vũ Văn Ánh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Vũ Văn Ánh. Hiển thị tất cả bài đăng

14.3.14

Thung lũng tử thần - Phần 1


A20 Vũ Ánh


LTG - Hồi đầu năm cháu nội tôi, Catherine Vũ 11 tuổi hỏi bố nó: “Tại sao ông nội bị tù, có phải ông nội phạm tội hình sự không?” Con trai tôi cũng chỉ trả lời đại khái là sau khi miền Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản, nhà cầm quyền mới đã bắt tất cả các cựu sĩ quan quân đội và cựu công chức từ cấp chỉ huy thấp nhất đến cao cấp nhất đẩy vào các trại cải tạo để trả thù. Năm nay con trai tôi đã ngoài 40, nhưng không thể nào giải thích chi tiết với con gái nó về những gì đã xảy ra cho ông nội và những người bạn tù khác của ông nội đằng sau những cánh cổng nhà tù ấy. Thực ra, lúc tôi vào tù cải tạo, con trai tôi mới 6 tuổi và khi tôi trở về từ nhà tù thì nó đã là một thanh niên 19 tuổi và nằm trong danh sách những thanh niên không được đặt chân vào ngưỡng cửa của trường đại học vì cái lý lịch của tôi. Ðó là lý do tại sao tôi viết loạt bài này. Tôi hy vọng đây là một lời giải thích, một nhắc nhở với thế hệ thứ hai và thứ ba của không những người Việt Nam tị nạn ở hải ngoại mà còn ở trong nước để họ đối chiếu và so sánh khi cần. Ngày nay, chế độ lao tù ở Việt Nam có thể đã có nhiều thay đổi, nhưng tôi tin rằng mục tiêu của chế độ này cũng vẫn dựa trên nền tảng cũ: đàn áp và tiêu diệt khả năng đối kháng của con người trong chế độ toàn trị ở đất nước ấy. Tuy nhiên, tôi vẫn nhấn mạnh rằng loạt bài này chỉ phản ảnh cách nhìn của riêng tôi về một giai đoạn lao tù đặc biệt sau ngày miền Nam Việt Nam thất trận. Tôi viết là viết cho thế hệ con cháu tôi và chia sẻ với thế hệ con cháu của những bạn đồng tù khác, chứ không phải là bản lên tiếng, lên án hay cáo trạng gì cả và tôi không phản đối những cách nhìn khác.


Ðặt tên cho một lòng chảo

Cái tên này được các tù cải tạo vốn là những sĩ quan quân đội và các cấp chỉ huy trong công chức VNCH từ trưởng phòng trở lên và tù chính trị án nặng kể cả tử hình đặt cho một cái lòng chảo đặc biệt ở xã Xuân Phước thuộc quận Ðồng Xuân thuộc tỉnh Phú Khánh (tên gọi mới của tỉnh Phú Yên), nơi có trại cải tạo A-20. Từ ga xe lửa La Hai trên Quốc Lộ 1 muốn vào đến lòng chảo này phải vượt qua 60 cây số đường rừng, tức là phải vượt qua trạm cuối cùng nơi có một trại Lực Lượng Ðặc Biệt cũ thời chiến tranh cách A-20 khoảng 10 cây số, vượt qua một vòng đai gồm khu kinh tế mới và một vòng đai gồm gia đình công an và dân làng do Việt Cộng kiểm soát thời chiến tranh. Từ ga xe lửa La Hai vào đến trại, thân nhân các tù cải tạo phải lội qua rất nhiều con suối vào mùa mưa, trong đó nguy hiểm nhất là suối Lạnh, nước lên mấp mé bờ và chảy xiết. Về vị trí thì theo nhiều tù cải tạo rành về địa thế cho biết trại A-20 nằm trong một khu rừng già bên cạnh con đường mòn mới mà người Cộng sản gọi là Trường Sơn Tây bên này dãy Trường Sơn.


Thung lũng tử thần - Phần 2



A20 Vũ Ánh


Tờ Hợp Ðoàn ra đời trong bí mật ở A-20 Xuân Phước trong hoàn cảnh nào?

Chọn lựa ở xã hội bên ngoài sau khi người tù cải tạo được thả ra từ sau những cánh cổng nhà tù đã là một khó khăn huống hồ là những chọn lựa trong tù, nghĩa là trong một môi trường không thể có chọn lựa. Nhưng nếu bảo ở sau cánh cổng nhà tù, người tù không còn lựa chọn nào khác hơn là chấp nhận thì không đúng. Tuy nhiên, sự lựa chọn ấy chắc chắn sẽ là một quyết định khó khăn giữa hai thái độ: hoặc là thà chết để đứng thẳng lưng, hai là cứ cong lưng để sống. Tôi có thể nêu ra một điển hình mà chắc bạn nào từng sống ở cái địa ngục A-20 Xuân Phước trong thời kỳ từ 1979 cho đến 1984 chưa quên. Ðó là khi trưởng trại giam Thân Yên, người mà hôm “đón tiếp” chúng tôi khi chúng tôi bị giải giao đến trại đã ngồi vỗ tay rất hăng hái khi PÐN cựu sĩ quan Chính Huấn quân lực VNCH điều khiển anh em hát ca khúc “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” của Nguyễn Ðức Quang, đã ra lệnh thành lập đội Văn Thể, tức Văn Nghệ và Thể Thao tại Phân trại E. 

Thung lũng tử thần - Phần 3



A20 Vũ Ánh


Cái giá của những ngộ nhận!

Khi đã bị đẩy vào sau cánh cổng nhà tù cộng sản, chỉ có một số rất nhỏ ở một trại từ đầu cho đến cuối mùa, còn phần đông đều bị chuyển trại cứ khoảng một đến hai năm một lần đi các trại khác, ngoại trừ tù cải tạo bị “tuyển lựa” lên các trại A-20, A-30 và A-10. Khi phải đi qua nhiều trại cải tạo như vậy, các bạn tù khi gặp lại nhau ở trại mới thường hay hỏi thăm nhau tình hình sinh sống ở các trại khác. Có người nói trại này sống “thoải mái” hay “dễ thở” hơn, trại nọ “khắt khe, thù hận” nặng hơn vì các cán bộ quản trại đều là từ quê hương Nghệ An, Hà Tĩnh hay Ðồng Hới. Nhưng theo tôi, khi đã bị buộc phải sống trong các trại cải tạo thì chẳng có trại nào dễ thở hơn trại nào. Dễ thở, thoải mái hay không là tự mình. Anh sợ sệt đủ thứ kỷ luật khắt khe mà cai tù đặt ra thì ở trại cải tạo nào cũng nghẹt thở cả. Còn nếu anh tự cho anh là người tự do thì trại nào cũng dễ thở cả!


Thung lũng tử thần - Phần 4


A20 Vũ Ánh


Tết Nguyên Ðán 1984 đánh dấu sự thay đổi chế độ lao tù tại Việt Nam?

Tết Nguyên Ðán năm 1984, chúng tôi lại trải qua một cuộc “xóa bài làm lại” trong khu biệt giam của Phân trại E thuộc A-20 Xuân Phước, nghĩa là phải thay đổi chỗ ở sau một màn tất cả lần lượt “bị” lùa ra giếng nước ngay bên cạnh ao thả cá rô phi sau khu biệt giam. Trời Tháng Giêng ở thung lũng tử thần lạnh như có ai cầm dao cắt vào da, nhất là khi trời vào tiết Xuân, gió hiu hiu làm lay động hàng dừa trong sân trại. Cái lạnh thiên nhiên cộng với việc thiếu đường và chất béo từ 9 năm qua khiến cho buổi sáng ngày 30 Tết Nguyên Ðán năm 1984 trở thành buổi sáng không thể nào quên được trong đời. Chân tay anh em chúng tôi gần như tê liệt. Linh Mục Nguyễn Văn Vàng đứng như trời trồng trước cửa biệt giam số 5 khi ngài được trật tự mở còng cho đi tắm và làm tổng vệ sinh buồng giam. Một tu sĩ Công Giáo nhỏ con, lanh lẹ như một con sóc, nổi tiếng hùng biện và can trường như ngài mà chỉ mới hơn 3 năm bị cùm trong xà lim, thân xác không khác gì người tù Do Thái trong các trại tập trung của Ðức Quốc Xã hồi Thế Chiến Thứ Hai.


13.11.13

Bài điếu văn cho Trần Danh San một A-20 vừa ra đi vĩnh viễn!


A20 Vũ Ánh


San thân,


Dù đã đoán trước được ngày giờ này đến với bạn sẽ không xa cái ngày ở tôi và Vũ Hùng Cương đến thăm và ở lại tán gẫu với bạn cả buổi sáng tại bệnh viện. Buổi sáng hôm đó, tôi đã nghe bạn nói với người bác sĩ điều trị: “Dù muốn dù không tôi cũng sẽ ra đi, đừng lo lắng thái quá cho tôi”. Trần Danh San là như thế ! Coi cái chết nhẹ tựa lông hồng không phải chỉ ở vào thời điểm bạn đã nằm trên giường bệnh vì ung thư phổi mà ngay từ thời gian luôn luôn chúng ta phải đối mặt trực diện với kẻ thù từ những năm đầu của biến cố 30-4-1975. Tôi nhớ cái ngày chúng tháo cùm mở cửa xà lim để chuyển chúng ta vào khu chuồng cọp “sang trọng” hơn ở trại B, đôi cổ chân của bạn sưng lên như chân voi, cái dấu cùm 16 lún xuống thành hai cái vòng. Chúng ta đã kiệt sức và phải bám vào nhau để lết ra gốc hàng dừa phía sau khu biệt giam chờ lên xe để chuyển trại. (Khu biệt giam hay khu chuồng cọp phân trại B của A-20 Xuân Phước sang trọng hơn chỉ là mới hơn rộng hơn về bệ nằm nhưng chế độ ăn uống thì tệ hại hơn, nước uống được cấp phát dồi dào hơn nhưng nước muối mặn hơn nên dễ bị phù hơn. Tôi và Trần Danh San bị phù rất nặng đến mức cứ ngủ thiếp đi khi đang nói chuyện. Nếu ở ngoài các bạn bè tâm phục không liều chết tổ chức cho một người liều chết leo qua bức tường cao 4 thước có kẽm gai trước họng thượng liên của vọng gác tiếp tế thuốc vitamin B-1 cho chúng ta, chắc chúng ta cũng không thể sống nổi)

25.6.13

Thế đứng của một nhà tranh đấu trong tù Việt Nam!


Vũ Ánh

Có một câu chuyện xảy ra cách đây khá lâu khi người đạo diễn trẻ Hàm Trần làm cuốn phim “Vượt Sóng.” Việc một đạo diễn trẻ thuộc thế hệ người Việt tị nạn thứ hai thực hiện một phim với chủ đề liên quan đến trại cải tạo và những cuộc vượt biển của những thuyền nhân Việt Nam mà hy vọng đến được bến bờ tự do rất mỏng manh. 

Phải nói rằng cuốn phim này tương đối là một tác một tác phẩm gây được tiếng vang vì hình ảnh đẹp và những diễn viên hầu hết làm tròn được vai trò của họ trong các cảnh quay. Nhưng phần dựng cảnh và các nhân vật kịch làm tôi chú ý nhất. Chẳng hạn như trại cải tạo ở trong “Vượt Sóng” được kịch hóa như sau: sân trại bùn lầy nước đọng, nhà tranh vách đất, “chuồng cọp” (biệt giam) để ngay trước sân trại nhưng cái chuồng cọp này lại làm bằng gỗ. Ngày xưa, nếu như bọn cán bộ an ninh trại giam đưa tôi vào cùm trong cái chuồng cọp như được dựng trong phim “Vượt Sóng” là tôi mừng húm. Chưa bao giơ chúng tôi được ở những “Chuồng Cọp” hay “Hộp” như thế bao giờ cả.


9.6.13

Suy nghĩ qua vụ ông Trần Huỳnh Duy Thức bị biệt giam trong tù


Vũ Ánh


Tôi xin ghi lại nguyên văn một bản tin dưới đây được loan tải trên một vài cơ quan truyền thông Việt ngữ ở Hoa Kỳ và một số mạng chống chính quyền trong nước, không thêm, không bớt một chữ: “Tin từ gia đình người tù lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức cho biết trong tháng qua, gia đình đã đến trại giam Xuân Lộc để thăm anh như định kỳ hàng tháng. Nhưng lên đến nơi, các quản trại cho biết gia đình không thể gặp anh Thức và hẹn 10 ngày sau mà không nói lý do, ngày hôm đó phải ra về. Không yên tâm, gia đình lại tiếp tục đi thăm Thức vào hôm Chủ Nhật, và được biết công an trại đã thực hiện hành vi kỷ luật với người tù lương tâm, vì đã phát hiện anh Thức sử dụng một chiếc điện thoại di động. Công an cấm không cho anh Thức ra gặp gia đình như một hình thức trừng phạt. Gia đình anh Thức đã tỏ ra rất bất ngờ khi giám đốc trại cho hay hình thức kỷ luật là biệt giam và kéo dài trong 10 ngày. Gia đình đã cố gắng tìm hiểu rõ hơn nguyên nhân sự việc, cũng như hỏi thăm về điều kiện ăn uống, sinh hoạt khi biệt giam, nhưng các quản trại không cung cấp thông tin gì thêm và chỉ nói gia đình quay lại sau khi hết kỷ luật. Gia đình có yêu cầu họ lập biên bản ghi nhận việc gia đình không được gặp anh Thức do anh đang chịu kỷ luật, tuy nhiên họ từ chối. Nhưng họ cho phép gia đình viết thư tay theo yêu cầu để chuyển vào cho anh Thức. Mãi đến hôm qua anh mới hết bị biệt giam và được gặp gỡ người thân. Anh đã tỏ ra xanh xao và sụt cân thấy rõ. Anh cho biết bị nhốt trong một phòng rất nhỏ, không có cửa sổ, không được ra ngoài trong suốt 10 ngày, mỗi ngày được ăn 2 bữa với mỗi bữa là 1 chén cơm trắng và được phát 1 chai nước khoảng 1 lít mỗi ngày dùng chung cho mọi nhu cầu sinh hoạt. Anh còn bị cùm chân trong những ngày biệt giam.”

 *

16.5.13

Tại sao phải mặc quân phục khi VNCH và Quân Đội VNCH không còn?



Vũ Ánh

Dường như ngày 30-4 nào trong 38 năm qua, ngày mà một số người gọi là Ngày Quốc Hận thường là cơ hội cho hai lớp người đặc biệt: Các chính trị gia, các nhà hoạt động thích “spotlight” đọc diễn văn hô hào và những cựu quân nhân nào thích mặc quân phục quân đội VNCH có dịp mặc những bộ quân phục đặt may cho vừa kích thước thân thể của người lính già nay đầu tóc đã bạc phơ, thân hình đẫy đà hơn gấp hai, có khi gấp ba thời trai trẻ, đứng nhìn xuống chỉ thấy bụng. Cho nên dù có cắt may khéo léo cách nào đi nữa, bộ quân phục cũng không thể nào làm người mặc nó hùng dũng đầy sức sống như thời còn trai trẻ, bụng phẳng lỳ, tóc cắt ngắn ba phân, da dẻ sạm nắng lồng vào trong bộ quân phục tác chiến đã bạc mầu, dù có giặt ủi hồ thế nào đi chăng nữa nó vẫn không thể làm mất mùi khen khét của thuốc súng mang về từ chiến trận.

17.3.13

Vài suy nghĩ về vụ đánh tư sản



Vài suy nghĩ về vụ đánh tư sản mại bản
trong “Bên Thắng Cuộc” của Huy Đức


A20 Vũ Ánh

Trong trại tù A-20 Xuân Phước, tôi bị nhốt chung với những thành phần bị nhà cầm quyền tiếp quản gọi là tư sản mại bản người Hoa có tầm cỡ như Lý Sen, Lưu Trung, Trương Dĩ Nhiên. Trước đó, khi còn bị tập trung ở trại Z-30C Hàm Tân, tôi cũng lại có sống gần một bạn đồng tù mà anh em chúng tôi thường gọi đùa là ông “rùa vàng”, tức cựu thượng nghị sĩ VNCH Hoàng Kim Quy, một thượng nghị sĩ thân chính phủ, nổi tiếng vì hai chuyện: mỗi lần ông Nguyễn Văn Thiệu gặp khủng hoảng chính trị thì phủ Tổng Thống lại lôi ông cùng với những thượng nghị sĩ thân chính phủ khác lên đài truyền thanh và truyền hình để ông nói vài lời bênh vực, thứ đến ông có một người con trai khét tiếng vung tiền trong những chốn ăn chơi tại Saigon.

Bấy lâu nay, báo chí hay sách báo Việt ngữ tại quận Cam ít đề cập gì đến một sự kiện từng làm náo loạn đời sống của toàn bộ dân chúng Miền Nam Việt Nam là chiến dịch X-2 đánh tư sản mại bản, gian thương và cải tạo công thương nghiệp tư doanh. Phần lớn những bài báo hay những cuốn hồi ký chỉ chú trọng tới chuyện tù cải tạo và vượt biển. Khi tìm nguyên nhân khiến chính quyền VNCH thất bại, phần đông các tác giả chỉ có một lập luận: Miền Nam Việt Nam là một vùng đất tự do, dân chủ, quân đội VNCH là một quân đội hùng mạnh, thiện chiến, đánh đâu thắng đó nhưng cuối cùng VNCH thua trận vì bị Mỹ bỏ rơi, Dương Văn Minh lên nắm quyền có một ngày rưỡi và “dâng” Miền Nam Việt Nam cho Cộng Sản nên chúng ta mất phần đất từ vĩ tuyến 17 trở vào. Thật là giản dị và mọi người đều ngủ yên trên những lập luận này trong nhiều thập niên sau chiến tranh.

7.2.13

Câu chuyện một Ðặc Công hồi chánh



A20 Vũ Ánh 

Phải thật là khó khăn và qua khá nhiều thủ tục, tôi mới được gặp người bộ đội Biệt Ðộng Thành tên là Mừng, một trong những người thuộc toán biệt động thành có nhiệm vụ đánh chiếm đài phát thanh Saigon, tức đài phát thanh trung ương của Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia, vào Ðêm Giao Thừa Tết Mậu Thân 1968.

 Lý do là vì lúc đó anh ta đang bị giam giữ tại căn cứ 40, một trong những chi nhánh khai thác các tù binh phiến cộng của Hoa Kỳ tại gần trường đua Phú Thọ vào ngày mồng 3 Tết.

Trụ sở Ðài Phát Thanh Saigon tại số 3 đường Phan Ðình Phùng, góc Nguyễn Bỉnh Khiêm và Phan Ðình Phùng, bị sập 2/3 sau đêm giao tranh giữa lực lượng Nhảy Dù và lực lượng Biệt Ðộng Thành do Mừng chỉ huy, chỉ còn lại văn phòng tổng giám đốc và thư viện. Chúng tôi, những phóng viên và biên tập viên cần thiết được di tản lên làm việc tại Trung Tâm Phát Tuyến Quán Tre, nơi có một đài phát thanh phòng hờ khi đài trung ương bị nguy hiểm, do bị sập bởi Việt Cộng tấn công hay đảo chánh.

20.7.12

Chung quanh cuộc Hội Ngộ A-20 tại thung lũng Hoa Vàng



                                                                  Vũ Ánh


Nguyễn Đức Thành vẫn thư sinh, trắng trẻo, nhưng nghiêm túc, nói năng gãy gọn đâu ra đó. Bùi Đạt Trung một cựu sĩ quan BĐQ mà chúng tôi gọi thân mật là Trung “điên” lần này không điên tí nào cả. Anh duyên dáng trong một bài tù ca soạn theo thể kích động và đồng thời là một “quản ca” điệu nghệ như thời gian còn trong quân trường để điều khiển những bản nhạc hát chung được anh em A-20 hoan nghênh đặc biệt. Phạm Kim Minh lúc nào cũng lặng lẽ, ít nói, nhưng khi nói ra đều là những lời lẽ thẳng thắn nhiều khi làm người đối thoại phật lòng nhưng không thể bảo anh nói sai hay không thành thật chí tình được. Sự chính xác, ngắn gọn trong mỗi nhận xét của Minh là do được đào tạo trong các khóa học liên quan đến an ninh trong quân đội. Anh Thành đã cùng một số anh em khác làm việc trong một thời gian kỷ lục để tổ chức cuộc họp mặt lần thứ hai cho những anh em cựu tù cải tạo của trại A-20 Xuân Phước mà chúng tôi quen gọi là trại kiên giam, một từ ngữ khác của loại trại trừng giới. Sở dĩ phải gọi là trại kiên giam hay trại trừng giới là vì trại này là một trong những trại có những cách trừng phạt với mục đích trả thù tàn bạo đối với với những tù cải tạo được “tuyển lựa” từ những trại tù khác trên toàn lãnh thổ Việt Nam, những người mà nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam gọi là những thành phần “chỉ có lấy rìu bửa đầu ra chứ không còn có thể cải tạo được nữa” (Nhóm từ mà Lê Đồng Vũ một trung tá công an, trại trưởng trại kiên giam A-20 sử dụng khi nói với chúng tôi). Trên giấy tờ thì đám công an gọi những thành phần bị đưa lên trại A-20 Xuân Phước là những “đối tượng của Phương Án 4” theo cách phân loại đối tượng bắt chước kiểu cách của Liên Xô thời gian còn trại tập trung ở Tây Bá Lợi Á hay những trại lao cải của Trung Cộng.

12.4.12

Trại Trừng Giới A20


A20 Tống Phước Hiền

Kính thưa quý bạn đọc,

Những ngày hôm nay, 37 năm về trước, quê hương chúng ta đang đứng trên bờ vực nguy khốn. Bây giờ nhìn lại, chúng ta không khỏi ngậm ngùi thân phận quê hương, gia đình và chính chúng ta. Buồn đau thật nhiều, trách bạn và cũng trách chính mình!

Đây là thời gian, chúng ta nhìn về quá khứ , nhìn về quê hương trầm thống. Chúng ta cần bình tĩnh nhận định lại để tìm phương kế giải cứu quê hương.

Đã quá đủ cho những giòng lệ rơi vì tang tóc, nghiệt ngã, đoạn trường vì non sông trong  tay tay nội thù cộng sản Việt Nam.

Quê hương đang cần chúng ta hành động!

10.4.12

Các bạn A-20 thân quí,


         Sau cuộc họp mặt lần đầu tiên ở Little Saigon, có một vài bạn tù của chúng ta ở các trại khác hỏi tôi như thế này: "Bộ các anh hãnh diện vì cái tên trại giam của bọn đỏ hay sau mà lấy cái tên A-20 đặt trước tên của các anh". Tôi biết những người bạn của chúng ta hơi "bảo hoàng hơn vua" cho nên hỏi cắc cớ như vậy. Nhưng tôi mạn phép các bạn A-20 trả lời như thế này:
 "Những người nào chưa sống ở trại trừng giới hay còn gọi là trại Kiên Giam A-20 thì chưa hiểu được rằng cái trại này, nếu không có gì thay đổi từ bối cảnh bên ngoài, sẽ là nấm mồ tập thể của chúng tôi. Có thể nói, không trại nào có những đòn phép được chắt lọc từ những bộ óc siêu phàm của Cộng Sản về cách giết người từ từ và làm cho người tù cải tạo chết từ từ chỉ với hai chiêu sau đây: ăn thật đói, làm việc thật nặng, ốm đau không có thuốc, dồn người tù vào cảnh đói khát để mong chúng tôi kiệt sức dần dần, mất cảnh giác sẽ giày xéo nhau. Nhưng, chỉ một số rất nhỏ trường hợp, có thể vì hoàn cảnh hay không chịu được sự hành hạ, nên mới hư đốn, còn đa số tuyệt đối anh em A-20 vẫn vững tin,  đi thẳng lưng và sẵn sàng trả giá để bảo vệ nhân cách của mình. Và cho đến nay, mỗi khi nhắc tới một người tù nào của trại A-20, anh em chúng tôi vẫn còn nhớ rất rõ chúng tôi là ai, sống như thế nào trong trại giam, đã siết chặt tay nhau trước kẻ thù ra sao. Những A-20 chúng tôi khi nói với các con đã khôn lớn của mình không ngượng miệng: Bố là A-20".       

18.8.11

Đọc “Lối Cũ Chẳng Sao Quên” của Bích Huyền



A20 Vũ Ánh

Những đoản khúc của người góa phụ can đảm này được cất lên cùng với tiếng thở dài và những dòng nước mắt lặng lẽ trong những đêm thanh vắng, của những ngày tháng cũ, và của cả những ngày tháng hiện tại. Tôi đã nghe những đoản khúc nhẹ nhàng ấy nhiều lần trên làn sóng phát thanh của Đài Văn Nghệ Truyền Thanh và sau này trên các luồng sóng của một vài đài phát thanh khác. Nhưng khi đọc lại Lối Cũ Chẳng Sao Quên của Bích Huyền mới thấy trọn vẹn được bối cảnh những tùy bút mà bà mô tả.

Một điều dễ hiểu: tôi, chúng tôi, cũng như chồng bà đã trải qua, đã sống trong những bối cảnh ấy.

Bởi vậy, những ngôn ngữ mà bà sử dụng trong mẩu ký ức nhẹ nhàng về cả một quãng đời đau khổ của bà chính là một nỗi dằn vặt đối với chúng tôi. Vâng, tại sao chúng tôi lại không giữ nổi một mảnh đất đáng giữ như vậy, để cho sau khi đã hòa bình rồi còn có những người trở thành goá phụ? Không những thế, biến cố và những biển dâu mà chúng tôi góp phần tạo nên, nó đã biến những người phụ nữ như Bích Huyền, cũng như hàng triệu phụ nữ Việt Nam khác phải nối thêm cuộc đời bằng một đoạn đường long đong, cay đắng.

29.4.11

Phỏng vấn nhà báo Vũ Ánh







VIỆT NAM 1975… NHỮNG BIẾN ĐỘNG ĐỔI ĐỜI

*12-2-2010 The Kim Nhung Show với Nhà Báo Vũ Ánh. Phần 1
 


*12-2-2010 The Kim Nhung Show với Nhà Báo Vũ Ánh. Phần 2



 
*12-7-2010 The Kim Nhung Show với Nhà Báo Vũ Ánh. Phần 3






*12-7-2010 The Kim Nhung Show vi Nhà Báo Vũ Ánh Phần 4


*12-9-2010 The Kim Nhung Show với Nhà Báo Vũ Ánh. Phần 5
 


*12-9-2010 The Kim Nhung Show với Nhà Báo Vũ Ánh. Phần 6





*12-14-2010 The Kim Nhung Show với Nhà Báo Vũ Ánh. Phần 7





6.3.11

Tâm tình với các đồng đội A-20 Xuân Phước


Vũ Ánh

Tôi không phải là người đầu tiên được Hải bầu báo tin cho biết người bạn đời của anh đã ra người thiên cổ ở tuổi 60. Cái tật ít nghe lời nhắn trên cell khiến tôi chùng xuống vì ân hận khi vào sáng tinh mơ, Phạm Đức Nhì ở Galveston gọi cho tôi báo hung tin. Tôi không gọi cho Hải bầu, vì tôi biết trong giờ phút ấy, những lời an ủi chẳng có tác dụng gì giữa cái mất mát to lớn của người bạn tù thân thiết của mình. Hải làm ở gần tòa soạn tôi, thỉnh thoảng anh em gặp nhau để bàn về chuyện tổ chức gặp mặt vào Tháng Bẩy này. Tôi biết hoàn cảnh của Hải bầu rất khó khăn, tôi lại không giầu có gì, nhưng không hiểu sao vào giây phút khẩn cấp ấy tôi nghĩ  những anh em nào đã chia nhau từng miếng khoai hà, từng chén canh đại dương, canh giây thép gai, mắm đã có giòi trong những bữa cơm tù, từng nhìn thấy cảnh một bi thuốc lào mà bốn năm đứa chuyền tay nhau kéo, từng vá cho nhau những miếng vá trên các bộ quân phục đã bắt đầu mục rách… có thể giúp tìm ra một giải pháp.

26.2.11

Cải tổ-Va chạm-Thị phi



Vũ Ánh/Việt Herald
(02/24/2011)

Hôm ông Hoàng Đức Nhã, cựu Tổng Trưởng Dân Vận-Chiêu Hồi xuống thăm và vui xuân với anh em trong ban vận động để tổ chức ngày Hội Ngộ của gia đình Thông Tin-Dân Vận-Chiêu Hồi VNCH, chúng tôi mới có một chút thời giờ ôn lại một giai đoạn làm việc khá gắn bó với nhau vào một giai đoạn đất nước có nhiều biến chuyển hệ trọng liên quan đến vận mệnh của đất nước.

Trong hơn một thập niên làm việc trong ngành này, chúng tôi-được mệnh danh là những cán bộ trẻ tuổi vào lúc đó-đã trải qua nhiều đời tổng trưởng, từ hàng tướng lãnh, học giả, viên chức hành chánh, cho đến các chuyên viên hàng đầu. Tình thật mà nói, mỗi ông một vẻ, mỗi ông có cách đối phó, mỗi ông có thế lực chính trị riêng, đường lối chỉ đạo riêng, không ông nào giống ông nào. Vì thế, có nhiều cách nhìn về hiệu quả của công tác thông tin, dân vận và địch vận mà bên chính phủ gọi bằng từ ngữ chung “dân vận-chiêu hồi”.


6.1.11

Đầu năm, nhớ lại chuyện ăn cỏ kiểng trong tù cải tạo !



Vũ Ánh
(01/01/2011)

(Tặng những đồng đội cựu tù cải tạo trại A-20 và các trại khác)

Tôi không nghĩ là những người không ở trại trừng giới A-20 Xuân Phước, một trải cải tạo thuộc vào một trong những trại khắt khe nhất trên toàn cõi Việt Nam có thể biết cỏ kiểng là cỏ gì, tại sao gọi là cỏ kiểng và tại sao chúng tôi lại phải ăn cỏ kiểng. Nói thật với các bạn, gần đây có dịp đọc lại cuốn hồi ký của người tù Hỏa Lò John McCain, trong đó ông cho biết những tù binh Mỹ bị giam ở đây do không hiểu rau muống là gì nên đã gọi rau muống là “cỏ” và họ phản đối ban quản trị đã buộc họ phải ăn cỏ, nên tôi mới viết lại chuyện ăn cỏ kiểng vì một số anh em trong trại A-20 chúng tôi từ thập niên 80 đã phải ăn cỏ thật chứ không phải là “cỏ rau muống” như tù binh Mỹ tại Hỏa Lò. Cỏ đó chúng tôi gọi là cỏ kiểng. 


Gọi đó là cỏ vì chúng tôi không phải là nhà thực vật học nên không hiểu rõ loại lá cây mà chúng tôi ăn là lá gì nên gọi đại là cỏ cho được việc làng nước cốt, vì lá gì thì cũng chỉ cốt sao nhét đầy vào cái bụng cũng trống cho đỡ đói mà thôi. Nhưng tôi phải mô tả chi tiết một chút thì quí vị mới có thể hiểu được. Trại A-20 không phải chỉ có một trại mà có tới 4 trại khác nhau, mỗi trại cách nhau ba bốn cây số và đều do các tù nhân của chuyến trở về từ Guam của tầu Việt Nam Thương Tín xây dựng. Trại E là trại chúng tôi phải sống lúc đầu, là trại ngoài cùng, khang trang nhất, nhà ngói, vườn rau, ao cá và những hàng dừa thẳng tắp, nhưng lại là trại ghê gớm nhất, với kỷ luật khắt khe với việc trừng phạt trong cuồng cọp tối đa có khi tới 5 năm, nhất là vấn đề thăm nuôi, gởi quà qua bưu điện cực kỳ khó khăn.

3.12.10

Vĩnh biệt Cao Xuân Huy!



(11/17/2010)

Tôi gặp anh lần chót là tại đài SBTN cách đây hai tuần. Lúc đó, Cao Xuân Huy đã yếu lắm rồi, da đã như nghệ vàng, đi phải có người dìu. Chúng tôi bắt tay nhau và lần đầu tiên Huy nói: “Yếu lắm”. Khi nhận được e-mail của Vũ Đình Trọng báo tin Cao Xuân Huy vĩnh viễn ra đi, tôi không ngạc nhiên, nhưng xót. Cái xót xa đến từ nỗi hoài nghi lâu nay trong lòng: Phải chăng những người ngay thẳng và lương thiện như Cao Xuân Huy thì đời gặp toàn sóng gió, khốn đốn? 

Buổi tối, trước khi viết bài này, tôi đọc lại “Tháng Ba Gãy Súng” của anh. Tôi và Cao Xuân Huy chưa phải là đôi bạn thân, chỉ là đồng nghiệp báo bổ, nhưng rất quí mến nhau. Phải sống lâu trong cộng đồng này, người ta mới hiểu lý do tại sao những điều Cao Xuân Huy kể lại trong “Tháng Ba Gãy Súng” đã làm cho một số người không thích, không vui, thậm chí không ưa anh. Anh nói thật quá, sự thật được trình bày rất nhân bản dựa trên những kinh nghiệm mà anh trải qua trong đời lính ở vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến. 

14.11.10

Khi ông Trần Thiện Khiêm trở lại với cộng đồng!



(10/08/2010) 

Hồi còn nằm trong tù Cộng sản, anh em chúng tôi thường an ủi và khuyến khích nhau giữ vững tinh thần bằng những “hot news”, một thứ Anh ngữ tự chế để chỉ những tin tức nóng bỏng thẩm lậu từ ngoài vào trại qua con đường thân nhân thăm nuôi. Ở trong nghề, tôi hiểu những tin tức do những bạn tù với tôi đem vào trại sau những lần thăm gặp gia đình là những tin vô căn cứ, nhiều khi buồn cười vì mang nhiều tính khôi hài, do chính các bạn tôi “chế”ra, hoặc do chính thân nhân cũng chỉ nghe tin đồn đại thôi, nhưng vẫn nói cho người thân của mình biết để nuôi hy vọng hầu giúp họ vượt qua những hoàn cảnh khốn khó trong chốn lưu đầy.