6.10.12

Trại Kiên Giam – Nguyễn Chí Thiệp: Chương 18



Chương Mười Tám


Tôi được thả ra khỏi trại cải tạo Long Khánh ngày 13 tháng 2 năm 1988 tức là 26 tháng chạp năm Đinh Mão. Lần thả tù này được quảng cáo rầm rộ để chứng tỏ với dư luận trong và ngoài nước chính sách cởi mở của Nguyễn Văn Linh. Chúng tôi được xe đưa đến tận Ty Công An Quận Hai để nghe Phó Giám đốc Công An Thành Phố nói chuyện. Ngoài nội dung tuyên truyền về chính sách cởi mở, y lưu ý chúng tôi hai điểm, thứ nhất là đừng quá ngạc nhiên về sự thay đổi của xã hội và ngay cả gia đình chúng tôi, thứ hai đừng lo lắng về cán bộ công an phường quận, cán bộ những đoàn thể nhân dân sẽ thường xuyên thăm viếng chúng tôi tại nhà. Chúng tôi sẽ không bị quản chế và được nhập hộ khẩu tại thành phố ngay sau dịp nghỉ Tết. Không bị quản chế và được nhập hộ khẩu là những thay đổi rất quan trọng đối với người tù cải tạo được về. Trước đây một người tù về địa phương phải chịu chế độ quản thúc rất chặt chẽ, mỗi người phải giữ một quyển sổ ghi công việc hàng ngày và sự quan hệ tiếp xúc với người khác trong ngày, cuối mỗi tuần phải đưa lên công an phường để đóng dấu chứng nhận. Muốn đi khỏi địa phương phải xin phép, và chỉ được cho đi trong thời gian vài ba ngày. Người bị quản chế thường bị huy động đi làm những công việc lao động nặng nhọc và bị nhục nhiều hay ít tùy tính tình của những tên công an phường, xã, luôn luôn muốn chứng tỏ quyền uy trên người chiến bại. Có được hộ khẩu tại Sài Gòn không phải là điều dễ; trước đây người tù cải tạo về bị bắt buộc phải đi kinh tế mới, nếu nấn ná sống ở Sài Gòn là tạm trú và tùy vào khả năng xoay xở đút lót của gia đình cho trưởng công an phường xã và công an khu vực.



Ra khỏi cổng Ty Công An Quận Hai không có người nhà trong đám đông đi đón thân nhân, tôi gọi một chiếc xích lô để về nhà ở đường Trương Minh Ký, Gia Định. Chợ Bến Thành nhộn nhịp người đi lại nhưng hàng quán lèo tèo, không có dãy hàng bán quảng cáo đồ Tết nên kém màu sắc và mất vui. Người đi bộ, đi xe đạp, một ít đi xe honda và thỉnh thoảng mới có một chiếc xe hơi của nhân viên nhà nước hay các cơ sở kinh doanh thương nghiệp hợp doanh; tư nhân chưa được phép sử dụng xe hơi.

Người phu xe nói Sài Gòn mới có sinh khí trở lại trong khoảng hơn một năm kể từ đầu năm 1987, tư nhân được mở cửa hàng buôn bán lẻ, hàng ngoại quốc gởi về theo những thùng quà gia đình được bày bán công khai, trước kia chỉ bán chui ở chợ trời. Nếu có tiền có thể mua được nhiều loại hàng tiêu dùng của khắp các nước trên thế giới, nhưng rất ít người làm ra tiền, trừ những người có thân nhân ở ngoại quốc gởi cho đều đặn thì có thể có mức sống sung túc hoặc là sung sướng, hoặc dân buôn bán chợ trời mánh mung và cán bộ chính quyền có lợi tức bất hợp pháp. Hầu hết người dân đều đói khổ, tiền làm không có, giá hàng hóa lương thực khá cao. Ở thành phố, nghề đạp xích lô được xem là có lợi tức khá nhất, nhưng một chiếc xích lô thường là do hai người thay phiên nhau đi; những người cải tạo về sớm, bác sĩ, dược sĩ, trí thức đều đạp xích lô, nhưng sau công đoàn thành phố thấy nghề xích lô nhiều lợi tức nên không cấp giấy phép cho những người đi cải tạo về sau, vả lại số lượng xích lô có giới hạn, nên dù không bị ngăn cấm thì cũng không thể tìm được người phu xe có xe rảnh cho mình đạp ở thì giờ họ nghỉ ngơi. Tù cải tạo về chuyển qua nghề xe ôm, gia đình nào còn giữ được chiếc honda có thể kiếm sống qua ngày, nếu phải dùng xe đạp để chở người thì quá vất vả và ít khách.

Xe chạy qua đường Đoàn Thị Điểm, trên lề đường gần trường nữ trung học Gia Long mặt lề rộng nên người nằm ngủ la liệt, có rất nhiều đàn bà và trẻ con nằm ngủ, có người mặc cả áo dài nằm ngủ, đầu gối trên một bao nhỏ và che nắng bằng nón lá. Đó là dân đi vùng kinh tế mới trở về, không nhà cửa, sống lang thang gầm cầu xó chợ, công viên lề đường. Tình trạng này kéo dài từ năm 1976 đến nay trở thành vấn đề nan giải. Lúc đầu công an hành quân bắt nhốt, đưa trở về vùng kinh tế mới hoặc đưa đi cải tạo, nhưng những biện pháp đó chỉ có hiệu quả với đàn ông, đàn bà và trẻ con thì họ vẫn kéo dài từ năm này qua năm khác, cuối cùng rồi công an cũng mệt mỏi làm ngơ. Những người này kiếm ăn bằng đủ thứ nghề, con nít thì bới đống rác tìm phế liệu phế phẩm để bán, hoặc móc túi, cướp giật. Phụ nữ còn trẻ thì lén lút hành nghề mãi dâm, họ rước khách và giải quyết tại bất cứ nơi nào, nhiều khi không cần phòng, nơi góc đường tối, cầu tiêu công cộng, các công viên, nhất là vườn Tao Đàn, công viên Chiến Thắng trước Tổng Tham Mưu cũ, công viên Hòa Bình tại ga xe lửa giữa đường Lê Lai và Phạm Ngũ Lão. Những em bé gái còn quá nhỏ chưa bán được thân, phải làm “đào xào”, tức là chỉ để cho đàn ông sờ mó thân thể lấy tiền nuôi thân và nuôi gia đình.

Những người phu xích lô ở thành phố thường là những người rất rành về mặt trái của sinh hoạt xã hội, anh tiếp tục kể cho tôi nghe về tình trạng mãi dâm phổ biến quá nhiều ở thành phố, hơn hẳn thời kỳ trước 1975, tình trạng thê thảm đến nỗi có em làm nghề từ lúc mười ba, mười bốn tuổi và có những trường hợp oái oăm khi chính người chồng thất nghiệp phải đi rước mối và canh cửa cho vợ tiếp khách. Tôi nghe người phu xích lô nói mà nổi da gà; tôi không thể tưởng tượng xã hội suy sụp đến như vậy. Trước năm 1975, Việt Nam đang chiến tranh, với hơn một triệu lính và hơn nửa triệu quân đội đồng minh xa gia đình, tình trạng mãi dâm đã quá trầm trọng, và chính cộng sản đã xem tệ nạn này là một lợi khí tuyên truyền nhưng cũng chưa có những trường hợp bi đát như anh phu xe đã kể. Sau hơn mười năm nắm chính quyền, cộng sản có còn đổ cho tệ nạn mãi dâm là “tàn dư của chế độ Mỹ-ngụy” hay không? Và chắc chắn đó không phải là sự thay đổi xã hội mà tên phó giám đốc Công An Thành Phố muốn nói với chúng tôi. Tôi hiểu điều hắn muốn nói với chúng tôi là sự đổ vỡ của gia đình một số người tù, một điều không thể tránh khỏi khi thời gian tù đày quá lâu, hoàn cảnh xã hội thay đổi đột ngột, khó khăn kinh tế dồn dập và sự cố tình của đảng cộng sản muốn đẩy mạnh sự phá vỡ gia đình của tù nhân trong chính sách trả thù và làm thay đổi tận gốc xã hội miền Nam.

Ở nhà được hai hôm, bạn bè cũ đến thăm, Trần Quí Hùng và Trịnh Thiều cho biết Kiều Trinh từ Hoa Kỳ về muốn mời tất cả bạn bè còn ở Sài Gòn dự bữa tiệc họp mặt tối 28 tháng Chạp tại nhà hàng Nguyễn Tri Phương. Hầu hết bạn bè trong những khóa học gần với Kiều Trinh còn ở Sài Gòn đến tham dự, khoảng gần 50 người. Kiều Trinh du học từ 1972 và tốt nghiệp bằng tiến sĩ kinh tế năm 1975, từ Mỹ về Sài Gòn đãi tiệc họp mặt bạn bè công khai cũng là một điều lạ, nhiều anh em tò mò đi tham dự vì có nhiều người tôi biết không thân Kiều Trinh lắm, vả lại trong hoàn cảnh chính trị tại Việt Nam, dù có chính sách cởi mở cũng là một điều đáng ngại.

Đối với tôi, đây là một cuộc vui, có dịp để cùng một lúc gặp gỡ nốt số đông bạn bè sau nhiều năm xa cách và để hiểu biết cuộc sống của họ trong xã hội mới ra sao. Hầu hết đều đã qua nhiều lần vượt biên tiêu tan hết tài sản, làm đủ mọi nghề để sống, tương đối khá nhất là nghề bán thuốc tây ở chợ trời.

Biết anh em thắc mắc về mục đích buổi họp mặt, Kiều Trinh luôn miệng nhắc nhở bạn bè đây chỉ là một cuộc họp gặp gỡ riêng tư, trên tình bạn mà thôi; sau khi gặp chúng tôi Trinh sẽ về Huế thăm nhà và đi du lịch Hà Nội cho biết.

Tôi hỏi thăm tin tức về các bạn bè đang sống ở Mỹ, Trinh trả lời tôi rằng anh ít giao thiệp bạn bè cũ vì bị họ tẩy chay, họ nghĩ Trinh theo Việt Cộng. Thấy bạn dấu đầu hở đuôi tôi hỏi tiếp:

- Bạn ở nước ngoài, là người học thức, chắc là theo dõi và hiểu nhiều về những vấn đề thời cuộc, chính quyền cộng sản đang công bố chính sách đổi mới, vậy tôi có cần vượt biên không?

Trinh hỏi lại tôi:

- Bạn ở tù lâu quá nên cay cú chăng?

Không giận vì câu hỏi quá ấu trĩ của một người bạn có học thức và bằng cấp cao, tôi thấy cần phải cho bạn hiểu rõ hơn nên kiên nhẫn nói tiếp:

- Bạn hỏi câu đó là bạn khinh tôi quá, kẻ chiến bại bị kẻ chiến thắng cầm tù mà cay cú là không công bằng. Những người tù chúng tôi không tiếc vì bị ở tù nếu thực sự chế độ cộng sản cần thiết cho một giai đoạn lịch sử dân tộc, và có thể phát triển được đất nước. Đằng này ngược lại, trong hơn mười ba năm qua, toàn thể xã hội đi xuống và đa số người dân đều biết rõ điều đó.

Trinh nói:

- Sau mười mấy năm cải tạo bạn vẫn còn bướng như thời sinh viên.

Tôi chọc bạn:

- Cám ơn bạn đã khen tôi, một tên cán bộ trong trại tù cũng đã nói với tôi như thế. Bạn đậu tiến sĩ mà cũng chỉ nhận xét được như một tên cán bộ quản giáo thôi thì ít quá. Tôi hỏi bạn rằng tôi có cần vượt biên không?

Trinh đáp:

- Tôi nghĩ thời gian ngắn nữa Nguyễn Văn Thiệu hay Hoàng Đức Nhã cũng có thể về Việt Nam an toàn.

- Bạn cũng chưa đi đúng câu hỏi, cuộc đời thay đổi, con người cũng thay đổi, có thể Nguyễn Văn Thiệu hay Hoàng Đức Nhã về an toàn mà một người khác không an toàn hay là tôi không có thể ở được thì tính sao? Hơn mười năm rồi mà chúng ta còn chưa đổi được một lối suy nghĩ theo đúng tình thế mới. Bạn ở Mỹ mà vẫn suy nghĩ theo kiểu “Sài Gòn nối dài”.

Trinh nói:

- Tôi không hiểu ý bạn.

- Rất dễ hiểu, có thể trong điều kiện nào đó, chính phủ cộng sản thấy Nguyễn Văn Thiệu và Hoàng Đức Nhã về nước hay cộng tác có lợi thì họ vẫn cho về và có thể mời về. Trước khi chiếm miền Nam, cộng sản xem Nguyễn Văn Thiệu là kẻ thù chính nên tuyên truyền triệt hạ Thiệu và tìm sự ủng hộ của người dân miền Nam bất mãn chế độ Cộng Hòa. Ngày nay, đối tượng cần áp chế để củng cố quyền lực cộng sản là người dân, người dân là kẻ thù chính của họ, dân chúng đã nhìn rõ mặt thật và muốn thay đổi chế độ. Nguyễn Văn Thiệu hay bất cứ chính trị gia cũ ở miền Nam không được dân chúng ủng hộ cũng có thể trở thành đồng minh giai đoạn của chính quyền cộng sản. Do đó, Nguyễn Văn Thiệu, Hoàng Đức Nhã, Nguyễn Khánh, Nguyễn Cao Kỳ v.v... là những người cộng sản có thể mời về, để chứng minh họ được người quốc gia hợp tác. Thiệu, Kỳ, Khánh, Nhã v.v... không phải thực sự là người quốc gia, những người này chỉ lo cho bản thân của họ. Cộng sản là một tổ chức chỉ úy kỵ những người có uy tín trong dân, có khả năng tập hợp dân chúng thành tổ chức để xây dựng đất nước. Các cá nhân có nhiều tham vọng mà ít uy tín, nếu cần, cộng sản sẽ xem như là đồng minh. Vấn đề chính ở Việt Nam và lịch sử Việt Nam không thể được suy nghĩ đơn giản trên một vài cá nhân. Chúng ta nên bỏ tất cả mọi thiên kiến, quyền lợi, ước muốn riêng tư, thật sự khách quan để suy nghĩ về những vấn đề trọng đại của đất nước. Thời điểm lịch sử đã đến và những người có thể làm được việc đó là những người có may mắn là đi học nhiều, có điều kiện thuận lợi như bạn. Chắc các bạn ở đây cũng như tôi đều biết bạn là ai, nhưng không ai nói, chỉ có tôi mới ở trong nhà tù ra nóng hổi chưa mất hơi tù nên mới nói - có thể làm phật ý bạn - xin lỗi, bỏ qua chuyện nhức đầu đi.

Tôi không nghĩ Kiều Trinh nhận một công tác tuyên truyền của cộng sản, với chúng tôi là những bạn cũ, nhưng chắc chắn để có thể mời chúng tôi, những nhân viên của chế độ cũ đi cải tạo về, đến dự một bữa cơm công khai tại một nhà hàng ở Sài Gòn, Kiều Trinh cũng đã được phép của Sở Công An Thành Phố.

Tết đầu tiên ở ngoài xã hội đối với tôi không vui vẻ gì, chỉ còn hai vợ chồng trơ trọi, hai con tôi đều đã đi xa, tôi lo lắng vì Đoan Trang còn quá nhỏ dại ở trong trại tỵ nạn tại Thái Lan. Tôi chưa về Đà Nẵng thăm gia đình để lạy mộ bà nội và mẹ tôi. Tôi là đứa cháu, đứa con bất hiếu. Bà nội và mẹ tôi đã lo lắng dành rất nhiều yêu thương cho tôi mà tôi chưa hề đáp được mảy may. Tôi phải ở lại Sài Gòn để chờ làm xong các thủ tục nhập hộ khẩu mới đi được. Đêm giao thừa Mậu Thìn, Sài Gòn đốt pháo thật nhiều. Dân Việt Nam dù nghèo đói đến đâu, dù phải thiếu nợ nhưng họ vẫn tổ chức đón Tết long trọng, nhà nào cũng đốt pháo. Mùa xuân là một mùa hy vọng sẽ đổi mới cho mỗi người, cho mỗi gia đình và hy vọng đổi mới cho xã hội. Xác pháo hồng trộn lẫn với cánh hoa mai vàng rơi rụng thành màu sắc rực rỡ trên nền đất. Tôi hy vọng rất nhiều vào tương lai, luôn luôn tôi có niềm tin là đất nước Việt Nam sẽ có ngày hưng thịnh trở lại, và toàn dân Việt Nam sẽ đứng lên làm một cuộc vận động lịch sử mới cho dân tộc, tất cả hầu như đã sẵn sàng chỉ còn chờ một hiệu lệnh phát khởi. Tôi tin vào sự trưởng thành của dân chúng và trong vận hội mới đó sẽ lọc lựa được những người đủ tài trí, thực tâm đối với con người, xã hội và đất nước thành người lãnh đạo tương lai và sẽ tự động đào thải những thành phần cơ hội, hoạt đầu tham vọng cá nhân. Hoàn cảnh chính trị Việt Nam không có ngay được những người lãnh đạo có uy tín nên phải xây dựng lãnh đạo từ hành động và chỉ có người dân mới làm được một cuộc lựa chọn đó. Chỉ có lòng chân thành, còn mọi thủ đoạn, mánh lới, xảo trá vặt vãnh, bịp bợm đều đã lỗi thời - những cái đó chỉ có Hồ Chí Minh là sử dụng thành công và đã chết theo ông ta rồi. Những ai còn bắt chước theo Hồ Chí Minh sẽ trở nên những tên hề lố bịch trước sự phán xét sáng suốt của người dân. Trong tương lai, chính người dân quyết định người lãnh đạo và tương lai đất nước qua sự phổ thông đầu phiếu.

Ngày mùng 5 Tết, theo đúng lịch trình, đến phòng chính trị Sở Công An Thành Phố, chúng tôi được cấp giấy chứng nhận nhập hộ khẩu. Thủ tục dễ dàng theo đúng lời hứa của Phó Giám Đốc Công An Thành Phố. Đem giấy chứng nhận về nộp tại phường để ghi vào hộ khẩu. Phường 11 quận Tân Bình nằm ngay trước gia đình tôi thuê ở trên đường Trương Minh Ký Gia Định nay đổi tên là Lê Văn Sỹ. Văn phòng phường trang trí sạch sẽ, nhân viên làm việc ăn mặc gọn gàng sang trọng áo trắng muốt, bỏ vào trong quần tây loại vải ngoại quốc đắt tiền, so với thời kỳ năm 1975, 1976 thay đổi nhiều lắm. Lúc đó cán bộ cộng sản hành chánh, công an hay quân đội đều ăn mặc luộm thuộm, quần tây vải ka-ki Nam Định, áo đủ loại hàng vải, lúc nào cũng nhàu nát như mới nằm ngủ dậy; các văn phòng thì lẫn lộn giữa công và tư, áo quần phơi đầy ngay trên lan can hay cầu thang.

Người cán bộ trung niên đeo kính trắng trễ xuống mũi, đọc xong hồ sơ của tôi, ngước nhìn thẳng mặt tôi hỏi:

- Anh không biết hút thuốc à?

Tôi tròn mắt ngạc nhiên vì câu hỏi không dính líu đến công việc tôi xin trong đơn. Thấy tôi ngạc nhiên hắn nhìn tôi chòng chọc, tay phải cầm bút chì gõ nhịp trên bàn, lập lại câu hỏi:

- Tôi hỏi anh có biết hút thuốc không?

Tôi như chợt tỉnh, nhớ bao thuốc đen hiệu Đà Lạt hút giở trong túi áo, vừa rút bao thuốc ra vừa trả lời:

- Báo cáo tôi có hút thuốc.

Tôi chìa bao thuốc ra:

- Mời cán bộ hút thuốc.

Hắn đưa tay rút ra một điếu thuốc, xong đưa điếu thuốc lên ngang tầm mắt, làm điệu bộ ngắm nghía, gục gặc cái đầu và hỏi tôi:

- Anh mời tôi hút thuốc này, tôi hút đầu nào?

Các tên cán bộ ở trong phòng cười rộ lên, tôi càng ngơ ngác không hiểu họ muốn gì cả.

Hắn nhìn tôi rồi xoay qua hỏi tên cán bộ trẻ tuổi ngồi bên cạnh:

- Ê, Năm, thuốc này mồi ở đầu nào?

Cán bộ tên Năm nói:

- Thuốc này em cũng không biết mồi đầu nào.

Trong phòng lại cười rộ lên. Tôi thực tình không hiểu gì hết, ngoài việc cảm thấy bọn họ đang chế giễu tôi, tôi thấy nóng ở mặt nhưng cố nuốt cái nghèn nghẹn nơi cổ, đứng lặng thinh.

Tên cán bộ ném điếu thuốc vào sọt rác xong nói với tôi:

- Ngày mai anh trở lại.

Tôi bước ra, ngay lúc đó một người đàn bà vào trình giấy. Tự nhiên tôi đứng lại nhìn bà ta để xem họ đối xử thế nào. Người đàn bà trình giấy xong ngồi xuống ghế mở bóp lấy ra hai bao thuốc lá hiệu ba số 555, đưa một bao mời tên cán bộ nhận đơn, hắn không ngước nhìn lên, đưa tay kéo bao thuốc vào trong hộc bàn. Người đàn bà tiếp tục mở bao thuốc thứ hai mời hắn một điếu, xong đưa mời mỗi tên cán bộ trong phòng mỗi người một điếu.

Tôi chợt hiểu, đó là thủ tục đi trình xin giấy tờ. Về đến nhà tôi kể lại chuyện đi xin giấy và mời thuốc để xác nhận lại sự nhận xét của tôi. Vợ tôi nói đã lâu không có việc gì phải xin giấy nên quên dặn tôi trước. Theo thủ tục hiện tại muốn xin bất cứ loại giấy tờ gì phải mang theo hai bao thuốc, phải là loại thuốc nhập cảng đầu lọc mới đúng như người đàn bà đã làm tại phường. Nếu việc không quan trọng như vậy là đủ, việc quan trọng người nhận đơn sẽ nói thẳng phí tổn phải đóng là bao nhiêu chỉ vàng hay bao nhiêu cây vàng - mời thuốc gọi là thủ tục vì nhân viên cán bộ bây giờ đã giàu có, họ không cần thuốc để hút như thời gian mới ngồi vào chính quyền; nhưng mời thuốc để chứng tỏ người dân biết “kính trọng” quyền uy của họ. Thuốc mời phải là thuốc ngoại quốc đầu lọc, thuốc đen họ chê, điều này đã trở thành nếp sống văn hóa mới.

Mỗi ngày đúng 8 giờ sáng người công an khu vực đến nhà gọi là để thăm tôi. Hôm mồng một Tết vợ tôi lì xì 10 ngàn - nhận tiền xong hắn trở nên lễ phép - gọi tôi bằng anh xưng em. Ngoài đời có tiền thì cũng sướng - mới ngày nào trong trại cải tạo những cán bộ trẻ đáng con em gọi tù là mày xưng tao. Mỗi ngày hắn đến thăm tận nhà, tôi phải ngồi tiếp, chẳng có gì để nói ngoài những lời thăm hỏi xã giao. Uống xong ly cà phê và hút xong hai điếu thuốc (đầu lọc) - tôi mời đúng thủ tục xong, 9 giờ, hắn chào tôi qua thăm ông Phạm Thái cũng mới ở Hà Nam Ninh về đến Sài Gòn hôm 15 tháng 2 tức sau tôi hai ngày. Tên công an khu vực mỗi ngày đều làm đúng chương trình thăm viếng mỗi nhà một giờ. Đến thứ sáu thì hắn thông báo ngày thứ bảy có nhân viên công an từ phường đến, và 2 tuần một lần công an quận Tân Bình đến thăm. Việc tiếp người nhà nước đến thăm trở thành một sự phiền phức. Vừa tốn hao, vừa phải ngồi nói và nghe nói những lời giả dối với nhau. Đó là một hình thức kiểm soát mới thay cho quản chế, nhưng dù sao cũng đỡ hơn chế độ quản chế.

Tôi ngỏ ý xin phép về thăm gia đình ở Đà Nẵng được công an phường đồng ý cho phép tôi đi một tuần. Tôi đã hiểu các thủ tục xin giấy, nên không có trở ngại khi xin giấy phép đi đường ở phòng công an phường. Các đặc điểm của người trưởng công an phường là khi nhận giấy và thuốc lá của tôi anh ta rất lạnh lùng, không vồn vã thân thiện như lúc đến thăm tại nhà. Cuộc sống giả dối của xã hội khiến cho con người trong xã hội đó diễn xuất rất tài tình và tự nhiên.

Trong khi chờ đợi ngày về Đà Nẵng, tôi được tự do đạp xe đi thăm bạn bè và xem sự biến đổi của Sài Gòn. Đời sống thay đổi dễ sợ, không riêng gì cách sống và khung cảnh sống thay đổi, mà tâm tính con người cũng thay đổi. Hầu như mọi người đều trở nên quá thực tế, người ta chỉ nói đến gạo cơm, tiền quà gởi từ ngoại quốc và than thở vì vật giá leo thang. Xã hội hình thành những giá trị mới, những công nhân viên nhà nước ở vị trí làm được nhiều tiền được trọng vọng. Những người buôn bán chợ trời chụp giựt trao đổi những món quà từ ngoại quốc gởi về hay những món hàng xuất kho nhà nước bất hợp pháp trở thành những người dân có ưu thế. Họ đi lại với công nhân viên dễ dàng, và họ chiếm lãnh một khu vực chi tiêu từ nhà hàng ăn tư nhân mới được mở trở lại, đến những sàn nhảy ở các Câu Lạc Bộ và các nhà nhảy đầm ở các quận mới được mở ra. Sân khấu ca nhạc và phòng chiếu phim video mọc lên như nấm trong chương trình ba lợi ích kinh tế. Những người có thân nhân ngoại quốc gởi tiền đều đặn là những người sung sướng, nhiều người mơ ước vị trí của thành phần này, vừa có tiền chi tiêu, không làm việc, chờ đợi được đi đoàn tụ với thân nhân, thoát cũi sổ lồng. Mỗi đứa con đi vượt biên đến nơi chốn đánh giá phúc phần của gia đình, mỗi thùng quà hay món tiền gởi về đánh giá lòng hiếu thảo của con cái hay sự thủy chung của vợ chồng đã ra đi. Xe gắn máy hiệu Cub, hiệu Dream tiêu biểu cho sự sang trọng của chủ nhân. Trong khi đại đa số dân chúng càng ngày càng nghèo khổ, phải kiếm ăn bằng nhiều cách, thông thường nhất là bán quà vặt và thuốc lá lẻ, có rất nhiều em gái nhỏ tuổi 14, 15 bỏ học đi bán thân nuôi gia đình thì thiểu số người có ưu thế ăn chơi xa xỉ. Phong trào chống đối hình như lắng xuống, đa số người dân phải lo sinh kế hoặc quay cuồng hưởng thụ trong lối sống mới. Phần vì những người chống đối đã bị bắt quá nhiều mà không có được một hành động có kết quả cụ thể để tạo niềm tin. Phần Việt Cộng đã thành công khi tạo ra những tổ chức chống đối giả để bắt người có tư tưởng chống đối nên dân chúng đã nhìn các phong trào chống đối ít thiện cảm và nghiêm túc, có nhiều người nghĩ về hành động chống đối là một việc làm vừa như điên cuồng vừa không thực tế. Kỹ thuật tiêu diệt sức đề kháng của người dân như thế, vừa trấn áp cho người dân sợ, vừa làm cho người dân có tư tưởng phi chính trị.

Thật đáng tiếc cho chế độ cộng sản đang mất lòng dân, mất niềm tin cả hàng ngũ đảng viên, gặp khó khăn về kinh tế và ngoại giao chỉ còn chờ giờ sụp đổ, nhưng đối lực còn quá yếu, chưa có ai làm phát khởi cuộc đấu tranh.

Tại Đà Nẵng, bạn bè cũ đi cải tạo về sống thê thảm hơn ở Sài Gòn nhiều. Có người về đã 10 năm vẫn còn bị đối xử phân biệt, sống tận cùng đáy xã hội, một xã hội đói rách, nghề được anh em làm nhiều nhất là nghề chở khách bằng xe đạp. Trời tháng Giêng lạnh như cắt, nửa đêm còn đứng đợi khách ngoài vòng rào bến xe, mình khoác một mảnh vải nhựa mong manh. Rước khách bằng xe đạp không được vào bến xe vì không hợp pháp như phu xích lô. Những người đi xe đò thường xuyên chịu khó xách hành lý ra ngoài hàng rào bến xe ngồi sau xe đạp thồ giá chưa bằng một nửa giá xe xích lô. Nhìn bạn, nghĩ đến thân phận mình mới ở tù về chưa được một tháng, tôi trào nước mắt. Nếu không có gia đình ba tôi giúp đỡ tôi sẽ ra sao, tôi không có cả chiếc xe đạp đi rước khách trong đêm lạnh lẽo. Cái nhục của kẻ chiến bại kéo dài suốt đời chăng? Những ngày ở trong tù chỉ mong được ra khỏi trại. Tưởng rằng ra khỏi trại là trút xong mọi gian khổ, nhưng không, gian khổ nhục nhã còn dài cả đời người chưa dứt, kéo theo đời của con cháu. Người chiến sĩ đã chiến đấu, một sống hai chết đừng đầu hàng, đầu hàng khổ hơn là chết. Nhưng con người hèn yếu, ngay lúc chết mà không chết được, đã đầu hàng rồi thì ít người còn đủ can đảm để tự kết liễu đời mình - còn bao nhiêu ràng buộc tình cảm của người thân.

Tôi được nhiều bà con đến mừng tôi được trở về thân thể còn toàn vẹn, tóc chưa bạc, răng chưa rụng. Bà con nội ngoại nhiều người bên phía cộng sản. Người anh con dì Hai tôi, anh Thật đã nói chuyện với tôi rất nhiều. Anh Thật, một cán bộ nằm vùng ngay tại Đà Nẵng, lúc Việt Cộng chiếm Đà Nẵng anh mang lon thiếu tá, bây giờ anh làm gì, chức gì tôi không cần biết. Chúng tôi chỉ nói chuyện gia đình để tránh tranh luận. Thời xưa trước năm 1975, khi cậu tôi còn sống, mỗi lần có đám giỗ ngoại tôi là cậu và các anh con dì tôi thường cãi nhau về chính trị, bao giờ dì tôi cũng khóc khi đến màn kết cục cậu tôi cầm chiếc ghế lên định đánh vào anh và anh bỏ chạy. Cậu tôi ghét cộng sản, cậu biết các anh con dì hoạt động cho cộng sản nên cậu thường công kích. Các anh thường nhẫn nhịn, nhưng khi cậu tôi gọi Hồ Chí Minh bằng thằng thì các anh không nhịn nữa và lên tiếng cãi lại. Hầu như đám giỗ nào cũng xảy ra màn chiến tranh ý thức hệ trong gia đình.

Nói chuyện gia đình một lúc thì anh Thật cũng lái qua chuyện chính trị, hình như người Quảng Nam ngồi với nhau không nói chuyện chính trị thì không vui. Anh Thật nói là chế độ sai lầm khi nhốt những người như tôi quá lâu. Tôi không biết anh nói thật hay an ủi tôi. Nếu anh nói thật thì anh là cán bộ cộng sản nhưng không thuộc chính sách và chưa đọc Lénine: “Là Cộng sản phải đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù”, và trong chính sách của Lénine có viết rõ chính sách cải tạo và kỹ thuật đánh lừa người tù cải tạo, “luôn luôn làm cho chúng có hy vọng được tự do, chuyển trại thường xuyên để nuôi dưỡng hy vọng giả tạo đó, cuối cùng chúng gặp nhau và chết ở Siberia”. Nếu Cộng Sản Việt Nam không bị áp lực hoặc không vì nhu cầu nào đó, chúng tôi cũng sẽ bị giam giữ vĩnh viễn cho đến chết ở các vùng rừng thiêng nước độc ở miền Bắc hay miền Trung. Giam giữ tù, Việt Cộng không hao tốn gì cả, tù phải tự làm lấy ăn và nuôi sống cán bộ, mót hết sức lao động, khi chết thi thể người tù còn là phân bón tốt cho cây cỏ. Anh nói đến những mâu thuẫn trong nội bộ của nhóm lãnh đạo, đổ tội cho Lê Đức Thọ - anh gọi Lê Đức Thọ bằng thằng, anh nói: “Thằng Lê Đức Thọ phản quốc”. Anh kể chuyện Võ Nguyên Giáp đi Liên Sô về bị ám sát hụt do phe Lê Đức Thọ tổ chức - Giáp đi máy bay Liên Sô về đến phi trường Gia Lâm thì có điện báo của Tòa Đại Sứ Liên Sô tại Hà Nội yêu cầu máy bay đáp xuống phi trường quốc tế. Máy bay đáp không đúng nơi, nên toán xe rước Võ Nguyên Giáp tại phi trường Gia Lâm xoay trở không kịp - Giáp đi xe của nhân viên Liên Sô về tư dinh, trong khi đó xe đón Giáp tại phi trường Gia Lâm nổ - Giáp chết hụt. Anh kể chuyện Đinh Đức Thiện bị ám sát chết, vì trước đó Đinh Đức Thiện phản đối hành động bám lấy quyền lực của Lê Đức Thọ. Trong một buổi tranh luận giữa hai anh em, Đinh Đức Thiện nói với Lê Đức Thọ: “Gia đình ta mấy đời đều đóng góp vào lịch sử xây dựng đất nước và phục vụ nhân dân, bây giờ anh đi ngược lại truyền thống đó”. Đinh Đức Thiện bị một quân xa ép chết trên đường đi làm về. Thiện có thói quen trước khi về nhà ra khỏi xe hóng gió trên chỗ đồng vắng. Anh Thật còn kể cho tôi nghe về chuyến đi của Lê Duẩn qua Mạc Tư Khoa nhân lễ nhậm chức của Gorbachev năm 1985, lễ này được trực tiếp truyền hình qua đài Hoa Sen tiếp vận hệ thống truyền hình vệ tinh nhân tạo Liên Sô đến Việt Nam.

Trước đây Lê Duẩn sui gia thân thiết với Breznev nên mỗi lần đến Mạc Tư Khoa được Breznev đón tiếp rất niềm nở. Lần này Lê Duẩn đã phải sượng sùng vì sự lạnh nhạt của Gorbachev. Lê Duẩn giới thiệu người kế theo là Tố Hữu, Gorbachev hỏi ngay: “Ông Tố Hữu có phải là người làm thơ ca tụng Staline không?” Tố Hữu chỉ mới vâng một tiếng thì Gorbachev tiếp theo: “Ông đã được gặp Staline chưa?” Lần ra đi thất bại đó của Lê Duẩn hầu hết người Việt Nam đều biết, các đảng viên cộng sản bàn tán rất nhiều về việc đó: trở về Việt Nam vai trò Tố Hữu bị lu mờ để rồi bị loại ra khỏi Bộ Chính Trị tại đại hội kỳ 6 sau khi Lê Duẩn chết. Những chuyện kể của anh Thật, không biết có đúng hoàn toàn hay không, điều đó không quan trọng lắm. Quan trọng là anh làm cho tôi hiểu được sự mâu thuẫn trong nội bộ của lãnh đạo cao cấp Cộng Sản Việt Nam không hàn gắn được. Cộng Sản Việt Nam không còn “sợi chỉ hồng xuyên suốt” để giữ thống nhất nội bộ và họ không còn giữ gìn sự đoàn kết như giữ con ngươi của mắt như Hồ Chí Minh từng lập lại lời di chúc của Lénine.

Về quê thăm khu mộ gia đình xong, tôi đến nhiều nơi trong làng, đã gần 30 năm tôi mới trở lại nhưng tôi nhận rõ nhiều địa điểm, dù sau cuộc chiến tàn phá, làng tôi đã được xây dựng lại, mở nhiều đường mới và trồng nhiều cây cối xanh tươi hơn. Ngoài đồng xanh ngát thuốc lá đã cao ngang tầm đầu người. Thuốc lá là nông sản chính của quê tôi. Dân Thanh Quít giàu có hơn những dân làng khác nhờ vào thuốc lá. Mùi thuốc lá hăng hắc khắp nơi, tôi có cảm giác như mình đang say. Tôi đến nhìn rõ nền Kỳ Yên, là nơi tôi từng xem Việt Minh xử chôn sống Việt gian, tôi đứng lại nơi đầu cầu Thanh Quít nhìn qua trụ sở xã bên kia sông, lúc xưa đó là đồn Tây, nhiều buổi sáng tôi đứng ngoài rào xem Pháp cắt đầu Việt Minh, đạp thây xuống nước rồi đem đầu cắm vào một thanh tre bêu nơi đầu cầu để người qua lại xem. Chiếc đầu sau khi chặt được chải brillantine bóng láng và miệng cho ngập một điếu thuốc. Người Pháp và bọn Việt gian theo Pháp đã đem thi thể người Việt Nam ra làm trò đùa, họ tưởng là tiêu diệt Việt Minh nhưng chính là đẩy dân quê Việt Nam về phía Việt Minh.

Sau này làng Thanh Quít nổi tiếng nhiều cộng sản, đi dọc quốc lộ 1 chỉ ngán Sa Huỳnh và Thanh Quít, viên chức và quân nhân, ít khi lái xe qua đó sau hai giờ chiều mà không có hộ tống. Ít người biết và nhớ là Thanh Quít từng là nơi chống Việt Minh mạnh mẽ nhất trong thời chiến tranh Việt-Pháp. Ba tôi, cậu tôi, các chú bà con họ hàng lứa tuổi đó đều theo kháng chiến từ ngày đầu. Chủ trương giết hại hơn ngàn tín đồ Cao Đài ở Quảng Ngãi ảnh hưởng đến làng tôi, vì làng tôi có một thánh thất Cao Đài và nhiều người có học đã theo đạo. Những người Thanh Quít có đạo Cao Đài hay liên hệ đến thánh thất ở trong hàng ngũ kháng chiến đều bị loại và có nguy cơ bị sát hại. Cậu, các chú và ba tôi quay về làng rào làng chiến đấu để tự vệ. Trước khi Pháp từ Vĩnh Điện ra chiếm đóng đồn, giải tán lực lượng tự vệ của làng, thì làng đã đẩy lui ba cuộc tấn công của Việt Minh vào làng. Lần tấn công thứ hai tháng 11 năm 1947 nhiều nhà trong làng bị đốt cháy trong đó có nhà nội và bà ngoại tôi, và trong làng có khoảng 50 người lớn bé bị giết chết, có người bị chém bằng mã tấu, có người bị đâm và ném thây vào lửa. Chính mắt tôi đã trông thấy cảnh tượng đó khi gia đình tôi trốn dưới một cái ao.

Lần Việt Minh tấn công lần thứ ba vào làng, đánh thẳng vào đồn tự vệ nằm bên quốc lộ, đồn là nhà lầu của ông Năm Ngoạn, Việt Minh tấn công vào chiếm được tầng dưới nhà, bí lối mọi người thoát được lên lầu chống cự. Tôi theo ngủ với ba tôi trên lầu vào đêm hôm đó. Hai bên vũ khí đều thô sơ nên đến sáng Việt Minh không chiếm được tầng trên lầu và phải rút lui. Kết quả trong đồn chỉ chết hai mẹ con thím Cơ là vợ của chú Nguyễn Hữu Tuân, người chỉ huy lực lượng tự vệ. Thím không kịp chạy lên lầu nên bị giết và thi thể bị bằm nát thành từng mảnh. Chính những hình ảnh đó in đậm nét trong đầu tôi, cản bước tôi đi về phía cộng sản khi tôi được bạn bè lôi cuốn lúc 16 tuổi. Lý tưởng công bằng xã hội, cách mạng giải phóng dân tộc quá hấp dẫn trí óc non nớt ở tuổi đó, nhưng hình ảnh bạo tàn làm cho tôi nghi ngờ.

(còn tiếp)

*Mời đọc những phần trước:






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét