Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn thanh-khiết. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn thanh-khiết. Hiển thị tất cả bài đăng

11.11.13

Thăm đời ngày xuống tối


Người vẫn nói vẫn cười môi méo mó
người vẫn thở dài, nhắc thuở cùm gông
đầu đội vai mang năm tháng mòn trông
giờ tàn như rẫy nương mùa thiếu nước

ta ghé thăm người, nhìn người khó nhọc
một nụ cười bạt mạng của ngày xưa
tội tụi mình - vừa hết nắng đến mưa
tới tới, lui lui tuổi già rượt đuổi

thôi yên cương, vó ngựa còn chi nữa
người cứ về vườn đón gió hái trăng
cầm lại cây đàn bụi bám nhện giăng
phổ được chăng ?  khúc cho đời bóng xế.

mai mốt ta trở về  thăm Dak Lak
tới Dak Song - chiều ngồi xuống bên hồ
nghe tiếng đàn dưới dãy núi nhấp nhô
ngọn gió đầu đông lùa về bụi đỏ

ta ghé người, thăm một đời tù ngục
đã nhốt mình trên núi mấy mươi năm
giờ chỉ còn một nửa của tối tăm
đang còng lưng gánh những ngày bệnh hoạn

ta ghé thăm người trời vừa xuống tối
băng qua hành lang bệnh viện trắng phau
một lời chào - ngày mai có còn nhau ?
trong cái tuổi của già nua, ly biệt

ta ghé thăm người - thăm đời nghiệt ngã !

nguyễn thanh khiết
10-11-2013

         đêm ghé anh Trung (lai) ở BV 115



13.7.13

Biệt thự thời thượng cổ - 3


*Phân trại E, Thung Lũng Tử Thần.


Nó là cái trung tâm canh giữ những sự nổi dậy trong trại A20, Đồng Xuân, Phú Khánh mang Hòm Thư 1870.
Chung quanh bốn phía là hào sâu, với những cuộn thép gai cao 3m, bốn góc là tháp canh, luôn có những mũi súng hướng vào sân trại.

Phía đông của nó là cổng phân trại, một căn nhà nho nhỏ xây bên ngoài làm nhà cho cai ngục phụ trách phân trại này, khi hắn đi vào hay ra, tiếng kêu vang của xâu chìa khoá trên tay hắn như âm thanh của bầy quỉ đói.

Nằm cách ngôi nhà không quá 20m là ao cá, cái ao chứa đầy mồ hôi tù nhân thời khai trại. Ao cá đối diện căn nhà cai ngục. Đi qua cổng là lối trải sỏi có nhà y tế, cách một cái sân rộng làm nơi tập hợp, đối diện nó là bếp trại, qua khỏi bếp trại người ta thấy một tường cao ngăn dãy biệt giam, nơi gông cùm khua rổn rảng. Tiếp nối sân tập hợp là nhà văn hoá, cất bằng gỗ, theo hình bát quái, qua khỏi đó, bên trái là dãy nhà tập thể ngăn nhiều khu, bên phải là một hội trường sức chứa 1500 người. Toàn bộ cái phân trại như một công viên, dưới bóng dừa Phú Yên cao ngất ngưỡng. Dưới những bóng mát đó là máu, nước mắt, là những ý thức đấu tranh từng giờ.

7.7.13

Biệt thự thời thượng cổ - 2


 
*Thung Lũng Tử Thần mùa lũ tới.

Tháng mười, mưa là mưa. Trận bão qua và chấm dứt sau một tuần gầm thét rung rinh trời đất, đá núi Trường Sơn đổ ầm ầm phá nát độc đạo từ La Hai vào cái thung lũng chết tiệt đang giam cầm hơn 5000 tù nhân của chế độ.

Trại Trừng Giới A20 bị cách ly hẳn với thế giới bên ngoài, chung quanh nó giờ chỉ toàn là nước, nước trắng xóa bao hết một vùng phía đông. Sau lưng dãy trại giam mang tên phân trại A, B, C, D, E và trại Hốc Kè là núi và núi. Nó là rặng Trường Sơn Tây ngút mắt đầy chết chóc và bí hiểm.

Tháng mười năm 1981, thung lũng này không còn phương tiện ra vào, mọi thứ dậm chân tại chỗ và những tù nhân bệnh tật, đói, rét cũng dậm châm tại chỗ, run cầm cập trong cái lạnh dã man của miền Trung mùa mưa bão.

Khi con tàu Việt Nam Thương Tín, dưới sự chỉ huy của hạm phó Thiếu Tá Hải Quân Mai Văn Trị về tới VN, sau khi họ đã cặp bến bờ tự do tại đảo Guam. Chuyến qui cố hương này làm một số trong họ bị đày đến đây dưới danh gọi “tù vượt biên”. Chính họ đã xây dựng cái trại này, chính họ đã mở thêm những phân trại từ những năm 1979. Người ta cũng còn nhớ rõ Thiếu Tá Trị cho tới tháng tư năm 1977 vẫn còn ở trại T20 (thành Gia Định), chỉ có điều ông không có mặt ở đây để cùng những thuyền nhân của ông xây dựng trại.

6.6.13

Biệt thự thời thượng cổ - 1


* Những cái cùm

Viết trên mồ ma A20 Trịnh Đình Lâm

Gió thổi qua khe hở biệt giam, tiếng rít khô khan, rờn rợn trong buổi chiều tàn, có lẽ sẽ mưa, mưa đi chứ, cái nóng làm cháy khô cây thép 18 ly gai góc đang cứa sâu trên cổ chân làm Trịnh Đình Lâm khó chịu, cặp kính gọng đồi mồi chảy xệ trên khuôn mặt hốc hác của gã nhà giáo tuổi 40 mà thời gian tù tội đã bước qua năm thứ tám.

Lâm ngó quanh cái phòng biệt giam thổ tả này, một cái bệ nằm cao 60 phân,  đầu góc lối ra vô vừa đủ hai gang tay là trụ bê tông xuyên ngang bằng cây thép khốn nạn sần sùi treo trên đó cổ chân Lâm nằm giữa cái cùm chữ U, lớp da bám quanh đầy mủ máu, cây thép đang dần dần ăn sâu vào thịt, Lâm khó khăn lắm mới nhúc nhích cho đỡ mỏi chân, cây thép treo quá cao làm tê cứng, đau xé khi cử động, Lâm đã dùng hết những thứ có thể được, để kê lên cho gót chân không chạm mặt sàn.

5.5.13

Tháng tư còn thương áo trận


ta bật khóc nhìn chiến bào năm cũ
đứt chỉ sờn vai xếp mấy mươi năm
len lén nhìn ta như một hỏi thăm
bao năm nữa sẽ cùng nhau ra trận?
tội cho mi cứ nhắc ngày căm hận
lúc xuôi tay như một kẻ qui hàng
ta ném mi vào quá khứ ngổn ngang
chưa một lạy đáp đền ơn chiến đấu
ba mươi tám năm mi còn dấu máu
bởi vết thương chẳng thể kéo liền da
mi thương ta còn chút nợ sơn hà
mà đau cho cái đau ngày vong quốc
tội cho mi đứng nhìn ta về đất
kiếm gãy, thân già đành bỏ cuộc chơi
sống lất lây, trơ trọi giữa đất trời
mà như thể bơ vơ từ muôn kiếp
tội cho mi một đời quen ở trận
giờ lụi tàn dưới gót giặc thù xưa
chiến bào ơi! tháng tư lấm tấm mưa
như vết máu thấm đau từng sợi vải
mai ta chết hận – không tan vào đất
có mi trọn tình – một gói tiễn đưa
khi trời trở dạ rớt tháng tư mưa
hãy nhắc ta tháng tư ngày tan trận
nguyễn thanh khiết
30-04-2013

14.6.12

Về thăm trại cũ



Vượt Trà Bương ta về Kỳ Lộ
qua La Hai đứng ngó bóng tàu
núi chập chùng, núi dựng trên cao
giữa thung lũng trại thù còn đó

19.7.11

Nói cùng thanh kiếm gãy


Mày bảo tao, ưỡn người đi tới
mặc súng thù dí sát sau lưng
mày bảo tao banh tròng mắt đợi
bất kể anh em gục nửa chừng

mày bảo tao mười năm chịu nhục
giữ màu cờ dù chết đừng buông
mày bảo dẫu ruột đau từng khúc
chuyện tháng tư coi như vết buồn

tao nghe mày chịu đau xiềng xích
cố mà quên cái buổi tan hàng
mấy mươi năm nằm không cục kịch
trên đất thù, với những tan hoang

giờ tao mỏi, mày không cho nghỉ
bắt tao chờ ai đó về ngang
trao mày - thanh kiếm cùn, sét rỉ
cho người đi dựng lại giang san

trời đất bao la, người vô lượng
sông núi điêu tàn ngóng kẻ xa
tao lạy sói đầu, cầu bốn hướng
kiếm rỉ thêm cùn ngày cứ qua

tao sẽ chôn mày trên đỉnh núi
cán quay về trấn một phương Nam
để mày thấy giặc từ hướng mũi
ngày ngày máu ướt ải Nam Quan

mày cùn, tao gãy - tụi mình rỉ
trăm năm đã hết cuộc cờ chơi
tao chết, mày tiêu - trời tính kỷ
một lạy cho rồi - kiếm gãy ơi ! 
 
nguyễn thanh-khiết
viết cho ngày 20-07-2011


3.7.11

Ly rượu phương Nam


Ai chèo qua biển cho ta gởi
một chén rượu buồn của phương Nam
sa trường máu chảy còn ta đợi
có lúc người về dựng giang san

Trại Trừng Giới - ngày này uống cạn
giọt rượu đau nhắc thuở đi đày
rừng Trường Sơn còn bao bè bạn
chết vẫn chờ từ buổi chia tay

mây bay qua biển cho ta gởi
chút tình xưa từ thuở tan hàng
mấy mươi năm người về chưa tới
dặm đường xa, quên một phương Nam

đập vỡ bầu chia nhau ngụm cuối
ngần đó thời gian đã ngủ vùi
đứng lên đi  ngó về sông núi
giặc thù còn - rượu uống không vui

gió thổi dùm ta hơi nồng cũ
giọt của tương phùng - giọt chia ly
quán xưa còn đó dù bụi phủ
có kẻ giữ cờ đợi người đi


nguyễn thanh-khiết
03-07-2011






15.6.11

mửa máu


hắn chết khi máu trào ra lần cuối
trên bục nằm loang lỗ lạnh buốt xương
quần áo rách bươm phơi dãy xương sườn
manh chiếu nát tặng lại người sống sót

hắn chết giữa mùa đông, trời Phú Khánh
Trường Sơn thở dài rước một sinh linh
hai năm mửa máu hắn cố dọn mình
khi nằm xuống cỏ rừng che nấm mộ

Trại Trừng Giới - ba ngàn người cùng khổ
đang gối đầu với cái chết vì lao
thức dậy, chưa đứng lên máu đã trào
lũ vi khuẩn rủ nhau bay vào gió

thằng úp mặt vào tường ho ra máu
thằng nín hơi cố giữ mạng qua ngày
nhà giam kín bưng nằm xuống sát vai
thần chết đêm đêm về khoe lưỡi hái

Trại Trừng Giới và những cơn sợ hãi
trên thân tù - từng da ngựa bọc thây
cuộc chiến cuối – trời ơi ! đau như vậy
Trường Sơn đành lòng đứng sửng không hay

hắn chết, úp mặt nằm trên vũng máu
giọt máu ngày nào từng bón núi sông
hắn chết không phải vào giữa đêm đông
mà vĩnh biệt khi gà rừng gáy sáng

Trại Trừng Giới những oan hồn lảng vảng
hát nghêu ngao bài hát ứa máu tươi
dãy biệt giam xiềng xích hả hê cười
đám chúa ngục khúc khắc ho từng tiếng

nguyễn thanh-khiết

(viết cho những A20 mửa máu quay về
Nguyễn Hạnh, Phạm văn Hải, Trương văn Tám, Vũ văn Lộ...
và vĩnh biệt những A20 đã mửa máu ra đi)
1983-1986




(Nguồn: Viết Từ Địa Ngục Blog)


5.6.11

Mưa trên trại thù


như những bóng ma chập chờn bên núi
đám tù lết về trại dưới chiều mưa
Trường Sơn trùng trùng, ngày qua ngắn ngủi
đời tù lụn dần theo sáng theo trưa

đêm mưa rớt từng cơn ngoài láng trại
chỗ nằm đau trên bệ đá lạnh căm
những giấc mơ của một thời quan ải
nuôi từng ngày với nỗi đợi âm thầm

gió núi thấm trên thân tù rách rưới
lát khoai khô không bẻ gãy hận xưa
tù nghiến răng trong từng mỗi nụ cười
mười năm oằn oại mối thù chưa rửa

mùa mưa xuống từng ngày trên trại giặc
mưa rớt buồn, mưa rớt giữa Trường Sơn
tù lắng nghe sấm gầm trong khuya khoắc
cái nhớ thành xưa ruột thắt từng cơn

mưa dỗ tù hiên ngang đi vào mộng
áo giang hồ mưa lấm, tiếc mà đau
tù nhắm mắt rơi vào muôn tưởng vọng
mùa mưa xuống trại thù - không qua mau


 nguyễn thanh-khiết
A20 mùa mưa


(Nguồn: Viết Từ Địa Ngục Blog)


* Yên Ly diễn ngâm:







25.3.11

Trường ca ngược về vĩ tuyến





Phong Điền


hôm ghé lại Phong Điền trời còn hanh nắng
thiết lộ im nằm theo nhịp thở thời gian
nhà xưa ven đường, dăm cành gãy khô khan
trơ trọi, gậm đau những căm hờn sót lại


Mai Lĩnh
qua Mai Lĩnh, lớp rêu xanh màu tê tái
những lỗ châu mai còn tức tưởi, cô đơn
là gió đông hay hồn tử sĩ chập chờn
ai gọi trong chiến hào chưa phai dấu máu
trời kéo mây đen, trời đè lên cổ tháp
vạch cỏ lau cố tìm lại dấu ngày xưa
giọt máu khô hay rêu mốc bám mùa mưa
ôi! Mai-Lĩnh đang im lìm trong mộ địa

Mỹ Chánh

Con sông vắt ngang, cây cầu nằm trơ đó
nước lũ một màu đỏ đục của bi thương
Mỹ Chánh âm vang, danh gọi một chiến trường
mùa hè, những khởi đầu trên con lộ máu
thoảng trong gió tiếng ầm ầm bầy đạn pháo
mưa bay bay nghe âm ỉ tiếng khóc than
gò đống xác người, chiến tích xếp hàng hàng
sông Mỹ Chánh chưa hết tanh mùi chết rữa

ta về đây, bạn bè xưa còn dăm đứa
sống lạc loài với mảnh đạn cũ trên thân
tuổi chiến trường già hơn tuổi để thành nhân
rồi tàn tạ khi tan hàng về quê cũ
dòng Mỹ Chánh còn như thương ngày chiến trận
bè bạn ơi! tóc đã bạc vẫn còn đau
Mỹ Chánh ơi! ta không dám mở miệng chào
đi lầm lũi, khóc cho một dòng sông chết



Thạch Hãn



























phong ba ngày trước, xác xơ thành quách cũ
trời lập đông làm rét buốt triệu anh linh
tường cổ lam nham dấu đạn, đứng nghiêng mình
máu ai đã chảy đầy con sông Thạch Hãn

Quảng Trị co ro trong đêm trường than oán
ta co ro quanh quẩn góc chiến trường xưa
nhà thờ Long Hưng pháo giặc phá ngày mưa
chết đứng bao năm rồi còn khoe dấu đạn
mùa hè khô trên con sông như lòng chảo
hứng hết đạn bom bên thành cổ quặn đau
ai nghe chăng theo ngọn sóng vỗ rì rào
lẫn theo gió tử thần đang vang tiếng hú


bạn đưa ta ngồi trên bến ghe ngày cũ
nơi vạn xác người chồng kín cả khúc sông
hôm nay lũ về, lũ của mỗi mùa đông
chắc chưa trôi hết nắm xương còn sót lại
ta đứng yên ngó dòng sông cuồn cuộn chảy
trong bạn bè có mấy đứa chết ở đây
chết mấy mươi năm, chết lạnh dưới mộ nầy
chỉ có nước, nước vổ về thân mất nước
bóng vó câu quân qua thành Đinh Công Tráng
như mờ mờ trong bom đạn nổ đâu đây
Quảng Trị ơi! Thạch Hãn hỡi! Cổ thành nầy
xương, máu, giang san còn gì khi tan trận?

Ái Tử

câu hát cổ vang trong đầu bên sông trắng
miếu đền xưa trên cát vắng xương còn phơi
dòng nước nghẹn ngào trôi theo tiếng à ơi
chiều sương lạnh nổi da gà qua Ái Tử
đồn lũy bao năm không còn gì dấu vết
nước mất nhà tan thành quách biết tìm đâu
một cái tên, từ đất chúa thuở công hầu
nghe văng vẳng giữa dòng trôi trong màu cát
ta buồn bã đứng bên cầu nghêu ngao hát
đất hỡi ! linh thiêng, đồi hỡi ! dựng cơ đồ
chinh chiến vạn lần, cồn cát vẫn nhấp nhô
như mộ vô danh của những người chết trẻ



Đông Hà


cũng nhà, cũng chợ, cũng quán nghèo cóc ổi
cũng âm u rờn rợn kiểu của Đông Hà
băng ngang cây cầu con sông nhỏ chạy qua
nhìn đất chết mới thấy thương thằng ở lính

Đông Hà, vùng đạn bom nhiều hơn cây cỏ
nơi trùng trùng không đếm hết bãi tha ma
hai mươi mấy năm, hết lớp trẻ đến già
vùi trong đất để thành người đi giữ nước

bây giờ mất, nói thế nào cũng lỡ mất
bây giờ đau, kệ, đau thêm cũng chẳng sao
chiều qua Đông Hà, ta thăm trước, thăm sau
thăm luôn cả những nhục, vinh còn ở đó

châm điếu thuốc tưởng tới người ra đi trước
rót một ly, nghe nóng mặt tiếc ngày xanh
đứng giữa Đông Hà nhìn quá khứ tan tành
trong căm hận muốn chửi thề dăm ba tiếng

cũng giống như mi, ta không còn vốn liếng
không có màu cờ để phủ lúc ra đi
chỉ là tạt ngang lượm lặt một chút gì
mà ngần đó thời gian dập vùi tàn nhẫn



Hà Thanh

tới cầu Hà Thanh ta giật mình nhớ lại
giọng hát của một thời xa lắc xa lơ
cũng chỗ nầy bạn ta chết lúc cuốn cờ
xác bỏ lại và được thiêu bằng bom lửa
ba mươi lăm năm với cuộc đời thối rữa
ta giống một thằng hề đi tới, đi lui
qua những địa danh nầy ta thấy không vui
chỗ nào cũng có bạn bè xưa nằm xuống
Quảng Trị! có phải ta về thăm quá muộn
như những con sông thoi thóp đợi đò ngang
nghiến răng trên vết thương cũ, buổi tan hàng
chảy đau đớn, khô dần ngang đường số một


Gio Linh


trên đất chết, cây khô, vườn không, nhà trống
ta nhìn Gio Linh thay áo mới mà thương
một chút phấn son không dấu nỗi đoạn trường
khuôn mặt lỗ chỗ còn đầm đìa nước mắt
về Gio Linh còn nghe bước chân chạy giặc
còn thấy trẻ thơ ngơ ngác đứng bên đường
bom tấn, pháo bầy cày xới chẳng tiếc thương
Gio linh chết, cái chết từ từ, đau xé
chợ Cầu già nua lưng còng chân nứt nẻ
nuôi một Gio Linh tàn tật mấy mươi năm
ôi! hôm nay ta đứng ngó, ngó thật gần
sờ da thịt Gio Linh tanh mùi máu giặc
đất khóc, người rên, cỏ cây nằm úp mặt
con trâu cái cày bương bã chạy về Nam
Gio linh chưa quên nửa thế kỷ lầm than
giờ cay đắng dâng xác mình ngày giặc tới




Trên Bến Hải





















ném viên sỏi xuống dòng sông Bến hải
đo độ sâu của xương máu bao năm
đứng giữa Hiền Lương đang khóc âm thầm
ta đang đạp trên lằn ranh vĩ tuyến

ôi Bến Hải, ôi Hiền Lương oan trái
tít mù xa cửa Tùng có kêu đau
bên này cầu ai ứa lệ nghẹn ngào
nhìn bờ Bắc ngày nào căm bóng giặc

nghe gió đông chuyển mình rung nhịp giữa
Hiền Lương xưa, chỗ này gãy làm đôi
dấu biên cương, là lịch sử mà thôi
giặc mấy lượt đưa quân tràn qua tuyến

ta vắt vẻo trên thành cầu sắt lạnh
Bến Hải đỏ ngầu sóng trước, sóng sau
ngó giang san lẫm liệt ngả một màu
tang tóc cũ mờ mờ trôi trên đó

người ta cố nối cho bền nhịp gãy
cố che lên lớp máu bám khung cầu
màu trắng thê lương này sẽ phai mau
hư cấu đó chỉ làm đau Bến Hải

dấu binh lửa trên làn ranh địa sử
dăm bận nghẹn ngào ghi hận xăm lăng
Hiền Lương xưa khóc suốt hai mươi năm
vết thương đó bây giờ còn mưng mủ

tới Bến Hải, ta nhớ ngày rách áo
xót màu cờ nên dừng lại bờ Nam
ngó Xuân Hoà một bãi cỏ khô khan
bên kia lộ kỳ đài không còn nữa

xoá di vết là sợ nhìn lịch sử
phá thành xưa thái độ kẻ bất nhân
đào mồ tử sĩ hành động vô thần
tội lỗi đó hãy gởi dòng Bến Hải

Thạch Hãn mang xương đổ đầy cửa Việt
Bến Hải căm hờn làm cửa Tùng đau
chiều ải quan mây đùn trắng một màu
ta hát khẽ một bài ca năm cũ


nguyễn thanh khiết
11-2010



(Nguồn: http://nguyenthanhkhiet.wordpress.com/)






27.2.11

Hỡi con ngựa chứng ngày nào



  (Viết cho A20 Trần Kim Hải, ngày chị ra đi)

Đừng ngã xuống vì những bi thương đời sống
đừng thẫn thờ khi nhìn lại gối chăn
thuở ngang tàng, vùng vẫy với núi sông
hỡi con tuấn mã của những ngày tù ngục
biết bao kẻ gõ bồn ca khi vợ chết
phải nén lòng riêng - ngày lửa dậy trời Nam

Trần Kim Hải - hãy cao đầu đứng dậy
tiếng hát anh còn lồng lộng trên cao
dù một đỗi qua bao nhục nhằn, khổ nạn
dù lệ rơi khi chiếc bóng đêm trường
dù gánh đời vội gãy dọc đường
nhưng còn đó những lầm than
thuở nằm gai nếm mật
nợ tang bồng, chí cả, để ai mang?

Biết là đau, là thương, là nhớ
mất "một người" đâu dễ lệ không rơi
mấy mươi năm tựa nhau giữa cuộc đời
cùng một chén đắng cay ngày biệt xứ
tội chưa?
con tuấn mã bây giờ què quặt
bước thấp cao cho hết hành trình
vất xuân xanh theo cuộc chiến chinh
trong xiềng xích chưa một lần cúi mặt
chân lết trên tự do với nỗi buồn vắng ngắt
bắng hữu dăm ba, dở khóc, dở cười
Trần Kim Hải ơi!
lồm cồm đứng dậy đi thôi
nợ thủy chung hãy dập đầu ba lạy
sau lưng người còn có vạn cánh tay
dựa vào đi mà ngó lại giang san
gạt nước mắt, mím môi cười một nụ

nguyễn thanh-khiết
SG 26/2/2011



31.1.11

chút tình với kẻ không may







mày gọi tao chắc khoảng nửa đêm
nói không ngủ được, trời quá lạnh
vết thương xưa đạn còn dăm mảnh
giật từng cơn dưới rét miền Trung
cuối năm tao khó có quà mừng
gởi cho mầy chút gì vui tết
cái thứ nghèo làm tao quá mệt
muốn xẻ chia mà chỉ cười trừ
biết tụi mầy ở đó khư khư
ôm cái nhục, thêm đau và đói
tụi mầy đau làm tao nhức nhối
mà bên ngoài – trời nổi gió đông
tao ở đây còn có chăn bông
mầy áo rách nghĩ mà đứt ruột
thằng Đính hỏi mấy câu khó nuốt
bạn bè xưa thăm hỏi gì không ?
chừng nào tao ra Huế lông bông
ghé thăm nó chỗ căn chòi cũ

                      ***
thôi mình đã đến hồi mạt vận
cùng đường cam tâm ở chỗ này
vết đạn thù nhức bao năm nay
đau thêm mấy thấm gì thân thế
tao gởi cho mầy – quà đến trễ
từ tha phương gom góp làm vui
hãy nhận trên những nỗi ngậm ngùi
dù nó như ân đền nghĩa đáp
cứ cám ơn những người khuất mặt
cám ơn thằng banh xác ngày xưa
đã để mầy đội nắng dầm mưa
trên đất giặc mùa xuân không tới
xin lỗi mầy thằng còn một cẳng
chống nạng nhiều năm như ăn xin
trên Việt Nam ghẻ lỡ cùng mình
dưới căm ghét của người chiến thắng
tội nghiệp mấy thằng ngồi xe lăn
không thể chạy trốn ngày tan trận
bò trên đường quê nhà vạn dậm
hai gối xưng vù thay hai chân
Đào ơi Vàng hỡi, lũ thương binh
tụi mầy sống như là đã chết
gởi tụi mầy, mai mốt này – Tết
cố mà vui hỡi những thằng què 

nguyễn thanh-khiết
30-01-2011

(viết cho những thằng thương binh trên đất giặc)


30.1.11

Cành mai vỡ vụn


Qua tết là bắt đầu thê thảm
Sau những ngày hò hát quốc ca
Duy Trác nhà nghề đi tiền trạm
Theo sau lần lượt hốt từng nhà
Biệt giam mùa xuân như mở hội
Vừa hết kẻ vào tới người ra
Những cái cùm bắt đầu nóng hổi
Lũ thép quen hơi máu người nhà
Giặc có cách lần dò dấu vết
Ta có chiêu tịnh khẩu như bình
Lẽ dĩ nhiên rốt cùng đoạn kết
Cái thắng về phần kẻ cầm binh
Sau tết ngồi thương cành mai vỡ
Mai vỡ từng cành ta thấy đau
Hôm nào cao giọng cùng hớn hở
Giờ trông tan tác buồn làm sao
Chung một con sông cùng chèo chống
Qua khúc quanh xuồng gãy tay chèo
Nước cuốn bèo trôi nhìn vô vọng
Chiếc lá trên cành cũng buồn theo
Biệt giam chỉ cách vuông sân rộng
Giặc gác ngày đêm trên tháp cao
Nhiều khi cũng muốn giang tay chống
E động khắp vùng gây xôn xao
Những cánh mai vàng chưa phai nhụy
Rụng tan thương dưới đám gió rừng
Buồn quá đỗi thèm làm chốt thí
Đổi lái một lần để qua bưng
Tám năm ta hoá thành nhu nhược
Thấy chết can tâm trố mắt nhìn
Suy cạn nghĩ cùng thôi nhường bước
Cố nén cho qua cơn bực mình


nguyễn thanh-khiết
Sau tết 1984



7.12.10

Qua thành cũ





Tháp cũ ngậm ngùi
trên chót núi

dật dờ đâu đó những hồn oan
vạt nắng bên đèo
trôi lầm lũi
phải chăng tử sĩ khóc dưới ngàn

cỏ lấp dấu giày
cơn binh lửa
xương còn phơi lại đỉnh đèo hoang
chòi canh rêu bám
thành đâu nữa ?
hồn hỡi ! xong rồi một giang san

súng gươm lỡ gãy
đời lỡ bỏ
hận nước, thù nhà trả chưa xong
giữa núi, giữa rừng
xanh màu biển
còn tiếc mà chi, nợ tang bồng

nguyễn thanh khiết
đỉnh Hải Vân 11-2010


26.9.10

Đường về địa ngục



Những cổ xe xếp dài bên rừng Lá
những cái tên được nhắc lại hai lần
hành trang ta mang, ba năm đủ cả
hận, đau, buồn, lẫn chút bâng khuâng


Lên xe ngó một màu rừng đêm tối
ánh sao trên trời chớp chớp tiễn đưa
ta ở ba năm khi đi cũng bồi hồi
con suối, biệt giam, ngày về đã hứa


Ra quốc lộ xe ngược về phương bắc
ánh mắt thăm dò, bè bạn ngó nhau
chỗ này Nha Trang nhìn qua song sắt
ta thở dài Sài-Gòn tuốt phía sau


Lên đèo Cả sương mù che hướng núi
biển sớm mai mờ mờ phía dưới xa
biển bao la, biển chẳng biết ngậm ngùi
ta đang bị đày đi nơi xứ lạ


~*~ ~*~

Xe đưa tù trở mình qua độc đạo
thiết lộ hoang vu nắng hực xuống đầu
bụi đỏ mù bay, mắt nhìn lơ láo
Trường Sơn trùng trùng đá dựng trên cao


La Hai xác xơ, cửa nhà hoang phế
trưa chang chang cỏ cháy dọc đường tàu
những lỗ châu mai như còn kể lể
chiến địa ngày nào, xương trắng rừng cao


Con sông Trà Bương vắt ngang đường núi
vạch một dấu nghẹn ngào chia trần gian
mùa khô xe lăn trên bầy đá cuội
mưa về chỉ duy nhất chuyến đò ngang


Xuân Phước tận cùng A 20 điểm cuối
vùng rừng thiêng nước độc đã bao đời
một ngày và đêm cổ xe tù đầy bụi
dừng bên đường như một chuyến rong chơi


nguyễn thanh-khiết
ngày đầu tới A 20, 05-1980




14.9.10

Qua Sa Huỳnh nhớ Cái Trọng Ty




Trưa ghé Sa Huỳnh còn nghe biển hát
cát rất mịn màng sao bước chân đau
Trường Sơn mùa tan cơn nóng hạ Lào
khum tay mồi thuốc nhớ người xa xứ


Thuở chiến chinh người từng qua chỗ đó
nóng của cát vàng, nóng của rượu cay
áo mặn mồ hôi, phủi nợ một ngày
Sa Huỳnh đợi có lần người quay lại


Một chút gió phất phơ vài ngọn cỏ
tiếc bước ai qua, Sa Huỳnh buồn hiu
trên đá xanh còn lại lớp rong rêu
trời tháng chín mây đùn quanh đèo ải


Một ngụm rượu xanh thêm màu nước biển
thêm một ly nhớ người đến rồi đi
nắng miền Trung còn đó dấu biên thùy
của vàng đá ngày xanh vừa mới chết


Trưa ghé Sa Huỳnh đứng trông biển lặng
đìu hiu như thân thế một người quen
lớp chiến y khuất trong núi cũ mèm
buồn như gió thổi về từ phía biển

nguyễn thanh-khiết
12-09-2010




15.7.10

Chân dung những chúa ngục


-->
-->
Vũ Mạnh Dũng chết rồi. Nó chết khi ra khỏi trại Trừng Giới A 20 và còn rất trẻ. Nó bị đè gãy đôi cột sống, khi đang làm đội trưởng một đội xây dựng. Trong một buổi lao động phá sập một căn nhà, nó đã vấp ngã vì cố gắng chạy vào khu nguy hiểm để thét gọi anh em thoát thân khi căn nhà đang ập xuống. Nó bị nằm liệt vào lúc các đàn anh và bè bạn nó tan hàng tại trại A 20, từng đợt, từng đợt cho tới khi trại như trống trơn, danh sách những người tù chính trị với cái án tập trung vô thời hạn chỉ nằm đâu đó trên bàn mặc cả xóa trại tập trung mà người ta đang thực hiện ráo riết

1987, cái mốc của cảnh tan hàng. Nhưng những hình ảnh bi tráng vẫn còn và không bao giờ phai trong lòng những con người vẫn từng ngày vươn dậy dù trong nghiệt ngã, dưới cái đau buốt của cùm chữ U . Dưới cái dã man vô tiền khoáng hậu của những tên cai tù được liệt vào hàng hung tợn nhất trong lịch sử loài người. Cho đến bây giờ chân dung những con người một lòng chung thủy dưới màu cờ mà họ từng chiến đấu vẫn còn đó. 



26.6.10

Ngày em đến thăm





















Bẵng một dạo từ khi rời trại cũ
Năm năm giữa rừng em tới thăm ta
Tội thân em gồng gánh vượt đường xa
Mà Phú Khánh mùa nầy trời mưa lũ

Em nhỏ nhoi vì đâu thêm vai nặng
Có sá gì một căn kiếp đời ta
Ta muốn ôm hôn khi em khóc oà
Cách mấy bước mà như xa vạn dặm

Xưa em ngoan môi hồng luôn thắm
Chỉ mới bao năm tóc đã màu phai
Xót cho em vì ta mà oan trái
Đau lòng ta, em gầy guộc hơn xưa

Ôm con thơ em đã khóc bao mùa
Chờ hết kiếp người xưa chưa quay lại
Em ơi về đi, em đừng trở lại
Nợ gối chăn nầy phải hẹn lần sau

Ta lỡ đã đi trên một chuyến tàu
Qua ga một đỗi rồi đi xa nữa
Bến đổ chưa bao giờ ta chọn lựa
Đi mà đi cho bằng hết hơn thua

Em ơi về đi, em đừng tới nữa
Đau chừng ấy rồi phải để em nguôi
Nghe lời ta, đừng bỏ con mồ côi
Với nó, ta thương mà không dám nhớ


nguyễn thanh-khiết
phân trại B – A 20, 1984