15.7.10

Chân dung những chúa ngục


-->
-->
Vũ Mạnh Dũng chết rồi. Nó chết khi ra khỏi trại Trừng Giới A 20 và còn rất trẻ. Nó bị đè gãy đôi cột sống, khi đang làm đội trưởng một đội xây dựng. Trong một buổi lao động phá sập một căn nhà, nó đã vấp ngã vì cố gắng chạy vào khu nguy hiểm để thét gọi anh em thoát thân khi căn nhà đang ập xuống. Nó bị nằm liệt vào lúc các đàn anh và bè bạn nó tan hàng tại trại A 20, từng đợt, từng đợt cho tới khi trại như trống trơn, danh sách những người tù chính trị với cái án tập trung vô thời hạn chỉ nằm đâu đó trên bàn mặc cả xóa trại tập trung mà người ta đang thực hiện ráo riết

1987, cái mốc của cảnh tan hàng. Nhưng những hình ảnh bi tráng vẫn còn và không bao giờ phai trong lòng những con người vẫn từng ngày vươn dậy dù trong nghiệt ngã, dưới cái đau buốt của cùm chữ U . Dưới cái dã man vô tiền khoáng hậu của những tên cai tù được liệt vào hàng hung tợn nhất trong lịch sử loài người. Cho đến bây giờ chân dung những con người một lòng chung thủy dưới màu cờ mà họ từng chiến đấu vẫn còn đó. 




Mùa thu ở A 20 Xuân Phước không có gió lay động hàng cây rừng xa xa. Không có trăng sáng treo tòn ten trên sườn đồi vĩnh biệt, nơi mà hàng ngàn bạn bè nằm xuống không đủ gỗ đóng áo quan. Mùa thu 1983 tang thương từng lượt đi vào biệt giam. Hậu quả biết trước, sau những ngày hát hò, chống đối và hợp đoàn. Một thái độ mà cai tù của một trại trung ương được mệnh danh Trại Trừng Giới không thể chấp nhận. Nhưng nó đã có, đã nổi dậy như gáo nước lạnh tạt vào mặt trùm công an cùng những tên cai ngục được đặc biệt tuyển chọn là gốc liên khu 5, cái xứ luôn đi theo phục dịch bác và đảng từ thời ông nội, ông ngoại còn tắm mưa.

 Cùm, một chân, hai chân, đó chỉ là chuyện nhỏ. Cái tầm cỡ của nó là thời gian “được” cùm. Sự hủy hoại trên hình dáng sẽ nói lên ngày tháng chịu đựng của một cá nhân trước đòn thù tinh vi nhất, “3 muỗng nước, ba muỗng cơm”và phải nhấn mạnh ba muỗng cơm đó được trộn chung 3 muỗng nước muối gần như bảo hòa, con số tuột xuống đơn vị là  “hai” khi khả năng tồn tại của một chiến binh chứng tỏ đòn thù kia chưa thuyết phục được.

 Thống kê về đòn thù mà trại Trừng Giới đã thi thố bởi những cai ngục Liên Khu 5 có lẽ đứng đầu trước danh sách các trại. Nó chất chứa ở đó cả một căm thù với những người  tay không khi cuộc chiến đã tàn mà họ lôi cổ đồng chủng của mình vào các trại tập trung như để trả hận, như để chứng tỏ mình thuộc lòng bài học mà đảng từng dạy. Toàn đảng, sống hay chết cũng đang họp khẩn tìm biện pháp để hạ gục những chiến binh lỡ lọt vào tay họ, và họ vô phương nhồi nhét những thứ rẻ tiền học được từ cái đảng ác ôn, mà họ trót tôn thờ. Lũ cai ngục bắt đầu sợ hãi trước tính kiên cường, của những người đã buông súng nhưng dứt khoát không hàng.

 Dũng ra biệt giam trước, nó bước về khu giam tập thể trên bước chân xiêu vẹo. Phải lần tay vịn vào vách tường và hàng rào kẽm gai chia khu vực từ nhà nầy sang nhà khác, cho tới khi anh em trong khu tập thể nhìn thấy và chạy ra dìu nó vào nhà. Mới có 3 tháng nằm trong cái biệt giam thổ tả đó mà thằng nhỏ như cái mềm rách, tay chân phù thủng nước lỏng bỏng dưới da, anh em gom cho nó một số vitamin B1 . Và khi nuốt những viên thuốc thần kỳ đó, hai thằng phải dìu nó đứng trước máng tiểu bằng thùng đạn cho nó tè ra, dĩ nhiên phải đợi vì nó đang tống cho hết sạch lượng nước trong người ra ngoài, đó là do những muỗng cơm trộn nước muối bảo hòa suốt những ngày biệt giam.

Nó được nhận ít quà thăm nuôi mà má nó tảo tần, chắt chiu mang lên trại thăm nó. Dĩ nhiên nó ở biệt giam cai tù đã đuổi má nó về, chỉ cho gởi lại một ít thuốc men cần thiết. Thứ mà cai tù cũng cần để mang vào cho nó kéo dài đời sống ra và có thể áp dụng đòn thù trên chính thân thể nó như một vật thí nghiệm những gì họ học được và cần trả bài.

 Mùa thu nghiệt ngả này là giai đoạn tù đày để lại trong lòng những cựu binh A 20 như một dấu ấn. Không có thứ tẩy rửa nào làm cho phai nhạt, không có khoảng thời gian nào có thể làm mờ đi trong tiềm thức, mùa thu 1983

 Nó phải dùng số thuốc mà nó vừa nhận để cứu khẩn cấp Phạm Đức Nhì vừa từ biệt giam về tập thể. Nhì te tua hơn nó mà, anh ta đóng chốt trong biệt giam lâu hơn nó.  Nhì trắng phau như con chuột bạch cũng mập ú vì nước, phù thủng và cạn kiệt. Phải để Nhì nằm tầng dưới và gần khu cầu tiêu cho anh đi tè chứ, cứ uống B1 cái đã, từ từ mọi chuyện sẽ qua. Ôi những ngày biệt giam, kẻ rời khỏi nó tay nào cũng thế, nằm liệt cả vài tháng. Phong độ sẽ phục hồi dưới bàn tay tuyệt vời của đám y tá chuyên nghiệp trong tù, chính là những thằng đồng đội luôn hy sinh và sẳn sàng gánh vác. Nhất là những đàn anh, lớn tuổi hơn một chút, lì hơn một chút và chống cộng sôi nổi một chút.

 Cái danh sách dài hai trang của thằng cán bộ an ninh trại chưa gạch chéo hồ sơ biệt giam, thì còn dài dài những nghênh đón long trọng cho những người hùng từ cánh cổng địa ngục trong địa ngục. Và không có gì xúc động làm nổi da gà hơn khi thấy cả đám nhào tới ôm, dìu, xoa nắn chân tay cho thằng “chuột bạch” mới trở về. Ai cũng tâng tiu nó như là cầm nắm lại cái thân yêu tưởng như mất khỏi tầm tay.

Bùi Đạt Trung, cũng không thoát khỏi cái tàn tạ vào ngày về với anh em. Như cọng bún ẻo lả dưới đôi mắt gần lạc thần “tao dễ gì tiêu, tụi bây yên chí, xong  chuyến nầy, kinh nghiệm cho chuyến sau hơn”.

Trung nhớ mình là Biệt động quân, thứ lính tác chiến trên sình lầy là nghề. Ở cái biệt giam chó chết đó không có sình lầy, giọt nước uống cũng không, vậy mà phải tác chiến đơn độc nhiều tháng, chẳng có bài học nào dạy trước đó “tác chiến với cùm”. Vậy mà cũng thắng. Cái chiến thắng kỳ cục không có địch quân và phi pháo, chỉ có muỗi, khát, đói và gìn giữ hào khí của mình cho xứng đáng. Ôi hai chữ xứng đáng đó ngầm chứa đựng một thử thách gần như vượt giới hạn chịu đựng của một con người. Trung chợt nhớ những giọt nước tiểu của Nguyễn Tú Cường khi nó giả đò khai sự thật để ra ngoài căng bụng uống nước cho đầy rồi trở vào biệt giam đái ra cho mình uống chống khát “thằng chó chết, tao cám ơn mầy” .

Trung buồn đi tiểu, mấy viên B1 làm hắn mệt, phải cắm đầu vào vách, trụ chân cho vững để tống hết nước trong người ra. Sau mỗi trận tè như vậy, hắn thấy mình xọp hẳn xuống . Da thịt nhăn nhúm lại, nước tích tụ trong cơ thể, thứ nước âm ỉ làm cạn kiệt hơi sức . Phải chi uống được nó chống khát lúc còn đeo cùm thì đã biết mấy. Nước đâu mà nhiều thế không biết, càng tè người càng xọp xuống như cái bong bóng bị xì. Và cuối cùng hắn chỉ còn lớp da bọc xương.

 Trung lắc lắc cái đầu thầm hỏi. Không biết Vũ Hùng Cương , thằng Cương còm bây giờ mầy thế nào rồi, chắc khát lắm. Nó thở dài “Tù mà mầy ơi tao chịu chết không giải vây được”.

Cùng vào những ngày đó Phạm Chí Thành, thê thảm hơn. Con sử gia quân đội Phạm văn Sơn ôm cùm lâu lắm rồi. Nếu tính theo Cái Bang, Thành chắc phải mang 6 hay 8 túi. Ốm yếu, nhỏ con nhưng thuộc loại nòi nên khoen cùm lún sâu vào thịt nhiều hơn, mủ máu nhiều hơn và kiệt sức hơn. Thành trở lại khu tập thể gần như chỉ còn là cái xác, anh em chỉ còn nhận ra vầng trán cao đầy ý chí treo trên bộ xương cách trí, còn một nụ cười trấn an.

Hơn ai hết Thành biết anh và Vũ Văn Ánh như một cây đinh dưới cái nhìn của lũ cai ngục tại trại nầy. Anh không thể chết khi cuộc chiến thầm lặng vẫn còn cần anh, những người trẻ hơn còn nhìn anh để bước theo. Anh thở dài khi nhắc đến Ánh, lần cuối anh thấy Ánh khi đi lấy cung từ xa xa, bạn anh vẫn hào khí tỏa sáng trong dáng người tả tơi vì bao năm chỉ ở xà lim . Thành cười nhe hàm răng vàng khè, tám tháng chưa biết bàn chải và kem đánh răng là gì. “Không sao, mấy đứa đừng lo anh tỉnh rụi mà, chết sao được“ . Cái áo lính bạc màu rộng thùng thình làm anh loay hoay trên bục nằm đẫm hơi xi măng. Bên ngoài đêm xuống, một bóng đêm luôn rình rập. Ở đó có nhiều con mắt cú vọ thường nhìn vào quan sát cái sinh hoạt đặc thù khi có một gã tù biệt giam vừa được tháo cùm. Anh nằm vắt tay lên trán, thở nhẹ nhàng chờ giấc ngủ đến. Trong cái ấm cúng như  một chuyến đi xa mới trở về nhà, với những vui buồn cùng những người bạn đang uống chung chén đắng với mình. Anh biết anh đang phải làm gì trước những bè bạn đó. Và trước họng súng kẻ thù, với con mắt đỏ ngầu bao lần muốn ăn tươi nuốt sống anh. Thành quay lại chỗ nằm của Nguyễn Chí Thiệp, người bạn anh đang vật vã với cái tim trở chứng. Bên cạnh Thiệp, Khổng Hữu Diệu gã bao tử kinh niên đang săn sóc cho thằng lên cơn tim với một tay đang lần trong áo xoa cái bao tử nổi khùng khi trời trở lạnh. Thành thở dài …tội nghiệp tụi mình.

Nhà 3 trại Xuân–Phước gom lại cho vừa đủ 125 con người mà trong đó có đến hơn hai mươi chỗ nằm được đánh dấu đỏ, những tay  biệt giam. Không giống phân trại E, ở đây là B . Sau khi gạn lọc kỹ bọn an ninh trại lùa vào một nhà, được mô tả là căn nhà của những chúa ngục.

 Hôm Vũ Văn Ánh về vào buổi sáng các đội đã đi làm, mấy tay trực sinh dìu anh vào. Chỗ Ánh nằm là tầng trên dãy nằm xây xi măng kiên cố trong căn nhà ngói đỏ, cũng kiên cố nhưng nó không như cái biệt giam đã nhốt anh với cái khoen cùm bó sát vào cổ chân. Máu mũ ứa ra từ đó, anh chiến đấu với nó như một thứ quá quen trong cuộc đi tù nầy. Anh là một trong những thằng chúa ngục của trại trừng giới, bên cạnh anh có quá nhiều để nhớ. Linh mục Vàng nằm với anh cho đến cuối đời, những người em nhỏ hơn anh nhưng cam đảm trước đòn thù của giặc làm anh phải nhớ tới xót xa, như phần thân thể mình bị tùng xẻo.

 Tờ Hợp Đoàn là một thách thức đối với với lũ cai tù, anh biết nó ra đời là một nổ lực ghê gớm dưới họng súng trong trại giam và dưới những đòn mà chúng sẽ tung ra dập tắt bằng mọi giá. Anh nghĩ đến Hải bầu, Nhì, Thành và nhiều rất nhiều anh em, đã sống chết với tờ báo. Một tiếng kêu giữa rừng gươm đao, một cái nắm tay dưới bao con mắt căm thù luôn thích xé vụn những hành động xích lại gần nhau.

Ánh nhìn anh em của mình đi làm về, khuôn mặt mệt mỏi sau bao năm tháng bị đày ải chỉ sống trong rừng sâu núi thẫm và đói khát triền miên. Ánh đứt ruột khi thấy những khuôn mặt trẻ măng tuổi người mà già dặn tuổi tù đã đi với anh, cùng anh sống chết, cùng oằn vai một thứ gánh nặng trời cho.

Những tiếng lao xao gọi tên anh của bè bạn của anh em, cho anh có cái cảm giác như mình sống lại. Sống trong tình nghĩa, như trong mái gia đình, có những tình thương mà không chỗ nào có được trừ… trại tù, và là Trại Trừng Giới, trại A 20.

Anh bước xuống phía khu vực vệ sinh, anh bước ra hành lang, anh chuẩn bị nhận phần ăn của tù. Anh làm bất cứ cái gì cũng có một vài anh em bên trái, bên phải làm và giúp anh, tất cả như sợ anh ngả xuống. Nhưng anh biết rất rõ cái thân thể bạc nhược sau mấy năm biệt giam không thể đánh gục ý chí đứng dậy trong anh. Sự săn sóc của đồng đội, của bè bạn, của những thằng em nhỏ tuổi hơn anh đó là tất cả phép màu đã giúp anh chịu đựng. Cái cùm nghiến trên da, hai chân tê cứng không nhúc nhích được. Cái nóng gió Lào thổi lùa qua trại như thiêu cháy buồng biệt giam mùa khô . Và những đêm mưa rừng rả rít, anh vẫn thấy lập lòe phía trước, con đường phải đi, cái mốc phải tới “Hợp đoàn”. Phải nắm tay thật chặt, một sự buông lỏng lúc nầy là cầm chắc bị xé tan nát trước những khó khăn, trước cái án dây thung mà anh và đồng đội đang mang. Phải nắm tay thật chắc, Ánh nghĩ điều đó như cả trong giấc ngủ cầm chừng .

Ánh đưa mắt nhìn Chí Thành, cả hai chỉ gật đầu nhè nhẹ. Một thông điệp đã trao đổi, tất cả anh muốn một mình anh gánh vác. Cuộc chiến vẫn tiếp tục… trong cái nhìn nhau của hai thằng chúa ngục có tuổi xà lim dài đăng đẳng luôn tính bằng năm và chia làm nhiều hiệp như một trận đấu quyền anh.

Nguyễn Đại Thuật chỉ cười khi mấy thằng nhỏ bu quanh anh, hỏi anh thông tin về những anh em còn trong biệt giam khi anh được ra  tập thể. Anh muốn nói hết những cái chịu đựng của mình cho tụi nhỏ nghe, và nói như nhắc một kỷ niệm mới vừa qua.  Thuật biết mình đã trải qua một cuộc chiến đơn độc như một phép màu. Với hình vóc ốm nhom, nhiều khi anh nghĩ mình sẽ gục trước trận biệt giam nhừ tử vô thời hạn nầy. Vậy mà anh vẫn qua, qua tuốt luốt. Khi đối diện cái cùm, cái mà giặc nghĩ là biện pháp trấn áp thành công nhất. Anh thấy nó tầm thường như món trang sức cho vui dù rằng có khi nó làm cho anh khó chịu. Bực mình vì không thoải mái gác chân lên rung đùi, chán chút xíu khi không thể xếp bằng ngồi vận khí, thì thôi nằm cũng xong. Anh nhìn Ngọc đen đang lo cho anh, nó châm chút từng món ăn cho anh, dù đó chỉ là thứ món ăn mạt hạng của tù. Anh thương nó, cái thằng đen thui mà tâm hồn trong sáng, rất biết quí anh em, bè bạn. Nó san sẻ bất cần những gì của nó cho đồng đội và rất phải quấy với kẻ thù, tính nó ngang ngược coi trời bằng vung. Thuật đã nhiều lần khuyên nó đừng nổi nóng, nhưng chứng nào tật đó. Anh biết thằng Ngọc đen rất nghĩa khí và anh an tâm khi từ biệt giam trở ra tập thể mà nó còn nguyên chưa bị tụi an ninh trại vịn vai.

Nửa đêm Thuật ngồi dậy nhìn bóng mình mờ mờ dưới ngọn đèn dầu nhỏ xíu đặt ở cửa ra vào. Cả nhà giam im lặng, thỉnh thoảng một tay nào đó trở dậy bước tới ngọn đèn kéo một bi thuốc lào. Âm thanh rít lên trong đêm vắng, một thứ âm thanh địa ngục. Và bạn bè anh trên, dưới hai dãy chen vai nhau ngủ trong chật chội và mòn mỏi. Anh sẽ còn ở trại mà không đi lao động nhiều ngày nữa. Cũng có thể là anh sẽ quay lại biệt giam, nếu có một dấu hiệu nào bọn chèo phát giác ra, anh có ít nhiều dính dáng vào cuộc đứng dậy của anh em nhất là tờ Hợp Đoàn vì anh biết lũ cai tù luôn đánh giá bọn anh: Ánh, Khải, Thành, Nhì và một số trẻ hơn cùng một nhóm. Dĩ nhiên biệt giam là biện pháp đầu tiên để cách ly và điều tra. “Mặc xác chúng mầy” Thuật nằm xuống trước khi chìm vào giấc ngủ bình yên anh còn thấy Đoàn Bá Phụ. Tay anh em khắng khít, một thằng cha đại úy Nhảy Dù nhỏ con, lì chưa từng thấy đang mở mắt nhìn anh mỉm cười. Nụ cười cho anh cái an yên tình bè bạn, nó như đang nói ‘’có tao kề bên tụi nó chưa nuốt nỗi mầy đâu”

Mùa thu với cái biếc xanh của rừng núi, cái ngột ngạt của trại giam thời đồ đá và cái đau của những người lỡ lầm buông tay súng. Mùa thu 1983, trại trừng giới A 20 vừa đổ cơn mưa. Có lẽ mưa để báo một mùa thu phải nhớ và một cuộc chiến nữa sắp xảy ra giữa hai dãy Trường Sơn đông và tây, nơi đang có hàng ngàn chiến binh trừng mắt đợi. Cái đợi kéo dài từ cái ngày tang tóc, mưa đầu mùa đã qua lâu lắm. Ừ nó qua lâu lắm có lẽ gần đã mười năm.

 nguyễn thanh-khiết
 (viết theo cái nhớ rời rạc từ A 20
chiều thứ năm 1/7/2010)






1 nhận xét:

  1. Bài viét qúa đỉnh .
    Kính bái - kính bái .

    Hâu sanh Phạm văn Thành .

    Trả lờiXóa