25.7.10

Hợp Ðoàn: tờ báo chui trong tại tù Xuân Phước




An Pha

(Kỳ I)
Friday, May 12, 2006

Trong tác phẩm Trại Kiên Giam, tác giả Nguyễn Chí Thiệp có viết đến việc hình thành và thực hiện tờ báo “chui” đầu tiên trại Kiên Giam Xuân Phước A-20 là tờ Hợp Ðoàn vào năm 1981. Tuy nhiên, vì khi tác giả viết tác phẩm này thì còn nhiều anh em cộng tác vẫn còn kẹt ở Việt Nam nên ông không thể nói ra được nhiều chi tiết. Nay đã đến lúc cần công bố những chi tiết liên quan đến tờ Hợp Ðoàn. Thật ra, tôi cũng không có ý định nhắc lại những kỷ niệm này, những kỷ niệm mà thời gian đó nếu bị phát giác, chúng tôi sẽ phải trả giá bằng cái đầu của mình. Nhưng gần đây khi xem Phòng Triển Lãm Thuyền Nhân và Việt Nam Cộng Hòa, nhìn thấy trưng bày những bộ quần áo tù mà có một thời gian khá dài chúng tôi từng phải mặc, nên chợt nhớ lại và muốn viết lại kỷ niệm này.


Tuy nhiên, mãi cho đến năm 1987, PA-24 mới phát giác ra nguyên bản số 1 của tờ Hợp Ðoàn. Nguyên do là một bạn tù trong nhóm chúng tôi đưa một bản ra nước ngoài khi anh được thả ra và vượt biển nhưng bị bắt lại.

Phải nói rằng trong cuộc đời tù đày của chúng tôi, đây là kỷ niệm lớn nhất và nếu ai là người từng thích những cảm giác mạnh khi làm báo chui trong hoàn cảnh khó khăn nhất, chắc cũng sẽ thích. Phải nói ngay rằng, những người làm việc trong nhóm Hợp Ðoàn nay đã có mặt ở Hoa Kỳ như Trần Danh San, Nguyễn Chí Thiệp, Trần Bửu Ngọc, Phạm Ðức Nhì, Hải “bầu”, Hải “cà”... và tôi cùng một số anh em trẻ khác từng lãnh phần phát hành tờ Hợp Ðoàn. Tôi cần nói ngay, đây chẳng phải là chuyện gì to tát, nhưng từ việc làm tờ báo “chui” trong một trại giam trong số những trại giam hà khắc nhất Việt Nam (loại trại kiên giam) giúp cho chúng tôi những bài học mà tôi nghĩ không có một trường lớp nào trên thế giới này dạy.

Năm 1987, lúc chúng tôi đã trải qua 12 năm cải tạo, do bị phát giác ra được chuyện này, cả đám chúng tôi bị đưa trở lại trại Phan Ðăng Lưu trước chợ Bà Chiểu để bị thẩm cung và bị truy tố ra tòa. Họ đã hỏi cung và lập cáo trạng kết chúng tôi án chung thân. Nhưng vào giờ phút chót, chính quyền Cộng Sản ở Sài Gòn đã hủy bỏ vụ án và đưa chúng tôi trở lại trại cải tạo Xuân Lộc Z-30A, cho đến một năm rưỡi sau mới thả chúng tôi.

Khi làm tờ báo chui này, tôi áp dụng một nguyên tắc mà tờ Nhân Dân Nhựt Báo của Mao Trạch Ðông đã áp dụng khi họ Mao còn hoạt động trong bí mật, nghĩa là tờ báo chỉ có một bản duy nhất, viết tay. Chúng tôi có một ban phụ trách truyền tay nhau xem và sau đó tìm cách chuyển ra bên ngoài, chứ không dùng hộp thư chết như tờ Nhân Dân Nhật Báo lúc còn ở trong bóng tối. Có nhiều nguyên nhân dẫn chúng tôi đến việc hình thành và thực hiện tờ báo này, nhưng nguyên nhân chính vẫn là để thách thức guồng máy an ninh và hệ thống ăng ten bao trùm trại kiên giam Xuân Phước.

Chúng tôi hiểu rằng, đã ở trong một trại Kiên Giam bốn bề vách núi dựng đứng, chỉ có một con đường độc đạo băng qua khu rừng nguyên sinh từ Chóp Chài, Tuy Hòa để vào trại, thì có cựa quậy gì cũng vô ích. Thế nhưng hàng ngày, hàng giờ bọn an ninh trại sử dụng những phương thức tàn bạo, khắc nghiệt đối với chúng tôi, thì ngược lại, chúng tôi cũng không cũng không để cho họ yên vui bằng sự hành hạ mình được. Ngoài những vụ viết khẩu hiệu, truyền đơn, vẽ cờ Việt Nam Cộng Hòa... chúng tôi bồi thêm việc “xuất bản” tờ Hợp Ðoàn. Lý “lé”, cán bộ an ninh khét tiếng của trại giam đã mất ăn ngủ về những chuyện này. Năm nào trại giam cũng lãnh huân chương lao động chỉ vì A-20 là trại giam nổi tiếng về cho tù ăn đói, làm việc nặng, ốm đau không có thuốc, kiệt sức rồi chết. Nhưng kể từ khi khẩu hiệu và cờ Việt Nam Cộng Hòa được vẽ trong trại giam, cộng thêm vụ trốn trại, các “ban” bị đổi liên miên, ngoại trừ tên trại trưởng gốc lớn nên còn trụ lại cho đến 1986. Họ cũng không còn cơ hội lãnh huân chương nữa.

Trong rất nhiều năm, trại A-20 chỉ cho tù nhân cải tạo lãnh quà của gia đình gởi qua đường bưu điện, mỗi gói chỉ nặng 3 kí lô và mỗi người chỉ cho nhận 1 gói mà thôi. Sau những vụ đánh ăng ten, làm loạn trong nhà kỷ luật và sau khi 7 sĩ quan cướp súng cán bộ trốn trại (6 sĩ quan này gồm toàn cấp thiếu úy của các quân binh chủng Biệt Ðộng Quân, Thủy Quân Lục Chiến, Nhảy Dù và Sinh Ngữ Quân Ðội), kỷ luật trại giam mới được nới lỏng đôi chút vì ban quản trại muốn chọc thủng nồi nước sôi đậy nắp kín. Sáu sĩ quan vừa kể trên đường đến gần Quảng Ðức thì bị Thượng Cộng phục kích, bao vây và bắn chết 6 người. Riêng anh Lê Thái Chân, một sĩ quan pháo binh Nhảy Dù trên đường trốn bị rắn cắn phải nằm lại và bị bắt trở lại trại Xuân Phước. Anh bị đưa ra tòa án nhân dân kết án 10 năm tù. Có dịp tôi sẽ viết lại chuyện này. Chân đã bị mù trong thời gian anh bị nhốt kiên giam do vụ trốn trại nói trên. Mấy năm trước đây, quận Cam đã có dịp tiếp đón Lê Thái Chân, sau khi anh được thả và được định cư ở Mỹ theo diện HO. Tuy nhiên, sau đó anh lại chọn New York để định cư.

Trước khi hiểu động cơ chính khiến nhóm chúng tôi làm tờ Hợp Ðoàn, và ra được 6 số, cần phải nhắc lại bối cảnh của trại Kiên Giam A-20 ở thung lũng Xuân Phước, thường gọi là “Thung lũng tử thần”. Trại giam này chỉ cách trại Dân Sự Chiến Ðấu Xuân Phước vài cây số. Trại Dân Sự Chiến Ðấu của Mỹ này đã bị bỏ hoang từ lâu sau khi Hoa Kỳ không còn tài trợ cho các trại biên phòng nữa. Xã Xuân Phước thuộc vùng thâm sơn cùng cốc của quận Ðồng Xuân, Phú Yên. Người ta thường gọi Xuân Phước là vùng tiền sơn của các buôn Thượng, sắc tộc H'Mong. Nó nằm sát đường mòn Trường Sơn Tây. Trại được thành lập bởi nhóm cựu sĩ quan và cảnh sát Việt Nam Cộng Hòa di tản sang Guam rồi lại biểu tình đòi về. Họ dùng chiếc tàu Việt Nam Thương Tín để về nước. Khi vào đến Vũng Tàu thì không được nhà cầm quyền Cộng Sản nhận, phải ra Nha Trang. Tất cả những người có mặt trên tàu đều bị tạm giam tại Nha Trang, sau đó một phần được đưa về Chí Hòa và phần còn lại bị đưa lên rừng Xuân Phước để thiết lập trại A-20. Thành phần bị đưa về Chí Hòa cũng bị đưa ra Bắc, có người bị nhốt tận trại Cổng Trời, ở chung với nhóm Biệt Kích Việt Nam Cộng Hòa được thả ra Bắc thời chiến tranh.

Trong tác phẩm Trại Kiên Giam, tác giả Nguyễn Chí Thiệp đã viết nhiều đến bối cảnh sinh hoạt tại trại Xuân Phước Z-30A, nhưng điều mà tôi muốn nhấn mạnh là trại này được thành lập cốt để nhốt những thành phần có án chính trị nặng, từ 10 năm đến tử hình và những thành phần cựu sĩ quan, công chức Việt Nam Cộng Hòa mà họ cho rằng “hết thuốc chữa” tức là không thể cải tạo được. Những người được đưa về đây, nếu là tập trung cải tạo thì đều bi liệt vào loại “hết thuốc chữa” theo cách nói nôm na của những người tù như chúng tôi lúc đó. Một số lớn những anh em chúng tôi, nếu bị đưa về đây theo Phương Án 4, thì họ sẽ không bao giờ được xét tha nữa, trừ phi có những biến chuyển từ bên ngoài. Một số được đưa về đây có thời hạn là để bị trừng trị vì những vụ rắc rối ở những trại khác. Chẳng hạn như một nhóm tù cải tạo từ Bắc về trại Z-30D đã nổi lọan năm 1983, bị đưa về nhốt ở Chí Hòa sau đó bị đưa ra trại Kiên Giam Xuân Phước. Những cho đến 1985, họ cũng đã được thả cùng với những người trong nhóm Việt Nam Thương Tín.

Trại Xuân Phước vào những năm đầu của thập niên 1980 có tới 4 trại khác nhau. Riêng trại A được kể là trại có “mã” nhất vì được xây bằng gạch, vườn rau ao cá, thư viện, nhà văn hóa, hội trường. Trại nằm dưới bóng dừa với vườn hoa cây kiểng, nên mới nhác trông người ta có cảm tưởng đây là một tụ điểm du lịch. Nhưng phía đằng sau cái bề ngoài, Xuân Phước là một “địa ngục trần gian” với một loại kỷ luật “hơn mười lần Ðầm Ðùn”. Trước đây, khi nghe nói đến chuyện tù nhân ăn cả da bò phơi làm mắt trống, người ta nghĩ chỉ là chuyện hoang đường. Nhưng ở Xuân Phước, mức ăn của một người tù lao động bình thường là 9 kí lương thực một tháng, những tù nhân bị kỷ luật chỉ được 6 kí lương thực và “thức ăn” chỉ có nước muối hay rau muống nấu với nước muối mà chúng tôi thường gọi là “canh đại dương” hay “canh dây thép gai”. Sở dĩ phải gọi như vậy vì tiêu chuẩn của một đội 40 người là một bó rau muống nấu với nước muối. Rau muống già đến nỗi phải nhai lấy nước và nhả bã. Cho nên, chính tôi đã phải ăn trộm da bò phơi làm mặt trống. Bọn cán bộ trại giam điên tiết, mở điều tra nhưng họ thất bại. (An Pha)


**********

(Kỳ II)
(chưa có)

**********

(Kỳ III)
Monday, May 15, 2006

Khi chúng tôi mới đến trại Xuân Phước vào đầu thập niên 1980, không có ai được thăm nuôi cả, nhưng được viết thư cho gia đình. Nhưng có điều rất trái khoáy là trại không cho bất cứ tù nhân nào được giữ giấy bút. Chỉ cuối tháng tới kỳ viết thư, trại phát giấy, bút cho tù và thời hạn viết và nộp thư để kiểm duyệt là 3 ngày. Nhưng thư có được gởi đi hay không thì chỉ có trời biết. Không cho thăm nuôi nhưng cho gởi quà qua đường bưu điện. Một gói quà 3 ký lô gởi đi từ Sài Gòn ra Phú Yên mất khoảng gần 2 tháng, từ Phú Yên quà được chuyển đến kho bưu điện huyện Ðồng Xuân mất nửa tháng. Cũng phải chờ khoảng nửa tháng trại mới cho người ra nhận về. Không bảo đảm mất mát hư mốc và dĩ nhiên quà thường bị móc ruột. Những “kẻ trộm” có quyền chức của trại và bưu điện Ðồng Xuân móc ruột các gói quà này của tù để lấy âu dược, hoặc nhiều khi quà để quá lâu, hư mốc.
Giấy bút gia đình gởi theo quà đều bị mất ngay ở kho Ðồng Xuân hoặc kho của trại. Ngoài miền Trung, bút bi và giấy trắng là những thứ quý. Trong số đầu tiên của tờ Hợp Ðoàn chúng tôi viết trên giấy trắng nhờ một số bạn tù giấu được giấy, góp lại được 16 trang. Nhưng dùng giấy trắng do các bạn tù thân với chúng tôi đóng góp rất nguy hiểm, bởi nếu tờ báo lọt vào tay bọn an ninh trại, họ sẽ truy nã và tìm ra hết tổ chức trong trại. Cho nên, tôi quyết định thay giấy trắng bằng giấy bao xi măng. Thời gian đó, trại còn đang kiến thiết cho nên bao xi măng thì không thiếu. Giấy từ bao xi măng thường nhàu và có dính xi măng. Chúng tôi phải rửa cho sạch, khéo léo phơi cho khô. Sau đó giấu dưới chiếu nằm. Trước khi cho xuống dưới chiếu, phải kẹp những tờ giấy từ bao xi măng ấy giữa những miếng nhựa. Hơi nóng từ người sẽ làm cho những miếng giấy xi măng trở nên mịn hơn và dễ ăn mực hơn.
Tôi dùng từ “ăn mực” bởi vì chúng tôi không dùng bút bi mà dùng mực tím và viết bằng một thanh tre mỏng. Tre tươi mỏng vạt đầu cho nhọn, chấm mực tím pha đậm viết đẹp hơn là viết bằng ngòi bút cắm vào quản bút như thời thế hệ tôi học ở bậc tiểu học chưa có bút bi. Phải tập mới rút được kinh nghiệm để viết sao cho đẹp và chân phương. Trong số tất cả những người cộng tác chỉ có Nguyễn Chí Thiệp, Trần Danh San, Phạm Ðức Nhì là không viết theo cách của tôi được, họ viết bằng bút bi rồi đưa bài tôi cho tôi. Tôi đọc, sửa chữa và viết lại bằng “bút” mực tím của tôi. Ðiều này có lợi, vì nếu bị phát giác tôi có thể nhận mình tôi, bọn an ninh sẽ khó điều tra người khác và thiệt hại của chúng tôi được giới hạn lại.

Chuyện có được một lọ mực bán sẵn là chuyện không tưởng đối với tụi tôi. Lúc đó, tại trại Xuân Phước đã có một đội toàn những anh em tù nhân bị phạm vào những tôi xã hội, từ ăn cướp có súng cho đến bán lẻ ma túy ngoài đường phố. Những anh em này được xếp vào diện rộng, tức là họ có thể đi luông tuồng không có vệ binh đi theo để canh gác. Thế nhưng, việc nhờ vả họ mua những viên mực bán ở ngoài chợ xã kinh tế mới gần đó hay ở chợ Ðồng Xuân là điều khá khó khăn. Cho dù người đời gọi những người tù hình sự này là dân giang hồ, nhưng với chúng tôi, họ rất kính nể. Tuy nhiên, chuyện nhờ họ mua gì ở ngoài dân, chúng tôi vẫn phải tìm cách trả công cho họ. Gom góp được của để trả công trong hoàn cảnh anh nào trong chúng tôi cũng đói khổ cả không là điều dễ dàng.
Tôi thì không quen anh em nào trong số tù hình sự này, nhưng Ngọc “đen”, một thiếu úy biệt kích, thì quen một vài người. Ngọc “đen” tù chung với tôi khá lâu, tôi chuyển trại nào, anh cũng bị “đi theo” tôi đến trại đó. Ngọc xoay xở và có được vài chục viên mực tím mà không cần phải trả công trả cán gì nhiều.
Tướng tá Ngọc “đen” rất ngầu, dám chơi bạo với đám ăng ten nên trong bao nhiêu năm sóng gió ở trong cảnh tù đày, bọn ăng ten không dám đụng đến chúng tôi, vì ngại anh làm sảng, họ cũng kẹt. Ngọc luôn luôn bắn tiếng: “Tôi nói thẳng với các đàn anh. Các đàn anh muốn làm tai mắt cho cán bộ thì mặc kệ mấy anh, nhưng mọi chuyện trong buồng giam này hay buồng giam khác, xin giữ kín. Lý do mấy đàn anh sống với anh em chúng tôi một ngày bao nhiêu giờ, các đàn anh có được ăn ngủ riêng ở ngoài buồng giam này không? Không, vậy thì sao các quý vị chơi riêng. Quý đàn anh nào chơi riêng thì tụi em xin phép dùng luật riêng để xử”.
Mấy cái cần “xịn” nhất trong buồng giam đội chúng tôi đã từng bị Ngọc “đen” xử ở các trại khác nên họ cạch mặt. Trong việc thực hiện tờ Hợp Ðoàn, Ngọc “đen”Phạm Ðức Nhì (thiếu úy binh chủng Nhảy Dù, anh bị bắt làm tù binh tại Bà Rịa ngày 26 Tháng Tư năm 1975) góp phần rất lớn trong vấn đề an ninh và chuyển tờ báo luân lưu cho những anh em khác ở trại Xuân Phước. Ở hai người bạn tù này, tôi học được nhiều bài học về lòng trung thành, ý chí sắt đá, phương thức làm việc, sự tính toán chi ly. Họ điều khiển gần như một guồng máy nhỏ bé của chúng tôi để đối phó với cả một guồng máy an ninh và mạng lưới ăng ten của trại. Ðiều cần nói rằng ăng ten ở trại tù Xuân Phước báo cáo bạn cả từ việc “chôm” một củ khoai, một trái bắp, ít cây rau muống... cho đến những âm mưu trốn trại hay lấy tin tức từ bên ngoài vào.
Trước khi quyết định cuộc chơi, chúng tôi dự định có một cuộc họp vào đúng ngày 30 Tháng Tư năm 1981. Nhưng vào buổi tối 29 Tháng Tư, ban quản trại có tổ chức một buổi chiếu phim. Trong suốt 13 năm rưỡi trong tù, tôi sợ nhất là những buổi chiếu phim này. Lý do: trong những buổi chiếu phim đó, trước hết họ buộc chúng tôi phải xem sự thất bại của mình qua những thước phim thời sự ghi hình sáng 30 Tháng Tư năm 1975 và những phim sau cũng lại là những phim bóp méo hình ảnh những người lính Việt Nam Cộng Hòa. Phim thế nào cũng có hình ảnh những người lính chúng tôi ức hiếp đồng bào mình. Cho nên, ở những trại trước tôi thường khai bệnh để không bị lùa ra ngoài sân dù rằng tôi biết khi đi xem chiếu phim, chúng tôi có thể gặp nhau, thông báo cho nhau những tin tức hay có dịp ngồi tán láo, hút thuốc lào với nhau mà không bị chú ý.
Tối 29 Tháng Tư năm 1981, tôi khai bệnh. Bệnh xá cho phép nằm nhà không đi xem phim. Bác Sĩ Châu khám bệnh và phát thuốc một vốc thuốc “xuyên tâm liên”. Nhưng đến 7 giờ tối, trước khi mọi người ra ngoài sân để xem phim, Lý “lé” bước vào buồng giam kêu tên tôi, đưa ra ngoài và đưa tôi thẳng xuống biệt giam cá nhân. Lý “lé” nói với mọi người giọng mỉa mai: “Còn có những ai khai bệnh, không chịu xem phim, xin mời vào dưới kia nghỉ cho yên tĩnh, không bị làm ồn (trại biệt giam cá nhân gồm một dãy 10 chuồng cọp chỉ cách buồng giam đội tôi có một vườn rau)”. Tuy nhiên, tôi không ân hận gì vì có bị cùm 2 tuần lễ nhưng bù lại, tôi không phải coi cảnh những người chiến thắng bóp méo những thất bại của chúng tôi.
Sau khi ra khỏi biệt giam trở lại đội, tôi lại phải duyệt lại các kế hoạch từ đầu. Nhì cằn nhằn: “Alpha chỉ tự ái cá nhân. Khi Alpha vào trong hộp, ngoài này tụi tôi phải di tản mọi thứ ra khỏi trại, rồi lại còn giấu ngoài bãi nữa. May mà chúng không nhốt thêm thằng nào. Alpha ơi, cuộc chơi này có thể tốn xương máu không chừng. Alpha cần phải bỏ những tự ái đó đi, đừng làm gì để chúng chú ý đến Alpha”. (An Pha)


**********

(Kỳ VI) (Kỳ V)
(chưa có)

********** 

 (Kỳ VI)
Sunday, May 21, 2006 



Mọi phương tiện đã được Ngọc “đen” chuẩn bị và chúng tôi chỉ chờ ngày được viết thư về gia đình là khởi sự. Ngày nay, dù đã mòn mỏi vì thời gian và tuổi tác, nhưng tôi vẫn còn có thể nhớ rằng, trại cho viết thư về gia đình vài ngày trước ngày 19-6-1981. Ngay tối đầu tiên ngày viết thư, trại phát giấy và bút bi cho cho tù nhân. Ngọc “đen” đã chuyển ngay những phương tiện để tôi khởi sự. Ngọc giấu phương tiện này ở ngoài bãi lao động, chỉ đem vào trại buổi chiều trước tối viết thư để đề phòng an ninh. Có một điều cần nói rõ là trại Xuân Phước vào thời điểm đó đã có máy phát điện riêng cho toàn trại, dùng cho cả trại cán bộ lẫn cho tù nhân. Nhưng chỉ đến 10 giờ đêm thì đèn tắt và từ 10 giờ là giờ “giới nghiêm” không một tù nhân nào còn được tụ tập ngoài mùng và cấm nói chuyện. Tù nhân nào không ngủ được (vì đói) hay mất ngủ cũng đều phải chui vào mùng. Ngọc đen khuyến cáo tôi phải viết với tốc độ nhanh: Hai ngày viết, một ngày trình bày bìa và tít.

Ðến đây tôi cần nói thêm rằng, nhà 2 (mỗi nhà là buồng giam của 2 đội lao động). Ngọc và Nhì đã khám phá được tất cả những người thuộc tiểu đội “truyền tin đỏ,” một nhóm từ chúng tôi dùng để chỉ đội ngũ ăng-ten ngầm cho bọn an ninh trại. Trong số này có hai “cần” đáng ngại nhất là Phạm Văn Ðồng và một anh chàng Tây lai nhiều đời tên là Paul (tôi quên mất tên Việt Nam của hắn). Thực ra, cả hai đều là tù hình sự thời Việt Nam Cộng Hòa bị đưa ra Côn Sơn. Ra đến đảo họ được trại Côn Sơn đưa ra làm trật tự trong các trại tù binh Cộng Sản. Sau ngày 30-4-1975, Ðồng và Paul được tháo cũi sổ lồng và về được đất liền. Trở về Sài Gòn, ngựa quen đường cũ lại tập họp băng đảng tính làm ăn, nhưng bị chộp ngay đưa vào trại tạm giam được thiết lập tại khách sạn Ðại Lợi.

Trong lúc thẩm cung, tên công an thẩm cung trước đây từng bị nhà cầm quyền VNCH bắt tại Sài Gòn sau Tết Mậu Thân 1968 rồi đưa ra Côn Sơn nhận diện ra Phạm Văn Ðồng. Vì thế, Ðồng bị đẩy vào Chí Hòa với tội danh “nợ máu với nhân dân” và trở thành tù chính trị. Do Ðồng trùng tên, họ với Thủ Tướng CSBV nên chúng tôi cứ gọi anh ta bằng tục danh “thủ tướng.” Còn Paul thì trong khi khai lý lịch trích ngang, có lần anh ta khai cấp bậc thiếu tá trung ương tình báo, khi thì khai là trung tá, đôi khi chỉ còn là trung úy trưởng lưới CIA thả người ra Bắc. Do khai báo bất nhất như vậy, nên bọn an ninh trại giam không hiểu ra sao cả. Trong các trại tù Cộng Sản, khi mà bọn quản trại không hiểu một người tù nào ra sao cả thì thường là chúng cứ giam hoài. Có lẽ vì lý do đó mà dù thực chất chỉ là một tù hình sự với tội cướp có tra tấn gia chủ đến thương tật thời VNCH, Paul đã ở tù thêm dưới chết độ CS 11 năm nữa.

Trong thời gian ở Xuân Phước, chỉ vì đói mà Phạm Văn Ðồng và Paul không giấu diếm những hành động làm ăng ten cho an ninh trại. Tuy nhiên, vì khôn vặt, nên cả hai chỉ lựa một số đối tượng: Giàu thăm nuôi, nhát, muốn yên thân để sớm trở về. Những tay ăng ten “chuyên nghiệp” này dùng trò báo cáo để tống “thực phẩm.” Kỹ thuật của Phạm Văn Ðồng là: Báo cáo một vài người khiến họ phải lên an ninh “làm việc” rồi khi ấy Ðồng mới lân la đến những đối tượng để vay mì gói, thịt chà bông, cốm dẹp, đường. Những đối tượng này thường diu díu nghe theo lệnh của Phạm Văn Ðồng. Cho nên, sống trong tù, anh em tù nhân thường là đói, nhưng Ðồng khá no đủ nhờ cái tài làm ăng ten để tống “thực phẩm” này.

Riêng bọn chúng tôi, vì coi thường nhà kỷ luật và một lần đã chặn cửa hội trường đập cho tên Quí lai đen làm trật tự một trận gần chết rồi nói thẳng với an ninh trại: “Nếu thằng Quí còn làm trật tự, tụi tôi không bảo đảm tính mạng của hắn,” nên cả hai tay ăng ten Ðồng và Paul cạch mặt không bao giờ dám đụng đến chúng tôi. Một lần tôi nói thẳng với Phạm Văn Ðồng: “Tôi nói thẳng với cậu như thế này. Nếu muốn báo cáo tôi, chuẩn bị giấy bút sang hỏi tôi, tôi chỉ thêm cho cách vẽ báo cáo. Báo cáo sao cho tôi bị ở luôn trong nhà kỷ luật cho đến chết thì hãy làm, còn nếu tôi ra được mà cậu chưa về, cậu sẽ hết đường làm ăn. Tôi cầm bằng không ra khỏi nhà tù này được nữa rồi, sẽ có ngày tôi ra đồi thông hai mộ, nên tôi chẳng còn sợ gì cả. Còn cậu sẽ đói và tôi biết cậu sẽ không chịu được đói đâu.

Phạm văn Ðồng nằm cách tôi chỉ có hai chiếu. Ðồng nằm sát cựu Dân Biểu Trần Quí Phong, một người giàu thăm nuôi, nên Phong dùng Ðồng làm tà lọt luôn. Còn từ chiếu tôi đến sát tường thì có Ngọc và một số phe ta nằm. Buổi tối đầu tiên khi tôi viết, Ngọc và Nhì kéo một đám lên chỗ tôi hút thuốc lào, viết thư và tán chuyện gẫu. Tuy thế, trò này cũng chỉ là cách che mắt để khi có động, bằng mọi giá Nhì và Ngọc phải chuyển mọi thứ ra khỏi chỗ tôi và phi tang trong cầu tiêu. Vì là số đầu viết trên giấy trắng, bằng bút bi, nên tôi viết lại những bài đóng góp của anh em khá nhanh. Cho đến lúc đèn trại sắp tắt để giới nghiêm, tôi chỉ còn bài tổng kết tin tức đem từ bên ngoài vào và một bài thơ ngăn nữa của Phạm Ðức Nhì là chưa kịp viết thôi. Công tác tiến hành khá nhanh. Trước khi chúng tôi đi ngủ, Ngọc cho biết: “Tình hình có vẻ không trở ngại. Có lẽ trong một trại trừng giới như thế này, không ai kể cả bọn chúng nghĩ rằng bọn mình dám chơi trò này. Nhưng Alpha phải tuyệt đối cẩn thận.”

Hút một điếu thuốc lào xong, tôi chui vào mùng. Chưa ngủ ngay được. Cảm thấy cơn đói làm cồn cào ruột gan, tôi chợt nhớ rằng vì căng thẳng nên hồi chiều tôi chỉ ăn chút rau muống và muỗng cơm, còn để dư lại vài lát khoai mì chưa ăn nên lục đầu nằm lấy ra ngồi nhai trong bóng tối. Nghĩ tới bố mẹ, anh em, gia đình bỗng thấy lòng chùng xuống. Sau lần thăm duy nhất vào cuối 1975 ở Tân Hiệp Biên Hòa, 6 năm qua rồi tôi không được tin tức gì của gia đình và hoàn không biết gia đình tôi sinh sống ra sao, ai còn, ai mất.

Tôi cắt liên hệ với gia đình, không thư từ, không thăm nuôi nó cũng có lý do của nó. Trước hết ngay từ khi vào trại lao động Hàm Tân năm 1977, tôi đã nhận ra một điều: Bọn cán bộ trại giam thường dùng tình cảm gia đình của tù nhân để bắt chẹt, buộc tù nhân phải đầu hàng nhiều thứ và nhiều khi làm hạ nhân cách người tù. Hơn nữa, trong hầu hết những gia đình có người đi tù, gánh nặng sinh sống thường dồn vào vai những người đàn bà. Họ tự nuôi sống bản thân, con cái, bố mẹ, anh em cũng mệt rồi, để họ phải nuôi nấng những người ra đi mà không biết khi nào trở lại thật là tội. Người nào xoay xở được để giúp đỡ người ruột thịt trong tù còn đỡ, những gia đình nào quá nghèo không phương xoay xở mà hàng tháng cứ phải nhận thư xin thực phẩm của chồng, của cha, của con thì thật là đau lòng biết mấy. Vì thế không liên lạc nữa, coi như người ra đi đã chết cũng là cách giải thoát cho gia đình mình mối băn khoăn, mặc cảm. Tôi đã áp dụng chiến thuật tự biến mình thành “con bà phước” suốt trong mười mấy năm sau này của cuộc lưu đầy và thấy nó hữu hiệu: Tôi sống thanh thản, không còn sợ sệt bất cứ điều gì, trong khi gia đình tôi đã đỡ đi nhiều gánh nặng. “Khi người ta biết chấp nhận phần xấu nhất về mình, sẽ chẳng còn nỗi sợ nào.”

Khi đặt mình nằm xuống, gối đầu trên chiếc ba lô đã từng theo tôi suốt 11 năm trong nghề phóng viên, tôi chợt nhớ rằng tờ Hợp Ðoàn Số 1 sẽ ra vào dịp Kỷ Niệm Ngày Quân Lực 19 Tháng Sáu mà lại không có bài nào về ngày này cả, tôi dùng tự kỷ ám thị để tự nhắc mình là tối hôm sau tôi sẽ phải viết thêm một bài ngắn về ngày 19 Tháng Sáu thay cho thư tòa soạn . (An Pha)



********** 

 (Kỳ VII)
Sunday, May 22, 2006


Nằm trong bóng tối ở hoàn cảnh cá chậu chim lồng, tôi nghĩ mông lung mãi về đề tài 19 Tháng Sáu mà tôi dùng để viết lá thư tòa soạn. Viết một lá thư thông thường, ca ngợi sự chiến đấu anh dũng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa lúc đó thì quả là không thích hợp vì gần như cả quân lực chúng ta đã nằm trong tù. Hồi chiều, hai nhóm bạn đồng tù của tôi tạo ra cuộc tranh luận suýt nữa gây ẩu đả chỉ vì một bên đưa ra lập luận rằng trong biến cố ngày 30 Tháng Tư năm 1975 “chúng ta thua từ bên ngoài” và một bên cho rằng “tiên trách kỷ hậu trách nhân, chúng ta không làm đầy đủ trách nhiệm của người lính nên thua”. Chúng tôi sống trong sự ngờ vực về những gì đã xảy ra trước đó 6 năm nên không ngạc nhiên lắm về những khắc khoải ấy của thế hệ anh em chúng tôi. Vì thế tôi nghĩ rằng mình phải chuyển đề tài, khởi đầu cho một cái nhìn thực thà về chính mình.

Từ ngày bước vào những trại tù Cộng Sản, ngoài việc tranh đấu để chống lại cái bao tử của mình, có nhiều dịp chúng tôi ngồi để duyệt lại sự thất bại của Việt Nam Cộng Hòa. Không kể một số sĩ quan còn quá trẻ, đầy nhiệt huyết nhưng non nớt trong suy nghĩ chính trị, phần lớn các cựu sĩ quan tuổi gần bốn mươi đều có nhiều ưu tư đến nguyên do dẫn đến thất bại của một quân lực hùng mạnh kể vào hàng thứ tư của thế giới. Cá nhân tôi, đã có thời gian ngắn tù chung với cựu Thủ Tướng Phan Huy Quát ở Chí Hòa. Qua câu chuyện trao đổi hàng ngày, tôi mới được biết ông chính là bộ trưởng Bộ Quốc Phòng đầu tiên trong Nội Các Chính Phủ Quốc Gia, có nhiệm vụ nhận chuyển giao các đơn vị Việt Nam trong Quân Ðội Liên Hiệp Pháp cùng những trang bị để thành lập Quân Ðội Quốc Gia Việt Nam và chuyển vào trong Nam. Vậy mà những năm trước ngày 30 Tháng Tư năm 1975, mỗi khi kỷ niệm Ngày Quân Lực không ai nhớ tới ông cả, có lẽ chỉ vì những nghi kỵ nhau về chính trị hoặc là người ta muốn tẩy rửa hình ảnh của người Pháp đối với những đơn vị đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa trong Nam chăng. Thực ra, đây chỉ là vấn đề của lịch sử đã bị khai thác biến nó thành vấn đề chính trị. Cái đau là trong cuộc chiến tranh tương tàn ở Việt Nam, không bên nào có thể tẩy rửa hết được sự lệ thuộc ngoại bang.

Suốt cả đêm, tôi không hề chợp được mắt, phần vì đói và phần vì những biến chuyển tâm lý cũng như những suy nghĩ về số phận của bản thân mình cũng hàng trăm ngàn đồng đội của tôi lúc đó trong hàng chục ngàn trại giam trên khắp lãnh thổ Việt Nam. Có nên đưa những suy nghĩ ấy vào Lá Thư Tòa Soạn không? Cả ngày hôm sau, chúng tôi vất vưởng trên bãi lao động chỉ mong sao cho chóng hết ngày để buổi tối làm cho xong dự án. Ngày hôm sau, một biến cố xảy ra trong lúc tôi đang viết lá thư tòa soạn, và nếu không có cái nhìn xa trước của Phạm Ðức Nhì, thì tờ Hợp Ðoàn đã bị bể trong trứng nước. Buổi chiều, cơm nước xong, chúng tôi có thói quen ra ngồi ở miệng giếng tán gẫu hay nghe tin từ ngoài trại đưa vào mà chúng tôi vẫn gọi nôm na là “hot news”, Nhì nói với tôi: “Em có cảm giác là chỗ của anh bị chú ý và có thằng nào đã chĩa chọt lên trên. Vì thế viết xong tờ nào là chuyển cho Ngọc đen chuyển đến chỗ giấu và phải đặt hệ thống báo động”.
Sau khi điểm số, vào buồng giam, tôi hội ý với Ngọc ngay. Ngọc bảo tôi: “Alpha khoan hãy viết, anh ngồi viết một cái thư về địa chỉ em cũng được. Một giờ đồng hồ nữa anh mới bắt đầu viết báo. Nhưng ngay cả khi đó, anh viết tờ nào, em sẽ phi tang tờ đó”. Tôi theo y lời khuyến cáo, lấy giấy bút, ngồi dựa gốc cột và bắt đầu viết thư cho mẹ tôi dù biết rằng tôi không bao giờ gởi lá thư này đi. Viết được nửa chừng, tôi nghe có tiếng người bên ngoài hỏi vọng vào cửa sổ: “Anh kia, viết gì đấy, đưa tôi xem”. Có tiếng người nằm ở gần cửa sổ sàn ngủ phía dưới hỏi: “Cán bộ gọi ai”. Tôi nhận ra tiếng cán bộ Luật, trực trại: “Tôi gọi anh đang viết gì đó ở trên kia kìa. Viết gì đấy, truyền đơn phản động hả”. Tôi hiểu Luật muốn gì, nên vội leo xuống sàn dưới đưa lá thư đang viết dở cho hắn coi. Xong hắn trả lại tôi và nói giọng đãi bôi: “Gia đình các anh ở ngoài khó khăn lắm, viết thư xin nhiều như thế thì làm sao ở ngoài họ lo nổi?” Tôi trả lời Luật cho qua chuyện: “Ðói quá cán bộ ơi, xin thì cứ xin, nhà lo được gì thì lo”.

Câu chuyện chỉ có vậy, nhưng rõ ràng những tin tức của Nhì là chính xác. Biết như vậy, chúng tôi càng dễ hành động hơn. Trong buổi tối hôm đó, tôi viết xong lá thư tòa soạn và phần chót của bản tổng kết tin tức được đưa từ ngoài vào và coi như hoàn tất công việc đúng như dự trù.

Chỉ còn bìa báo. Tối hôm sau, tức là tối Thứ Ba mà tù nhân được viết thư cho gia đình, tôi hoàn tất giai đoạn chót chỉ trong vòng nửa tiếng đồng hồ để dán hình bầy sếu bay về tổ, dán chữ Hợp Ðoàn và cái tít nhỏ ở dưới “Từ Trại A-20 Xuân Phước” trên một bìa cứng đã cắt sẵn kích thước. Sau khi đóng bìa, tôi đưa cho Ngọc chuyển đến nơi cất giấu và phát hành đúng sáng ngày 19 Tháng Sáu.

Buổi chiều ngày 18 Tháng Sáu, chúng tôi được “ăn tươi” để chuẩn bị sáng 19 Tháng Sáu nghỉ lao động học tập chính trị. Ăn tươi là từ ngữ mà trại nào cũng sử dụng như một chỉ dấu cho biết là bữa cơm hôm đó chúng tôi được thêm chút thịt hay cá, nghĩa là một miếng thịt mỡ hoặc miếng cá đuối bằng hai ngón tay nấu với nước muối. Phần lớn các trại tù Cộng Sản trong Nam đều biết rất rõ những ngày lễ trọng của Việt Nam Cộng Hòa trước đây, chẳng phải họ cần nghiên cứu gì mà là để có những biện pháp ngăn ngừa những chuyện bất trắc có thể xảy ra trong những ngày ấy. Xưa kia, trong những trại tù binh và chính trị phạm ở Côn Sơn hay Phú Quốc, tù binh cộng sản cũng thường lựa những ngày lễ của họ như 2 Tháng Chín, 20 Tháng Mười Hai, 3 Tháng Hai... để biểu tình hay nổi lọan trong trại hầu gây tiếng vang. Nay ở vị trí của người thắng lợi, họ cũng sợ chúng tôi trốn trại nên thường đi bước trước để kiểm soát tình hình.

Do đã có sẵn quy ước với nhau, buổi sáng ngày 19 Tháng Sáu, tuy không phải đi lao động, chúng tôi vẫn dậy sớm. Sau khi tháo mùng, gấp mền, tất cả sạp ngủ trên đều bước xuống đất hết. Chúng tôi đứng nghiêm yên lặng để chào quốc kỳ. Dĩ nhiên, chúng tôi chỉ hát thầm bài quốc ca. Có tiếng khóc. Sau đó là mặc niệm các chiến sĩ đã bỏ mình vì tổ quốc và những người chết trên đường đi tìm tự do. Sau khi chúng tôi tan hàng ngồi hút thuốc lào chuẩn bị chờ trực trại đến mở cửa, điểm số, tiếng Phạm Ðức Nhì nói đổng, nhưng lớn giọng: “Ngày 19 Tháng Sáu là ngày sinh nhật của tất cả những cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa. Mong rằng sinh hoạt vừa rồi không đến tai cán bộ. Trường hợp ngược lại, chúng ta sẽ tìm ra kẻ sàm tấu và chúng sẽ bỏ ăn luôn đấy. Có cần khiếu nại vì thấy bất tiện, cứ đến gặp ÐEN (Ðen là tên gọi thân mật của Ngọc)”. (An Pha)


********** 

 (Kỳ VIII)
Sunday, May 25, 2006


Tờ Hợp Ðoàn được chuyển đi ngay sáng 19 Tháng Sáu cho những người nào muốn đọc. Chúng tôi đã nhìn trước được những khó khăn mà Ngọc và nhóm của anh gặp phải. Ngọc có đủ mưu chước, rất giang hồ và được giới cựu sĩ quan đồng trang lứa ủng hộ nhiệt tình và giới cựu sĩ quan lớn tuổi cũng thương mến, nhưng anh thường hay phản ứng mạnh nếu như kế hoạch của mình bị ngăn cản hay bị “bàn ra,” cho nên tôi và Nhì thường hay phải làm cái thắng cho Ngọc. Ở đây tôi cũng cần mở ngoặc để nói đến tính năng động và can trường của người hai người thiếu úy trẻ này. Tôi nợ Ngọc và Nhì cái món nợ mà cho tới nay cũng vẫn chưa trả được. Vượt qua thời điểm của 3 năm sau 1981, lúc đó tôi đã bị biệt giam trong trại B cách trại A khoảng 5 cây số, sức khỏe đã suy kiệt. Nhóm của Ngọc “đen” được chuyển từ trại A vào. Khu biệt giam nằm ở một góc trại B, tường cao ba thước và phía trên được có gắn miểng chai. Khu biệt giam đồng thời có biên giới với một khu cấm trong đó giam giữ khoảng 50 chục linh mục và tu sĩ Phật Giáo.

Gọi là khu cấm vì “đội tu sĩ” này cũng vẫn phải làm việc ở bãi lao động như mọi người khác, nhưng sau giờ lao động họ chỉ được sinh hoạt trong nội vi giới hạn bởi bức tường cao bao quanh nhà giam. Những tù nhân khác không được phép vào khu này để liên lạc với những tu sĩ.

Sau khi tìm hiểu đầy đủ tình hình sức khỏe của tôi và số phòng biệt giam tôi đang bị cùm, Phạm Ðức NhìTrần Bửu Ngọc đã tổ chức một cuộc đột nhập khu biệt giam để tiếp tế vitamin B1 cho tôi lúc đó đang ở trong tình trạng bị phù thủng nặng, nếu không có thuốc có thể nguy hiểm đến tính mạng. Muốn đột nhập khu biệt giam không thể leo qua bức tường phía trước được mà phải leo từ phía bức tường thấp hơn từ phía bên khu cấm. Nhưng nếu leo qua từ phía này thì phải đối diện với trạm gác. Ngày thường lính gác đổi gác cách nhau hai tiếng. Nhưng ngày Chủ Nhật hay ngày lễ, lính đổi gác cách nhau bốn tiếng. Thế nhưng, do có thể là mãi chơi và vô trách nhiệm nên có khi hạ phiên hết giờ tự động rời điếm canh trong khi hai ba giờ sau thượng phiên mới từ trong đi ra. Sau khi đột nhập khu cấm để nghiên cứu, một buổi trưa Chủ Nhật, Ngọc đã tổ chức “phi đạo” để Nhì cất cánh từ phía trại cấm đưa vào cho tôi được chục viên B1. Phi vụ này diễn ra chỉ trong vòng có 5 phút.

Tôi chỉ uống một viên B1 vào buổi chiều sau giờ phát cơm thì đến đêm phải đi tiểu liên tiếp làm đầy thùng tiểu lớn trong biệt giam, tràn lênh láng ra ngoài. Có thể nói bao nhiêu nước chất chứa trong người tôi tháo ra hết. Tôi sọp hẳn đi, nhưng đồng thời trí óc minh mẫn trở lại nên kịp nhận ra rằng tình hình này chắc chắn sẽ làm tên trực trại nghi ngờ khi mở cửa điểm số vào buổi sáng. Trước hết phải tìm cách giấu những viên thuốc còn lại. Trong biệt giam thì không còn chỗ nào có thể giấu được, ngoại trừ hậu môn của chính mình. May là trong mớ tư trang hôi hám của tù nhân, tôi còn có được một bao nhựa nhỏ. Bèn xé ra, bọc những viên thuốc này thật kỹ, dùng một sợi chỉ rút từ chiếc áo tù may bằng bao cát tôi đang mặc cuộn cho nhỏ lại thấm nước bọt, nhét vào hậu môn. Xong tôi dùng chân trái là chân không bị cùm đạp cho thùng tiểu đổ xuống. Nước tiểu tràn ra sàn nhà, hôi thối nhưng với tôi chẳng ăn nhằm gì. Sáu giờ sáng, tên trực trại vào, trật tự mở cửa xong là hắn dội ra ngoài. Hắn hỏi sao thùng tiểu đổ, tôi nói đêm qua tôi đi tiểu lóng ngóng vì một chân cùm nên làm đổ.

Tên trực trại không nói gì, ra lệnh cho trật tự xách vô mấy thùng nước rửa sàn không nghi ngờ gì. Sở dĩ tôi phải đạp đổ thùng tiểu vì nếu để thùng tiểu đầy tràn hắn có thể nghi ngờ là tôi được tiếp tế thuốc B1 từ ngoài lại cật vấn thêm phiền phức. Cũng may là buổi sáng hôm đó, viên cán bộ trực trại không dám lại gần cửa phòng biệt giam nên không thấy hai ống chân tôi xọp hẳn đi. Kể từ hôm đó, tôi không dùng một chút nước muối nào nữa cho đến ngày tôi được thả 4 năm sau sự kiện này. Cuộc đột nhập khu biệt giam, nếu bị phát giác, Ngọc và Nhì có nhiều phần trăm bị lôi ra xử tử. Cái giá của chục viên B1 có thể là hai mạng người. Tình đồng đội giữa lúc hoạn nạn đẹp không gì sánh nổi.

Trở lại vấn đề lưu hành tờ Hợp Ðoàn, tôi thấy ngày 19 Tháng Sáu không phải là bối cảnh thuận tiện để phổ biến rộng rãi nên tôi có bảo Ngọc là chỉ cần đưa vài người coi lấy ngày thôi, nên để cho qua ngày này đi rồi tính lại. Một hôm cũng vào sáng Chủ Nhật, trại nghỉ lao động, tôi và Trần Danh San đang hội ý để làm sao cho tờ Hợp Ðoàn được phổ biến rộng rãi hơn và thảo luận kế hoạch đưa tờ báo ra khỏi trại giam thì Ngọc từ ngoài đi vào, mặt hầm hầm giận dữ. Tôi bảo Ngọc hút một điếu thuốc lào, chiêu một miếng nước trà do người bạn tù được thăm nuôi tặng, rồi nói lại cho biết chuyện gì. Phê thuốc lào xong, Ngọc giọng vẫn còn nóng: “Mất bao nhiêu công phu, vượt qua biết bao nguy hiểm mới làm ra tờ báo, đưa cho nó, nó giẫy nẩy lên còn nói: Bộ ông muốn đưa tôi vô cùm phải không. Em không biết ai gắn lon cho nó.” Sau khi khuyên Ngọc không nên nóng, tôi nói: “Mình làm báo chui ai muốn coi thì coi, ai không coi cũng cám ơn. Bởi coi rồi lỡ có chuyện gì thì chỉ có đi cùm, cắt thăm gặp, bớt khẩu phần ăn nên họ phải sợ. Người nào sợ thì cũng đừng đưa cho họ làm gì có khi lại đổ bể. Kiếm người không sợ hãy đưa. Có gì phải nóng đâu?”

Ðược cái Ngọc tuy nóng tính, nhưng biết nghe và khi đã nhìn ra vấn đề, anh đã lựa đối tượng độc giả rất chính xác. Chúng tôi phát triển số người đọc mạnh mẽ nhất là trong hàng ngũ tù chính trị có án, nhóm Phục Quốc và những thành viên trong Dân Xã Ðảng của cụ Phan Bá Cầm.

Khoảng Tháng Mười 1981, chúng tôi dự trù Hợp Ðoàn Số 2, nhưng cũng phải đến cuối Tháng Mười Một mới hoàn tất được. Ðầu Tháng Mười Hai 1981, tôi lại bị gọi thẩm cung liên tiếp trong 4 ngày liền. Nhưng các thẩm vấn viên lần này không phải của cục trại giam Miền Nam mà là từ Hà Nội, trong đó có một người tự giới thiệu với tôi là Ðại Tá Hoàng Thanh. Tôi nghĩ đây chỉ là bí danh của ông ta. Ðiều quan trọng là chuyện cung từ không phải là những gì liên quan đến chuyện chúng tôi đang làm ở trại lúc đó. Ngày đầu tiên tôi bị tới 3 người thẩm vấn. Họ hỏi chuyện quá khứ của tôi kể cả những chuyến đi tường thuật ở nước ngoài cho Ðài Phát Thanh Sài Gòn, những lần tôi đi tu nghiệp. Trong các cuộc thẩm vấn 3 ngày sau, chỉ còn mình Hoàng Thanh hỏi tôi. Họ làm rần rần, rộ rộ nhưng trong ngày thẩm vấn cuối cùng họ nói cho tôi biết rằng sở dĩ họ phải làm việc với tôi vì ngay khi còn nằm trong tù tôi vẫn liên hệ với người nước ngoài. Họ hỏi tôi có quen ai tên là Frederich Fuchs và Michel Careaux không? Tôi nói tôi không hề quen biết hai người này. Câu chuyện cứ qua lại mãi, cuối cùng Hoàng Thanh mới nói thẳng ra Frederich Fuchs và Michel Careaux thuộc Hội Ân Xá Quốc Tế đến Hà Nội để tìm cách “đánh tháo” tôi (đánh tháo là ngôn ngữ người Cộng Sản dùng vào thời ấy để chỉ sự can thiệp thả một người nào từ trong tù). Lúc đó tôi chỉ biết có vậy. Mãi cuối năm 1988 khi được thả và trở về nhà, mẹ tôi mới cho biết là bà Frederich Fuchs, người Bỉ thuộc Hội Ân Xá Quốc Tế có vào Sài Gòn thăm mẹ tôi tại nhà. Bà có cho biết mục tiêu của bà là đại diện cho Hội đến Việt Nam để can thiệp để nhà cầm quyền thả tôi và một số nhà báo khác đang ở trong tù. Michel Careaux là một cựu chiến binh Pháp hoạt động cho Hội đi cùng với bà Frederich Fuchs, nhưng đến Thái Lan sứ quán Việt Nam tại Thái Lan chỉ cấp visa cho bà Fuchs vào Việt Nam. Năm 1986, Fuchs cố gắng một lần nữa nhưng thất bại. Ông có viết cho anh tôi mấy lá thư rất cảm động . (An Pha)



********** 

 (Kỳ IX)
Friday, May 26, 2006


Tháng Mười 1988 tôi được thả, về nhà được mấy hôm thì anh tôi đưa tôi xem một trong những bức thư của Careaux viết bằng tiếng Anh, trong đó có đoạn mà cho tới nay tôi vẫn còn nhớ:

Ông (anh tôi) cứ yên chí rằng mối quan tâm của tôi đối với người em của ông sẽ chỉ tạm chấm dứt cho đến khi anh ấy được thả. Người ta đã không cho tôi nhập cảnh, nhưng họ cũng sẽ không thể buộc tôi phải chấm dứt công việc làm tình nguyện chỉ vì quyền con người và nhân danh con người...”

Một năm sau ngày tôi định cư ở Hoa Kỳ năm 1992, qua một người bạn, tôi cố công tìm kiếm Careaux để nói lời cảm ơn vị anh hùng của tôi và gia đình tôi, nhưng không thành công. Năm 1999, tôi có dịp qua Paris 2 tuần lễ và cũng cố gắng một lần nữa. Vận may vẫn không đến với tôi.

Trở lại vụ tờ Hợp Ðoàn. Tháng Tư 1982, chúng tôi ra tờ Hợp Ðoàn số 3, dầy tới 24 trang khổ lớn bằng tập vở. Vì là số tưởng niệm 30 Tháng Tư, nên bài vở rất phong phú. Ngoài những bài thường lệ, chúng tôi loan báo một tin rất đặc biệt liên quan đến việc Tổng Thống Hoa Kỳ Ronald Reagan phát động chiến dịch nhân quyền. Một vị linh mục ở chung với chúng tôi, có người cháu gái lấy Võ Ðông Giang, Phó Trưởng Ðoàn Liên Hợp Quân Sự 2 Bên của Cộng Sản vào thăm gặp trước khi ngài được thả đã cho biết như vậy. Ngoài ra nguồn tin còn cho biết một mặt trận chống Cộng ở hải ngoại hoạt động rất mạnh ở Mỹ và Thái Lan. Thời điểm đó, chúng tôi chưa xác nhận được đó là mặt trận của Tướng Hoàng Cơ Minh. (Ðến Tháng Mười 1982 chúng tôi được tin qua tờ Quân Ðội Nhân Dân nói về việc ông Võ Ðại Tôn xâm nhập Việt Nam và bị bắt). Ngoài ra, trong Hợp Ðoàn số 3, tôi còn chạy một tin tờ Tin Sáng bị đình bản vĩnh viễn. Trong gói quà của một tù nhân chính trị có án, người nhà không biết vô tình hay cố ý đã gói mấy chục miếng đường tán bằng mấy tờ giấy báo xé ra từ tờ Tin Sáng trong đó có một phần bài báo của cựu DB Việt Nam Cộng Hòa Ngô Công Ðức nói về lý do đình bản tờ Tin Sáng. Tờ Hợp Ðoàn số 3 được đón nhận nồng nhiệt nhất, nhưng do kinh nghiệm tôi vẫn yêu cầu Ngọc chỉ cho lưu hành 2 tuần lễ không được kéo dài hơn dù thêm một ngày.

Tuy nhiên, cũng do được đón nhận khá nồng nhiệt như vậy, Nhì đâm ra lo âu. Như có linh tính, Nhì, Ngọc và sau đó là San bàn với tôi một kế hoạch sẽ phải thực hiện nếu như tờ Hợp Ðoàn bị bại lộ. Tôi nhớ là trước đó vào ngày Thứ Năm cuối Tháng 11-1982, Ngọc thăm nuôi nên buổi chiều Thứ Bảy chúng tôi ăn với nhau một bữa cơm khác mọi ngày. Ngọc đưa ra một chút thịt ram mặn và nấu một nồi mì vụn. Nhưng đáng kể nhất là bánh thuốc lào Cái Sắn thứ thiệt, loại thuốc hút vào rồi để chiếc điếu cày xuống mới bắt đầu phê. Chúng tôi vừa ăn vừa hội ý chớp nhoáng. Tôi đặt ngay ra một kế hoạch, gần như một lệnh: “Nếu họ nghi ngờ và đưa tôi vào hộp cho chắc ăn thì nên nhớ một điều hãy chịu đựng một thời gian rồi mới đổ tất cả cho tôi trong trường hợp thật sự họ có bằng chứng. Nhưng dù gì, mức thiệt hại giới hạn ở một mình tôi mà thôi, không được để lan ra.”

Trong vòng 2 tuần đầu của Tháng 12-1982, Phạm Văn Ðồng, ông “thủ tướng” làm ăng-ten nhưng vẫn cạch mặt chúng tôi - thời điểm đó được cử làm vệ sinh trong nhà giam - báo cho tôi biết là cán bộ an ninh xuống khám ba lô tôi hai lần. Trực trại Luật cũng kêu nhà trưởng nhà giam nơi đội tôi trú ngụ đi làm việc hai lần. Nhà trưởng người Quảng Trị, trong quân đội anh mang cấp đại úy, phục vụ tại Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 1 Bộ Binh, có quyết định lên Thiếu Tá nhưng chưa kịp gắn lon thì đứt phim. Anh làm nhà trưởng lại kiêm nhiệm đội trưởng đội tôi lúc đó đang làm gạch, đội có con số kỷ lục người bị lao: 

Ðội có 40 người thì 10 người bị lao do kiệt sức. Anh không phải là người xấu, nhưng do lỗ miệng cứ choen choét tối ngày, khúm núm một cách quá đáng trước cán bộ, nhất là khi nói trước đội, anh hay dùng chữ “phải không nào,” “quán triệt chưa nào” nên anh em đều ghét chỉ vì họ cảm thấy mình bị làm nhục.

Tuy nhiên có một đêm, đã khuya lắm, anh đánh thức tôi và ra dấu vào trong cầu tiêu, anh có chuyện hệ trọng báo cho tôi biết. Tôi bò dậy vào trong cầu tiêu ngồi trước. Lát sau anh ta vào. Tôi và anh ngồi cầu sát nhau, anh nói nhỏ: “Chúng nó hỏi tôi về anh kỹ lắm. Chúng nghi anh là người chỉ huy vụ viết khẩu hiệu và vẽ cờ VNCH hồi năm ngoái. Anh cẩn thận, tôi quý anh nên mới nói, xin anh giữ cho tôi.” Tôi không nói gì ngoài lời cám ơn anh. Buổi sáng hôm ấy (tôi không còn nhớ rõ lắm, nhưng đâu hình như vào ngày 17 hay 18 Tháng 12), tôi báo ngay cho Ngọc và Nhì biết. Nhanh như cắt Ngọc tìm cách đánh tráo ba lô (mang ba lô của tôi về chỗ Ngọc và lấy chiếc ba lô của Ngọc dồn vài bộ quần áo rách của tôi sang rồi để lại lên đầu nằm ở chiếu của tôi). Mở cửa điểm số là tôi thấy Lý “lé” đứng ở ngoài. Trật tự Của (thay cho Quý đen bị chuyển trại khác sau khi bị chúng tôi nện cho một trận nên thân) cho điểm số xong quay sang nói với tôi: “Hôm nay anh nghỉ lao động, chờ cán bộ kêu đi làm việc.” Làm việc là từ ngữ chỉ một người tù bị gọi đi thẩm cung. Trước khi ra cổng chờ đi lao động, Ngọc thẩy cho tôi chiếc áo anh đã chuẩn bị sẵn. Tôi biết trong áo có thuốc lào và thuốc B1. [Thuốc lào không phải để hút mà là để “thầu” tức là nuốt để cho phê, khi bị đánh hội chợ, chỉ bị một đòn đầu tiên là té bất tỉnh. Kinh nghiệm của những người đi trước dạy cho chúng tôi là khi bị đám cán bộ trại giam đánh, nếu cố gượng lại khỏi ngất sẽ bị họ đánh hoài. Khi ngất, nếu có bị đổ nước cho tỉnh lại thì chớ có ngồi dậy, cứ nằm lì ra đó, họ sẽ phải kênh vào phòng giam cùm lại].

Tôi nói nhỏ với Ngọc: “Y như kế hoạch và tiếp tục bay.” Bay là ám hiệu để Ngọc hiểu là anh phải tìm người cộng tác và tờ Hợp Ðoàn. Trong khi còn một đội chưa ra khỏi nhà, tôi vội vào nhà cầu, quấn mấy viên B1 vào một miếng giấy nhựa tấm nước bọt giấu vào hậu môn. Phải hành động trước vì lát nữa trước khi bị đưa vào biệt giam, thế nào trật tự Của cũng khám quần áo tịch thu hết mấy thứ này.

Tôi ngồi chờ ở nhà đến gần trưa, Lý mới vào dẫn tôi xuống khu vực thẩm cung ở ngoài phạm vi trại. Khi tôi bước vào phòng đã thấy trật tự Của và hai vệ binh chờ sẵn. Mặt họ hầm hầm, lườm lườm, tôi biết có chuyện “lớn” rồi. (An Pha)



**********  


 (Kỳ X)
Sunday, May 28, 2006 

Chuyện mà tôi gọi là “lớn” thực sự chỉ là chuyện khác với bình thường hàng ngày. Lý thường ít khi mặc đồng phục công an, nhưng hôm đó anh ta mặc đồng phục với lon vàng chóe trên cầu vai đỏ. Lý yêu cầu tôi ngồi xuống, lại còn rót cho tôi một ly nước vối. Anh ta hỏi tôi qua loa về quá khứ của tôi trước 30-4-1975, sau đó hỏi tôi:

- Anh biết tại sao anh phải lên đây làm việc không? Có biết phạm lỗi gì không?

Tôi nói:

- Không, nhưng tôi nghĩ phải có vấn đề cán bộ hoài nghi thì mới kêu tôi lên đây. Cán bộ cứ cho biết rõ đi.
Lý ngần ngừ, nói vòng vo tam quốc, tuyên truyền một hồi về chính sách khoan hồng của nhà nước và Ðảng rồi mới nói:
- Anh vào trong nhà kỷ luật, nằm vắt tay lên trán suy nghĩ về tội lỗi của mình đi đã. Khi nào thấu đáo báo cáo cán bộ để xin đi làm việc lại.

Tôi thấy rằng mình chẳng còn gì để mất, nên cũng chẳng còn nỗi lo âu nào. Vào trong cùm đỡ phải đi lao động, tuy đói hơn ở ngoài nhưng có khi không vướng phải lao phổi hay chết vì kiệt sức. Nghĩ thế nên tôi nói thẳng:

- Thưa cán bộ, cho đến năm nay thì tôi cũng như nhiều người khác không còn hy vọng gì trở về với gia đình. Cán bộ bảo tôi tự khai điều mà tôi không phạm phải, tôi không làm được. Cán bộ nhốt, tôi đành chịu.

Lý đứng dậy lấy một tờ giấy và một cây bút bi rồi bảo tôi ngồi đấy làm bản tự kiểm điểm, rồi anh ta bỏ đi. Những người nào từng đi tù dưới chế độ Cộng Sản đều biết tự kiểm điểm có nghĩa là “thay vì công an phải đưa ra những bằng chứng cụ thể để kết tội một người thì họ đẩy cho đối tượng phải tự nhận lỗi.” Nếu không, sẽ bị trừng phạt bằng bạo lực. Cộng thêm vào đó là lời hứa khoan hồng, nhưng trò ma tịt này chỉ lừa được những người mới bước chân vào cổng nhà tù. Còn tụi tôi năm 1983 đã qua 8 năm tù rồi thì đều làm kiểm điểm theo công thức. Vô tội hết và chỉ có nhận cái lỗi trời ơi đất hỡi là không yên tâm cải tạo, bởi vì nhận hay không nhận thì cuối cùng cũng vẫn bị cùm.

Buổi trưa Lý quay trở lại lấy bản kiểm điểm. Anh ta đọc sơ qua và kêu trật tự Của và hai vệ binh đưa tôi vào trại kỷ luật. Ở đây tôi cũng cần phải nói rằng trại kỷ luật là một dẫy phòng giam kín gồm 10 phòng xây bằng bê tông cốt sắt ở khu đất giữa nhà bếp, một vườn rau và một ao cá. Mỗi phòng chỉ cùm được hai người trên hai bệ nằm, giữa hai bệ là một lối đi nhỏ. Phòng rộng chỉ từ 2 thước trở lại, sau 3 thước và cao khoảng 5 thước. Lý cầm chìa khóa mở cổng rồi quay trở lại nhà bếp. Tôi đi theo trật tự Của đến trước căn biệt giam số 5. Khi Của bảo tôi đứng lại và anh ta đi xuống phòng cuối dãy lấy các vòng cùm omega để cùm chân, thì một tên vệ binh súng dài thúc một báng súng CKC rất mạnh vào bả vai tôi. Tôi choáng váng ngã chúi xuống đất thì tên thứ hai đạp thêm mấy đạp vào ngực. Cái cảm giác của tôi lúc đó là tự nhiên ngực nóng ran, đau nhói và khó thở, tai ù. Tôi chỉ còn nghe loáng thoáng tiếng của Của phụ họa, chửi rủa. Phản ứng tự nhiên của một người tù bị đánh là cố nhổm dậy. Mắt tôi như có một màn đen, hiện tượng giống y như lúc tôi ngồi ghế phụ trên chiếc khu trục cơ AD-5 Skyraider trong lúc tường thuật một phi vụ đánh bom vào mục tiêu trong một trận đánh ở Tiên Phước-Quế Sơn năm 1966. Sau khi nhào xuống thả bom, người phi công kéo cần lái để đưa máy bay lên, mắt tôi cũng có một màn đen như vậy.

Vừa mới chống hai tay, cố nhấc đầu lên thì lập tức bị thêm hai báng súng nữa. Trong tay tôi lúc đó còn nắm chặt bi thuốc lào, tôi còn hơi tỉnh để nghĩ đến nó nhưng không có cách nào đưa vào miệng để nuốt cho mình ngất đi ngay được. Tôi cảm thấy môi có vị mặn và còn ý thức được rằng máu mũi tôi tuôn ra. Tới lúc đó, tôi mới soát lại được phản ứng và quyết định nằm im không cố gắng thêm gì nữa.

Khi thấy tôi không còn cục cựa, bọn chúng ngưng đánh. Của lôi tôi vào trong xà lim, để tôi nằm trên bệ đưa hai khóa omega vào hai cổ chân tôi, xỏ thanh sắt ngang vào lỗ cùm và khóa cứng vào bệ nằm. Trước khi đóng cửa xà lim, Của còn nói lớn để “lấy điểm” với bọn cán bộ đứng ngoài: “Vào đến đây rồi mà còn bày đặt chống, chống thì chỉ có chết thôi, bẻ gậy chống trời không được đâu.”

Của, người Tây Ninh, thượng úy công an biên phòng, bị tù 20 năm về tôi cướp và giết người. Của được đưa từ một trại khác đến cùng với một số tù hình sự để thay cho Quý đen phải chuyển trại. Ở Xuân Phước, trật tự là tù hình sự, nhưng trưởng ban thi đua là một người từ hàng ngũ tù chính trị.

Trước khi đóng cửa buồng giam, Của kiểm soát lại cùm và kêu một tù hình sự khác đưa vào cho tôi phần khoai mì với nước muối lõng bõng. Khi đổ nước uống vào ca nước mượn của nhà bếp, tôi nghe của ra lệnh: “Nửa ca thôi. Mày chạy lên nhà 2 yêu cầu nhà trưởng đưa ba lô của nó lên đây.” Tôi chỉ mong giây phút cửa xà lim được đóng lại để tôi có thể ngả lưng xuống sàn. Lúc này, tôi mới cảm thấy toàn thân đau ê ẩm. Khoảng 5 phút sau, anh tù hình sự phát cơm xách chiếc ba lô vào, Của khám sơ sơ có lẽ vì thấy trong ba lô chỉ quần áo rách và hôi nên thẩy vào bệ nằm cho tôi. Sau đó anh ta đóng cửa xà lim. Tôi thở ra, nằm xuống, đôi mắt nhíu lại. Một lát sau tôi đi vào giấc ngủ và yên trí rằng bọn an ninh chưa biết gì về việc chúng tôi làm tờ báo chui. Họ nghĩ rằng chúng tôi là tác giả của những vụ không tìm ra thủ phạm trong trại từ trước đến nay như vẽ cờ VNCH và khẩu hiệu. (An Pha)



CHÚ THÍCH:


1.- Có một độc giả tên là ông Nguyễn ở Santa Ana gởi thư thắc mắc về nhóm tù Việt Nam Thương Tín. Trước hết, tôi cám ơn ông vì một số các dữ liệu mà ông cung cấp. Sau đó, tôi muốn nói như thế này. Khi đề cập đến nhóm Việt Nam Thương Tín là chúng tôi muốn nói tới một số người đã di tản sang đến đảo Guam rồi, nhưng họ đòi quay trở lại quê hương vì một số những lý do riêng liên quan đến tình cảm gia đình. Người thì sang tới Guam, vợ con còn kẹt lại, người thì về vì người yêu còn mắc kẹt trong lúc hỗn độn, người thì cả gia đình đi hết nhưng kẹt lại bố mẹ già... Có rất nhiều hoàn cảnh và tình cảm khiến những người này phải trở về và chúng ta phải tôn trọng quyết định của họ. Những người trở về bằng tàu Việt Nam Thương Tín gồm nhiều thành phần nhưng trong đó có khá nhiều người là cựu sĩ quan QL/VNCH và cảnh sát, cảnh sát đặc biệt. Số phụ nữ và con nít được đưa về nhốt tại Chí Hòa một thời gian rồi thả. Số đàn ông thì có một số được đưa vào biệt giam, một số bị giam ở phòng giam chung thuộc khu ED ở Chí Hòa, rồi bị đưa ra Bắc. Có người bị đưa lên nhốt ở mãi Cổng Trời sát biên giới Việt-Trung. Một số đông được đưa lên Xuân Phước để khai phá và phát triển trại Xuân Phước A-20, một vài người được đưa lên trại Pleibong nằm dưới chân đèo An Khê. Và có thể còn rải rác ở nhiều trại khác nữa.

Khi tôi viết những nét sơ lược về các anh em trong nhóm Việt Nam Thương Tín ở Xuân Phước, tôi chỉ muốn trình bày một trong những dữ kiện, không hề có ý kiến gì. Tôi sống với nhóm Việt Nam Thương Tín này khi còn ở Chí Hòa và sau này gặp lại họ ở trại B Xuân Phước A-20 nên cũng khá thân tình. Qua tâm sự của một số anh em này, tôi hiểu, nếu tôi ở địa vị họ vào những ngày đầu của bi kịch Việt Nam lúc đó, tôi cũng sẽ quyết định như họ. Cho nên tôi vẫn nghĩ chỉ có những anh em ở Việt Nam Thương Tín là hiểu rõ mình trở về không phải là do ảo tưởng gì về chế độ mới ở Việt Nam mà trở về vì ai cũng nặng tình cảm gia đình. Những người bạn chúng tôi ở nhóm Việt Nam Thương Tín đã nói hết những gì diễn ra khi họ yêu cầu chính quyền Guam cho được trở lại Việt Nam. Nhưng do tôn trọng riêng tư của họ, tôi không viết ra những chi tiết ấy vì nó không phải là mục tiêu chính của bài này.

2.- Vâng, trại A-20 Xuân Phước là một trại kiên giam, một trại trừng giới, một trại có thật chứ không phải là hư cấu. Ở Quận Cam này, còn biết bao anh em từng bị giam ở đây, từng nếm thứ kỷ luật khắc nghiệt tại trại tù đó. Loại trại kiên giam được đặt ra để hủy hoại ý chí của người tù. Nhưng họ đặt ra mục tiêu là một chuyện, có hủy hoại được ý chí của những tù nhân ở đây hay không cũng còn tùy. Kỷ luật ở Xuân Phước được thay đổi qua nhiều giai đoạn khác nhau. Trong gần 14 năm tù, thời gian tôi ở Xuân Phước là lâu nhất: Từ 1980 đến 1985, sau đó được đưa về biệt giam ở Xuân Lộc Z-30A, năm 1987 bị đưa về trại Phan Ðăng Lưu để chờ ngày ra tòa vì việc làm tờ Hợp Ðoàn bị phát giác. Nhưng đến cuối 1987, họ hủy bỏ quyết định truy tố chúng tôi ra tòa, nên đưa chúng tôi trở lại Xuân Lộc và nhốt lại vào biệt giam đến Tháng Mười 1988 mới được thả ra. Ra ngoài mấy ngày thì được tạm tha, quản chế 5 năm tại Sài Gòn. Tất cả mọi chuyện đều là chuyện thật không phải tiểu thuyết. Chúng tôi làm tờ báo chui này cũng chỉ là một cách thử thách ý chí của mình, thách thức guồng máy an ninh dầy đặc của trại để đưa đến kết luận: Biện pháp trừng phạt, trả thù dù có khắt khe cách mấy cũng không thể phá vỡ ý chí của con người được, nếu con người có ý chí. Tôi viết lại chuyện này như người viết lại một kỷ niệm như bao nhiêu kỷ niệm khác trong đời tù mà mình trải qua mà thôi. Kỳ dư không có một thôi thúc hay tham vọng nào khác.



********** 

 (Kỳ XI)
Thursday, Jun 01, 2006


Tôi nằm trong phòng biệt giam cá nhân như vậy cho tới đầu năm 1984, không có ai hỏi han đếm xỉa gì cả. Thỉnh thoảng, Thân Yên, trại trưởng sai trật tự mở cửa biệt giam số 5, nơi tôi đang bị cùm hai chân “hỏi thăm.” Thân Yên có lối hỏi thăm rất xách mé, đại loại tôi còn nhớ như thế này:

- Ðã an tâm tin tưởng cải tạo chưa? Làm sao mà bẻ gậy chống Trời được?

- Trông anh còn khỏe lắm, còn sức để vẽ bao nhiêu khẩu hiệu và cờ “ngụy” nữa?

- Cứ nằm đấy nhé, nằm vài năm nữa rồi xin gặp cán bộ làm việc!

- Cơm nước trong này sao? Ăn đủ no không?

Cứ mỗi lần như thế, thì y như rằng khẩu phần của tôi bị bớt thêm, nước được phát ít hơn, muối mặn hơn, gần như chan vào những lát khoai mì khô luộc. Trong trại kỷ luật, chúng tôi chỉ được hưởng 6 kí lô thực phẩm và nước muối. Tiêu chuẩn nước cũng bị bớt đi một nửa. Hàng ngày mỗi tù nhân trong trại lao động bình thường được mỗi bữa ăn một ca nước, nhưng khi vào kỷ luật tiêu chuẩn này bị bớt: Một ngày chỉ được nửa ca. Thành thử, điều ghê gớm trong trại kỷ luật là phải đối phó với những cơn khát, khát đến quên đói và làm tù nhân không muốn ăn hoặc không dám ăn.

Ðể tránh bớt phù thủng, tôi chỉ dám ăn một bữa sau khi cố nhín một chút nước rửa khoai mì cho bớt mặn. Tuy bị đói nhiều khi lả đi, nhưng tôi nghĩ nếu không bị phù thì còn cầm cự lâu dài được. Còn bị phù thì khó lòng. LQM là một điển hình. Anh là một tu xuất, theo Mặt Trận Phục Quốc. Nhưng khi vào trại thay đổi lập trường. Ðến trại nào cũng xung phong làm đội trưởng. Ở Hàm Tân, việc Cha Nguyễn Văn Bộ (nhà thờ Fatima) lén làm lễ cho tù nhân vào mỗi sáng Chủ Nhật lọt đến tai an ninh trại. Cho tới lúc bị chuyển về Xuân Phước, cũng không ai có đủ bằng chứng để kết luận ai là người đâm thọt với an ninh trại dù rằng anh em cứ đổ riệt cho LQM. Khi đến Xuân Phước, LQM “lên chức” làm trưởng ban thi đua một thời gian. Nhưng sau đó, anh bị lột “chức” và bị đưa vào nhà kỷ luật. Không ai biết giáp ất gì chỉ biết rằng LQM qua đời 9 tháng sau đó vì phù thủng.
Hàng đêm, không tù nhân nào trong trại kỷ luật ngủ được. Mùa Ðông thì thật lạnh và mùa Hè nóng và muỗi. Muỗi kêu như sáo. Chúng bu vào thân thể chúng tôi, chích cho đến khi no rồi lăn đùng ra để rồi bị đè chết dí. Chỉ khi nào ánh nắng ban mai bắt đầu tỏa qua lỗ tò vò ở cánh cửa biệt giam, muỗi mới chịu bám vào tường, nằm yên để chúng tôi ngủ. Buồn buồn chỉ cần quơ tay lên tường là những vết máu tươm ra. Chúng tôi vẽ nhăng cuội bằng chính máu của mình nên biến bức tường giam sát chỗ nằm của tù nhân thành những bức tranh lập thể.

Bảy tám tháng trời trong biệt giam, tôi không biết tình hình tờ Hợp Ðoàn bên ngoài cho đến khi Trần Danh Sanh bị đưa vào biệt giam vì bị cáo buộc tội sách động tù nhân trong trại nổi loạn. Ai cũng biết rằng ở Xuân Phước, những tội danh được gán cho một tù nhân đều là những tội từ trên trời rơi xuống. Có thể họ nghi tôi và Trần Danh San âm mưu chuyện gì vì trước khi vào biệt giam, tôi và San thỉnh thoảng có ngồi ăn cơm với nhau, nhất là anh lại bị bắt và ngồi tù vì đọc tuyên ngôn Dân Chủ trước nhà thờ Ðức Bà năm 1976.

Lúc đầu Trần Danh San ở biệt giam 2. Chúng tôi chỉ liên lạc với nhau vào lúc nửa đêm. Chuyện liên lạc với nhau vào lúc nửa đêm cũng là một khám phá mới và là trò giải trí hào hứng. Dùng morse “tạch, tạch, sè” đòi hỏi những điều kiện khó khăn hơn là mọi người liên hệ với nhau phải biết qui ước của morse. Cho nên, chúng tôi dùng bạch văn, hoặc cẩn thận thì dùng đặc lệnh truyền tin. Ở tuổi chúng tôi, anh nào cũng đã mặc áo lính rồi nên việc dùng đặc lệnh truyền tin số hay chữ cũng dễ dàng. Nhưng tôi ở biệt giam 5 và San ở biệt giam 2 thì làm sao nói cho nhau nghe được. Trong biệt giam tiếng nói có “echo,” các phòng cách xa nhau khó nghe nhau. Âm thanh đi qua các cửa tò vò biến thành những thanh âm vang vọng. Nói nhanh thì không thể nghe được. Nhưng nếu nói chậm như tốc độ của người máy robot thì có thể nghe nhau được vào lúc ban đêm thanh vắng. Trần Danh San nghĩ ra một cách là thêm các dấu chấm câu vào giữa mỗi chứ, chẳng hạn như: “An.pha.có.khỏe.không?.” Thêm dấu chấm vào giữa mỗi chữ sẽ làm cho chúng ta nói chậm lại và những thanh âm phát ra nghe từ xa giống như người robot nói vậy. Chúng tôi chỉ mã hóa chữ Hợp Ðoàn thành “Hùng Vương-Delta” để liên lạc với nhau

Trong những buổi tối mở “đài” theo kiểu này, Trần Danh San thông báo cho tôi biết rằng những người ở ngoài đang cố gắng duy trì tờ báo, nhưng mới chỉ hoàn tất số 4 và số 5 với sự trợ giúp của một vài anh em khác. Coi mòi, anh em họ sẽ phải ngưng hoạt động vì dường như có tranh chấp nội bộ. Tôi chỉ biết có vậy và khi Trần Danh San bị đưa sang nhốt chung với tôi ở biệt giam 5, anh cũng chỉ biết như vậy mà thôi. San nói: “Ngọc và Nhì chỉ tin ông. Họ không tin ai cả nên nếu tiếp tục, tờ Hợp Ðoàn có thể sẽ bể.” (An Pha)





(Còn tiếp)






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét