18.7.10

Gặp Phóng Viên Nguyễn Tú: Người Về Từ Ðịa Ngục


 

Một khuôn nặt lớn của làng báo Việt Nam. Chứng nhân của cuộc tháo chạy kinh hoàng trên Liên Tỉnh Lộ 7 đã nhanh chóng đi vào lòng người với bài phóng sự bất hủ.
"Cuộc bỏ phiểu bằng đôi chân"

Thật là một điều kỳ thú! Trong bữa cơm gia đình tổ chức tại nhà chị Khúc Minh Thơ tối ngày 30/7/1990 tôi đã gặp phóng viên Nguyễn Tú. Nhưng trước khi đề cập đến con người đã nằm sâu trong ký ức thương mến của tôi dù cách đây 15 năm tôi chỉ một lần nhìn thấy hình của ông xuất hiện trên tờ Chính Luận với vóc dáng của một đạo sĩ hơn là một phóng viên tôi xin nói về bữa cơm thân mật trước.


Mặc dù ngày 28-7-1990 Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam và Hội Gia Ðình Tù Nhân Chính Trị đã phối hợp tổ chức Bữa Cơm Hội Ngộ để chào mừng và khoản đãi các cựu tù nhân chính trị mới định cư tại Nhà Hàng Saigon Palace với số quan khách Việt- Mỹ tham dự khoảng 350 người mà ông Robert L. Funseth Phụ Tá Thứ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ là cái đinh của buổi tiệc này. Song có lẽ trước cái khung cảnh rộng lớn và đầy lễ nghi như thế người ta khó tâm tình cởi mở với nhau cho nên hai ngày hôm sau chị Khúc Minh Thơ đã tổ chức một bữa cơm tại nhà để tạo điều kiệïn cho những người thân của chị có dịp gần gũi nhau hơn. Trong thành phần tham dự vỏn vẹn có: Qúy chị Khúc Minh Thơ, Hiệp Lowman, Xuân Lan, Ngọc Dung, Chị Hạnh, anh Giỏi thuộc Hội Gia Ðình Tù Nhân Chính Trị. Còn về phía Tổng Hội có tôi, anh Huỳnh Công Ánh, Phan Huy Thanh và Phạm Quốc Dzũng đến từ Houston , Texas . Về phía thân hữu có anh Nguyễn Văn Quảng Ngãi đến từ Kansas , anh Từ Văn Bê (Cựu ChuẩnTướng Không Quân) đến từ Oklahoma . Về phía cựu tù nhân chính trị mới định cư có anh Huỳnh Văn Cao (Cựu Thượng Nghị Sĩ, Cựu Thiếu Tướng) và một ông già râu tóc bạc phơ với dáng vẻ tiên phong đạo cốt. Thoạt nhìn thấy ông già này tôi cứ ngờ ngợ. Ký ức của tôi lập tức quay trở lại với những bài phóng sự trên báo Chính Luận với những hình ảnh bi thảm của cuộc tháo chạy có một không hai trong lịch sử Việt Nam cách đây 15 năm và bóng dáng của người phóng viên đứng chụp hình trên Liên Tỉnh Lộ 7, tác giả của những bài phóng sự ấy. Tôi mạnh dạn đứng dậy và tiến tới lễ phép hỏi. Và đúng như sự ước đoán của tôi ông già có bộ râu tóc tiên phong đạo cốt kia không ai khác hơn là phóng viên Nguyễn Tú. Không bỏ lỡ thời cơ, mặc dù bữa tiệc đang diễn ra náo nhiệt, tôi đã kéo phóng viên Nguyễn Tú vào một góc để thực hiện một cuộc phỏng vấn. Sau đây là nội dung của cuộc phỏng vấn:

Hỏi: Thưa lão huynh năm nay bao nhiêu tuổi, bị bao nhiêu năm tù và định cư được bao lâu rồi ? 
Ðáp: Năm nay tôi 67 tuổi, vẫn còn độc thân, bị 13 năm tù và mới tới Washington, D.C. được hơn bốn tháng. Tôi được hưởng quy chế tỵ nạn. 

Hỏi: Bằng cách nào lão huynh vượt thoát đến bến bờ Tự Do ?
Ðáp: Ra tù năm 1988. Mười chín tháng sau tôi tìm cách vượt biên. Tôi đi xe ra Hải Phòng, trốn ở đó hai tháng rồi lén xuống đoàn ghe vượt biển đi Hồng Kông. Tôi chỉ ở lại Hồng Kông có hơn bốn tháng rồi anh em báo chí ngoại quốc hay biết, họ tranh đấu để cho tôi định cư.

Hỏi: Bằng cách nào ký giả ngoại quốc biết lão huynh có mặt ở Hồng Kông ? 
Ðáp: Sau hai tháng tôi mới được phép viết thư. Ðầu tiên tôi viết thư cho nữ ký giả Mỹ đang làm việc cho tờ Baltimore Sun ở Pháp. Rồi các đồng nghiệp Mỹ trước đây có lấy tin và làm phóng sự ở Việt Nam xúm lại giúp. Họ đăng bức thư của tôi trên tờ Baltimore Sun và tờ Chicago Tribune. Rồi cả báo chí bên Anh cũng giúp, cả Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nữa. Lúc này thì tin đã loan tới Hồng Kông cho nên các ký giả Hồng Kông cũng tìm cách giúp tôi và họ viết cả những bài trên báo Hồng Kông. Cuối cùng chính quyền Hồng Kông buộc lòng phải cho các ký giả tới thăm tôi.

Hỏi: Trong thời gian ở Hồng Kông họ đối xử với lão huynh như thế nào ? 
Ðáp: Tôi ở Ðảo Thanh Châu mười hai ngày vì nghi có dịch tả trong trại cho nên họ di chuyển chúng tôi tới trại San Yick dành cho những người đã được hưởng quy chế tỵ nạn. Trại tôi ở họ đối xử tốt lắm. 

Hỏi: Lão huynh đã hành nghề phóng viên này từ năm nào và chấm dứt sự nghiệp vào thời điểm nào ? 
Ðáp: Tôi chính thức hành nghề từ năm 1945 cho nhiều báo trong nước và cho cả các hãng thông tấn ngoại quốc. Tôi khởi đầu thiên phóng sự Liên Tỉnh Lộ 7 từ ngày 16-3-75 và chấm dứt khi nhật báo Chính Luận đình bản và cũng là lúc Miền Nam mất vào tay cộng sản. 

Hỏi: Khi cộng sản tiến vào Sài Gòn thì lão huynh ở đâu và nguyên do nào lão huynh bị bắt đi cải tạo ? 
Ðáp: Sau trận Tây Nguyên tôi rút lui cùng với Quân Ðoàn II vào Liên Tỉnh Lộ 7 rồi về Sài Gòn. Khi quân cộng sản tiến vào Sài Gòn thì tôi có mặt ở đó và bọn cộng sản cho lùng bắt tôi. 

Hỏi: Lão huynh đã trải qua các trại cải tạo nào và trong thời gian này lão huynh có gặp gỡ các nhân vật trước đây của Miền Nam không ? 
Ðáp: Tôi đã trải qua các trại tù Nha Cảnh Sát Ðô Thành, Lê Văn Duyệt (nay là Phan Ðăng Lưu), Chí Hòa, Xuân Phước ( thuộc Quận Ðồng Xuân , Tỉnh Phú Khánh) và cuối cùng là Z30.A Xuân Lộc. Những nhân vật trước đây của Miền Nam đã ở tù chung với tôi gồm có nhà thơ Tú Kếu (đã được thả), Cựu Thủ Tướng Phan Huy Quát (đã chết trong tù), Ô. Ngô Khắc Tĩnh (cựu Tổng Trưởng Giáo Dục) và Ngô Khắc Tịnh, Ô. Hồ Văn Châm (cựu Tổng Trưởng Chiêu Hồi) và rất nhiều đại tá trình diện cải tạo. 

Hỏi: Kể từ thời gian định cư lão huynh đã cầm bút lại chưa và có ý định viết hồi ký không ? 
Ðáp: Kể từ lúc qua đây về báo Việt tôi có viết một bài về ngày 30-4. Về báo Mỹ có tường thuật lại buổi họp báo của ông Thiệu ngày 1-4-1990 tại Washington D.C. trên tờ U.S. Today. Tôi chưa có ý định viết hồi ký mà cố đọc lại một số sách để cập nhật hóa vì thấy kiến thức của mình lạc hậu quá.

Câu hỏi cuối cùng: Lão huynh có tiếp tục theo đuổi nghề nghiệp cao quý này hay không ? 
Mỉm cười đáp: Mình sống cho nghề nào thì chết cho nghề đó. 

  Cuộc phỏng vấn vừa chấm dứt thì các thân hữu cũng đã ngồi quây quần lại để thực hiện một chương trình văn nghệ bỏ túi. Anh Huỳnh Công Ánh đã rung động lòng người bằng một bài hát ghi lại cuộc tình vừa lãng mạn vừa bi thương của anh với một người con gái ở Nghệ Tĩnh lúc anh còn là một người tù không bản án. Anh Nguyễn Văn Quảng Ngãi đã diễn đọc bài thơ anh sáng tác cho người mẹ thân yêu của anh suốt đời chỉ biết thờ chồng và quảy gánh khoai sắn nuôi con trong tù. Ông Funseth không biết hát lại không biết làm thơ cho nên đành phải kể chuyện. Thường thường chuyện ông kể đều thắm tình chiến hữu, sự thủy chung và chan chứa tình nhân đạo. Hôm nay ông đọc lại một đoạn trong kinh thánh đã luôn luôn giúp ông có tin tưởng và sáng suốt trong những lần thương thuyết với cộïng sản để giải cứu các anh em cựu tù nhân chính trị. Anh Huỳnh Văn Cao không biết hát nhưng đã đọc lại một bài hát mà một linh mục đã dạy cho anh trong những ngày bi thảm nhất ở Trại Tù Hà Nam Ninh. Còn tôi đã ngâm bài thơ Ðôi Mắt Sao Mai mà tôi đã sáng tác ở Trại Tù Thủ Ðức cuối Thu năm 1975 .

Còn "ông già" Nguyễn Tú, bằng giọng nói hết sức nhỏ nhẹ đã phát biểu: 

Thứ nhất: Theo ông thì bọn cộng sản Việt Nam còn tàn độc hơn là ác quỷ vì chúng có khoái cảm khi hành hạ người ta. Tại Trại Tù Xuân Phước, mỗi khi tù nhân bị kiên giam, cứ mỗi chén cơm chúng đổ vào đó một chén nước muối. Vì đói quá cho nên người tù đã phải vừa gạt nước mắt vừa ăn. Khi được thả ra vì quá khát nước nên người tù cứ gục mặt xuống uống nước cống rãnh mà không sao kéo lên được. Cảnh tượng này giống hệt như cảnh chết khát trên sa mạc. Trong khi đó thì bọn cán binh cai tù cộng sản thản nhiên đứng cười hô hố ! 

Thứ hai: Có một điều mà thế giới Tây Phương không sao hiểu được là trong khi họ ra sức chống lại chế độ phân biệt chủng tộc Nam Phi thì chính sách phân biệït lý lịch của bọn cộng sản còn tệï hại hơn rất nhiều mà họ không biết. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Nam Phi chưa tinh vi và tàn khốc bằng sự phân biệt lý lịch ngụy phản động. Họ đã biến dân Miền Nam thành một loài nô lệ, một thứ dân bị trị hay đúng hơn Một thứ kẻ thù cần phải tiêu diệt.

Thứ ba: Trong khi cả loài người lên án bọn diệt chủng Pol Pot thì người ta lại quên lên án tội diệt chủng kinh khiếp của bọn đao phủ Hà Nội. Bọn Khmer Ðỏ chỉ giết hại một triệu người thôi. Còn đây bọn cộng sản Việt Nam đã triền miên bỏ đói cả dân tộc suốt 15 năm qua. Hiện nay trẻ em còi cọc không lớn được. Phụ nữ không có khả năng sinh nở vì quá thiếu dinh dưỡng hoặc xảy thai liên miên. Dân tộc Việt Nam đang phải đối đầu với nạn diệt chủng quy mô có toan tính , có sách lược.

Thứ tư: Trong lịch sử nhân loại chưa có chế độ nào tàn phá lương tâm và nhân phẩm con người bằng chế độ cộng sản. Hiện nay tại Việt Nam chỉ cần một cái bánh là người ta cũng có thể giết nhau. Chỉ cần một gói quà từ ngoại quốc gửi về là cháu nội cũng có thể lấy búa bổ lên đầu ông bà nội để cướp lấy gói quà ấy. 

Ngồi nghe phóng viên Nguyễn Tú nói chuyện, nhìn vóc dáng nhỏ bé, nhu mì, râu tóc bạc phơ của ông tôi chợt nhớ tới nhà lãnh tụ da đen Nelson Mandela. Ðầu óc tôi bỗng nảy ra một cuộc so sánh:

- Mandela ở tù 26 năm nhưng không mất vợ mất con. Gia đình tổ quốc ông vẫn còn đó. Danh vọng sự nghiệp, nhà cửa, bằng cấp, chiến hữu của ông vẫn còn đó. Chắc chắn ông không bị bỏ đói. Ông không phải kéo cày thay trâu. Ông chưa phải ăn chuột chết, gián sống. Chưa phải uống nước cống. Chưa bị lột trần truồng cùm chân trong nhà kỷ luật. Chưa phải ngồi trong phiên họp để chửi bới, kết tội cha ông , bạn bè, chiến hữu mình. Con gái ông chưa phải đi làm đĩ hay đi bán dưa hấu ở trên sân ga. &thế mà ông đã được xưng tụng là tù vương ! 

- Nhưng còn Nguyễn Tú và hằng trăm ngàn chiến hữu tù nhân của chúng ta thì sao ? Họ đã mất tất cả từ vợ con, gia đình thân yêu đến tổ quốc, chiến hữu. Họ mất cả thân thế, dĩ vãng, bằng cấp của cải và nhân phẩm. Họ đã trải qua cuộc sống của loài thú vật trong các địa ngục ghê rợn nhất. Ðể rồi khi được phóng thích họ đã can đảm đạp lên sóng nước hiểm nguy để tìm Tự Do. Và họ đã đến mảnh đất này trong âm thầm tủi nhục mà không ai biết đến họ. Vậy thì hai chữ tù vương kia nên để dành cho ai ? Có lẽ vận may chưa đến với chúng ta ? Hay chúng ta chưa biết cách đánh bóng những anh hùng của chúng ta ? Hay thế giới vẫn còn nhiều bất công trong việc thẩm định những giá trị ? Nếu như có dịp gặp Mandela tôi sẽ nói thẳng với ông rằng điều duy nhất mà tôi cảm phục nơi ông là sau 26 năm ông vẫn giữ vững tinh thần chiến đấu. Ðó là nét đẹp tuyệt vời. Tuy nhiên những nỗi thống khổ mà ông đã phải chịu đựng so với hằng trăm ngàn tù vương Việt Nam thì ông chỉ là con số không ! 

Dầu sao qua bài viết này tôi muốn được gửi đến Nguyễn Tú những tình cảm mến thương nhất. Người mà trước đây tôi không một lần quen biết mà chỉ qua một loạt bài phóng sự viết vào một thời điểm quá bi thương của đất nước đã ngự trị trong trái tim tôi như những hình bóng có giá trị nhất. 

Tác giả Ðào Văn Bình
Tháng 8, 1990 


(Nguồn: www.tonghoi.org)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét