14.7.10

Nguyễn Tú sống cô đơn nhưng chết lại có nhiều bạn.



Phạm Trần/Việt Báo

Alexandria (13-07) - Ở tuổi 86, Ký gỉa Nguyễn Tú vẫn sống một mình với thế giới riêng của ông, nhưng khi ông từ giã cõi đời thì nhiều người lại rất muốn được gần ông cho dù biết ông không còn nữa.

Trong số rất đông ấy, chỉ có 40 người có cơ hội đến với ông lần cuối vào chiều ngày Thứ Ba (13/07/2010) tại Nhà quàn Everly Wheatley Funeral Home  ở Quận Alexandria gần Thủ đô Hoa Thịnh Đốn.

Theo lời anh Phan Lê Dũng, người thay mặt Nhóm  Báo Chính Luận của Sài Gòn ngày trước lo việc tang lễ thì người quá cố đã “ngôn chúc” 4 điều:

- Không nên báo cho nhiều người biết khi ông nằm xuống;
- Mai táng trong vòng 24 giờ;
- Không nên nói năng gì trong lễ Cầu Siêu;
- Và sau cùng hãy hỏa táng ông.

Do đó, anh Dũng và gia đình ông Hồ Châu, người em kết nghĩa ở trại tị nạn Hồng Kông năm 1988  đã  làm theo đúng  ý nguyện của người quá cố.

Tuy nhiên không vì thế mà buổi lễ Cầu Siêu của Hòa thượng Thích Thanh Đạm, chủ trì  Chùa Giác Hòang thiếu trang trọng.

Giây phút cảm động nhất, không phải vì tiếng khóc mà khi mọi ngừơi được chứng kiến   Hòa Thượng Thanh Đạm  đội lên đầu ông bà Hô Châu  2 chiếc khăn tang trắng để họ báo hiếu với người anh kết nghĩa chỉ bất ngờ gặp  nhau trên đường tị nạn 22 năm về trước.
Trong số quan khách đến tiễn đưa  Ký giả Nguyễn Tú có cả Cựu Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Thịnh Đốn, ông Bùi Diễm và phu nhân; ông Bùi Mạnh Hùng thuộc Liên hội Cựu chiến sỹ Việt Nam Cộng Hòa; ông Trần Tử Thanh, Việt Nam Quốc Dân Đảng; ông Nguyễn Tường Ánh, con trai Nhà văn Hòang Đạo của Tự Lực Văn Đòan và một số bạn đồng nghiệp và thân hữu của Ký gỉa Nguyễn Tú.

LÀNG BÁO NÓI GÌ VỀ NGUYỄN TÚ ?

Vậy Nguyễn Tú có gì đặc biệt trong sự nghiệp làm báo của ông không ?
Hãy nghe cựu Quân nhân VNCH Phùng Nguyên:

 “Trước 75, tôi cũng đă có dịp mấy lần với tư cách đại diện đơn vị, công tác chung với nhà báo Nguyễn Tú. Tôi rất nể phục lối sống và tư cách của ông.”

Nhà báo Đức Hà, một cựu phóng viên Không quân VNCH nói với Đài iếng Nói Hoa Kỳ:

 “Đối với anh em Không quân chúng tôi thì cái tên Nguyễn Tú không còn lạ gì. Vào lúc chiến tranh lên cao điểm tại Việt Nam thì nhà báo Nguyễn Tú đã nhiều lần đi bay chung với các phi công khu trục cánh quạt, trực thăng đổ quân và cả máy bay phản lực. Do đó chúng tôi đã có những kỷ niệm rất thân tình với nhà bào Nguyễn Tú.

Sự ra đi của ông là một mất mát lớn đối với các nhà báo đã từng biết ông trước năm 75. với tư cách là một nhà báo đi sau rất nhiều với cụ Tú thì chúng tôi không quên sự chuyên nghiệp, sốt sắng, tinh thần làm báo của cụ Tú trong thời gian cụ ở với báo Chính Luận.”

Phóng viên-TV host Kim Nhung của SBTN kể lại cuộc phỏng vấn Nguyễn Tú cho Chương trình Lịch sử Việt Nam Cận Đại của cô :

 “Tôi được hân hạnh gặp Ký Giả lão thành Nguyễn Tú vào ngày 26 tháng 8 năm 2009 tại Virginia. Lần gặp gỡ đầu tiên tôi đã có cảm tình ngay với Ký Giả Nguyễn Tú về sự nhiệt tâm đóng góp của ông tuy đã ở tuổi bát tuần. Dịp ấy vào mùa hè, khí hậu tại Virginia nóng như lửa đốt. Chúng tôi (tôi và camera crew) vừa bước vào căn phòng nơi ông cư ngụ, chưa kịp khoanh tay chào ông tôi đã chạy ùa vào mở cửa chiếc tủ lạnh và nói: “Bác ơi! con sắp chết khát rồi, Bác cho chúng con miếng đá lạnh.”

Ông vừa cười vừa lom khom, bước chậm tới tủ lạnh và bảo: “Bác có nhiều nước juice, ice cream lắm, những đồ ăn này do những Bạn bè và những Hội ở đây mang đến cho Bác. Chúng con cứ ăn xong rồi làm việc….”

“Trong suốt  4 tiếng đồng hồ phỏng vấn và tâm tình, ông đã nói không biết mệt mà còn thuật  lại thật tỉ mỉ cho chúng tôi nghe tất cả những trận chiến mà ông đã  có mặt trong  vai trò Phóng viên Chiến Trường từ trước năm 1975. Qua lần  phỏng vấn này, tôi thật sự ngưỡng mộ trí minh mẫn của một người tuổi cao như ông. Theo tôi, ông không chỉ là một Nhà báo  xuất sắc, một người có khả năng đi trước thời cuộc để nhận định đúng và chính xác mà còn rất can đảm không sợ gian nguy để xông pha ra mặt trận như một người lính tác chiến. Ông đã để lại cho thế hệ làm báo sau ông một gương sáng.”

Ký giả truyển hình Võ Thành Nhân của SBTN-Hoa Thịnh Đốn cũng đã có lần phỏng vấn ông  Nguyễn Tú thuật lại:

 “Khi tôi hỏi ông: Với những kinh nghiệm sống qúa phong phú như Cụ, Cụ có lời nào nhắn với thế hệ con em của chúng ta  không?
Ký gỉa Nguyễn Tú  im lặng một hồi rồi chậm rãi nói:

 “Tôi đã làm gì được đâu. Cả đất nước đã mất vào tay người Cộng sản. Tôi cảm nhận được trách nhiệm của chúng ta không hòan thành. Tôi thấy chúng ta, trong đó có tôi, không giữ nổi mảnh đất thân yêu để sống với nhau để  phải từ biệt quê hương lưu lạc nơi đất khách quê người. Tôi không có gì để có thể nhắn nhủ  cả.”

Anh Võ Thành Nhân kết thúc câu chuyện: “Nói đến đây, Cụ Nguyễn Tú đã bật khóc nức nở khiến mọi người có mặt cũng khóc theo.”

Nhà văn Phan Nhật Nam, Tác gỉa của “Mùa Hè Đỏ Lửa”, và là người đã cùng với Nguyễn Tú đi theo đoàn quân triệt thóai về đồng bắng từ Cao Nguyên, theo lệnh của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vào tháng 3/1975. Anh kể lại:

“Pleiku, Tháng Ba 1975 : Pleiku chìm trong cảnh chết của lần hấp hối quê hương. Đường Hoàng Diệu tắt điện và mọi nhà đều kín cửa. Những khối cây hai bên lề trở nên to lớn, sầm sập đè xuống lòng đường hun hút nhờ nhờ bóng tối. Lũ chó mất chủ chạy loáng thoáng sợ hãi tiếng tru dài ai oán. Tôi đi về Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn với cảm giác đi vào một nhà mồ vừa vùi lấp một tập thể thây chết. Buổi đổ quân sáng 14 tại sân bay Hàm Rồng mang hình ảnh của một lần chia ly vĩnh quyết. Những người lính của Sư Đoàn 23 Bộ binh chuẩn bị nhảy xuống Phước An trong nhiệm vụ giải tỏa Ban Mê Thuộc lên trực thăng cùng với những người mặc quân phục nhưng không vũ khí.. Đấy là những người vợ lính theo chồng ra hành quân nay theo chồng nhảy trực thăng về chiếm lại Trại Gia Binh ở Ban Mê Thuộc với con nhỏ trên tay.”

“Khi Thiếu Tướng Phạm Văn Phú nói lời chân thật nghẹn ngào: “Quân đoàn không có quân trừ bị, anh em cố gắng xuống Phước An để tái chiếm Ban Mê Thuộc. Những người lính đưa súng lên trời hô to lời quyết chiến, những người vợ lính đưa con nhỏ lên trời như thề nguyền cùng sống chết với quê nhà hiện thực với trại gia binh vừa bị quân Bắc Việt tiến chiếm từ hai ngày trước. Đến ngày 15  thì cuộc di tản bắt đầu xé cắt từng thớ thịt, làm nhịp tim co giật cào đau mà được chết âu cũng là một ân huệ. Đầu tóc bạc của Ký Giả Nguyễn Tú phủ lớp bụi đỏ chạch bừng bừng ngật ngật dọc 200 cây số của Liên Tỉnh Lộ 7 từ Cao Nguyên về đồng bằng dưới xa duyên hải. Phóng sự “Ngày Chủ Nhật Buồn” của anh đăng trên Báo Chính Luận ở Sàigòn thời ấy không còn là một bài báo viết về  chiến trường nữa mà là một  Điếu văn khốc liệt  nói về một cái  chết toàn diện, lần chết thật của Quê Hương của những người không còn nước mắt  để khóc, trong đó có tôi và anh Nguyễn Tú, hai gã nhà báo lang thang, rệu rã trên con lộ tử thần số 7.”

 PHẠM TRẦN
7/15/2010

(Nguồn: www.vietbao.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét