Tuesday, November 07, 2006
An Pha
Tôi đến thủ đô Ba Lan để tường thuật Hội Nghị Warszawa 2006 về Quyền Công Nhân và yểm trợ Công Ðoàn Ðộc Lập mới thành lập trong nước sớm hơn nhiều người khác. Do đó, tôi có dịp theo Ðinh Trung Nghệ, một thổ công của đất Ba Lan và là thành viên trong ban tổ chức, ra phi trường vào buổi tối Thứ Ba để đón các anh em đến từ Úc. Họ phải vượt qua 25 giờ bay để đến “điểm hẹn”. Nhìn vào danh sách tôi thấy phái đoàn Úc có ba người: Bùi Trọng Cường, Nguyễn Hưng Ðạo và Nguyễn Ðình Hùng. Tôi ngờ ngợ đối với người có tên Nguyễn Hưng Ðạo trong danh sách, vì trong nhóm anh em chúng tôi hoạt động bí mật cho việc hình thành tờ Hợp Ðoàn trong trại giam A-20, có một Nguyễn Hưng Ðạo, cựu Hải Quân Trung Úy. Ðạo bị đưa về trại trừng giới A-20 vì anh cũng bị liệt vào danh sách những người “không thể cải tạo” được cùng với rất nhiều anh em cựu sĩ quan thuộc nhiều binh chủng khác nhau.
Tuy còn trẻ, nhưng Nguyễn Hưng Ðạo là người trầm mặc ít nói, ít có những hành động chống đối vặt vãnh. Thời gian những năm đầu thập niên 1980, trại A-20 là một địa ngục trần gian đối với những người tù cải tạo, thứ nhất vì bài bản đàn áp tinh thần một cách thâm độc của những cán bộ an ninh vừa đi học ở Liên Xô về, và thứ hai là cái đói. Cái đói ở trại A-20 Xuân Phước là một trạng thái vật chất khiến cho người tù nằm giữa sự sống và cái chết. Người tù có thể nhìn thấy những thớ thịt của mình teo dần đi mỗi ngày. Trong hoàn cảnh đó, Ðạo bình thản, thong dong và ít khi thấy anh quơ quào rau rác ngoài bãi lao động. Anh truyền bá cách ngồi thiền và điều tức hơi thở cho anh em vì theo anh ngồi thiền có thể giúp chúng ta vượt qua được cơn khốn quẫn. Khi tôi chuẩn bị ra tờ Hợp Ðoàn, tôi dự định mời anh cộng tác, nhưng nghĩ tôi và anh chưa đủ thân nên lại thôi. Thế rồi một buổi tối, chúng tôi ngồi hút thuốc lào với nhau, Nguyễn Hưng Ðạo nói: “Ông cẩn thận, bọn ăng ten ngầm trong này không phải loại vừa đâu. Tôi sẽ gởi bài qua Nhì”. Bài gởi đều không có tên tác giả và chỉ dùng mật mã nên cho tới nay tôi cũng không nhớ bài nào trong tất cả 5 số báo Hợp Ðoàn là bài của Nguyễn Hưng Ðạo.
Tôi và Ðinh Trung Nghệ chờ Bùi Trọng Cường và Nguyễn Hưng Ðạo khá lâu, có lẽ vì việc kiểm tra di trú và chuyển hành lý từ máy bay vào trong dây chuyền hành lý tại Phi Trường Quốc Tế Warszawa luộm thuộm, nhân viên di trú và thuế quan lại không thông thạo Anh ngữ. Nhưng khi thấy hai người Việt Nam đẩy hành lý ra khỏi cổng ngoài, tôi nhận ra ngay Nguyễn Hưng Ðạo. Ðạo không già đi bao nhiêu, tóc chỉ hơi nhuốm bạc. Khi Ðạo bắt tay tôi, tôi hiểu anh chưa mường tượng ra người bạn tù của mình cho đến khi chúng tôi ngồi trên xe để về khách sạn. Nguyễn Hưng Ðạo nói: “Hình như ông là An Pha phải không. Xin lỗi tôi không nhận ra ông, chỉ ngờ ngợ nên chưa dám nhận”. Cái bắt tay lần này chặt hơn, lâu hơn. Ðạo nói: “Tôi đọc bài trên Người Việt Online thấy ký tên ông nhưng vẫn ngờ ngợ, vì người trùng tên nhau là thường, cho đến khi tôi đọc được một bài ông đề cập đến trại A-20 mới chắc ông là An Pha”.
Sau bữa cơm tối, chúng tôi gặp nhau để hàn huyên. Nguyễn Hưng Ðạo cho biết sau khi được thả ra khỏi trại vào cuối 1982, anh chỉ sống ở ngoài cái xã hội tan nát của Sài Gòn một thời gian ngắn thì vượt biển và đến được bến bờ. Nguyễn Hưng Ðạo vượt biên không tốn một đồng xu vì lúc đó khả năng của một cựu Hải Quân Trung Úy đã trở thành “vàng” đối với những chủ tàu tổ chức đưa người ra nước ngoài. Nguyễn Hưng Ðạo đã đưa con tàu nhỏ với hơn một trăm người đến được Galang an toàn. Tôi hỏi: “Sao không đến Mỹ mà chọn Úc”. Ðạo nói: “Chọn mẹ gì được. Tôi sống ở trại tị nạn trong sự nôn nóng. Thấy phái đoàn Úc nhận là tôi đi ngay. Vả lại tôi có người thân bên Úc”.
Nguyễn Hưng Ðạo định cư tại Brisbane , lập gia đình và sinh sống bằng công việc bán fish chip, một món ăn thông dụng ở Úc, cho những tiệm của người Úc. Cuộc sống cũng dễ thở, dù công việc rất vất vả. Khi cả hai vợ chồng anh dành dụm được một số tiền và nhân biết một tiệm fish chip của người bản xứ đóng cửa, hai vợ chồng anh sang lại và gây dựng thành một tiệm fish-chip khá nổi tiếng hiện nay ở thành phố này. Ðạo nói: “Tiệm cũ đóng cửa vì bán buôn ế ẩm. Tôi đánh liều, sang lại. Tôi hiểu rằng món fish chip ở Úc cũng như ở Anh làm khá thô sơ, không gia vị. Tôi nghiên cứu, pha chế thêm gia vị Á Châu vào khiến fish chip thơm hơn và hợp khẩu vị hơn. Do đó khách hàng cả Úc lẫn Việt đến tiệm tôi ngày một đông. Sau đó vợ chồng tôi đưa thêm món phở, cơm tấm, gỏi cuốn, chả giò. Người Úc rất thích gỏi cuốn, chả giò. Nhưng điểm chính khiến quán tôi thu hút được nhiều khách Úc là vì tôi làm đúng tiêu chuẩn vệ sinh, kể cả cách trình bày món ăn, bàn ghế, trang hoàng nội thất. Nghĩa là quán bán món ăn truyền thống Việt-Úc nhưng theo tiêu chuẩn dòng chính”. “Như vậy là ông giàu rồi phải không”. Ðạo cười: “Tụi tôi chỉ có một con nên đời sống tương đối dễ thở, làm gì có chuyện giàu có. Nước Úc là nơi chế độ trợ cấp xã hội khá cao, nhưng nếu chỉ sống với chế độ đó, chúng ta sẽ không làm gì hơn được ngoài tiêu chuẩn sống đã được định sẵn. Cho nên, tôi chọn con đường khác khi mới tới Úc, đó là làm việc tự lực cánh sinh”.
Ngoài công việc ở tiệm fish chip, Nguyễn Hưng Ðạo quan tâm tới những hoạt động cho việc đòi hỏi nhân quyền và tự do cho Việt Nam , nhưng không phải với một thái độ cực đoan. Anh cho rằng, khi đã cực đoan, người ta sẽ đánh mất sự thuần lý, một điều kiện rất cần thiết cho bất cứ cuộc tranh đấu nào. Ngoài ra, sự cực đoan theo quan điểm của anh, sẽ làm cho một người tranh đấu mất đi sự rung động của trái tim. Không có sự rung động của con tim, nhà tranh đấu sẽ không có chất liệu nuôi dưỡng sự kiên trì và niềm tin lâu dài.
Chuyến đi Ba Lan, với tôi là một chuyến đi vất vả vì những bất ngờ xảy ra trong việc gởi tin, hình ảnh vì mạng lưới Internet của Ba Lan vẫn còn trong tình trạng chậm tiến. Tuy nhiên, cũng tại Ba Lan, tôi gặp lại được nhiều bạn tù và lớp đàn anh trong các trại tù Cộng Sản trước đây ở Việt Nam, làm quen được với lớp trẻ, từng một thời là con cưng của chế độ Cộng Sản nhưng đã từ bỏ thẻ đảng và đứng lên, cùng nhau ngồi giữa đại sảnh của Quốc Hội Ba Lan để tìm một đường lối trợ giúp Công Ðoàn Ðộc Lập ở trong nước. Tôi không phải là thành viên của hội nghị mà chỉ là người đến để tìm hiểu và tường thuật hội nghị. Ðiều quan trọng mà tôi nhìn thấy là mọi phương tiện di chuyển và ăn ở đều do các thành viên tự túc, hội nghị không được bảo trợ bởi bất cứ tổ chức nào. Vé máy bay từ Mỹ đi Ba Lan cũng gần một ngàn đô la, khách sạn hạng bét giá cũng từ 40 đến 60 đô la một ngày. Mọi người từ đại biểu cho tới báo chí đều cơm hộp, chỉ một hai ngày là cơm tiệm.
Như thế chuyến đi của mỗi thành viên đều tốn kém đấy, nhưng vui vì củng cố được thêm niềm tin và được trực tiếp nghe những kinh nghiệm của các bạn Ba Lan trong Công Ðoàn Ðoàn Kết. (An Pha)
(Nguồn: http://www.nguoi-viet.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét