Hiển thị các bài đăng có nhãn Vũ Văn Ánh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Vũ Văn Ánh. Hiển thị tất cả bài đăng

1.10.10

Như Lễ Tiễn Đưa A20 Chưởng môn Vovinam Lê Sáng về với đất, sáng ngày 1/10/2010



Võ sư Lê Sáng và võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc (phải). (Sài-Gòn 1954)




Những kỷ niệm trong tù với Chưởng môn Việt Võ Đạo Lê Sáng


(09/30/2010)

Tôi biết Võ sư Lê Sáng Chưởng môn phái Việt Võ Đạo tức Vovinam từ lúc còn mới chập chững bước vào nghiệp báo bổ qua lời giới thiệu của một môn sinh của ông lúc đó mới mang chuẩn Hồng đai Nguyễn Đức Quỳnh Kỳ. Sau đó có một vài lần đến võ đường của Vovinam gần nơi tôi làm việc để xem Quỳnh Kỳ dạy võ cho các môn đệ của anh và đến tổ đường Vovinam ở 31 đường Sư Vạn Hạnh để xem Quỳnh Kỳ học võ với võ sư Chưởng môn Lê Sáng. Rồi sau đó, miệt mài với nghề nghiệp, với chiến trường nên tôi không còn hình ảnh nào với môn phái này nữa suốt trong thời gian chiến tranh. 


20.8.10

Những người từng có một thời trẻ!



    Vũ Ánh

Trương Văn Tám tự “Tám Chùa” dù ngày hôm nay phải có một vài công việc quan trọng cần giải quyết và phải chuẩn bị cho đứa con lên học đại học ở Sacramento cũng đã lấy vé máy bay vội vã xuống quận Cam để gặp Ngọc “đen” từ Virginia về Arizona thăm bố nhưng cũng hăm hở vượt một đoạn đường dài để về gặp “Chùa” và “Hải Bầu”...

Họ mới chỉ là 3 trong số những sĩ quan rất trẻ tuổi trong quân đội VNCH thuộc những binh chủng khác nhau, đang hừng hực sức chiến đấu thì “gãy súng” ngày 30 tháng 4, 1975. Gãy súng nên phải tù đày trong các trại giam Cộng Sản. Thời gian tù đày, chúng tôi gặp nhau trong những cảnh ngộ, đứa ở trại này, đứa ở trại kia, đứa ở ngoài Bắc, đứa trong Nam. Dường như trên khắp đất nước chúng tôi vào thời ấy đều có những trại giam.


25.7.10

Hợp Ðoàn: tờ báo chui trong tại tù Xuân Phước




An Pha

(Kỳ I)
Friday, May 12, 2006

Trong tác phẩm Trại Kiên Giam, tác giả Nguyễn Chí Thiệp có viết đến việc hình thành và thực hiện tờ báo “chui” đầu tiên trại Kiên Giam Xuân Phước A-20 là tờ Hợp Ðoàn vào năm 1981. Tuy nhiên, vì khi tác giả viết tác phẩm này thì còn nhiều anh em cộng tác vẫn còn kẹt ở Việt Nam nên ông không thể nói ra được nhiều chi tiết. Nay đã đến lúc cần công bố những chi tiết liên quan đến tờ Hợp Ðoàn. Thật ra, tôi cũng không có ý định nhắc lại những kỷ niệm này, những kỷ niệm mà thời gian đó nếu bị phát giác, chúng tôi sẽ phải trả giá bằng cái đầu của mình. Nhưng gần đây khi xem Phòng Triển Lãm Thuyền Nhân và Việt Nam Cộng Hòa, nhìn thấy trưng bày những bộ quần áo tù mà có một thời gian khá dài chúng tôi từng phải mặc, nên chợt nhớ lại và muốn viết lại kỷ niệm này.


Nguyễn Hưng Ðạo: cựu tù, nhà tranh đấu và chủ tiệm fish chip


Tuesday, November 07, 2006

An Pha


Tôi đến thủ đô Ba Lan để tường thuật Hội Nghị Warszawa 2006 về Quyền Công Nhân và yểm trợ Công Ðoàn Ðộc Lập mới thành lập trong nước sớm hơn nhiều người khác. Do đó, tôi có dịp theo Ðinh Trung Nghệ, một thổ công của đất Ba Lan và là thành viên trong ban tổ chức, ra phi trường vào buổi tối Thứ Ba để đón các anh em đến từ Úc. Họ phải vượt qua 25 giờ bay để đến “điểm hẹn”. Nhìn vào danh sách tôi thấy phái đoàn Úc có ba người: Bùi Trọng Cường, Nguyễn Hưng Ðạo Nguyễn Ðình Hùng. Tôi ngờ ngợ đối với người có tên Nguyễn Hưng Ðạo trong danh sách, vì trong nhóm anh em chúng tôi hoạt động bí mật cho việc hình thành tờ Hợp Ðoàn trong trại giam A-20, có một Nguyễn Hưng Ðạo, cựu Hải Quân Trung Úy. Ðạo bị đưa về trại trừng giới A-20 vì anh cũng bị liệt vào danh sách những người “không thể cải tạo” được cùng với rất nhiều anh em cựu sĩ quan thuộc nhiều binh chủng khác nhau.



24.7.10

RFA phỏng vấn Vũ Ánh: Giờ phút cuối cùng ngày 30-4

 
  

Giờ phút cuối cùng ngày 30-4, sự thật quan trọng hơn sự kiện

 

2006-04-30


Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

30 Tháng Tư 1975, cách đây 31 năm tổng thống Dương Văn Minh, nhà lãnh đạo cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa đã đầu hàng quân cộng sản Bắc Việt. Quyết định vừa nói được mô tả là để Saigon khỏi trở thành một biển máu.
Tổng thống Dương Văn Minh và chính phủ của ông trên thực tế chỉ tồn tại 36 giờ, nhưng là những thời khắc đầy cam go trăn trở. Giờ phút sau cùng của Việt Nam Cộng Hòa đã diễn ra như thế nào, các sử gia cho rằng sự thật quan trọng hơn sự kiện, và muốn tìm hiểu sự thật thì hãy ghi nhận từ các nhân chứng.

Trong tinh thần mỗi chế độ mỗi chính phủ gắn liền với tiếng nói chính thức của mình, Nam Nguyên phỏng vấn ông Vũ Ánh, người chứng kiến cảnh ông Dương Văn Minh bị áp giải tới Đài Phát Thanh Saigon để đọc văn kiện đầu hàng. Từ California ông Vũ Ánh phát biểu.

Vũ Ánh: Quan trọng nhất là sự thật, bởi vì tôi tin tưởng là lịch sử có tiếng nói riêng của nó. Và không ai có thể bóp méo tiếng nói của lịch sử.

Nam Nguyên: Thưa ông Vũ Ánh vào thời điểm 30/4/75 ông là cấp chỉ huy cao nhất tại Đài Phát Thanh Saigon, năm ấy ông bao nhiêu tuổi?

Vũ Ánh: Năm 1975 tôi 34 tuổi, lúc đó tôi đang giữ cương vị là chánh sự vụ một sở tương đối có tầm vóc khá quan trọng vào lúc miền Nam VN có những biến chuyển. Đó là Sở Thời Sự Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia.

Những diễn tiến cuối cùng


Nam Nguyên: Thưa ông Vũ Ánh, trên ông còn có các cấp chỉ huy cao hơn, họ không có mặt trong những ngày đó hay sao?

Vũ Ánh: Tôi cần nhấn mạnh là từ ngày 1 tháng Tư cho tới lúc 11g ngày 30/4/75, tôi không về nhà mà ở luôn trong Đài Phát Thanh Saigon. Thực sự là từ ngày 15/4 các cấp chỉ huy trên tôi không đến Đài nữa, họ chỉ gọi điện thoại vào hỏi thăm tình hình thôi.
Đứng trước trách nhiệm như thế, tôi trở thành người phải giải quyết mọi chuyện ở trong Đài. Thật ra không có ai chỉ thị là tôi phải đảm nhận công việc đó, nhưng tôi thấy đây là trách nhiệm của một người làm truyền thông. Nhất là truyền thông của quốc gia.

Nam Nguyên: Thưa ông trong những ngày 29 và 30/4 có bao nhiêu bản thông điệp, hiệu triệu, và nhật lệnh được Đài Saigon phát đi?

Vũ Ánh: Trong giai đoạn đó ít nhất có hai nhật lệnh của Tổng Tham Mưu Trưởng, 1 lời hiệu triệu của ông Phó Tổng Thống Nguyễn Văn Huyền, một số bản thông cáo của Phủ Thủ Tướng cũng như Bộ Nội Vụ.
Sau khi ông Dương Văn Minh nhậm chức ngày 28, thủ tướng mới là ông Vũ Văn Mẫu đã đọc tuyên bố yêu cầu người Mỹ quân đội Mỹ phải rời khỏi Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ.
Nên nhớ rằng người ta không thể chế ra lịch sử được, lịch sử có giá trị của nó bởi vì nhân chứng sống còn rất là nhiều trong đó có tôi vẫn còn sống, mặc dù đã trải qua một thời gian rất dài trong trại cải tạo.
Tình hình bên ngoài lúc đó rất là lộn xộn, Đài Sài Gòn phát đi nhiều thông cáo có tính trấn an người dân, lúc đó người ta dầy xéo lên nhau trước Toà Đại Sứ Mỹ để tìm một chỗ di tản.

Lịch xử bị xuyên tạc


Nam Nguyên: Thưa ông như vậy làn sóng phát thanh quốc gia của chính phủ cuối cùng vẫn được duy trì, và duy trì cho đến lúc nào?

Vũ Ánh: Điều chắc chắn, ở đây còn rất nhiều nhân chứng. Tôi thấy quyển Đại Thắng Mùa Xuân của ông Văn Tiến Dũng viết sau khi chiếm được miền Nam có những chi tiết sai.
Chẳng hạn ông ta viết rằng là quân cộng sản tiến vào Đài Phát Thanh Sài Gòn, lúc đó Đài bỏ hoang không còn ai. Điều này hoàn toàn sai, nên nhớ rằng người ta không thể chế ra lịch sử được, lịch sử có giá trị của nó bởi vì nhân chứng sống còn rất là nhiều trong đó có tôi vẫn còn sống, mặc dù đã trải qua một thời gian rất dài trong trại cải tạo.
Khi ra hải ngoại tôi vẫn còn đủ minh mẫn để nói lên điều này, cho tới 11 giờ ngày 30/4/75 tiếng nói quốc gia VNCH vẫn còn. Sau đó khi phát lệnh đầu hàng văn bản lần thứ hai của tổng thống Dương Văn Minh thu tại đài phát thanh Saigon, thì lúc đó mới chấm dứt tiếng nói của quốc gia VNCH.
Trước khi xảy ra biến cố ngày 30/4 không lúc nào làn sóng của đài phát thanh Saigon bị gián đoạn hết, ngay cả ngày 28, 29 và sáng ngày 30, mỗi khi bắt đầu phát thanh vào lúc 5 giờ sáng chúng tôi đều cử quốc thiều và lời giới thiệu ‘Đây là tiếng nói nước Việt Nam Cộng Hoà phát thanh từ thủ đô Sài Gòn.
Thứ hai nữa có một sự kiện đặc biệt là ngày 28/4/75 vào lúc 5 giờ chiều chúng tôi vẫn thực hiện buổi trực tiếp truyền thanh lễ nhậm chức của tổng thống Dương Văn Minh. Phóng viên tường thuật trực tiếp truyền thanh hôm đó là anh Nguyễn Mạnh Tiến, hai phóng viên nữa cũng có mặt.
Xin thêm rằng, trực tiếp truyền thanh ngày trứơc không phải như bây giờ, đó là một hoạt động công phu và cồng kềnh. Chúng tôi phải đem một xe lưu động tới ráp đặt hệ thống máy móc tại phủ tổng thống, ở đài trung ương đã lên sóng buổi trực tiếp truyền thanh rất đàng hoàng. Cho tới trưa ngày 30/4 hệ thống kỹ thuật nhân viên đầy đủ không trở ngại. Buổi sáng ngày 30/4 Phòng Tin Tức và Phòng Phóng Viên vẫn làm việc như thường, ngay vào thời điểm ông Dương Văn Minh tới Đài đọc văn kiện đầu hàng, người phụ tá cho tôi là anh Vũ Thành An cũng có mặt.
Bên phòng phóng viên chúng tôi vẫn còn Phạm Mạnh Đức, Lê Phú Bổn, Nguyễn Vĩnh Lộc, người sau này là bạn đời của tôi cô phóng viên Yến-Tuyết cũng có mặt tới giờ cuối cùng, có cả anh Hải quản đốc đài ban Mê Thuột.
Bên Tin Tức thì có chủ bút Hồ Cầu, Phí Ích Bành và 4 biên tập viên nữa. Tôi còn nhớ có cô Triều Lương Anh Phương còn làm việc đến giờ phút chót, trưa 30/4 khi tôi rời đài thì cô này cũng ra cùng.
Đó là những phần hành liên quan tới phát thanh. Còn phòng sản xuất thì gồm 4 người, cô Bạch Kim Hồng, bà Ngọc Sương vợ ông Nghiêm Phú Phi, tôi thấy bà Minh Diệu, Minh Tần đều có mặt trong phòng sản xuất trong buổi sáng 30/4.

Thông điệp của TT Dương Văn Minh


Nam Nguyên: Khoảng hơn 10 giờ đài có phát một thông điệp của ông Dương Văn minh, cái đó đi thu bên Dinh hay sao?

Vũ Ánh: Tôi cần nói rõ một điều, ngừơi ta vẫn lầm vì có tới hai bản hiệu triệu khác nhau mà ông Dương Văn minh đọc. Bản thứ nhất phát đi lúc 10g15 sáng, trước đó lúc 10g kém 15 ông Dương Văn Minh yêu cầu tôi cử người sang số 7 Thống Nhất để thu thanh lời hiệu triệu rất quan trọng. Tôi cử phóng viên Lê Phú Bổn và kỹ thuật viên Hồ Ổn đi làm công tác này.
Bản thông điệp đó là bản viết tay do Tổng thống Dương Văn Minh tự thảo, ông đọc vấp rất nhiều lần và chúng tôi phải thu đi thu lại. Nội dung thông điệp này ông Minh kêu gọi binh sĩ, cảnh sát, quân đội giữ nguyên vị trí cũ để chờ chính phủ bàn giao trong vòng trật tự cho người anh em phía bên kia tức là cộng sản Bắc Việt.
Đó là bản thứ nhất, tôi nhận được lệnh tổng trưởng thông tin lúc đó là ông Lý Quí Chung nói rằng phải phát đúng 10g15 nếu không phát thì Saigon sẽ là một biển máu. Tôi không bao giờ quên sự kiện này, và tôi đã thi hành đúng như vậy…

Nam Nguyên: Bài hiệu triệu đó được phát mấy lần?

Vũ Ánh: Được phát một lần duy nhất vào lúc 10g 15 phút. Sau đó thì tổng thống Dương Văn Minh rời số 7 Thống Nhất (Phủ Thủ Tướng VNCH) để về Dinh Độc Lập cùng nội các mới thành lập của ông, chuẩn bị đón Cộng Sản Bắc Việt vô để bàn giao.
Tuy nhiên, khi quân cộng sản phá đổ cửa Dinh Độc Lập, những người đầu tiên đi vào đã bắt giữ tất cả, kể cả tổng thống, phó tổng thống, thủ tứơng và một số thành viên nội các, và giam vào phòng khánh tiết. Sau đó họ giải giao ông Dương Văn Minh sang Đài Phát Thanh Saigon.
Khi quân cộng sản phá đổ cửa Dinh Độc Lập, những người đầu tiên đi vào đã bắt giữ tất cả, kể cả tổng thống, phó tổng thống, thủ tứơng và một số thành viên nội các, và giam vào phòng khánh tiết. Sau đó họ giải giao ông Dương Văn Minh sang Đài Phát Thanh Saigon.

Nam Nguyên: Thưa lúc đó là mấy giờ?

Vũ Ánh: Mọi việc diễn biến rất nhanh, lúc đó khoảng 11 giờ kém 15 phút, bởi vì trứơc đó ông Nguyễn Hữu Hạnh Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH do ông Minh bổ nhiệm, đã sang Đài gặp tôi và cho biết ông sang để nhận Đài Phát Thanh và giao cho phía bên kia.
Tôi đứng nói chuyện với ông Hạnh độ khoảng dăm ba phút gì đó, thì thấy ông Dương Văn Minh từ Dinh Độc Lập bị giải giao qua Đài Phát Thanh. Khi cửa xe mở ra, thấy có hai người tay cầm súng K54 áp giải ông Minh, họ mặc quần áo tác chiến quân đội có đeo cấp hàm
.
Những chứng nhân của lịch sử


Nam Nguyên: Ngoài xe chở ông Dương Văn Minh, còn có những xe nào khác?

Vũ Ánh: Sau xe đó có nhiều xe khác chở những người mặc thường phục, những người này rất trẻ, tay trái họ đeo băng đỏ. Tôi nhận ra Nguyễn Hữu Thái, Lê Văn Nuôi, Huỳnh Tấn Mẫm…
Nhiều người nữa ở phía, trong đó có một người mà anh em báo chí thường hay gặp, một người luôn xuất hiện với cái ‘búi tó củ hành’, không biết anh ta làm ở báo nào nhưng tôi biết anh ta tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm. Đó là Hà Huy Đỉnh, lúc ấy anh ta cầm một máy quay phim. Tôi và Hà Huy Đỉnh có biết mặt nhau, tôi chào và anh ta chào lại.
Ngoài ra còn có vài phóng viên nứơc ngoài, trong số đó tôi nhận ra George Asper trưởng văn phòng AP tại Saigon.
Khi hai ngừơi áp giải ông Dương Văn Minh lên phòng vi âm lớn ở trên lầu, ngừơi coi máy vẫn còn ngồi đó, thế nhưng thái độ của bà ta hết sức sợ hãi, tay lóng cóng không thể nào ghi âm được.
Lúc đó tôi thấy một người phóng viên Mỹ đưa vào một máy cassette vào để mà thu thanh riêng cho mình thôi.
Bạn hoặc người thân trong gia đình có chứng kiến giờ phút cuối cùng ngày 30-4-1975? Xin gửi email về Vietweb@rfa.org
Bên ngoài phòng máy, sau khi trấn tĩnh lại được thì họ vẫn thu bằng băng lớn như thường, tôi biết chắc khi phát thanh là băng lớn, chứ băng cassette thì sau đó người phóng viên kia mang đi.
Lúc đó khoảng hơn 11giờ, tôi thấy không còn chuyện gì liên quan đến mình nên tôi đi xúông dưới và nói với ông Nguyễn Hữu Hạnh là tôi ra khỏi Đài. Tôi còn nhớ anh Vũ Thành An còn ở lại tới giờ phút chót, tôi nói với Vũ Thành An rằng, có lẽ đây là ‘Bài không Tên Cuối Cùng’ của chúng ta rồi. Đó là lời tôi nói với Vũ Thành An, và đó là tất cả câu chuyện của ngày 30/4 ở Đài Phát Thanh Saigon, coi như là lúc chấm dứt cuộc đời công vụ của tôi đối với chế độ VNCH.

Nam Nguyên: Cảm ơn ông Vũ Ánh về thời giờ ông dành cho RFA.


16.7.10

Về nhà báo Nguyễn Tú vừa qua đời




Vũ Ánh / VietHerald
(07/14/2010)


Dường như mỗi khi nghe tin một nhà báo ở vào thế hệ tôi ra đi, tôi vẫn cảm thấy mất đi một điều gì đó trong đời. Và khi đã ở vào tuổi 70 như tôi, mất mát ấy càng lớn lao hơn. Phải chăng những nhà báo ấy, có khi suốt trong cuộc chiến cũ chưa bao giờ tôi nói chuyện hay uống với nhau một ly cà phê, đều là những mắt xích từng một thời tiếp tay nhau tạo nên một đời sống báo chí đầy mầu sắc tại miền Nam Việt Nam, dù rằng nhà cầm quyền, trong rất nhiều trường hợp, không thích chúng tôi như thế. Nhưng chính đời sống ấy đã tạo cho lớp người viết báo trẻ chúng tôi, vào giai đoạn đó, cũng như sau này, niềm say mê báo chí, rất khó bỏ, rất khó về hưu cho dù đã luống tuổi như bây giờ.

Vì thế, khi nghe tin nhà báo Nguyễn Tú của nhật báo Chính Luận trước 30 tháng 4, 1975 qua đời ngày 11 tháng 7, 2010 ở tuổi 86, tôi không ngạc nhiên lắm. Chỉ đến khi về tới nhà báo tin cho nhà tôi, người đã đọc và ngưỡng mộ thiên phóng sự “Ngày Chủ Nhật buồn” của ông tường thuật cuộc triệt thoái gây tổn thất nặng nề cho quân và dân Cao Nguyên Trung Phần mà nay vẫn còn gây tranh luận, tôi mới nhận ra khoảng trống trong lòng mình mênh mông quá. Nhà tôi nói: “Tội nghiệp bác Tú.” Yến Tuyết là lớp phóng viên ra trường vào những năm cuối của cuộc chiến, chưa một lần gặp nhà báo Nguyễn Tú nhưng lại là độc giả những ký sự của ông về cuộc chiến.

8.7.10

Nhân một niên trưởng vừa từ trần



  Vũ Ánh/Việt Herald
(07/07/2010)


Hàng ngũ cựu quân nhân VNCH lại vừa mất đi một niên trưởng: cựu đại tá Võ Hữu Hạnh, cựu SVSQ Khóa 4 Sĩ Quan Trừ Bị, cựu Trung Ðoàn Trưởng Trung Ðoàn 1 Sư Ðoàn 1 Bộ Binh, cựu Tỉnh Trưởng Hậu Nghĩa, cựu Tư Lệnh Biệt Khu 44, cựu Tư Lệnh Phó Sư Ðoàn 23 Bộ Binh và nguyên Hội Trưởng Những Người Con Cha Diệp.

Trước biến cố 30 tháng 4, 1975, tôi gặp niên trưởng Võ Hữu Hạnh nhiều lần, và hầu hết là ở các mặt trận, nhất là thời gian ông chỉ huy ở Biệt Khu 44. Là dân tác chiến, trừ một thời gian không dài lắm ngồi ở ghế “tổng đốc” (từ ngữ mà giới báo chí chúng tôi hay dùng để gọi đùa các vị được cử làm đầu tỉnh), nhưng niên trưởng Võ Hữu Hạnh lại là người ưa văn chương, thơ phú, đọc sách và tìm hiểu triết học.


20.6.10

Kỷ niệm 19-6 nghĩ về những người lính VNCH?



Vũ Ánh/Việt Herald
(06/19/2010)

Thực ra, quân lực VNCH thành lập khá lâu trước ngày 19 tháng 6 năm 1965 khi các đơn vị trong quân đội quốc gia Việt Nam di chuyển vào trong Miền Nam Việt Nam dưới ảnh hưởng của Hiệp Ðịnh Geneve 1954 chia đôi đất nước. Khi nền Ðệ Nhất Cộng Hòa thành hình, các đơn vị này đã trở thành Quân Lực VNCH và bắt đầu phát triển và cho đến ngày 19 tháng 6 năm 1965 chính quyền VNCH và Hội Ðồng Quân Lực dùng ngày này làm Ngày Quân Lực.

Thật ra, muốn cho chính xác, chúng ta cần một cuộc truy cứu và nghiên cứu những tài liệu cũ mà hiện đã thất lạc khá nhiều sau biến cố Tháng Tư Ðen. Vì thế tôi chỉ nêu ra một cách khái quát về nguồn gốc của một quân lực đã từng được coi là đạo quân ngăn làn sóng đỏ hùng mạnh vào hàng thứ tư thế giới để nói đến những người lính VNCH mà nay những cựu quân nhân trẻ nhất trong quân lực của chúng ta cũng đã ở tuổi trên dưới 60.

Tôi không dùng những hình ảnh khuôn sáo thường thấy để ngợi ca những chiến công của những người lính VNCH để mô tả họ trong vào dịp này. Những chiến công của quân lực VNCH đã trở thành một mảng lịch sử quan trọng của Việt Nam mà cho tới nay không ai có thể phủ nhận được, cho dù hiện quân lực này không còn tồn tại nữa. Tôi cũng không hề nghĩ và cũng mong mọi người đừng bao giờ nghĩ là cái xương sống của quân lực VNCH là binh chủng này hay quân chủng kia, vũ khí này hay chiến cụ nọ mà xương sống của một quân lực chính là tinh thần của những quân nhân trong quân lực ấy. Vâng, tôi muốn nhắc tới tinh thần lính, một tinh đã được thể hiện thành tín niệm: Tổ Quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm.

Một cách triết học, đây là một tín niệm rất cao và sẽ trở thành một thử thách đối với người lính lúc đất nước lâm nguy. Trong biến cố 30 tháng 4 cách đây 35 năm, quả thật người lính VNCH đã trải qua một thử thách vô cùng lớn lao. Bốn tướng lãnh đã tuẫn tiết để không lọt vào tay địch và hàng chục ngàn sĩ quan từ cao cấp xuống đến cấp thấp nhất đã làm tròn trách nhiệm đối với những người lính dưới quyền tuy rằng sau đó họ phải qua những năm tháng dài tù đầy trong các trại tù của người thắng trận. Trong các trại tù cộng sản, mặc dù phải sống dưới một chế độ sinh hoạt hà khắc mà người Cộng sản áp dụng nhằm hủy hoại con người từ thể chất cho đến tinh thần, những người lính từng giữ vai trò chỉ huy trong đơn vị vẫn giữ được danh dự, vẫn ngẩng đầu để vượt qua nghịch cảnh, cho dù có một số rất nhỏ đã yếu đuối nên đánh mất chính mình.

Bị đốt hết tuổi trẻ và binh nghiệp trong lao tù Cộng sản, khi những người lính này sang định cư ở quê hương thứ hai, vào lúc mái tóc đã bạc, họ vẫn phải trải qua một thử thách khác lớn lao hơn: đó là thích nghi và hội nhập với một xã hội mới. Tinh thần trách nhiệm của những người lính này lại bị thử thách một lần nữa: học tập, làm việc cực nhọc và nuôi dạy con cái. Trừ một số người không còn đầy đủ sức khỏe, những người lính già VNCH đã vượt qua được con dốc cao của cuộc sống ở quê hương mới: nuôi dạy thế hệ người Việt tị nạn thứ hai thành công kể cả về học vấn, tinh thần cộng đồng và nêu cao được ý thức dân chủ, đóng góp tích cực vào cái vốn tri thức của nước Mỹ.

Mới đây nhất, chỉ riêng học khu Garden Grove không thôi, cũng đã có tới 14 học sinh gốc Việt của năm 2010 được chọn để đọc diễn văn tốt nghiệp và 2 học sinh đã được học bổng lớn của tỷ phú Bill Gates để học từ bậc cử nhân, cao học cho đến hết bậc tiến sĩ, trong số này có Ðoàn Võ Nam Phương, con gái của một cựu quân nhân binh chủng Nhảy Dù, cựu trung úy Ðoàn Bá Phụ từng chỉ huy một đại đội của Tiểu Ðoàn 7 Nhảy Dù trong chiến dịch Hạ Lào 1971. Sau 30 tháng 4, 1975, anh đã trải qua những ngày tháng dài tù đầy trong trại trừng giới A-20 tại vùng tiền sơn của Tuy Hòa. Ðược phóng thích khỏi trại tù này, Phụ vượt biển và đến được bến bờ tự do. Ðịnh cư ở quận Cam, người cựu binh này phải lăn lưng vào kiếm sống và lập gia đình. Tất cả cuộc chiến của anh nơi quê hương mới là nuôi dạy các cô con gái. Các cháu học hành rất giỏi cộng thêm với sự tích cực hoạt động cộng đồng, học, nói và viết tiếng Việt. Trong môi trường ấy, Ðoàn Võ Nam Phương liên tiếp nhận giải thưởng của tổng thống Hoa Kỳ và nay cháu lại được cấp loại học từng là mơ ước của các học sinh Mỹ dòng chính. Người thứ hai nhận được vinh dự này cũng lại là một cháu học sinh gốc Việt: Serenity Nguyễn của trường La Quinta High School.

Thành công của thế hệ thứ hai, thứ ba của người Việt tị nạn đều mang hình bóng những người lính VNCH. Trong chiến tranh, họ đã hy sinh mọi thứ ngay cả mạng sống. Trong thời tù, họ bảo toàn được danh dự. Thời định cư ở quê hương mới, họ làm việc, hy sinh mọi nhu cầu riêng tư để con cái có điều kiện học hành. Sự thành công của thế hệ thứ hai và bắt đầu thế hệ thứ ba người Việt tị nạn là những đóng góp rất quan trọng cho quê hương thứ hai này.

Cuộc chiến tranh súng đạn đã chấm dứt cách nay 35 năm, nhưng các cựu binh VNCH vẫn phải trải qua một cuộc chiến khác: đó là cuộc chiến hỗ trợ cho công cuộc đòi hỏi tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam. Ðây là một cuộc chiến còn khó khăn và cam go hơn cuộc chiến súng đạn. Nếu không sáng suốt, kiên trì, và gạt bỏ những định kiến cũng như sự bảo thủ quá đáng, chúng ta khó thành công trong việc vận dụng dư luận thế giới và người Việt Nam ở trong nước đứng lên đòi quyền được sống một đời sống tự do, dân chủ và quyền con người được bảo vệ. (VA)






17.6.10

Trại trừng giới



A20 Vũ Ánh
Việt Herald (06/16/2010)
Chén rượu rót vui, buồn bên kia biểntràn trên tay bằng tình nghĩa bao nămAnh em ta rời địa ngục xa xămsống sót quay về từ hơn thế kỷ
Ôi những mái tóc xanh giờ bạc trắngmáu vẫn một dòng chảy với nhục vinhNgười sống mời kẻ chết trong lặng thinhthuở cùm kẹp xưa kia chưa nguôi hận
Một chén tặng cho đời còn như mấtkhóc bạn bè vùi dập ở rừng thiêngtiếc cho thằng sống sót dù còn nguyêntrên đất mẹ cơ hồ như đã chết(Hơn hai mươi năm gặp lại-Nguyễn Thanh Khiết)
Bài thơ trên còn dài. Nó không phải bài thơ của những người HO mà là một trong những bài thơ của một cựu tù nhân chính trị sống sót trở về từ một trại trừng giới: A-20 Xuân Phước. Bài thơ được gởi tặng cho những người từng phải trải qua nhiều năm của đời mình trong cái trại tù độc địa này nhân dịp anh Vũ Trọng Khải từ Úc qua thăm các bạn tù cũ A-20 và có một cuộc họp mặt giới hạn tại Bắc California. Ðọc thơ Khiết, mắt chúng ta sẽ ướt và chúng ta sẽ rất mừng vì trái tim còn biết rung động sau những cảnh đời khắc nghiệt.

15.6.10

Cánh tay nối dài?




 Vũ Ánh/Việt Herald
(02/25/2010)

Có lẽ trong đời làm truyền thanh và làm báo, tôi không ưa những ai gọi người này hay người kia là “cánh tay nối dài của…(ai).” Trong giai đoạn tôi còn giữ vai trò phóng viên mặt trận cho hệ thống truyền thanh quốc gia VNCH dưới thời tổng giám đốc là trung tá Vũ Đức Vinh, người mà chúng tôi còn quí mến cho tới bây giờ dù ông đã khuất bóng, ông cũng bị coi là “cánh tay nối dài” của Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ. Là trung tá xuất thân từ ngành tâm lý chiến không quân, khi được bổ nhiệm vào chức vụ Cục Trưởng Cục Vô Tuyến Truyền Thanh theo tên gọi của hệ thống năm 1966, ông liền bị coi là “cánh tay mặt” của Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương Nguyễn Cao Kỳ, thậm chí “bí thư’ của ông Kỳ.

Vào thời đó, tinh thần “team work” trong chính phủ còn mạnh, mặc dù trong một số “nhóm” có rất nhiều ông chỉ là con ông cháu cha, vây cánh, nịnh bợ, thượng đội hạ đạp và nhất là ăn hại đái nát. Trung tá Vũ Đức Vinh thì ngược lại. Mặc dù ông là người viết diễn văn cho tướng Kỳ nhưng trong chốn thân mật với chúng tôi, ông nói thẳng là ông không thích những ai gán cho ông chữ “bí thư” bởi vì ông chả là cái gì đối với những người chung quanh tướng Kỳ. Nghe thì cũng biết vậy thôi chứ thực ra chúng tôi quí mến ông Vinh chỉ vì nhân cách của ông, năng lực, sáng kiến cải tổ ngành truyền thanh và nhất là cách cư xử cũng như đời sống thanh bạch của một quân nhân dù ông giữ trọng trách lãnh đạo trong ngành tuyên truyền quan trọng nhất vào thời bấy giờ.

Thế nhưng, người ngay thẳng thì hay mắc nạn. Trong cuộc dàn xếp để hai ông tướng Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ không phải đối đầu với nhau mà phải đứng chung trong liên danh tranh cử, trung tá Vinh đã phải sống trong sự căng thẳng thường trực để giữ cho một đài phát thanh quốc gia không ngả về phe nào, nhất là né những mũi tên “cánh tay nối dài” hay “cánh tay mặt…” của tướng này hoặc tướng kia. Ông luôn luôn nhắc nhở đám trẻ chúng tôi “các cậu phục vụ quốc gia, quân đội và dân chúng chứ không phải ông Thiệu hay ông Kỳ” để phòng ngừa có cậu nào hăng máu làm hư chuyện.

Nhưng đến khi tướng Nguyễn Văn Thiệu trở thành tổng thống và tướng Nguyễn Cao Kỳ thành phó tổng thống thì Dinh Độc Lập chia thành hai cánh và hai ông bắt đầu ngáng chân nhau. Trung tá Vinh lại một màn lãnh đủ những mũi tên khác có tẩm thuốc độc, nào là “người của Kỳ gài lại,” nào là “cánh tay nối thêm dài,” nào là “Vinh nó là người của Kỳ sao không về Phủ Phó, bộ nó ăn phải bả Thiệu rồi à?”

Chúng tôi là những người gắn bó với ông Vinh trong những sóng gió của chiến tranh cộng thêm những tranh chấp giữa những nhà lãnh đạo VNCH, nên rất thông cảm ông xếp và không thích những mưu mô đằng sau người sĩ quan cương trực này. Có lần ông tâm sự trong một cuộc gặp riêng khi tôi từ mặt trận Quảng Trị trở về trước Tết Mậu Thân: “Trên bộ yêu cầu viết một cái ‘citation’ về cậu, sau khi gặp tôi, cậu xuống liệt kê tất cả những trận đánh cậu từng tham dự và tường thuật. Cố gắng lên, cậu làm việc và ăn lương quốc gia cho nên nếu tôi có đi khỏi đây, cũng cứ thế mà tiến, đừng nản.”
Tết Mậu Thân diễn ra, ông là người có công lớn trong việc sắp đặt kế hoạch vào giờ chót nên đã làm hỏng kế hoạch phát thanh cuốn băng hiệu triệu của Hồ Chí Minh do bọn đặc công mang theo khi tấn công vào đài. Sau khi tình hình ổn định, dọn dẹp đống gạch đổ nát, xây dựng xong một cơ sở tạm cho hệ thống, điều hòa lại chương trình phát thanh trên làn sóng quốc gia, ông Vinh nộp đơn từ chức và trở lại với không quân, con nhạn đầu tiến trúng mũi tên tẩm thuốc độc của dư luận “cánh tay nối dài” của lòng đố kỵ, ganh ghét, nhỏ mọn, đặt quyền lợi của cá nhân, phe nhóm lên trên quyền lợi quốc gia.

Đó là một trong những trải nghiệm khi tôi làm việc trong một cơ quan truyền thông nhà nước VNCH. Truyền thanh và báo chí có một biên giới rất mỏng manh và đám phóng viên trẻ chúng tôi cũng tập tễnh đặt chân vào lãnh vực này. Càng bước sâu vào nghề báo, càng khám phá ra nhiều điều. Tôi phải nhập vào một “băng” được gọi là “nhóm nồi niêu xoong chảo” tức là nhóm đầu bếp, mỗi nhóm có một đầu tầu, chủ báo nào mướn thì đầu tầu kéo chúng tôi vào “nấu bếp.”

Khi chủ báo không thích nữa hoặc chính chúng tôi thấy ông chủ báo nào không nên cộng tác nữa thì rút dù. Nhiệm vụ của chúng tôi là làm sao nấu những món ăn tinh thần cho ngon và được trả công bằng những bì thơ trong đó gói ghém số tiền mặt nhuận bút hàng tháng. Đối xử với nhau thì ngoài tình đồng nghiệp, còn cần sự công bằng, ngay thẳng, giữ đạo đức nghề nghiệp.

Tất nhiên, cũng có ông bà xé rào khỏi nhóm đi sang nhóm khác, nhưng nói chung là các nhóm “nồi niêu xoong chảo” chúng tôi coi đó là lẽ bình thường và đều phải tự hỏi: Liệu mình đối xử với nhau ra sao mà đến nỗi có người phải bỏ nhóm? Do đó, tốt nhất là vẫn xử thế với nhau cho phải đạo, vẫn đi ăn đi uống với nhau bình thường, hỏi thăm nhau công việc.

Tuyệt nhiên, không có nhóm nồi niêu xoong chảo nào ngáng chân nhau bằng những bằng những thủ đoạn mờ ám “cánh tay nối dài,” hay “cài người vào.” (V.A.)

(Nguồn: www.vietherald.com)



5.6.10

“Vài mẩu chuyện” và Cao Xuân Huy


Vũ Ánh/Việt Herald
(06/02/2010)

Chiều ngày Lễ Tưởng Niệm, con cái và lũ bạn chúng đi chơi xa, còn lại hai vợ chồng già, không muốn nấu nướng nên rủ nhau đến cháo cá Chợ Cũ. Tình cờ gặp lại “Tháng ba gãy súng” Cao Xuân Huy và vợ. Chúng tôi là đồng nghiệp báo bổ kiếm sống qua ngày không thân, nhưng quí mến nhau. Dĩ nhiên là có màn hỏi thăm sức khỏe, về bệnh tình của ông. Tôi thấy Huy không có gì thay đổi, vẫn sừng sững, vẫn còn cứng cỏi tinh thần, coi bệnh hoạn chẳng là cái gì cả. Huy nói: “Ðể tặng anh cuốn sách.” Huy ra xe và lấy sách. Cuốn sách là một tác phẩm mới của ông nhan đề “Vài mẩu chuyện” với bìa do Doãn Quốc Vinh trình bày.



Tại đất Little Saigon người ta không đủ thời giờ để đọc hết những tác phẩm viết về thảm kịch 30 tháng 4, nhưng thật ra vẫn thiếu những tác phẩm như “Tháng ba gãy súng.”
Cao Xuân Huy không bao giờ nhận mình là nhà văn, tác phẩm ông cho in cũng ít và không dày, nhưng để lại nhiều ấn tượng mạnh. Sách ông phổ biến đến nỗi cứ nói đến “Tháng ba gãy súng,” người ta biết ngay tác giả là Cao Xuân Huy, một cựu sĩ quan của một đơn vị nổi tiếng đánh đấm ra trò, Thủy Quân Lục Chiến. Ðộc giả yêu những bài viết và tác phẩm của Cao Xuân Huy chỉ vì ông viết thành thật, không mài giũa những từ ngữ để nó trở thành một tác phẩm văn chương, cao siêu chữ nghĩa. Người ta đọc ông bởi chuyện riêng của ông đã trở thành chuyện chung của mọi người, đã trở thành cuộc sống, thành hơi thở, hoàn cảnh khó khăn, khốn đốn của ông đã trở thành hoàn cảnh khó khăn, khốn đốn của cả một dân tộc trên một khúc quanh khá dài của lịch sử Việt Nam.


“Vài mẩu chuyện” dày đúng 125 trang, nhưng những mẩu chuyện của ông–như Trần Như Hùng viết trong Tựa–là chuyện về kiếp nhân sinh, của riêng một người mà cũng là chuyện chung của nhiều người, rất phổ quát và cũng rất riêng tư. Chuyện lính, chuyện tù không phải chỉ là câu chuyện và những trải nghiệm của Cao Xuân Huy mà là chuyện của cả thế hệ chúng tôi trong cơn bão của những đổi thay.


Những mẩu chuyện của Cao Xuân Huy không phải là chuyện cầu kỳ, gồm những chuyện đội đá vá trời hay những chuyện lý tưởng cao siêu. Không, hoàn toàn không. Chúng chỉ là những chuyện tầm thường, thậm chí có khi chúng chỉ là chuyện của những thất bại sau những ước mơ. Chuyện tù đầy là chuyện mà hầu như người nào thuộc thế hệ chúng tôi trong cộng đồng này cũng từng trải qua. Nhưng Cao Xuân Huy kể thì lại khác. 

Chẳng hạn như trong “Quyền tối thiểu” từ trang 29 đến trang 33, Huy kể chuyện tù cải tạo được “cho phép” gặp gia đình và “được phép ngủ lại với vợ” ở nhà thăm nuôi. Câu chuyện này nếu không phải Cao Xuân Huy kể mà do chúng tôi kể với nhau trong chốn trà dư tửu hậu những lần gặp nhau cà phê cà pháo chắc chắn sẽ bị những “tên” khác trong đám bạn tù kê tủ đứng ngay: “Thôi biết rồi, khổ 'nắm', 'lói' mãi, đổi tần số đi!”
Nói đến chuyện nhà thăm nuôi trong một trại tù Cộng Sản là nói đến vui, buồn, đến những bi kịch và trong nhiều trường hợp, cả nỗi nhục. Nào là chỉ được gặp 15 phút, có khi nửa tiếng, có khi vài giờ, nào là gặp 36 tiếng, 48 tiếng, 72 tiếng. Giờ giấc được gặp mặt gia đình ngoài nhà thăm nuôi mau hay lâu là tùy thuộc vào “công cán” hay “phản động, không an tâm cải tạo” của tù nhân. Nhưng cũng có trại thì việc thăm gặp gia đình và ở lại với gia đình ngoài nhà thăm nuôi được ban phát đồng đều, trừ những người tù bị kỷ luật, nhất là trong thời kỳ trại tù do bộ đội Cộng Sản quản lý.


Các nhân vật trong “Quyền tối thiểu” là Toàn và Thành, các nhân vật có vẻ hư cấu nhưng là thật vì đó là mẫu những cựu sĩ quan quân đội VNCH bị lưu đầy trong các trại tù ở ngoài Bắc cũng như trong Nam sau 30 tháng 4, 1975. Ở trang 31, Cao Xuân Huy mô tả Toàn là mẫu người hiền lành, không muốn phiền hà vi phạm nội qui của trại giam. Anh lao động như mọi người khác trong trại và được người vợ xa cách đã lâu lần mò ra Bắc thăm gặp. Trên nguyên tắc, Toàn được ngủ đêm với vợ ở nhà thăm nuôi. Thành, bạn tù thân của Toàn thấy bạn mình từ chối “ân huệ” của trại thì ngạc nhiên lắm. Hãy đọc Cao Xuân Huy với những đoạn đối thoại sau đây giữa hai người bạn tù ở trang 32 và 33, xin trích:


“Bao nhiêu thằng bon chen, nịnh hót, kiếm điểm, làm ăng ten, bôi mặt hại anh em đồng đội, chỉ để mơ ước được một ân huệ là được ngủ đêm với vợ ngày thăm nuôi. Mày 'bất chiến tự nhiên thành.' Vậy mà mày lại bỏ con vợ trẻ ngon lành nằm trơ ra với muỗi mà mày chịu được à?”
“Mày tưởng tao không đau khi quyết định bỏ vào trại à?”
Thành dịu giọng:
“Mày nói thật đi, có gì trục trặc giữa vợ chồng mày không?”
“Không trục trặc mẹ gì cả. Tao không thích, thế thôi. Và dĩ nhiên là vợ tạo không biết là tao được ngủ lại nhà khách (nhà thăm nuôi hay có khi bọn cai tù còn gọi đó là nhà hạnh phúc-VA).
“Gàn, ngày trước mày đi lính chứ có phải là thày giáo chó đâu mà giở thói đồ gàn ra đây. Mẹ kiếp... con không ăn muối con ươn, con không ngủ với vợ trăm đường... con hư, nghe không con.”
“Nếu chỉ vì không ngủ với chồng một đêm mà vợ tao hư thì tao cũng đành chịu thôi.”
“Tiên sư cha nhà anh, vậy thì anh là thằng ngu nhất rồi, chứ không còn được hưởng ân huệ hạng nhì nữa. Không phải đêm nay chỉ có nghĩa đơn thuần là một đêm, hiểu không con trai. Bao nhiêu năm chờ đợi trước đây, và sau hôm nay, bao nhiêu năm sau này nữa, vợ anh không biết còn được gặp cái mặt mẹt của anh hay không...”
“Thì tao cũng đành chịu thôi, Thành ạ!”
“Chịu thôi?” Thành ngạc nhiên. “Như vậy là nghĩa làm sao?”
Toàn gằn giọng:
“Nghĩa là làm sao? Nghĩa là làm sao hả? Các anh được hưởng chính sách khoan hồng nhân đạo của cách mạng. Cách mạng đã tha tội chết cho các anh, giáo dục các anh trở thành người tốt cho xã hội, lại còn gia đình đến thăm, lại còn được hưởng đặc ân ngủ với vợ nữa...”
Thành cười:
“Chứ còn gì nữa, mẹ kiếp, mày đừng lập lại như một con vẹt những câu thằng nào cũng thuộc chứ.”
“Tao tưởng mày khá hơn một chút. Ừ hãy động não thử xem. Vợ chồng ngủ với nhau là một đặc ân à? Ngủ với vợ cũng phải có thằng cho phép à? Thú vật ngủ với nhau cũng không phải là đặc ân của ai hết mà. Hừ, thái độ ngạo nghễ thi ân. Tao hèn, tao không dám chống đối, nhưng ít nhất tao cũng còn có cái quyền tối thiểu là không thèm nhận sự ban phát ấy chứ.”


Ðấy là lối kể chuyện của Cao Xuân Huy, khinh bạc nhưng trái tim ông vẫn còn đầy những rung động. Trong biết bao nhiêu tác phẩm viết về tù đầy ở đây, người đọc có lẽ mới chỉ thấy được mặt ngoài của sự tàn bạo và những cuộc tranh đấu để chống lại sự tàn bạo ấy, mới chỉ thấy được mặt ngoài của những tấm gương bất khuất. Còn những người như Toàn? Có cần phải xếp Toàn vào hàng ngũ những người bất khuất không?
Trong môi trường tù đầy trong các nhà tù Cộng Sản, tôi đã từng thấy có những người nhịn ăn đến chết trong các căn biệt giam nhỏ nơi rừng thiêng nước độc chỉ vì không chịu khai gian cho một người bạn tù. Tôi cũng đã từng nhìn thấy một bạn tù vạch áo chỉ vào ngực và thách một vệ binh súng dài bắn. Anh la lớn: “Tao thách thằng nào ngon bắn tao coi. Chúng mày nên nhớ, bắn chết tao ngay lúc này là chúng mày khoan hồng đấy. Chứ sống kiếp của một con vật như thế này thì sống làm đ... gì.”


Nhưng tôi cho rằng cả hai hành động này còn dễ làm hơn là quyết định của Toàn. Từ chối một ân huệ trong cảnh tù đầy như Toàn, như Thành là một hành động âm thầm, nhưng dũng cảm. Chỉ có những người vượt lên trên cái bản ngã của mình mới có thể làm được. Một đàn anh tôi trong nhà tù trừng giới với một kỷ luật vượt xa kỷ luật của kiểu trại Ðầm Ðùn hay Lý Bá Sơ là trại A-20 ở tiền sơn quận Ðồng Xuân đã nói với tôi như thế này: “Tao không cần những ông bò lục, bò ngũ đứng ra tranh đấu chống lại bọn cán bộ trại giam, tao chỉ cần các ông ấy là người hiền lành và biết âm thầm từ chối những ân huệ mà bọn khốn ấy muốn dùng để hạ nhục các ông ấy và hạ nhục chúng mình.”


“Vài mẩu chuyện” của Cao Xuân Huy là những mẩu chuyện nho nhỏ, nhưng hào sảng trong đời lính và đời tù, từ “Miếng ăn,” “Người muôn năm cũ,” “Cái lưỡi câu,” “Ngu như lợn,” “Vải bao cát” cho tới “Hành phương Nam,” “Chờ tôi với,” “Mai Thảo” và “Trả lại tiền...” câu chuyện nào cũng thấm đậm một niềm xót xa cho những cảnh ngộ của một dân tộc.


Sự chân thật, những tình cảm giản dị, cách nhìn tinh tế của Cao Xuân Huy đã biến những sự việc đã cũ, đã xa, thành những sự việc vẫn còn mới và rất gần như hơi thở, cơm ăn và nước uống hàng ngày của chúng ta.


Bởi thế, khi đọc “Vài mẩu chuyện” của Cao Xuân Huy, những người đọc gốc lính, gốc tù cải tạo sẽ thấy mình trong đó. Có thể chúng ta sẽ chỉ thấy một hình ảnh bàng bạc về niềm đau khổ của một khúc quanh lịch sử, nhưng chắc chắn sẽ nhìn thấy thật rõ ràng một niềm tin về con người. (V.A.)



(Nguồn: http://www.vietherald.com)


30.5.10

Về cuốn “Tâm tư Tổng Thống Thiệu”



Vũ Ánh/Việt Herald

(05/07/2010)

Kỳ 1

Ðây là một cuốn sách thứ ba của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, cuốn “Tâm tư Tổng Thống Thiệu.” Hai cuốn trước đó là “Hồ sơ mật Dinh Ðộc Lập” và “Khi đồng minh tháo chạy.” Tất cả những tác phẩm của ông đều rất đồ sộ với phần tổng hợp những chứng liệu đã được giải mật của Hoa Kỳ và bộ sưu tập của riêng ông.


Từng là Tổng Trưởng Kế Hoạch và Cố Vấn của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, cho nên những điều mà tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng viết ra trong tác phẩm của ông phải là những điều cần đọc và nên đọc. Ðiểm cần nhấn mạnh ở đây rằng lần này, có phần tâm tư của Tổng Thống Thiệu, một cựu lãnh đạo VNCH mà cho đến lúc qua đời, không có cuốn hồi ký nào hay để lại những bút tích về một giai đoạn chiến tranh nghiêm trọng liên hệ đến sự mất còn của miền Nam Việt Nam.


Tất cả sự nghiệp của ông đều trông chờ vào kho dữ kiện bí mật trong chiến tranh Việt Nam của văn khố quốc gia Hoa Kỳ được giải mật nhiều năm trước đây và công trình đọc, chọn lựa, sưu tầm, phân tích và tổng hợp của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng. Vì thế ít nhiều cũng không thể tránh được cách nhìn chủ quan. Ông đã từng nhấn mạnh đến khía cạnh đặc biệt về con người ông Thiệu mà trong tác phẩm tác giả mô tả là một người rất khép kín và tác giả đã cho rằng vì tình cờ của lịch sử, có may mắn làm việc gần Tổng Thống Thiệu trong gần 3 năm và sau này còn gặp ông rất nhiều lần tại London và Boston nên được biết một phần nào con người ông.



27.5.10

Kỹ thuật “nhuộm đen” của Cộng Sản



Vũ Ánh/Việt Herald

Mới đây, tin tức từ Việt Nam cho thấy nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, tác giả cuốn “Viết từ hang đá, nhỏ lệ cùng dân” và người chồng bị đưa ra xử trước tòa án không phải vì cái tội “chống đảng” mà là do một tội hình sự, kết quả của một phản ứng mạnh tay đối với đám côn đồ do công an Hà Nội gài trước nhà riêng của hai vợ chồng nhà văn này. Nhưng mưu mô  được xếp đặt rất lộ liễu và theo luật pháp của chính quyền Cộng Sản, với một tội “đả thương” như thế không thể nhốt hai vợ chồng nhà văn này lâu như vậy được. Do vậy, dư luận dân chúng cho rằng đây là trò “nhuộm đen” thường được sử dụng tại những quốc gia độc tài, những chế độ “mafia” và đặc biệt là trong chế độ Cộng Sản nhằm hủy diệt uy tín của những nhà đối lập, bất đồng chính kiến.
Bị kết án hình sự thì sẽ bị nhốt chung với các thường phạm từ tội trộm cắp, xì ke, ma túy đến cướp của giết người. Sau 30 tháng 4, 1975, những tù cải tạo nào đã từng bị nhốt chung trại với những tù thường phạm hẳn đã thấy mình bị quấy nhiễu và bị phiền hà như thế nào. Bị nhốt chung với tù hình sự, tính mạng thường không có gì bảo đảm với những “đại ca,” một loại “trời con” được bọn cai tù che chở để thủ lợi. Đó là chưa kể đến mưu toan do công an tổ chức từ bên ngoài để bọn “đại ca” gây sự đánh chết người là mục tiêu diệt trừ của chúng.
Nhưng ai cũng hiểu, những người như Trần Khải Thanh Thủy, Lê Thị Công Nhân là những đối tượng can thiệp của những tổ chức nhân quyền và báo chí quốc tế. Bây giờ nếu nhà văn Trần Khải Thanh Thủy ra tòa mà bị kết án hình sự, dù nhẹ, cũng khó ăn khó nói cho những tổ chức nhân quyền hay báo giới quốc tế vì những người Cộng Sản sẽ viện dẫn: “Chúng tôi bắt bà Trần Khải Thanh Thủy vì tội ẩu đả.”
Ngoài trò bẩn thỉu nói trên, một ngón đòn thứ hai cũng thường được đám cầm quyền Cộng Sản áp dụng: Vu oan giá họa với những bằng chứng ngụy tạo. Khoảng thập niên 1980, 1990, trại Xuân Phước A-20 có khoảng trên 100 nhà lãnh đạo tinh thần gồm Công Giáo, Phật Giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Hồi Giáo Ninh Thuận và Châu Đốc bị bắt giữ. Những vị tuyên úy trong quân đội hay những vị tham gia vụ Vinh Sơn thì còn có lý do (“lý” của Cộng Sản) để bị bắt giữ và đẩy vào trại cải tạo, nhưng các nhà lãnh đạo tinh thần của chùa, nhà thờ hay thánh thất thì làm cách nào để bắt họ? Thông thường, bọn công an cài người vào trong số những người thân tín của các nhà lãnh đạo tinh thần để bỏ vũ khí hay truyền đơn “phản động” vào chùa, nhà thờ hay thánh thất để bắt giam các tu sĩ. Một trong những trường hợp điển hình nhất là trường hợp linh mục Phan Văn Trọng, nhà lãnh đạo rất gần gũi với Tổng Thống Ngô Đình Diệm thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Chỉ vài tháng sau khi miền Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản, ngài về ở ẩn trong một nhà thờ nhỏ ở Sa Đéc. Chính quyền Cộng Sản tại đây muốn bắt ngài mà không có lý do chính đáng nên cài người vào giữ vai trò nội dịch trong nhà thờ và theo lệnh ông ta đã lén bỏ một khẩu súng lục và truyền đơn vào rương đựng quần áo của ngài. Hòa Thượng Thích Huệ Đăng trụ trì một ngôi chùa nhỏ ở Nha Trang cũng bị bắt vì chúng bỏ một tài liệu ngụy tạo nói ngài liên lạc với CIA vào chùa để bắt và đẩy ngài vào trại cải tạo. Còn một số trường hợp các nhà lãnh đạo Phật Giáo bị công an dùng người giả Phật tử thực hiện âm mưu bỉ ổi hơn nữa là đứng ra tố cáo chùa tổ chức đồng bóng, mê tín dị đoan để lấy cớ bắt sư trụ trì và tịch thu chùa.
Những mưu toan vu oan giá họa của Cộng Sản trong những chiến dịch đàn áp tôn giáo sau ngày 30 tháng 4, 1975 thì muôn hình vạn trạng. Nhưng nếu ai hiểu chuyện, sẽ thắc mắc. Một chế độ độc tài như Cộng Sản thì cần gì phải nhiêu khê bày trò pháp lý như trên. Chúng cứ bắt bừa bãi thì đã sao đâu, việc gì phải “vòng vo tam quốc” như vậy? Tôi hoàn toàn đồng ý. Tuy nhiên, sở dĩ Cộng Sản phải bày trò như vậy là để tránh dư luận quốc tế và tránh các tổ chức nhân quyền có thể can thiệp vào, chứ đối với dân chúng trong nước vào giai đoạn ấy, chính quyền Cộng Sản đâu có coi ra gì. Chúng muốn bắt ai, muốn thả ai rất tùy tiện. Cứ gán cho tội “phản động,” “âm mưu lật đổ chính quyền” là xong, là tù mọt gông rồi.
Cho đến nay, khi nhà cầm quyền Cộng Sản muốn mở cửa ra thế giới bên ngoài để làm ăn kinh tế, Hà Nội cần phải thay đổi bộ mặt nên mới cần phải đặt ra luật này, luật kia để lòe thiên hạ. Chứ trên thực tế, khi cần bắt những người mà Hà Nội coi thực sự là nguy hiểm cho chế độ như Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, họ chỉ cần chụp cho cái mũ “vi phạm an ninh quốc gia qui định trong Điều 88 Bộ Luật Hình Sự” là những người này nằm tù ngay. Khi muốn cho nằm tù lâu hơn và khi cần cho án tử hình thì chuyển tội danh qui định trong Điều 88 sang Điều 79, có thể bị đến án tử hình, chẳng cần chứng cớ gì cả, ngoài những lời nói chỏi lại với đường lối của đảng và chính phủ Cộng Sản.
Kể từ khi Hà Nội mở chiến dịch bịt miệng những người bất đồng chính kiến, đã có bao nhiêu vụ bắt bớ diễn ra với những lý do rất ngớ ngẩn? Và dư luận thế giới từ những chính phủ, các tổ chức nhân quyền, thậm chí Liên Hiệp Quốc, đều lên tiếng phản đối nhiều khi rất gay gắt, nhưng chúng vẫn cứ nhắm mắt làm ngơ. Tại sao? Điều này dễ hiểu thôi. Hà Nội biết chắc rằng dư luận quốc tế, các tổ chức nhân quyền, và thậm chí các chính phủ Hoa Kỳ cũng như Liên Âu, chỉ ào ào phản đối cho có lệ thôi chứ họ vẫn tiếp tục buôn bán, ký hợp đồng làm ăn với Việt Nam rất vui vẻ chứ không thấy một nước nào chỉ tay vào mặt Hà Nội nói: “Nếu các ông còn tiếp tục bắt người trái phép và ngược ngạo như vậy, chúng tôi sẽ phải xét lại các hợp đồng…”
Không nhuộm đỏ được thì nhuộm đen các đối thủ. Bắt bớ với các lý do ngụy tạo, gài bẫy, dàn xếp mưu mô… cuối cùng chỉ là một trong những kỹ thuật “nhuộm đen” các đối thủ mà Hà Nội hiện nay đang chủ trương mà thôi. Cộng Sản áp dụng kỹ thuật ấy không những ở trong nước mà còn ở hải ngoại nữa. Chụp mũ, mặc áo, đội nón Cộng Sản cho bất cứ người nào chúng thấy cần loại trừ, thậm chí “hề hóa” một số tổ chức hay các nhân vật chống Cộng “dởm,” mượn danh chống Cộng để đánh bóng tên tuổi mình đều là kỹ thuật nhuộm đen của Cộng Sản để làm tan vỡ niềm tin của cộng đồng. Nhưng thực tế cho thấy, trò nhuộm đen hay “hề hóa” những người quốc gia của Cộng Sản chỉ có tác dụng tại cộng đồng Việt Nam nào còn nhiều người cả tin, hoài nghi vô căn cứ, giáo điều và không bao giờ đặt ra câu hỏi: “Ông hay bà tố cáo người ta Cộng Sản, làm ăn buôn bán với Việt Nam, nhưng liệu ông bà có bằng chứng cụ thể nào không.”
Cho nên, muốn chống Cộng, điều cần là tránh những việc làm giống Cộng Sản. Bởi vì những ai bắt chước những trò Cộng Sản làm đối với đồng hương của mình thì họ còn cần gì phải phân biệt quốc gia và Cộng Sản nữa. Tuy nhiên, tránh mình hành động giống Cộng Sản cũng khó lắm đấy! Phải đủ bản lãnh, tỉnh táo mới làm được. (V.A.)

(02/25/2010)

(Source: http://www.vietherald.com)

 

5.5.10

Tổ chức tưởng niệm 30 tháng 4 ở đâu và như thế nào?



Vũ Ánh
(03/13/2010)
 
Trong những trại cải tạo, cái đói khát triền miên, ốm đau không có thuốc, công việc lao động khổ sai không làm chúng tôi sợ bằng hằng năm cứ vào đêm 29 tháng 4, đám cai tù buộc chúng tôi phải xem lại toàn bộ hình ảnh sự thất bại của chính mình vào sáng ngày 30 tháng 4 cách đây 35 năm. Tôi không hiểu những người bạn tù khác nghĩ sao, nhưng riêng tôi, hành động này là một đòn tra tấn tinh vi nhất mà những người chiến thắng sử dụng với người chiến bại.
Hàng ngàn người tù bị đẩy ra sân trại vào buổi tối để bắt buộc phải ngó lên một màn ảnh, nhìn những thước phim được chạy qua một ống kính của máy chiếu 16 ly ghi cảnh tan hàng tức tưởi của một trong 4 quân lực hùng mạnh nhất thế giới. Hàng đống xe cơ giới, thiết giáp, M-113, đại bác, súng cối, M-16, ba lô, quân phục, cờ, thẻ bài được quay cận cảnh chen lẫn đó đây, những nhóm quân nhân VNCH phải cởi bỏ quân phục, chỉ còn chiếc áo lót và quần đùi trước mũi súng của kẻ chiến thắng. Còn nỗi cay đắng nào hơn, nhưng cuối cùng cũng phải uống những chén thuốc đắng, dù chỉ là để “nhớ nước đau lòng con quốc quốc.”
Ðầu tiên, anh em chúng tôi tìm cách khai bệnh và ở lại buồng giam để khỏi phải tập họp xem phim. Sau đó, bọn cai tù phát giác ra chuyện này và đem nhốt tất cả những ai không chịu xem phim vào xà lim để trừng phạt. Nhưng riết rồi số người từ chối xem phim ngày một đông hơn và họ vui vẻ đưa chân vào cùm trong những xá lim cá nhân. Mỗi xà lim cá nhân chỉ nhốt 2 người nhưng vào những dịp 30 tháng 4, nhân số gia tăng lên 10, rồi 15 người mỗi xà lim. Chúng tôi ngộp thở đến nỗi phải chia phiên nhau thò lỗ mũi ra cửa tò vò duy nhất của cánh cửa xà lim để thở, nhưng sao vẫn thấy lòng vẫn nhẹ nhàng và cùng nhau hát tù ca hăng hái hơn.
Nhưng sau khi được định cư ở Hoa Kỳ rồi, cảm tưởng sợ hãi lại trở lại với tôi mỗi năm đến dịp cộng đồng tổ chức tưởng niệm 30 tháng 4. Ðã được may mắn hơn người khác thoát được cái nhà tù lớn Việt Nam, được sống trong một đất nước tự do, dân chủ, quyền con người được tôn trọng, được tự do phát biểu những ý nghĩ của mình, sao lại sợ hãi?
Quí vị độc giả hãy cùng tôi nghĩ lại xem trong hai thập niên qua, đã bao lần trong cộng đồng này, cứ đến gần ngày tưởng niệm, đã nảy sinh các cuộc tranh cãi về việc ai được quyền treo cờ trên phố Bolsa, ai được quyền tổ chức ngày 30 tháng 4. Rồi đến khi có được khu Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt Mỹ, sự tranh cãi ai được quyền tổ chức ngày tưởng niệm 30 tháng 4 đúng ngày và phải tổ chức ở khu tượng đài vẫn là một hình ảnh đậm nét nhất.
Dĩ nhiên, không ai có thể không công nhận là tổ chức tưởng niệm 30 tháng 4 ở Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt Mỹ là điều kiện tối ưu. Nhưng nếu kẹt là trước đó đã có người có giấy phép làm đúng ngày này thì tại sao lại không tổ chức vào vài ngày trước đó. Ngày 25 tháng 4 thì có khác gì ngày 30 tháng 4? Ngày 20 tháng 4 thì có khác gì ngày 25 tháng 4. Thời gian đó cũng đã có thể gọi là tuyệt vọng đối với VNCH rồi. Mọi người chờ đợi cái thòng lọng tròng vào cổ mình nên đã có người gọi toàn bộ tháng tư năm 1975 là Tháng Tư Ðen cũng không ngoa.
Và nếu như thế thì việc tưởng niệm được tổ chức đúng vào ngày hay trước ngày 30 tháng 4 thì cũng vẫn là quốc hận như thường. Nếu đã gọi là quốc hận thì từ dân đến quân, cán, chính đều cùng có những đau khổ, cay đắng và nhục nhã như nhau, có gì mà phải tranh đấu cho được chính mình hay tổ chức của mình mới là người có quyền tổ chức tưởng niệm ở tượng đài.
Thực tế, ngày giờ và địa điểm tổ chức lễ tưởng niệm không quan trọng lắm mà quan trọng là nội dụng của chương trình tưởng niệm có đáp ứng được mối quan tâm của đồng hương không, có biểu lộ được tinh thần đoàn kết đồng lòng rửa mối hận mất nước bằng cách khôi phục nền dân chủ và nhân quyền cho hơn 80 triệu đồng bào Việt Nam ở trong nước hay không? Nói đoàn kết mà ngay trong việc tổ chức ngày tưởng niệm 30 tháng 4 cũng còn tranh cãi với nhau thì sao tạo được niềm tin trong đồng hương.
Cho nên, hình ảnh sẽ gây được ấn tượng mạnh nhất trong lễ tưởng niệm năm nay, nếu tất cả các tổ chức tạm xếp những khác biệt chính kiến nắm tay nhau đứng hàng một dọc theo các con đường từ Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt Mỹ dẫn về trung tâm Little Saigon. Làm được điều này chúng ta cũng sẽ tránh được việc phải nhờ đến thành phố, nhất là phải nhờ đến những người chẳng bao giờ thông cảm nổi nỗi đau của chính chúng ta giải quyết chuyện tranh chấp về ngày và vị trí tổ chức lễ tưởng niệm. Cá nhân, tôi ủng hộ mạnh mẽ ý kiến của luật sư Chris Phan, thành viên trong Ủy Ban Tượng Ðài và Chủ tịch Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt, là hãy cố gắng thương lượng dàn xếp và thảo luận với Chủ Tịch Hội Ðồng Giám Sát Orange County Janet Nguyễn để hợp tác tổ chức một Lễ Tưởng Niệm 30 tháng 4 thật ý nghĩa.
Ý nghĩa của một lễ tưởng niệm không phải chỉ là sự hoành tráng của những tiết mục mà còn là nội dung nói lên được gì. Hà Nội hiện đang thuê Bắc Hàn giúp tổ chức những màn đồng diễn lớn lao. Nhưng những người tham dự đồng diễn cũng như những người ra lệnh tổ chức sẽ chỉ là những con người máy không trái tim nếu họ không nêu rõ được tinh thần chiến đấu chống ngoại xâm Trung Hoa, bởi vì hoàng thành Thăng Long tượng trưng cho cuộc chiến đấu và chiến thắng ngoại xâm phương Bắc.
Ở hải ngoại, cũng vậy. Nếu chúng ta không biểu lộ được tinh thần dẹp bỏ những khác biệt để cùng nhau bày tỏ sự đoàn kết trong một lễ tưởng niệm, dù nó được tổ chức lớn lao, dềnh dàng, ở đâu đi nữa, thì vẫn không nói lên được đầy đủ ý nghĩa.
Năm nay lại còn là năm bầu cử, nhưng bất cứ ban tổ chức tưởng niệm 30 tháng 4 nào biến lễ tưởng niệm thành cơ hội tuyên truyền cho bất cứ ứng cử viên nào cũng sẽ gây tai hại khôn lường. (V.A.)


(Nguồn:  http://www.vietherald.com)


30.4.10

30 tháng 4, 1975 và cụ Nguyễn Văn Huyền




Vũ Ánh
(04/09/2010)

Lần chót tôi gặp cụ là vào khoảng 7 giờ tối ngày 28 tháng 4, 1975. Từ 8 giờ sáng ngày hôm đó, với tư cách là Phó Tổng Thống của “Big Minh,” cụ được giao nhiệm vụ vào trong trại Davis ở khu Tân Sơn Nhất, trụ sở của Ban Liên Hợp Quân Sự 4 Bên, để theo lời cụ, thương lượng với viên tướng độc nhãn Việt Cộng Hoàng Anh Tuấn, hầu tránh một cuộc đổ máu vô ích. Lúc xẩm tối 28 tháng 4, khi vừa từ đài truyền hình THVN-9 trở về thì nhận được điện thoại của Tổng Trưởng Thông Tin Lý Quí Chung là phải chuẩn bị để đón tiếp Phó Tổng Thống Nguyễn Văn Huyền và chuẩn bị sẵn một phòng vi âm để thu thanh hiệu triệu của cụ Huyền. Lý Quí Chung cho biết là cụ Huyền sẽ từ Tân Sơn Nhất đi thẳng về đài.

Tôi ra lệnh cho câu lạc bộ chuẩn bị sẵn một số khăn ướp lạnh và nước uống cho cụ trước khi cụ vào phòng vi âm, rồi gọi trưởng ban an ninh cho khám xét an ninh phòng vi âm B, tức là phòng vi âm chỉ để đón tiếp các khách VIP. Khoảng 10 phút sau, một toán an ninh từ Phủ Thủ Tướng sang để duyệt lại lần chót về an ninh trước khi cụ Huyền tới.

Vào khoảng thời gian đó, sức khỏe của Phó Tổng Thống Nguyễn Văn Huyền đã xuống rất nhiều. Trước đây, khi còn làm Chủ Tịch Thượng Nghị Viện, mỗi khi lên các bậc thềm ở trụ sở Hội Trường Diên Hồng hay cửa trước Dinh Ðộc Lập, cụ mới cần người dìu lên. Nay đi đâu cũng phải có người dìu.

Là người Công Giáo thuần thành, cụ nổi tiếng là người đạo đức, thanh liêm. Dường như, suốt cuộc đời làm chính trị, cụ không bị dính tới bất cứ một vụ tai tiếng nào về tiền bạc hay đạo đức chính trị hoặc đối xử tệ hại đối với các đồng viện hoặc đối với những người biểu lộ rõ rệt là không thích quan điểm của cụ. Thực tế, cũng khó kiếm ra một người mà ngay cả vào lúc quyền lực cao trọng như cụ mà vẫn sống một đời sống khổ hạnh. Và có lẽ trong chính giới ở Quốc Hội VNCH, cũng khó tìm một người lúc nào cũng giữ giọng ôn tồn, nhẹ nhàng nhưng có sức nặng bằng những hòn đá tảng như cụ.

Người miền Nam, tính tình hiền hòa, cởi mở, không chấp nhất, câu nệ, nhưng rất cương quyết. Có một khoảng thời gian, một số những nhân vật thân chính ở trong chính phủ cũng như Quốc Hội toan tính vận động để sửa đổi số nhiệm kỳ mà một ứng cử viên tổng thống được quyền tranh cử, cụ đã thẳng thắn chống lại âm mưu này. Nếu kế hoạch thành công, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu có quyền tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa.

Phó Tổng Thống Nguyễn Văn Huyền về đến đài phát thanh Sài Gòn trước 7 giờ tối. Người sĩ quan tùy viên dìu cụ xuống xe. Tôi tiến tới bắt tay cụ và nói: “Chúng tôi nhận được lệnh đón tiếp Phó Tổng Thống. Phó Tổng Thống khỏe chứ ạ?” Qua làn kính cận, đôi mắt cụ Huyền sáng quắc. Cụ nói: “Hổm rày cũng không được khỏe lắm. Mình làm việc ngay được chứ?” “Vâng, chúng tôi đã chuẩn bị xong.”

Tôi đi chầm chậm hướng dẫn cụ Huyền vào sân cỏ hẹp chạy dọc theo các dãy phòng làm việc. Một số nhân viên mở cửa phòng tính đi theo cụ Huyền, nhưng bị trưởng ban an ninh mời ra. Ðúng theo kế hoạch và vì vấn đề an ninh, chỉ có những người nào có phận sự mới được lại gần khu vực phòng vi âm.

Thấy như vậy, cụ Huyền nói: “Thôi cứ để họ lại gần, qua muốn bắt tay và cảm ơn giờ này họ vẫn còn ở lại.” Cụ bắt tay từng người, hỏi thăm gia cảnh và đích thân ngỏ lời cảm ơn các nhân viên và các biên tập viên. Hai “tài xế” chủ câu lạc bộ đưa cho cụ một khay gồm khăn bông nhỏ trắng phau ướp lạnh và ly nước. Cụ Huyền nói: “Thôi để vào trong phòng vi âm.” Tôi hướng dẫn Phó Tổng Thống vào phòng vi âm và kéo ghế cho cụ ngồi trước microphone, rồi dặn dò cụ, rồi sau đó để cho ngoài phòng máy thử giọng và đo âm lượng. Loại máy hiệu Ampex mà từ lâu hệ thống truyền thanh quốc gia tín nhiệm có độ trung thực gần như 100%, nên cũng không cần thử máy nhiều lần. Cụ Huyền nói: “Qua quen mấy vụ này lắm rồi, em yên tâm.” Như Tổng Thống Dương Văn Minh, cụ Huyền dùng từ “qua” làm ngôi thứ nhất.

Bài hiệu triệu của Phó Tổng Thống Nguyễn Văn Huyền dài khoảng 7 phút đồng hồ, trong đó cụ chia làm hai phần. Phần đầu cụ tường trình về cuộc thương lượng với “phía bên kia” và phần thứ hai là kêu gọi mọi người tôn trọng luật pháp, tránh hoảng loạn, tránh những hành động có thể khiến lực lượng an ninh hiểu lầm. Cụ cũng kêu gọi lực lượng quân đội và cảnh sát sát cánh để giữ an ninh trật tự và thẳng tay đối với những kẻ cướp và hôi của. Bên ngoài phòng vi âm, nhân viên tụ tập vòng trong vòng ngoài và trời bỗng đổ xuống một cơn mưa nhẹ. Tiếng cụ Huyền trong hệ thống loa kiểm soát ngoài phòng máy vẫn lồng lộng, không vấp váp và đầy tình cảm. Cuối cùng, cụ Huyền kêu gọi mọi người bình tĩnh và kiên nhẫn chờ đợi những quyết định của chính phủ. Khi cụ dứt lới, trên mắt mọi người từ trong và ngoài phòng vi âm đều đẫm nước.

Phó Tổng Thống Nguyễn Văn Huyền, rút trong túi áo chiếc khăn mù xoa trắng, chậm nước mắt. Cụ quay sang tôi và hỏi: “Trong đài hiện nay còn bao nhiêu người?” Tôi trình bày: “Thưa Phó Tổng Thống, ngay bây giờ đây chúng tôi có khoảng 40 người, những người còn ở lại làm việc tối nay dựa trên nguyên tắc tình nguyện. Hồi trưa, ông Tổng Trưởng Thông Tin nhắc lại lệnh của Tổng Thống là chỉ để lại những người cần thiết. Tôi đã cho những người không cần thiết về rồi. Số còn đứng ngoài kia họ chưa chịu rời khỏi đài.”

Phó Tổng Thống Nguyễn Văn Huyền chậm rãi, nhưng giọng đầy xúc động: “Thật tình là chúng ta tuyệt vọng rồi. Qua không biết lấy gì để cảm ơn mấy em còn ở đây cho đến giờ phút này. Ðiều mà chính phủ cần bây giờ là thương lượng để họ (VC) đừng tắm máu những người dân vô tội. Cho nên tiếng nói quốc gia bây giờ rất cần thiết. Thành phố còn tương đối yên lành, ít cướp bóc và hôi của cũng là nhờ còn có đài phát thanh. Còn đài, họ biết là chính quyền còn nên chưa dám làm bậy.

Tôi hỏi cụ Huyền: “Cuộc thương lượng có kết quả gì không thưa Phó Tổng Thống?” Cụ trầm ngâm một chút rồi trả lời, ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa: “Lúc VNCH còn mạnh, họ cũng còn chưa chịu thỏa hiệp huống chi bây giờ. Chính phủ thì mới thành lập chưa được một ngày. Nhưng qua cũng nhịn nhục vào gặp họ chỉ để yêu cầu họ đừng tấn công bằng hỏa tiễn vào Sài Gòn, chết người thêm chi cho vô ích. Riêng qua và ông Minh thì còn kể số gì nữa, họ xử ra sao cũng được.

Tôi hỏi cụ một câu chót: “Chúng tôi được biết, Phó Tổng Thống nhận lời’Big Minh’ rất trễ. Như vậy Phó Tổng Thống cũng biết trước là tình hình sẽ diễn tiến như hiện nay?” Cụ Huyền thẳng thắn: “Khi ông Thiệu bỏ đi, ai cũng đoán được là tình hình cuối cùng sẽ như hiện nay. Chúng tôi đứng ra nhận trách nhiệm khi biết rõ không còn phương sách nào có thể cứu vãn được. Trước khi chúng tôi quyết định, nhiều anh em đã nói, ngu dại gì mà bước vào làm việc trong hoàn cảnh này, nhưng tôi nghĩ đã là kẻ sĩ thì không thể nào thiếu trách nhiệm đến mức thời bình thì ngựa xe quyền lực, nhưng khi đất nước tan hoang thì lại bỏ đi tìm sự yên thân.”

Chờ đến khi trời dứt mưa hẳn, chúng tôi tiễn cụ Huyền ra xe. Cụ lại bắt tay từng người, mắt vẫn sáng quắc. Ðó là lần cuối cùng, tôi được gặp và nói chuyện với cụ, được biết tâm sự u uất của một người yêu nước. Khi vào trại cải tạo, chúng tôi có gặp lại một vài nhân viên đã từng được biệt phái làm việc trong văn phòng Chủ Tịch Thượng Nghị Viện VNCH. Họ cho biết cụ Huyền không bị đưa vào trại cải tạo nhưng bị quản thúc rất kỹ tại gia. Ngay cả vào chiều 29 tháng 4, sáng 30 tháng 4, 1975, cụ có nhiều cơ hội để ra đi, nhưng cụ đã từ chối. Và từ sau buổi sáng ngày 30 tháng 4 cách đây 35 năm, cụ Huyền giữ im lặng cho tới lúc qua đời. Và cũng từ đó không còn ai nhắc nhở đến cụ nữa.

Sang đến hải ngoại, tôi chỉ còn nghe thấy người ta gọi cụ Trần Văn Hương là kẻ sĩ cuối cùng của VNCH, chứ còn cụ Huyền thì thường là bị tiếng đời trách cứ vì cụ là phó của Tổng Thống Dương Văn Minh, trong khi “Big Minh” thường bị lên án là đã dâng miền Nam cho Cộng Sản.

Nhưng cá nhân, vốn là người từng học sử và đọc sử, tôi tin rằng những trách cứ bất công dành cho những nhà lãnh đạo cuối cùng của chế độ VNCH không có giá trị sử học. Vì nó không khách quan. Vì những người phán đoán còn có liên hệ đến biến cố lịch sử 30 tháng 4, 1975. Khi không còn lớp người này nữa thì thế hệ về sau sẽ truy cứu một cách độc lập những sử liệu, dùng sự đối chiếu khoa học để đưa ra các nhận xét vô tư hơn để tìm hiểu xem vì đâu, nguyên nhân nào dẫn tới sự đầu hàng vô điều kiện của VNCH chứ không phải ai là người ra lệnh đầu hàng. Một vài người đạp một căn nhà mà cột kèo chưa bị mục, nó không thể đổ. Nhưng một căn nhà cột kèo đã mục nát hết nó cũng sẽ đổ mà không cần người đạp. (V.A.)



(Nguồn:  http://www.vietherald.com)



Hãy nói về những người ở lại



Vũ Ánh
(04/03/2010)

Trong cuộc chiến kết thúc cách đây 35 năm, trong số dân chúng hai miền Nam và Bắc Việt Nam, có rất nhiều người Việt Nam yêu nước. Nhưng cách yêu nước của họ khác nhau và sự lựa chọn việc biểu lộ lòng yêu nước cũng khác nhau. Chỉ tính dân số miền Nam Việt Nam, từ vĩ tuyến 17 trở xuống tới mũi Cà Mau, chúng ta cũng không thể chối cãi được rằng sự chọn lựa và tư tưởng yêu nước cũng không thể thoát ra ngoài qui luật trên.

Nhưng chiến thắng của người Cộng Sản và họ thống nhất đất nước cho thông thương hai miền Nam Bắc đã giúp dân chúng của hai miền so sánh những thứ mà họ có trong tay, trong cuộc sống hàng ngày. Thực tế ở miền Nam đã giúp thay đổi khá nhiều cách nhìn của những người dân miền Bắc đối với cái mà họ gọi là “giải phóng miền Nam” và làm cho một số người miền Nam trong chiến tranh vẫn còn mơ mộng tới hình ảnh trong sáng của cuộc kháng chiến chống thực dân nay không còn mơ mộng nữa. Nhưng tất cả dân số đó khi nhận chân được sự thật thì đã quá muộn. Tất cả dân chúng từ Bắc chí Nam đều phải sống trong một nhà tù vĩ đại, tinh vi ở Việt Nam. Nó không có những bức tường bê tông cốt sắt, hàng rào kẽm gai, nhưng vẫn xiềng xích, quản thúc được con người.

Tuy thế, cũng có nhiều người may mắn thoát ra được khỏi cái nhà tù vĩ đại ấy: Ðó là chúng ta, những người di tản, vượt biển, vượt rừng, HO, đoàn tụ gia đình. Cái giá để đánh đổi lấy tự do rất lớn. Nhưng bù lại chúng ta có được một cộng đồng tại một nước dân chủ, làm việc cực nhọc nhưng không đói, bị khinh khi lúc chân ướt chân ráo đến đây, nhưng nay dần dần sự đóng góp và hội nhập của cộng đồng Việt Nam tại Mỹ cũng đã làm thức tỉnh rất nhiều người Mỹ dòng chính. Rõ ràng chúng ta là những người may mắn và được che chở bởi một phép lạ.

Nhưng mỗi lần nhìn đến những hình ảnh cũ của sự thất bại của chúng ta, nhớ lại những hình ảnh tan tác của một quân đội không thiếu lòng dũng cảm, không thiếu kinh nghiệm tác chiến, từng là một trong những thành trì vững mạnh ngăn chặn làn sóng đỏ, ai là người đã từng chứng kiến giờ phút đen tối ấy của một tiền đồn thế giới tự do mà không đau, không xót. Nghĩ cho cùng thì cái giá lớn lao mà quân, dân, cán, chính miền Nam Việt Nam phải trả là thiếu lãnh đạo thượng tầng sáng suốt và những đồng minh chung thủy.

Trong 35 năm qua, người Việt Nam ở hải ngoại đã nói nhiều tới cái giá mà mình phải trả để có được tự do. Nhưng chúng ta đã nói gì về cái giá mà những người còn ở lại không có hoàn cảnh như chúng ta chưa? Trước hết, nhiều người về thăm gia đình, khi quay lại Mỹ, được hỏi về một số những bạn cũ, thì phần nhiều đều nói: “Bọn họ bây giờ giầu lắm.

Một cựu phóng viên đài phát thanh Sài Gòn, có thời làm việc dưới quyền tôi, trở lại Việt Nam vì có việc tang chế, cố tìm đến một cựu phóng viên khác khá thân thời còn làm việc chung không ra nước ngoài. Nhưng cả hai chỉ nói chuyện được với nhau đúng năm phút trong lạnh nhạt. Khi anh quay trở lại Mỹ, tôi hỏi thăm về chuyện này, người bạn đồng sự với tôi nói: “Anh ơi, em phải ngồi chờ nó 30 phút, qua 3 cửa an ninh, mới được gặp, nhưng nó lạnh nhạt nên em cũng không muốn nói chuyện lâu.”

Một người bạn tù của tôi trước đây, không đi HO mà “ở lại để chứng kiến sự sụp đổ của chế độ Cộng Sản” nay sang du lịch vì con gái của anh ở Mỹ mua vé máy bay. Anh sang đây chơi nhưng phải để vợ ở lại. Tôi hỏi: “Mày sống ra sao?” “Cũng tàm tạm vì tao bán được cái nhà, rồi cho vợ đi buôn bán rỉ rả cũng sống được.” Tôi hỏi thăm về những người bạn mà chúng tôi cùng quen, anh nói: “Mẹ kiếp, chưa thằng nào chết, nhưng vất vả nhếch nhác lắm. Thằng L. phải đi bán nhang (hình thức đi xin), bây giờ thì khá hơn. Cu cậu lên chức ca sĩ hè phố rồi.

Dĩ nhiên, những tin tức trên chưa thể mang lại cho tôi một hình ảnh nào rõ rệt về cái xã hội hiện nay ở Việt Nam, trong khi trên các trang mạng, những tin tức được loan báo trái ngược nhau, lại không có độ xác tín cao. Thế còn những quân, dân, cán chính chen chúc nhau, dẫm đạp lên nhau chỉ cố lọt vào được hàng rào sứ quán Hoa Kỳ trên đường Thống Nhất cách đây 35 năm, bây giờ họ sống ra sao? Những người lính tan hàng, cởi bỏ quân phục, súng ống ba lô, để thoát thân sau lệnh đầu hàng, những gia đình có người thân trong quân đội, cảnh sát, tự tử ngày 30 tháng 4, 1975, hoặc tử trận trước và sau giờ đầu hàng, những nghệ sĩ từng góp phần vào mặt trận văn hóa, những cán bộ xây dựng nông thôn của đoàn 59 người đã từng góp phần vào công tác bình định, những người lính địa phương quân, nghĩa quân, bây giờ đời sống của họ ra sao, số phận của con cái họ như thế nào?

Trong suốt 35 năm qua, có được bao nhiêu trang báo, có được bao nhiêu giờ trên các hệ thống truyền thông Việt ngữ, có bao nhiêu lễ tưởng niệm 30 tháng 4 được dùng để nói về họ, có bao nhiêu bài nghiên cứu đề cập đến số phận của những người này?

Ngày 30 tháng 4, 1975 có phải là ngày chỉ dành riêng cho cộng đồng tị nạn Việt Nam không? Thế còn những người quốc gia không có cái may mắn sang đây như chúng ta thì ngày 30 tháng 4 có phải là ngày của họ không?

Ðặt ra những vấn đề đó chỉ là một cái cớ để nói với các nhà làm chính trị, các nhà tranh đấu rằng họ cần phải canh tân đường lối đấu tranh. Ba mươi lăm năm qua, dù muốn dù không, có thể đã có một bức tường giữa người dân trong nước và cộng đồng hải ngoại chỉ do sự hà khắc của chế độ đương thời tại Việt Nam và lòng hoài nghi về sự hữu hiệu của những phương thức tranh đấu của một số tổ chức chống Cộng ở hải ngoại. Người chống Cộng ở hải ngoại cần phải tìm hiểu và phá bỏ nó, nếu không, công cuộc chống Cộng trở thành chống lẫn nhau. (V.A.)



(Nguồn:  http://www.vietherald.com)