Hiển thị các bài đăng có nhãn Vũ Văn Ánh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Vũ Văn Ánh. Hiển thị tất cả bài đăng

13.11.19

Anh trở về trên đôi nạng gỗ (Kỳ 14 "Hết")



A20 Vũ Ánh


Vẫn mang nặng trên lưng một gánh thảm kịch

Có lẽ trong số tất cả những người bạn thương phế binh, hiện nay tôi chỉ còn liên lạc được với Tùng. Cuộc sống của vợ chồng Tùng tương đối vững vàng. Hai vợ chồng đã mở được một quán ăn thay cho cái quán cà phê nghèo nàn trước đây. Lá thư Tùng qua e-mail cho tôi cách đây vài tuần cho thấy rằng Cúc và Tùng có thể bành trướng thêm cái quán ăn này, nhưng Tùng nói rằng đời sống của họ như vậy là bonus rồi, không đòi hỏi gì hơn nữa. Nhưng điều Tùng buồn nhất là đám bạn bè thương tật cũ nay không còn tìm lại được đứa nào. Nghèo khó, đói, bệnh tật và những chiến dịch tảo thanh “làm sạch đường phố” khiến cho họ thất tán thêm một lần nữa.

Tùng cho biết có mùa Xuân vừa rồi, anh lên mấy trại được mệnh danh là phục hồi nhân phẩm tại Phước Long để tìm tông tích những bạn cũ, nhưng không gặp được người nào. Tùng viết: “Tại sao em lại lên vùng này tìm các bạn chúng ta, vì bọn họ không biết nhốt những người như chúng em mà phải sống trên hè phố vào đâu, nên cứ hốt được người nào là thẩy lên Sông Bé. Dường như trên bờ con sông này hiện nay là quần đảo của trại giam những phạm nhân nam nữ tệ nạn xã hội. Cái đau của em là những bạn chúng ta là tuy phải sống trên hè phố, họ vẫn sống lương thiện như lối sống của sống của những người lính”.

Anh trở về trên đôi nạng gỗ (Kỳ 13)



A20 Vũ Ánh

Cái hậu dành cho một thương binh

LTS.- Trong bài 12 của số báo trước, tôi viết dở dang câu chuyện về người thương binh Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Tùng sống bằng nghề bơm ga hộp quẹt trên đường Nguyễn Minh Chiếu. Câu chuyện được tiếp tục trong kỳ này.
Có thể nói gia đình Tùng là gia đình quân đội: Từ bố Tùng cho đến 3 anh lớn của Tùng đều là lính. Tùng cho biết:
- Bố em chỉ là hạ sĩ quan, tử trận trong cuộc hành quân Ðỗ Xá thời Tổng Thống Diệm. Em là con út lúc đó còn ẵm ngửa, không biết gì. Sau này mẹ em mới kể lại. Gia đình sau này sống cũng nghèo khó nhờ vào gánh bún riêu của mẹ em. Ba người anh trên em đều tình nguyện vào trường Bộ Binh Thủ Ðức, phần vì muốn theo con đường của bố em, phần vì cũng muốn đỡ gánh nặng cho mẹ em. Hai anh lớn nhất của em đi trước, hai năm sau đó thì anh thứ ba mới nhập ngũ. Năm 1966, 1967 và 1969, mẹ em và em đón liên tiếp mấy cái tang. Anh Cả em tử trận tại Kinh Thác Lác, Sóc Trăng, giữa năm 1966. Không đầy một năm sau, anh Ba em tử trận vì máy bay trực thăng rớt trước lúc đổ quân ở gần Mỏ Vẹt, Tây Ninh. Người anh kế em chết vì mìn trên đường từ Qui Nhơn đi quận Hoài Ân trong cuộc hành quân mở đường Tháng Mười 1969. Bây giờ gia đình chỉ còn mình em với mẹ em thôi.

Anh trở về trên đôi nạng gỗ (kỳ 12)


A20 Vũ Ánh

Cũng là để nhận nhau!

Cuộc sống của thương binh Nguyễn Văn Tùng sẽ là một cuộc sống tốt đẹp nếu không có những điều bất hạnh về tình cảm. Tôi quen Tùng tại chiếc tủ bơm ga hộp quẹt trên đường Nguyễn Minh Chiếu Phú Nhuận. Ðó là vào khoảng giữa năm 1990. Nhân một chuyến chở người khách đến một địa chỉ khoảng cuối con đường này, tôi ghé chiếc xích lô vào một quán nước trà vối bên đường để nghỉ mệt, làm một bát nước trà vối và hút điếu thuốc lào. Thuở ấy, những quán cà phê bên lề đường vẫn còn thịnh hành, nhưng thỉnh thoảng người ta vẫn bắt gặp những quán đặc biệt bình dân hơn, chẳng hạn như trà xanh hay trà vối phần lớn của những người từ miền Bắc di dân vào Nam kiếm sống. Quán trà vối này là một điển hình. Người chủ quán kê một chiếc chõng tre trên lề đường, xung quang là những chiếc ghế đẩu thấp, trên chiếc chõng tre là những hũ kẹo đậu phọng (kẹo lạc), bánh đậu xanh, kẹo hạt điều, bên cạnh bà là một nồi nước lúc nào cũng sôi. Nước dùng để pha vào mấy cái ấm bằng sành lớn. Không có ly mà chỉ có những chiếc bát úp chồng lên nhau. Ðúng là hình ảnh của loại quán bên đường ở miền Bắc từng gây những ấn tượng đặc biệt của một thời đã qua.

Anh trở về trên đôi nạng gỗ (kỳ 11)



A20 Vũ Ánh

“Dù có mất đi đôi chân”

Không phải những thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa nào cũng phải sống trên lề đường cả. Nhiều người cũng vẫn còn may mắn có được sự thông cảm và thương mến của vợ con chăm sóc. Một số không nhỏ có vợ hay có con vượt biển sang được Hoa Kỳ hay các quốc gia khác gởi tiền về trợ giúp. Trong những trường hợp như thế, những đau khổ vì khiếm khuyết những phần thân thể của họ còn được an ủi phần nào. Nhưng trong tận cùng sâu thẳm của tâm hồn họ, những nỗi đau có thể chẳng bao giờ nguôi ngoai. Một người bạn của tôi nằm vào một trong số những trường hợp này. Nguyễn Ngọc Thuấn, chuẩn úy khóa 2/68 trường Bộ Binh, ra trường về phục vụ tại Tiểu Khu Long An, được chuyển sang làm việc tại Ủy Ban Bình Ðịnh Và Phát Triển. Trong chuyến đi thanh sát tại một xã thuộc quận Thủ Thừa, chiếc xe jeep của anh bị trúng mìn Việt Cộng đầu năm 1969. Thuấn bị thương nặng phải cưa cả hai chân.
Trường hợp của Thuấn khá đặc biệt. Sau khi tốt nghiệp cử nhân luật năm 1965, Thuấn không đi tập sự để ra luật sư. Anh xin vào làm việc ở Bộ Nội Vụ cho mãi đến sau Tết Mậu Thân thì bị gọi động viên. Trong suốt quãng đời công chức, Thuấn quen một người con gái. Mối tình kéo dài khá lâu. Nhưng khi Thuấn mặc áo lính, ý định thành hôn giữa hai người bị đình lại, do ý của Thuấn. Tôi hỏi Thuấn lý do đình hoãn, được anh trả lời: “Mày lăn lộn chốn giặc giã chắc cũng hiểu là khi đã lính tráng rồi, sống nay chết mai đâu biết được. Lấy nhau, nếu tao có mệnh hệ nào thì cũng tội nghiệp cho L.”

Anh trở về trên đôi nạng gỗ (kỳ 10)



A20 Vũ Ánh


“Cựu tù nhân và những ngày lễ lớn”

Trong giấy tờ ra trại vào cuối Tháng Mười năm 1988, Cục Trại Giam Miền Nam có ghi là tôi bị đặt dưới chế độ quản chế 5 năm. Về ngày hôm trước thì sáng hôm sau tôi đến trình diện công an phường ngay. Trưởng công an phường tôi ở lúc đó là Vinh “đen”. Anh ta khoảng độ 40 ngoài, người Thái Bình, từ bộ đội chuyển ngành sang công an. Khi tôi xuất trình giấy ra trại ra thì anh ta bảo tôi ngồi xuống ghế rồi hỏi: “Anh làm gì mà ở trong trại lâu vậy”. Tôi nói: “Tội phản động”. Vinh “đen” cười cười: “Người ta cũng tội phản động như anh đi ba năm đều về sao anh ở mãi đến nay. Chắc lại chống báng gì trong trại phải không? Thôi, đưa tôi chứng nhận cho và về đời sống này thì đừng có vọng động gì nữa nghe không?” Sau đó, anh ta đưa cho tôi quyển sổ trình diện và dặn: “Anh đi đâu thì tự do, không cần phải xin phép. Chính quyền ta đã đổi mới, nhưng đi đâu ngày nào và gặp ai anh cũng phải ghi đầy đủ vào quyền sổ này, tháng nộp cho tôi một lần”.
Tôi cầm quyển sổ về nhà, và thực hiện y như đòi hỏi của công an phường. Nhưng đến tháng thứ ba thì, Vinh “đen” ký xong, bảo tôi:
- Này anh, tháng sau khỏi trình diện tôi mà cũng khỏi ghi vào sổ. Chỉ cần cũng ngày này một năm sau lại trình diện để tôi hỏi những gì tôi thắc mắc. Nói thật với anh, tôi bận nhiều việc quá mà tiếp anh hàng tháng thì mất hết thời giờ. Vả lại tôi cũng thấy anh tốt rồi.

Anh trở về trên đôi nạng gỗ (Kỳ 9)




A20 Vũ Ánh


“Chỉ tại tao mất hai chân thôi”

Cổn hơn các bạn đồng cảnh khác là ở anh không phải sống trên vỉa hè. Anh thuê được một chiếc ghế bố trong căn nhà ở cái ngõ hẻm chỉ cách rạp Cao Ðồng Hưng 2 khu phố, chủ nhà của Cổn là một bà cô họ. Con hẻm rộng chỉ vừa cho một chiếc xe đạp lọt qua, nhưng khi vào trong thì được nới rộng ra thêm. Theo bà cô của Cổn, trước ngày 30 Tháng Tư năm 1975, hẻm ngoài không hẹp như thế, nhưng hai bên hẻm có khoảng đất trống bị một số thương phế binh cắm dùi. Ðầu tiên họ cất lên hai căn nhà tạm bằng gỗ, nhưng sau họ bán lại cho người khác miếng đất này. Người chủ mới cất hai căn nhà gạch rồi lại còn lấn thêm vào ngõ hẻm nên mới làm cho phía ngoài con hẻm này thì hẹp mà phía trong vẫn như cũ, rộng rãi hơn.
Người trong ngõ gọi ngõ hẻm của họ là “Ðiểm Du Lịch Số 10”. “Tại sao họ lại gọi như thế?” Tôi hỏi Cổn và được anh giải thích:
- Có gì đâu anh. Con số 10 là con số bù, những căn nhà trong xóm cả mười mấy năm nay không được sửa sang hay quét vôi lại, tất cả những điều kiện về vệ sinh cũng đều là số 10 hết. Nhưng anh thấy trước mắt và phía bên kia đường thiên hạ say sưa tự biến những căn nhà ba từng lầu của họ thành khách sạn mini để đón khách Việt kiều. Những khách Việt kiều sành sỏi thường chọn các khách sạn kiểu nhỏ năm bảy phòng, có khi chỉ vài ba phòng cho thuê khoảng từ 10 đến 20 đô la một ngày. Do có sự đối chọi của những căn nhà bên kia phố khiến cho người dân trong hẻm này gọi đó là Ðiểm Du Lịch Số 9 còn bên này là “Ðiểm Du Lịch Số 10”.

Anh trở về trên đôi nạng gỗ (Kỳ 8)



A20 Vũ Ánh

Tình nghĩa chỉ là giấc ngủ trưa”

Khi quen một người bạn, dù là thương phế binh, tôi thường hỏi họ về gia cảnh. Ðể biết thôi và để yên tâm rằng chúng tôi là người có thể chia sẻ cho nhau những ngọt đắng của cuộc sống vào thời đó. Ðối với những người mới về từ trại cải tạo như chúng tôi, việc giao du cũng phải hết sức cẩn thận. Vào những năm 1989-1990, những người về sau chót như chúng tôi, tuy vẫn phải sống dưới lệnh quản chế, nhưng cường độ cưỡng chế đã giảm đi nhiều. Nhưng mẹ tôi là người từng sống suốt chiều dài của biết bao nhiêu lận đận do ảnh hưởng của từng giai đoạn lịch sử, từ lúc bố tôi đi kháng chiến, bỏ về thành năm 1949, bị ám sát hụt mấy lần, di cư vào Nam tưởng đã yên nào ngờ lại phải trải qua giai đoạn ghê gớm hơn sau 30 Tháng Tư năm 1975, nên các cụ có khá nhiều kinh nghiệm đối xử với nhiều hạng người sau mỗi sự đổi thay. Cụ thường xuyên nhắc nhở tôi rằng, tuy tình hình xem ra cũng có nhiều thay đổi, nhưng coi chừng “họ vẫn có những dòm chừng đối với những người mà lý lịch còn nặng nề như tôi”. Cụ nói: “Lý lịch của con đã đen ngòm như thế trong khi những tên chỉ điểm của công an giăng mắc khắp nơi, nói năng hay giao tiếp phải cẩn thận chứ không khéo lại khăn gói quả mướp vào tù lại đấy con à”.

Anh trở về trên đôi nạng gỗ: (Kỳ 7)



A20 Vũ Ánh

Cái hậu của một cuộc chiến

Sau cuộc gặp gỡ qua bữa nhậu đó, tôi có thêm một người bạn. Tuy là thương phế binh thuộc về một phe là đối phương của chúng tôi trước ngày 30 Tháng Tư năm 1975, nhưng trong cuộc sống Hoàn có những suy nghĩ tiến bộ và cởi mở. Hoàn nói: “Cả anh lẫn bọn em đều là những người thất bại cả. Nói chung là như vậy, chỉ bọn cầm quyền bòn rút của công là những kẻ thắng lợi. Cứ suy cho rộng hơn thì cả dân tộc này đều thua hết, chỉ vài trăm ngàn đứa nắm quyền mới không ở phe thua như chúng ta”.
Năm 1992, một tháng sau khi tôi đi định cư tại Hoa Kỳ, Hoàn bị bắt trong vụ tranh chấp giữa Câu Lạc Bộ Kháng Chiến và Quân Khu 7. Tính có viết thư cho tôi biết tin Hoàn bị bắt, nhưng anh không thể nói rõ chi tiết được và sau đó tôi bặt tin Tính.
Phải nói rằng, trong suốt 3 năm kể từ khi ra khỏi trại cải tạo cho đến lúc bước lên chiếc TU-134 của Hàng Không Việt Nam để sang Thái Lan, những người bạn thương phế binh của tôi, thuộc cả hai phe, đã trở thành những hình ảnh trong sáng về tình bạn mà tôi không bao giờ quên được. Ðành rằng trong số những người sống cầu bơ cầu bất như họ, không thiếu chi những kể sống thiếu nhân cách, nhưng nói chung thì đều do hoàn cảnh cả và việc giữ gìn nhân cách trong giai đoạn ấy là một việc làm khó khăn vô cùng.

Anh trở về trên đôi nạng gỗ (Kỳ 6)



A20 Vũ Ánh


 “Què cụt rồi thì còn sợ gì nữa?”

Trong suốt bữa ăn, Hoàn uống nhiều và cũng nói khá nhiều, nhưng vẫn tỉnh táo. Dường như anh ta không say. Anh nói về một số bạn bè anh đã chết trên đường vượt Trường Sơn, tới những lần bị máy bay Mỹ tấn công, tới những đồng đội của anh bị sốt rét chết giữa đường, tới gia đình anh ở ngoài Bắc:
- Em có 6 anh chị em, nhưng chỉ có hai thằng phải vào bộ đội thôi. Một thằng anh của em không phải đi “B” (xâm nhập Tây Nguyên) vì ông ấy lấy được cô vợ con nhà có thần thế ở Hải Phòng. Còn lại mấy chị gái đều đã có gia đình, có con, trước khi chế độ mở chiến dịch đi “B”. Vào đến Tây Nguyên là em bị thương và trở thành phế nhân ngay.
- Khi cậu bị thương đem về quân y viện vùng Tam Biên (ngã ba biên giới giữa Cao Nguyên Trung Phần Việt Nam, Lào và Căm Bốt), sau khi lành vết thương làm sao mà lặn lội về Bắc được?

12.11.19

Anh trở về trên đôi nạng gỗ: (Kỳ 5)



A20 Vũ Ánh

Một kiểu kinh doanh lạ lùng

Ngày thương binh và xã hội năm 1990, Thuận thỏ, Tính, Tuấn và Cả rủ tôi đến nhậu ở nhà một thương phế binh vốn thuộc quân đội Miền Bắc. Tôi hỏi Thuận thỏ:
- Ngày này đâu phải của các cậu?
- Thì mình ăn ké thôi. Cũng như anh, ngày 2-9 đâu phải của bọn mình mà trong trại vẫn được ngả heo?
- Ai nói với cậu vậy?
- Mấy ông anh họ của em cho em biết như vậy, dù rằng rằng chỉ một con heo mà 800 người ăn, mỗi người chỉ được miếng mỡ bằng 2 ngón tay.
- Mà mấy cậu quen hắn ra sao. Tôi nghe nói vẫn còn cái hố ngăn cách rất lớn giữa thương phế binh của hai quân đội mà?
Tính vội nói:
- Ðúng đấy, mặc dù cũng cụt chân, tay, mất mắt như tụi em, nhưng phần lớn đám thương phế binh của miền Bắc vẫn tưởng họ là người chiến thắng, nhưng suy đi nghĩ lại họ cũng là những kể thất bại không hơn không kém. Riêng tụi em thấy Hoàn chơi được, hắn cũng không ưa gì chế độ này và tính tình cũng đàng hoàng.

Anh trở về trên đôi nạng gỗ: (Kỳ 4)



A20 Vũ Ánh

“Thôi người ta sao mình vậy”

Tôi trở nên quen thân với “nhóm thương phế binh” của Tính chỉ trong một thời gian ngắn sống trên hè phố với họ. Hiên rạp Cao Ðồng Hưng trở thành mái nhà chung của họ vào ban ngày. Ðến khuya họ thường phân tán vào hàng hiên của các ngôi nhà có hàng hiên quanh đấy ngủ để tránh tập trung, công an có thể để ý. Những ngày Mùa Hè đôi khi tôi nằm với họ ở ngoài trời cho mát và vui  thay vì ngủ nhà. Khi nào tôi được khách sộp Việt kiều tặng tiền tip nhiều, đều mua bia hơi đãi cả nhóm. Chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau tới khuya rồi trải poncho ngủ. Tính tìm cách đút lót cho mấy tên công an quận Bình Thạnh thường hay ruồng bố bắt người ngủ ngoài đường phố tống vào các trại tạm trú bằng tiền đóng góp chung của cả nhóm hàng tháng (gọi là trại tạm trú cho oai chứ thật ra là một số trại giam được dựng lên để nhốt đám trẻ bụi đời, xì ke ma túy, gái mại dâm vào mỗi dịp cần “làm sạch” đường phố trong những dịp lễ quan trọng).
Tôi đề nghị mãi Tính mới chịu cho tôi đóng góp một phần số tiền xâu này. Thật ra số tiền góp chỉ đủ mua hai bao thuốc thơm Jet, loại thuốc sản xuất ở Thái Lan, có mùi thơm nồng được chuyển lậu vào Việt Nam qua ngả biên giới Nam Việt Nam mà đám cán binh Cộng Sản rất mê hút.

Anh trở về trên đôi nạng gỗ (Kỳ. 3)


A20 Vũ Ánh

Trở Về Trên Đôi Nạng Gỗ.

Tôi hỏi Tính:
- Cậu còn gia đình, sao lại phải sống như thế này?
Tính giọng thật thà:
- Những thằng bạn của em sống quanh đây đứa nào cũng có gia đình hết thẩy. Khi vào lính em đã có vợ rồi. Nhưng kể từ sau khi em bị cưa cả hai chân, nói cho ngay là em cũng đổi tính, mặc cảm nên khó khăn ngay cả với vợ em, bắt lỗi bắt phải đủ điều. Cuối cùng chúng em đứt gánh. Thời gian đó em bực bội và chua chát lắm. Sau ngày “đứt phim”, vợ em có quay lại với em, nhưng em tự ái và từ chối vì thực tình lúc đó em nghĩ là vợ em vì thương hại nên mới trở lại. Bây giờ cô ấy đã có gia đình khác và có hai con rồi. Em lại không muốn phiền hà cho mẹ em và mấy đứa em nên em ra sống riêng. Mấy đứa nó đã có gia đình và tránh được cái vụ đi kinh tế mới vì trước ngày 30 Tháng Tư đang là công nhân của Vimitex, sau ngày 30 Tháng Tư vẫn còn được làm. Ngần ấy năm rồi chúng nó cũng vẫn chỉ là công nhân, lương lậu chỉ đủ ăn nửa tháng, con đông nên chúng phải xoay xở với gánh chè cháo trên đường phố. Thấy em thế này chúng nó buồn lắm, nhưng chúng nó buôn gánh bán bưng, nuôi con chưa đủ làm sao giúp mình được. Con em gái út của em mỗi lần gặp em là khóc nài nỉ em trở về, nó nói có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Mỗi lần như thế, em phải gắt lên: Bộ tao đi ăn trộm ăn cắp hay nghiện ngập gì sao, chúng mới để em yên. Mẹ em cũng già quá rồi ở với vợ chồng con em út, nên em không muốn trở thành gánh nặng cho các em. Mà sống như thế này có gì là tôi lỗi đâu phải không ông anh?

Anh trở về trên đôi nạng gỗ (Kỳ 1 & 2)



A20 Vũ Ánh

Khi người lính trở về mất cả hai chân, họ sống như thế nào?

Cuốc xe chở một người và hàng hóa từ chợ Bà Chiểu về đến cuối đường Huỳnh Văn Bánh (tức Trương Tấn Bửu cũ nối dài) là 800 đồng. Người khách là một bạn hàng tại chợ Bà Chiểu chất lên xe 6 súc vải cộng thêm với thân hình cũng khá phốp pháp của bà. Tám trăm vào thời điểm ấy cũng đã có được một tô phở kha khá hoặc tương đương với một bữa cơm đạm bạc. Hơn nữa, đây là cuốc xe chiều, định bụng sau cuốc này sẽ về nghỉ, nên cũng chẳng cần hơn thiệt bao nhiêu. Nhưng có lẽ vì đây là chuyến xe đầu tiên tôi chạy con đường này nên không mường tượng được chiều dài của nó. Khi thắng xe trước nhà của bà khách, mắt như muốn nổ đom đóm. Kể từ ngày ra trại mới được gần bốn tháng, sức khỏe chưa phục hồi hẳn, ra nghề này, tôi chưa dám chạy những cuốc xe quá xa. Lau mồ xong, tôi tính giúp bà mang vải vào nhà, nhưng bà khách vội nói:
- Thôi ông để tôi gọi các cháu nó mang vào cho.
Sau đó bà rút ví đưa tôi hai tờ giấy một ngàn đồng, cười và nói:
- Tôi biết ông mới ra nghề và cũng đoán mới cải tạo về làm nghề này nên ngơ ngáo chưa định được đường chạy và giá cả. Thường tôi thuê người khác thì phải trả từ một ngàn hai đến một ngàn rưỡi. Nhưng ông cầm lấy số tiền này, biếu ông thêm năm trăm.

10.8.14

Người chết lo cho người sống

  
A20 Vũ Hùng Cương thư cho tôi, chỉ vắn tắt một câu “đây là email của phu nhân Vũ Ánh”. Một câu nhắn gãy gọn nhưng nó chứa biết bao nhiêu điều để nói, để làm.
Tôi thư cho chị Yến Tuyết, vợ anh Vũ Ánh, người chị dâu tôi chưa bao giờ biết mặt. Hai chị em bắt tay vào việc thực hiện tâm huyết của người đã ra đi.

Khi còn sống anh chú bảo chị hãy xuất bản quyển Thung Lũng Tử Thần gây quỹ giúp cho các cựu binh A20 còn ở lại Việt Nam, đó là tâm nguyện cuối cùng của anh ấy


8.6.14

Vũ Ánh Và Tôi – Chung Một Đoạn Đời



A20 Phạm Đức Nhì

(Xin gởi đến hương hồn anh Vũ Ánh
như một nén nhang tiễn biệt.
Và đến chị Yến Tuyết
như một lời chia buồn muộn màng)

Một Tâm Hồn Trẻ Trung Sôi Nổi

Ngày đầu tiên bị giải đến Trại Trừng Giới A20 Xuân Phước, tất cả chúng tôi – thành phần cứng đầu, khó cải tạo từ các trại - bị lùa vào hội trường để được dằn mặt và đưa vào khuôn phép. Mở đầu là màn văn nghệ ca tụng đảng và nhà nước có tính cách bắt buộc. Cán bộ giáo dục yêu cầu một người tù trong chúng tôi ra bắt giọng cho mọi người hát một bản nhạc cách mạng để lấy khí thế. Hối thúc hoài cũng chẳng ai thèm ra. Cuối cùng, khi hắn giở giọng đe dọa thì tôi nóng mặt đứng lên bắt nhịp cho anh em hát bài Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ của Nguyễn Đức Quang. Được gãi đúng chỗ ngứa anh em hát muốn bể tung hội trường. Cán bộ giáo dục và ban thi đua ú ớ chẳng biết gì nên dù "ngờ ngợ có cái gì không ổn" cũng không làm chi được. Sau buổi họp, mấy bạn trẻ như Tú Cường, Nguyễn Hữu Hồng... đến bắt tay tôi tỏ vẻ đồng cảm và ngưỡng mộ một hành động nhanh trí và can đảm, giữa đường thấy chuyện bất bình thì phản ứng liền. Đám trẻ của chúng tôi là như vậy. Tôi bắt tay các bạn một cách vui vẻ rất... bình thường. Riêng anh Ánh, lúc ấy đã gần 40, vẻ mặt trí thức, chững chạc đến vỗ vai, bắt tay tôi đã là... đặc biệt rồi. Anh lại còn ôm chặt tôi ra vẻ rất quý mến: "Tôi tưởng cậu hát nhạc của tụi nó nên đã muốn chửi thề trong miệng, nhưng khi nghe câu hát đầu tiên tôi khoái quá, hát muốn khàn cả cổ". Tôi với anh quen nhau, gần gũi nhau ngay từ hôm ấy. Sau này ra hải ngoai anh còn viết bài Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ Của Nguyễn Đức Quang Trong Nhà Tù Cộng Sản kể lại sự kiện này. Tôi có cảm tưởng ở cái tuổi của anh lúc ấy, đối với một sự việc bình thường như vậy, thái độ "nóng máu muốn chửi thề" của anh, thật giống bọn trẻ chúng tôi: Rất Trẻ Trung Và Sôi Nổi.


24.3.14

Lễ an táng nhà báo Vũ Ánh


Buổi tiễn đưa nhà báo Vũ Ánh tại nhà quàn Peek Family Funeral, Westminster, CA.
Chiều Chủ Nhật 23-3-2014. 







(Nguồn: www.nguoi-viet.com/)

20.3.14

Thư viết cho chồng






1975-1992

Anh, “Dựa lưng nỗi chết”*
Vẫn còn giữ nụ cười.
Em, trôi giòng đời bạc
Nước mắt lúc đầy vơi.
Hồn bạt ngàn gió núi,
Tình ngỡ tan mù sương...
Trong mộng ảo và thực,
Em nhìn Anh , rưng rưng.
Trên còn đường ta đi
Mùa xuân qua rất chậm
Thôi không còn chia ly
Dù muộn màng số phận.

1992-2014
Anh, tấm lòng bao dung
Em, cảm ơn hạnh phúc
Những niềm đau lắng xuống
Trong khu vườn tình yêu.
Từ quá khứ nghiệt ngã
Anh bước ra nhẹ nhàng
Viết và yêu chữ nghĩa
Đến hơi thở cuối cùng.
Đêm mùa xuân trăng sáng
Em nhớ nụ cười anh
Tha thứ và ấm áp
Ôm mãi hoài đời em.

Yến Tuyết
(A20 Vũ Văn Ánh phu nhân)




* Đề tài 1 cuốn sách của Phan Nhật Nam.





15.3.14

Vĩnh biệt Vũ Ánh




Anh từng hứa về thăm trại cũ
lên đồi vĩnh biệt đốt một nén nhang
sao đành đi lúc chiều chưa tàn
mà khăn gói vẫn đầy nguyên kiếp nạn

Nhớ xưa
dưới cái nóng hạ Lào cháy khô thung lũng
cùm chữ U máu mủ ứa cổ chân
anh hiên ngang gõ sắt mà ca
trên xiềng xích đọc vang bài Bắc Tiến

Sáu năm biệt giam
ba muỗng nước, ba muỗng cơm
chưa lần lung lay ý chí
một đời anh - một đời sĩ khí
bước thấp, bước cao cắn nhục mà đi
ngọn bút hiên ngang
thay làn tên mũi đạn
giữa trại thù nét mực chưa phai
bây giờ
tờ Hợp Đoàn để lại cho ai?

Vũ Ánh ơi!
trên sàn tù lạnh lẽo
áo lính sờn vai 
hơi thuốc thổi bay qua đồi vĩnh biệt
anh khóc cho thằng nằm lại bơ vơ
đã lỡ không được chết dưới cờ
lủi thủi như anh - lên đường ra trận
mười ba năm - nằm gai nếm mật
bây giờ - thôi đã trắng tay thua

Tiễn anh đi 
      - mười ba năm tù
          - sáu năm biệt giam
      - ba lát khoai khô
                         - cõng mấy hạt cơm gạo mốc
một thời lẫm liệt
trước gông cùm kìm kẹp
còn ai ngồi nhắc, có ai thương ?

Vũ Ánh ơi!
con tằm già chết ở cuối đường tơ
Chí Hoà, T 20, Z30A, A20
những trại thù anh từng qua
lổn ngổn sau lưng 
vẫn còn đây bầy xiềng xích 
ôi! Trường Sơn có nghe chăng
giữa khuya đau lòng tiếng anh than
chí cả năm xưa - theo tới ngày tàn
trong thiên hạ ai chia bùi xẻ ngọt?

Và lớp lớp người đi - người đi trước
nợ nần gom đầy - chỉ một anh mang
lũ bọ dòi rút rỉa tan hoang
anh vẫn lồm cồm
một thân đứng dậy
mà thôi 
hãy quên đi những gì không đáng nhớ
cầm trên tay thanh kiếm gãy năm nào
về lại đây - trở lại đèo cao
đồi vĩnh biệt bạn bè vẫn đợi
cứ múa bút
                                           - cho ngày đang tới
                                           - cho Trường Sơn rung lá như xưa
                                           - cho Trà Bương lúc mưa là mưa
                                           - cho bút pháp đi vào thiên cổ
nhớ mà chi
một lần qua sông Dịch
lưỡi gươm cùn bỏ lại dưới trăng tan

Vũ Ánh ơi!
bài thơ xưa gởi anh ngày bóng xế
còn trên tay dù đã ố vàng
cứ cầm như - như một nén nhang
tiễn anh đi - dù xa ngàn dặm

A20 nguyễn thanh khiết
15-03-2014