13.11.19

Anh trở về trên đôi nạng gỗ (kỳ 12)


A20 Vũ Ánh

Cũng là để nhận nhau!

Cuộc sống của thương binh Nguyễn Văn Tùng sẽ là một cuộc sống tốt đẹp nếu không có những điều bất hạnh về tình cảm. Tôi quen Tùng tại chiếc tủ bơm ga hộp quẹt trên đường Nguyễn Minh Chiếu Phú Nhuận. Ðó là vào khoảng giữa năm 1990. Nhân một chuyến chở người khách đến một địa chỉ khoảng cuối con đường này, tôi ghé chiếc xích lô vào một quán nước trà vối bên đường để nghỉ mệt, làm một bát nước trà vối và hút điếu thuốc lào. Thuở ấy, những quán cà phê bên lề đường vẫn còn thịnh hành, nhưng thỉnh thoảng người ta vẫn bắt gặp những quán đặc biệt bình dân hơn, chẳng hạn như trà xanh hay trà vối phần lớn của những người từ miền Bắc di dân vào Nam kiếm sống. Quán trà vối này là một điển hình. Người chủ quán kê một chiếc chõng tre trên lề đường, xung quang là những chiếc ghế đẩu thấp, trên chiếc chõng tre là những hũ kẹo đậu phọng (kẹo lạc), bánh đậu xanh, kẹo hạt điều, bên cạnh bà là một nồi nước lúc nào cũng sôi. Nước dùng để pha vào mấy cái ấm bằng sành lớn. Không có ly mà chỉ có những chiếc bát úp chồng lên nhau. Ðúng là hình ảnh của loại quán bên đường ở miền Bắc từng gây những ấn tượng đặc biệt của một thời đã qua.
Quán không đông vì cái thú uống trà vối có thể chưa trở thành quen thuộc với người trong Nam. Thời gian trước 30-4-1975, nếu xuống vùng Hố Nai, Phương Lâm hay Ðịnh Quán thăm những xóm đạo ở đây, khách thăm thỉnh thoảng được hưởng hương vị của loại trà vối. Người miền Bắc di cư vào các vùng này vẫn còn giữ được thói quen ấy.

Ghếch chiếc xe cạnh lề đường, kéo chiếc ghế đẩu, kêu một bát nước trà vối, lấy cái điều cày để trong lưng xe (chiếc điếu tôi đem từ trại cải tạo về, không đẹp nhưng hút rất kêu) dự định “phê” một điếu để vui hưởng hương vị thuốc lào trong lúc mồ hôi còn nhễ nhại thấm ướt lưng áo, thói quen di sản từ trại cải tạo, không bỏ được. Nhưng khi bật chiếc hộp quẹt ga (loại disposal) thì mới hay là đã hết sạch ga, có lẽ bị hở. Bà bán nước trà vối đưa cho tôi chiếc hộp quẹt khác và nói:

- Ông đừng có vất đi, chưa cho chú Tùng bơm lại, mấy chục bạc thôi, mà dùng được nửa tháng.

Nghe bà bán nước tra tôi mới chú ý đến một người ngồi trên xe lăn tại một hàng hiên của một căn nhà, tụt hẳn vào phía trong so với những căn nhà khác.

Uống nước và hút thuốc xong, tôi ghé vào chỗ người thương binh trên xe lăn. Tùng ngồi cạnh một tấm bảng có viết bằng sơn trắng đề chữ “bơm ga”. Bên cạnh Tùng là chiếc tủ nhỏ. Người thương binh này hơi xanh và gầy, cụt cả hai chân lên tới quá đầu gối. Anh mặc một chiếc áo nhà binh đã cũ, nhưng sạch sẽ, trên cổ áo vẫn còn hằn rõ vết tích của cấp hiệu thường được thêu bằng chỉ đen may trên các bộ quân phục tác chiến. Tùng có khuôn mặt khá điển trai, nhưng mái tóc đã muối tiêu.

- Bơm ga nhiêu vậy. Có lẽ chiếc hộp quẹt của tôi bị hở ở vết bơm mới cách đây mấy ngày. Sửa được chăng?

- Anh yên tâm, bơm ga ở đây là bảo đảm với ga sạch đàng hoàng. Chỉ 30 đồng thôi.

- Rẻ hả, nhiều nơi họ lấy tới 50 đồng.

- Thưa huynh, em mua được ga rẻ thì tính giá rẻ hơn. Thời buổi này, cạnh tranh nhau dữ lắm.

Tôi đưa chiếc hộp quẹt cho Tùng. Anh cầm lấy rồi lấy một miếng vải chà, lau chiếc hộp quẹt thật sạch. Tùng nói:

- Như chiếc hộp quẹt này thì không thể bơm từ dưới đáy lên được. Anh chàng bơm ga trước đây không biết nên bơm cho huynh từ phía dưới đáy thế nào cũng bị hở khi hàn. Cần bơm từ thân chiếc hộp quẹt.

Nói xong Tùng dùng một bình ga và một dụng cụ tự chế đục lỗ vào thân chiếc hộp quẹt rồi bơm. Khi rút dụng cụ bơm ra, Tùng lấy ngón tay cái bịt chặt lỗ hở và hàn bằng một chất keo. Anh nhúng ngón tay trở vào một ly nước rồi bôi lên chỗ hàn. Không thấy bọt nước, Tùng mới đưa chiếc hộp quẹt cho tôi và nói:

- Kín như bưng, không hở nhé!

Tôi đưa cho Tùng tấm giấy 50 đồng và nói khỏi thối lại. Tùng hỏi:

- Cải tạo về hả?

- Sao biết?

- Nhìn là biết ngay, mấy ông về làm nghề này khá đông. Làm sao qua mắt đàn em được.

- Còn cậu?

- Em khóa 1/70 về Sư Ðoàn 9 Bộ Binh, hành quân ở Campuchia, ngày đầu là dẫm mìn tiêu luôn hai chân.

- Mặt mày hai tay không sao à, tôi tưởng...

- Phép lạ đấy, ai cũng nói như thế.

- Cậu còn giữ lại được những chiếc áo này cũng là hay đấy nhỉ.

- Em còn mấy bộ. Hôm 30-4 bà cụ em tính cho vào lửa hết, nhưng em cản nên mới còn. Thật ra vào giai đoạn này mới dám mặc, vì bọn em ít còn bị để ý như trước đây. Mặc chiếc áo trận cũ cũng là để chúng mình nhận nhau thôi huynh à.

(Còn tiếp)

An Pha  (A20 Vũ Ánh)

 (Bài viết đăng trong mục “Sổ tay Cựu Chiến Binh” trên báo Người Việt ngày thứ Ba 14-05-2005)
(Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=28350)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét