13.11.19

Anh trở về trên đôi nạng gỗ (Kỳ 13)



A20 Vũ Ánh

Cái hậu dành cho một thương binh

LTS.- Trong bài 12 của số báo trước, tôi viết dở dang câu chuyện về người thương binh Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Tùng sống bằng nghề bơm ga hộp quẹt trên đường Nguyễn Minh Chiếu. Câu chuyện được tiếp tục trong kỳ này.
Có thể nói gia đình Tùng là gia đình quân đội: Từ bố Tùng cho đến 3 anh lớn của Tùng đều là lính. Tùng cho biết:
- Bố em chỉ là hạ sĩ quan, tử trận trong cuộc hành quân Ðỗ Xá thời Tổng Thống Diệm. Em là con út lúc đó còn ẵm ngửa, không biết gì. Sau này mẹ em mới kể lại. Gia đình sau này sống cũng nghèo khó nhờ vào gánh bún riêu của mẹ em. Ba người anh trên em đều tình nguyện vào trường Bộ Binh Thủ Ðức, phần vì muốn theo con đường của bố em, phần vì cũng muốn đỡ gánh nặng cho mẹ em. Hai anh lớn nhất của em đi trước, hai năm sau đó thì anh thứ ba mới nhập ngũ. Năm 1966, 1967 và 1969, mẹ em và em đón liên tiếp mấy cái tang. Anh Cả em tử trận tại Kinh Thác Lác, Sóc Trăng, giữa năm 1966. Không đầy một năm sau, anh Ba em tử trận vì máy bay trực thăng rớt trước lúc đổ quân ở gần Mỏ Vẹt, Tây Ninh. Người anh kế em chết vì mìn trên đường từ Qui Nhơn đi quận Hoài Ân trong cuộc hành quân mở đường Tháng Mười 1969. Bây giờ gia đình chỉ còn mình em với mẹ em thôi.
- Cụ sống ra sao?
- Trước 30 Tháng Tư 1975, mẹ em còn nhận được trợ cấp của chính phủ, nhưng sau 30 Tháng Tư 1975, không còn khoản trợ cấp nào và hiện giờ mẹ em và em sống bằng lợi tức của nghề chẳng ra nghề này. May mà em còn cái nhà này của bố em để lại. Có lần em đã tính bán để lấy một số vốn làm ăn, nhưng mẹ em vẫn chưa chịu.
- Nhưng một gia đình đã có 3 người tử trận, sao cậu không xin miễn?
- Em tình nguyện đi khóa 1/70 Thủ Ðức mà.
- Sao vậy?
- Em tính kỹ rồi, hoàn cảnh gia đình em, học cũng không đi tới đâu. Thôi thì theo đời binh nghiệp của bố vậy. Thà là xanh cỏ hai là đỏ ngực. Nhưng không xanh cỏ mà cũng không đỏ ngực như em mới phiền chứ.
Tôi cũng không biết làm cách nào an ủi Tùng trong hoàn cảnh này, chỉ khuyên anh là không nên bi quan quá. Trời còn thương và sống được nhờ công việc còm cõi đó cũng là mừng rồi. Tôi trở nên thân với Tùng những năm tháng sau này. Thỉnh thoảng tôi ghé lại Tùng bơm ga, ngồi uống với nhau bát trà vối. Tùng không hút được thuốc lào, nhưng lại hút một thứ thuốc nặng hơn: Thuốc rê Cẩm Lệ. Những tháng mưa, tôi thích lại chỗ bơm ga của Tùng. Trời mưa, khách vắng, chúng tôi ngồi uống trà vối, nhìn ra con đường lầy lội trước mặt, nhìn dân chúng phải đánh vật với những đám bùn nhầy nhụa tràn ra đường, bỗng nhiên cảm thấy một nỗi buồn giăng kín tâm hồn. Tôi và Tùng thường ngồi yên lặng hút thuốc hàng giờ như thế cho đến lúc đường phố lên đèn. Tôi giúp Tùng đẩy tủ hàng vào nhà rồi chở anh đi ăn một chút gì.
Một hôm, nhân chuyến chở một người khách xuống cuối đường Nguyễn Minh Chiếu, khi quay trở lại, tôi ghé thăm Tùng. Gác chiếc xích lô bên đường, rút cái điếu cày sau xe mang vào chỗ Tùng định bụng nói vài câu chuyện thì tôi hơi khựng lại. Bên cạnh Tùng là một người con gái. Thấy tôi ngập ngừng, Tùng nói với ra:
- Vào đây, em giới thiệu bạn em.
Người con gái ngồi cạnh Tùng cũng trạc ba mươi ngoài. Theo như Tùng giới thiệu, tên cô là Cúc, công nhân của hãng Dệt Thành Công. Cả hai quen nhau trước ngày Tùng nhập ngũ. Nhưng tình yêu giữa họ chỉ nẩy nở khi Tùng trở thành thương binh. Bên gia đình của Cúc tìm cách ngăn cản mối tình này. Cúc cũng không hề lên tiếng chống lại sự ngăn cấm, dù cô cho rằng bố mẹ cô vì quá thực tế nên không muốn cô phải khổ. Tuy nhiên, Cúc lặng lẽ, khéo léo từ chối nhiều mai mối từ những bạn bè và ngay chính bố mẹ Cúc. Cô vẫn tiếp tục gặp Tùng vài lần trong một tuần.
Vào những năm của thập niên 1990 tại Việt Nam, khi người đời coi nghề giáo học là nghề “mạt” nhất, tôi cho rằng típ người như Cúc là mẫu phụ nữ của đầu thế kỷ 20 còn sót lại: Không lấy được nhau thì thôi, không nổi loạn nhưng vẫn quyết giữ mãi tình yêu lặng lẽ và bền bỉ của mình. Thân con gái chỉ có một thời. Ðầu năm 1992, lúc tôi chuẩn bị đi Mỹ thì một hôm Tùng mò đến nhà thăm mẹ tôi vì cụ khi vào nhà tắm bị té khá nặng. Chúng tôi kéo nhau ra quán cóc ngoài đầu ngõ. Mặt buồn xo, Tùng nói:
- Anh đi rồi, em chẳng còn ai tâm sự. Trong vấn đề của em và Cúc, mọi người vẫn cho rằng em với cao quá.
- Thời buổi này, cậu quan niệm thế nào là với cao?
- Em thương tật, gia đình Cúc sợ em kiếm sống nuôi thân em cũng không nổi, huống hồ lại thêm vợ. Em thương cô ấy nên ngày hôm qua tụi em gặp nhau lần chót. Em nói em trả tự do cho Cúc để cô ấy đi lấy chồng. Nghe em nói, cô ấy giận, khóc bù lu bù loa bỏ về, sau đó nhắn với em là đừng có hòng gặp mặt cô ấy. Cúc nói không ngờ em hèn như thế.
- Mà cậu có thấy mình hèn thật không? Cậu còn yêu cô ấy không?
- Em cũng không biết nói sao nữa!
Tôi ghét đóng góp ý kiến trong vấn đề này với bất cứ ai, ngay cả những người bạn thân thiết với mình, nên chỉ nhắc lại cho Tùng hiểu rằng, anh là một người lính và dù thương tật, vẫn cần sống như một người lính.
Tháng Ba năm 1992, tôi có mặt tại Hoa Kỳ. Qua liên lạc thư từ tôi được biết, tình trạng của Tùng và Cúc vẫn lình xình như vậy, không có tiến bộ nào, nhưng cả hai đã làm lành với nhau. Tháng Tư năm 1997, lúc còn đang làm ở VNCR, tôi nhận được một thư của Tùng. Anh báo cho tôi biết rằng, anh đã sống như một người lính, có nghĩa là chấp nhận mọi sóng gió. Cúc đã thôi không làm công nhân dệt nữa. Cô đã mở ra gánh canh bún, đời sống khá hơn. Tùng cũng đổi nghề, không còn bơm ga hộp quẹt và sống bằng một quán cà phê mở ngay trong nhà anh bằng số tiền tôi gởi giúp Tùng. Quán cà phê nghèo, nhưng cà phê ngon và nhạc hay nên cũng kiếm ăn tạm được. Họ vẫn chưa lấy nhau, nhưng sống đời sống của một cặp vợ chồng. Trong phần cuối thư, Tùng viết:
“Em thấy mọi chuyện đã ổn, trừ một điều là Cúc vẫn chưa được mặc áo cô dâu. Gia đình cô ấy buồn lắm. Nhưng em nghĩ là tụi em cần có những quyết định riêng cho mình. Chừng nào chúng em có con sẽ mang về tạ lỗi với ông bà ngoại. Tụi em đắn đo lắm trước khi có quyết định này cho chính cuộc đời chúng em. Thăm anh và gia đình. Có thời giờ rảnh viết thư cho tụi em.”
Cho đến cuối năm 2003, Tùng viết thư cho tôi nói rằng vợ chồng anh đã có được đứa con trai và cuộc sống gia đình cũng tạm ổn định, dù rằng cả Cúc và Tùng rất vất vả.
 (Còn tiếp)

An Pha  (A20 Vũ Ánh)

 (Bài viết đăng trong mục “Sổ tay Cựu Chiến Binh” trên báo Người Việt ngày thứ Ba 28-06-2005)
(Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=28350)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét