13.11.19

Anh trở về trên đôi nạng gỗ (Kỳ 8)



A20 Vũ Ánh

Tình nghĩa chỉ là giấc ngủ trưa”

Khi quen một người bạn, dù là thương phế binh, tôi thường hỏi họ về gia cảnh. Ðể biết thôi và để yên tâm rằng chúng tôi là người có thể chia sẻ cho nhau những ngọt đắng của cuộc sống vào thời đó. Ðối với những người mới về từ trại cải tạo như chúng tôi, việc giao du cũng phải hết sức cẩn thận. Vào những năm 1989-1990, những người về sau chót như chúng tôi, tuy vẫn phải sống dưới lệnh quản chế, nhưng cường độ cưỡng chế đã giảm đi nhiều. Nhưng mẹ tôi là người từng sống suốt chiều dài của biết bao nhiêu lận đận do ảnh hưởng của từng giai đoạn lịch sử, từ lúc bố tôi đi kháng chiến, bỏ về thành năm 1949, bị ám sát hụt mấy lần, di cư vào Nam tưởng đã yên nào ngờ lại phải trải qua giai đoạn ghê gớm hơn sau 30 Tháng Tư năm 1975, nên các cụ có khá nhiều kinh nghiệm đối xử với nhiều hạng người sau mỗi sự đổi thay. Cụ thường xuyên nhắc nhở tôi rằng, tuy tình hình xem ra cũng có nhiều thay đổi, nhưng coi chừng “họ vẫn có những dòm chừng đối với những người mà lý lịch còn nặng nề như tôi”. Cụ nói: “Lý lịch của con đã đen ngòm như thế trong khi những tên chỉ điểm của công an giăng mắc khắp nơi, nói năng hay giao tiếp phải cẩn thận chứ không khéo lại khăn gói quả mướp vào tù lại đấy con à”.

Nhưng riêng tôi thì tôi nghĩ, khi còn ở trong cái nhà tù nhỏ thấy bốn bức tường nhà tù sát gần mình quá đâm ớn, nhưng khi ra khỏi nhà tù nhỏ để bước sang nhà tù lớn hơn, tôi nhận ra ngay rằng sống ngoài đời cũng không hơn gì trong tù, cũng sợ đủ thứ, cũng bị bóp mồm bóp miệng, cũng bị kỳ thị chứ có khác gì trong tù đâu. Trong tù cải tạo tôi không gặp sự sợ hãi vô hình, nhưng ra ngoài xã hội muôn mặt, lúc nào cũng canh cánh trong lòng nỗi lo sợ vô hình. Khi tôi kiếm được tiền bằng sức lao động của mình, ngồi ăn tô phở, uống một ly nước trà nóng thơm, hút một điều thuốc lào, tâm hồn lâng lâng nghĩ lại những ngày tháng cũ đói triền miên trong trại giam, tự nhiên tôi lại cảm thấy sợ nếu một ngày kia phải quay lại các cánh cổng nhà tù ấy... Nhưng sau đó, tôi áp dụng một phương thức giống như từng áp dụng nhiều năm trong tù bằng cách chấp nhận những điều xấu nhất về mình, ăn nói chẳng cần giữ kẽ thì thấy bình tĩnh trở lại, hết sợ sệt những điều vô hình ấy.
Một lần, vào chiều ngày 28 Tháng Tư năm 1990, tôi chở Thủ xuống chợ Bà Chiểu để cùng Tính, Thuận, Cổn, Bái tới ăn tối tại nhà bà dì ruột của Cổn cuối đường Lê Quang Ðịnh. Nguyễn Văn Cổn, cựu binh nhì Trung Ðoàn 42 Sư Ðoàn 22 Bộ Binh, quê ở Hoài Ân, Bình Ðịnh. Anh vốn là con của một chủ vựa cá ở Qui Nhơn bị gọi quân dịch năm 1974. Sau thời gian thụ huấn 9 tuần lễ tại Trung Tâm Huấn Luyện Dục Mỹ, Cổn được bổ sung về Trung Ðoàn 42. Anh bị thương trong trường hợp đặc biệt khi di tản từ Pleiku về Nha Trang trên Quốc Lộ 14 hồi Tháng Tư năm 1975. Ðơn vị của Cổn di chuyển sau cùng bị Cộng quân phục kích bị cắt làm nhiều đoạn. Lính mới tò te, chưa có kinh nghiệm nên Cổn và một số đồng đội bị bắt. Việt Cộng lúc đó không mất công mang theo tù binh nên chúng kê súng vào mắt cá của những người bị bắt nảy cò rồi bỏ lại. Cổn không thoát khỏi số phận ấy. Theo lời kể của Cổn, khi anh và những đồng đội khác máu ra nhiều, nằm thoi thóp bên vệ đường thì may mắn một đơn vị Việt Cộng khác đi qua. Thấy những người lính của đối phương nằm bên đường, máu me tùm lum, mấy người y tá của đơn vị Việt Cộng này còn chút lòng nhân băng bó cho Cổn rồi gởi xe molotova về Phú Bổn. Cổn bị cưa cả hai chân. Nằm được vài ngày thì anh bị đuổi ra khỏi bệnh viện quân và dân y Phú Bổn lúc đó đã bị tiếp quản. Một số người Thượng thương tình mang Cổn vào trong buôn. Họ sát trùng vết thương bằng cách chỉ dùng mật ong nguyên chất. Vậy mà vết thương của Cổn không bị nhiễm trùng. Cổn nói: “Không gì sát trùng tốt hơn mật ong vắt ra từ tổ ong. Người Thượng họ săn sóc vết thương cho em tận tình nhưng chỉ bằng mật ong mà thôi”.
Bốn tháng sau ngày di tản, Cổn mới lần mò được về Qui Nhơn. Anh là con trai út duy nhất trong nhà sau 4 chị gái. Vì thế hoàn cảnh của Cổn tạo ra một nỗi đau đớn lớn lao như thế nào cho gia đình. Trước khi vào lính, Cổn đã có hôn thê, nhưng khi anh trở về với đôi chân bị cưa cụt, bên vợ sắp cưới của anh từ hôn. Tôi hỏi Cổn:
- Thế cảm tưởng của cậu lúc đó ra sao?
- Em cho thế cũng là hợp lý, bởi vì em thương tật như thế này ai mà dám gánh nữa. Chúng em quen nhau từ nhỏ, nên sự chia ly này cũng làm cho mình buồn chứ. Nhưng thôi, cứ coi đời này như một giấc ngủ trưa.
- Thế sao cậu bỏ nhà?
- Chuyện dài anh ơi. Khi mất cả hai chân, em buồn lắm, chỉ muốn tự tử, tính tình thay đổi khiến cho gia đình em phải sống những năm tháng trần ai vì em. Mấy năm trước đây em lại nghiện hút. Phát hiện ra, bố mẹ em bắt em phải đi cai. Xong, em bỏ lên Sài Gòn tự kiếm sống. Như thế này, em cảm thấy thoải mái hơn. Bố mẹ em buồn lắm, nhưng em nói thẳng là để em tự lập, em không hứa không quay lại con đường thuốc sái nữa. Em đã giữ lời hứa nên, nên tuy phải kiếm sống vất vả với tủ đồ chơi bằng nhựa trước trường học, nhưng trong lòng rất thoải mái. Bố mẹ và các chị của em cũng nguôi ngoai. Ngày mai anh có phải trình diện phường không?
Tôi nói có, năm nào chả vậy, cứ đến gần những ngày lễ lớn là chính quyền tập trung tất cả những cựu công chức, cựu sĩ quan cải tạo về phải tập trung ở phường để “học tập” chính trị và “lao động xã hội chủ nghĩa”. Nhưng phía sau của những danh từ tốt đẹp này là để ngăn chúng tôi không làm sảng trong những ngày quan trọng ấy mà thôi.
(Còn tiếp)

An Pha  (A20 Vũ Ánh)

 (Bài viết đăng trong mục “Sổ tay Cựu Chiến Binh” trên báo Người Việt ngày thứ Ba 26-04-2005)
(Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=37560)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét