12.11.19

Anh trở về trên đôi nạng gỗ (Kỳ. 3)


A20 Vũ Ánh

Trở Về Trên Đôi Nạng Gỗ.

Tôi hỏi Tính:
- Cậu còn gia đình, sao lại phải sống như thế này?
Tính giọng thật thà:
- Những thằng bạn của em sống quanh đây đứa nào cũng có gia đình hết thẩy. Khi vào lính em đã có vợ rồi. Nhưng kể từ sau khi em bị cưa cả hai chân, nói cho ngay là em cũng đổi tính, mặc cảm nên khó khăn ngay cả với vợ em, bắt lỗi bắt phải đủ điều. Cuối cùng chúng em đứt gánh. Thời gian đó em bực bội và chua chát lắm. Sau ngày “đứt phim”, vợ em có quay lại với em, nhưng em tự ái và từ chối vì thực tình lúc đó em nghĩ là vợ em vì thương hại nên mới trở lại. Bây giờ cô ấy đã có gia đình khác và có hai con rồi. Em lại không muốn phiền hà cho mẹ em và mấy đứa em nên em ra sống riêng. Mấy đứa nó đã có gia đình và tránh được cái vụ đi kinh tế mới vì trước ngày 30 Tháng Tư đang là công nhân của Vimitex, sau ngày 30 Tháng Tư vẫn còn được làm. Ngần ấy năm rồi chúng nó cũng vẫn chỉ là công nhân, lương lậu chỉ đủ ăn nửa tháng, con đông nên chúng phải xoay xở với gánh chè cháo trên đường phố. Thấy em thế này chúng nó buồn lắm, nhưng chúng nó buôn gánh bán bưng, nuôi con chưa đủ làm sao giúp mình được. Con em gái út của em mỗi lần gặp em là khóc nài nỉ em trở về, nó nói có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Mỗi lần như thế, em phải gắt lên: Bộ tao đi ăn trộm ăn cắp hay nghiện ngập gì sao, chúng mới để em yên. Mẹ em cũng già quá rồi ở với vợ chồng con em út, nên em không muốn trở thành gánh nặng cho các em. Mà sống như thế này có gì là tôi lỗi đâu phải không ông anh?
Tôi an ủi Tính:
- Ở cái xã hội này, sống trên đường phố là chuyện bình thường. Chung quanh chúng ta hiện (1989) có biết bao nhiều người ngủ trên đường phố. Lên kinh tế mới, sống không nổi trốn về, không còn hộ khẩu, không một xu dính túi, ban ngày lang thang, xin làm những công việc rửa chén bát, khuân vác cho người ta, đêm đến vợ chồng, con cái qua đêm trên những vuông chiếu chung quanh khu vực Lăng Ông và Chợ Bà Chiểu. Chỗ ở của cậu và các bạn dưới cái mái của rạp hát này là sang hơn các “khách sạn trên hè” rồi.
Tính cười:
- Vâng em cũng thấy thế. Ðổi đời mà anh. Trông lên thì chẳng bằng ai, trông xuống không ai bằng mình.
Tôi ngạc nhiên về sự nhẫn nhịn của Tính. Trong sự nhẫn nhịn ấy có một chút ngang bướng, một chút thiền. Hút thêm một điều thuốc lào nữa, Tính nói tới những ngày tháng cũ, nói tới trận đánh đã khiến anh mất đôi chân, nói tới giây phút tỉnh thuốc mê trên giường bệnh, nói về sự hụt hẫng những tháng đầu tiên khi mình thiếu đôi chân, nói về cái địa ngục mà Tính đã tạo ra cho mọi thành viên trong gia đình năm đầu tiên sau khi ra khỏi quân y viên. Giọng Tính trở nên mơ màng:
- Em nhớ là trong cuộc hành quân đầu tiên trong đời lính, đại đội em bị khá nặng, chết tới 4 người. Khi đưa xác về trại gia binh, bố mẹ vợ con họ chửi những thằng còn sống như tụi em quá trời, và cho “ăn đủ thứ...” Phản ứng tự nhiên của đau khổ mà. Chúng em chẳng trách gì, trái lại thấy thương họ quá. Vì thế, nếu tại mặt trận mà tính cái giá của chiến tranh qua việc tính số người chết, em thấy không đúng lắm. Còn phải tính cả cái giá của những người bị thương trở thành tàn phế như tụi em.
- Mà cậu có ân hận không?
- Thời thế mà anh, như vậy thì phải chịu vậy thôi. Ðôi lúc ân hận và giận đời, nhưng rồi qua đi được.
Tôi hỏi Tính một chuyện mà tôi thắc mắc từ trong trại cải tạo:
- Sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975, tại miền Nam không phải chỉ có thương binh của quận đội miền Nam mà còn có cả thương binh của quân đội Cộng Sản. Ở Lăng Ông và chợ Bà Chiểu tôi cũng thấy một vài người phải đi bán vé số. Nếu gặp cậu, họ có thù hận hay kỳ thị gì không?
Sau vài giây suy nghĩ, Tính đáp:
- Nói cho ngay, năm đầu tiên, một số thương binh miền Bắc cũng tưởng họ cũng là những người chiến thắng thật. Nhưng dần dà nhìn cảnh sống và sự khiếm khuyết trên thân thể, họ nhận ra mình cũng là kẻ thất bại trong cuộc đời này. Họ hơn chúng em là họ còn được chế độ trợ cấp, nhưng tiền trợ cấp chẳng đủ sống nên cũng phải xoay sang những “nghề” như chúng em. Ðó là những thương phế binh không có thần thế. Còn những tay có thần thế hơn thì đi bảo kê buôn lậu hay các quán nhậu, quán bia ôm để thu hụi chết. Ðủ chuyện hết. Cho nên, ít lâu sau “đứt phim”, những cái nhìn nhau giữa những người tàn phế vì chiến tranh đều qui về một mối. Em sẽ giới thiệu với anh một tay thương phế binh miền Bắc. Thằng này dân bến đò Bính, Hải Phòng... nhưng hiểu biết và chịu chơi lắm.
Ðột nhiên, Tính nói:
- Mà sao ông anh hỏi kỹ thế. Bộ trước đây làm báo hả, thấy anh hỏi theo cái kiểu nhà báo.
- Sao cậu lại hỏi tôi như vậy?
- Chẳng là mấy năm trước đây, mấy nhà báo “bây giờ ấy” hay lân la đến tụi em để hỏi han đủ thứ, em trả lời dấm dớ và khi biết em là thương binh quân đội miền Nam, họ bỏ đi một nước.
- Bây giờ tôi không phải nhà báo, nhưng sau ngày 30 Tháng Tư hơn tháng thì tôi đi cải tạo rồi nên chẳng biết chuyện của các cậu ra sao, hỏi cho biết.
Chúng tôi ngồi với nhau đến tận khuya. Cũng vào dịp này Tính giới thiệu tôi với một số thương phế binh thuộc “gia đình” của anh: Cẩn, Toại, Thủ, Lăng và Thừa. Những thân hữu của Tính trong “xóm cụt” này (như nguyên văn từ ngữ Tính dùng) chỉ có Hoàn và Cả. Tính nói:
- Bọn chúng em chỉ coi Hoàn và Cả là bạn chứ không phải là người trong gia đình vì họ chơi được. Họ là những bô đội miền Bắc bị thương trong những trận trước ngày 30 Tháng Tư. Cả hai có những chuyện mà nghe ra không thể tưởng tượng nổi. Chỉ thỉnh thoảng Hoàn và Cả mới lê lết đến đây.
Bước vào cái thế giới mà ngay cả trước ngày 30 Tháng Tư tôi cũng không mấy thiện cảm, mới thấy rõ rằng nếu không sống với họ thì không thể nào hiểu nổi họ. Trước ngày 30 Tháng Tư, tuổi thanh niên của chúng tôi trải qua những suy nghĩ đầy lý tưởng và nhiều khi xa rời với thực tế. Trong suốt những năm tháng khi chiến tranh bắt đầu lan rộng, tôi sống với mặt trận đến 25 ngày trong một tháng, kể cả lúc chưa ở lính và sau khi ở lính rồi, để nói cho dân chúng biết những gì đang diễn ra trên chiến trường, đã chứng kiến tận mắt quá nhiều những cảnh khổ đau của chiến tranh, đã là nhân chứng cho những người lính kiên cường, chịu đựng và không tính toán trước cái chết, nhưng lại ít khi thấy được tận mắt hậu quả về đủ mọi phương diện khi người lính phải từ giã chiến trường với tay chân hay đôi mắt để lại, ít khi được chứng kiến tận mắt nghị lực của những người lính thương tật khi vượt qua được những khó khăn của cá nhân mình, ít khi được chứng kiến tận mắt những người lính không vượt qua được những cơn giận dữ đến quay quắt, không kềm chế được những tiếc nuối vì mất mát, không thoát ra được sự vây bủa của chướng ngại tâm lý mặc cảm, sống lệ thuộc vì thiếu cơ phận trên than thể. Chính vì không tân mắt nhìn thấy những điều mà một thương binh phải đối phó trên giường bệnh và trong đời thường sau ngày rời khỏi quân y viện nên, nên bản thân tôi cũng từng có những cái nhìn bảo thủ và khắt về việc một số thương phế binh đã hành xử không đúng luật pháp khi đi “cắm dùi” trên đất công cũng như đất tư vài năm trước ngày 30 Tháng Tư.
An Pha  (A20 Vũ Ánh)
(Còn tiếp)

(Bài viết đăng trong mục “Sổ tay Cựu Chiến Binh” trên báo Người Việt ngày thứ Ba 22-03-2005)
(Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=37560)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét