13.11.19

Anh trở về trên đôi nạng gỗ (Kỳ 14 "Hết")



A20 Vũ Ánh


Vẫn mang nặng trên lưng một gánh thảm kịch

Có lẽ trong số tất cả những người bạn thương phế binh, hiện nay tôi chỉ còn liên lạc được với Tùng. Cuộc sống của vợ chồng Tùng tương đối vững vàng. Hai vợ chồng đã mở được một quán ăn thay cho cái quán cà phê nghèo nàn trước đây. Lá thư Tùng qua e-mail cho tôi cách đây vài tuần cho thấy rằng Cúc và Tùng có thể bành trướng thêm cái quán ăn này, nhưng Tùng nói rằng đời sống của họ như vậy là bonus rồi, không đòi hỏi gì hơn nữa. Nhưng điều Tùng buồn nhất là đám bạn bè thương tật cũ nay không còn tìm lại được đứa nào. Nghèo khó, đói, bệnh tật và những chiến dịch tảo thanh “làm sạch đường phố” khiến cho họ thất tán thêm một lần nữa.

Tùng cho biết có mùa Xuân vừa rồi, anh lên mấy trại được mệnh danh là phục hồi nhân phẩm tại Phước Long để tìm tông tích những bạn cũ, nhưng không gặp được người nào. Tùng viết: “Tại sao em lại lên vùng này tìm các bạn chúng ta, vì bọn họ không biết nhốt những người như chúng em mà phải sống trên hè phố vào đâu, nên cứ hốt được người nào là thẩy lên Sông Bé. Dường như trên bờ con sông này hiện nay là quần đảo của trại giam những phạm nhân nam nữ tệ nạn xã hội. Cái đau của em là những bạn chúng ta là tuy phải sống trên hè phố, họ vẫn sống lương thiện như lối sống của sống của những người lính”.

Khi xã hội càng phát triển, thì cuộc sống của người thương phế binh càng khó khăn hơn. Lý do, theo như thư của Tùng, là không còn những “nghề mọn” nữa. Tùng viết: “Ngày xưa, em sống bằng việc bơm gas vào những chiếc hộp quẹt nhỏ, hoặc bơm mực vào bút bi. Nhưng nay loại hộp quẹt ga bằng nhựa loại dùng-rồi-bỏ bán đầy đường, giá rẻ, cần gì phải đi bơm lại cho mất công. Nhang đèn ở trước cửa chùa chiền bây giờ do có người đứng ra thầu với nhà nước, thương phế binh đừng có hòng chia phần thị trường, còn bán vé số thì cũng không còn thịnh nữa. Họ sống rất khó khăn. Nếu tìm được cách nào đó, anh hãy cố gắng vận động để giúp họ”.

Ngày xưa, khi xông vào lửa đạn, những người lính mang trên vai chiếc ba lô nặng trĩu một gánh sơn hà. Nhưng khi súng đạn cắt mất một phần thân thể của họ, cái gánh của thảm kịch chiến tranh thay thế và họ phải nhận chịu một mình. Chính phủ VNCH lúc đó cũng đã có một chính sách rõ rệt để trợ giúp họ, nhưng cũng không làm sao bù đắp được những thương tổn lớn lao về vật chất, tinh thần của họ. Ðến khi Miền Nam rơi vào tay Cộng Sản, cái gánh nặng thảm kịch trên lưng những thương phế binh VNCH còn nặng hơn bội phần.

Vì thế, những điều tôi viết ra cũng mới chỉ phản ảnh một phần rất nhỏ cuộc sống đen tối của những thương phế binh của chúng ta tại quê nhà vào giai đoạn cách đây mười ba năm. Thời gian trên một thập niên là thời gian chưa đủ dài để thay đổi một đời sống đối với những người còn đủ chân, đủ tay và đủ sức. Nhưng thời gian trên đã quá đủ để đầy một người lính không may trong trận mạc xuống vực thẳm sâu hơn của cuộc đời.
Vậy có viết ra thì cũng chỉ là bày tỏ lòng xót xa với những đồng đội bạc phận của mình mà thôi!

(California - Mùa Hè 2005)
An Pha  (A20 Vũ Ánh)

 (Bài viết đăng trong mục “Sổ tay Cựu Chiến Binh” trên báo Người Việt ngày thứ Ba 05-07-2005)
(Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=28350)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét