13.11.19

Anh trở về trên đôi nạng gỗ (kỳ 10)



A20 Vũ Ánh


“Cựu tù nhân và những ngày lễ lớn”

Trong giấy tờ ra trại vào cuối Tháng Mười năm 1988, Cục Trại Giam Miền Nam có ghi là tôi bị đặt dưới chế độ quản chế 5 năm. Về ngày hôm trước thì sáng hôm sau tôi đến trình diện công an phường ngay. Trưởng công an phường tôi ở lúc đó là Vinh “đen”. Anh ta khoảng độ 40 ngoài, người Thái Bình, từ bộ đội chuyển ngành sang công an. Khi tôi xuất trình giấy ra trại ra thì anh ta bảo tôi ngồi xuống ghế rồi hỏi: “Anh làm gì mà ở trong trại lâu vậy”. Tôi nói: “Tội phản động”. Vinh “đen” cười cười: “Người ta cũng tội phản động như anh đi ba năm đều về sao anh ở mãi đến nay. Chắc lại chống báng gì trong trại phải không? Thôi, đưa tôi chứng nhận cho và về đời sống này thì đừng có vọng động gì nữa nghe không?” Sau đó, anh ta đưa cho tôi quyển sổ trình diện và dặn: “Anh đi đâu thì tự do, không cần phải xin phép. Chính quyền ta đã đổi mới, nhưng đi đâu ngày nào và gặp ai anh cũng phải ghi đầy đủ vào quyền sổ này, tháng nộp cho tôi một lần”.
Tôi cầm quyển sổ về nhà, và thực hiện y như đòi hỏi của công an phường. Nhưng đến tháng thứ ba thì, Vinh “đen” ký xong, bảo tôi:
- Này anh, tháng sau khỏi trình diện tôi mà cũng khỏi ghi vào sổ. Chỉ cần cũng ngày này một năm sau lại trình diện để tôi hỏi những gì tôi thắc mắc. Nói thật với anh, tôi bận nhiều việc quá mà tiếp anh hàng tháng thì mất hết thời giờ. Vả lại tôi cũng thấy anh tốt rồi.
Bận bịu nhiều việc của Vinh “đen” ở đây được hiểu rằng, anh ta phải lo cái lò nấu bánh chưng cho vợ đem bán ở chợ và dùng thời gian công vụ đi thu tiền “lót tay” của những lò sản xuất đậu hũ tư nhân trong các xóm lao động và những hộ buôn thuốc lá lậu trong khu vực trách nhiệm của anh ta. Khi tôi bước ra gần tới cửa, Vinh đen gọi giật tôi lại và nhờ tôi chở giùm mấy bao đầu gỗ vụn của ván sàn tại những trại cưa trong phường. Thời điểm tôi đi cải tạo về là cao điểm của phong trào ván sàn. Trại cưa nào lúc đó cũng có hợp đồng ván sàn với nhà nước. Một thanh ván sàn dài mà cưa thành từng khúc ván theo kích cỡ ván sàn thế nào cũng phải thừa hai khúc đầu và đuôi. Thông thường các trại cưa đều cho những người nào đến dọn vệ sinh cho trại như một cách trả công. Tôi hiểu đây là một kiểu phải đấm mõm Vinh “đen” nên vác chiếc xích lô đến một trại cưa quen xin vài bao ván sàn vụn và mạt cưa về cho anh ta và bù lại chiều hôm đó tôi phải vào trại cưa giúp dọn vệ sinh để trừ. Do chuyện đấm mõm này và thấy tôi làm xích lô lam lũ, đen đúa, lúc nào áo cũng ướt sũng mồ hôi... Vinh đen coi như đời tôi đã “chấm hết”, nên chẳng còn để ý gì nữa. Lâu lâu anh ta ghé qua nhà, thẩy cho tôi bánh thuốc lào Tiên Lãng và bù lại phải đi xin cho anh ta hai bao củi.
Buổi trưa ngày 29 Tháng Tư năm 1990, như thông lệ hàng năm, tôi đến trình diện tại trụ sở phường. Cùng đến trình diện còn có một số cựu sĩ quan và công chức cải tạo về trước tôi, tất cả là 9 người. Một ông bạn đồng cảnh nói nhỏ với tôi: “Số 9 tốt đấy, Mỹ sẽ đón đi hết”. Thấy anh đi bằng nạng, tôi hỏi:
- Trại nào? Sao bị thương?
- Hoàng Liên Sơn. Chặt cây, bị cây đè.
- Thế thì ông cũng là “thương binh” rồi còn gì?
- Thương binh trong hoàn cảnh này thì buồn bỏ mẹ. Không bên nào nhận mình là thương binh cả mới chết chứ!
Chúng tôi cùng cười xòa. Thái, sĩ quan cấp úy, phục vụ Tiểu Khu Quảng Ngãi sau biệt phái về Trung Tâm Huấn Luyện Quốc Gia Vũng Tàu, cuối cùng là Tiểu Khu Long Khánh, về trước tôi 5 năm. Do thương tật nên Thái kiếm sống bằng phụ giúp vợ rửa chén cho quán cơm bụi bên lề đường Lê Quang Ðịnh.
Chúng tôi được một nhân viên phường tiếp nhận và chỉ cho chỗ ngủ đêm tại hội trường nhỏ trong trụ sở phường. Sau đó, nhân viên này phát cho chúng tôi mỗi đứa một cái rìu và dẫn tất cả mọi người lên chỉ vào một đống củi lớn ở phía sân sau và nói:
- Mỗi anh một thước khối, chẻ xong xếp anh nào riêng anh ấy, tôi sẽ tiếp nhận. Xong sớm nghỉ sớm.
Tôi hỏi:
- Thế xong rồi thì có được về nhà không ạ?
Nhân viên phường ngó tôi:
- Lạ nhỉ, cải tạo bao lâu rồi mà không biết gì cả. Ðể các anh về khu mình sớm cho dân chúng nó xé xác các anh ra à. Họ thù các anh lắm. Mốt mới về được.
Tôi cười thầm trong bụng, nhưng đồng thời phục cái chất kinh điển của ông nhân viên phường này. Ông ta thừa biết rằng chúng tôi đã được thả về và đã có khả năng tự kiếm sống được rồi, có ai hề hấn gì vì thù với hằn đâu. Rút kinh nghiệm, không nên để cho ông cán bộ này nói thêm gì nữa chúng tôi phải gật gật, gù gù.
Làm “công quả” kiểu này lại đâm vui. Chúng tôi quây quần vừa nói chuyện, vừa chẻ củi, thỉnh thoảng buông rìu hút thuốc lào. Buổi tối, chúng tôi được bồi dưỡng một nồi chè, nhưng bù lại bị một ông từ Mặt Trận Tổ Quốc xuống cho “ngồi đồng” chừng một tiếng đồng hồ. Sau đó chúng tôi thoải mái trong khuôn khổ của cái hội trường nhỏ của trụ sở phường. Thế là đủ thứ chuyện liên quan đến chuyện ra đi theo chương trình HO lúc đó sắp khởi sự, tin đồn một số chạy chọt để được đi sớm hơn anh em khác, tin về việc phỏng vấn, khám sức khỏe, lấy vé máy bay. Nhưng câu chuyện chỉ kéo dài được tiếng đồng hồ rồi ai nấy chìm vào sự trầm ngâm. Tôi nói cho mọi người vừa đủ nghe:
- Ðừng có hỏi nhau xem đứa nào trong ngày này, cách đây 15 năm trước làm gì và ở đâu nghe. Tôi kị lắm đấy!
Câu trả lời là không ai trả lời gì cả. Có lẽ chúng tôi đều thông cảm được nỗi đau của nhau.
(Còn tiếp)
An Pha  (A20 Vũ Ánh)

(Bài viết đăng trong mục “Sổ tay Cựu Chiến Binh” trên báo Người Việt ngày thứ Ba 10-05-2005)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét